Một số họa sĩ tiêu biểu của Nigeria

Phiên chợ của Ben Enwonwu

Từ cách đây hàng nghìn năm, Nigeria đã có một nền mỹ thuật rất phát triển với nhiều tượng, mặt nạ, đồ thờ cúng đẹp mắt. Chẳng hạn vào thế kỷ VI trước Công nguyên, người du mục Daima ở ven hồ Chad đã làm được những pho tượng thú nhỏ bằng sét, rồi cho phủ lông nhọn để thể hiện về các tổ tiên cùng linh hồn xa xưa. Sau đó, người Nok cũng có tượng người bằng gốm đại, là những cái đầu hình trụ, hình cầu, hình nón, với mắt to, mũi lớn, miệng rộng đặc tả các vị thần- vua chúa. Vào thế kỷ XII, người Yoruba tiếp tục có tượng đồng, hơn thế còn khắc họa người toàn thân và trong các tư thế mềm dẻo như múa. Họ cũng có tượng đôi giống hệt nhau, ngụ ý về sự song sinh hay tái lặp thú vị trong đời sống, và ở một số tượng đã lai tạo giữa người và vật như người có sừng nhằm chỉ các thế lực siêu nhiên.

Sẵn gỗ ở trong rừng, từ thế kỷ XV đã có khá nhiều dân tộc ở đồng bằng châu thổ sông Niger biết đẽo các loại mặt nạ tinh xảo. Tiêu biểu ở vùng rừng và núi cao, người Igbo đã làm được mặt nạ thần rừng, còn ở nơi sông nước, người Ijo lại chế tác được mặt nạ thủy quái. Họ cũng hay can chắp giữa nhân- thần- vật để cho ra một sản phẩm phục vụ tín ngưỡng. Người Igbo luôn khắc hình ảnh của chim, thú (dê, trâu, cừu), côn trùng, trong khi người Ijo thì tạc cá, hà mã, cá sấu vào chung với người, lập nên các tô tem- vật tổ. Và ngoài trang trí trong nhà, họ đều đội mặt nạ giúp hóa thân thành thần thánh, trông đẹp hơn, dữ tợn thêm khi chiến đấu, hù dọa kẻ khác và cái mặt nạ cũng bảo vệ họ khỏi gươm, đao, tên, đạn. Đặc sắc nhất trong những kiểu mặt nạ Igbo là Ijele có họa tiết sặc sỡ – biểu thị tuổi trẻ, sắc đẹp, hòa bình và có những cái cao tới 3,6m, rộng 1,8m được dựng trước mộ phần, ca ngợi người mất và cầu mong sự trường tồn vĩnh cửu của dân tộc.

Lễ phong Hoàng tử cho Oranmiyan của Bruce Onobrakpeya

So với những tác phẩm đầu tiên có tính chất cụ thể- nhẹ nhàng, những sáng tác về sau của mỹ thuật Nigeria, nhất là từ thế kỷ XV trở đi rất giàu hình ảnh, cầu kỳ. Mỗi nơi có một phong cách, vật liệu riêng và đặc biệt từ đầu thế kỷ XX, hội họa của nước này đã nở rộ. Nhưng nhờ văn hóa dân gian lâu đời với 371 dân tộc, tất cả các họa sĩ, nhà điêu khắc của Nigeria đều lấy đề tài, cảm hứng từ những sinh hoạt nhộn nhịp, vui tươi, đa dạng tại đây, cho dù họ sống ở bên ngoài Nigeria. Các họa sĩ tập trung khai thác chất liệu dân gian, kết hợp cùng kỹ thuật châu Âu, họ đã tạo ra lượng tác phẩm đồ sộ và mỹ thuật Nigeria đã được quốc tế thừa nhận. Công lao ấy thuộc về đóng góp của nhiều nghệ sĩ: Aina onabolu, Ben Enwonwu, Bruce onobrakpeya, Abayomi Barber, Uche okeke và Yusuf Grillo… Bằng tài năng, trí tuệ ưu việt, họ đã đưa mỹ thuật hiện đại vào Nigeria, rồi cho nó cất cánh bay lên.

Người được mệnh danh là cha đẻ của mỹ thuật hiện đại nước này là Aina onabolu, với chủ yếu các tác phẩm là tranh chân dung. Tại thời điểm Nigeria đang bị thuộc địa, các họa sĩ bấy giờ chỉ vẽ về người Tây, thì Aina onabolu lại vẽ về chính người dân nước mình, cho thấy cách ăn mặc, đầu tóc, dáng ngồi, đi đứng và những diện mạo khó quên của châu Phi. Khai thác chủ nghĩa tự nhiên trong nghệ thuật thị giác, ông đã cho thế giới biết được những phẩm chất hiền hòa, giản dị, tốt đẹp của người Nigeria, qua đó chống lại chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, bài xích người da đen. Qua thời gian dạy học, ông cũng khích lệ nhiều thế hệ học trò khôi phục mỹ thuật truyền thống. Aina onabolu sinh năm 1882 ở Ijebu-ode và mất năm 1963 ở Lagos. 12 tuổi, ông đã biết vẽ, 32 tuổi nổi tiếng và để nâng cao kiến thức, ông đã đi học mỹ thuật tại nước ngoài, rồi trở về Nigeria giảng dạy, cống hiến các họa phẩm đặc sắc bằng màu chì và màu nước từ đây. Một trong các họa phẩm tiêu biểu của ông là chân dung Bác sĩ Sapara (năm 1920), người có công trong việc chống lại căn bệnh đậu mùa ở Epe. Trong bức tranh màu nước này, ông tái hiện một người đàn ông rất quý phái, hiền từ với những nét đẹp giống như nàng Mona Lisa của Leonardo da Vinci. Một tác phẩm ấn tượng nữa là Thợ dệt (năm 1924) đặc tả một người Nigeria trong trang phục, tóc tết truyền thống đang ngồi dệt vải dưới một ngôi nhà bằng đất, trong khi Những người thổi kèn (cùng năm) lại cho thấy cảnh sinh hoạt vui nhộn sau giờ lao động ở Nigeria. Trong suốt cả sự nghiệp, họa sĩ đã vẽ được rất nhiều chân dung danh nhân cùng những con người bình dị.

Nhà thông thái của Uche Okeke Nza

Vừa là một họa sĩ, vừa là một nhà điêu khắc sau thời thuộc địa, nên Ben Enwonwu đặc tả được khá nhiều nét đẹp thuần chất Nigeria, ông còn dùng ngôn ngữ hiện đại để phản ánh bản sắc văn hóa nước mình. Đó là một nền văn hóa đầy những nhịp điệu rộn ràng trong từng cử chỉ sinh hoạt. Giống Aina onabolu, ông cũng vẽ nhiều chân dung, trong đó phụ nữ nổi lên hàng số một với đủ sự duyên dáng, thùy mị, và một tác phẩm của ông mang tên Tutu đã được giới phê bình nghệ thuật xem là Nàng Mona Lisa của châu Phi. Ngoài ra, ông còn vẽ mọi người trong những hoạt động đi lại, chợ búa, trồng trọt, đánh bắt, vui chơi và cúng tế… Gần như dân tộc nào trong tranh của ông cũng được khắc họa nghệ thuật múa vì múa cho thấy vẻ đẹp nhất, cũng như tính cởi mở, nồng nhiệt của người Nigeria. Múa cũng là một biểu hiện của ngôn ngữ cơ thể, thường thấy trên cả châu lục. Và các tuyệt tác của ông như Những cô gái nhảy trong rừng, Vũ nữ Obitun, Vũ công Ogolo, Hoàng tử Mali,… với phong cách ấn tượng, mông lung, uyển chuyển đã làm sống dậy những di sản lạ mắt, hiếm có của người bản xứ, ca ngợi họ và mảnh đất trù mật. Sinh năm 1917, mất năm 1994, Ben Enwonwu cũng bắt đầu làm quen với mỹ thuật từ nhỏ. Sau khi cha mất, ông cũng kế nghiệp cha làm một nghệ nhân tạc tượng Igbo, rồi đi học vẽ và trở thành một họa sĩ lừng danh từ năm 1937 với nhiều tác phẩm từ sơn dầu, màu bột, gỗ và đồng.

Bruce onobrakpeya lại là một thợ in và người đi đầu trong lĩnh vực điêu khắc trên đồng, lá kim loại, cho ra nhiều họa tiết đậm đà, trừu tượng về con người- phong cảnh quốc gia. Những bức tranh của ông cũng sặc sỡ, gợi cảm không kém nhiều tranh vẽ của các họa sĩ khác bởi ngoài khắc đồng còn sơn, phủ resin. Trong sự nghiệp hơn 60 năm, ông đã cống hiến hàng trăm bức họa, tranh in, tranh khắc và nghệ thuật sắp đặt, mà nền của chúng thường là các chữ tượng hình Ibiebe của dân tộc Urhobo, trong đó ghi các biểu tượng, thành ngữ, ca dao và thi pháp Nigeria. Nhờ những chữ này, tác phẩm luôn có tính cổ kính, trang trọng cùng nhiều giá trị nhân văn. Và một ví dụ thành công nhất của ông là phù điêu Ekpevwe – vũ điệu Tạ ơn, bên trên thấy 13 vũ công, vũ nữ nhảy múa một cách huyền ảo như thể dưới một bầu trời đêm văn hóa vậy, và để cảm tạ thần linh đã ban phát cho sức khỏe, tình yêu, hạnh phúc. Tựu chung, các tác phẩm đều kể về huyền thoại dân tộc cùng cảnh dân gian trong lao động – sản xuất. Cũng xuất thân trong một gia đình điêu khắc Urhobo, song vì yêu hội họa, Bruce onobrakpeya đã thi vào trường cao đẳng mỹ thuật vào năm 1957 lúc 25 tuổi, và từ đây đóng góp rất nhiều tác phẩm trên nhiều mặt đời sống, vì thế năm 2006, ông đã được UNESCo phong là Bảo vật sống.

Taiye của tôi (tranh kính) của Yusuf Grillo

Do thích nền văn minh Ile-Ife, cái nôi của người Yoruba, Abayomi Barber luôn dành tâm huyết để đặc tả nó và thường cho các nhân vật đi giữa gió mưa, đất trời như các vị thần vĩ đại. Với lối sáng tác phóng khoáng, tự do, pha giữa siêu thực và ấn tượng, ông luôn mang đến sự lộng lẫy, hoành tráng của người cùng thiên nhiên quê hương. Xuyên suốt tranh của ông, người xem sẽ gặp một sự yên bình, trầm mặc, hơi hoài cổ, như một sợi dây vô hình nối liền quá khứ với thực tại Nigeria, Song hành cùng vẽ, ông cũng là một thợ điêu khắc đại tài, với nhiều pho tượng danh nhân, như cựu Tổng thống Muritala Mohammed, đức vua Adesoji Aderemi, ông già khôi hài Ali Maigoro và nữ thần nước Yemoja… Abayomi Barber cũng bắt đầu bước vào nghệ thuật năm 1949, khi ông 21 tuổi và sau khi tu nghiệp tại nước ngoài đã về lại Nigeria giảng dạy.

Tương tự trên, với ảnh hưởng của văn hóa Igbo, Uche okeke (1933-2016) cũng tạo ra nhiều họa phẩm đặc sắc, song cho người xem bước hẳn vào một thế giới của các sinh vật thần thoại, anh hùng và sử dụng lối vẽ Uli, tức họa tiết trên thân thể ngày xưa tại vương quốc Nri nhằm khắc họa nội dung. Và đó là các hoa văn Uli được lấy từ tự nhiên, như sọc đốm của các con rắn, con báo hay vảy, sừng của những con tê tê, tê giác… Ngoài ra, ông còn dùng các đường kẻ ngắn dài, rích rắc, chấm, khoanh tròn và lượn cong vẽ các hình tượng. Vì mỹ thuật ở đất Igbo hay nói về nữ thần đất Ala, người lùn nên tác phẩm của ông cũng vậy, khai thác đề tài mẹ thiên nhiên cùng những điều huyền bí. Bên cạnh truyện kể dân gian, ông cũng khắc họa đề tài Thiên Chúa giáo, vẽ lên một thánh địa bao la, trữ tình tại Nigeria.

Một họa sĩ gạo cội nữa hết lòng vì văn hóa Yoruba và nhà thờ Công giáo là Yusuf Grillo (1934), tác giả của những bức tranh nam nữ ăn vận trang nhã, chủ yếu dưới màu xanh nước biển và từ thường phục tới nghi phục, áo tế lễ. Mỗi tác phẩm của ông đều kể một câu chuyện kỳ thú mang triết lý Yoruba, và do có màu xanh nên gọi là tranh xanh. Vẽ tranh, song ông cũng áp dụng kỹ thuật 3D của tượng Yoruba vào đây, khiến họa tiết càng thêm rõ nét. Chưa hết, nhờ góc cạnh, đa mảng miếng, tranh vẽ luôn giống với tranh kính trong nhà thờ. Và thực tế, ông là một danh họa lớn nhất hiện nay của Nigeria về tranh kính, cứ đi tới bất cứ thánh đường nào, bạn cũng có thể gặp sáng tác của ông. Tuy đề tài Thiên Chúa giáo đã ra đời từ hơn 2.000 năm trước, nhưng trong tranh của ông, mỗi nhân vật được thể hiện rất mới lạ, mang những vẻ đẹp Yoruba và Nigeria thế kỷ XX. Trong đó các hình học luôn được sắp xếp mềm mại, cân đối nhờ những nếp gấp phong phú, hấp dẫn của trang phục Yoruba.

CHU MẠNH CƯỜNG (Theo Guardian Nigerian News)

Nguồn: Tạp chí VHNT số 478, tháng 10-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *