Một số giải pháp thu hút khách du lịch đến thanh hóa

Thanh Hóa có vị trí địa lý giao thông thuận lợi, sở hữu nguồn tài nguyên đa dạng, phong phú thuận lợi cho phát triển kinh tế ngành du lịch. Song, trong những năm qua du lịch Thanh Hóa phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, do không có các giải pháp marketing du lịch phù hợp. Vì vậy, bài viết đưa ra một số giải pháp marketing du lịch giúp các nhà quản lý, hoạch định du lịch có chiến lược nhằm thu hút khách đến với Thanh Hóa.


Ngày nay, hoạt động marketing được ứng dụng trên nhiều lĩnh vực như thương mại, bảo hiểm, giáo dục, y tế, du lịch… Do vậy, có nhiều khái niệm, cách hiểu cũng như phương pháp hoạt động marketing khác nhau. Theo Phillip Kotler: “Marketing là những hoạt động của con người hướng vào việc đáp ứng những nhu cầu và ước muốn của người tiêu dùng thông qua quá trình trao đổi’’. Marketing du lịch là thuật ngữ chỉ việc tập hợp các chương trình hoạt động hỗ trợ cho nền kinh tế du lịch. Hoạt động marketing đã tiếp thị, quảng bá hình ảnh những sản phẩm du lịch của các địa phương. Các nhà quản lý, hoạch định chính sách du lịch xem marketing là công cụ cần phải tiếp thị để quảng bá hình ảnh và xây dựng thương hiệu cho sản phẩm du lịch.     

Marketing du lịch là cách thức tìm hiểu nhu cầu của du khách và có những giải pháp phù hợp để thu hút khách hàng. Hoạt động marketing nhằm cải thiện khả năng cạnh tranh và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế du lịch. Qua thực tiễn cho thấy, một số quốc gia thực hiện tốt hoạt động marketing đều đem lại hiệu quả cao và góp phần không nhỏ vào quá trình phát triển và tạo dựng thương hiệu du lịch.

Thực tiễn hoạt động marketing ở Thanh Hóa trong thời gian qua đã có những hiệu quả thiết thực, nâng cao hình ảnh và tăng tính hấp dẫn thu hút du khách bằng việc tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch với hình thức, nội dung, quy mô đạt chất lượng. Một số sự kiện thu hút sự quan tâm và để lại ấn tượng trong lòng của du khách như lễ hội Lam Kinh, Mai An Tiêm, Lê Hoàn, lễ kỷ niệm 40 năm Hàm Rồng chiến thắng, liên hoan văn hóa ẩm thực các tỉnh phía Bắc, festival trò diễn dân gian Thanh Hóa 2010, giới thiệu sản phẩm 1000 năm những kinh đô Việt cổ chào mừng đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội, hội chợ quê năm 2012, hội thảo Giải pháp phát huy giá trị di sản thế giới thành nhà Hồ, Du lịch Thanh Hóa trong chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, cuộc thi thiết kế mẫu quà tặng lưu niệm mang biểu trưng du lịch Thanh Hóa…

Các doanh nghiệp trong tỉnh cùng phối hợp quảng bá, giới thiệu tiềm năng và sản phẩm du lịch tại hội chợ thương mại du lịch trong nước: hội chợ du lịch quốc tế ITE – HCMC thường niên tại TP.HCM, liên hoan văn hóa ẩm thực quốc tế Vũng Tàu 2010, liên hoan du lịch quốc tế Thăng Long – Hà Nội, liên hoan ẩm thực Hà Thành và nhiều sự kiện du lịch quan trọng tại Hải Phòng, Ninh Bình, Nghệ An, Thừa Thiên Huế… Đồng thời, cùng với sự hỗ trợ của Bộ VHTTDL, ngành du lịch Thanh Hóa đã tiếp cận thị trường mục tiêu quảng bá tiềm năng và cơ hội đầu tư du lịch tại các hội chợ du lịch quốc tế: xúc tiến du lịch tại Thái Lan năm 2009 và ở Lào năm 2012, hội chợ quốc tế Jata – Nhật Bản năm 2010…

Thực hiện tuyên truyền quảng bá du lịch trên các phương tiện thông tin đại chúng với nhiều chuyên mục, phóng sự giới thiệu tiềm năng du lịch xứ Thanh như Việt Nam – vẻ đẹp tiềm ẩn, Việt Nam – đất nước con người, Người hướng dẫn du lịch, Dọc ngang đất nước

Tiến hành tổ chức các kiốt thông tin du lịch tại nhiều điểm: Sầm Sơn, thành phố Thanh Hóa và cửa khẩu quốc tế Na Mèo, triển khai hệ thống biển tuyên truyền dọc quốc lộ 1A và địa bàn thành phố Thanh Hóa, sản xuất các ấn phẩm và quà tặng… mang lại hiệu quả thiết thực trong việc thu hút khách du lịch.

Công tác khảo sát xây dựng sản phẩm du lịch mới luôn được Thanh Hóa chú trọng, phối kết hợp với Vụ Thị trường – Tổng cục Du lịch, các doanh nghiệp lữ hành, cơ quan báo chí truyền hình… thực hiện nhiều chương trình khảo sát, nghiên cứu thị trường quốc tế và nội địa. Khảo sát các tuyến du lịch nằm trong hành trình những kinh đô Việt Nam, hay tổ chức các đoàn famtrip tới Thanh Hóa khảo sát, quảng bá sản phẩm du lịch tại một số tuyến, điểm du lịch: Pù Luông, Bến En, Nga Sơn; Lam Kinh – thành nhà Hồ – suối cá Cẩm Lương… Tạo điều kiện cho các doanh nghiệp du lịch mở rộng thị trường, học tập kinh nghiệm trong việc xúc tiến và quảng bá sản phẩm, tạo thương hiệu du lịch.

Tuy nhiên, trong quá trình phát triển, hoạt động marketing du lịch ở Thanh Hóa còn nhiều  hạn chế như thông tin cung cấp đến với khách du lịch nội địa và quốc tế còn thiếu so với nhu cầu thị trường, các sản phẩm thông tin tuyên truyền quảng bá chưa được dịch ra nhiều thứ tiếng, thiếu sự hấp dẫn về nội dung và hình thức, công tác tổ chức và tham gia những gian hàng hội chợ còn nghèo nàn, website giới thiệu về du lịch Thanh Hóa chưa cập nhật thường xuyên…

Các dự án đầu tư phát triển du lịch ở Thanh Hóa chưa đồng đều tại các khu du lịch trọng điểm của tỉnh như Sầm Sơn, Hải Hòa, Hải Tiến…  Tỉnh chưa có chính sách ưu đãi tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp thu hút đầu tư xây dựng khách sạn lớn đạt tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, tỉnh cũng chưa có chính sách, điều kiện để các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng nâng cao chất lượng phục vụ du khách.

Các doanh nghiệp du lịch và cộng đồng dân cư địa phương chưa nhận thức đầy đủ về việc xúc tiến, quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Thanh Hóa bằng chính chất lượng dịch vụ, thái độ phục vụ, văn hóa ứng xử đối với du khách. Điều này thể hiện rõ qua chất lượng đội ngũ làm du lịch còn thấp. Các bộ phận trực tiếp quan hệ với khách như hướng dẫn viên, lễ tân, nhân viên buồng, nhà hàng… vẫn còn thiếu và yếu. Trong tiếp cận thực tế công việc, kỹ năng hoạt động nhóm, kinh nghiệm về tổ chức sự kiện và quản lý các bộ phận phục vụ trong khách sạn, khu nghỉ mát cao cấp còn nhiều hạn chế. Ngoài ra, khả năng ngoại ngữ của đội ngũ lao động còn yếu kém, ảnh hưởng đến việc thu hút khách du lịch nước ngoài. Hiện nay, các học viên học nghề thường tập trung đông vào những lớp hướng dẫn, lễ tân chiếm khoảng 10%, trong khi đó lực lượng phục vụ buồng, nhà hàng, đầu bếp chiếm khoảng 15% nguồn nhân lực làm du lịch, nhưng số người có trình độ cao không nhiều.

Các cấp, ngành, tổ chức xã hội chưa có sự thống nhất chương trình hành động phát triển du lịch Thanh Hóa dẫn đến việc liên kết các sản phẩm du lịch của nhiều địa phương chưa đồng bộ, còn mang tính tự phát, rút ngắn thời gian lưu trú và hạn chế lựa chọn của khách.

Để thúc  đẩy hoạt động du lịch Thanh Hóa phát triển, thì trong thời gian tới tỉnh cần phải thực hiện một số giải pháp:

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ hoạt động du lịch: trước mắt, cần rà soát và đánh giá lại lực lượng lao động trong doanh nghiệp, từ đó xây dựng kế hoạch đào tạo hợp lý. Đặc biệt, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo thu hút học viên, xây dựng lực lượng cán bộ trẻ, có trình độ, đáp ứng nhu cầu lao động của xã hội nói chung và ngành du lịch nói riêng. Bên cạnh đó, cần có chính sách tuyển dụng, bố trí và phân công lao động  phù hợp với trình độ và năng lực của từng  người. Cải thiện điều kiện lao động và nâng cao chất lượng môi trường làm việc trong doanh nghiệp du lịch, có chế độ ưu đãi khen thưởng, kỷ luật phù hợp.

Đa dạng hóa sản phẩm du lịch: dựa trên nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng để phát triển các loại hình du lịch đặc trưng có sức hấp dẫn du khách như nghỉ dưỡng biển, sinh thái, văn hóa, phát triển làng nghề truyền thống để sản xuất nhiều sản phẩm cung cấp cho du khách. Bên cạnh đó, cần chú trọng đến các tụ điểm vui chơi giải trí như trung tâm mua sắm, vũ trường, khu ẩm thực, tụ điểm ca nhạc… nhằm kéo dài thời gian lưu trú và tăng chi tiêu du lịch của khách. Ngoài ra, cần chú trọng khai thác nội lực văn hóa truyền thống để tạo ra những sản phẩm du lịch có sức trường tồn như tổ chức các lễ hội dân gian, văn hóa ẩm thực… tăng sức hấp dẫn cho du lịch Thanh Hóa.

Rà soát lại quy hoạch phát triển du lịch: Thanh Hóa hiện nay chủ yếu khai thác yếu tố có sẵn mà chưa có một quy hoạch tương xứng với những tiềm năng đó. Công tác quy hoạch phát triển du lịch phải triển khai một cách đồng bộ khoa học, phù hợp với xu thế phát triển trong nước, khu vực và thế giới. Phải đảm bảo tính liên ngành, liên vùng, phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế – xã hội của địa phương và quy hoạch tổng thể phát triển du lịch Việt Nam. Du lịch Thanh Hóa cần có thêm các khu resort, trung tâm thương mại, khu vui chơi giải trí để du khách có thêm nhiều lựa chọn trong thời gian lưu trú. Tuy nhiên,  phải có quy hoạch hợp lý tránh phá vỡ cảnh quan môi trường tự nhiên và đảm bảo tài nguyên du lịch được bảo vệ, khai thác một cách hiệu quả. Vì thế cần rà soát lại quy hoạch để cơ cấu và bổ sung thêm các hạng mục xây dựng phù hợp với xu thế phát triển chung, tạo tiền đề để Thanh Hóa trong tương lai thành một điểm du lịch thân thiện và hấp dẫn.

Tăng cường quảng bá du lịch: để hình ảnh Thanh Hóa trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong nước và quốc tế cần có một chiến lược quảng bá chuyên nghiệp đối với các sự kiện du lịch của tỉnh. Bên cạnh đó, cần hoàn thiện khâu cung cấp thông tin du lịch cho du khách thông qua các website, trang mạng phổ biến… tạo điều kiện cho du khách tiếp cận thông tin một cách nhanh và thuận tiện nhất. Ngoài ra, tổ chức nhiều đoàn farmtrip với đối tượng tham gia là đại diện nhiều hãng lữ hành, các tổ chức tham gia những chương trình, sự kiện đến Thanh Hóa, từ đó thu hút khách du lịch thông qua các nguồn tin đáng tin cậy này.

Nâng cao ý thức người dân địa phương: cộng đồng địa phương có một vai trò lớn trong sự phát triển du lịch, vì vậy, để nâng cao khả năng thu hút khách cần tổ chức các lớp giáo dục cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức về kỹ năng giao tiếp, ứng xử, trách nhiệm đối với du khách, bảo vệ tài nguyên, môi trường… Tổ chức những lớp bồi dưỡng kiến thức ngoại ngữ, chuyên môn nghiệp vụ, công tác quản lý cán bộ, công nhân viên của các đơn vị kinh doanh du lịch…

Liên kết phát triển du lịch: trong quá trình cạnh tranh gay gắt, việc liên kết hợp tác để cùng nhau phát triển trở nên cần thiết hơn bao giờ hết. Hoạt động liên kết giữa Thanh Hóa với các địa phương trong vùng du lịch trọng điểm Bắc Trung Bộ và Nam sông Hồng cần được triển khai thực hiện đồng bộ, với việc quảng bá, giới thiệu hình ảnh và những sản phẩm du lịch ở các địa phương. Đặc biệt, cần có chiến lược nghiên cứu tiềm năng du lịch vùng Bắc Trung Bộ và Nam sông Hồng một cách toàn diện nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, tạo nên sản phẩm du lịch đồng bộ của vùng… Như vậy, hoạt động liên kết sẽ khai thác được các đặc trưng cũng như phát huy được nhiều thế mạnh về du lịch của khu vực.

Thanh Hóa là tỉnh có nhiều tiềm năng và lợi thế để phát triển du lịch. Vì thế, để thực hiện tốt những giải pháp này cần có sự phối hợp đồng bộ giữa các cấp chính quyền địa phương, sự đồng thuận của người dân để Thanh Hóa trở thành điểm đến có sức hấp dẫn với du khách trong và ngoài nước. Trên cơ sở đó, để du lịch Thanh Hóa sẽ có thêm nội lực để hội nhập với khu vực và quốc tế, góp phần thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế du lịch của tỉnh trong tương lai.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 386, tháng 8-2016

Tác giả : VŨ VĂN BÌNH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *