Múa dân gian các dân tộc Việt Nam có từ rất lâu đời, được lưu truyền trong nhân dân từ đời này qua đời khác, nghệ thuật múa của mỗi dân tộc mang những sắc thái riêng mà ẩn hiện trong đó là hơi thở, nhịp sống và tâm hồn của dân tộc đó. Tổng hòa trong nền văn hóa chung, người Hà Nhì đã sáng tạo các điệu múa phục vụ tín ngưỡng dân gian, tín ngưỡng tâm linh, mang tính tập thể. Nghệ thuật biểu diễn cũng rất đa dạng, với các điệu múa như: múa trống, múa lên nương, múa dệt vải, múa đợi mưa,múa vào mùa, múa trông trăng, múa giã bạn… phản ánh các mặt đời sống sinh hoạt phong phú của chính dân tộc Hà Nhì.
Theo số liệu tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, người Hà Nhì ở Việt Nam có dân số là 25.539 người, cư trú tại 32 trên tổng số 63 tỉnh, thành phố và tập trung chủ yếu tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Lào Cai, gồm 3 nhóm: Cồ Chồ, Lạ Mí và Hà Nhì Đen. Người Hà Nhì sống ở miền núi cao, gần khu vực biên giới, nên ít chịu ảnh hưởng từ văn hóa của các dân tộc khác. Các làn điệu dân ca, các điệu múa của người Hà Nhì như sợi dây gắn kết cộng đồng, giúp một dân tộc dù chưa có chữ viết, trải qua nhiều giai đoạn di cư thăng trầm nhưng vẫn lưu truyền được di sản văn hóa truyền thống của riêng mình.
Múa là một hình thức sinh hoat văn hóa, văn nghệ không thể thiếu hay tách rời trong đời sống tinh thần của người Hà Nhì. Người Hà Nhì thường múa vào dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng như lễ hội, lễ tết, lễ cầu ngày mùa, trong đám cưới, ăn mừng nhà mới hoặc trong những đêm trăng sáng đẹp… Múa dân gian của người Hà Nhì có các điệu: múa dệt vải (xà là gồ), múa sản xuất (te ma ú chà khồ tố), múa trống chiêng, múa nón, múa trông trăng, múa xòe (cá nhi nhi), múa ngày đẹp (á mì sư)…
1. Múa dệt vải (xà là gồ)
Theo truyền thống, người Hà t vải và may trang phục cho dâ trang phục của dân tộc Hà Nh ang vẻ đẹp, nét độc đáo riêng.
Khác với trang phục của đồng bào Hà Nhì Đen ở Lào Cai, trang phục của người Hà Nhì Lạ Mí và Cồ Chồ ở Điện Biên, Lai Châu có màu sắc sặc sỡ giống như những bông hoa rừng. Màu sắc phổ biến nhất là màu đỏ, hoặc phối màu đỏ với màu trắng với các đường chỉ màu vàng, màu xanh và có mũ tua rua.
Trang phục của phụ nữ Hà Nhì Đen ở Lào Cai có phần trang nhã, tinh tế. Tất cả quần, áo, yếm của phụ nữ thường có màu đen, trang trí họa tiết màu xanh hoặc màu trắng. Nét đặc trưng trong trang phục của người Hà Nhì Đen chính là mái tóc và chiếc khăn đội đầu. Phụ nữ Hà Nhì Đen có búi tóc giả được tết bằng len. Không chỉ tôn lên bộ trang phục, búi tóc giả này còn có tác dụng như chiếc mũ che đầu khi trời nắng, mưa… giúp người phụ nữ Hà Nhì thuận tiện hơn trong lao động sản xuất.
Nếu trang phục của phụ nữ Hà Nhì cầu kỳ, thì trang phục của nam giới Hà Nhì đều rất đơn giản, chỉ gồm: khăn đội đầu, quần áo và dây lưng. Áo nam giới Hà Nhì ngày thường may kiểu xẻ nách và xẻ ngực, hẹp ngang, nẹp áo ngực cài vào nhau bằng nút vải, làm tôn lên vẻ khỏe khoắn. Quần được may theo kiểu đũng quần cao, cạp và ống quần ngắn. Khi mặc thường dùng dây lưng vải thắt chặt. Dây lưng không chỉ là vật để giữ quần xiết vào thân mà còn tạo dáng khỏe khoắn cho nam giới
Những bộ quần áo cùng những họa tiết trang trí trên trang phục truyền thống của người Hà Nhì luôn thể hiện sự hòa hợp giữa yếu tố con người và thiên nhiên. Tất cả những điều đó được đúc rút và mô phỏng qua điệu múa dệt vải. Đây là điệu múa tập thể nữ diễn tả quá trình trồng bông dệt vải của các cô gái Hà Nhì. Trong điệu múa này, các cô gái một tay cầm miếng vải, một tay cầm dụng cụ để xe sợi và chân bước theo điệu nhạc. Các động tác mô phỏng từ quá trình trồng bông, đi lấy bông, tách bông, bật bông, xe sợi, tuốt chỉ… được thực hiện xuyên suốt điệu múa. Đội hình di chuyển lúc hai hàng ngang, lúc hai hàng dọc. Điệu múa thể hiện nét đẹp trong niềm hăng say lao động dệt nên những tấm vải đẹp truyền thống.
2. Múa sản xuất (te ma ú chà khồ tố)
Chị Pờ Lụ Xì Mé, bản Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, Điện Biên cho biết: Điệu múa này được múa theo làn điệu dân ca quen thuộc của người Hà Nhì: “Khoa khoa xì khoa, ú chà mờ le khụ tó, á tư há te mờ cò, ú chà mờ le khụ tó, á tư há te mờ cò, xì khoa khoa lí khoa xì khoa”. Điệu múa mô phỏng các động tác vốn có của công việc đồng áng như: cuốc đất, nhổ cỏ, gieo thóc, gặt lúa, đập lúa, quạt lúa, gùi thóc về nhà… Điệu múa thể hiện quá trình làm ra hạt lúa, như cảm ơn hồn mẹ lúa, thần lúa nương đã phù hộ cho người dân có hạt thóc, hạt gạo để ăn.
3. Múa nón
Chiếc nón giang của người phụ nữ dân tộc Hà Nhì không đơn thuần chỉ là vật dụng che nắng, che mưa, mà còn là đạo cụ quan trọng trong những bài múa truyền thống của dân tộc Hà Nhì. Nếu ai đã một lần được xem múa nón dân tộc Hà Nhì ở Ðiện Biên, chắc hẳn sẽ ấn tượng và say đắm với những điệu múa nón nhẹ nhàng, uyển chuyển của thiếu nữ Hà Nhì. Nghệ nhân Toán Ché Xó, sinh sống ở bản Tả Ló San, xã Sen Thượng, huyện Mường Nhé, Điện Biên, người có nhiều tâm huyết trong việc bảo tồn và truyền dạy múa nón cho nhiều thế hệ thanh niên bản Tả Ló San cho biết: “Ở Sen Thượng nhiều năm nay, dù công việc gia đình, ruộng nương có bận bịu đến mấy, nhưng sau mỗi bữa cơm tối là phụ nữ trong bản đều tụ tập về nhà tôi để tập múa. Tôi không nhớ mình đã dạy cho bao thế hệ thanh thiếu niên tập múa nón theo điệu nhạc truyền thống … ”. Ðược biết, bà Toán Ché Xó đã biên đạo khá nhiều bài múa nón đặc sắc, thể hiện rõ nét văn hóa độc đáo riêng của dân tộc Hà Nhì, đồng thời đưa đội văn nghệ của bản đi giao lưu, học hỏi và quảng bá nét đẹp múa nón dân tộc Hà Nhì vươn ra tầm trong nước và quốc tế.
4. Múa trông trăng
Điệu múa này là tập thể nam nữ kết hợp, giống như múa xòe của dân tộc Thái. Khi múa, cả nam và nữ kết hợp thành một vòng tròn, múa theo nhịp của bài dân ca, những động tác tay chân và thân mình uyển chuyển theo lời bài hát dân ca mang ý nghĩa cầu mặt trăng mang ánh sáng cho bà con dân bản vui chơi. Bài múa này còn thu hút đông đảo mọi người tham gia bởi tính cộng đồng của nó, khi múa thì không phân biệt già trẻ, gái trai, mọi người cùng say sưa múa hát vui vẻ.
5. Múa xòe vòng (cá nhi nhi)
Cá nhi nhi là điệu múa được đông đảo mọi tầng lớp tham gia. Trong vòng xòe, đôi lúc các chàng trai, cô gái thể hiện những động tác cử chỉ riêng tư của mình với bạn tình: tiến dần vào giữa vòng, tiếp đến điệu múa tình ý ở giữa vòng rồi lại từ từ tách ra trở về vị trí cũ của vòng xòe. Trong múa xòe có sự kết hợp của các nhạc cụ như chiêng, trống, chũm chọe, ống nước… đã làm tăng thêm nét phong phú, đặc trưng riêng của điệu múa xòe Hà Nhì.
Múa xòe diễn ra trong những buổi tối ngày Tết tại nhà người giữ trống chiêng của bản (hoặc nhà có sân rộng). Bắt đầu là 2 điệu múa kết hợp là múa trống (lùng tùng tùng xé xe) và múa trống chiêng (pùy ly nhe ) . Đội hình múa vòng tròn. Khi trống vang lên, tất cả co hai tay chụm lên trước, hai chân hơi nhún về phía trước, xoay bên trái ba vòng, xoay bên phải ba vòng. Xoay bên nào thì chân bên đó mở khoảng 10-20cm. Vừa múa vừa uống rượu, khi rượu đã say, người ta múa úp chiêng (pùy ly luy sò). Một người tay cầm chiêng múa tả cảnh úp bắt cá. Những người khác đứng thành một vòng, vung tay, bước chân theo nhịp trống và di chuyển theo hướng vòng từ trái qua phải và ngược lại.
6. Múa trống
Ông Chu Chừ De, một nghệ nhân thâm niên trong đội văn nghệ bản Mé Gióng, xã Ka Lăng, huyện Mường Tè, Lai Châu nói: Múa trống là điệu múa của nam giới, thường múa trong lễ hội cầu mùa. Các động tác múa trống mang ý nghĩa cầu mong tiếng sấm đầu tiên trong năm, năm đó sẽ được mùa màng bội thu nhiều lúa gạo. Dân bản có cuộc sống bình yên. Trống tròn còn là biểu tượng của trời và đất, đánh trống nhằm báo hiệu niềm vui được mùa, niềm vui của người chiến thắng. Múa trống của người Hà Nhì rất đặc sắc, có hai điệu là múa với một trống và múa với nhiều trống. Với một trống thì trống được đặt ở giữa một bãi đất rộng, khi múa các chàng trai đi vòng quanh trống dùng khuỷu tay, bả vai, đầu gối, gót chân và đánh mạnh vào mặt trống tạo nên những tiết tấu nhanh, mạnh, khỏe khoắn và nhịp điệu luôn biến đổi ngẫu hứng. Còn đối với múa nhiều trống, nhóm múa gồm từ 6 đến 8 người. Mỗi người một chiếc trống dùng để diễn tả quá trình từ lúc khai khẩn đất hoang dựng bản dựng làng đến việc cấy hái, mùa màng bội thu.
7. Múa ngày đẹp (Á mì sơ)
Á mì sơ là một trong những điệu múa truyền thống mà các cô gái Hà Nhì thường hay múa trong các dịp lễ, Tết cổ truyền và đi giao lưu. Điệu múa ấn tượng với dàn tập thể thiếu nữ Hà Nhì như những bông hoa rừng xinh đẹp trong trang phục truyền thống lung linh sắc màu, các động tác thực hiện như rửa tay, vuốt má khoe mặt đẹp, vuốt tóc, khoe hạt cườm… trên nền bài nhạc dân ca Hà Nhì.
Để phục vụ cho múa, người Hà Nhì dùng các nhạc khí gẩy và nhạc khí gõ. Nhạc khí gẩy là chiếc La khư – nhạc khí dành riêng cho đàn ông. La khư dùng trong nhiều trường hợp, đệm hát dân ca, đánh cho các điệu múa hay sử dụng trong độc tấu. La khư có ba dây, trước đây là dây cước, nay dùng dây kim loại. Nhạc khí gõ gồm có trống (lùng tùng), chũm chọe (tùng be be) và chiếc thanh la bằng đồng.
Những loại nhạc khí này giữ nhịp cho các điệu múa dân gian, có những điệu múa đơn giản chỉ cần một loại nhạc khí nhưng có những điệu múa kết hợp nhiều nhạc cụ cùng một lúc như điệu múa xòe sử dụng cả chiêng, trống, chũm chọe, ống nước… tất cả đều làm nên vẻ đẹp của điệu múa Hà Nhì nói riêng và văn hóa Hà Nhì nói chung.
Qua bước đầu khảo sát về múa dân gian tại địa bàn Lai Châu, Điện Biên và Lào Cai, chúng tôi nhận thấy rằng, múa Hà Nhì độc đáo và có nét bản sắc riêng biệt, thường diễn ra trong những ngày lễ, Tết cổ truyền (Hồ Sự Chà), lễ cúng bản (Gạ Ma Thú), lễ mùa mưa (Zế Khù Chà), lễ cầu mùa (Khô già già)… Các động tác đơn giản, không có những bước quay, nhảy mạnh và có đặc điểm mang tính tập thể và tính cộng đồng cao. Hiện nay, nhóm Hà Nhì Lạ Mí và Cồ Chồ ở Điện Biên, Lai Châu vẫn giữ được nhiều điệu múa truyền thống nhưng múa của nhóm Hà Nhì Đen ở huyện Bát Xát, Lào Cai đã dần bị mai một và lãng quên theo thời gian. Các điệu múa của đồng bào như: A đù lu, là điệu múa cầu mùa, mong hồn mẹ lúa về với bản làng đê mùa màng tốt tươi, thóc lúa đầy nương, múa sư tử trong lễ Khô già già, hát múa ba sa ma, múa gơ bò gơ… chỉ còn được nghe qua lời kể của các cụ già hồi tưởng lại mà không còn thấy trong các dịp lễ của cộng đồng. Do vậy, việc sưu tầm, bảo tồn các điệu múa truyền thống nói riêng và văn hóa Hà Nhì nói chung là việc làm cấp thiết để góp phần giữ gìn, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Hà Nhì trong cộng đồng các dân tộc thiểu số ở Việt Nam hiện nay.
Tài liệu tham khảo
1. Lê Ngọc Canh, Văn hóa dân gian Việt Nam những thành tố, Nxb Văn hóa Thông tin, Trường Cao đẳng Văn hóa TP.HCM, 1999.
2. Nguyễn Thị Hoa, Thơ ca dân gian người Hà Nhì ở Lào Cai, Nxb Mỹ thuật, Hà Nội, 2017.
3. Đỗ Thị Hòa, Trang phục các dân tộc người nhóm ngôn ngữ Tạng – Miến, Nxb Văn hóa Dân tộc, 2004.
4. Nguyễn Văn Huy, Văn hóa truyền thống các dân tộc nhóm Hà Nhì – Lô Lô, Luận án Tiến sĩ, 1988.
5. Chu Thùy Liên, Văn hóa dân gian dân tộc Hà Nhì, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2009.
6. Chu Thùy Liên, Tìm hiểu văn hóa dân tộc Hà Nhì ở Việt Nam, Nxb Văn hóa Dân tộc, 2004.
7. Lâm Tô Lộc, Múa dân gian các dân tộc Việt Nam, Nxb Thời đại, 2013.
8. Hoàng Sơn, Người Hà Nhì ở Huổi Luông (huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu), Nxb Văn hóa Dân tộc, 2008.
9. Trương Văn Sơn, Múa dân gian một số dân tộc vùng Tây Bắc, Nxb Văn hóa Dân tộc, 2003.
10. Chí Thanh, Di sản múa dân gian vùng Tây Bắc, Nxb Văn hóa Dân tộc, 1998.
11. Chí Thanh, Cầm Trọng, Di sản múa dân gian vùng Tây Bắc, Nxb Hội Nhà văn, 2018.
12. Trịnh Thị Lan, Nghi lễ của người Hà Nhì ở huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai hiện nay, Luận án Tiến sĩ, 2015.
THS TRƯƠNG THỊ NGỌC BÍCH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 473, tháng 9-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn