Nâng cao đời sống văn hóa của công chức, viên chức, công nhân lao động trong các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp


Để nâng cao hiệu quả Chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hóa của công chức, viên chức và công nhân lao động trong các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp. Chiều ngày ngày 12/10, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) và Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (LĐLĐ) đã tổ chức Lễ ký kết và triển khai chương trình phối hợp xây dựng đời sống văn hoá, tập luyện thể dục thể thao trong công chức, viên chức, công nhân lao động (CC, VC, CNLĐ) giai đoạn 2021-2026, nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước về văn hóa, thể thao và du lịch trong các cơ quan, đơn vị doanh nghiệp; xây dựng nếp sống văn minh, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa tinh thần của CC, VC, CNLĐ.

Tham dự Hội nghị có Bí thư trung ương Đảng – Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến; Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng; Ủy viên BCH Trung ương Đảng,Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Nguyễn Đình Khang; Lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành và đơn vị liên quan… Hội nghị được kết nối trực tiếp với 63 tỉnh, thành phố.

Báo cáo đánh giá: chương trình phối hợp về xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân, viên chức, lao động giai đoạn 2016-2021 giữa Bộ VHTTDL và Tổng Liên đoàn đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, được thể hiện ở 5 điểm sáng cơ bản. Đó là: Chương trình phối hợp giữa hai cơ quan đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, hai bên đã phối hợp thống nhất từ trung ương đến địa phương trong công tác xây dựng kế hoạch hoạt động, triển khai thực hiện, đã quan tâm công tác kiểm tra, giám sát, tổng kết khen thưởng các lĩnh vực về xây dựng đời sống văn hóa trong CC,VC,CNLĐ; Hệ thống thiết chế văn hóa, thể̉ thao phục vụ CC,VC,CNLĐ từng bước được chính quyền địa phương, doanh nghiệp quan tâm, đầu tư quy hoạch, xây dựng, sửa chữa, nâng cấp; các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao từng bước được nâng lên cả về số lượng và chất lượng phần nào đáp ứng được nhu cầu về đời sống văn hóa tinh thần của một bộ phận CC,VC,CNLĐ; nếp sống văn hóa, tác phong công nghiệp, ứng xử thân thiện, môi trường làm việc văn minh, lịch sự trong CC, VC, CNLĐ dần được cải thiện. Nhiều thói quen tích cực, hành vi văn hóa được hình thành; công tác đào tạo cán bộ công đoàn cơ sở về lĩnh vực xây dựng đời sống văn hóa được chú trọng… Các tổ chức công đoàn tại các doanh nghiệp đã phát huy truyền thống văn hóa, tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, chia sẻ, động viên giúp đỡ người lao động vượt qua khó khăn, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc nhất là trong tình hình dịch bệnh COVID-19 đã tác động mạnh mẽ đến mọi mặt của đời sống kinh tế, văn hóa – xã hội, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động

Trong quá trình triển khai thực hiện cũng đặt ra những vấn đề cấp thiết, cần tiếp tục tham mưu, kiến nghị với Đảng và Nhà nước ban hành các Nghị quyết, Chỉ thị của Ban Bí thư, Nghị định của Chính phủ về xây dựng đời sống văn hóa, thiết chế văn hóa ở các khu, vùng công nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững. Công cuộc xây dựng đời sống văn hóa là nhiệm vụ quan trọng mang tính toàn diện, nhưng khi triển khai phải có trọng tâm, trọng điểm, đi vào những vấn đề cụ thể như xây dựng gia đình văn hóa, thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, tổ chức các hoạt động văn hóa, văn nghệ… góp phần xây dựng đời sống văn hóa trong công nhân và cán bộ công chức.

Bên cạnh đó, công tác triển khai thực hiện vẫn còn những khó khăn, hạn chế như: hệ thống thiết chế văn hóa để tổ chức các hoạt động văn hóa của CC,VC,CNLĐ còn thiếu và yếu; công tác đầu tư đất đai, nguồn lực cho việc xây dựng các thiết chế văn hóa phục vụ công nhân lao động của nhiều địa phương còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp chưa coi trọng và tạo điều kiện về thời gian, nguồn lực để công nhân lao động tham gia các hoạt động văn hóa và luyện tập thể dục thể thao. Lực lượng cán bộ văn hóa và công đoàn còn mỏng, chưa được đào tạo chuyên sâu về kỹ năng tổ chức hoạt động văn hóa công nhân; hình thức tổ chức hoạt động xây dựng đời sống văn hóa công nhân khu công nghiệp chưa đổi mới, hấp dẫn đoàn viên người lao động. Danh hiệu “Doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa”, chưa được quy định trong Luật Thi đua khen thưởng nên các cấp khó triển khai và khó vận động, thuyết phục doanh nghiệp đăng ký tham gia thực hiện. Số lượng các doanh nghiệp quan tâm chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động chưa nhiều… do xây dựng đời sống văn hóa cho công chức, viên chức, người lao động là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài nên vẫn còn một số tình trạng UBND tỉnh, thành phố chỉ ban hành văn bản chỉ đạo nhưng chưa có có cơ chế giải pháp đầu tư nhân lực, vật lực hỗ trợ tổ chức các hoạt động văn hóa tinh thần cho lực lượng CC,VC,CNLĐ; nguồn lực xây dựng thiết chế văn hóa tại các khu công nghiệp còn hạn chế chưa phủ hết được các thiết chế văn hóa ở các khu công nghiệp, vùng công nghiệp

Phát biểu tại Hội nghị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến nhấn mạnh, với sự quyết tâm cao của Tổng LĐLĐ Việt Nam, Bộ VHTTDL, sự quan tâm chỉ đạo của các bộ, ngành, địa phương, Chương trình phối hợp sẽ được lan tỏa sâu rộng, tạo luồng sinh khí mới trong xây dựng đời sống văn hóa, hoạt động thể thao của CC,VC,CNLĐ, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, xây dựng giai cấp công nhân hiện đại, lớn mạnh và đánh giá cao những kết quả đã đạt được của chương trình phối hợp giữa hai cơ quan trong giai đoạn 2016-2021; đồng tình và nhất trí cao các nội dung trong chương trình phối hợp hai cơ quan sẽ triển khai thực hiện trong giai đoạn 2021-2026 là cơ sở để các cơ quan, đơn vị từ trung ương đến địa phương triển khai một cách hiệu quả, góp phần xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh; góp phần hiện thực hóa định hướng về phát triển con người và nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước được thể hiện trong văn kiện Đại hội XIII của Đảng.

Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng phát biểu tại Hội nghị

Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ VHTTDL

 

Tiếp thu ý kiến chỉ đạo của đồng chí Đỗ Văn Chiến, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng đánh giá công tác phối hợp giữa Bộ VHTTDL và Tổng LĐLĐ Việt Nam trong 5 năm qua đạt nhiều hiệu quả toàn diện, thiết thực. Đặc biệt là làm tốt sự lãnh đạo về mặt chính trị, nhất quán tư tưởng văn hóa thực sự là nền tảng tinh thần, động lực phát triển. Minh chứng cho việc này được thể hiện qua các đợt dịch bệnh COVID-19 bùng phát thời gian qua, những giá trị tốt đẹp nhất của dân tộc, tinh thần tương thân tương ái, lá lành đùm lá rách lại được phát huy, lan rộng. Trong bối cảnh đó, các tổ chức công đoàn đã thể hiện được vai trò là “ngôi nhà chung” cho công nhân lao động.

Về chương trình phối hợp trong thời gian tới, Bộ trưởng Bộ VHTTDL Nguyễn Văn Hùng cho biết, đây chỉ là chương trình khung, có tính chất nêu vấn đề, cơ chế, nguyên tắc phối hợp, còn nhiệm vụ cụ thể phải được bổ sung hằng năm đề phù hợp hơn với yêu cầu đặt ra. Bộ trưởng Nguyễn Văn Hùng cũng đề nghị cả hai bên giao đơn vị đầu mối để cụ thể hóa chương trình khung bằng kế hoạch cụ thể trong năm 2022 có sản phẩm, dễ nhớ, dễ làm, phù hợp với đặc điểm từng vùng, từng miền, từng khu công nghiệp, có trọng tâm, trọng điểm. Hiện nay, dịch bệnh đang được kiểm soát, nền kinh tế đang dần mở cửa trở lại. Tuy nhiên, vấn đề xây dựng đời sống văn hóa cho giai cấp công nhân thì phải nhất quán phát triển theo tinh thần an toàn, linh hoạt, không cứng nhắc.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phối hợp giữa hai bên trong thời gian tới, Lãnh đạo Bộ VHTTDL và Tổng LĐLĐ Việt Nam đã ký kết Chương trình phối hợp về xây dựng đời sống văn hóa, nâng cao hiệu quả hoạt động thể dục, thể thao của CC, VC, CNLĐ trong cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp giai đoạn 2021 – 2026, với sáu nội dung trọng tâm làm chương trình khung, đặt ra cơ chế, nguyên tắc phối hợp để hai bên xây dựng các chương trình, kế hoạch triển khai cụ thể của từng năm sát với tình hình thực tiễn đời sống của công chức, viên chức, người lao động tại các khu công nghiệp. Bộ trưởng Bộ VHTTDL đề nghị UBND các tỉnh, các Bộ, Ban, ngành, các đơn vị cần quan tâm, phối hợp chặt chẽ hơn nữa  để triển khai nội dung nhằm huy động tối đa các nguồn lực xây dựng đời sống văn hóa cơ sở nhất là đời sống văn hóa của công chức, viên chức và người lao động tại các khu công nghiệp; xây dựng và lan tỏa các mô hình xây dựng đời sống văn hóa điển hình, đưa văn hóa ngang tầm với phát triển kinh tế để văn hóa trở thành nền tảng, động lực phát triển kinh tế – xã hội.

 

BÙI DUY CHIẾN

Nguồn: Tạp chí VHNT số 477, tháng 10-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *