MỘT LƯỚT NHÌN VỀ LỄ HỘI DÂN GIAN THĂNG LONG – HÀ NỘI

/* Style Definitions */
table.MsoNormalTable
{mso-style-name:”Table Normal”;
mso-tstyle-rowband-size:0;
mso-tstyle-colband-size:0;
mso-style-noshow:yes;
mso-style-priority:99;
mso-style-qformat:yes;
mso-style-parent:””;
mso-padding-alt:0cm 5.4pt 0cm 5.4pt;
mso-para-margin-top:0cm;
mso-para-margin-right:0cm;
mso-para-margin-bottom:10.0pt;
mso-para-margin-left:0cm;
line-height:115%;
mso-pagination:widow-orphan;
font-size:11.0pt;
font-family:”Calibri”,”sans-serif”;
mso-ascii-font-family:Calibri;
mso-ascii-theme-font:minor-latin;
mso-hansi-font-family:Calibri;
mso-hansi-theme-font:minor-latin;
mso-bidi-font-family:”Times New Roman”;}


Những năm gần đây, trong bối cảnh đổi mới, đời sống vật chất, nhu cầu tinh thần của các tầng lớp nhân dân thủ đô ngày càng được đáp ứng ở mức độ cao; các hình thức sinh hoạt văn hóa, đặc biệt là tổ chức lễ hội truyền thống, được chú trọng. Trong xu thế cả nước tìm về cội nguồn văn hóa ngàn năm của ông cha, lễ hội truyền thống được phục hồi và bừng rộ khắp nơi, nhất là ở thủ đô vừa được sáp nhập những vùng lễ hội, di tích mới, với nhiều cấp độ, quy mô và cách thức tổ chức khác nhau. Sự phục hồi đa dạng và phong phú các lễ hội truyền thống đã khẳng định sự tồn tại không thể thiếu của lễ hội đối với đời sống người dân Việt trên cả nước và ở mảnh đất ngàn năm văn hiến này.
Có thể nói, vùng châu thổ sông Hồng là quê hương, là cái nôi của hội hè đình đám, trong đó, Thăng Long – Hà Nội là một trung tâm của lễ hội.
Quá trình nghiên cứu, sưu tầm, bảo tồn, phục hưng lễ hội truyền thống nói chung và lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội nói riêng đã đạt được những thành tựu đáng kể. Sách vở, báo chí về lễ hội truyền thống, về những yếu tố cấu thành lễ hội dân gian như đình, đền, chùa, tháp, miếu, nhà thờ, phủ…; những huyền thoại, truyền thuyết, cổ tích xung quanh lễ hội, xung quanh những nhân vật thánh thần được phụng thờ… đã được xuất bản khá nhiều. Nhiều công trình, chương trình, đề tài nghiên cứu chung và riêng về lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội đã và đang được tiến hành có hiệu quả. Nhiều hình thức đóng góp, phát triển và bảo tồn lễ hội làng xã cũng đang được áp dụng tốt trong cộng đồng cư dân Hà Nội, khiến cho lễ hội ngày càng trở về với cội nguồn văn hóa xa xưa của nó.
Như vậy, về mặt nghiên cứu lễ hội cũng như ở phương diện thực hành lễ hội trên thực tế, có thể khẳng định rằng: lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội là đối tượng được chú ý nhiều. Sự chú ý này không chỉ có ở các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu, các cán bộ lãnh đạo văn hóa, những người làm công tác văn hóa lễ hội… mà còn có ở tất cả mọi người dân. Do đó, nghiên cứu lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội, mặc dù sách vở đã ghi lại khá nhiều vấn đề, quan điểm, cách thức, giải pháp phát triển…, song, vẫn không thể xa rời thực trạng lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội đang biến động từng ngày, từng giờ trên thực tế. Đây chính là tiêu chuẩn thực tiễn để đánh giá hiện trạng lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội trong bước đường tiến lên công nghiệp hóa, hiện đại hóa thủ đô.
Khu vực châu thổ sồng Hồng là nơi tồn tại đậm đặc lễ hội dân gian truyền thống. Trong quá trình đan xen, giao thoa lẫn nhau, lễ hội dân gian ở từng địa phương tiếp thu những nét giống nhau, đồng thời bộc lộ những nét khác biệt khiến cho lễ hội địa phương này khác với lễ hội địa phương khác. Hiện trạng lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội cũng bộc lộ những nét chung và riêng đó.
Những nét chung về lễ hội dân gian đã được nhiều học giả đề cập, ở đây, chúng tôi chỉ nêu vài nét riêng của lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội
Về mặt tính chất, đó là tính trung tâm của lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội. Do là thủ đô, trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa cả nước, Thăng Long – Hà Nội cũng đồng thời mang tư cách một trung tâm lễ hội, có tính quốc gia, dù đó nhiều khi chỉ là lễ hội liên làng.
Chất tinh tế, thanh lịch của người Hà Nội cũng bộc lộ trong lễ hội dân gian, trong cách ứng xử giữa người và người, trong bài trí cảnh quan cũng như trong lễ vật dâng cúng, trong trò diễn cũng như trong tín ngưỡng…
Vị thế quan trọng của thủ đô (trung tâm của các biến chuyển chính trị, kinh tế, văn hóa…) khiến cho lễ hội dân gian ở đây gắn bó chặt chẽ với lịch sử dựng nước và giữ nước, lịch sử chống ngoại xâm, lịch sử mở mang lãnh thổ…
Như vậy, ngoài việc chứa đựng toàn bộ những vấn đề chung của lễ hội dân gian nói chung, lễ hội Thăng Long – Hà Nội có những nét riêng cần được chú ý khai thác để hoàn thiện bức tranh lễ hội ở thủ đô, trong đó có nhiều lễ hội nổi tiếng vùng, quốc gia; nhiều lễ hội làng, liên làng độc đáo.
Khi đề cập đến lễ hội dân gian cả nước cũng như lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội, về mặt thực trạng, người ta không thể không chú ý tới những cái được hoặc chưa được, những cái mất hoặc còn, những tình trạng hiện tồn chung và riêng của từng di tích danh thắng, từng lễ hội. Về mặt lịch sử, lễ hội Thăng Long – Hà Nội vốn có từ lâu, song vận động và phát triển, phục hưng và thăng trầm qua nhiều thời kỳ. Do vậy, vấn đề còn mất, xấu tốt, hư hỏng hay nguyên vẹn của từng di tích, từng trò diễn là hiện trạng có thật đang đặt ra. Trước kia, do nhiều lý do, với nhận thức ấu trĩ, đơn giản, chúng ta đã phá hoại nhiều di tích văn hóa lịch sử (đình, chùa, đền, phủ, miếu…), những đồ thờ cúng, thờ tự, những cơ sở vật chất, những điều kiện tồn tại của lễ hội dân gian… Vì thế, trên phạm vi cả nước, cũng như trong phạm vi Hà Nội, lễ hội dân gian hầu như không còn đủ điều kiện vật chất để tồn tại và phát triển, ngoài việc nó lưu lại trong tâm thức người dân nhiều thế hệ, trở thành một biểu trưng văn hóa trong đời sống con người. Như vậy, nhìn chung, lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội, trong một thời kỳ nào đó, chỉ còn tồn tại trong đời sống tâm linh. Sự ngưng trệ, biến động trong mấy chục năm đó đủ để cho lễ hội dân gian vắng bóng trong đời sống thường nhật của người dân. Sở dĩ phải nhấn mạnh tới điều này là bởi, đến nay, khi đề cập tới sự mất còn, nguyên vẹn hay hư hỏng của lễ hội, của di tích thì nhất thiết người dân không thể không nuối tiếc những gì đã bị thời gian, nắng mưa, thiên tai địch họa, chiến tranh… phá hủy. Những gì còn lại được cho tới ngày nay chủ yếu là do người dân tự giác gìn giữ, tự giác chăm lo, bảo vệ. Tuy nhiên, sự mất mát phần lớn là không tránh khỏi, do nhiều nguyên nhân.
Cho nên nhận diện thực trạng lễ hội dân gian nói chung và lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội nói riêng, thì chủ yếu phải đánh giá được diện mạo của nó qua từng thời kỳ, đánh giá được sự liên tục và đứt đoạn, kế thừa và cải tiến. Thực tế thì, mãi cho đến những năm đi vào đổi mới, tức hơn hai thập kỷ vừa qua, lễ hội dân gian, hay như người dân thường gọi là hội hè đình đám, mới được mở lại, những nét đẹp truyền thống qua lễ hội mới thực sự hồi sinh, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng của đông đảo người dân trong cả nước và ở thủ đô. Không kể các lễ hội làng, xã, phường… ngày một nhiều, cho đến nay, hầu hết các lễ hội dân gian có tiếng tăm của Hà Nội đều đã được khôi phục, mở lại, đem đến cho đời sống tinh thần người dân những sinh khí mới.
Tuy nhiên, lễ hội dân gian được phục hưng ào ạt cũng chứa trong nó những khả năng khác nhau, có cái được, cái chưa được; cái đúng chuẩn, cái lệch chuẩn; cái đúng đắn, lành mạnh và cái biến dạng, lệch lạc so với lễ hội dân gian cổ truyền. Thậm chí, trong bối cảnh mới, việc tổ chức lễ hội dân gian dễ phát sinh những vấn đề phức tạp mới mà mỗi người dân cũng như ngành văn hóa, người làm văn hóa phải hết sức quan tâm nghiên cứu, tìm hiểu để có hướng dẫn cũng như hành động và nhận thức cụ thể cho phù hợp tình hình.
Trên cơ sở nghiên cứu, quan sát, điều tra lễ hội dân gian Hà Nội hiện nay, có thể bước đầu đánh giá thêm về hiện trạng còn, mất, được, chưa được của lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội như sau.
 

Về hiện trạng

Cho đến nay, hầu hết các lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội đều đã được dựng lại trên cơ sở kế thừa những tri thức cổ truyền, những mô hình truyền thống. Đó là cái được về mặt số lượng. Con số chưa đầy đủ 1070 lễ hội dân gian, lịch sử trên địa bàn Hà Nội (gồm cả Hà Tây cũ) là một đảm bảo rằng trong tương lai, Thăng Long – Hà Nội vẫn là một vùng trù phú lễ hội dân gian nhất và tất cả các lễ hội, nhất là lễ hội làng, đều có khả năng được phục hồi. Tuy nhiên cần phải nhấn mạnh đến những cái mất về mặt chất lượng. Chẳng hạn: lễ hội dân gian phải luôn gắn với thiết chế di tích của nó (đình, đền, chùa, miếu, phủ…), gắn với truyền thuyết và huyền thoại, với trò diễn và nghi lễ… Thế nhưng hiện tại, không phải lễ hội nào cũng đảm bảo được điều kiện hoàn chỉnh về di tích, về nội dung lễ hội, về ý nghĩa lễ hội như nó vốn có.
Cái mất ấy có thể được nhìn nhận từ một số khía cạnh sau: Sự hư hỏng, xuống cấp, thậm chí xóa sổ thiết chế vật chất của lễ hội đã từng diễn ra và vẫn liên tục diễn ra do nhiều nguyên nhân; nạn chảy máu cổ vật, đồ thờ, tượng thờ…; sự biến đổi tùy tiện nghi lễ tín ngưỡng, trò diễn… do thiếu hiểu biết hoặc do tùy tiện, do những động cơ khác, làm biến dạng nghi lễ, trò diễn, truyền thuyết, ý nghĩa đích thực của lễ hội dân gian; sự khập khiễng trong mối quan hệ giữa lễ và hội; những biểu hiện tiêu cực còn xuất hiện nhiều trong các lễ hội dân gian mà chủ yếu là mê tín, dị đoan, cờ bạc rượu chè, ăn mày, tâm lý kinh doanh quá trớn…
Một điều đáng chú ý nữa về hiện trạng là: hầu như các lễ hội dân gian, dân dã được chú ý tìm hiểu, phục hưng hơn các lễ hội lịch sử và cách mạng. Nếu đúng như vậy thì đây là một sự mất cân đối rất cần được chú ý, bởi giá trị văn hóa cổ truyền không chỉ tồn tại ở những tri thức dân gian mà còn đọng nhiều ở các tri thức, di tích lịch sử, cách mạng. Không chú ý tới điều này sẽ tạo nên sự mất mát lớn cho tương lai văn hóa của thủ đô.
Như thế, về mặt hiện trạng lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội, có thể nói, rất cần thiết phải tiếp tục dựng lại, tìm lại, khôi phục lại những gì vốn có, gốc gác của nó, nhất là thiết chế di tích, những văn hóa vật thể (cảnh quan, đồ thờ, tượng thờ…), phi vật thể (truyền thuyết, huyền thoại, miêu thuật nghi lễ, văn hóa ứng xử…).
 

Về ý nghĩa

Phục hưng lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội, điều trước tiên phải khẳng định là cái được rất lớn. Nó có tác dụng làm sống lại truyền thống văn hóa cổ truyền của thủ đô Hà Nội; làm phong phú thêm đời sống tinh thần của người dân bằng một loại hình sinh hoạt gần gũi và bổ ích; giúp con người trở lại cội nguồn văn hóa; bảo lưu nhiều phong tục tập quán tốt đẹp của thủ đô; tăng cường tình đoàn kết, cộng cảm, cộng mệnh giữa các thành viên gia đình, thành viên cộng đồng…; mở mang môi trường và cơ hội giao tiếp giữa người với người, người với thiên nhiên và xã hội; khuyến khích tính dân chủ và nhân bản của cộng đồng làng xã trong sinh hoạt xã hội…
Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều cái chưa được, những mất mát, đặc biệt là ở khuynh hướng bê nguyên xi lễ hội xưa đặt vào bối cảnh nay hoặc cải tiến, dàn dựng tùy tiện, làm mất đi ý nghĩa tiến bộ và lành mạnh đích thực của lễ hội dân gian truyền thống.
Được và mất của phục hưng lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội, tìm phương thức tổ chức ra sao cho có hiệu quả… là những vấn đề cần được tiếp tục tìm hiểu để có được những giải pháp xử lý thích hợp.
Do đó, nhân dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội mang tính quốc gia và quốc tế, rất cần thiết nhấn mạnh và khẳng định rõ nhận thức về tầm quan trọng của việc nghiên cứu, sưu tầm, bổ sung, đánh giá về lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội, song song với hàng loạt công việc cấp thiết khác, tạo cơ sở thuận lợi cho việc tiến hành nghiên cứu phục hồi có hiệu quả cũng như việc áp dụng mô hình lễ hội Thăng Long – Hà Nội trong thực tiễn.
Một điều chúng tôi thấy cần nhấn mạnh là, mặc dầu văn hóa đang ngày càng có vai trò quan trọng trong phát triển, trở thành mục tiêu và động lực của phát triển, song kinh tế, nhất là kinh tế trong văn hóa, vẫn là một vấn đề mang tính giải pháp cần chú ý. Việc nghiên cứu tìm hiểu, điều tra, xử lý tư liệu về lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội rộng lớn với hàng loạt nhánh, với nhiều hình thức tư liệu, thư tịch; đặc biệt, công việc sưu tầm, bổ sung, xử lý các nguồn tư liệu phong phú, đa dạng… cần có nhiều kinh phí mới làm nổi. Do đó, cần tạo được nguồn kinh phí lớn từ nhiều lĩnh vực khác nhau: nguồn nhà nước, nguồn nhân dân, nguồn nước ngoài. Trong việc này, thực tiễn cho thấy, nguồn ngân sách nhà nước là hết sức quan trọng. Vì thế, TP Hà Nội, các ban ngành, đoàn thể ở Hà Nội cần có kế hoạch đầu tư kinh phí lớn, lâu dài; cần quan tâm thực sự tới vấn đề này để tạo điều kiện cho các nhà khoa học, cho mọi người dân làm tốt công tác thu thập, bổ sung, bảo quản tư liệu Thăng Long – Hà Nội, trong đó có các dữ liệu về lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội, vốn quý của thủ đô, của dân tộc. Kinh phí này cần được đầu tư hợp lý, kịp thời cho cả hai mảng công việc: tổ chức nghiên cứu các đề tài khoa học về sưu tầm, thu thập, bổ sung, xử lý, sắp xếp kho tư liệu lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội; công tác điền dã sưu tầm trong thực tiễn đời sống dựa trên cơ sở kết quả nghiên cứu về các mặt: chính trị, kinh tế, hành chính, dân số, địa lý tự nhiên, công, nông, lâm, ngư nghiệp, giáo dục đào tạo, văn hóa vật thể, văn hóa phi vật thể… và hàng loạt vấn đề khác có liên quan tới việc dựng lại hiện trạng lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội.
Trong việc nghiên cứu đánh giá lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội cần hết sức đề cao vai trò của giải pháp văn hóa trong nghiên cứu và thực thi công việc. Bởi, những tư liệu, thư tịch, dù là về địa lý, hành chính… chăng nữa cũng bộc lộ rất nhiều vấn đề về văn hóa, văn hiến, văn minh, rất bổ ích trong nghiên cứu lễ hội. Chúng tôi coi xem xét mọi vấn đề từ nhãn quan văn hóa phát triển là cơ sở để nghiên cứu, bảo tồn, phục hồi lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội một cách hiệu quả.
Việc nghiên cứu, sưu tầm, thu thập, bổ sung, khai thác, phổ biến giá trị tư liệu lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội là một việc lớn và lâu dài, đòi hỏi phải có chiến lược phát triển, hoạch định kế hoạch cụ thể, thậm chí dự báo vấn đề ngắn hạn và dài hạn. Vì lẽ đó cần có định hướng chuẩn cho công tác quản lý nghiên cứu, bổ sung cũng như hoạch định kế hoạch từng giai đoạn sao cho không trùng lặp về nội dung, đồng thời giai đoạn sau có thể kế thừa thành tựu của giai đoạn trước. Do đó, người quản lý cần có cái nhìn hệ thống, nắm vững phương pháp tiếp cận hệ thống đối với toàn bộ công việc của mình.
Tuy nhiên, không chỉ dừng lại ở đó, việc quản lý còn bộc lộ ở rất nhiều khâu khác, trong các vấn đề về phát triển đội ngũ cán bộ, đội ngũ chuyên gia các nhà khoa học, kinh phí, phương tiện vật chất, thiết chế cơ sở, sử dụng kỹ thuật, công nghệ; trong các phong trào xã hội hóa công tác sưu tầm nghiên cứu, phát huy giá trị của tư liệu về lễ hội dân gian Hà Nội.
Việc xây dựng, chuẩn hóa các cán bộ quản lý, các cán bộ chuyên môn nghiệp vụ phù hợp với công việc là đòi hỏi tự thân. Càng ngày, các cán bộ quản lý nghiệp vụ càng cần phải hướng tới tiêu chuẩn các chuyên gia giỏi về quản lý cũng như về nghiệp vụ, có tầm chỉ đạo, lập kế hoạch, kiểm tra, xử lý đúng vấn đề, kể cả vấn đề nghiên cứu khoa học lẫn các công tác thực nghiệm, thực tiễn. Phương châm xây dựng đội ngũ cán bộ là thạo việc, thà ít mà tốt, nhất là đào tạo, tự đào tạo qua công việc, đi lên từ công việc, để hình thành những người vừa biết làm tốt, vừa biết thu hút, động viên đội ngũ cộng tác viên, chuyên gia khoa học làm tốt. Ở đây, chúng tôi muốn nhấn mạnh hơn đến việc thu hút, sử dụng chất xám của các nhà khoa học, các chuyên gia đầu ngành, các cộng tác viên… như là một biện pháp cụ thể, có tác dụng tích cực. Thực tế công tác nghiên cứu khoa học và việc xây dựng, bổ sung kho tư liệu lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội cho thấy, nếu huy động được đội ngũ chuyên gia, đội ngũ cộng tác viên khoa học ở các cơ quan, đoàn thể…, thì công việc tiến hành nhanh chóng và đạt hiệu quả tốt.
Cụ thể hơn, trong việc sưu tầm, nghiên cứu, đánh giá, thúc đẩy sự phát triển lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội trong bối cảnh mới, cần chú ý tới những khía cạnh sau đây:
Tạo nên phong trào toàn dân thủ đô tham gia sinh hoạt văn hóa lễ hội bằng những gì mà mỗi người có thể làm được: sưu tầm hiện vật, tìm hiểu lịch sử quê hương, thu thập tư liệu về lễ hội, đóng góp sức lực vào hoạt động lễ hội, vào phổ biến giá trị văn hóa lễ hội trong xã hội, tìm hiểu, tìm lại, phục chế di tích văn hóa, di tích lịch sử gắn với lễ hội.
Phân loại, nhóm các lễ hội (trên cơ sở danh sách đầy đủ các lễ hội dân gian trên địa bàn Hà Nội) để có sự đầu tư và chú ý đúng mức đến từng đối tượng.
Có những chuyên đề, công trình nghiên cứu chuyên sâu, nhiều mặt về lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội trên các phương diện: tổng thể chung, thực trạng, đánh giá tương lai, cái được và mất, vị thế, ý nghĩa, chức năng… trong bối cảnh mới…
Mở những hội thảo chuyên đề về lễ hội dân gian Hà Nội trên bình diện chung cũng như những nét riêng để nắm vững đối tượng.
Đẩy mạnh nghiên cứu các nhóm lễ hội cụ thể để tìm ra được những nét chung, riêng của lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội trong lễ hội cả nước, hoặc so sánh các lễ hội của riêng địa bàn Hà Nội để có cơ sở cải tiến phương thức tiến hành lễ hội dân gian cho phù hợp với bối cảnh mới.
Lễ hội dân gian cổ truyền ở thủ đô Hà Nội, cũng như ở cả nước, ngày càng trở thành một sinh hoạt văn hóa sống động, phong phú và đa dạng trong đời sống tinh thần người dân. Trong tâm thức con người, cuộc sống gắn liền với những kỳ lễ hội, những sinh hoạt lễ hội, từ thuở mới sinh đến lúc giã từ cuộc sống. Do thế, thật khó tưởng tượng được nếu trong đời sống người dân lại không có lễ hội.
Người xưa tổ chức lễ hội không chỉ để vui mà còn để thể hiện vũ trụ quan và nhân sinh quan của mình.
Ngày nay, việc tổ chức lễ hội dân gian không thể không kế thừa ý tưởng đó nhưng lại phải làm sao cho phù hợp với điều kiện mới và bối cảnh mới.
Chúng tôi cho rằng, dù trong bối cảnh nào đi nữa, xưa, nay, hay mai sau, thì lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội vẫn giữ vững và củng cố, phát huy những đặc trưng cơ bản của nó. Đặc trưng ấy là: Tính cố kết cộng đồng, cộng mệnh, cộng cảm giữa con người với thần linh, con người với con người; trở về cội nguồn văn hóa để làm sống động ngọn nguồn văn hóa; là môi trường cộng cảm, hòa đồng, thấm đượm tinh thần dân chủ; là thời điểm thăng hoa khiến con người khác mình đi một chút khiến cuộc sống phong phú đa dạng…
Như thế, bằng đặc trưng và hình thức của mình, lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội vốn dĩ là một sinh hoạt gần gũi và luôn gắn bó với đời sống văn hóa thủ đô từ xưa tới nay. Nó đáp ứng và ngày càng tỏ ra đáp ứng tốt nhu cầu đa dạng, nhiều mặt của con người trong xã hội cổ truyền và hiện đại. Trong tương lai, vị thế của lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội trong đời sống người dân, trong sự phát triển văn hóa nghệ thuật, trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội thủ đô là hết sức quan trọng. Bởi ở chừng mực nào đó, nó cố kết cộng đồng, tạo môi trường phát triển tốt nhân cách người, tạo động lực hữu hiệu cho sự phát triển kinh tế xã hội…
        Chính vì lẽ đó, việc tìm hiểu, nghiên cứu vai trò của lễ hội dân gian, của văn hóa lễ hội trong đời sống, trong sự phát triển kinh tế xã hội thủ đô là hết sức cấp thiết. Tuy nhiên, dù có vị thế rất quan trọng trong đời sống mới, lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội không thể tồn tại nguyên xi trong đời sống hiện tại. Vì thế, rất cần nghiên cứu sâu, một cách có hệ thống để chọn lọc, phát triển và nâng cao các giá trị văn hóa tiêu biểu của lễ hội dân gian Thăng Long – Hà Nội nhằm đáp ứng ngày càng cao nhu cầu nhiều mặt của con người, của thủ đô trong bối cảnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 315, tháng 9-2010

Tác giả : Nguyễn Thị Hồng Hà

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *