Một số kinh nghiệm phát huy vai trò của phụ nữ tỉnh Thái Bình trong xây dựng nông thôn mới

Thái Bình là một trong 8 tỉnh của cả nước có 100% số xã, 1 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) theo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2010 – 2020. Có được những thành tựu này là sự góp sức, hợp lực của nhiều tổ chức, lực lượng, trong đó có vai trò của phụ nữ tỉnh Thái Bình.

Với vai trò, chức năng của mình, thời gian qua, phụ nữ tỉnh Thái Bình đã tổ chức nhiều hoạt động phát huy vai trò trong xây dựng NTM, đặc biệt là thông qua thực hiện cuộc vận động “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (5 không là: không đói nghèo, không vi phạm pháp luật và mắc tệ nạn xã hội, không có bạo lực gia đình, không vi phạm chính sách dân số, không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; 3 sạch là: sạch nhà, sạch ngõ, sạch đồng) đã từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho chị em phụ nữ ở cả nông thôn và đô thị. Đến nay, cuộc vận động đã lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, thu hút đông đảo chị em phụ nữ tham gia. Từ năm 2016 – 2018, hội phụ nữ các cấp trên địa bàn tỉnh đã giúp hơn 8 nghìn hộ gia đình đạt gia đình “5 không, 3 sạch”. Nhiều công trình, phần việc, mô hình hoạt động của Hội Phụ nữ được chính quyền địa phương đánh giá cao, như: cặp lá yêu thương, hũ gạo tình thương, mô hình giúp nhau phát triển kinh tế gia đình… Năm 2019, Hội liên hiệp Phụ nữ của tỉnh đã phối hợp với Ngân hàng BIDV tiến hành mua 350 con bò giống sinh sản, trao tặng cho 350 phụ nữ nghèo, có hoàn cảnh gia đình khó khăn; thực hiện tốt Đề án Hỗ trợ phụ nữ học nghề, tạo việc làm, Hội Phụ nữ các cấp đã đẩy mạnh nhiều hoạt động dạy nghề, giới thiệu việc làm cho 94.977 lượt phụ nữ, giúp 397 phụ nữ khởi nghiệp kinh doanh, thành lập trang trại, sản xuất kinh doanh nhỏ. Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp đã phối hợp với các ngân hàng, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân quyên góp hỗ trợ xây dựng 236 nhà tình thương, nhà tình nghĩa cho phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí 7.697 triệu đồng.

Hội liên hiệp Phụ nữ các cấp thường xuyên làm tốt công tác tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương; phối hợp chặt chẽ với cơ quan, ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị – xã hội để tuyên truyền đến từng chị em phụ nữ về Chương trình xây dựng NTM. Trong đó, đặc biệt tập trung vào phong trào hỗ trợ phụ nữ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển kinh tế và giảm nghèo bền vững; tích cực, chủ động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội… Đến nay, 100% Hội Phụ nữ xã trên địa bàn tỉnh đã đăng ký các hoạt động phù hợp với tình hình thực tiễn địa phương như: xây dựng mô hình đoạn đường phụ nữ tự quản; mô hình thu gom rác thải; vệ sinh thôn, xóm; tổ chức các câu lạc bộ văn hóa văn nghệ chào mừng những sự kiện chính trị – xã hội diễn ra ở địa bàn xã. Điểm nổi bật trong xây dựng NTM của phụ nữ Thái Bình là lấy một xã, trong xã lấy một thôn làm điểm, tiến hành đầu tư nguồn vốn, cơ sở vật chất kỹ thuật để tu bổ, xây dựng, làm mới những hạng mục công trình đường xá, kênh, mương, cống rãnh, trường học, trạm y tế.

Hằng năm, 100% Hội phụ nữ cơ sở đã đăng ký và thực hiện tốt ít nhất một công trình, phần việc tham gia xây dựng NTM. Tính đến hết năm 2019, các cấp hội đã vận động hội viên và nhân dân xây dựng gần 300km đường hoa NTM; duy trì hoạt động của 1.655 tổ thu gom và xử lý rác thải do phụ nữ đảm nhiệm; vận động cán bộ, hội viên phụ nữ cùng nhân dân tham gia đóng góp 4.460 tỷ đồng, 2.000 ha đất và đóng góp hàng trăm ngàn ngày công xây dựng các công trình; trồng 730km đường hoa, gắn trên 800 biển đoàn đường phụ nữ tự quản, điển hình như các mô hình: Nhà sạch vườn đẹp, Nhà sạch vườn mẫu, Đường hoa nông thôn mới kểu mẫu, Giúp phụ nữ nghèo có địa chỉ… Trong phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, giảm nghèo bền vững, Hội liên hiệp Phụ nữ của tỉnh đã tích cực, chủ động liên hệ với Ngân hàng Nhà nước, các chi nhánh ngân hàng trên địa bàn tỉnh tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục, mức vay, lãi suất, thời gian cho chị em có nhu cầu làm giàu để phát triển kinh tế – xã hội, mở rộng quy mô sản xuất, thực hiện các dự án về an sinh xã hội. Mặt khác, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động thành viên vay vốn gửi tiết kiệm thông qua tổ tiết kiệm và vay vốn. Đến nay đã có 1163/1163 tổ tiết kiệm và vay vốn huy động 40.591 thành viên vay vốn gửi tiết kiệm với tổng số tiền 46.708 triệu đồng. Nhờ vậy, trong 10 năm qua (2010 – 2019), tỉ lệ hộ nghèo trên địa bàn tỉnh đã giảm từ 8,5% năm 2010 xuống còn 3,35% năm 2018.

Hằng năm, Hội liên hiệp Phụ nữ tỉnh phát động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện nhiều đợt thi đua như: Phụ nữ Thái Bình đoàn kết, sáng tạo, thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ (năm 2016); Đổi mới, sáng tạo trong triển khai và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ toàn quốc lần thứ XII (năm 2017); Phụ nữ Thái Bình chung sức bảo vệ môi trường (năm 2018); Phụ nữ Thái Bình tích cực hành động vì an toàn cho phụ nữ và trẻ em trong gia đình (năm 2019)… Thông qua đó, nhiều hoạt động, mô hình cụ thể, thiết thực được đánh giá, biểu dương, khen thưởng.

 Từ kết quả đạt được của Hội Phụ nữ tỉnh Thái Bình, có thể rút ra một số kinh nghiệm trong xây dựng NTM:

Một là, thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho phụ nữ về tầm quan trọng của nhiệm vụ xây dựng NTM

Ngay sau khi Tỉnh ủy Thái Bình có Nghị quyết số 02/NQ-TU về xây dựng NTM giai đoạn 2011 – 2015, định hướng đến năm 2020 và Nghị quyết số 03/NQ-TU về tiếp tục đẩy mạnh xây dựng NTM gắn với cơ cấu lại ngành Nông nghiệp giai đoạn 2018 – 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Hội phụ nữ các cấp của Thái Bình đã tiến hành quán triệt, phổ biến, xây dựng kế hoạch học tập cho từng bộ phận, lực lượng, đối với chị em phụ nữ không có điều kiện đến dự, chi hội phụ nữ tiến hành phân công, cắt cử, giao nhiệm vụ cho hội viên của chi hội đến từng gia đình để phổ biến kế hoạch trong hội. Đặc biệt, Hội Phụ nữ các cấp luôn đồng hành cùng chị em phụ nữ để lắng nghe những tâm tư, tình cảm, nguyện vọng trong công việc, cuộc sống, giải quyết kịp thời khúc mắc, vướng bận về vấn đề gia đình, thoát nghèo, có hoàn cảnh khó khăn. Hoạt động tuyên truyền, giáo dục đã góp phần khơi dậy những phẩm chất, truyền thống tốt đẹp của người phụ nữ Thái Bình, đó là sự mạnh dạn trong công việc, cuộc sống, tham gia vào những hoạt động chính trị – xã hội ở địa phương.

Hai là, đa dạng hóa các nội dung, hình thức, phương pháp phát huy vai trò của phụ nữ Thái Bình trong tham gia xây dựng NTM

Các phong trào thi đua yêu nước do Hội Liên hiệp Phụ nữ Thái Bình tổ chức như: Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc; Phụ nữ Thái Bình chung sức xây dựng nông thôn mới; Phụ nữ Thái Bình tích cực bảo vệ môi trường; Tổ phụ nữ gom rác thải… gắn với cuộc vận động “5 không, 3 sạch”, phù hợp với đặc điểm lịch sử, văn hóa ở từng vùng, từng địa phương. Qua đó, động viên, tập hợp được đông đảo chị em phụ nữ tham gia vào những hoạt động do Hội Phụ nữ tổ chức, phát động. Ví dụ, xã Thụy Phúc của huyện Thái Thụy không nằm trong 8 xã làm điểm của huyện về xây dựng NTM, nhưng với cách làm sáng tạo, hiệu quả tạo được sự đồng thuận nhất trí cao giữa chính quyền và nhân dân địa phương lại là một trong 4 xã đầu tiên về đích trong xây dựng NTM. Hội Phụ nữ của xã Thụy Phúc đã phát động và tổ chức cho hội viên ký giao ước thi đua: Phụ nữ Thụy Phúc chung sức xây dựng NTM, gắn các nhiệm vụ, phong trào của hội với từng tiêu chí xây dựng NTM; 80% phụ nữ tham gia đào đắp bờ vùng, bờ thửa; Ðể thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí kinh tế và tổ chức sản xuất, Hội Phụ nữ xã chủ động, sáng tạo thực hiện gắn với nhiệm vụ: vận động, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững, bảo vệ môi trường, đề ra chỉ tiêu mỗi năm giúp đỡ ít nhất 10 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ thoát nghèo. Với cách làm này, hằng năm, 100% hộ phụ nữ nghèo được giúp đỡ, đã có 28 hộ thoát nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của xã xuống 2,83%…

Về hình thức, phương pháp: những nội dung trên được thực hiện thông qua: sinh hoạt định kỳ hằng tháng, hằng quý của Hội Phụ nữ; giao nhiệm vụ cho các thôn, xóm; hội thi, hội diễn; những gương, mô hình điển hình tiên tiến của chị em phụ nữ.

Ba là, nâng cao năng lực hoạt động thực tiễn của Hội Phụ nữ các cấp

Đây là nội dung quan trọng, vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa mang tính lâu dài. Từng thành viên của Hội Phụ nữ phải tích cực, chủ động bám sát thực tiễn, để gặp gỡ, trao đổi, tìm phương án tối ưu giải quyết. Theo đó, các hội viên, nhất là hội trưởng, xây dựng kế hoạch, ban hành quy chế hoạt động cho hội; thường xuyên tự học, tự bồi dưỡng kiến thức về mọi mặt để tuyên truyền, giáo dục, vận động chị em thực hiện nghiêm các luật của Đảng, Nhà nước; năng động, nhạy bén, vận dụng linh hoạt, sáng tạo kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm vào giải quyết những thắc mắc, ý kiến của chị em; nhiệt tình, tâm huyết, sâu sát cơ sở, có uy tín, kinh nghiệm trong công tác vận động quần chúng và phải gương mẫu đi đầu trong tất cả các phong trào; đồng thời, kiên trì, bình tĩnh trong các hoạt động thực tiễn, không nóng vội, chủ quan, hoặc nể nang, né tránh, ngại va chạm.

Ngoài những kinh nghiệm trên, việc làm tốt công tác kiểm tra, giám sát của đối với việc thực hiện các chỉ tiêu, nội dung phong trào thi đua; phối hợp chặt chẽ với các lực lượng, cơ quan, chức năng, ban ngành giải quyết kịp thời, hiệu quả từng tình huống, sự việc xảy ra trong cuộc sống của chị em phụ nữ; tiến hành sơ, tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm, biểu dương, khen thưởng đối với những tập thể, cá nhân có nhiều đóng góp vào hoạt động xây dựng NTM… cũng được Hội phụ nữ các cấp đặc biệt quan tâm.

Tài liệu tham khảo:

1. UBND tỉnh Thái Bình: Đánh giá kết quả triển khai xây dựng nông thôn mới đến tháng 6 – 2016 và phương hướng, nhiệm vụ công tác xây dựng nông thôn mới thời gian tới, ngày 6 – 6 – 2016.

2. Phạm Thị Kim Dung, Để phong trào thi đua ngày càng tỏa sáng, Báo Thái Bình, ngày 5-3-2020.

3. Anh Tuấn, Phát huy vai trò phụ nữ Việt Nam trong xây dựng nông thôn mới, Báo Điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, ngày 16-2-2020.

Tác giả: Đào Sơn Hải

Nguồn: Tạp chí VHNT số 435, tháng 8-2020

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *