Múa trong nghi lễ tang ma của người Mường ở Tân Lạc, Hòa Bình

     Tang lễ là một trong những sự kiện đặc biệt của người Mường, đó không chỉ là một nghi lễ tôn giáo mà qua tang ma, người Mường còn thể hiện triết lý sống nhân văn: nghĩa tử là nghĩa tận, chết chưa phải là kết thúc, đó mới là bước khời đầu cho một cuộc hành trình vào thế giới bên kia – thế giới của người chết.

    Lễ tang của người Mường tập hợp trong nó rất nhiều giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo của dân tộc Mường như: hình thức mo, hát, múa tiễn đưa hồn người chết về bên kia một cách trọn vẹn.

    Các điệu múa trong tang ma của người Mường

    Trong nhiều tài liệu nghiên cứu và qua ý kiến nhận xét của một số nhà nghiên cứu về người Mường có nhận định: người Mường không có nền nghệ thuật múa cổ truyền. Tuy nhiên, khi đi vào nghiên cứu tang ma và quá trình điền dã thực tế tại địa bàn nghiên cứu, tác giả nhận thấy rằng: trong tang ma truyền thống của người Mường có sử dụng các điệu múa với nhiều vai trò và ý nghĩa khác nhau. Những điệu múa này tùy theo hoàn cảnh và tính chất của chúng mà có độ dài ngắn khác nhau. Trong Người Mường với văn hóa cổ truyền Mường Bi đã tổng kết: người Mường ở Mường Bi (Tân Lạc) có tồn tại một số điệu múa cổ, mà điển hình là trong các nghi lễ tang ma. Những điệu múa này do tồn tại trong môi trường tang ma nên chịu sự chi phối của rất nhiều yếu tố. Chính sự hạn chế này đã khiến cho những điệu múa tang ma của người Mường mang nặng tính nghi lễ mà ít có tính nghệ thuật. Tuy nhiên, khi gạn lọc lớp vỏ nghi lễ, ta sẽ được đến với những sáng tạo tuyệt vời của nhân dân.

     Múa mặt nạ

    Múa mặt nạ còn được gọi là múa mặt mẻ, đây là một trong những điệu múa hiến tế của những người con đối với cha, mẹ mình. “Trong lễ viếng, người con gái và chồng con của mình đại diện gia đình mang lễ viếng, trong đó, có đội múa và dàn nhạc đến một địa điểm do ban lễ tang quy định, thường là trước sân, hay một bãi rộng, gần nhà quàn thi hài cha hoặc mẹ người con gái. Khi bàn giao lễ vật thì bắt đầu múa điệu mặt mẻ. Múa suốt từ đó cho đến khi kết thúc lễ đưa tang lần cuối…” (1).

    Múa quạt ma

    Đây là một trong những nghi lễ độc đáo nhất trong tang ma của người Mường, múa quạt được thể hiện trong lễ dâng ăn uống, khi kể chuyện Vườn hoa núi cối hay trong phần tế ngoài trời, lễ rước nhà xe. Người thực hiện điệu múa này là tất cả các nàng dâu trong gia đình, trừ vợ (nếu người chết là đàn ông) và các bà dâu là bề trên của người chết. Đội hình múa được sắp xếp theo thứ tự từ em dâu, con dâu đến cháu dâu, và từ dâu cả đến dâu út, cứ theo vị trí cao thấp mà đứng quạt.

    Các nàng dâu tay trái cầm gậy đặt lên vai, trên cổ tay còn đeo một vòng lá được làm rất khéo, chiếc gậy tre dài khoảng 1,5m, đầu gậy được buộc một chiếc lá tay ma, loại lá lấy ở rừng có hình dáng bàn tay người và một chiếc kéo. Tay phải họ cầm quạt được làm bằng lá cọ, đan theo hình xoáy trôn ốc. Các nàng dâu đứng trước quan tài, khi thày mo đọc xong một hồi mo thì nhạc nổi lên và các nàng bắt đầu múa. Động tác múa như sau: tay phải cầm quạt úp vào người rồi đưa quạt về phía trước, úp tay xuống rồi guộn nhẹ cổ tay, bàn tay trở về vị trí úp ban đầu thì tay quạt lại đưa trở lại phía người. Động tác này được lặp đi lặp lại nhiều lần, các nàng dâu cứ theo lời thày mo và âm nhạc mà múa. Trong phần tế dẫn hồn lên trời, các nàng dâu có động tác chậm rãi hơn, theo hình sóng lượn rõ ràng, mở đầu bằng quạt của dâu cả và kết thúc ở động tác quạt của dâu út. Sự chậm rãi này được lý giải rằng: các nàng dâu đang muốn níu giữ cha mẹ, để mong cha mẹ hãy ở lại mà nhìn mặt con cháu lần cuối, nhìn họ nhìn hàng, nhìn làng xóm thật kỹ trước lúc đi xa, người ở lại thì quyến luyến nhớ thương, còn người ra đi thì cố gắng mà trở về đoàn tụ với tổ tiên. Các nàng dâu không chỉ đảm đang, tháo vát mà còn phải là những cô dâu tài năng, biết làm vui lòng cha mẹ chồng, thể hiện ở chỗ họ phải biết múa và múa phải thật đều, thật đẹp.

    Khi cha mẹ sắp về mường ma, họ múa trong một tâm trạng đau xót, lúc này động tác quạt theo hình sóng lượn, kéo dài tới khi quan tài người quá cố được đưa ra khu chôn cất. Như vậy, trong cùng một động tác nhưng ở mỗi lần xuất hiện lại được biến đổi nhanh chóng từ tiết tấu đến tuyến đi của động tác.

    Điều đáng lưu ý trong điệu múa này là động tác guộn cổ tay của các nàng dâu. Guộn ngón tay là một trong những động tác múa cơ bản của người Việt, trong đó người múa sử dụng triệt để vai trò của hai bàn tay, cổ tay để khoe cái đẹp và sự khéo léo của đôi bàn tay. Như vậy, nhìn từ góc độ này có thể thấy, người Mường không chỉ dùng múa như một hình thức tế lễ, mà họ còn nâng tầm điệu múa này lên với đầy đủ các yếu tố kỹ thuật tinh xảo, vừa đồng dạng lại vừa không đồng dạng, lúc nhanh lúc chậm, theo các tuyến đi khác nhau.

     Múa cờ

    Múa cờ còn gọi là tế cờ, cũng như các điệu múa: tế vật phẩm, tế quạt, tế gươm. Múa cờ chỉ được sử dụng trong tang lễ nhà lang. Cho tới nay điệu múa này đã không còn được phổ biến nữa, thậm chí ở nhiều nơi, nó đã không còn tồn tại. Việc xác định rõ đội hình, cấu trúc động tác của điệu múa này là công việc không đơn giản, tác giả đã nghiên cứu kỹ các thư tịch cổ và thấy rất ít nhà nghiên cứu nói về điệu múa này. Trong số các tài liệu ít ỏi đó, có mấy dòng khảo tả của tác giả Lưu Danh Doanh như sau:

     “… Nhà lang chia ruộng cho những người tham gia múa và coi họ là lính múa nhà lang, tùy từng loại người được hưởng phần ruộng phu, ruộng công, ruộng nóc hay ruộng nhà ậu (người giúp việc cho nhà lang). Bởi vậy, khi nhà lang có tang, những người này đều phải đến hầu hạ, phục dịch suốt thời gian làm ma, có nhiệm vụ bảo vệ đưa người nhà lang sang thế giới bên kia an toàn, không bị ma quỷ quấy nhiễu. Đây là một điệu múa tập thể có số người tham gia khá đông, khoảng từ 60 – 70 người trở lên, được tổ chức chặt chẽ, có quy mô lớn”.

     Múa dâng lễ vật

     Múa dâng lễ vật được múa trong phần tế ngoài trời, múa trong lễ rước nhà xe. Người múa là con trai với đội hình gồm 6, 8 hoặc 12 người. Mặc dù số lượng người múa không bắt buộc, nhưng đội hình múa thường được xếp theo số chẵn. Động tác múa không phức tạp, người múa mặt hướng về nhà xe, hai tay nâng lễ vật lên ngang tầm trán, dâng về phía trước. Đội hình xuất phát là hai hàng dọc song song nhau, rồi cứ hai người một lượt theo hàng ngang tiến lên về phía nhà xe và dâng lễ. Khi dâng lễ xong, hai người xoay mặt vào nhau, tay vẫn để ngang trán, rồi lại quay về phía nhà xe, bước lùi xuống để hai người tiếp tục dâng lễ vật. Người múa khi lùi phải tuyệt đối không được quay lưng về phía nhà xe, mặt luôn hướng về phía này. Động tác chân phức tạp hơn, người múa cứ tiến hai bước lại lùi một bước, khi bước trở về hàng phải đi thật khéo, không để chạm vào nhau bởi người Mường quan niệm như vậy là thất kính với người đã khuất. Âm nhạc chủ đạo của điệu múa này là một chiếc trống to, người đánh trống ngồi bên trái nhà xe, nhịp trống ứng với các bước tiến lùi của người múa. Điệu múa chỉ kết thúc khi lễ vật đã được dâng hết.

     Vũ trụ luận Mường qua nghi thức múa trong tang ma

     Múa mặt nạ

     Múa mặt nạ là một điệu múa khá lạ lùng trong quy trình của một đám tang. Điệu múa này mang trong nó cả tính hài và tính bi, đây là một điều đối nghịch so với không khí tang thương, trầm uất của một lễ tang. Có nhiều nhà nghiên cứu, khi nhìn vào cách biểu hiện này của múa mặt mẻ, đã cho rằng, đây là một điệu múa vui, nhằm an ủi hồn người đã chết, để xoa dịu bớt nỗi đau thương vô hạn của tang chủ. Cách giải thích này cũng có cơ sở xác đáng, tuy nhiên trong quy trình của lễ tang, với tính chất linh thiêng của nghi thức này, điệu múa mặt mẻ không chỉ mang ý nghĩa như vậy. Đi ngược dòng lịch sử nhân loại, có thể thấy rằng: mặt nạ là hình thức múa khá phổ biến của người phương Đông.

    Nhìn một cách tổng quát về nghi thức múa mặt mẻ trong tang ma của người Mường có thể thấy: trong không khí tang thương của lễ tang, những người sống đang thực hiện một cuộc giao tiếp thần bí, họ đưa hồn người chết trở về với tổ tiên, nhòm họ, nhòm làng và xin tổ tiên thu nhập thành viên mới trong cương vị “ma tổ”. Cuộc hội ngộ linh thiêng và kỳ lạ này trong phút chốc đã xua tan bầu không khí tang thương của đám ma, những người sống cầu khẩn tổ tiên hãy đón nhận linh hồn mới này, với mong mỏi hồn người mới chết sẽ được về với tổ tông, không bị lang thang vất vưởng thành ma quỷ quấy nhiễu người sống. Điệu múa mặt mẻ không có luật động phức tạp, chỉ đơn giản là những bước tiến lùi của người múa. Vì thế, khi nhìn nhận nghi thức dưới góc độ một điệu múa hoàn chỉnh thì múa mặt mẻ không mang nhiều yếu tố kỹ thuật.

    Múa quạt ma

    Người thực hiện điệu múa này là các nàng dâu trong gia đình. Đội hình múa được sắp xếp theo thứ tự từ dâu cả đến dâu út, cứ theo vị trí cao thấp mà đứng. Trước đây khi đám tang phải trải qua 10 hay 20 ngày đêm hoặc nhiều hơn các đêm mo, các nàng dâu cứ theo vị trí mà đứng quạt. Điệu múa này được múa đi múa lại rất nhiều lần, từ khi đặt thi thể vào quan tài tới lúc chia tay vĩnh viễn với người quá cố ở huyệt đạo.

    Có thể nói, nghi thức múa quạt của các nàng dâu là một nghi thức cầu kỳ, mang nhiều tầng ý nghĩa khác nhau. Ngoài tầng ý nghĩa thứ nhất là điệu múa để xua đuổi tà ma, quỷ dữ cho hồn, làm mát mẻ linh hồn người mới khuất; ở tầng ý nghĩa khác, nghi thức này còn thể hiện triết lý nhân sinh quan sâu sắc của người Mường về cái chết, về thế giới bên kia. Đó là một vũ trụ thu nhỏ với ba tầng thế giới: thế giới của người sống, thế giới của người chết, thế giới trên trời và thế giới dưới mặt đất.

    Múa dâng lễ vậtmúa cờ

   Đây là hai nghi thức khá đơn giản so với hai điệu múa trên, tuy nhiên khi sắp xếp hai nghi thức này trong tổng thể của cả bức tranh tang ma, chúng ta có thể thấy sự khéo léo, tài tình của người Mường khi tái hiện vũ trụ ba tầng, bốn thế giới của mình. Lấy khăng (quan tài) làm không gian chính đối xứng cho các nghi thức trên, ta có cả một vũ trụ được tái tạo rất cầu kỳ, trong đó lấy mường pưa – mường của người sống làm trung tâm, mọi đường đi, mọi thế giới đều xuất phát và quy tụ về đây. Dù có sự hữu hạn về không gian, nhưng mỗi thế giới lại có bản chất và tính chất riêng; mường pưa tín, mường pưa, mường trời, mường Vua Khú… được tái hiện với sự xuất hiện của các loài vật tượng trưng như những sinh vật chỉ sống dưới nước của Vua Khú…

    Vai trò, ý nghĩa của các điệu múa trong tang ma

    Múa để biểu thị quyền uy, phô trương danh thế

    Múa đã trở thành một nghi thức quan trọng không thể thiếu trong bất kỳ một đám ma của nhà lang người Mường nào. Do đặc thù của xã hội Mường truyền thống, nhà lang là tầng lớp quý tộc cai quản người Mường trong mọi mặt của đời sống. Chính vì thế, khi nhà lang có tang, sự kiện mang tính chất riêng tư này đã trở thành sự kiện trọng đại với bất kỳ người dân Mường nào đang sinh sống và chịu sự quản lý của dòng lang đó. Từ góc độ này, các điệu múa tế lễ không chỉ mang yếu tố tâm linh mà còn là công cụ, là một cách để các dòng lang lớn biểu thị quyền uy, phô trương danh thế của mình.

      Múa để giao tiếp với tổ tiên

     Cũng như nhiều dân tộc khác, người Mường sử dụng múa như một hình thức để giao tiếp với tổ tiên. Trước hết, họ sử dụng múa như một nghi thức để tế lễ lên tổ tiên, đây là một hành vi tín ngưỡng linh thiêng của người sống đối với người quá cố và chính tổ tiên của mình. Họ coi múa là cơ hội để con cháu, họ hàng được tiếp xúc với tổ tiên, gặp lại tổ tiên, gặp lại những người thân mà họ từng gắn bó. Chính vì thế ở góc độ này, múa được sử dụng như một hình thức để trò chuyện với tổ tiên. Điều này được thể hiện rõ nhất trong điệu múa mặt mẻ.

    Múa để gắn kết gia đình, thể hiện tình cảm với người đã khuât

    Trong không khí tang thương, những nàng dâu càng thể hiện sự khéo léo của bản thân trong vai trò là mắt xích của gia đình, họ vừa là người chăm lo chuyện hậu cần, cơm nước, lại vừa là người sinh con cho dòng họ, chăm lo hương hỏa cho tổ tông. Việc múa quạt, ngoài thể hiện tình cảm của các nàng dâu, còn có ý nghĩa lớn hơn là thể hiện sự đoàn kết của các thành viên trong gia đình, với vai trò là người gắn kết, các nàng dâu phải chèo lái con thuyền thật vững trước những biến cố của cuộc sống.

    Múa để xua đuổi tà ma, quạt mát cho linh hồn

    Trong cuộc hành trình về với thế giới mường ma, người Mường cho rằng hồn người chết sẽ gặp nhiều tà ma, ác quỷ, vì vậy cần phải bảo vệ cho hồn được an toàn trọn vẹn trên con đường đi của mình. Chính bởi ý nghĩa này, nghi thức múa luôn được tiến hành cho tới khi đưa người quá cố ra nơi huyệt đạo. Người sống không chỉ thực hiện một điệu múa mà còn thực hiện đan xen các điệu múa: múa quạt cùng lúc với múa dâng lễ vật, múa cờ sau đó đến múa quạt. Việc đan xen các điệu múa cũng là cách để người Mường xua đuổi âm binh, ma quỷ, đưa hồn về nơi yên nghỉ một cách trọn vẹn. Không chỉ xua đuổi tà ma, điệu múa quạt trong một ý nghĩa khác còn để quạt mát cho hồn người vừa khuất, còn với người sống, nghi thức này được hiểu như một hình thức để thanh tẩy nhà cửa, giúp cho những âm khí ra khỏi gia đình tang chủ.

    Là một trong những nghi thức quan trọng của tang ma, các điệu múa chứa đựng nhiều cung bậc cảm xúc của người ở lại với người ra đi. Qua các điệu múa trong tang ma, người ở lại không chỉ thể hiện nghĩa vụ của mình với người đã khuất, mà trên hết, nghi thức này còn thể hiện tình cảm yêu thương, gắn bó, đoàn kết, cộng cảm, cùng san sẻ nỗi đau của các thành viên trong gia đình trước sự ra đi đột ngột của người đã khuất.

    Trong xã hội hiện đại, nghi thức tang ma của của các tộc người đã có nhiều biến đổi, đặc biệt là các điệu múa trong tang ma, để bảo tồn và lưu giữ những nét đẹp của nghi thức múa trong tang ma cần có sự tham gia của nhiều cơ quan, đoàn thể. Đặc biệt, cần đề cao vai trò của các nghệ nhân dân gian, vốn là những người có tri thức về văn hóa Mường và tiếp sức cho văn hóa truyền thống tộc người phát triển.

_______________

1. Phỏng vấn nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, NSƯT Bùi Chí Thanh, tháng 6 – 2013

Tác giả: Bạch Mỹ Trinh – Lưu Trọng Tuấn

Nguồn: Tạp chí VHNT số 423, tháng 9-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *