Nâng cao chất lượng hoạt động văn nghệ quần chúng ở các nhà trường quân đội


Hoạt động văn nghệ quần chúng
(HĐVNQC) trong các nhà trường quân đội là
một nội dung hoạt động của công tác tư
tưởng văn hóa, nhằm đưa các giá trị văn
nghệ đến với cán bộ, giảng viên, học viên,
nhân viên, hạ sĩ quan – binh sĩ; giúp họ thỏa
mãn nhu cầu văn hóa tinh thần cũng như tổ
chức, vận động hướng dẫn họ tích cực sáng
tạo ra những giá trị văn hóa mới, nâng cao
trình độ, kiến thức toàn diện, xây dựng nhân
cách người quân nhân cách mạng, góp phần
hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giáo

Trong hệ thống các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, văn nghệ quần chúng là hoạt động thường xuyên, được nảy sinh và phát triển do nhu cầu hình thành, phát triển nhân cách quân nhân; góp phần xây dựng môi trường văn hóa trong sạch, lành mạnh, xây dựng đời sống tinh thần phong phú trong các nhà trường quân đội. HĐVNQC ở nhà trường quân đội là hoạt động sáng tạo của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, hạ sĩ quan – binh sĩ trong sáng tác, biểu diễn và hưởng thụ nghệ thuật, nhằm xây dựng các giá trị văn hóa theo chuẩn mực chân, thiện, mỹ; vừa trực tiếp, vừa gián tiếp thực hiện thắng lợi nhiệm vụ giáo dục và đào tạo của các nhà trường, góp phần thiết thực xây dựng quân đội ta thành một “đội quân văn hóa”.

Ảnh tư liệu minh họa

Những năm qua, HĐVNQC ở các nhà trường quân đội đã có sự phát triển tương đối sâu rộng. Cùng với các hoạt động giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và hệ thống hoạt động công tác đảng, công tác chính trị, HĐVNQC đã góp phần quan trọng vào việc bồi đắp, củng cố đội ngũ lớp lớp cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, hạ sĩ quan – binh sĩ có nếp nghĩ, hành động, hành vi ứng xử, giao tiếp có văn hóa. Tuy vậy, bên cạnh những kết quả đạt được, việc tổ chức, tiến hành hoạt động này ở một số nhà trường quân đội những năm gần đây còn bộc lộ hạn chế, bất cập nhất định. Ở một số đơn vị, HĐVNQC mới chỉ được nhận thức là hoạt động phong trào, thiếu sự quan tâm; việc tổ chức còn mang tính hình thức, giản đơn, đối phó; nội dung, hình thức nghèo nàn, thiếu tính sáng tạo.

Trước sự xâm nhập của lối sống thực dụng, phản giá trị – hệ quả từ mặt trái của nền kinh tế thị trường và âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch, dùng “văn nghệ” để tiến công vào lĩnh vực tư tưởng trong đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, hạ sĩ quan – binh sĩ ở các nhà trường quân đội, đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải nâng cao chất lượng HĐVNQC, để hoạt động này thực sự trở thành một “trận địa” có hiệu quả trong ngăn ngừa và phòng chống những nếp nghĩ, hành vi phản văn hóa. Theo đó, cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:

Đẩy mạnh công tác giáo dục, xây dựng nhận thức đúng đắn về vai trò, vị trí của HĐVNQC cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, hạ sĩ quan – binh sĩ ở các nhà trường quân đội.

Sức mạnh của HĐVNQC được bắt nguồn từ nhận thức. Nhận thức đúng sẽ khắc phục được cách hiểu sai, coi văn nghệ chỉ là hoạt động “cờ đèn, kèn, trống”, là hoạt động giải trí đơn thuần; đồng thời khắc phục cách làm theo kiểu “nuôi gà nòi”, “bệnh thành tích” trong liên hoan, hội diễn văn nghệ. Vì vậy, giáo dục, bồi dưỡng nhận thức về HĐVNQC cho cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, hạ sĩ quan – binh sĩ ở các nhà trường quân đội phải được tiến hành theo hướng toàn diện, đồng bộ, trọng điểm, thiết thực; được thể hiện trong lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chỉ huy; trong sinh hoạt của đơn vị, qua từng bài giảng công tác đảng, công tác chính trị ở các nhà trường quân đội và trong tổ chức hội diễn văn nghệ quần chúng của các nhà trường.

Nội dung giáo dục là hệ thống quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Đảng ta về văn hóa, văn nghệ; chỉ thị, hướng dẫn của Bộ Quốc phòng, Tổng cục Chính trị về HĐVNQC. Hình thức giáo dục cần đảm bảo sự phong phú, đa dạng, thể hiện trong từng nghị quyết của cấp ủy, trong sinh hoạt của đơn vị và chương trình hành động của tổ chức Đoàn… Thời điểm giáo dục được diễn ra mọi lúc, mọi nơi, nhất là trong giờ nghỉ, ngày nghỉ và sinh hoạt văn nghệ tối thứ tư hằng tuần.

Thường xuyên đổi mới nội dung, hình thức, thực hiện tốt các khâu, các bước tổ chức HĐVNQC ở các nhà trường cũng như từng đơn vị.

Nội dung, hình thức hoạt động là hai yếu tố cơ bản quyết định chất lượng của hoạt động này. Nhà trường và từng đơn vị trong nhà trường được đánh giá có HĐVNQC tốt phải đạt đủ các tiêu chí như: có nội dung sát, đúng, lành mạnh, có hình thức phong phú, đa dạng, lôi cuốn, hấp dẫn quần chúng. Nội dung của HĐVNQC phải bám sát vào mục tiêu, yêu cầu đào tạo và tình hình nhiệm vụ đơn vị. Những tác phẩm hay, những đêm liên hoan văn nghệ bổ ích… chỉ mang đậm tính quần chúng khi nó bám sát đời sống thường ngày của đơn vị, mang đậm “chất lính”, phản ánh được “hơi thở” từ thực tiễn nhiệm vụ học tập, rèn luyện, công tác của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, hạ sĩ quan – binh sĩ.

Hình thức hoạt động phong phú là yếu tố đảm bảo cho HĐVNQC ở các nhà trường có sức sáng tạo, sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, hạ sĩ quan – binh sĩ. Bên cạnh các hình thức truyền thống mà đơn vị thường tiến hành như: học các bài hát quy định, biểu diễn, liên hoan, hội diễn…, đơn vị cần tổ chức hình thức hoạt động mới, hấp dẫn như: “đêm thơ”, “hát mãi khúc quân hành”, “những nốt nhạc chiến sĩ”…

Quy trình hoạt động bao gồm các khâu: nghiên cứu, quán triệt hướng dẫn, xây dựng kế hoạch, tổ chức hoạt động, kiểm tra đôn đốc; sơ, tổng kết rút kinh nghiệm… là các khâu, các bước của quá trình tổ chức hoạt động văn nghệ quần chúng ở nhà trường và từng đơn vị. Tuân thủ chặt chẽ quy trình là điều kiện đảm bảo cho HĐVNQC được diễn ra khoa học. Quá trình tiến hành cần đặc biệt chú trọng phương châm: vừa thực hiện tốt từng khâu bộ phận, vừa gắn kết chặt chẽ nội dung, hình thức và quy trình hoạt động.

Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy và đội ngũ cán bộ chủ trì, phát huy vai trò của các tổ chức, các lực lượng trong nhà trường đối với HĐVNQC.

Nâng cao chất lượng tổ chức HĐVNQC ở các nhà trường quân đội là trách nhiệm của mọi tổ chức, mọi lực lượng trong các nhà trường; đây là nhân tố quyết định, trực tiếp góp phần làm cho HĐVNQC trở thành phong trào sâu rộng trong nhà trường và từng đơn vị, phát triển đúng hướng, mang tính giáo dục, tính thẩm mỹ cũng như tính quần chúng sâu sắc. Với trách nhiệm là lực lượng quản lý, điều hành đơn vị, đội ngũ cán bộ chủ trì phải cụ thể hóa nghị quyết, tổ chức thực hiện tốt kế hoạch HĐVNQC ở đơn vị. Trong đó, cần nắm chắc diễn biến tư tưởng, tâm lý, tình cảm và nhu cầu hưởng thụ nghệ thuật của cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, hạ sĩ quan – binh sĩ; từ đó đề xuất, xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện kế hoạch. Đồng thời, có kế hoạch bồi dưỡng, tập huấn hạt nhân văn nghệ, tạo mọi điều kiện để những hạt nhân này say mê sáng tạo các hình thức HĐVNQC ở đơn vị.

Phát huy vai trò nòng cốt của đoàn viên thanh niên trong đơn vị, xây dựng cho họ ý thức thẩm mỹ và con đường, cách thức đạt tới cái hay, cái đẹp trong nghệ thuật. Đồng thời, cần phối hợp chặt chẽ với đoàn thanh niên kết nghĩa ở các địa phương nơi đóng quân, cùng tổ chức tốt hoạt động giao lưu văn nghệ, góp phần nâng cao chất lượng và tính phong phú trong HĐVNQC của đơn vị. Mặt khác, biết tạo sự đồng thuận cao trong đơn vị, nhất là lãnh đạo, chỉ huy; khích lệ mọi lực lượng say mê HĐVNQC theo hướng “chúng ta sáng tác, chúng ta biểu diễn và chúng ta thưởng thức”.

Kết hợp chặt chẽ giữa HĐVNQC với các hoạt động khác của công tác đảng, công tác chính trị, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của đơn vị.

Là một hoạt động trong hệ thống hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở các nhà trường quân đội, văn nghệ quần chúng vừa có những đặc điểm chung, vừa có những đặc trưng riêng về mục đích, yêu cầu, đối tượng, nội dung và hình thức hoạt động. Vì vậy, để bảo đảm quản lý hiệu quả tư tưởng của đội ngũ cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, hạ sĩ quan – binh sĩ ở các nhà trường quân đội, đòi hỏi đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý phải lồng ghép HĐVNQC với các hoạt động khác như: giáo dục chính trị tư tưởng, thi đua khen thưởng, tuyên truyền, công tác thanh niên, công tác dân vận… Chất lượng HĐVNQC được khai thác từ kết quả của các hoạt động khác, sự thống nhất về tư tưởng, phát huy tính tích cực thi đua của mỗi người, sức hấp dẫn từ các hoạt động hội diễn văn nghệ quần chúng cũng như sự phối, kết hợp chặt chẽ với đơn vị kết nghĩa trên địa bàn đóng quân thông qua hoạt động công tác dân vận. Đồng thời, chất lượng của HĐVNQC sẽ xâm nhập “vô hình” vào chính trị tư tưởng, thúc đẩy và góp phần hình thành nên phong trào thi đua sôi nổi trong đơn vị. Thực hiện tốt giải pháp này sẽ khắc phục được bệnh chồng chéo trong tổ chức các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị. Do vậy, đội ngũ cán bộ chủ trì các cấp cần tổ chức HĐVNQC đúng lúc, đúng chỗ, đúng thời điểm, đúng đối tượng, nhằm tránh tản mạn, thiếu tập trung, chồng chéo với các hoạt động khác, tạo ra tâm lý thờ ơ, lãnh đạm đối với hoạt động này.

Có thể thấy rằng, trong hệ thống các hoạt động công tác đảng, công tác chính trị ở các nhà trường quân đội, HĐVNQC là một hoạt động thường xuyên, được nảy sinh và phát triển do nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo văn hóa của mỗi cán bộ, giảng viên, học viên, nhân viên, hạ sĩ quan – binh sĩ. Tiến hành tốt hoạt động này là con đường “ngắn nhất”, có hiệu quả cao nhất, làm cho văn hóa thấm sâu vào đời sống quân nhân, góp phần xây dựng đời sống tinh thần của quân đội thêm phong phú, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh để mỗi quân nhân tham gia tích cực, góp phần hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ giáo dục và đào tạo của các nhà trường quân đội.

Tài liệu tham khảo

1. Bộ Quốc phòng, Quy định về tiêu chuẩn đời sống văn hóa tinh thần trong Quân đội, 2001.

2. Nguyễn Văn Hy, Phương pháp tổ chức lễ – hội quần chúng trong Quân đội, Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001.

3. Hồ Chí Minh (1947), “Thư gửi anh em văn hóa và trí thức Nam Bộ”, Hồ Chí Minh (1977), “về công tác văn hóa văn nghệ”, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.l.

4. Hồ Chí Minh (1948), “Thư gửi hội nghị văn hóa toàn quốc lần thứ hai” (15-7-1948), Hồ Chí Minh (1977), “về công tác văn hóa văn nghệ”, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.24-25.

5. Hồ Chí Minh (1958), “Bài nói chuyện tại hội nghị cán bộ văn hóa”, Hồ Chí Minh (1977), “về công tác văn hóa văn nghệ”, Nxb Sự thật, Hà Nội, tr.50-51.

Tác giả: Nguyễn Tiến Dũng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 452, tháng 2-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *