Một số giải pháp phát triển bền vững du lịch biển Nam Định

1. Tài nguyên phát triển bền vững du lịch biển Nam Định

Địa hình của Nam Định được chia thành các vùng khác nhau như: vùng đồng bằng trũng thấp, vùng đồng bằng ven biển và các trung tâm công nghiệp-dịch vụ. Nam Định có nhiều lợi thế khi có 4 cửa sông lớn và 72km đường bờ biển kéo dài chạy qua các huyện Giao Thủy, Hải Hậu và Nghĩa Hưng. Vùng biển Nam Định có điều kiện tự nhiên và tài nguyên thiên nhiên thuận lợi cho phát triển nhiều loại hình du lịch. Phần lục địa với các kiểu địa hình đồng bằng đa dạng đã tạo nên những bãi tắm đẹp như: Quất Lâm, Thịnh Long… Cũng giống như các tỉnh trong vùng đồng bằng Bắc Bộ, Nam Định có khí hậu nhiệt đới gió mùa nóng ẩm, nhiệt độ trung bình trong năm từ 23 – 240C, tháng lạnh nhất là tháng 12 và tháng 1, nóng nhất là tháng 7 với lượng mưa trung bình trong năm từ 1.750 – 1800mm. Mặt khác, do nằm trong vùng vịnh Bắc Bộ nên hằng năm thường chịu ảnh hưởng của bão và áp thấp nhiệt đới. Nam Định có nguồn tài nguyên sinh vật chủ yếu được tập trung ở các vườn quốc gia, khu bảo tồn tự nhiên, đặc biệt có rừng quốc gia Xuân Thủy với tổng diện tích là 12.000 ha nằm trên địa phận xã Giao Thiện, trải dài qua Cồn Lu, Cồn Ngạn và Cồn Xanh được quản lý theo Công ước Ramsar đầu tiên của Việt Nam… Với các điều kiện tự nhiên như vậy, Nam Định có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch như: du lịch biển, nghỉ dưỡng, tham quan… Tuy nhiên, hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật, thiết bị hạ tầng để phục vụ việc đón tiếp, lưu trú cho khách du lịch chưa được đầu tư, xây dựng nhiều, chưa tương xứng với tiềm năng hiện có để phát triển bền vững du lịch biển nhằm thu hút đông đảo khách trong nước và quốc tế.

2. Thực trạng phát triển bền vững du lịch biển Nam Định

Nam Định có tổng diện tích khoảng 1669km2, phía Bắc tiếp giáp với tỉnh Thái Bình, phía Nam tiếp giáp với tỉnh Ninh Bình, phía Tây tiếp giáp với tỉnh Hà Nam, phía Đông giáp biển. Từ Hà Nội, dọc theo quốc lộ 1A đi về phía Nam khoảng 60km tới thành phố Phủ Lý, rẽ trái theo quốc lộ 21 về phía Đông Nam khoảng 70km du khách sẽ tới khu du lịch biển Quất Lâm, thêm 20km là tới bãi biển Thịnh Long. Thịnh Long là điểm du lịch biển đầu tiên của tỉnh Nam Định, có bãi biển trải dài hơn 3km thuộc thị trấn Thịnh Long, huyện Hải Hậu. Năm 1997, khu du lịch biển Thịnh Long đã được quy hoạch lại với diện tích 72.11 ha và hiện nay đang được mở rộng với tổng diện tích toàn khu là 361 ha. Năm 1999, khu du lịch Quất Lâm chính thức đi vào hoạt động, có bãi biển trải dài 5km với diện tích quy hoạch là 58 ha.

Theo số liệu của Phòng Kế hoạch, Sở Du lịch Nam Định thống kê năm 2015, lượng khách đến với khu du lịch Quất Lâm khoảng trên 1 triệu lượt khách chiếm khoảng 65% tổng lượng khách du lịch đến vùng biển Nam Định. Tổng lượng khách Du lịch Nam Định năm 2005 do các cơ sở lưu trú phục vụ mới chỉ đạt khoảng 146.303 lượt khách/năm, nhưng đến năm 2010, con số này đã tăng lên khoảng 1.001.112 lượt khách và năm 2017 ước tính khoảng 1.636.422 lượt khách. Doanh thu từ lượng khách quốc tế đến với vùng biển Nam Định năm 2015 đạt khoảng 584.673 triệu đồng chiếm khoảng 70% doanh thu của toàn tỉnh. Sự gia tăng cả về số lượng và doanh thu trong toàn ngành du lịch đã cho thấy vị trí quan trọng của du lịch trong nền kinh tế của tỉnh. Tốc độ tăng trưởng trung bình năm giai đoạn từ 2005 đến 2016 đạt 10.23%; trong đó giai đoạn 2005 – 2010 đạt 9.37%; 2011 – 2016 là 11,10%, tăng trưởng bình quân từ năm 2011 – 2015 cao hơn gần 1,5 lần so với mức tăng chung của cả nước, tương đương với mức tăng của các thành phố lớn. Năm 2019, tổng hợp lượng khách tới Nam Định đạt hơn 2,6 triệu lượt, tăng 3,8% so với năm 2018. Tuy nhiên sang tới năm 2020 do ảnh hưởng của dịch COVID-19, số lượng khách tới Nam Định giảm mạnh, công suất sử dụng buồng, phòng của các cơ sở hiện tại chỉ đạt dưới 30%, tình trạng khách hủy tua tới 95%.

Với mục tiêu phấn đấu du lịch cơ bản trở thành ngành kinh tế có vị trí quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh đòi hỏi sự nổ lực rất lớn của chính quyền và cộng đồng doanh nghiệp.

Trong những năm gần đây, cùng với sự gia tăng của số lượng khách du lịch, hệ thống các cơ sở lưu trú, ăn uống ở Nam Định cũng phát triển với tốc độ nhanh, nhưng vẫn còn tự phát và không có quy hoạch. Tuy bước đầu có thể giải quyết tạm thời được nhu cầu ăn, nghỉ của khách bình dân, nhưng về lâu dài đây là tồn tại khó khắc phục, tạo ra cuộc khủng hoảng thừa trong mùa vắng khách, gây lãng phí. Năm 2014 công suất sử dụng phòng chỉ đạt 25 – 30% ở khu du lịch Quất Lâm, 30 – 35% ở khu lịch biển Thịnh Long. Mặc dù các cơ sở lưu trú nhiều, song quy, mô nhỏ chỉ từ 6 – 45 phòng. Số khách sạn có quy mô trên 100 phòng rất ít và không đồng bộ nên khó đáp ứng được nhu cầu ăn, nghỉ của các đoàn khách quốc tế. Bên cạnh đó, không giải quyết được tình trạng ô nhiễm tại các cơ sở du lịch vùng ven biển, chưa sử dụng công nghệ xanh trong hoạt động du lịch. Việc quản lý thiếu chặt chẽ các công ty lữ hành dẫn đến hoạt động không theo quy định, mất uy tín với du khách. Đặc biệt, đội ngũ làm công tác hướng dẫn, phục vụ còn hạn chế, ít được đào tạo chuyên môn, nghiệp vụ một cách có hệ thống.

Theo báo cáo của Sở Du lịch Nam Định, hiện nay có khoảng 24.400 lao động làm việc trong ngành Du lịch địa phương; trong số 70% lao động làm việc, có tới 40% số lao động không qua đào tạo. Ước tính ngành Du lịch Nam Định còn thiếu khoảng 30 – 40% lao động. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, quảng bá du lịch biển chưa được quan tâm đúng mức. Nguyên nhân là do chưa có sự liên kết trong phát triển du lịch biển Nam Định với các địa phương khác, giữa các vùng, miền; còn có sự cạnh tranh gay gắt giữa các doanh nghiệp du lịch; chất lượng sản phẩm du lịch biển chưa cao. Kinh nghiệm quản lý, tổ chức của các cấp chính quyền nơi đây còn nhiều hạn chế, bất cập vì vậy chưa thực sự thu hút được đông đảo lượng khách du lịch nội địa và quốc tế.

Để phát triển bền vững du lịch biển Nam Định trở thành điểm đến hấp dẫn du khách, cần thực hiện một số giải pháp:

Phải xây dựng quy hoạch, kế hoạch đầu tư đồng bộ, khuyến khích các doanh nghiệp có tiềm lực tài chính trong nước và quốc tế đầu tư vào phát triển du lịch ở vùng biển Nam Định.

Xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi về thuế, ưu tiên, miễn giảm thuế đối với các dự án đầu tư theo danh mục đã xây dựng; có chế độ ưu đãi hợp lý về thuế, giá điện nước trong kinh doanh nhà hàng, khách sạn nhất là trong bối cảnh ngành Du lịch đang chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch COVID-19

Tăng cường công tác xúc tiến quảng bá, mở rộng thị trường du lịch; nâng cao nhận thức về quy hoạch trong các cấp, các ngành và nhân dân; tạo lập và nâng cao hình ảnh của du lịch biển Nam Định ở trong nước, khu vực và quốc tế, qua đó thu hút khách du lịch và lượng vốn đầu tư vào du lịch; tăng cường phối hợp tuyên truyền với các cơ quan thông tin đại chúng, đẩy mạnh xúc tiến du lịch, mở văn phòng du lịch đại diện tại các thị trường trọng điểm.

Cần xây dựng chiến lược phát triển nguồn nhân lực phù hợp với nhu cầu phát triển du lịch của tỉnh. Chú trọng công tác đào tạo tại chỗ đối với nhân viên phục vụ, cán bộ quản lý, cần liên kết, hợp tác với các cơ sở đào tạo về du lịch để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đây là yếu tố quyết định việc thực hiện thành công các mục tiêu phát triển du lịch bền vững.

Xây dựng chiến lược bảo vệ môi trường du lịch biển, các quy định về bảo vệ môi trường biển trong hoạt động du lịch. Cần có chính sách khuyến khích đầu tư vào những loại hình du lịch sinh thái, du lịch văn hóa tâm linh. Bên cạnh đó tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội, trách nhiệm của du khách và cộng đồng dân cư đối với việc bảo vệ môi trường biển.

 Để có thể phát triển bền vững du lịch biển, cần có sự liên kết, hợp tác về các hoạt động du lịch với các địa phương khác, tạo mối quan hệ và học hỏi kinh nghiệm phát triển du lịch của nhiều nước trên thế giới.

Tác giả: Nguyễn Thị Tuyến

Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *