Một số yếu tố tác động đến việc xây dựng khu kinh tế quốc phòng giai đoạn 1998-2005

Lễ ký kết bàn giao Đoàn Kinh tế – Quốc phòng 4.

Ảnh Lê Thắng

Xây dựng các khu kinh tế quốc phòng (KTQP) là một chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước ta nhằm phát triển kinh tế, xã hội, văn hóa, đời sống vật chất tinh thần cho các đồng bào dân tộc trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới; góp phần xây dựng cơ sở chính trị, củng cố quốc phòng, an ninh bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ. Đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng có ý nghĩa chiến lược của mọi cấp, mọi ngành, mọi cán bộ chiến sĩ quân đội ta.

Xây dựng khu KTQP nhằm thực hiện mục tiêu chương trình quốc gia bao gồm nhiều nội dung, nhiều lực lượng cùng tham gia, thu hút nhiều nguồn vốn đầu tư khác nhau và được triển khai đồng bộ trong một thời gian xác định. Trong đó, phát triển kinh tế xã hội, xây dựng cơ sở chính trị xã hội, củng cố quốc phòng, an ninh là những nội dung trọng yếu, nền tảng, đảm bảo cho chương trình, dự án được triển khai đúng hướng, đạt mục tiêu đã xác định, xây dựng các địa phương ở địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa biên giới trở thành những điểm sáng về phát triển kinh tế xã hội gắn với quốc phòng, an ninh, khẳng định tính chất ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa.

Để quân đội nâng cao hiệu quả, đầu tư xây dựng khu KTQP trong giai đoạn 1998-2005 cần nhận rõ những yếu tố tác động, ảnh hưởng là:

Thứ nhất, nhận thức sâu sắc chủ trương, chính sách của Đảng, quyết định của Chính phủ, cùng các nghị quyết của Quân ủy Trung ương, chỉ thị của Bộ Quốc phòng và hướng dẫn của cơ quan các cấp về mục tiêu, nhiệm vụ của dự án tham gia xây dựng khu KTQP hiện nay.

Đất nước ta đang trong quá trình hội nhập và phát triển, xây dựng nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, Đảng, Nhà nước ta khẳng định: “Phát triển nhanh, hiệu quả bền vững, tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, tiếp tục đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, xây dựng và bảo vệ tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa” (1). Một trong những chủ trương đó là phát triển kinh tế xã hội tại các xã đặc biệt khó khăn miền núi, vùng sâu, vùng xa, huy động đồng thời nhiều lực lượng cùng tham gia, trong đó có quân đội đã được Đảng xác định là: “Phát triển kinh tế xã hội các vùng dự án góp phần cải thiện và từng bước nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, kết hợp bảo đảm quốc phòng, an ninh ở địa bàn chiến lược, biên giới, trên cơ sở bố trí lại dân cư theo quy hoạch của sản xuất và mục tiêu lâu dài của quốc phòng, an ninh, hình thành nên các cụm làng xã, biên giới, tạo nên vành đai biên giới trong thế trận quốc phòng toàn dân bảo vệ Tổ quốc” (2).

Mục tiêu tổng quát trên đã từng bước được cụ thể hóa thành các nhiệm vụ của đề án và bổ sung đề án quy hoạch tổng thể các khu KTQP trong tình hình mới: “Xây dựng cơ sở hạ tầng kết hợp tổ chức lại dân cư; tạo nên những yếu tố bước đầu cho phát triển kinh tế hàng hóa; nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân” (3). Đề án phát triển các khu KTQP đã huy động vốn đầu tư xây dựng rất phong phú từ các các nguồn khác nhau như vốn ngân sách, vốn tín dụng và vốn nhàn rỗi trong nhân dân… vào xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển sản xuất hàng hóa làm thay đổi bộ mặt kinh tế xã hội của địa bàn chiến lược đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Mọi đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước đều hướng tới chăm lo cho con người, nhất là người lao động, tạo nguồn nhân lực có chất lượng cao vì thắng lợi của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Đó là điều kiện quan trọng hàng đầu nhằm nâng cao chất lượng xây dựng các khu KTQP trong giai đoạn này.

Thứ hai, chất lượng tổng hợp các đơn vị quân đội trực tiếp làm nhiệm vụ xây dựng tại các khu KTQP là nhân tố bảo đảm nâng cao hiệu quả xây dựng các khu KTQP hiện nay.

Các đoàn KTQP của quân đội được giao nhiệm vụ xây dựng các khu KTQP phải là những đơn vị vững mạnh về mọi mặt. Trước hết các đoàn KTQP phải có tổ chức đảng trong sạch vững mạnh, hệ thống chỉ huy các cấp, các tổ chức quần chúng có chất lượng cao, đơn vị vững mạnh toàn diện để đảm bảo vừa sẵn sàng chiến đấu, vừa làm kinh tế, phát triển sản xuất, làm ăn có hiệu quả, tổ chức tốt đời sống của cán bộ chiến sĩ trong đơn vị, gia đình hậu phương tại chỗ. Khai thác được thế mạnh của đơn vị, địa phương, đưa các sinh hoạt, hoạt động vào nền nếp theo các mô hình kinh tế mở, sản xuất hàng hóa tập trung làm ăn có lãi… dần trở thành điểm sáng về kinh tế chính trị, văn hóa cho địa phương học tập và noi theo.

Các đoàn KTQP chủ động đào tạo, bồi dưỡng và cử cán bộ, chiến sĩ có năng lực làm công tác tuyên truyền, giáo dục, giúp đỡ chính quyền và nhân dân địa phương dưới các hình thức khác nhau. Nhất là khi quan hệ, giúp đỡ địa phương xây dựng cơ sở chính trị xã hội phải là những người có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất, năng lực vận động quần chúng tốt, góp phần tích cực vào xây dựng, củng cố cơ sở chính trị xã hội trên địa bàn đơn vị đảm nhiệm. Những cán bộ, chiến sĩ được tăng cường xuống cơ sở địa bàn yếu kém trong một thời gian dài, nhất thiết phải là nòng cốt trong xây dựng địa phương vững mạnh.

Nhận thức được tầm quan trọng nguồn nhân lực trực tiếp, các đơn vị còn chủ động giúp chính quyền địa phương, tạo điều kiện cho những thanh niên ưu tú ở địa phương được đi học, đào tạo tại các khóa huấn luyện, các lớp bồi dưỡng tập huấn, các trường trong và ngoài quân đội để sau khi ra trường sẽ trở thành cán bộ nòng cốt xây dựng chính quyền địa phương. Định kỳ, các đơn vị tổ chức giao ban, sinh hoạt với các cơ quan dân chính, Đảng địa phương, qua đó, bồi dưỡng nâng cao trình độ nắm bắt, quản lý tình hình địa phương, xác định các trọng tâm công việc cần triển khai trên tất cả các lĩnh vực nhất là về phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng, an ninh xây dựng các phong trào, nếp sống văn hóa lành mạnh. Duy trì nghiêm chế độ hội nghị để nắm bắt tình hình, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao chất lượng hoạt động công tác đảng, công tác chính trị và tổ chức của cán bộ quân đội và địa phương. Kịp thời điều chỉnh, bổ sung, uốn nắn lệch lạc, tạo sự đoàn kết thống nhất ngày càng cao giữa đơn vị và địa phương, giữa quân đội và nhân dân.

Thứ ba, những tác động của tình hình thế giới, khu vực và trong nước.

Sự phát triển nhanh chóng của các ngành khoa học công nghệ hiện đại đã thúc đẩy mạnh mẽ lực lượng sản xuất phát triển, nhiều ngành kinh tế mũi nhọn ra đời, hình thành nền kinh tế tri thức đang thúc đẩy nhanh chóng nền kinh tế thế giới đã và đang tác động mạnh mẽ tới đời sống kinh tế xã hội nước ta. Những biến đổi to lớn đó đang từng ngày tác động trực tiếp và gián tiếp, tạo ra những thuận lợi và khó khăn tới nhiệm vụ triển khai xây dựng các khu KTQP của các đơn vị quân đội và địa phương.

Những thành tựu trong sự nghiệp đổi mới mà nhân dân ta đã đạt được trong thời gian qua đã và đang tạo ra nhiều giá trị vật chất và tinh thần, là những nhân tố quan trọng góp phần nâng cao chất lượng xây dựng các khu KTQP. Bên cạnh những thuận lợi cơ bản, cũng xuất hiện nhiều khó khăn phát sinh, đòi hỏi phải nỗ lực khắc phục để đưa chủ trương đúng đắn của Đảng vào cuộc sống. Các khu KTQP mới triển khai còn tồn tại một số mặt hạn chế đã trực tiếp đặt ra những yêu cầu, nội dung mới, cần được khắc phục. Kết quả quân đội tham gia xây dựng các khu KTQP tác động trực tiếp tới các lực lượng, hình thành những nhận thức mới, khai thác, phát huy những tích cực, hạn chế loại bỏ những tiêu cực. Căn cứ vào thực trạng chất lượng dân cư địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo, văn hóa thấp kém… để có chương trình, nội dung tổ chức, xây dựng, tuyên truyền giáo dục cho phù hợp. Qua đó, cơ sở chính trị xã hội ở các khu KTQP được củng cố ngày càng vững chắc.

Thứ tư, sự phối hợp hiệp đồng chặt chẽ giữa đơn vị, cơ quan các cấp trong quân đội với lãnh đạo, chính quyền địa phương trong triển khai các chương trình, dự án sẽ tác động mạnh mẽ tới hiệu quả quân đội tham gia xây dựng các khu KTQP.

Mỗi khu KTQP có một chương trình mục tiêu, dự án khác nhau, số lượng và nguồn vốn khác nhau. Mỗi bước tiến triển của đề án thể hiện ở việc hoàn thành các chương trình xây dựng cơ bản và kết cấu hạ tầng cơ sở, tạo ra những công việc có ích, người dân có công ăn việc làm, tay nghề lao động được nâng cao, người dân tin tưởng vào chủ chương chính sách của Đảng, Nhà nước, đây là cơ sở trực tiếp nâng cao hiệu quả quân đội tham gia xây dựng cơ sở chính trị xã hội ở khu KTQP. Tính sáng tạo trong xác định hướng sản xuất, kinh doanh phát huy được những tiềm năng của địa bàn và tính tích cực của nhân dân là yếu tố quyết định tới thành công của đề án xây dựng cơ sở chính trị xã hội ở khu KTQP.

Mặt khác, sự phối hợp đó còn thể hiện ở việc các đoàn KTQP và chính quyền địa phương ở các khu KTQP thường xuyên thông báo kịp thời cho nhau tình hình thuận lợi, khó khăn, những vấn đề nảy sinh trong quá trình triển khai các chương trình mục tiêu, đòi hỏi sự chỉ đạo kịp thời, tập trung thống nhất của cơ quan chủ quản đề án, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Thông qua phối hợp hoạt động giữa quân đội và địa phương, kết hợp tuyên tuyền, vận động nhân dân huy động các nguồn vốn cho đầu tư phát triển các khu KTQP.

Như vậy, hiệu quả quân đội tham gia xây dựng cơ sở chính trị xã hội ở khu KTQP phụ thuộc vào nhiều điều kiện khách quan và chủ quan khác nhau. Trong đó, yếu tố nội lực luôn giữ vai trò quyết định trực tiếp, là mắt khâu trung tâm để khai thác, nhân lên sức mạnh của các yếu tố bên ngoài. Nhân tố chính trị tinh thần là thế mạnh tuyệt đối của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta. Đường lối đúng đắn của Đảng là nhân tố quyết định tạo nên sức mạnh, cùng với những giá trị tinh thần trong truyền thống dân tộc là mạch ngầm, sức sống bền vững của nhân tố tinh thần. Đó còn là sức mạnh của dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại, của các lực lượng yêu chuộng hòa bình trên thế giới chống lại mọi mưu đồ của các thế lực phản động, bảo vệ vững chắc tổ quốc Việt Nam.

______________

1, 2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2001, tr.162, 163.

3. Quân ủy Trung ương, Nghị quyết số 71-NQ/QUTW ngày 25-4-2002, về quân đội tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế xã hội, củng cố quốc phòng an ninh ở các địa bàn chiến lược, tr.5.

 

Tác giả : Nguyễn Duy Phương

Nguồn : Tạp chí VHNT số 409, tháng 7-2018

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *