Một số vấn đề về lý luận văn hóa quân sự


 

1. Khái niệm

Văn hóa quân sự (VHQS) hình thành từ khi con người biết tổ chức các lực lượng vũ trang để chiến đấu với nhau cho đến ngày nay. Việc nghiên cứu VHQS (cách tổ chức lực lượng vũ trang và cách chiến đấu để giành thắng lợi) cũng được quan tâm từ rất sớm trong lịch sử nhân loại (1). Nhưng VHQS với tư cách là một thuật ngữ khoa học thì mới chính thức xuất hiện từ cuối TK XX. Nhiều nhà khoa học trong và ngoài quân đội đã sử dụng thuật ngữ VHQS để nghiên cứu các vấn đề có liên quan đến việc tổ chức lực lượng vũ trang, tiến hành chiến tranh, chế tạo, sử dụng vũ khí và lĩnh vực tinh thần của quân đội…

Song cho đến nay thuật ngữ VHQS vẫn còn là một vấn đề đang được nghiên cứu và thậm chí có nhà quân sự học đã đặt ra câu hỏi: có cái gọi là VHQS không? Thực tiễn lịch sử đã khẳng định có VHQS của mỗi thời đại, mỗi cộng đồng, mỗi quốc gia dân tộc. VHQS có thể được gọi với các tên khác nhau, tùy vào truyền thống, hoàn cảnh quân sự của mỗi cộng đồng, quốc gia dân tộc khác nhau. Chẳng hạn VHQS Việt Nam thường được gọi là văn hóa giữ nước, VHQS của Liên Xô trong chiến tranh thế giới thứ II được gọi là văn hóa của chiến tranh giải phóng, VHQS Hoa Kỳ được gọi là văn hóa thuộc địa, đế quốc…

Quan niệm của các nhà quân sự và quân sự học

Trước hết phải kể đến các nghiên cứu VHQS theo quan điểm của Hoa Kỳ, cho rằng VHQS đại diện cho đặc tính chuyên nghiệp của người lính, cả về kinh nghiệm và trí tuệ, góp phần truyền bá bản chất cốt lõi của chiến tranh trong các tổ chức quân sự. Quan niệm này nhấn mạnh khía cạnh: tri thức, kinh nghiệm, kỹ năng chiến đấu của người lính.

Tại Hội nghị thượng đỉnh văn hóa quân đội Mỹ, tháng 4-2010, thiếu tướng David Hogg, người đứng đầu lực lượng cố vấn ở Afghanistan, cho “văn hóa như là một hệ thống vũ khí quân sự”. Văn hóa, trong sự hiểu biết này, được cấu hình như một vũ khí trong kho vũ khí của lực lượng quân sự mạnh nhất thế giới, cho phép quân đội nhận thức văn hóa trên toàn cầu, không phải là cụ thể cho một chiến trường hay một kẻ thù. Quan điểm này nhấn mạnh vai trò của VHQS như một loại vũ khí chiến đấu rất quan trọng.

Đề cập tới nội dung VHQS, tác giả Lâm Kiến Di, Viện Nghiên cứu Giáo dục thể chất, Quân Giải phóng nhân dân Trung Hoa trong công trình Tuân thủ sự chỉ đạo của nền văn hóa tiên tiến, để thúc đẩy sự nghiệp quân sự của sự thịnh vượng và phát triển thể chất, đã nhấn mạnh vào sự phát triển thể chất của quân đội như là một yếu tố của VHQS.

Trong sách Tìm hiểu tư tưởng VHQS của Chu Ân Lai, Trương Khải Minh cho rằng: VHQS là một phần của văn hóa xã hội. Nội dung của nó có thể được hiểu từ ba khía cạnh: mức độ vật lý và hóa học, đề cập đến quân đội, binh lính và các hoạt động quân sự cho sự tồn tại và phát triển cơ sở vật chất và những thành tựu vật chất; mức độ tâm linh, là tinh thần quân sự của văn hóa, là sự phản ánh trực tiếp ý chí của quân đội, binh lính và các hoạt động quân sự, hệ tư tưởng, tổng hợp của các quá trình và kết quả của nó, bao gồm các nguyên tắc xây dựng, hướng dẫn, ý tưởng, giá trị và đạo đức, khoa học và công nghệ, giáo dục và nghệ thuật, thể thao quân sự; mức độ hành vi, được gọi là hành vi của hệ thống quân sự, hay VHQS.

Quan điểm trên nhấn mạnh vào cơ cấu nội dung của VHQS: yếu tố vật chất trong thiết bị kỹ thuật, yếu tố tinh thần, tư tưởng của quân đội và yếu tố hành vi của người lính.

Tác giả Nicola Di Cosmo trong công trình Military Culture in Imperial China, Cambridge, Massachusetts, and London, England, cho rằng: VHQS đề cập đến hệ thống cách ứng xử và hành vi mà người lính có nghĩa vụ phải tuân thủ; VHQS có nghĩa là văn hóa lãnh đạo, ra quyết định để vượt qua những hành vi cụ thể, đưa ra các lựa chọn chiến lược trong một ngữ cảnh nhất định; VHQS có thể được hiểu là tập hợp các giá trị xác định khuynh hướng của một xã hội cho chiến tranh và tổ chức quân sự; VHQS đề cập đến truyền thống thẩm mỹ và văn học có giá trị quân sự và làm tăng tình trạng của những người thực hiện lên mức độ anh hùng.

Quan niệm trên khá toàn diện, nhấn mạnh yếu tố tinh thần gắn với đặc trưng của mỗi xã hội, cộng đồng.

Tác giả Jock Deacon, đại tá hải quân Nam Phi cho rằng, nền VHQS của Nam Phi được dựa trên tính chuyên nghiệp và tuân thủ các giá trị truyền thống của danh dự, nhiệm vụ và quốc gia, vấn đề này được phản ánh trong công trình Military Culture in South Africaa, Captain South African Navy. Quan điểm này cũng nhấn mạnh các giá trị tinh thần trong VHQS của quân đội quốc gia Nam Phi.

Tác giả Martin Antonio Balza Teniente, Tổng Tham mưu trưởng quân đội Achentina trong công trình Changing Arhentine military culture, cho rằng: VHQS là tính kỷ luật, gắn kết tổ chức mà thực hiện sứ mệnh của mình, với sự điềm tĩnh, kiên trì, động lực, sự tận tâm nhiệm vụ, và đức tin trong tương lai, luôn thích nghi với thay đổi cấu trúc hiện thời của quốc gia và chia sẻ trong sự hy sinh với đất nước. Quan điểm này nhấn mạnh tính kỷ luật, tính tổ chức của người lính.

Quan niệm của các nhà nghiên cứu nước ta, trước hết phải nói đến các tác giả trong sách Bách khoa tri thức quốc phòng toàn dân (Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2003): chỉ thừa nhận “VHQS chuyên chính” của “các giai cấp, nhà nước cách mạng tiến bộ” mới là VHQS.

Theo Lê Văn Quang và Văn Đức Thanh thì VHQS về bản chất được hiểu theo nghĩa hẹp và rộng của nó như sau:

“Theo nghĩa hẹp, VHQS là tổng hòa những dấu ấn sáng tạo và nhân văn theo tiêu chí chân, thiện, mỹ của tổ chức và hoạt động quân sự trong quân đội cách mạng.

Theo nghĩa rộng, VHQS gồm tổng thể các giá trị văn hóa nảy sinh và phản ánh từ lĩnh vực quân sự cách mạng trong đời sống xã hội”(2).

Quan niệm trên nảy sinh ba vấn đề:

Thứ nhất, bản chất của VHQS không có sự thống nhất: quan niệm hẹp cho rằng bản chất của VHQS là “những dấu ấn sáng tạo và nhân văn”, còn quan niệm rộng lại cho rằng bản chất của VHQS là “tổng thể các giá trị văn hóa nảy sinh và phản ánh từ lĩnh vực quân sự cách mạng”.

Thứ hai, quan niệm rộng chỉ thừa nhận nền “quân sự cách mạng” mới có văn hóa (giá trị): “Quân đội của giai cấp tiên tiến, cách mạng các cuộc chiến tranh do họ tiến hành mang tính chính nghĩa, có tính nhân đạo, có tính nhân văn sâu sắc, nên có giá trị văn hóa. Còn quân đội giai cấp bóc lột, phản động cùng các cuộc chiến tranh mà chúng tiến hành mang tính phi nghĩa, xâm lược, chống nhân dân, kìm hãm sự phát triển của lịch sử nên phản nhân văn, phản nhân đạo, đi ngược lại các giá trị văn hóa trong mọi tổ chức và hoạt động quân sự. Vì vậy, nói tới VHQS trong quân đội ở đây thực chất là nói tới văn hóa của quân đội cách mạng”(3).

Thứ ba, nói về bản chất VHQS dù cho nó là “dấu ấn sáng tạo và nhân văn theo tiêu chí chân, thiện, mỹ” hay “tổng thể các giá trị văn hóa” thì cũng chỉ nhấn mạnh chiều cạnh giá trị của VHQS theo hệ giá trị phổ quát của phương Tây: chân, thiện, mỹ. Tiếp theo có hai vấn đề cần thảo luận:

Hệ giá trị chân, thiện, mỹ chưa đủ bao quát mọi tính văn hóa của tổ chức và hoạt động quân sự. Người phương Đông đưa phạm trù ích vào các hoạt động xã hội nói chung và hoạt động quân sự nói riêng. Nguyễn Trãi trong Bình Ngô đại cáo có viết: “Chúng tham sống, sợ chết mà thực bụng cầu hòa. Ta coi toàn (vẹn) quân là hơn, để dân nghỉ sức”. Đó không chỉ là những giá trị chân, thiện, mỹ của chiến tranh chính nghĩa Việt Nam mà còn bao hàm cái ích đầy tính nhân văn.

Coi bản chất của VHQS là tổng thể các giá trị văn hóa theo tiêu chí chân, thiện, mỹ không mang tính khách quan. Bởi giá trị là cái đánh giá chủ quan của các chủ thể đánh giá. Từ đó dẫn đến quan niệm chỉ có VHQS cách mạng mới có giá trị còn VHQS không cách mạng không có giá trị, nói cách khác hoạt động quân sự cách mạng mới là văn hóa, còn hoạt động quân sự không cách mạng không phải là văn hóa. Nói như vậy là chủ quan, mang tính thiên kiến chính trị và không phù hợp với thực tiễn khách quan: trên thế giới có nhiều nền, kiểu VHQS khác nhau.

Theo quan niệm của Dương Đình Quảng trong tài liệu lưu hành nội bộ Học viện quốc phòng: “VHQS Việt Nam là sự lựa chọn cách thức ứng xử với bên ngoài, với các thế lực ngoại xâm để bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia; hay nói cách khác là tìm ra, lựa chọn phương thức đấu tranh sao cho phù hợp và có hiệu quả nhất”(4). Qua đây có thể hiểu cách quan niệm về VHQS nói chung là “cách thức ứng xử với bên ngoài, với các thế lực xâm lược”. Điều này đúng nhưng chưa chuẩn xác với nền cảnh Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ độc lập chủ quyền quốc gia. Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn nói rằng: khoan thư sức dân thực hiện kế sâu rễ, bền gốc là thượng sách giữ nước đâu chỉ là việc ứng xử với bên ngoài trong VHQS Việt Nam. Hơn nữa ở Việt Nam và trên thế giới, từ cổ đại đến hiện đại, có rất nhiều hoạt động quân sự với những tính chất khác nhau ngoài chống xâm lược thì còn nhiều hoạt động quân sự để tranh giành quyền lực, thống nhất quốc gia, lật đổ chế độ bằng nội chiến. Do đó, nếu nói VHQS chỉ là “sự lựa chọn, cách ứng xử với bên ngoài, với các thế lực xâm lược” thì chưa đầy đủ, chưa có sự khái quát chung.

Quan niệm của người viết chuyên đề

Qua ý kiến của các nhà nghiên cứu thế giới và Việt Nam về VHQS, chúng ta thấy có khác nhau, nhưng tựu chung, đã đề cập đến các nội dung:

VHQS là một bộ phận (một thành tố) văn hóa xã hội trong một nền văn hóa của mỗi cộng đồng, quốc gia dân tộc.

VHQS của mỗi cộng đồng, quốc gia dân tộc mang đặc trưng văn hóa của cộng đồng, quốc gia dân tộc đó, thể hiện ở mục đích, cơ cấu, chức năng… của nó.

Nghiên cứu VHQS có thể xuất phát từ các phương diện khác nhau: triết học văn hóa, nhân loại học văn hóa, cấu trúc chức năng, giá trị biểu tượng, phương thức ứng xử…

Chúng tôi dựa vào quan điểm mac xít về văn hóa, quan niệm của các nhà nghiên cứu kết hợp với quan điểm nhân loại học để đưa ra quan niệm về VHQS.

Phải thừa nhận rằng, trên thế giới, mỗi cộng đồng, quốc gia dân tộc do nền cảnh lịch sử riêng đã tạo nên một nền văn hóa có bản lĩnh, bản sắc riêng. Vì vậy, khi nói đến VHQS của mỗi cộng đồng, quốc gia dân tộc là nói đến một nền, một kiểu VHQS khác nhau, bị chi phối bởi bản lĩnh, bản sắc văn hóa của cộng đồng, quốc gia dân tộc đó. Từ đó có thể đưa ra một định nghĩa về khái niệm VHQS như sau: VHQS là một bộ phận văn hóa xã hội – văn hóa tổ chức lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang – của một cộng đồng, quốc gia dân tộc bị chi phối bởi đặc điểm, truyền thống văn hóa của cộng đồng, quốc gia dân tộc đó, tạo nên một nền, kiểu, loại VHQS khác nhau.

Nói cách khác, VHQS là nền quân sự của một cộng đồng, quốc gia dân tộc có sự thẩm thấu các thuộc tính, phẩm chất, trình độ văn hóa của cộng đồng, quốc gia dân tộc đó, thể hiện ra như một kiểu, loại nhất định.

Trên thế giới, vì vậy, có nhiều kiểu, loại hay nền VHQS khác nhau. Về phương diện lịch đại có nền VHQS nguyên thủy, nô lệ, phong kiến, tư sản và vô sản; về phương diện đồng đại, có nền VHQS Việt Nam, Trung Quốc, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Nga, Anh, Pháp… đang cùng tồn tại.

2. Cơ cấu, đặc trưng và chức năng của VHQS

Cơ cấu

Trên thế giới và ở Việt Nam có nhiều quan niệm khác nhau về VHQS và do vậy, cũng có nhiều cách chia cơ cấu của VHQS. Ở đây, chúng tôi trình bày cơ cấu VHQS theo quan niệm VHQS là một nền, một kiểu nghĩa là nói đến một sự vật có kết cấu bao gồm nhiều thành tố.

Trước hết phải đặt VHQS trong nền văn hóa của mỗi cộng đồng, quốc gia dân tộc vì nó là một thành tố của lĩnh vực văn hóa xã hội của cộng đồng, quốc gia dân tộc ấy, tức là một tiểu hệ thống trong hệ thống lớn. Nếu trừu tượng hóa, tách VHQS ra khỏi hệ thống lớn thì nó tồn tại như tiểu hệ thống bao gồm các phân hệ (vi hệ) sau:

 Hệ thống yếu tố định hướng: bao gồm triết lý, tư tưởng, học thuyết, đường lối quân sự (yếu tố cốt lõi).

Hệ thống yếu tố thể chế, thiết chế: bao gồm pháp luật, quy chế, quy định, điều lệnh, hệ thống tổ chức lực lượng quân sự từ cao xuống thấp (cách thức tổ chức, duy trì lực lượng).

Hệ thống yếu tố nghệ thuật, công nghệ: bao gồm nghệ thuật lãnh đạo, chỉ huy tổ chức chiến đấu, huấn luyện… cách thức chế tạo và sử dụng vũ khí, khí tài.

Hệ thống yếu tố nhân cách: bao gồm các phẩm chất nhân cách của người lãnh đạo, chỉ huy và phẩm chất của người lính, người tham gia chiến đấu.

Hệ thống yếu tố ngoại hiện: bao gồm các yếu tố biểu hiện (quân kỳ, quân hiệu, quân phục, nghi lễ, truyền thống, di tích, bảo tàng, giai thoại, văn chương, nghệ thuật…).

Có thể nghiên cứu cơ cấu VHQS dưới góc độ giá trị – biểu tượng dựa vào cách chia các thành tố của nền VHQS. Ta sẽ có hệ thống 5 giá trị tương đương với hệ thống 5 yếu tố của nền VHQS: giá trị định hướng, giá trị thể chế, thiết chế (giá trị tổ chức), giá trị nghệ thuật, công nghệ, giá trị nhân cách và giá trị ngoại hiện.

Chúng tôi sơ đồ hóa cơ cấu của một nền VHQS như là lát cắt ngang của một thân cây, các lớp hình tròn là các yếu tố cấu thành của nó.

 

Đặc trưng

VHQS là một yếu tố của văn hóa xã hội trong văn hóa cộng đồng, quốc gia dân tộc. Văn hóa mỗi cộng đồng, quốc gia dân tộc có đặc trưng gì thì VHQS của cộng đồng, quốc gia dân tộc ấy có đặc trưng đó. Ngoài ra, VHQS còn mang đặc tính riêng của văn hóa xã hội (đặc trưng chính trị) mỗi thời đại.

Tính nhân sinh: không phải là cái có sẵn trong tự nhiên, nó là cái do con người sáng tạo, học hỏi, trao truyền cho nhau. VHQS phục vụ cho con người “đáp ứng nhu cầu của cuộc sống và đòi hỏi của sự sinh tồn” (Hồ Chí Minh). Tất nhiên là nó tùy thuộc vào nhu cầu của các cá nhân, nhóm người (giai cấp) cộng đồng (quốc gia, dân tộc)…

Tính lịch sử: VHQS được sáng tạo trong lịch sử, tích lũy, chọn lựa, trao truyền qua các thời đại. VHQS bị chi phối bởi điều kiện lịch sử của nhân loại nói chung và mỗi cộng đồng, quốc gia dân tộc nói riêng, nên nó tạo ra các trình độ khác nhau: VHQS nguyên thủy, VHQS nô lệ, VHQS phong kiến, VHQS tư sản… và các truyền thống VHQS của mỗi cộng đồng, quốc gia dân tộc nói riêng.

Tính hệ thống: VHQS có tính hệ thống, bao gồm nhiều yếu tố gắn kết với nhau một cách hữu cơ tạo nên một tổng thể sống động. Đúng như quan niệm của UNESCO: Văn hóa là tổng thể sống động các hoạt động sáng tạo của các cá nhân và cộng đồng, trong quá khứ và trong hiện tại. Qua các thế kỷ hoạt động sáng tạo ấy đã hình thành nên hệ thống các giá trị, truyền thống và thị hiếu – những yếu tố xác định đặc trưng của mỗi dân tộc. Như vậy, văn hóa là một hệ thống các yếu tố tác động lẫn nhau, xâm nhập vào nhau, làm tiền đề cho nhau, tạo nên một kết cấu chặt chẽ không phải là sự xắp đặt rời rạc, yếu tố nó đứng cạnh yếu tố kia một cách cơ học.

Tính giá trị: VHQS mang tính giá trị, là những gì có ích, cần thiết với con người, đáp ứng nhu cầu của con người, con người cần đến nó, vươn tới nó như một khát vọng. Tuy vậy, tính giá trị của VHQS tùy thuộc vào chủ thể đánh giá, thời gian, không gian và tiêu chí đánh giá. Chẳng hạn, một cuộc chiến tranh xâm lược, chống xâm lược, nếu kẻ xâm lược chiến thắng thì đó là giá trị đối với chúng, song nó là phản giá trị đối với người chống xâm lược và ngược lại.

Tính dân tộc: VHQS cũng mang tính dân tộc, bởi mỗi nền văn hóa dân tộc đều ra đời trong một không gian nhất định, chịu chi phối bởi điều kiện tự nhiên, điều kiện xã hội khác nhau tạo nên những đặc trưng khác nhau. Mỗi nền VHQS chịu sự quy định của một nền văn hóa cộng đồng, quốc gia dân tộc nhất định nên nó mang đặc trưng dân tộc của nền văn hóa ấy. Chẳng hạn, nền VHQS Việt Nam truyền thống chủ yếu là giành và giữ độc lập dân tộc, còn nền VHQS Trung Hoa truyền thống là tranh bá, đồ vương và thống trị thiên hạ, bình thiên hạ.

Tính chính trị: trong các xã hội có giai cấp, còn đấu tranh giai cấp, VHQS cũng mang tính chính trị của các giai cấp chống đối nhau; của các cộng đồng, quốc gia dân tộc đấu tranh với nhau.

Có thể còn các đặc trưng khác nữa, song chúng tôi cho rằng nêu 6 đặc trưng trên là đủ.

Chức năng

VHQS là một thành tố của văn hóa, nên văn hóa có chức năng gì thì VHQS có chức năng đó. Trên thế giới hiện nay có nhiều quan niệm khác nhau về chức năng của văn hóa và nhiều cách sắp xếp các chức năng của văn hóa theo những hệ thống khác nhau. Ở đây chúng tôi chỉ đi sâu vào hệ thống 4 chức năng cơ bản của văn hóa nói chung và VHQS nói riêng.

Chức năng giáo dục: là chức năng bao trùm của văn hóa nói chung. Văn hóa xuất hiện cùng với sự xuất hiện của con người xã hội.

Việc giáo dục các phẩm chất người và phẩm chất chiến đấu chống kẻ thù trong lĩnh vực quân sự là một chức năng đặc trưng của VHQS. Đặc biệt đối với những người tham gia lực lượng quân sự và hoạt động quân sự thì VHQS có chức năng giáo dục các phẩm chất con người quân sự (quân nhân, người chiến sĩ). Mỗi nền VHQS có những yêu cầu về phẩm chất con người quân sự khác nhau phù hợp với mục đích của nền quân sự mà cộng đồng, quốc gia dân tộc đó đặt ra. Trong chiến tranh, nhân tố con người có vai trò quyết định, do vậy chức năng giáo dục của VHQS có ý nghĩa to lớn quyết định sự thắng lợi của hoạt động quân sự. Chức năng giáo dục của VHQS còn đem lại sự bảo đảm tính liên tục của lịch sử tổ chức và hoạt động quân sự của các cộng đồng, quốc gia dân tộc, tức bảo đảm sự kế thừa và phát huy truyền thống quân sự của các cộng đồng, quốc gia dân tộc nói riêng và nhân loại nói chung.

Chức năng nhận thức: gắn với chức năng giáo dục. Con người muốn tồn tại và phát triển cần phải nhận thức về tự nhiên, về xã hội và về chính bản thân mình, văn hóa đem lại cho con người những tri thức đã được tích lũy ở trong nó. Văn hóa cung cấp cho con người những kỹ năng, tri thức và và cả những kinh nghiệm làm cơ sở cho mọi hoạt động cải tạo thế giới và những sáng tạo thực tiễn tiếp theo. Không những thế văn hóa còn cung cấp cho con người phương pháp, quy tắc nhận thức và cải tạo thế giới. Trong đó, VHQS đáp ứng nhu cầu nhận thức tổ chức và hoạt động quân sự: tri thức quân sự, nghệ thuật quân sự và kỹ năng chiến đấu, chế tạo và sử dụng vũ khí chiến đấu.

Nói tóm lại là VHQS đem lại cho con người nói chung và con người quân sự nói riêng những kinh nghiệm, những tri thức khoa học quân sự để bảo vệ chủ quyền cộng đồng, quốc gia dân tộc chống lại những lực lượng quân sự xâm phạm tới lợi ích chính đáng của mình. VHQS giúp cho con người cải tạo hoàn cảnh, cải tạo thế giới một cách có hiệu quả – chiến đấu thắng lợi trong cuộc đấu tranh quân sự.

Chức năng tổ chức: cũng gắn với hai chức năng trên. Văn hóa có chức năng tổ chức xã hội, tổ chức cộng đồng. Từ thời cổ đại ở phương Đông, văn hóa được quan niệm là văn trị giáo hóa, tức là lấy văn hóa để sửa trị xã hội, cộng đồng. Từ khi con người bước vào đời sống xã hội, các hình thức cộng đồng người được hình thành để thực hiện nhiều mục đích: lao động, sản xuất, học tập, vui chơi và chiến đấu… VHQS có chức năng đặc thù là việc tổ chức xã hội, cộng đồng thực hiện nhiệm vụ chiến đấu để bảo vệ quyền độc lập, tự do của các cộng đồng, quốc gia dân tộc. VHQS chính là phương thức, cách thức tổ chức các lực lượng, các đơn vị quân sự và cả cộng đồng, quốc gia dân tộc làm nhiệm vụ luyện tập, huấn luyện và sẵn sàng chiến đấu. Trong lịch sử có nhiều giai đoạn, nhiều cộng đồng, quốc gia dân tộc đã được tổ chức theo cách quân sự hóa trên tất cả các lĩnh vực hoạt động. Ngày nay, các cộng đồng các quốc gia dân tộc trong điều kiện hòa bình nhưng vẫn luôn luôn quan tâm đến việc bảo vệ độc lập, chủ quyền và không thể lơi lỏng việc tổ chức xã hội đáp ứng nhu cầu sẵn sàng chiến đấu. VHQS vẫn giữ vai trò tổ chức xã hội đặc thù của nó. Đặc biệt, trong việc xây dựng lực lượng vũ trang thường trực, chức năng tổ chức của VHQS tạo nên tính kỷ luật, thống nhất, ứng biến kịp thời, phù hợp với phương thức của chiến tranh hiện đại.

Chức năng điều chỉnh: văn hóa và VHQS có chức năng điều chỉnh hành vi của con người nói chung và con người quân sự nói riêng. Thông qua hệ thống các giá trị, chuẩn mực, khuôn mẫu, VHQS tác động đến con người quân sự, định hướng hành vi cho phù hợp với yêu cầu của xã hội đối với các cá nhân, cộng đồng hoạt động trong lĩnh vực quân sự. Đồng thời, nó kiểm soát, đánh giá hành vi của con người quân sự có phù hợp hay không với chuẩn mực, khuôn mẫu văn hóa đã được đặt ra. VHQS xây dựng những mẫu nhân cách quân sự tiêu biểu để cộng đồng học tập và noi theo, đồng thời tạo dư luận ép buộc con người quân sự phải thực hiện các chuẩn mực, khuôn mẫu đã định. Nó tạo hệ thống thể chế, thiết chế VHQS, có sức mạnh tinh thần và vật chất khuyến khích và trừng phạt những cá nhân, cộng đồng thực thi đúng và không đúng các giá trị, chuẩn mực, khuôn mẫu của nó.

Trên đây, chúng tôi đã trình bày các chức năng cơ bản của VHQS nói chung. Các chức năng này không tồn tại và tác động một cách biệt lập mà gắn bó, xâm nhập và biểu hiện lẫn nhau cùng tác động đến chủ thể và khách thể VHQS. Ở bất cứ nền VHQS nào cũng có những chức năng ấy, song tùy tính chất của mỗi nền VHQS riêng biệt mà chức năng nào đó sẽ giữ vai trò ưu trội.

_______________

1. Ở Trung Hoa cổ đại chúng ta thấy có binh pháp Tôn Tử, binh pháp Khổng Minh. Ở Việt Nam có Binh thư yếu lược của Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn TK XIII, Bình Ngô đại cáo của Nguyễn Trãi TK XV, Hổ tướng khu cơ của Đào Duy Từ TK XVII.

2, 3. Lê Văn Quang, Văn Đức Thanh, Văn hóa quân sự Việt Nam, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2007, tr.47, 48.

4. Dương Đình Quảng, Truyền thống văn hóa quân sự Việt Nam, 2011, tr.7.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 360, tháng 6-2014

Tác giả : Lê Quý Đức

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *