Một số nguồn cổ sử về âm nhạc trong nghi lễ Phật giáo ở châu thổ Bắc Bộ


Trên nền tảng của âm nhạc truyền thống
dân tộc cùng với triết lý, tập quán tu tập của
đạo Phật mà nhạc lễ Phật giáo vùng châu thổ
Bắc Bộ thể hiện được những điểm độc đáo
riêng biệt. Là một bộ phận của nền âm nhạc
Việt Nam, âm nhạc trong nghi lễ Phật giáo
không chỉ được ghi nhận trong thực hành
nghi lễ ở các địa phương vùng châu thổ Bắc
Bộ mà còn được ông cha ta ghi chép, phản
ánh một cách rõ nét trong các thư tịch, tư
liệu cổ sử khác nhau, chứng minh sự định
hình, tồn tại và phát triển của loại hình âm
nhạc này trong nhiều thế kỷ qua.

1. Đặt vấn đề

Nghiên cứu âm nhạc trong nghi lễ Phật giáo Việt Nam trước hết cần chú trọng tới nguồn tài liệu vang, nghĩa là hệ thống bài bản, nhạc khí và những thành tố liên quan còn được thực hành, diễn xướng mà mọi đối tượng thưởng thức có thể nghe, nhận biết trực tiếp được. Tuy nhiên, nguồn tài liệu vang này có thay đổi không nhỏ trong quá trình lịch sử, gắn bó chặt chẽ với quá trình giao lưu và tiếp biến văn hóa âm nhạc. Việc nghiên cứu nguồn tư liệu vang, vì thế cũng chỉ có thể có giá trị trong một giai đoạn lịch sử nhất định. Có một thực tế, để nghiên cứu bất kỳ một hiện tượng âm nhạc dân gian truyền thống nào, nguồn tư liệu lịch sử là vô cùng quan trọng. Ngoài tư liệu được ghi chép theo phương pháp hồi cố từ các nghệ nhân cao tuổi thì còn những nguồn tài liệu chính sử. Nói cách khác, nguồn cổ sử không nói cho chúng ta biết được giai điệu và cao độ cụ thể của từng thể loại âm nhạc như thế nào trong quá khứ nhưng nó chứng minh cho chúng ta biết rằng, những hình thức âm nhạc liên quan xuất hiện từ khi nào, từ tổ chức nhạc khí cho đến không gian diễn xướng, thậm chí là ý đồ sử dụng các loại hình, thể loại và hình thức âm nhạc ấy.

Đối với âm nhạc trong nghi lễ Phật giáo, nhiều thể loại và các tổ chức cấu thành còn được bảo lưu trong thực hành nghi lễ trong các ngôi chùa ở vùng châu thổ Bắc Bộ. Ngay từ xa xưa, nó đã có vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, tôn giáo của con người, từ trong cung đình đến ngoài dân gian, vì thế nó đã được ông cha ta ghi chép trong các loại hình ngôn ngữ khác nhau, từ chữ viết chính thống của sử gia đến ngôn ngữ nghệ thuật, tạo hình. Như vậy, vấn đề đặt ra là: những nguồn tư liệu đề cập là những nguồn tài liệu nào, mức độ phản ánh về âm nhạc nghi lễ Phật giáo ở khu vực này cụ thể ra sao? Bằng phương pháp tiếp cận liên ngành âm nhạc học, sử học, tôn giáo học, nghiên cứu này sẽ giải quyết một phần những vấn đề trên.

2. Các nguồn cổ sử ghi nhận sự xuất hiện của âm nhạc Phật giáo

Tư liệu thành văn

Tư liệu ở dạng này đề cập trực tiếp hoặc gián tiếp đến âm nhạc Phật giáo ở Hà Nội, đó là những cuốn cổ sử, lịch sử Phật giáo, lịch sử âm nhạc Việt Nam, mà Thăng Long – Hà Nội là một trong những địa danh gắn với lịch sử dân tộc và quá trình truyền giáo diễn ra sớm nhất. Công trình đầu tiên được nhắc tới ở đây là nghiên cứu của tác giả Lê Mạnh Thát. Theo ông, nền âm nhạc Phật giáo xuất hiện khá sớm, ngay từ thời kỳ đầu Phật giáo du nhập vào nước ta. Những chi tiết này được đề cập trong sách hoặc Luận của Mâu Tử từ TK II đến TK III sau CN: “suốt ngày hết đêm giảng đạo tụng kinh”(1). Nguồn tư liệu cho thấy, ngay nửa đầu thiên niên kỷ thứ nhất, khái niệm tụng kinh đã xuất hiện. Tác giả Lê Mạnh Thát cung cấp thêm một tư liệu khá quan trọng khác: “Chu Phù từ Cối Kê làm thứ xử ở Giao Châu, bỏ sách vở của thánh hiền về trước, vứt pháp luật của nhà Hán, thường mặc áo đỏ vàng, đầu bịt khăn, gảy đàn, đốt hương” (2). Chi tiết về sự xuất hiện của các nhạc cụ (gảy đàn) trong nghi lễ tụng kinh đã minh chứng cho sự xuất hiện của âm nhạc Phật giáo ở Việt Nam thời bấy giờ.

Tác giả Lê Mạnh Thát còn đưa ra nhận xét: “Nền lễ nhạc Phật giáo Việt Nam vào thời Khương Tăng Hội (TK III-NĐL) đã có những đóng góp nhất định cho nền lễ nhạc Phật giáo thế giới” (3). Tuy nhiên, theo chúng tôi, những ghi chép trên đây chưa đề cập một cách đầy đủ về vấn đề tán tụng như thế nào, âm điệu ra sao và gảy đàn là thứ đàn gì, dù chỉ là mô tả. Hơn nữa, giai đoạn đầu của thời kỳ Phật giáo du nhập, vấn đề tổ chức xã hội và nhiều khía cạnh khác của đời sống chưa ổn định nên chưa thể nói đến sự phát triển của âm nhạc Phật giáo như vậy.

Cũng ở những thế kỷ đầu này, với sự xuất hiện khái niệm ca tán tụng vịnh, thêm một lần nữa khẳng định sự có mặt và phát triển một cách rõ nét nền âm nhạc Phật giáo Việt Nam. Nhưng quan trọng, những khái niệm về thể loại này hiện còn lưu truyền trong nghi lễ Phật giáo ở Hà Nội nói riêng, Việt Nam nói chung. Các hình thức tán canh trong nhiều ngôi chùa ở Hà Nội và vùng châu thổ Bắc Bộ đã chứng minh sự có mặt và tiếp nối mạch nguồn lịch sử của âm nhạc Phật giáo như một quá trình kế thừa và phát triển liên tục. Và “từ 939 trở đi nước ta từ vua đến dân ai cũng ưa âm nhạc và nhạc đã thường là vấn đề khá khó khăn đối với nhà cầm quyền về phương diện luật pháp cũng như chính trị” (4). Điều này nói lên rằng, ngay thời kỳ độc lập, âm nhạc, gắn liền với sự “lên ngôi” của Phật giáo và tinh thần nhập thế để đi vào dân gian, các nhà sư không những có vai trò trong công việc triều chính mà còn tham gia nhiều hoạt động xã hội khác, trong đó có việc đưa âm nhạc Phật giáo nói riêng vào đời sống sinh hoạt văn hóa tâm linh trong chùa.

Nguồn tư liệu chính sử gần với niên đại trên được ghi chép về âm nhạc Phật giáo ở Hà Nội và vùng phụ cận là An Nam chí lược, khi nhắc đến lễ cầu siêu và sử dụng các loại trống cơm, kèn, tháp nứa, xập xõa, trống lớn (5). Cần phải nói thêm rằng, ở giai đoạn Lý – Trần, do Phật giáo được ưa chuộng nên chính âm nhạc Phật giáo cũng được vua tôi yêu thích như Lê Tắc đã mô tả trong An Nam chí lược.

Qua nguồn tài liệu trên, có hai vấn đề đáng được chú ý là sự có mặt của âm nhạc Phật giáo qua Hội đèn Quảng chiếu, khái niệm tụng kinh Phậtcác con hát hóa trang trong đêm rằm, như vậy chứng tỏ dấu ấn liên quan trực tiếp đến Phật giáo khá rõ nét. Quan trọng hơn, khái niệm Vu lan bồn, để cúng tế, siêu độ càng khẳng định rằng, giai đoạn này, âm nhạc đã gắn với nghi lễ ứng phó đạo tràng Trai đàn chẩn tế như một bằng chứng sống động về nghi lễ và âm nhạc Phật giáo Việt Nam mà đến nay còn thực hiện trong đời sống xã hội. Cũng ở khoảng thời kỳ này, một cuốn sách ra đời muộn hơn Đại Việt sử ký toàn thư (6), ghi một cách khá chi tiết về vấn đề này.

Có thể nói, dưới thời Lý – Trần, với tư cách là một trong những hình thái ý thức xã hội nằm trong kiến trúc thượng tầng, Phật giáo và những nghi lễ liên quan đến Phật giáo có vai trò đặc biệt quan trọng liên quan mật thiết tới đời sống tinh thần và các hoạt động của xã hội, mà trước tiên là sự hiện diện trong triều đình. Không những vậy, sinh hoạt văn hóa Phật giáo còn có sự giao lưu, giao thoa và ảnh hưởng của các yếu tố ngoại nhập, ở đây là âm nhạc Phật giáo Ấn Độ.

Sang đến thời Lê, Nguyễn và về sau này, do nhiều biến cố của lịch sử, đặc biệt là vai trò của Phật giáo đã chuyển từ hệ tư tưởng chính trong triều đình ra ngoài dân gian; những vấn đề về con hát và luật riêng với con hát ở thời nhà Lê và sau này là Trịnh Nguyễn không được chú ý nhiều, chủ yếu là nói về các hình thức sinh hoạt âm nhạc khác. Tuy vậy, sức sống của Phật giáo trong lòng dân gian dường như ngày càng mạnh mẽ hơn, như trên đã trình bày, đó là vai trò của ngôi chùa và mái đình trên một không gian, tạo ra một mối giao lưu mới giữa yếu tố bác học cũ và cung đình đương thời qua nhạc tế lễ đình làng, tạo cho âm nhạc Phật giáo có sự phong phú và đa dạng hơn về thể loại, nhất là tổ chức khí nhạc.

Ngoài ra, còn một tư liệu rất có giá trị khác phản ánh âm nhạc Phật giáo giai đoạn đầu độc lập của nước ta là văn bia Sùng Thiện Diên Linh, tên đầy đủ phiên âm là Đại Việt quốc đương gia, đệ tứ đế, Sùng – Thiện Diên – Linh tháp, dịch nghĩa là Bia tháp Sùng – Thiện Diên – Linh của vua thứ tư (nhà Lý) đương làm chủ nước Đại Việt, hiện đang được bảo tồn tại chùa Long Đọi, xã Đọi Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam, đề ngày dựng là mồng 6 tháng 7 năm Tân Sửu (1121). Bia đã được dịch, chú giải và in trong cuốn Thơ Văn Lý – Trần (7). Văn bia này có những thông tin khá thú vị về những vấn đề liên quan đến xã hội, tôn giáo tín ngưỡng trong nghi lễ thời Lý, trong đó có âm nhạc Phật giáo. Diện mạo âm nhạc Phật giáo được nhìn thấy phần nào qua các chi tiết dưới đây của văn bia: Khi mô tả về phong cảnh chùa có các chi tiết “muôn trống như sấm vang dậy nước”, “dạo nhạc thiền réo rắt”, “vươn tay nhỏ dâng khúc hồi phong”; Khi dựng hội đèn Quảng Chiếu: “hai tòa lầu loa, trong treo chuông vàng”, “dơ vồ chuông để đánh”, “nghe tiếng gõ (chuông) mà dáng im nét mặt”; Mùa xuân thì “dưới sân hàng rối sắp bày, đều cùng nhảy múa”, “ráng sức thiên tài làm nên điệu khúc”, “lưng trời tiếng át mây trôi, hòa tiếng sáo vang thêm ân sáng”, “chế ra khúc múa tuyệt với”, “lại chế khúc tiên tử xuống mây”… véo von tiếng hát; Mô tả các tầng tháp chùa thì “gác lăng Hán, trong treo chuông đồng, buộc chày kình Bích Hải, khi đánh tiếng âm vang tràn ngập cả đường trời”; Khi khánh thành thì “chuông trống vang ầm, chiêng khánh inh ỏi”; “nghe kinh xong dâng điệu múa ca”.

Từ những chi tiết này cùng với bức chạm khắc trên chất liệu đá ở chùa Phật Tích cùng niên đại có thể rút ra nhận định: âm nhạc Phật giáo thời Lý đã có những phát triển mạnh mẽ. Sự du nhập của các nhạc khí như sáo, chiêng (thanh la?) gắn với múa đã có ngay từ thời kỳ này. Nói cách khác, sự có mặt của các tổ chức âm nhạc trên đây, cùng với vị trí của Phật giáo trong hai triều đại Lý – Trần cho chúng ta đoán định được rằng, âm nhạc Phật giáo không chỉ có vị trí, vai trò quan trọng trong đời sống thực hành tôn giáo của các chùa, Tổ đình, Sơn môn pháp phái mà nó còn có vị trí quan trọng trong đời sống vương quyền, được sử gia trong triều ghi chép trong các cuốn sách lịch sử và được khắc trên các văn bia một cách cẩn trọng.

Tư liệu khảo cổ – mỹ thuật

Những tư liệu đề cập đến sự có mặt của âm nhạc Phật giáo ở châu thổ Bắc Bộ và Hà Nội thời kỳ cổ – trung đại không chỉ được ghi chép qua tư liệu chính sử trên mà còn được thể hiện một cách rõ nét trong các tư liệu mỹ thuật cổ.

Nhạc cụ được chạm khắc trên chất liệu đá TK XI-XII, bệ đá chùa Vạn Phúc – chùa Phật Tích, Bắc Ninh

Ảnh: Đình Lâm

Trước tiên là bức chạm – khắc trên chất liệu đá có niên đại thời Lý, khoảng TK XI – XII; đó là toàn bộ mặt ngoài chân bệ đá chùa Phật Tích, xã Phật Tích, huyện Tiên Du, Bắc Ninh; hiện nay đã được đưa vào Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam. Bức này cho thấy 9 nhạc cụ, gồm: phách, hồ cầm, sáo, kìm, hoàng sênh, tỳ bà, ống tiêu, đàn nguyệt và trống cơm.

Bức thứ hai trên chất liệu gỗ có từ TK XIV, giai đoạn cuối nhà Trần, hiện còn nguyên dạng trong chùa Thái Lạc, xã Lạc Hồng, huyện Văn Lâm, Hưng Yên. Từ khảo sát thực tế, chúng tôi rút ra mấy nhận xét như sau:

Thứ nhất, ở bức chạm trên chất liệu đá. Căn cứ vào những nguồn ghi chép liên quan đến lịch sử và lịch sử Phật giáo, bức chạm khắc này cung cấp cho chúng ta tư liệu để khẳng định rằng: 1) Phật giáo Việt Nam giai đoạn này đã phát triển rất cao và ở mức độ sâu, rộng, đi vào cả kiến trúc, nghệ thuật; 2) Không những vậy, Phật giáo giai đoạn này đã có sự tiếp biến, ảnh hưởng nhiều yếu tố văn hóa khác nhau, đáng chú ý là yếu tố Chăm Pa qua đường nét múa và trang phục của phụ nữ trên bức chạm; 3) Và, từ hai vấn đề này, bức chạm này cũng đã cung cấp tư liệu cho phép chúng ta suy đoán, đặt giả thuyết để chứng minh sự phát triển và ảnh hưởng của âm nhạc trong Phật giáo ít nhất ở giai đoạn này. Điều này thể hiện ở chỗ, khi nhìn kỹ bức chạm sẽ thấy toàn bộ chân cột là một đài sen, một trong những biểu tượng của văn hóa Phật giáo, trên đó là các nhạc công, vũ công với 9 nhạc cụ như trên đã đề cập. Và như vậy, những chi tiết này đã cho chúng ta thấy sự phát triển, hội gộp của nhiều yếu tố văn hóa, tư tưởng trong Phật giáo Việt Nam mà âm nhạc, mỹ thuật là hai bộ phận phản ánh rõ nét quan hệ hữu cơ này. Cũng về âm nhạc, bức chạm cho chúng ta thấy phần nào vai trò và vị trí của các nhạc cụ dây, hơi, màng rung trong âm nhạc Phật giáo Việt Nam giai đoạn này. Nhìn một cách tổng thể, các bức chạm cho chúng ta những thông tin cần lưu ý, đó là, ngoài là những dấu ấn gắn liền với không gian nhà chùa, có những người diễn tấu âm nhạc và múa cũng mặc trang phục được cách điệu từ Mũ Thất Phật, một trong những biểu trưng của Phật giáo. Như vậy, dấu ấn Phật giáo cũng như những gì thể hiện ngay trong không gian này cho thấy tổ chức nhạc khí ở đây có vai trò quan trọng trong đời sống sinh hoạt văn hóa Phật giáo ngay dưới thời Lý.

Ngoài ra, nguồn tư liệu thứ ba là các pho tượng cầm pháp khí – nhạc khí. Đó là các pho tượng Bồ Tát Chuẩn đề, Bát bộ Kim Cương Bồ Tát. Cũng ở huyện Văn Lâm, Hưng Yên, chùa Nôm có pho tượng Bát bộ Kim Cương cầm đàn nhị. Đặc biệt, ở nhiều ngôi chùa có tượng Bồ Tát Chuẩn đề tay cầm chuông lắc, ví dụ như ở chùa Đào Xuyên, xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Ở chùa Dâu xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, tỉnh Bắc Ninh có hình tiên nữ múa hát…

Cùng với tư liệu chính sử được ghi chép qua các thư tịch cổ, dấu ấn âm nhạc Phật giáo ở Hà Nội còn được đề cập một cách rõ nét trong các tư liệu khảo cổ và mỹ thuật. Điều đó, thêm một nguồn tư liệu khẳng định sự xuất hiện và vai trò của âm nhạc Phật giáo đã có từ rất sớm và được nhà chùa đón nhận qua các hình thức biểu đạt khác nhau từ trong thực hành nghi lễ cho đến các công trình kiến trúc.

3. Kết luận

Mỗi một loại hình nghệ thuật được ông cha ta sáng tạo, thực hành và nuôi dưỡng trong đời sống sinh hoạt văn hóa tinh thần đều được ghi chép, lưu truyền cho hậu thế. Ngoài phương thức lưu truyền bằng truyền khẩu, truyền ngón thì việc ghi chép lại bằng chữ viết hoặc phản ảnh bằng hình vẽ, biểu tượng khác nhau cũng được người xưa sử dụng phổ biến. Với nguồn tài liệu đã cung cấp và chứng minh trên, vị trí và vai trò của âm nhạc Phật giáo nước ta được phản ánh một cách khá rõ nét trong suốt chiều dài lịch sử của dân tộc. Như vậy, ngoài nghiên cứu tư liệu vang thì nguồn tài liệu cổ sử, ở đây là tài liệu thành văn, tài liệu khảo cổ và mỹ thuật đã góp phần quan trọng trong việc khẳng định sự tồn tại và phát triển của âm nhạc trong nghi lễ Phật giáo Việt Nam.

_________________

1, 2, 3, 4. Lê Mạnh Thát, Lịch sử âm nhạc Việt Nam – từ thời Hùng Vương đến thời Lý Nam Đế, Nxb TP.HCM, TP.HCM, tr.283, 283, 283, 283.

5. Lê Tắc, An Nam Chí Lược, Nxb Thuận HóaTrung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, Huế, 2002.

6. Viện Khoa học xã hội Việt Nam, Đại Việt Sử ký toàn thư, Dịch theo bản khắc năm Chính hòa thứ 18 (1679), tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1998.

7. Ủy ban Khoa học xã hội Việt Nam, Viện Văn học, Thơ Văn Lý – Trần, tập I, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 1977.

Tác giả: Nguyễn Đình Lâm

Nguồn: Tạp chí VHNT số 455, tháng 3-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *