Một đóng góp vào nghiên cứu đặc trưng của đờn ca tài tử


 

Đờn ca tài tử là một thể loại ca nhạc phổ biến rất rộng rãi trong đời sống thường ngày của người dân trên đất Nam Bộ. Nhưng với đa số người dân miền Bắc hiện nay đờn ca tài tử còn ít nhiều xa lạ, bởi khoảng cách địa – văn hóa một phần và khoảng cách địa – chính trị (Nam Bắc phân chia 1954 – 1975) phần khác. Đọc Đờn ca tài tử – đặc trưng và đóng góp của Nguyễn Thụy Loan (1) có thể rút bớt những khoảng cách đó.

Trước hết, tác giả cho người đọc biết một diễn trình của đờn ca tài tử nguồn gốc cho đến ngày nay. Vốn bắt nguồn từ nhạc lễ dân gian, được trình tấu trong tang lễ, tế lễ, rồi thành lễ mừng tân quan, tân gia, đám cưới, đến nửa cuối TK XIX, nhờ kết hợp với trào lưu học hỏi hòa tấu cổ nhạc từ Huế truyền vào, đờn ca tài tử đã hình thành và phát triển với một hệ bài bản ngày càng phong phú. Trong hai thập niên đầu TK XX, nhờ sự phát triển của đô thị, thị trấn, thị tứ, sự giao lưu và tranh đua giữa các môn phái tài tử miền Đông và Tây Nam Bộ đã thúc đẩy đờn ca tài tử phát triển đến đỉnh cao, “chẳng những về kỹ thuật đờn, ca, mà cả về phương diện ghi chép, hệ thống hóa, tu chỉnh những bản nhạc cổ, đào tạo những nghệ sĩ đờn ca, sáng tác” (tr.21). Đến khi xuất hiện phong trào canh tân hý kịch, thì các nghệ sĩ Nam Bộ, bằng sự thích ứng nhanh nhạy với thời đại, đã mau chóng tạo ra những chuyển biến mới cho đờn ca tài tử. Từ lối sinh hoạt mang tính chất gia đình khép kín, đờn ca tài tử bước lên sân khấu tân thời rực rỡ ánh đèn, từ một lối ca có vấn đáp đã hình thành lối ca ra bộ, để, cuối cùng, kết hợp với kịch phương Tây hình thành thể loại kịch hát mới: hát cải lương. Đờn ca tài tử sau hát cải lương vẫn tiếp tục con đường phát triển riêng của nó, đồng thời vẫn cung cấp cho sân khấu cải lương những giọng ca, những nghệ sĩ xuất sắc. Đờn ca tài tử, quả vậy, là một hiện tượng lớn của âm nhạc Việt Nam hiện đại, một bài học lớn về bảo tồn và phát triển âm nhạc truyền thống bằng con đường tự nhiên, tự thân, không có những can thiệp của quyền lực hành chính.

Sau đó, để bước đầu xác định đặc trưng của đờn ca tài tử, tác giả đã giải đáp câu hỏi xem thể loại ca nhạc này là dân gian hay bác học? Câu trả lời của tác giả: đờn ca tài tử là một thể loại ca nhạc bác học. Bởi lẽ, thứ nhất, xét về đặc trưng thể loại, ở góc độ văn học, thì đờn ca tài tử dùng nhiều từ Hán – Việt, các bản nhạc đều có nhan đề Hán – Việt; thể thơ của đờn ca tài tử thuộc dòng văn chương bác học như thơ cách luật, từ khúc; hệ đề tài phần lớn lấy từ văn học hoặc lịch sử Trung Hoa. Ở góc độ âm nhạc học thì đờn ca tài tử đã định hình những nguyên tắc sáng tác và biểu diễn; đã có một hệ thống nhạc lý (tổ chức độ cao, các khái niệm liên quan đến tổ chức trường độ, đặc tính âm nhạc và sự phân chia các loại nhạc điệu); cuối cùng đờn ca tài tử là loại nhạc thành văn. ở góc độ văn hóa học, đờn ca tài tử “có mối quan hệ mật thiết, đồng thời chịu sự chi phối của vũ trụ luận phương Đông và mang đậm dấu ấn của sự giao lưu – tiếp biến của văn hóa học Trung Hoa” (tr.58). Thứ hai, xét về nguồn gốc thể loại, đờn ca tài tử trước hết có nguồn gốc trực tiếp từ nhạc cổ truyền Việt ở Nam Bộ. Sau đó là nguồn bổ sung của ca nhạc Huế, cả từ góc độ bài bản và nhạc khí, cũng như vai trò của nhiều nhạc công gốc miền Trung. Cuối cùng, xa hơn, là nguồn ảnh hưởng của dòng nhạc cung đình Thăng Long, thông qua nhạc cung đình nhà Nguyễn, khi kinh đô của Việt Nam chuyển vào Huế. Như vậy, đờn ca tài tử “chính là sự tiếp nối, phát triển và Nam Bộ hóa của ca nhạc thính phòng Huế nói riêng và, xa hơn là, của ca nhạc cung đình Huế và ca nhạc cung đình Việt nói chung” (tr.72). Ngoài ra, tác giả cuốn sách còn có những điểm nhấn khác để khẳng định đờn ca tài tử là thể loại bác học như vai trò của nho sĩ và thuộc tính nho sĩ của nghệ thuật đờn ca tài tử; đặc tính động (đóng?) – mở và tính dị bản cũng như phương thức truyền khẩu, truyền ngôn không hề đối lập với nghệ thuật bác học. Từ những luận điểm và luận chứng trên, tác giả đi đến kết luận: “Mặc dù tồn tại trong môi trường dân gian, song, cùng với nguồn gốc cung đình bác học của mình, ở mọi góc độ, đờn ca tài tử vẫn mang đầy đủ những đặc tính cơ bản của một loại hình nghệ thuật bác học cổ truyền. Đó thực sự là một nghệ thuật bác học” (86).

Cuối cùng, tác giả coi đờn ca tài tử là nơi hoàn thiện lý thuyết điệu thức của người Việt. Vấn đề này, trước đó tác giả đã phần nào giải quyết trong bài Thử dẫn giải lại về một lý thuyết điệu thức của người Việt qua bài tài tử và cải lương (2) nay được xử lý lại trên cơ sở tư liệu và nhận thức mới. Đầu tiên, tác giả khẳng định từ nửa cuối TK XV, người Việt đã có một hệ thống nhạc lý. Và hệ thống nhạc lý này vẫn được kế thừa và phát triển cho đến ngày nay. Trong số những thể loại ca nhạc cổ truyền như ca nhạc thính phòng Huế, nghệ thuật tuồng và đờn ca tài tử, thì đờn ca tài tử, tuy có niên đại muộn nhất trong việc chuyển giao và kế thừa hệ thống âm luật Hồng Đức, vẫn là nơi hoàn thiện hệ thống lý thuyết về điệu thức. Coi phát hiện trên như một giả thuyết làm việc, tác giả đã chứng minh đờn ca tài tử có một hiện tượng âm nhạc tương ứng với khái niệm điệu thức trong nhạc lý phương Tây, dĩ nhiên là dưới các thuật ngữ nghệ thuật khác như các tên gọi Bắc, Nam gắn với hai trong bốn cung, hai luật Âm kiều Dương Kiều gắn với việc vận dụng nguyên lý âm dương trong nhạc lý và con số bốn gắn với các cung của âm luật Hồng Đức… Điệu thức của đờn ca tài tử khác với lý thuyết điệu thức phương Tây đã đành, mà, quan trọng hơn, còn khác cả với lý thuyết điệu thức Trung Hoa.

Tuy vậy, ý nghĩa đờn ca tài tử không chỉ bó gọn trong bản thân âm nhạc, mà, với tư cách là một hiện tượng văn hóa buổi giao thời, ý nghĩa của nó còn to lớn hơn. Trước hết, với ý thức chống lại sự học đòi, bắt chước một cách vố lối của phong trào đặt lời ta cho điệu Tây, đờn ca tài tử đã bảo vệ những giá trị của âm nhạc dân tộc, của một thể loại âm nhạc cổ truyền. Và nữa, có thể nói, cho đến nay, đờn ca tài tử còn cung cấp một bài học nóng hổi về việc bảo vệ di sản văn hóa cổ truyền. Nhưng, tôi nghĩ, đờn ca tài tử làm được điều đó là do sự xung đột/giao thoa văn hóa Đông Tây. Các nghệ sĩ của thể loại âm nhạc này bảo vệ cái cổ nhưng không bảo thủ, mà biết nhìn nó từ cái hiện kim, nhờ thế mà phát huy được nó.

Tóm lại, chuyên luận Đờn ca tài tử – đặc trưng và đóng góp của Nguyễn Thụy Loan là một công trình nghiêm túc, vừa có tính lý thuyết sâu xa, cơ bản, vừa thực tiễn sinh động, cụ thể. Nó đáng được độc giả đón đọc, nhất là khi đờn ca tài tử đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

_______________

1. Nxb Văn hóa Thông tin và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2013.

2. Tạp chí Nghiên cứu Nghệ thuật, số 5-6, 1978; số 1-2, 1979.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 358, tháng 4-2014

Tác giả : Đỗ Lai Thúy

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *