Nâng cao văn hóa pháp luật trong lực lượng sĩ quan quân đội

Phát triển văn hóa pháp luật (VHPL) là một quá trình biện chứng không chỉ tuân theo những quy luật khách quan của sự phát triển xã hội, mà còn tuân theo những quy luật đặc thù, nội tại vốn có với cách thức, con đường biện chứng của nó. Từ tiếp nhận giá trị pháp luật đến nội hóa giá trị pháp luật, định hình VHPL trong nhân cách; và từ nội hóa giá trị pháp luật, định hình VHPL trong nhân cách đến hiện thực hóa giá trị pháp luật trong hoạt động thực tiễn, tỏa sáng VHPL, đó chính là con đường biện chứng của quá trình phát triển VHPL của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam.

Con đường biện chứng của quá trình phát triển VHPL của sĩ quan trẻ Quân đội nhân dân Việt Nam trải qua ba giai đoạn.

Giai đoạn tiếp nhận giá trị pháp luật

Tiếp nhận giá trị pháp luật là giai đoạn đầu tiên, song mang tính cơ sở nền móng trong quá trình phát triển VHPL của sĩ quan quân đội. Đây là giai đoạn sĩ quan với tư cách chủ thể, chủ động chấp nhận, chọn lựa các giá trị pháp luật vốn mang tính khách quan nhằm nội hóa, định hình VHPL đối với các yếu tố cấu thành VHPL của sĩ quan phù hợp với môi trường quân sự ở từng đơn vị cụ thể. Giai đoạn tiếp nhận giá trị pháp luật trong phát triển văn hóa pháp luật của sĩ quan được bắt đầu bằng động thái tiếp thu các giá trị pháp luật và chỉ hoàn tất bằng động thái nội hóa giá trị pháp luật, định hình VHPL đối với từng giá trị ấy thành phẩm chất nhân cách của mình. Tất nhiên, sự tiếp nhận giá trị pháp luật không chỉ bó khuôn trong giai đoạn đầu, mà ngay cả khi VHPL của sĩ quan đã được định hình, phát triển và tỏa sáng, thì quá trình tiếp nhận giá trị pháp luật vẫn không ngừng diễn ra trên cơ sở đã tích hợp, đồng thời được nâng lên trình độ cao hơn, sâu sắc hơn.

Tiến trình, nội dung, yêu cầu tiếp nhận giá trị pháp luật trong phát triển VHPL của sĩ quan được quy định bởi mục tiêu nội hóa giá trị pháp luật, định hình VHPL trong nhân cách sĩ quan. Cán bộ cấp phân đội và tính đặc thù của môi trường quân sự, mà nổi bật nhất là: tính biến động cao về không gian và thời gian hoạt động; yêu cầu cao về trí tuệ, thể chất và bản lĩnh chính trị; tinh thần sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp chung; tính tự giác và nghiêm cách chấp hành pháp luật Nhà nước kỷ luật quân đội một cách vô điều kiện… Đó là sự khác biệt lớn giữa môi trường văn hóa ở các đơn vị quân đội so với các tổ chức xã hội khác. Sĩ quan là cán bộ cấp phân đội trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với đơn vị và quân nhân thuộc quyền, trên cơ sở các tầng giá trị pháp luật đã được tích luỹ trong quá trình đào tạo tại các học viện, nhà trường quân đội, họ tiếp tục tiếp nhận giá trị pháp luật trong thực tiễn công tác nhằm hoàn thiện nhân cách đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ, chức trách lãnh đạo, chỉ huy ở mỗi đơn vị cụ thể.

Nội dung tiếp nhận giá trị pháp luật của sĩ quan là hệ thống giá trị pháp luật của Nhà nước pháp quyền, giá trị về kỷ luật tự giác và nghiêm minh của quân đội. Đó là những giá trị được tích tụ qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước của các cộng đồng sống trên lãnh thổ quốc gia và cũng là kết quả quá trình giao lưu VHPL với các dân tộc khác trên thế giới, tiếp thu những tinh hoa VHPL nhân loại; đồng thời những giá trị đó còn là kết quả trực tiếp của quá trình xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; xây dựng, trưởng thành và phát triển của quân đội qua các thời kỳ. Những giá trị đó được biểu hiện ở nội dung cốt lõi là sự hiểu biết sâu sắc ở tầm bản chất về tri thức pháp luật, kỷ luật; thái độ, tình cảm, niềm tin tích cực đối với pháp luật, kỷ luật; hành vi tự giác, lối sống và làm việc theo Hiến pháp, pháp luật của Nhà nước, kỷ luật của quân đội. Đây cũng là nội dung cơ bản, có tính đặc thù trong tiếp nhận giá trị pháp luật của sĩ quan.

Đường dẫn tiếp nhận giá trị pháp luật trong phát triển VHPL của sĩ quan quân đội là theo con đường lan truyền từ trên xuống dưới, gắn với tính đặc thù về tổ chức hoạt động trong lĩnh vực quân sự. Hình thức tiếp nhận giá trị pháp luật rất đa dạng: thông qua công tác giáo dục pháp luật, kỷ luật của các chủ thể; thông qua hoạt động thực tiễn theo chức trách, nhiệm vụ của sĩ quan trong môi trường quân sự; thông qua quá trình tự tiếp nhận giá trị pháp luật của chính bản thân sĩ quan. Kết quả của giai đoạn tiếp nhận này được đánh dấu bằng sự tích lũy ngày càng nhiều về lượng tri thức pháp luật; tình cảm, niềm tin pháp luật ngày càng tích cực là cơ sở để thực hiện giai đoạn nội hóa giá trị pháp luật, định hình văn hóa pháp luật trong nhân cách sĩ quan trẻ.

Giai đoạn nội hóa giá trị pháp luật, định hình văn hóa pháp luật

Nội hóa giá trị pháp luật, định hình VHPL trong nhân cách của sĩ quan là giai đoạn tất yếu tiếp theo của giai đoạn tiếp nhận giá trị pháp luật, đồng thời là bước chuẩn bị để hiện thực hóa giá trị pháp luật, tỏa sáng VHPL của sĩ quan trong hoạt động thực tiễn trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy, quản lý, giáo dục ở đơn vị cơ sở. Trên cơ sở những giá trị pháp luật đã được tiếp nhận, sĩ quan từng bước nội hóa các giá trị pháp luật, định hình VHPL thấm vào nhân cách của họ.

Nội hóa giá trị pháp luật, định hình VHPL trong nhân cách của sĩ quan nhằm phát triển VHPL được thể hiện ở sự tự nguyện chọn lọc và chuyển hóa  những yêu cầu, nội dung, giá trị pháp luật với tính cách là cái khách quan bên ngoài thành những phẩm chất bền vững bên trong, khẳng định mô hình nhân cách có trình độ VHPL với sắc thái riêng của chủ thể. Đó là mô hình nhân cách VHPL không chỉ là người có hành vi tự giác và lối sống mẫu mực theo pháp luật, kỷ luật mà còn là người có kỹ năng sử dụng pháp luật, kỷ luật một cách có hiệu quả trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy, thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với quân nhân và đơn vị thuộc quyền ở đơn vị cơ sở. Nhân cách sĩ quan trẻ với trình độ VHPL đã được định hình thông qua nội hóa giá trị pháp luật có sự thay đổi căn bản so với trước khi nhập ngũ và quá trình là học viên đào tạo sĩ quan ở các học viện, trường sĩ quan quân đội. Trong quá trình thay đổi đó, sĩ quan trẻ không ngừng giải quyết những mâu thuẫn bên trong nhằm đào thải những thói quen trong nhận thức, hành động và ứng xử pháp luật, kỷ luật không phù hợp để hình thành nhận thức, hành động và ứng xử pháp luật, kỷ luật mới phù hợp với yêu cầu của tổ chức và hoạt động quân sự, theo chuẩn mực của người cán bộ cấp phân đội ở đơn vị cơ sở. Khi đã nội hóa được những giá trị pháp luật, định hình VHPL trong nhân cách, sĩ quan trẻ sẽ khẳng định được tính chủ thể VHPL của mình, mỗi suy nghĩ, hành vi ứng xử, chấp hành tự giác theo pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội đều trở thành thói quen, phẩm chất đặc trưng có tính ổn định, bền vững trong nhân cách của họ. Nội hóa giá trị pháp luật, định hình VHPL trong nhân cách của sĩ quan trẻ được hoàn tất khi nhân cách VHPL được hiện thực hóa trong môi trường xã hội thông qua hoạt động thực tiễn.

Giai đoạn hiện thực hóa giá trị pháp luật, tỏa sáng VHPL trong hoạt động thực tiễn

Đây là giai đoạn tất yếu, tiếp theo của quá trình nội hóa giá trị pháp luật, định hình VHPL trong nhân cách; đồng thời là giai đoạn đánh dấu bước hoàn thành chu trình phát triển VHPL của sĩ quan quân đội. VHPL của sĩ quan là văn hóa pháp luật cá nhân, văn hóa hành vi. Vì vậy, phát triển VHPL của sĩ quan nhất định phải được biểu hiện ra bên ngoài bằng những hành động có thể nhận biết, đánh giá được.

Hiện thực hóa giá trị pháp luật, tỏa sáng VHPL của sĩ quan trong hoạt động thực tiễn là quá trình chuyển hóa những giá trị pháp luật đã được nội hóa vào phẩm chất bên trong thành những hành động thực tiễn cụ thể cảm tính trong hoạt động trực tiếp lãnh đạo, chỉ huy, thực hiện chức năng quản lý nhà nước theo pháp luật ở đơn vị cơ sở. Nhân cách sĩ quan về VHPL được biểu hiện trong nhận thức, tình cảm, niềm tin, hành vi, lối sống theo pháp luật, kỷ luật và kỹ năng sử dụng pháp luật, kỷ luật phù hợp với chuẩn mực nhân cách của người cán bộ cấp phân đội. Với bản chất cốt lõi là sáng tạo và nhân văn, cùng với đó là tính tất yếu và phổ biến về phạm vi điều chỉnh của pháp luật trong các mối quan hệ xã hội, VHPL của sĩ quan đã tạo ra sức sống mãnh liệt và sức lan tỏa sâu rộng không chỉ trong môi trường văn hóa quân sự mà cả trong môi trường xã hội nói chung. Thông qua hiện thực hóa giá trị pháp luật, tỏa sáng VHPL, các giá trị pháp luật được nội hóa trong nhân cách của sĩ quan. Đó là cơ sở, động lực, tiêu chuẩn để kiểm tra tính đúng đắn trong hiện thực của giá trị pháp luật, đồng thời còn là mảnh đất hiện thực để lọc bỏ những giá trị pháp luật, kỷ luật lỗi thời, bất hợp lý và sáng tạo ra các giá trị pháp luật, kỷ luật mới đáp ứng đòi hỏi của thực tiễn. Giai đoạn này còn là bước chuẩn bị cho tiếp nhận giá trị pháp luật của chu trình phát triển văn hóa pháp luật của sĩ quan ở trình độ cao hơn – chu trình phát triển VHPL của cán bộ trung, cao cấp trong quân đội.

Như vậy, tiếp nhận giá trị pháp luật, nội hóa định hình VHPL, hiện thực hóa và tỏa sáng VHPL là ba giai đoạn thể hiện ba trình độ khác nhau về chất nhưng có mối quan hệ chặt chẽ với nhau trong chu trình phát triển VHPL của sĩ quan quân đội. Tiếp nhận giá trị pháp luật là cơ sở để nội hóa giá trị pháp luật, định hình VHPL trong nhân cách; nội hóa giá trị pháp luật, định hình văn hóa pháp luật trong nhân cách là động lực bên trong để hiện thực hóa giá trị pháp luật, tỏa sáng văn hóa pháp luật trong thực tiễn; hiện thực hóa giá trị pháp luật, tỏa sáng VHPL trong thực tiễn là cơ sở, động lực và tiêu chuẩn kiểm tra tính đúng đắn của việc lựa chọn, tiếp nhận, nội hóa giá trị pháp luật. Nhận thức đúng sự khác nhau về chất và mối quan hệ biện chứng giữa các giai đoạn là cơ sở để thực hiện các giải pháp đúng đắn nhằm phát triển VHPL của sĩ quan quân đội trong tình hình hiện nay.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 393, tháng 3-2017

Tác giả : LÊ XUÂN THANH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *