Một khía cạnh của diễn ngôn dân tộc trong tiểu thuyết chu lai

Tính dục là một yếu tố quan trọng trong tiểu thuyết của Chu Lai sau đổi mới. Nhà văn đã sử dụng thành công hệ thống ngôn ngữ thân thể như một phương tiện đắc lực để thể hiện diễn ngôn tính dục. Song cũng như bất cứ diễn ngôn nào, tính dục không chỉ là vấn đề thuần nhất thuộc bản năng con người. Dựa trên bối cảnh xã hội đương thời được phản ánh trong tác phẩm, sự chi phối của những chi tiết nhục cảm, chúng ta có thể xác nhận sự tồn tại của diễn ngôn dân tộc qua tính dục trong tiểu thuyết của Chu Lai.


Trước hết đây là một diễn ngôn được hóa trang khéo léo bằng câu chuyện của người phụ nữ đi xuất khẩu lao động nước ngoài. Những năm 80 TK XX, biết bao con em người Việt sang xứ người kiếm sống, không ít trong đó là những người lính mới trở về từ chiến trường. Thông qua Nam, Chu Lai đã gửi đến bạn đọc những suy nghĩ trăn trở về hiện tượng này: “Nó là cái gì? Là sự bừng tỉnh hay sự nhục nhã? Là thức thời hay sự cam chịu? Không! Như Bình đã có lần nói, thà rau cháo đói khát, thà buôn lậu trấn lột để sống còn hơn là để vợ đi cu li cho người ta, nhất lại là một người vợ như… cô ấy!” (1). Rõ ràng đây không chỉ là tâm lý bị tổn thương, không thể làm chỗ dựa cho gia đình mà còn là nỗi nhục giống nòi. Tiếng sôi của cái bụng lấn át tiếng nói tự tôn dân tộc, người ta tự an ủi, không hổ thẹn vì làm thuê cho nước bạn, phe mình. Nhưng đến năm 1989, bức tường Beclin sụp đổ đã gây nên biến động dữ dội. Thật bẽ bàng, vì kế sinh tồn, lao động người Việt buộc phải làm thuê cho kẻ thù là nước Đức tư bản. Không khó hiểu khi bố Thảo, một ông tướng già nhất định không chịu nhận đồ con gái gửi. Trong khi trước đây, khi còn nguyên nước Đức cộng sản, ông luôn vui vẻ nhận đồ.

Đặt vào phông nền trên, đời sống tính dục của vợ chồng Thảo sau khi chị đi xuất khẩu trở về là một ẩn dụ ngầm cho diễn ngôn dân tộc. Giây phút đoàn tụ, Thảo vỡ òa hạnh phúc trong vòng tay người chồng chung thủy. Nhưng họ chưa kịp thỏa hờn, chìm đắm trong nhau thì bất hạnh đã gõ cửa ngay đêm đầu ân ái. Bao băn khoăn, xen vào tâm trí Thảo: “Cùng với cảm giác tận cùng mệt mỏi và tận cùng viên mãn quen thuộc, trong chị bỗng dưng lại có một thứ cảm giác khác xen vào, cảm giác này rất mỏng thôi, không mùi vị, không rõ hình thù, không thể gọi tên, khó tả nhưng vẫn là một cảm giác” (2). Thảo cảm nhận rõ Nam vẫn thế, vẫn cuồng nhiệt, dai dẳng nhưng chị cũng thấy không phải thế, không đúng thế.

Chu Lai đã vô cùng tinh tế, từng bước truy tìm dấu vết những biến đổi trong đời sống chăn gối của Thảo, Nam. Ông không gọi tên ngay cũng giống như chưa thể thừa nhận vai vế thấp kém của người Việt đi làm thuê xứ người. Từ chỗ bấu víu vào hoàn cảnh, Thảo nghi ngờ sự thay đổi trong chính mình cùng bí mật về gã Việt kiều từng dùng thuốc hãm hại chị. Không phải ngẫu nhiên khi Chu Lai xác định lai lịch gã đàn ông đặc biệt này. Hắn nhất định phải là Việt kiều, đã rời xứ từ trước 1975, một mốc thời gian có ý nghĩa quan trọng. Với hành vi bỉ ổi, hắn đã bị tước bỏ tư cách công dân Việt của mình. Chi tiết bàn tay thô rám, phơn phớt những sợi lông màu hung, thơm hăng hắc của gã một lần nữa gợi cảm nhận về thứ ngoại lai sặc mùi tư bản. Hành động điên loạn thọc tay vào ngực Thảo của gã sống lại trong tâm trí Thảo ngay cả khi chị gần gũi bên chồng và dần chi phối mọi cảm xúc tính dục. Với chị, mùi khen khét nhục cảm đầy quen thuộc, yêu thương của Nam những ngày vất vả, bỗng trở nên đáng sợ, không chịu nổi. Thảo không thể chia sẻ với chồng bởi chị hiểu bản tính đàn ông, hiểu những giới hạn dẫu là vợ chồng cũng khó có thể vượt qua. Biết rằng mình đã bị bàn tay dâm dục kia ám ảnh, coi đó như một nỗi nhục dù chị không có lỗi, Thảo đã thất vọng khi tìm cách bấu víu vào tổ ấm gia đình. Nằm giữa chồng con nhưng cảm giác với người xa lạ vẫn không bị xóa đi mà càng trỗi dậy. Câu nói của Loan, người em gái, ẩn chứa sự tủi hờn của cả một dân tộc để người dân bán sức kiếm ăn nơi đất khách quê người: “Chỉ đơn giản một điều là bà chị tôi ngửi không khí Tây, ăn thức ăn của Tây, mắt quen nhìn khuôn mặt Tây, tất cả đều bao bọc xung quanh cái hương vị Tây thơm tho văn minh nhiều quá nên trở về với anh chồng rừng rú, hoang sơ, tự nhiên đâm ra thất vọng vậy thôi” (3). Mọi nỗ lực của Thảo mong trở về ham muốn ngày nào đều vô vọng vì: “Như có hơi ám của ma quỷ, cái bàn tay và cái dáng hình ấy đã chui luồn, đã vấy đen tận tâm não chị mất rồi!” (4). Tâm lý đầy mâu thuẫn của Thảo thật gần với những trăn trở của một thế hệ buộc phải rời xa đất nước kiếm sống. Họ vừa khinh rẻ cái thứ culi bán xứ, vừa mong muốn ra đi để ngày về cuộc sống sẽ khá hơn.

Có thể nói, sự va chạm của Thảo với gã Việt kiều, những ám ảnh về gã chính là hình thức hóa trang cho nỗi đau dân tộc. Cái đói nghèo khiến một đất nước đang đứng trên đài chiến thắng phải cúi mình. Đồng tiền mồ hôi nước mắt lại là biểu hiện rõ nhất cho sự cưỡng bức kinh tế không tránh khỏi. Để xoa dịu vết thương quá lớn ấy, Chu Lai đã tìm đến một giải pháp cứu vãn mang tính an ủi. Nỗi nhục quốc thể được quy đổi bằng hình tượng khác mang thuộc tính dân tộc. Ông xóa bỏ yếu tố ngoại bằng vấn đề của những người tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn. Thảo đã tìm thấy sự thay thế ở Hùng, một người lính cách mạng, một người làm ăn giỏi thời bình. Cái đích Chu Lai hướng tới không đơn thuần là bi kịch gia đình với những hệ lụy. Vì vậy, trong mối tình ngang trái của Thảo và Hùng, tác giả không tập trung vào sự phê phán gay gắt. Mọi thứ xung quanh Hùng thật đẹp, đẹp từ sự rung động của anh trước hình ảnh Thảo trong thời chiến, đẹp trong nỗi đau khổ cố gắng rời xa Thảo. Dẫu vẫn có những rào cản đạo đức, nhưng quan niệm về tình yêu của anh đáng trân trọng biết bao: “Cái còn lại đáng kể nhất là yêu và được yêu. Yêu hết mình, yêu tan rã, yêu tận cùng rồi chết” (5). Chu Lai đã tạo ra sự tương đồng có thể thay thế giữa nhân vật này và gã Việt kiều, như một sự hợp thức hóa cái lý cho Thảo tìm lại những cảm giác quen thuộc chốn quê hương: “Trời ơi! Sao anh ta lại phảng phất giống cái gã tỉ phú Việt kiều đã thô bạo thọc tay vào ngực chị đêm ấy đến thế? Tất nhiên không giống mặt mũi, không giống cái gì hết nhưng lại giống tất cả” (6).

Thậm chí đi xa hơn, Hùng và Nam cùng một chặng đời trận mạc khiến sự liên kết càng về gần cội nguồn chính thống của diễn ngôn dân tộc. Vẫn yêu chồng như ngày nào nhưng Thảo không thể yêu chồng trọn vẹn. Sự rạn nứt lớn nhất trong mối quan hệ vợ chồng chính là sự rạn nứt tính dục. Chị dần dửng dưng chuyện giường chiếu với chồng, dù có vị tha, nỗ lực bắt theo mạch cảm xúc của chồng nhưng chị luôn thất bại. Cuộc tình tay ba kết thúc bằng cái chết của Thảo và một người ngoài cuộc tên Lãm, sự hóa điên của kẻ được thay thế là Hùng và cuộc sống đau khổ đọa đầy của Nam. Đây là cái kết ám ảnh, quy chiếu đến chủ đề lớn được tác phẩm đề cập.

Thông qua tính dục, diễn ngôn dân tộc đã thẳng thắn nhìn vào sự thật, tái hiện lại hiện thực đời sống bằng hình tượng văn học. Đó là sự ra đi của Thảo, hành động kích dục hèn hạ của gã Việt kiều và bàn tay nhơ bẩn của gã lên ngực chị. Nó là sự cưỡng hiếp của ngoại quốc nắm trong tay sức mạnh đồng tiền với danh dự một dân tộc nghèo mà giàu tự trọng.

Mối tình thoáng qua của Hạnh và Linh không phải tiêu điểm chính mà tác phẩm Vòng tròn bội bạc hướng đến nhưng những ý nghĩa chứa đựng lại vô cùng sâu sắc. Nó gắn với hiện thực người phụ nữ Việt phải tìm chồng nơi trời Tây, trở thành vợ của kẻ thù mà một thời người đàn ông Việt cầm súng chiến đấu. Ở đây, có trách nhiệm không nhỏ của người đàn ông trụ cột gia đình, người cha, người chồng. Họ không thể đáp ứng nhu cầu sống tối thiểu cho người phụ nữ là miếng ăn, buộc nửa kia phải gửi thân chốn người. Đáng chú ý, Chu Lai không đề cập tới số phận phổ biến của những người đàn bà bình thường, thôn quê, không tài năng, không nhan sắc. Cuộc sống quá khó khăn khiến họ chấp nhận danh nghĩa vợ hờ, trở thành ô sin, nô lệ phục dịch nhà chồng. Nhưng vấn đề Chu Lai lựa chọn lại là số ít mà tinh túy. Hạnh tượng trưng cho thế hệ những cô gái mới, quá cởi mở mà chịu mang tiếng. Cô là một phụ nữ nhan sắc, hiện đại với khuôn mặt vừa Á, vừa Âu. Hơn nữa cô lại không phải loại đàn bà nông cạn, thích ăn ngon mặc đẹp mà là một con người được giáo dục đàng hoàng, học xong đại học. Mất việc vì chống trả hành vi bỉ ổi của lão hiệu phó nơi cô dạy, bị bố mẹ ruồng rẫy, Hạnh tự kiếm một căn hộ riêng, một công việc mới. Nhưng làm sao cô có thể chống trả được quyền uy của áo cơm ghì sát đất. Lương công nhân không đủ sống, Hạnh làm mọi loại nghề và giờ muốn lấy chồng, chồng nào cũng được, ở đâu cũng xong, càng xa càng tốt nhưng phải nuôi được cô. Chẳng có nỗi tủi cực, bẽ bàng nào hơn khi hôn nhân, hạnh phúc một đời người, chỉ vì mục đích cái ăn phàm tục. Hạnh không hề thích lấy bởi chỉ nghĩ đến cô đã thấy ghê rồi. Song cô không còn giải pháp khác để giải thoát đời mình: “Em sắp lấy thằng cha Thụy Điển thật đấy, ba nhăm tuổi, cao 1 mét 95 và rất giàu” (7). Chiều cao nổi bật của người đàn ông kia là cách nói ẩn dụ cho những sự vượt trội khác. Thật thấm thía nỗi nhục của kẻ nghèo nên thành hèn cũng như quyền thế được tự cao của kẻ giàu trở thành sang. Dân tộc ta những năm đầu TK XX cũng chung số phận nghèo hèn ấy. Nó khiến người đàn ông Việt, đất nước Việt không khỏi tự ái: “Con gái Việt Nam đi lấy người ngoại quốc ư? Khác gì những cô gái đi lấy Mỹ, làm mẹ Mỹ ngày nào ở Sài Gòn. Lúc ấy trong anh cũng không biết rằng, trong sự giận dữ, còn có cả một chút ghen thầm, một chút tiếc nuối mơ hồ. Thế là Hà Nội sẽ mất đi một cô gái đẹp, thông minh và táo tợn” (8). Nhưng sự tráo đổi của Hạnh nào được thực sự vẹn toàn. Cô biết cuộc sống gia đình với chồng ngoại cũng chỉ là cuộc hôn nhân “quá dở hơi”. Xuất phát từ sự ám ảnh của cái nghèo mà cô buộc lòng tìm đến nơi không còn sự dằn vặt của miếng cơm. Song, còn một lý do khác khiến cô không thể tìm thấy sự xứng đôi của trai Việt, phải tìm đến đàn ông ngoại quốc. Cô không tin vào họ, những kẻ chỉ “hau háu lợi dụng”, “nói dối như cuội”, “mở mồm là tiền”. Như vậy, Hạnh không dám gửi gắm cuộc đời mình vào đàn ông Việt đâu phải do cái nghèo. Thậm chí với Linh, mặc dù anh rất nghèo nhưng khiến cô tin, kính trọng, sẵn sàng làm nô lệ cho anh, chỉ cần anh yêu cô. Những giây phút mặn nồng của Hạnh và Linh như một sự vớt vát, cứu rỗi tâm hồn kẻ mặc lòng phải đi và người ở lại. Hạnh những tưởng sẽ có được Linh. Cô sẵn sàng từ bỏ cuộc sống giàu sang nhung lụa, chấp nhận mọi sự thiệt thòi không cần cưới xin. Thậm chí Hạnh cố níu giữ Linh bên mình bằng số tiền đủ cho cả hai ra nước ngoài sinh sống. Song danh dự đàn ông không cho phép Linh ăn bám vào người phụ nữ mà đàn ông vốn có trách nhiệm bao bọc, chở che. Hơn nữa đó lại là đồng tiền của người đàn ông khác màu da. Hạnh vĩnh viễn không thể tìm thấy sự trú ngụ trong tâm hồn Linh. Sự ra đi của những người đàn bà như Hạnh như một cái tát vào lòng tự tôn của đàn ông Việt. Nó cũng giống như nỗi đau của một dân tộc đánh mất đi phần tinh hoa nhất, chính là người phụ nữ, về phía chủng tộc khác. Điều này như một sự chảy máu giống nòi.

Xét đến cùng, trong tiểu thuyết Chu Lai, diễn ngôn dân tộc trong tính dục có sự liên hệ chặt chẽ với diễn ngôn trụ cột gia đình có lẽ mới ra đời không lâu. Trong xã hội phong kiến Việt Nam, người đàn ông có vai trò lấn át ở cái danh. Cái thực lại thuộc trách nhiệm của người đàn bà. Họ không chỉ giỏi nữ công gia chánh mà còn phải biết nuôi chồng nuôi con ăn học.

Người đàn ông mặc nhiên hưởng thụ công sức lao động của người phụ nữ như một trong những thiên tính đàn bà. Thế nhưng cùng với sự du nhập mạnh mẽ của văn hóa phương Tây đầu TK XX, người đàn ông Việt lần đầu tiên nhận ra sự bất thường khi người chồng mang vai trò người bảo vệ mà lại ăn bám vợ. Trong khi đó, ở phương Tây, dễ dàng bắt gặp hình ảnh những bà đầm Tây nhờ chồng, ăn sung mặc sướng là một sự phản chiếu. Thêm vào đó, sự ra đời của các đồn điền, khu đô thị là một chất xúc tác khiến người đàn ông Việt có điều kiện tham gia trực tiếp vào các hoạt động sản xuất, kiếm sống. Họ có thể nuôi mình, nghĩ đến trách nhiệm với gia đình, sự san sẻ nỗi vất vả ngàn đời của người vợ. Tư cách người đàn ông được chuyển đổi một cách thiết thực ở khả năng nuôi sống gia đình, đảm bảo cho họ những nhu cầu tối thiểu. Vai trò mới hình thành bị gián đoạn khi khởi nghĩa rồi kháng chiến bùng nổ, trọng trách của phái mạnh được đặt ở chiến trường khốc liệt. Mối quan tâm hàng đầu của người lính là đồn giặc, là kẻ thù. Mọi nhu yếu phẩm đều được quân đội chu cấp. Dẫu có thiếu thốn, đói rét thì đó là cái đói bên đồng đội sẻ chia, có lý tưởng vực dậy. Ngày hòa bình, sau bao đóng góp tích cực cũng như những mất mát lớn lao của người phụ nữ vào công cuộc cứu nước, người đàn ông càng muốn chở che, đem đến cho họ cuộc sống xứng đáng. Thế nhưng “Khốn nạn! Những ngày sống chết bất kỳ ấy, có thằng nào nghĩ rằng mình sẽ dứt khoát sống để lo chuẩn bị cho cuộc đời hôm nay đâu. Trong chiến tranh, hơi sức đâu đi chuẩn bị cho cuộc sống thời bình” (9). Họ trở nên ngơ ngác giữa đời thường với gạo, nước, mắm muối. Nỗi lo miếng ăn ngày mai len vào ngay bữa ăn hôm nay. Sự đói khát của họ có thể không nghĩa lý nhưng để vợ con chịu đói là một nỗi nhục. Cả một dân tộc vừa bước chân ra khỏi binh lửa lại loay hoay trong vòng luẩn quẩn tính ăn hàng ngày. Cuộc chiến với đói nghèo chưa bao giờ giản đơn hơn chiến tranh súng đạn. Chấp nhận để vợ con ra đi, làm công hay làm dâu xứ khác, người đàn ông cũng đã tự lùi lại một bước tư cách trụ cột của mình. Họ thay vợ thay con giữ tay hòm chìa khóa những đồng tiền mồ hôi, nước mắt được gửi về. Biết bao tự ti, mặc cảm trong câu chuyện một thời, cái thời người ta có thể nói về thân phận người lính, người đàn ông sau chiến tranh. Với một phông văn hóa như thế, tính dục không còn là câu chuyện riêng tính dục.

_______________

1, 2, 3, 4, 5, 6. Chu Lai, Phố, Nxb Lao động, 2009, tr.38, 217, 235, 251, 320, 250.

7, 8, 9. Chu Lai, Vòng tròn bội bạc, Nxb Lao động, 2009, tr.208, 209, 66.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016

Tác giả : NGUYỄN THỊ YẾN

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *