Một số giải pháp nhằm khai thác hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở

Hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trong những năm qua đã từng bước được hoàn thiện nhằm thực hiện hiệu quả công tác tuyên truyền, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hóa xã hội. Cơ sở vật chất kỹ thuật ngày càng được đầu tư, cơ bản đáp ứng được nhu cầu luyện tập, biểu diễn và tổ chức hoạt động; cơ chế, chính sách đối với nguồn nhân lực được quan tâm, kinh phí hoạt động dần được điều chỉnh; nội dung, phương thức tổ chức các hoạt động văn hóa, thể thao thay đổi phù hợp với điều kiện thực tế, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần ở cơ sở, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, thúc đẩy vào quá trình phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Tuy nhiên, trên thực tế hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở vẫn còn bất cập, hạn chế như: việc xây dựng và đầu tư thiết chế thuộc tổ chức Công đoàn, Đoàn Thanh niên chưa đạt mục tiêu đặt ra; chất lượng và hiệu quả hoạt động văn hóa, thể thao chưa đồng đều, một số nơi chưa đáp ứng được yêu cầu đổi mới của sự phát triển kinh tế – xã hội; đội ngũ cán bộ  văn hóa, thể thao cơ sở ở một số địa phương còn thiếu và yếu, nhất là cấp xã, phường, thị trấn do công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng chưa thực sự được quan tâm; một số địa phương chưa phân bổ đúng mức nguồn lực để đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị, tổ chức hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; công tác tuyên truyền về vai trò của hệ thống chưa được thực hiện thường xuyên; việc xây dựng và ban hành các chính sách phù hợp nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở chưa đáp ứng được kỳ vọng…

Để khắc phục những hạn chế, khó khăn nêu trên và khai thác hiệu quả hoạt động của hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở  cần thực hiện đồng bộ một số giải pháp sau:

Trước hết, phải tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách nhằm phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở, trong đó trọng tâm là đầu tư về cơ sở vật chất kỹ thuật và bố trí nguồn nhân lực, kinh phí phù hợp để tổ chức hiệu quả các hoạt động. Có cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp nhằm huy động, bố trí nguồn lực tài chính để phát triển thiết chế văn hóa, thể thao của tổ chức Công đoàn và Đoàn Thanh niên trên địa bàn.

Bên cạnh đó, không thể không quan tâm đến việc đổi mới phương thức tổ chức, quản lý và nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

Ngoài ra, phải thực hiện các giải pháp nhằm hoàn thành các mục tiêu tại Quyết định số 2164/QĐ-TTg ngày 11 tháng 11 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030, cụ thể:

– Bổ sung các chỉ tiêu cụ thể về xây dựng và phát triển hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao vào nội dung quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của địa phương. Đối với các tỉnh, thành đã phê duyệt quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở trước thời điểm ban hành Quyết định số 2164/QĐ-TTg cần rà soát, điều chỉnh theo nhiệm vụ, mục tiêu và giải pháp cho phù hợp;

– Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất – kỹ thuật, trang bị phương tiện chuyên dùng, đảm bảo kinh phí cho các hoạt động tuyên truyền phục vụ các nhiệm vụ chính trị; kinh phí duy trì bộ máy và các hoạt động nghiệp vụ theo chức năng, nhiệm vụ đối với thiết chế cấp tỉnh, huyện, xã. Đối với cấp thôn, hỗ trợ kinh phí xây dựng cơ sở vật chất và tổ chức hoạt động từ nguồn ngân sách của địa phương;

– Hướng dẫn, tổ chức các hoạt động tại thiết chế; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực và trách nhiệm đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao, cộng tác viên cơ sở.

Cùng với các giải pháp trên, tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, nhân rộng các mô hình tổ chức hoạt động văn hóa, thể thao tiêu biểu phù hợp với điều kiện sinh hoạt, phong tục tập quán, đặc thù vùng miền, các nhóm đối tượng, lứa tuổi. Tổ chức nhiều loại hình câu lạc bộ văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, vui chơi, giải trí để thu hút người dân tham gia hoạt động tại hệ thống thiết chế văn hóa cơ sở, đặc biệt ở cấp xã và thôn trên địa bàn.

Kiên trì nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành đoàn thể, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên và người dân trong toàn xã hội về vai trò, vị trí, lợi ích của việc phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát về đầu tư cơ sở vật chất kỹ thuật và tổ chức hoạt động của thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

Cuối cùng, ban hành cơ chế quản lý, tự chủ, định mức kinh tế kỹ thuật của hệ thống Trung tâm Văn hóa, thể thao các cấp; chế độ ưu đãi đào tạo hạt nhân năng khiếu về văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao, trong đó ưu tiên đối tượng là con em đồng bào các dân tộc thiểu số, nghệ nhân dân gian. Có cơ chế, chính sách phù hợp nhằm thu hút, huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực xã hội hóa đối với hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở.

 

LÊ ANH TUẤN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 480, tháng 11-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *