Hiện nay, đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động đã bước đầu có những chuyển biến tích cực. Họ đã có điều kiện tham gia sinh hoạt, hưởng thụ văn hóa, cải thiện đời sống tinh thần. Tuy nhiên, nhiều mục tiêu, chỉ tiêu đời sống văn hóa tinh thần lại chưa đạt được kết quả đề ra, họ chưa được hưởng thụ tương xứng với thành quả của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước. Hệ thống thiết chế văn hóa, công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, nhà ở… phục vụ công nhân lao động chưa được đầu tư thỏa đáng. Nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đến đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động. Môi trường văn hóa ở nơi làm việc và sinh sống của công nhân chưa được quan tâm xây dựng, phát triển. Một bộ phận công nhân có lối sống thiếu lành mạnh, vướng vào tệ nạn xã hội, bị các thế lực thù địch lôi kéo, kích động tham gia vào các hoạt động chống phá, gây rối.
Những hạn chế nêu trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là do các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, tính cấp bách của việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động, chưa làm tốt vai trò, trách nhiệm trong việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về lĩnh vực này. Công tác kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, việc đầu tư cho các công trình phúc lợi còn hạn chế. Sự phối hợp của các cấp, các ngành thiếu chặt chẽ, vai trò của công đoàn, tổ chức chính trị – xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, doanh nhân chưa được chú trọng, phát huy. Thực tiễn hiện nay cho thấy, do những áp lực về đời sống vật chất nên phần lớn công nhân lao động có đời sống văn hóa tinh thần nghèo nàn. Để nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động, cần tập trung thực hiện tốt một số nội dung, biện pháp sau:
Nâng cao nhận thức về tầm quan trọng của công tác xây dựng và nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân trong tình hình mới. Công tác này là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài, là trách nhiệm của Đảng, của cả hệ thống chính trị, tổ chức công đoàn, doanh nhân và công nhân lao động. Vì thế, cần tiếp tục tuyên truyền, quán triệt, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về xây dựng giai cấp công nhân, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân. Chú trọng khai thác, sử dụng có hiệu quả các phương tiện truyền thông hiện đại trong công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, tập hợp công nhân xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Kịp thời ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại, thông tin sai trái tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của công nhân lao động. Tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của công nhân và người sử dụng lao động về xây dựng đời sống văn hóa tinh thần của công nhân lao động. Trên cơ sở nhận thức đầy đủ tầm quan trọng, tính cấp bách của việc nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn công nhân, tổ chức công đoàn và người sử dụng lao động tại các doanh nghiệp về vị trí, vai trò, sự cần thiết của đời sống văn hóa tinh thần đối với công nhân lao động cũng như sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Triển khai xây dựng các chuyên mục về đời sống văn hóa tinh thần của công nhân trên đài phát thanh truyền hình và các phương tiện thông tin đại chúng. Kịp thời ngăn chặn các sản phẩm văn hóa độc hại, thông tin sai trái tác động đến nhận thức, tư tưởng, tình cảm của công nhân lao động.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự phối hợp hành động của các cấp chính quyền, mặt trận tổ quốc, các tổ chức chính trị – xã hội trong công tác xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động. Các cấp ủy đảng đưa nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động vào nghị quyết; lãnh đạo, chỉ đạo chính quyền, các ngành, các tổ chức chính trị – xã hội có chương trình hành động cụ thể để thực hiện nhiệm vụ đó. Thực hiện có hiệu quả đề án xây dựng đời sống văn hóa công nhân, quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở; nâng cao chất lượng các hoạt động, đáp ứng nhu cầu hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí của công nhân. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật, chính sách liên quan đến công tác xây dựng đời sống văn hóa công nhân lao động. Mặt trận tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội cần đẩy mạnh giám sát và phản biện xã hội đối với việc xây dựng, thực hiện chính sách, pháp luật liên quan. Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước có liên quan đến xây dựng, nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động. Tạo điều kiện để các tổ chức chính trị – xã hội, đặc biệt là tổ chức công đoàn trong doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động, phát huy vai trò nòng cốt trong việc tuyên truyền, vận động đoàn viên, công nhân lao động tích cực tham gia xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho chính họ và gia đình. Nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh, các phong trào thi đua yêu nước trong công nhân lao động. Tăng dần ngân sách đầu tư, đồng thời có chính sách ưu đãi, khuyến khích huy động nguồn lực xã hội để xây dựng thiết chế văn hóa mới cho công nhân lao động. Ưu tiên bố trí quỹ đất, kinh phí để xây dựng nhà ở, công trình phúc lợi, trường học, bệnh viện, khu vui chơi, chú trọng xây dựng, nhân rộng các mô hình tiên tiến về tổ chức, hoạt động nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho công nhân lao động. Phát triển các mô hình câu lạc bộ phù hợp với nhu cầu, đặc điểm tâm lý của công nhân lao động. Phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, định kỳ tổ chức các cuộc liên hoan, hội diễn văn nghệ, hội thao tay nghề cho công nhân lao động. Phát triển mô hình tổ tự quản khu nhà trọ công nhân cùng tham gia các phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư.
Tăng cường sự hợp tác, đoàn kết cùng có lợi giữa chủ doanh nghiệp, doanh nhân với công nhân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Các cấp ủy đảng, nhất là tổ chức đảng trong doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất, cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở doanh nghiệp. Phát huy vai trò, trách nhiệm, tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong việc xây dựng, phát triển lối sống văn hóa, kỷ cương, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật để tạo sức lan tỏa trong cộng đồng, xã hội, góp phần xây dựng nếp sống văn hóa cho công nhân lao động. Đề cao đạo đức, văn hóa kinh doanh, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp, doanh nhân, trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong việc nâng cao đời sống tinh thần cho công nhân lao động. Xác định chủ doanh nghiệp, doanh nhân, công nhân lao động vừa là chủ thể vừa là đối tượng thụ hưởng thành quả của việc tạo dựng và phát triển môi trường văn hóa lành mạnh trong khu công nghiệp, khu chế xuất. Tạo điều kiện thuận lợi để công nhân lao động có thời gian tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, giải trí. Xây dựng, nhân rộng các mô hình công nhân văn hóa, gia đình công nhân văn hóa, doanh nghiệp văn hóa gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Khai thác, phát huy hiệu quả các thiết chế, sản phẩm văn hóa hiện có, tạo điều kiện để công nhân chủ động tổ chức các hoạt động văn hóa cộng đồng, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nước ngoài. Khuyến khích, tạo điều kiện để các cơ quan văn hóa, văn học, nghệ thuật, xuất bản, báo chí sáng tác và phổ biến tác phẩm văn học, nghệ thuật tới công nhân lao động. Có cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi, nhà ở, trường học, bệnh viện, khu vui chơi giải trí…, chăm lo đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động. Trong các dự án quy hoạch tổng thể các khu công nghiệp, khu chế xuất, phải chú ý đến việc xây dựng và phát triển dịch vụ công cộng như giáo dục, y tế, khu vui chơi giải trí… Để làm được việc này, trung ương và địa phương cần dành nhiều kinh phí, quỹ đất cho việc xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, thiết chế văn hóa, thể dục thể thao phục vụ cho công nhân lao động sau những ngày làm việc căng thẳng. Tổ chức công đoàn doanh nghiệp cần phối hợp với chính quyền và các đoàn thể địa phương nơi có khu công nghiệp, khu chế xuất, chủ động đứng ra tổ chức các buổi giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao, từ đó tạo ra không khí vui tươi, thân thiện giữa chính quyền, nhân dân địa phương với tổ chức doanh nghiệp, công nhân. Ngoài ra, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể, công đoàn doanh nghiệp cần kết hợp trong việc tổ chức phong trào xây dựng nếp sống văn minh đô thị, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thực tiễn cho thấy, đại đa số công nhân tham gia lao động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp là xuất thân từ nông thôn. Bên cạnh những thói quen, phong tục tốt đẹp, cũng còn không ít những tập quán lạc hậu như lối sống tự do, vô kỷ luật, nhất là các hành vi tham gia hoạt động giao thông, môi trường nơi công cộng… Vì vậy, việc xây dựng nếp sống văn minh công nghiệp, văn minh đô thị là một trong những vấn đề bức thiết, góp phần nâng cao chất lượng đời sống văn hóa cho đội ngũ công nhân thành phố, phát huy vai trò tích cực của họ trong phát triển kinh tế, xây dựng văn hóa thời kỳ hội nhập. Đồng thời, cần đẩy mạnh đấu tranh phòng chống các tệ nạn xã hội: cờ bạc, ma túy, mại dâm… Tăng cường công tác dạy nghề, hướng nghiệp cho người lao động, nhất là công nhân lao động nhập cư, tạo điều kiện bình đẳng để họ có đủ điều kiện hưởng thụ văn hóa tinh thần và các chế độ phúc lợi xã hội khác. Giải quyết tình trạng cách biệt giữa nông thôn và thành thị, lao động chân tay và lao động trí óc. Đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa có chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức, am hiểu sâu rộng về phong tục tập quán của các đối tượng công nhân, từ đó xây dựng chương trình, lên kế hoạch cụ thể nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các mô hình sinh hoạt văn hóa.
Đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn. Tăng cường giáo dục về tư tưởng, đạo đức, lối sống, nếp sống văn hóa, tác phong lao động công nghiệp, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp, hiểu biết pháp luật cho công nhân lao động, xây dựng hình ảnh người công nhân lao động mới trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Nâng cao chất lượng, đa dạng hóa hình thức tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao phù hợp với điều kiện làm việc của công nhân. Thường xuyên trao đổi, đối thoại, kịp thời nắm bắt, dự báo tình hình tư tưởng, định hướng dư luận xã hội trong công nhân khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất là ở các thành phố lớn và địa bàn nhạy cảm. Kịp thời đấu tranh, phê phán, uốn nắn nhận thức lệch lạc, biểu hiện sai trái trong cán bộ, đoàn viên công đoàn, công nhân lao động. Chủ động phối hợp với các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể trong doanh nghiệp, khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn cư trú của công nhân lao động tổ chức các cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa thiết thực, hiệu quả. Kịp thời phát hiện, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có đóng góp tích cực trong công tác xây dựng, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho công nhân lao động. Bình chọn, tôn vinh các doanh nhân, doanh nghiệp đạt Doanh nhân văn hóa, Doanh nghiệp văn hóa toàn quốc hàng năm. Tiếp tục kiện toàn, thành lập công đoàn khu công nghiệp, khu chế xuất; chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao chất lượng cán bộ công đoàn; bồi dưỡng, giới thiệu công nhân ưu tú cho Đảng. Quá trình đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hội nhập quốc tế, vai trò và vị trí của đội ngũ công nhân cần phải được khẳng định hơn nữa, đặc biệt là việc nâng cao đời sống văn hóa vật chất, tinh thần cho họ, góp phần hướng tới mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 381, tháng 3-2016
Tác giả : NGUYỄN ĐỨC HÙNG
Bài viết cùng chủ đề:
Năng lực phản biện khoa học của giảng viên trong nhà trường quân đội
Thế giới quan và phương pháp luận của giảng viên trẻ trong các trường quân đội
Sự chuyển đổi sinh kế của người dân nà lầu, lạng sơn