Múa ballet việt nam đương đại


 

Ballet ở Việt Nam

Khái niệm ballet bắt nguồn từ thời kỳ Phục hưng TK XV, XVI ban đầu tiếng Italy gọi là balletto, cách nói văn vẻ, nhẹ nhàng của từ ballo (múa); người Pháp sử dụng và đặt tên chính thức là ballet. Đến TK XVII, người Anh mượn nguyên dạng khái niệm này. Nhưng, gốc nghĩa sâu xa của ballet bắt nguồn từ tiếng Latin ballare – nhảy múa. Trong suốt 3 TK XVIII, XIX, XX, ballet trở thành loại hình nghệ thuật múa kinh điển mang tính học thuật cao, phổ biến tại các nước châu Âu và Mỹ. Ballet được người Việt biết đến từ những năm đầu TK XX qua các vũ đoàn từ Pháp sang biểu diễn. Tuy vậy, múa ballet chỉ phát triển nhanh từ sau 1954, những nghệ sĩ múa ballet người Việt được các bậc thày đến từ nước Nga (Liên Xô) đào tạo. Trong suốt giai đoạn kháng chiến chống Mỹ (1954-1975), công chúng Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố ở miền Bắc được thưởng thức nhiều vở ballet kinh điển như Hồ thiên nga, Spartacus, Romeo Juliet do nghệ sĩ Việt Nam thể hiện dưới sự chỉ đạo trực tiếp của các đạo diễn, nghệ sĩ công huân Liên Xô như Cattanat, Zum khi… Đây cũng là giai đoạn đã tạo nên nhiều nghệ sĩ nổi như: Thái Ly, Công Nhạc, Kim Dung, Mạnh Hùng, Lê Vân, Thúy Hạnh, Thiên Nga, Kiều Ngân, Quý Ngân…

Những năm đầu thế kỷ XXI, nghệ thuật múa ballet Việt Nam đã vượt qua nhiều khó khăn và thử thách để đến với công chúng trong môi trường mới, hoàn cảnh mới. Nhiều trường nghệ thuật chuyên sâu về múa đã chú trọng đào tạo ngành ballet, điển hình là Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, Trường Múa TP.HCM. Tuy vậy, những cơ sở đào tạo chính quy về múa ballet vẫn chịu ảnh hưởng của cơ chế xin cho thời bao cấp, chưa phát huy hết vai trò, năng lực để thúc đẩy, nâng cao hơn nữa múa mallet.

Đào tạo tài năng ballet tại các trường múa chuyên nghiệp

Là loại hình nghệ thuật đỉnh cao của châu Âu, có sức lan tỏa mạnh mẽ, múa ballet nhanh chóng phổ biển khắp các châu lục khác, được công chúng đón nhận nồng nhiệt. Việt Nam có trên 50 năm định hình, phát triển loại hình nghệ thuật này, một khoảng thời gian đủ để thẩm định, đánh giá và khẳng định ballet đã trở thành bộ môn múa nghệ thuật không thể thiếu trong các chương trình đào tạo nghệ sĩ múa chuyên nghiệp. Tính hàn lâm của ballet không chỉ được thể hiện bằng khả năng biểu cảm của cơ thể múa, mà còn thể hiện thông qua hệ thống kỹ thuật điêu luyện trong các động tác quay, nhảy, xoay, lật, xoạc, bay ở trên không hay trên mặt đất… cùng với khả năng cảm thụ âm nhạc góp phần tạo nên tính thẩm mỹ cao về sáng tạo không giới hạn của con người. Tất cả những yêu cầu nghiêm khắc nhất về quy luật vận động, khả năng tư duy, nghệ thuật múa ballet được nhiều thế hệ giảng viên truyền thụ cho đối tượng học sinh, sinh viên múa chuyên nghiệp. Các cơ sở đào tạo và nhà hát biểu diễn ballet chuyên nghiệp: Trường Cao đẳng Múa Việt Nam, Trường Múa TP.HCM, Trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội, Nhà hát Nhạc Vũ Kịch Việt Nam, Nhà hát Giao hưởng Nhạc Vũ Kịch TP.HCM đều tập trung chủ yếu ở Hà Nội, TP.HCM, tạo không ít khó khăn trong quá trình kết nối, phối hợp giữa các cơ sở đào tạo để phát triển nghệ thuật múa ballet.

Để ballet phát triển theo chiều sâu với nền tảng cơ bản, điều kiện tiên quyết đặt ra là yêu cầu hoàn thiện quy trình đào tạo chuyên ngành diễn viên ballet chuyên nghiệp (hiểu theo nghĩa là kịch múa), nhằm ươm mầm cho những tài năng nghệ thuật múa. Thực trạng ở Việt Nam trong giai đoạn những năm 80,90 TK XX, sau khi những chuyên gia múa ballet Liên Xô không còn sang Việt Nam huấn luyện, giúp đỡ về chuyên môn, múa ballet đã không được tiếp nối và phát triển. Không những thế, khoảng cách chênh lệch trình độ giữa thế hệ giảng viên trước (học tập ở Liên Xô) và thế hệ giảng viên sau (học tập trong nước) vênh nhau khá lớn. Chính vì vậy, giải pháp có thể đẩy lùi được bất cập này đó là: hàng năm các trường xây dựng kế hoạch đưa học sinh ưu tú đi học đại học huấn luyện, giảng viên đi thực tập nâng cao trình độ ở những nước có múa ballet phát triển. Nếu học huấn luyện trong nước, quá trình tuyển chọn cần quy chuẩn theo tiêu chuẩn của châu Âu, hoặc kỹ hơn nữa nhằm tìm kiếm những tài năng đặc biệt, nổi trội, tạo tiền đề vững chắc cho nguồn nhân lực nghệ thuật múa ballet kế cận. Những giảng viên dạy bộ môn phương pháp huấn luyện múa ballet đòi hỏi phải có trình độ cao, thực tài, có thành tích, đã từng học hoặc tiếp cận sâu chuyên ngành ballet tại các nước phát triển.

Qua các cuộc hội thảo, rút kinh nghiệm từ thực tế tại các nhà hát, đoàn ca múa chuyện nghiệp, đồng thời trên những báo cáo tổng kết sau mỗi kỳ thi tốt nghiệp hệ dài hạn chuyên ngành diễn viên kịch múa (ballet), các trường nghệ thuật đã rút ra những bài học thiết thực giúp cho kết quả đào tạo nâng cao hơn. Có thể đưa ra những minh chứng:

Những sinh viên (SV) sau khi trúng tuyển hệ trung cấp dài hạn (6-7 năm), trong quá trình học, nếu không có khả năng phát triển múa ballet, thì từ năm thứ 5, nhà trường chuyển số đó sang lớp múa hiện đại. Áp dụng từ năm 2006, cách chuyển đổi trên đã tạo nên hiệu ứng tích cực về chất và lượng trong đào tạo của Trường Cao đẳng Múa Việt Nam. Những tố chất bẩm sinh về hình thể, tư chất múa ballet được lựa chọn kỹ hơn, từ đó nhà trường có biện pháp thúc đẩy, nâng cao trình độ, tạo điều kiện để họ tập trung học tập, rèn luyện hệ thống kỹ thuật múa ballet. Đối với nhóm chuyển từ ballet sang lớp hiện đại cho thấy sự phù hợp ở hình loại múa, giúp sinh viên nhiều hứng thú học tập, đồng thời có khoảng thời gian tự chứng minh năng lực chuyên môn rõ nét hơn. Cùng với quá trình chuyển đổi, phương pháp hoàn thành khung chương trình, tạo điều kiện để sinh viên báo cáo tốt nghiệp môn ballet vào cuối học kỳ I năm tốt nghiệp, được khoa múa nước ngoài Trường Cao đẳng Múa Việt Nam áp dụng đã tạo nên sự đổi thay rõ rệt.

Nâng cao vị thế của Việt Nam trong các cuộc thi ballet

Múa hiện đại ở Việt Nam hình thành, phát triển muộn hơn nhiều so với các nước trên thế giới. Bằng nhiều phương pháp tiếp cận, qua các cuộc hội thảo, trao đổi, tổng kết rút kinh nghiệm từ thực tiễn, bài học rút ra chính là dựa vào hình thể của người Việt Nam với những đặc điểm riêng, từ đó phát huy tạo nên sắc thái của múa Việt Nam, ý tưởng chủ đạo dựa vào sự kết hợp, lồng ghép kỹ thuật múa hiện đại với ngôn ngữ dân tộc mang đậm nét văn hóa. Cần khẳng định, cùng với khổ luyện của diễn viên múa, những ý tưởng biên đạo, bố cục múa hiện đại đóng vai trò hết sức quan trọng.

Một minh chứng cụ thể qua trường hợp của Chí Thành tại cuộc thi ở Thượng Hải – Trung Quốc (2001), đã không đạt giải cao vì thể hiện không tốt phần múa hiện đại. Năm 2005, trong cuộc thi ballet thế giới tổ chức tại Hensinky – Phần Lan, Chí Thành biết rút kinh nghiệm, ngoài phần ballet được trình diễn hết sức điêu luyện, Chí Thành thực hiện một tác phẩm múa hiện đại Tễu rất giàu bản sắc văn hóa Việt (do Cao Đức Toàn biên đạo). Đồng thời, Chí Thành được biên đạo múa Javier Torres người Phần Lan sáng tác một tác phẩm múa hiện đại có tên Electric Gui. Bằng cách rút kinh nghiệm, học hỏi qua các cuộc thi quốc tế, Chí Thành đã giành được giải tư, một trong những giải cao nhất về múa ballet do chính người Việt Nam biểu diễn trong giai đoạn hiện nay.

Ngoài các cuộc thi ballet quốc tế, ngành múa nói chung và ballet nói riêng cần đến những hoạch định chiến lược dài hạn, trước hết phải thúc đẩy, tăng cường giao lưu về múa ballet giữa Việt Nam với các nước trong khu vực. Hàng năm, Bộ VHTTDL thường xuyên tổ chức giao lưu văn hóa nghệ thuật, nhưng chủ yếu tập trung vào múa dân gian hoặc múa dân tộc Việt Nam (có pha trộn giữa múa dân tộc với hiện đại). Múa ballet rất ít xuất hiện, hoặc không xác định được vị trí trong nghệ thuật múa Việt Nam đương đại. Các nghệ sĩ tương lai tại các trường múa hầu như không có cơ hội thể hiện khả năng. Do đó, giao lưu văn hóa nghệ thuật, hoặc mở ra các cuộc trao đổi kinh nghiệm với một số nước về múa ballet trở nên xa vời, hoặc chưa tìm được phương án khả thi để thực hiện. Nhìn ra các nước trong khu vực Đông Nam Á thì thấy, họ rất ý thức về học tập những nền nghệ thuật có trình độ phát triển cao. Nhiều cuộc thi múa ballet quốc tế, khu vực thường xuyên được tổ chức, chính điều này thu hút nhân tài, nâng cao nhanh chóng chất lượng đào tạo múa ballet. Tại Thái Lan, năm 2012, có khoảng trên dưới 10 cuộc thi quốc tế về múa nói chung, ballet nói riêng. Ở Sinhgapore, viện hàn lâm nghệ thuật thường xuyên tổ chức các chương trình bồi dưỡng tài năng trẻ ballet, do những chuyên gia đầu ngành múa ballet quốc tế đến giảng dạy. Được rèn luyện trong môi trường cạnh tranh cao, những khóa học đã đem lại giá trị đích thực về chất và lượng nghệ thuật múa ballet. Đặc biệt, Trung Quốc đang nhanh chóng nổi lên như một cường quốc múa ballet. Những năm gần đây, tại nhiều cuộc thi ballet quốc tế, các giải cao đều thuộc về thí sinh Trung Quốc. Sự xuất hiện liên tục, có hệ thống các tài năng trẻ Trung Quốc đã tạo nên làn sóng mới về múa ballet đương đại.

Giải pháp xây dựng nền nghệ thuật ballet Việt Nam

Hội đồng chuyên môn cần hoạch định những kế hoạch dài hạn về chất lượng đào tạo, hàng năm tìm kiếm giải pháp, cải tiến chương trình, giáo trình, phương pháp giảng dạy nhằm khắc phục những yếu kém, bất cập đang tồn tại. Phát huy sáng tạo cá nhân, tập thể bằng nhiều hình thức để tạo nên đội ngũ giảng viên tâm huyết, yêu nghề, từ đó đúc kết kinh nghiệm giảng dạy, áp dụng những phương pháp tiên tiến của thế giới vào hoàn cảnh đặc thù ở Việt Nam.

Mở hệ sơ cấp đào tạo diễn viên kịch múa, thời gian đào tạo 2 năm (không gồm kiến thức văn hóa cơ sở), điều này giúp các em học sinh sơ cấp có lịch học chuyên môn ngoài giờ học văn hóa. Hiệu quả của hệ đào tạo sơ cấp này tập trung vào tạo nguồn học sinh có năng khiếu thực, chuẩn bị cho hệ trung cấp. Bên cạnh đó, nhu cầu của nhiều gia đình hai thế hệ tại các thành phố lớn, muốn cho trẻ em sớm tiếp xúc nghệ thuật múa từ 5-6 tuổi, vừa rèn luyện thể lực, phát triển trí lực, đồng thời kiểm định năng khiếu, giúp định hướng rõ ràng cho tương lai.

Xây dựng chương trình thực tập biểu diễn môn múa ballet theo từng trình độ, từng học kỳ. Ngoài việc giảng dạy theo chương trình, kế hoạch, cần thường xuyên tổ chức những buổi biểu diễn mang tính thực nghiệm trong nhà trường, hoặc mô hình nhỏ hơn là giữa các khóa với nhau, đúng với chức năng, nhiệm vụ của nhà hát thực nghiệm.

Muốn thực hiện được việc lớn, không thể không quan tâm đến những việc nhỏ. Cũng như vậy, các trích đoạn hay biến tấu ballet kinh điển trong các vở nổi tiếng thế giới là những thách thức dù không lớn, nhưng lại rất cần thiết để sinh viên thường xuyên luyện tập và biểu diễn. Đây là thước đo khả năng, trình độ từng người, từ đó khích lệ tinh thần, khắc phục những nhược điểm và tự phấn đấu, hoàn thiện. Mỗi trích đoạn, biến tấu chứa đựng những phong cách, yêu cầu kỹ thuật khác nhau. Người biểu diễn có thể chọn tiểu phẩm phù hợp để phát huy sở trường về trình độ, khả năng chuyên môn. Mỗi diễn viên ballet bắt buộc thực hiện các biến tấu, trích đoạn tùy theo độ khó kỹ thuật, từ đó phát huy trình độ nghệ thuật múa theo năng lực cá nhân.

Khôi phục lại và trình diễn các kịch múa kinh điển trên thế giới mà ta đã thực hiện trong quá khứ là điều cần thiết. Nó sẽ không quá tốn kém về tài chính, nhưng vẫn đem lại hiệu quả cao trong phát triển nghề nghiệp. Bên cạnh đó, việc đầu tư xây dựng những kịch múa mới của thế giới sẽ làm dày thêm kinh nghiệm cho diễn viên cũng như làm giàu hơn cho kho tàng kịch múa thế giới tại Việt Nam. Sưu tầm, trình diễn những kịch múa kinh điển lâu đời trên thế giới là việc mà tất cả những nước có ballet đã, đang và sẽ làm. Đó là vùng đất để ballet xác định sự tồn tại của mình, là bảo bối quý giá của nghệ thuật ballet thế giới, mà các quốc gia có ballet phải có trách nhiệm gìn giữ.

Từng bước tìm hướng đi để sáng tác những vở ballet cổ điển thực thụ nhưng mang hồn dân tộc Việt Nam. Tiếp thu và phát triển múa ballet cổ điển ở Việt Nam đã và đang là con đường đi đúng định hướng. Ballet đã trở thành môn nghệ thuật bác học được thế giới công nhận và đón nhận. Việt Nam đã tiếp thu và định hình hệ thống múa ballet cổ điển nguồn gốc châu Âu, nhưng trong quá trình tiếp thu tinh hóa nghệ thuật thế giới, vẫn phải giữ vững nguyên tắc hòa nhập chứ không hòa tan. Khai thác được tính dân tộc trong múa ballet cổ điển Việt Nam là đến rất gần với định hướng đậm đà bản sắc dân tộc. Tuy nhiên, việc xác định và phân tách rõ ràng tính dân tộc nên khai thác thế nào cho hiệu quả, mà không làm cho ballet bị biến tướng lại là điều rất khó. Do đó, theo chúng tôi thì phải: khai thác ở nội dung phản ánh (cốt truyện, kịch bản…); khai thác ở cách thức biểu hiện, ví dụ như: dùng phương pháp tả ý, tả thần để thể hiện, hay khai thác trong phong cách thiết kế sân khấu. Giữ vững nguyên tắc là không phá đi ngôn ngữ ballet chính thống; trong sáng tác, phối khí âm nhạc, không làm mất đi tính chất, kết cấu âm nhạc cổ điển của ballet.

Ballet Việt Nam nếu so với một số cường quốc như Trung Quốc, Nhật Bản thì còn một khoảng cách khá xa… nhưng với các nước Đông Nam Á thì đứng ở vị trí khá cao, chỉ sau Sinhgapo. Trong khi Việt Nam đã dàn dựng được nhiều kịch múa cổ điển hoành tráng, thì nhiều nước trong khu vực vẫn chưa có kịch múa. Việt Nam đã có đủ khả năng đào tạo các nghệ sĩ ballet một cách bài bản, chuyên nghiệp, nhiều diễn viên tên tuổi và giàu triển vọng như Cao Chí Thành, Phan Lương, Hàn Giang… được thế giới biết đến. Vấn đề ở đây là, ballet Việt Nam phải tập trung lực lượng về mọi mặt để tham gia được các cuộc thi ballet quốc tế. Qua đó học sinh, sinh viên, diễn viên mới có cơ hội giao lưu, học hỏi, tích lũy thêm kinh nghiệm, xây dựng bản lĩnh cho chính mình. Muốn có được nhân lực đủ điều kiện tham gia thi trên đấu trường quốc tế, thì trước tiên ngành múa Việt Nam phải chỉ đạo, tổ chức được các cuộc thi quy mô nhỏ từ các cấp cơ sở đến trung ương theo tiêu chí của cuộc thi lớn quốc tế, để tìm được những tài năng thực sự cho các cấp thi cao hơn.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 349, tháng 7-2013

Tác giả : Nguyễn Quỳnh Lan

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *