Nâng cao năng lực giảng dạy chuyên đề của giảng viên trẻ ở Học viện Chính trị hiện nay


Năng lực giảng dạy là một bộ phận
quan trọng cấu thành năng lực sư phạm
của người giảng viên, thể hiện trình độ, uy
tín, và là một trong những tiêu chí đánh
giá năng lực toàn diện của người giảng
viên. Nâng cao năng lực giảng dạy chuyên
đề của giảng viên trẻ góp phần thực hiện
thắng lợi nhiệm vụ trung tâm của Học viện
Chính trị (HVCT), Bộ Quốc phòng là giảng
dạy và nghiên cứu khoa học; đào tạo ra
những chính ủy, cán bộ chính trị, những
nhà giáo, nhà khoa học trong tương lai.

1. Tiếp cận năng lực giảng dạy chuyên đề của giảng viên trẻ ở HVCT

Năng lực giảng dạy của giảng viên trẻ ở HVCT là tổng hòa các yếu tố về trình độ tri thức, kỹ năng, kỹ xảo trong thiết kế bài giảng, lựa chọn thông tin, thực hành giảng dạy cho các đối tượng đào tạo theo chương trình, kế hoạch nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo tại HVCT.

Hiện nay, HVCT đang “đẩy mạnh giảng dạy theo chủ đề sang giảng dạy theo chuyên đề” (1), nhiệm vụ mới đặt ra yêu cầu rất cao đối với năng lực giảng dạy của giảng viên trẻ. Bài giảng theo chuyên đề là loại hình bài giảng chuyên sâu về một phần nội dung của môn học hoặc của một đề tài khoa học. Chuyên đề có tính chất chuyên sâu và thường gắn với một đề tài và được giới hạn trong một phạm vi xác định. Mục đích của bài giảng theo chuyên đề là nhằm trang bị, bổ sung, bồi dưỡng cho người học những kiến thức chuyên sâu và cập nhật về một lĩnh vực khoa học thuộc một môn học nào đó, hướng dẫn họ tiếp cận với phương pháp nghiên cứu khoa học. Chức năng, nhiệm vụ của bài giảng theo chuyên đề là hướng vào việc hình thành những phẩm chất, năng lực chuyên sâu cho người học, góp phần đào tạo họ trở thành chuyên gia có trình độ cao, chuyên sâu về một lĩnh vực nhất định.

Sự thống nhất giữa bài giảng theo chuyên đề và bài giảng theo chủ đề là cùng được xây dựng trên cơ sở lý luận và phương pháp luận chung, cùng xuất phát từ các nguồn thông tin khoa học giống nhau như: giáo khoa, giáo trình, chương trình của bộ môn. Sự khác nhau chủ yếu ở phạm vi, mức độ nông – sâu, rộng – hẹp, cấu trúc theo chuyên đề không nhất thiết phải theo lôgic của giáo trình, bài giảng chuyên đề cũng không dàn trải mọi vấn đề mà chỉ tập trung vào những vấn đề mấu chốt, những điểm nhấn tri thức cần được làm rõ tới tầng bản chất nhất.

Như vậy, để thực hiện được yêu cầu giảng dạy theo chuyên đề, đòi hỏi giảng viên trẻ khoa học xã hội và nhân văn phải có trình độ tri thức chuyên sâu, có kỹ năng thiết kế bài giảng hợp lý, có khả năng thu thập, xử lý thông tin nhanh gọn, chính xác, có khả năng độc lập trong thực hành giảng dạy, truyền thụ tri thức, kỹ năng giao tiếp sư phạm chuẩn xác, mô phạm. Tuy nhiên, so với mục tiêu, yêu cầu “phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học” (2) năng lực giảng dạy theo chuyên đề của giảng viên trẻ ở HVCT vẫn còn những hạn chế: một số giảng viên trẻ kiến thức còn thiếu tính hệ thống, gắn kết trong quá trình hoạt động giảng dạy; kỹ năng thiết kế đề cương, viết bài giảng, chuẩn bị bài giảng theo chuyên đề còn dàn trải, chưa tập trung vào trọng tâm trọng điểm; khả năng phân tích, tổng hợp, phát hiện tình huống, đề xuất các giải pháp để giải quyết các vấn đề mới nảy sinh từ thực tiễn trong quá trình giảng dạy, nghiên cứu còn hạn chế nhất định.

2. Giải pháp nâng cao năng lực giảng dạy chuyên đề của giảng viên trẻ ở HVCT hiện nay

Một là, nâng cao trình độ tri thức của giảng viên trẻ. Trước hết là các tri thức về Chủ nghĩa            Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, để họ có đủ trình độ nắm bắt, phân tích, nhận định các hiện tượng của đời sống xã hội đã và đang diễn ra. Mặt khác, yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay đang đòi hỏi mỗi giảng viên phải có kiến thức sâu rộng, trí tuệ phát triển cao, làm chủ khoa học kỹ thuật hiện đại phục vụ cho giảng dạy theo chuyên đề. Giảng viên trẻ thể hiện tư duy độc lập, sáng tạo trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học; am hiểu các vấn đề khoa học từ quá trình phát sinh, phát triển của chúng, các quan điểm chính thống, khách quan khoa học và cả các quan điểm đối lập, phản diện; khả năng vận dụng tri thức và giải quyết đúng đắn các vấn đề thực tiễn của hoạt động sư phạm; kết hợp “bồi dưỡng, rèn luyện đội ngũ giảng viên qua thực tiễn chỉ huy, quản lý ở các đơn vị trong toàn quân” (3). Đặc biệt, giảng viên trẻ cần tiếp cận và lĩnh hội các tri thức lý luận mới, cập nhật các thông tin mới có liên quan tới chuyên đề giảng dạy, nhất là tri thức về tin học, ngoại ngữ.

Hai là, nâng cao kỹ năng thiết kế bài giảng chuyên đề của giảng viên trẻ. Bồi dưỡng nội dung thiết kế, biên soạn bài giảng là sự tác động của khoa, bộ môn và giảng viên giàu kinh nghiệm đến hoạt động của giảng viên trẻ trong thực hiện yêu cầu của một bài giảng. Đó là sự hướng dẫn theo dõi và giúp đỡ đối với giảng viên trẻ trên các bước từ tiếp cận nội dung giảng dạy đến chuẩn bị tài liệu lý luận và thực tiễn có liên quan, cách soạn bài giảng. Làm cho giảng viên trẻ thấy được vị trí, vai trò của chuyên đề mình giảng dạy trong mối quan hệ với các chuyên đề khác và với các môn học khác; xác định rõ đối tượng người học, mục đích, yêu cầu đặt ra của chuyên đề. Bồi dưỡng cho giảng viên trẻ biết xác định được cấu trúc của bài giảng chuyên đề, lập tiêu đề cho từng phần, từng mục một cách lôgic, rõ ràng. Dự kiến các nội dung sẽ trình bày trên lớp, các nội dung dành cho học viên tự học, tự nghiên cứu, các nội dung cho thảo luận. Xác định phương hướng, phương tiện, cách tổ chức từng phần, từng mục, ước lượng thời gian, dự kiến số liệu, ví dụ minh họa, gợi mở các tình huống có vấn đề. Chuyển hóa các đơn vị nội dung của bài giảng thành các dạng kiến thức phù hợp với phương pháp và ý đồ tổ chức dạy học đã xác định. Dự kiến các tình huống sư phạm và cách giải quyết.

Ba là, nâng cao về kỹ năng lựa chọn và xử lý thông tin của giảng viên trẻ. Trước hết, cần nghiên cứu kỹ giáo khoa, giáo trình xem đây là nguồn tài liệu thông tin chính thống để biên soạn bài giảng theo chuyên đề. Các nguồn thông tin tham khảo bao gồm các sách kinh điển, các tạp chí chuyên ngành tin cậy trong nước và quốc tế, các tư liệu được tích lũy, chắt lọc trong hoạt động thực tiễn, các kinh nghiệm do người học mang đến. Mặt khác, đối với mỗi giảng viên trẻ cần tích cực nghiên cứu sách, giáo trình, tài liệu có liên quan đến đối tượng và nội dung giảng dạy, thu nhận những kiến thức cần và đủ để biên soạn bài giảng chuyên đề, vì những tri thức cần cho bài giảng chuyên đề không bày đặt sẵn, mà nằm rải rác trong các sách, tài liệu buộc giảng viên trẻ phải tìm kiếm và khai thác, qua đó chắt lọc những gì cần thiết để sử dụng.

Bốn là, nâng cao kỹ năng thực hành giảng bài, truyền thụ tri thức của giảng viên trẻ. Giảng viên trẻ cần nắm vững những yêu cầu về nội dung và phương pháp của một bài giảng chuyên đề. Bài giảng chuyên đề trước hết đảm bảo tính hệ thống, khoa học, chuyên sâu. Bài giảng chuyên đề còn phải mang tính tư tưởng rõ rệt, định hướng nhận thức đúng đắn cho người học, những nội dung làm cho người học hiểu theo nhiều chiều khác nhau cần được định hướng, gợi mở, kết luận. Nội dung bài giảng chuyên đề phải thể hiện rõ tính thuyết phục, tính giáo dục đối với người học. Bài giảng chuyên đề có chất lượng cao cần có phương pháp truyền đạt phù hợp với chủ đề và đối tượng. Nội dung truyền đạt rõ ràng, mạch lạc, đủ căn cứ khoa học không khoa trương, không quá tải về lượng thông tin. Trên lớp, giảng viên trẻ cần có cách nói, cách viết phù hợp với nội dung truyền đạt sẽ thu hút được người học, tạo nên sự hưng phấn trong học tập.

Tài liệu tham khảo

1. Học viện Chính trị, Báo cáo Tổng kết thực hiện Chiến lược phát triển giáo dục và đào tạo giai đoạn 2011-2020, Hà Nội, 2020.

2. Ban Chấp hành Trung ương, Nghị quyết số 29-NQ/TƯ ngày 4-11-2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, Hà Nội.

3. Đảng bộ Học viện Chính trị, Văn kiện Đại hội Đảng bộ Học viện Chính trị lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2021-2025, Hà Nội, 2020

Tác giả: Ths Điền Văn Dần

Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *