Múa trong sân khấu rô băm và dù kê, những tương đồng và khác biệt

Nói đến người Khơme ở Nam Bộ là nói đến nghệ thuật múa, đến nghệ thuật sân khấu cổ truyền Rô băm và sân khấu Dù kê. Nghệ thuật sân khấu kịch hát Khơme Nam Bộ là nơi hội tụ nhiều loại hình nghệ thuật như: ca hát, múa, âm nhạc, thơ văn, hội họa, nghệ thuật tạo hình… trong đó, nghệ thuật múa Khơme chiếm một vị trí đặc biệt. Thông qua những đặc điểm của nghệ thuật múa trong sân khấu Rô băm và Dù kê, chúng ta sẽ khám phá sự tương đồng, khác biệt của nghệ thuật múa trong hai sân khấu này.

1. Nghệ thuật múa trong sân khấu Rô băm

Sân khấu Rô băm Khơme Nam Bộ là hình thức sân khấu vừa cổ điển, vừa dân gian. Sau khi tiếp nhận các yếu tố nghệ thuật nổi bật của 3 hình thức sân khấu cổ điển Campuchia là lokhon Luông, lokhon Khollokhon pol srey, các nghệ nhân sân khấu người Khơme ở đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã dân gian hóa, bổ sung, sáng tạo để ra đời loại hình sân khấu Rô băm Khơme đậm đà bản sắc của người Khơme Nam Bộ. Qua quá trình tiếp biến văn hóa, các nghệ nhân sân khấu Rô băm đã bản địa hóa hình thức sân khấu này.

Sân khấu Rô băm diễn theo tích truyện cổ, kết cấu theo kịch hát truyền thống, có tính tự sự với ngôn ngữ múa quán xuyến, kết hợp với nghệ thuật ngôn từ. Cốt truyện kịch đều xoay quanh việc thiện chống ác, cuối vở bao giờ thiện cũng thắng ác. Các nhân vật của tích truyện thường thuộc tầng lớp quý tộc như: vua, chúa, quan, thần. Trong vở diễn bao giờ cũng có hai tuyến nhân vật: tuyến nhân vật thuộc phái thiện gồm: vua, hoàng tử, hoàng hậu, công chúa, tiên ông… còn tuyến nhân vật đại diện cho phái ác là các nhân vật: chằn. Đặc biệt, trong sân khấu Rô băm, nữ thường đóng nam, chỉ trừ các vai đeo mặt nạ (chằn, khỉ), vai hề do nam đóng. Trong vở diễn Rô băm, các động tác múa, tổ hợp múa nhằm thể hiện tính cách nhân vật chiếm số lượng lớn. Những động tác múa cho tuyến nhân vật thiện luôn thể hiện tính chất khoan thai, nhẹ nhàng qua các động tác múa. Tuy nhiên, trong mỗi tình huống cụ thể, mỗi vai có cách thể hiện khác nhau: lúc đĩnh đạc, bình tĩnh; lúc dồn dập, quyết liệt khi đối đầu với kẻ thù; lúc lại tình tứ, tha thiết với những người yêu thương. Tùy theo vai diễn, tính cách nhân vật, nội dung vở diễn mà người diễn viên ứng biến sao cho phù hợp với tính chất của động tác múa. Mỗi động tác múa được sử dụng vào vai diễn trên sân khấu đều được quy định chặt chẽ, không thể tự động thêm thắt trên sân khấu.

Trong các vở diễn sân khấu Rô băm, bên cạnh các nhân vật người còn có các nhân vật thú như khỉ, rùa, cá sấu, đại bàng, rồng, cóc… Động tác múa của nhân vật thú có điểm chung là: bắt chước, mô phỏng theo hành động của con vật ngoài đời, có thật trong thiên nhiên, từ đó nhân cách hóa, nghệ thuật hóa hành động thành các động tác múa trên sân khấu Rô băm.

Nhân vật thú thuộc phái thiện nổi bật nhất là khỉ Hanuman. Vai khỉ Hanuman luôn do nam diễn viên đóng. Cũng như các nhân vật thú khác, khỉ Hanuman đeo mặt nạ. Trong sân khấu Rô băm, khỉ Hanuman có phép thuật biến hóa linh diệu, với sự mưu trí, thông minh, nhanh nhẹn, luôn giúp những con người lương thiện chống lại cái ác và chiến thắng cái ác.

Song song với hệ thống động tác múa dành cho tuyến nhân vật thiện là tuyến nhân vật ác. Nhân vật chằn đại diện cho phái ác, trừ chằn tu. Trong chằn có nhiều loại: vua chằn, chằn con, chằn anh, chằn em, chằn có phép thuật, chằn không có phép thuật… Đến nay, nhiều người dân Khơme vẫn quen gọi sân khấu Rô băm là: sân khấu múa chằn hay sân khấu mặt nạ. Tất cả các vở diễn của sân khấu Rô băm đều có nhân vật chằn. Khi tiếng nhạc vui tươi, rộn ràng của điệu múa Chhu Chhay mở màn vừa dứt, thì tiếng nhạc, tiếng trống bỗng rộn ràng, thúc dục, tiết tấu dồn dập… đó là lúc chằn xuất hiện với phần múa giới thiệu nhân vật. Nhân vật chằn với những điệu múa điệu nghệ luôn cuốn hút người xem, bất kể ở lứa tuổi nào, từ trẻ em đến người già, ai ai cũng rất hào hứng với các màn biểu diễn của chằn.

Chủ đề của các vở diễn trong sân khấu Rô băm luôn xoay quanh thiện chống ác. Sự lôi cuốn của vai chằn nhờ vào nghệ thuật múa điêu luyện, toát lên tính cách độc ác, mưu mô và một sức mạnh khó bị tiêu diệt. Vở diễn chỉ kết thúc khi chằn chết hoặc bị quy phục. Nhân vật chằn xuyên suốt vở diễn từ mở đầu đến kết thúc. Vì vậy, vai diễn này đòi hỏi diễn viên phải có sức khỏe tốt, múa được các động tác kỹ thuật khó. Chằn Hum Rông hay còn gọi là vua chằn, có vị trí lớn nhất trong các loại chằn. Trong nhiều vở diễn của sân khấu Rô băm, điệu múa giới thiệu nhân vật sau điệu múa Chhu Chhay, chính là điệu múa chằn Hum Rông, thể hiện sức mạnh của một nhân vật đại diện cho phái ác.

Nghệ thuật múa Khơme cổ điển trong sân khấu Rô băm đã gìn giữ được nét đẹp cổ xưa sau gần 200 năm hình thành, phát triển bởi hàm chứa trong đó những giá trị bản sắc văn hóa, nghệ thuật cộng đồng người dân Khơme nơi đây. Gía trị mà múa cổ điển trong sân khấu Rô lăm đem lại đó là: giá trị văn hóa, giá trị xã hội, giá trị nghệ thuật và giá trị thẩm mỹ.

2. Nghệ thuật múa trong sân khấu Dù kê

Dù kê là hình thức sân khấu kịch hát Khơme, mới ra đời quãng đầu những năm 1920, ngay trên vùng đất Trà Vinh, Sóc Trăng, nơi có người Khơme sinh sống. Kịch bản của sân khấu Dù kê đa dạng về các đề tài, từ truyện cổ Riêm Kê đến các đề tài dân gian, lịch sử, tôn giáo, xã hội… cả những vở tuồng tích của người Hoa như: Tiết Nhơn Quý, Tam Tạng thỉnh kinh… hay một số vở từ sân khấu cải lương như: Tấm Cám, Phạm Công – Cúc Hoa, Thạch Sanh – Lý Thông

Sân khấu Dù kê là sân khấu biểu diễn kết hợp đa dạng loại hình nghệ thuật: ca, múa, nhạc, diễn xuất, hóa trang, xử lý đạo cụ, võ thuật, kỹ thuật âm thanh, ánh sáng…Vì vậy, một vở diễn Dù kê muốn thành công, đòi hỏi phải có sự nỗ lực, phối hợp nhịp nhàng giữa các nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công, kỹ thuật, chỉ huy đêm diễn…

Nghệ thuật sân khấu Dù kê được sinh ra, lớn lên và phát triển trên vùng đất ĐBSCL. Với sự tiếp nhận chất liệu từ nhiều loại hình nghệ thuật, biến hóa thành một Dù kê mang nét đặc trưng riêng rất Khơme Nam Bộ. Nếu như trong sân khấu Rô băm chỉ có chất liệu múa Khơme cổ điển thì múa trong sân khấu Dù kê lại rất đa dạng, phong phú về các chất liệu múa: múa Khơme dân gian, múa Khơme cổ điển, tiếp nhận cả múa trong sân khấu kịch hát của người Việt và sân khấu kịch hát của người Hoa… Nhờ đó, sân khấu Dù kê có thể xây dựng được những kịch bản phong phú về nội dung, đa dạng về hình thức nghệ thuật. Tuy sân khấu Dù kê còn non trẻ so với các loại hình sân khấu kịch hát khác, chưa tạo ra được hệ thống ngôn ngữ múa riêng, nhưng sự phong phú về chất liệu múa đã làm nên một nét đẹp hết sức hiện đại, phù hợp với nhu cầu thị hiếu của khán giả ngày nay.

Cũng giống như sân khấu Rô băm, múa trong sân khấu Dù kê cũng có hai hình thức trình diễn: múa nhiều người (múa minh họa, gây không khí) và múa ít người (múa diễn tả tính cách nhân vật). Múa gây không khí là những điệu múa thường dùng để mở màn hay kết thúc vở diễn. Tùy theo nội dung của vở, sẽ có những đoạn múa minh họa cho vai diễn, cảnh diễn làm phong phú và hấp dẫn hơn với người xem. Dù trong vở diễn với nội dung tích cổ hay vở diễn phản ánh cuộc sống trong chiến tranh, hòa bình, xây dựng đất nước… thì các điệu múa minh họa, gây không khí vẫn luôn được phát huy, làm cho vở diễn thêm phần hấp dẫn, lôi cuốn khán giả.

Cũng giống như trong sân khấu Rô băm, các nhân vật trong các vở kịch hát Dù kê được chia thành hai tuyến: thiện và ác rõ ràng. Sân khấu Dù kê không có những quy định nghiêm ngặt khi sử dụng các động tác múa cho vai diễn tuyến nhân vật thiện như sân khấu Rô băm. Chính vì vậy, Dù kê không có hệ thống động tác cho từng nhân vật. Các chất liệu múa luôn được các đạo diễn, biên đạo múa lựa chọn phù hợp với vai diễn và nội dung tích truyện. Người diễn viên phải biết lựa chọn chất liệu múa sao cho phù hợp với vai diễn, nội dung cốt truyện và tiết tấu âm nhạc. Với cơ chế mở đó, các diễn viên trong sân khấu Dù kê được quyền sáng tạo nhiều hơn cho vai diễn của mình.

Với các vở diễn có tích cổ, các nhân vật tuyến thiện là: vua, hoàng hậu, hoàng tử, công chúa… chất liệu múa chủ yếu là múa cổ điển Khơme. Còn với các vở có nội dung phản ánh cuộc sống, xã hội đương đại, các nhân vật là: bà mẹ, ông lão, cô gái, tiều phu, thôn nữ…, chất liệu múa được lấy chủ yếu từ múa dân gian Khơme. Trong các vở tích cổ, sân khấu Dù kê cũng có những vai diễn thú, nổi bật là vai diễn khỉ Hanuman. Các động tác múa cho các nhân vật thiện có đặc điểm chung là: các động tác tay luôn cao ngang hoặc thấp hơn vai, thể hiện sự khiêm tốn, chừng mực nhưng luôn uyển chuyển và quyết đoán.

Trong sân khấu Dù kê, ở các vở đề tài hiện đại, các nhân vật ác gồm: cường hào, ác bá, tham quan, lính ngụy… Còn trong các vở Dù kê tích cổ, cũng giống như sân khấu Rô băm, nhân vật đại diện cho phái ác chỉ có nhân vật chằn (trừ chằn tu). Những vai chằn đã có phép thuật, động tác vũ đạo thường phức tạp, kỹ thuật hơn: các động tác tay bao giờ cũng giơ rộng, cao hơn đầu, thể hiện sức mạnh hơn người. Còn với những vai chằn không có phép thuật, chằn con, chằn quân sĩ… chỉ múa những động tác đơn giản.

Trong sân khấu Rô băm, vai chằn nữ và nam đều giống nhau về động tác múa. Nhưng trong sân khấu Dù kê thì những động tác múa chằn lại đa dạng hơn: có động tác múa chằn nữ, chằn nam; múa tay không và múa với đạo cụ (gậy thần, đao, kiếm…).

Chằn nam cũng có rất nhiều vai diễn, nhưng đặc sắc nhất vẫn là vai vua chằn hay yeak krông riếp. Đây là vai diễn quy tụ đầy đủ những kỹ thuật hình thể qua các động tác múa, vũ đạo, kỹ thuật sử dụng răng nanh và diễn xuất cơ mặt. Điệu múa hấp dẫn bởi có nhiều động tác múa, kỹ thuật múa, vũ đạo được kết hợp đẹp mắt.

Đặc biệt, trước khi yeak krông riếp xuất hiện trên sân khấu, người xem đã nghe thấy 3 tiếng hú vang vọng, gầm thét, đầy hung dữ từ xa vọng lại. Sự xuất hiện của vai diễn tạo cho người xem sự tò mò ngay từ khi chưa xuất hiện, lôi cuốn người xem đến hết vở diễn bởi: kỹ thuật diễn xuất (ánh mắt hung tợn, cơ mặt linh hoạt); kỹ thuật sử dụng răng nanh (lúc lật lên, chúc xuống, lúc biến mất vào trong miệng, lúc lại chĩa ra ngoài); kỹ thuật múa (nhảy, quay, đá chân…); kỹ thuật vũ đạo khi sử dụng vũ khí (gậy thần, đao, kiếm…).

Trong sân khấu Dù kê, nhân vật chằn nữ xuất hiện nhiều trong các vở diễn tích cổ. Chằn nữ trong sân khấu Dù kê có hệ thống động tác múa riêng cho vai diễn này. Các động tác múa vai chằn nữ thường là những động tác với: khung tay thoáng và rộng; các thế chân thường trụ trên một chân (co chân, đá chân, chân bước lùi sau nhún xuống…) nhằm thể hiện tài năng, sức mạnh. Vai diễn chằn nữ đòi hỏi diễn xuất sắc sảo, hung dữ. Điệu múa của Yeak Kâynây là sự kết hợp của tổ hợp động tác dựa trên các động tác cơ bản, đẹp và lôi cuốn người xem.

Vai diễn chằn luôn là vai diễn chính của các vở diễn tích cổ trong sân khấu Dù kê. Qua vai diễn này, kho tàng nghệ thuật múa của sân khấu Dù kê càng thêm phong phú, đa dạng với nhiều thể loại và hình thức múa. Đây cũng là vai múa duy nhất thể hiện tính cách nhân vật có được hệ thống động tác, điệu múa của riêng mình.

Múa trong sân khấu Dù kê luôn song hành cùng âm nhạc và lời hát. Người diễn viên sân khấu Dù kê chuyên nghiệp không chỉ là người có thể linh hoạt xử lý các động tác múa theo nội dung tuồng tích mà còn có thể cảm nhạc, diễn theo nhạc (vui, buồn, giận giữ…). Trong sân khấu Dù kê hát nhiều hơn múa, vì vậy người diễn viên của sân khấu Dù kê thường là những diễn viên hát hay hơn múa đẹp.

3. So sánh nghệ thuật múa trong sân khấu Rô băm và Dù kê

Sân khấu Rô băm và sân khấu Dù kê đều là sân khấu kịch hát của người Khơme Nam Bộ. Sự giống nhau về thể loại, cùng tồn tại trong một môi trường văn hóa, cùng một chủ thể sáng tạo, việc hai hình thức sân khấu này có nhiều điểm giống, tương đồng trong các yếu tố nghệ thuật là hợp lẽ tự nhiên. Đề tài thường là tích cổ, thần thoại. Tuyến nhân vật trong các vở tích cổ chia thành hai tuyến: thiện và ác (nhóm thiện gồm: người và thú; nhóm ác là: chằn). Hình thức thể hiện múa gồm hai nhóm: múa nhiều người và múa ít người. Chất liệu múa (các vở tích cổ) là múa Khơme cổ điển. Cả hai sân khấu đề sử dụng kỹ thuật múa gồm: nhảy, quay, đá chân; kết cấu động tác múa sử dụng động tác đơn, tổ hợp, điệu múa. Múa chằn luôn có hệ thống động tác múa riêng. Sự tương đồng qua một số thành tố nghệ thuật liên quan đến múa và trực tiếp là múa, đã cho thấy rõ hơn những nét đặc trưng của sân khấu Rô băm và Dù kê của người Khơme Nam Bộ.

Đều là sản phẩm sáng tạo nghệ thuật của người dân Khơme Nam Bộ, bên cạnh những nét tương đồng, giữa hai hình thức sân khấu Rô băm và Dù kê cũng có nhiều điểm khác biệt thể hiện qua một số yếu tố nghệ thuật cơ bản sau:

Yếu tố

so sánh

Sân khấu Rô băm

Sân khấu Dù kê

Thể loại

Sân khấu kịch hát truyền thống Khơmer Nam Bộ

Sân khấu kịch hát Khơmer Nam Bộ

Đề tài

Truyện cổ, thần thoại

Truyện cổ, thần thoại, dân gian, dã sử, hiện đại…

 Tuyến

nhân vật

Thiện – ác trong các vở tích cổ.

Thiện – ác trong các vở tích cổ và hiện đại

Vai diễn

Nhóm thiện: nữ đóng nam

Nhóm thiện: đóng đúng nhân vật

Hình thức múa

– Múa nhiều người (múa chào mừng, múa đồng đều)

– Múa ít người (múa tính cách nhân vật trong các vở tích cổ)

 

– Có hệ thống động tác dành cho tuyến nhân vật thiện, ác

– Múa nhiều người (múa gây không khí, múa minh họa)

– Múa ít người (múa tính cách nhân vật trong các vở tích cổ và hiện đại)

 – Chỉ có hệ thống động tác cho vai chằn nam, chằn nữ

Liều lượng

múa/hát

Múa nhiều hơn hát

 Hát nhiều hơn múa

Chất liệu múa

– Múa Khơmer cổ điển

 

 – Múa với đạo cụ: gậy thần

 

 – Múa nam, nữ thường giống nhau về các động tác tay.

 – Múa Khơmer truyền thống và vũ đạo, vũ thuật.

 – Múa với đạo cụ: gậy thần, cung, kiếm, đao, thương.

 – Múa nam, nữ đa dạng và phong phú, phù hợp với vai diễn.

Ngôn ngữ biểu hiện của múa

 – Theo nguyên tắc: đóng

 – Khái quát hóa, hình tượng hóa, động tác múa thiên về tạo nghĩa

– Hệ thống động tác múa riêng cho tuyến nhân vật thiện và ác.

– Theo nguyên tắc: mở

– Đơn giản, mộc mạc, dễ cảm nhận

 – Hệ thống động tác múa riêng chỉ có vai ác (chằn).

Múa chằn

– Chất liệu múa ban đầu được tiếp nhận nhiều từ sân khấu Campuchia, sau đó là sân khấu tuồng, nay đã hoàn toàn Việt Nam hóa

– Vua chằn xuất hiện trực tiếp

– Chất liệu múa chằn nam, chằn nữ: giống nhau

– Chằn đeo mặt nạ

 

– Động tác hình thể (múa)

– Chất liệu múa ban đầu được tiếp nhận từ sân khấu Việt, Hoa, Khơmer,nay hoàn toàn Khơmer hóa

– Vua chằn xuất hiện gián tiếp

– Chất liệu múa chằn nam, chằn nữ: khác nhau

– Chằn không đeo mặt nạ (hóa trang trực tiếp trên mặt).

– Động tác hình thể (múa, võ thuật), biểu diễn cơ mặt, kỹ thuật sử dụng răng nanh

 

 Như vậy, về lưu lượng, mật độ sử dụng múa, trong sân khấu Rô băm và Dù kê có sự khác nhau rõ rệt. Trong sân khấu Rô băm, múa hầu như có mặt xuyên suốt từ đầu vở đến cuối vở, thậm chí múa nhiều hơn hát. Còn trong sân khấu Dù kê, mức độ tham gia của múa vào vở diễn ít hơn hẳn, hát được sử dụng nhiều hơn múa. Điều này đã nói lên vị trí, vai trò của múa trong sân khấu Rô băm quan trọng hơn múa trong sân khấu Dù kê. Sân khấu Rô băm và Dù kê đều có vai chằn, nhân vật đại diện cho phái ác. Trong sân khấu Rô băm cũng như trong sân khấu Dù kê, chằn là một nhân vật nổi bật, thể hiện tài năng nổi trội của diễn viên.

Việc so sánh những nét tương đồng và khác biệt của nghệ thuật múa trong sân khấu Rô băm và Dù kê từ nhiều góc độ, trong mối tương quan với tất cả các thành tố nghệ thuật khác trong vở diễn đã giúp chúng ta nhìn nhận rõ hơn những đặc trưng riêng của hai hình thức sân khấu này. Dù nguồn gốc xuất xứ của hai hình thức sân khấu này không giống nhau, nhưng vì tình yêu nghệ thuật múa của người dân Khơme nơi đây mà ngôn ngữ múa truyền thống Khơme Nam Bộ đã được cả hai sân khấu này sử dụng, phát huy triệt để qua các vở diễn. Tuy nhiên, mỗi sân khấu đã lựa chọn một chất liệu múa Khơme truyền thống riêng, đó chính là những điểm khác biệt làm nên nét đặc trưng riêng của từng loại hình nghệ thuật sân khấu nhưng vẫn mang một màu sắc chung, đó là sân khấu kịch hát của người Khơme Nam Bộ.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 402, tháng 12 – 2017

Tác giả : TRẦN THỊ LAN HƯƠNG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *