Nâng cao hiệu quả đào tạo trực tuyến ở bậc đại học trong bối cảnh hiện nay


Kỷ nguyên số hóa và sự tác động của Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm cho giáo dục đại học ở nước ta có những biến chuyển nhanh chóng trên nhiều phương diện, nhất là về mô hình, phương pháp đào tạo. Trong đó, dạy học trực tuyến hiện đang được quan tâm triển khai với phạm vi, mức độ ngày càng phổ biến, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo, bảo đảm cho nền giáo dục đại học trong nước hội nhập tốt với xu thế phát triển chung của giáo dục đại học thế giới.

Cách mạng công nghiệp 4.0, hay còn gọi là cuộc cách mạng số, là xu hướng tự động hóa và trao đổi dữ liệu trong công nghệ sản xuất. Sự phát triển của Cách mạng công nghiệp 4.0 đã làm biến chuyển mọi mặt của đời sống xã hội nói chung, cũng như việc định hình và phát triển nền “giáo dục 4.0” nói riêng.

Theo tác giả Nguyễn Hồng Minh, đứng trước cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0, hệ thống giáo dục Việt Nam sẽ bị tác động mạnh mẽ và toàn diện, các khái niệm về phòng học ảo, thày giáo ảo, thiết bị ảo sẽ trở thành xu hướng trong hoạt động đào tạo (1). Cùng bàn luận về vấn đề này, tác giả Đỗ Văn Dũng cho rằng: Sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 với việc ứng dụng công nghệ IoT trong phát triển dạy học số và công nghệ thực tế – ảo sẽ làm thay đổi gần như hoàn toàn hình thức dạy học trong các trường đại học (2).

Giáo viên dạy học trực tuyến trên Đài Truyền hình Hà Nội. Ảnh: nhandan.vn

Là một phương thức của hoạt động giáo dục, mô hình đào tạo trực tuyến (ĐTTT) đã xuất hiện trên thế giới từ những năm 90 TK XX, với hình thức đầu tiên là đào tạo trên máy tính. Hiện nay, ĐTTT đã và đang trở thành xu hướng phổ biến trong đào tạo ở tất cả các cấp học, trường học. Đồng thời, thu hút được sự quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả, nhà quản lý, nhà giáo dục trên thế giới cũng như trong nước. Theo tác giả Bagarukayo và Kelema, ĐTTT là công nghệ mang nhiều lợi ích trong việc giảng dạy, học tập và đánh giá. Mức độ ĐTTT và cách thức áp dụng ở các trường là khác nhau do có sự không đồng nhất về nền tảng công nghệ, văn hóa giáo dục, năng lực giảng viên, tầm nhìn chiến lược của tổ chức, sự hài lòng của người học, sự hỗ trợ người dùng, nhận thức của lãnh đạo… (3).

Tùy vào quan điểm và hình thức ứng dụng khác nhau mà có nhiều cách hiểu khác nhau về ĐTTT. Theo nghĩa chung nhất, ĐTTT là thuật ngữ dùng để mô tả việc học tập và đào tạo dựa trên công nghệ thông tin và truyền thông hiện đại, như máy tính, mạng máy tính, mạng vệ tinh, mạng internet… Trong đó, người dạy và người học có thể giao tiếp trực tuyến với nhau thông qua trao đổi thư điện tử (email), trò chuyện trực tuyến (chatting), diễn đàn, hội thảo trực tuyến trên một nền tảng công nghệ chung nhất (4).

Sự đa dạng của các phần mềm ứng dụng cùng các phương tiện, công cụ hỗ trợ đã giúp cho mô hình ĐTTT ở các trường đại học ngày càng phong phú. Theo tác giả Trần Thanh Điện và Nguyễn Thái Nghe, ĐTTT ở bậc giáo dục đại học có một số mô hình phổ biến là:

Đào tạo kết hợp hoặc hỗn hợp: Là mô hình đào tạo kết hợp cả hai phương pháp trực tiếp và trực tuyến. Sự kết hợp này cho phép các trường đại học lựa chọn kế thừa những yếu tố ưu việt nhất của mỗi phương pháp.

Lớp học linh hoạt: Là mô hình đào tạo cho phép sinh viên học tập mọi lúc, mọi nơi và nâng cao khả năng hợp tác, thảo luận trong lớp.

Khóa học trực tuyến chủ động thời gian: Là mô hình đào tạo trong đó các khóa học được truyền tải hoàn toàn qua Web.

Khóa học trực tuyến tổng hợp: Là khóa học được thiết kế với thời gian chủ yếu là dạy học trực tuyến. Bên cạnh đó, vẫn có một số nội dung chương trình bắt buộc sinh viên đến trường để thực hiện.

Khóa học trực tuyến mở có quy mô lớn: Là chương trình ĐTTT không giới hạn số lượng sinh viên tham gia học tập qua internet. Mô hình này thường được các trường đại học lớn, có nhiều sinh viên sử dụng.

Khóa học trực tuyến mở có quy mô lớn hỗn hợp: Là mô hình mở rộng của khóa học trực tuyến mở có quy mô lớn, cho phép sinh viên gặp nhau ở một địa điểm để thảo luận thêm về các bài giảng (5).

Việc áp dụng ĐTTT ở các trường đại học mang đến nhiều lợi ích so với phương pháp đào tạo truyền thống. ĐTTT đảm bảo tiết kiệm thời gian và chi phí giảng dạy; cho phép truy cập vào các tài nguyên và tài liệu trên toàn cầu, đáp ứng mọi nhu cầu về kiến thức và sở thích cho sinh viên; cho phép sinh viên chủ động tham dự các lớp học mọi lúc khi cần hoặc cho đến khi tài liệu khóa học được hoàn thành; tạo điều kiện tăng cường tương tác giữa sinh viên và giảng viên thông qua sử dụng thư điện tử, bảng thảo luận; giúp sinh viên phát triển kiến thức sử dụng các công nghệ mới…

Bên cạnh những lợi thế nêu trên, quá trình áp dụng mô hình ĐTTT ở các trường đại học cũng gặp phải những khó khăn nhất định, nhất là việc thiết lập các mối liên hệ trực tiếp giữa sinh viên với nhau và giữa sinh viên với giảng viên. Cùng với đó là khả năng xảy ra gián đoạn do các sự cố thiết bị công nghệ, viễn thông, như mất tín hiệu đường truyền internet, hỏng máy tính, phương tiện, công cụ hỗ trợ,…

Trong những năm gần đây, nhờ ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 vào hoạt động giáo dục, ĐTTT ở các trường đại học đã trở nên khá phổ biến, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực; trực tiếp góp phần hiện thực hóa mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo của Đảng, cũng như đề án Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hỗ trợ các hoạt động dạy – học, nghiên cứu khoa học góp phần nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2025, theo Quyết định số 117/ QĐ-TTg ngày 25-1-2017 của Thủ tướng Chính phủ.

Trong thời gian tới, để nâng cao hơn nữa chất lượng, hiệu quả ĐTTT ở các trường đại học nước ta, bảo đảm trang bị cho sinh viên có khả năng thích nghi với những thách thức, yêu cầu thay đổi mau lẹ của tình hình thực tiễn, nhất là trong hoàn cảnh giãn cách xã hội do đại dịch COVID-19, chúng tôi cho rằng, mỗi nhà trường cần tập trung thực hiện đồng bộ nhiều biện pháp, trong đó bao gồm ba biện pháp cơ bản.

Thứ nhất, nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ giảng viên và sinh viên về sự tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đến mục tiêu, chương trình ĐTTT của nhà trường. Đây là biện pháp quan trọng có ý nghĩa quyết định đến chất lượng, kết quả hoạt động giảng dạy trực tuyến ở các trường đại học nước ta hiện nay. Do vậy, mỗi giảng viên và sinh viên cần quán triệt, nâng cao nhận thức, trách nhiệm trong ứng dụng các thành tựu của khoa học công nghệ vào hoạt động lao động sư phạm và học tập của mình.

Cán bộ quản lý giáo dục các trường đại học cần thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo khoa học về nâng cao chất lượng ĐTTT cho đội ngũ giảng viên; tập trung bồi dưỡng kỹ năng tiếp nhận, ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình giảng dạy; lãnh đạo, chỉ đạo giảng viên đa dạng hóa các phương pháp dạy học trực tuyến nhằm tạo ra tư duy linh hoạt cho sinh viên trong tiếp nhận các nội dung học tập và vận dụng tổng hợp kiến thức được trang bị vào hoạt động thực tiễn, góp phần thúc đẩy sinh viên chủ động, tự giác tham gia học tập, nghiên cứu nâng cao trình độ. Đặc biệt, cần áp dụng các ưu thế về công nghệ số, mạng xã hội để làm phong phú hình thức, phương pháp dạy học trực tuyến.

Thứ hai, phát huy vai trò của đội ngũ giảng viên trong tiếp cận và khai thác thành tựu của Cách mạng công nghiệp 4.0 để đổi mới nội dung, phương pháp giảng dạy trực tuyến.Tác động của cuộc Cách mạng 4.0 đòi hỏi giảng viên cần tích cực nghiên cứu, nắm bắt tri thức khoa học, công nghệ mới để hình thành năng lực vận dụng, giải quyết vấn đề đặt ra trong thực tiễn hoạt động giảng dạy. Theo đó, cán bộ quản lý giáo dục ở các trường đại học cần tăng cường quán triệt, khơi dậy nhiệt huyết, tinh thần đổi mới phương pháp giảng dạy cho đội ngũ giảng viên; các khoa, bộ môn cần phát huy vai trò trong các hoạt động giảng trực tuyến mẫu, giảng liên kết, nhằm giúp giảng viên đổi mới phương pháp dạy học trực tuyến một cách hiệu quả. Bên cạnh đó, cần thường xuyên tập huấn, nâng cao kinh nghiệm, kỹ năng cho đội ngũ giảng viên về ứng dụng công nghệ thông tin vào dạy học, thiết kế bài giảng điện tử cũng như khả năng sử dụng thành thạo các phương tiện dạy học hiện đại.

Thứ ba, đầu tư nâng cấp các trang thiết bị dạy học hiện đại và đường truyền tốc độ cao nhằm nâng cao hiệu quả ĐTTT. Biện pháp này còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, trong đó trực tiếp là việc hiện đại hóa các trang thiết bị dạy học cùng hệ thống hạ tầng đường truyền internet, thiết kế trang web, kho dữ liệu, học liệu… Theo nghiên cứu của tác giả Carmel McNaught: “Tất cả các dự án trực tuyến lớn cần phải đưa ra bằng chứng về việc sử dụng công nghệ phù hợp và đa dạng để đạt được kết quả giáo dục mong muốn” (6). Vì vậy, các trường đại học cần chủ động xây dựng kế hoạch mua sắm, bổ sung trang thiết bị, xây dựng hệ thống học liệu số, cải tiến, nâng cấp hạ tầng, tối ưu hóa giao diện hệ thống, nhất là về đường truyền internet tốc độ cao, điện toán đám mây, máy tính, mạng nội bộ, phần mềm trí tuệ nhân tạo, trang web, thư viện điện tử, phòng học đa phương tiện, phòng chuyên môn hóa… phục vụ cho quá trình dạy học trực tuyến của giảng viên cũng như việc học tập trực tuyến của sinh viên.

Bên cạnh đó, các trường đại học cần quan tâm xây dựng bộ tiêu chuẩn trong ĐTTT, nhất là các quy định, quy chế về kiểm định và đảm bảo chất lượng đối với ĐTTT một cách phù hợp. Điều này cần kế thừa, tiếp thu những kinh nghiệm hay của các nước trên thế giới. Theo tác giả Nguyễn Tấn Đại: “để có được một bộ tiêu chuẩn của mình, thay vì tự dò dẫm bằng cách cải biên những gì đang làm theo một hệ quy chiếu giáo dục truyền thống, điều nên làm là hãy tận dụng các kinh nghiệm tốt của thế giới, thay đổi hoàn toàn tâm thế tiếp cận vấn đề dạy học trực tuyến” (7). Đồng thời, mỗi nhà trường cần xây dựng và duy trì đội ngũ vận hành ĐTTT mạnh mẽ, hỗ trợ tốt cho giảng viên và sinh viên trong quá trình sử dụng hệ thống.

Có thể thấy, Cách mạng công nghiệp 4.0 với xu hướng phát triển dựa trên nền tảng tích hợp hệ thống kết nối số hóa và sự đột phá của internet vạn vật, cùng trí tuệ nhân tạo… đã và đang tác động đến hoạt động giáo dục và đào tạo ở bậc đại học trên nhiều phương diện. Thực tế này đòi hỏi mỗi chủ thể giáo dục trong các nhà trường cần nhận thức toàn diện, đầy đủ về ĐTTT và triển khai thực hiện đồng bộ các biện pháp nhằm đảm bảo cho quá trình ĐTTT tiếp cận và hòa nhập tốt với sự thay đổi chung trên thế giới.

_______________

1. Nguyễn Hồng Minh, Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và những vấn đề đặt ra đối với hệ thống giáo dục nghề nghiệp, Tạp chí Tự động hóa ngày nay, 2016.

2. Đỗ Văn Dũng, Các giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, Kỷ yếu hội thảo Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp và các giải pháp phát triển đội ngũ nhà giáo giáo dục nghề nghiệp, Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nguồn nhân lực, Hải Phòng, 2019, tr.11-19.

3. Bagarukayo, E, Kalema, B., Evaluation of E- Learning usage in South American universities (Đánh giá việc giáo dục trực tuyến ở các trường đại học Nam Mỹ), International Journal of Education and Development using Information and Communication Technology (UEDICT), 2015, tr.77, 168-183.

4. Hiện nay, có nhiều hãng tảng công nghệ cung cấp nền tảng dịch vụ hội họp, giảng dạy trực tuyến, như Zoom, Microsoft Team, Google Meet…

5. Trần Thanh Điện, Nguyễn Thái Nghe, Các mô hình E – Learning hỗ trợ dạy và học, Tạp chí Khoa học, Đại học Cần Thơ, số chuyên đề Công nghệ thông tin, 2017, tr.103-111.

6. Carmel McNaught, Learning Technology Services (Các dịch vụ công nghệ học tập), RMIT University, Australia, 2001.

7. Nguyễn Tấn Đại, Đảm bảo chất lượng trong đào tạo trực tuyến: Đề xuất cách tiếp cận mới tại Việt Nam, trong Kỷ yếu hội thảo Cải tiến chất lượng trong quản trị đại học, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP. HCM, 2020.

TS ĐOÀN NAM CHUNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 479, tháng 11-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *