Nghệ thuật chèo cách mạng thuở ban đầu


Nghệ thuật chèo Cách mạng, kể từ buổi đầu tổ chức tiền thân được thành lập (1951), tính đến nay đã hơn nửa thế kỷ. Không ai đếm được bao giọt mồ hôi, nước mắt, bao nhiêu bầu nhiệt huyết thanh xuân đã đổ xuống đoạn đường hoa suốt nửa thế kỷ qua để cho đến hôm nay, nghệ thuật chèo đã có một vị thế vững chắc trong tâm thức cộng đồng trong và ngoài nước.

 

Thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ trẻ măng thuở ấy đều đã thành danh, đã trở thành những trụ cột của sân khấu nước nhà, nhưng đa số đều đã ra đi, một số người còn lại cũng đã bước vào tuổi trên 80: Nhà văn, nhà viết kịch Học Phi; GS, NSND Trần Bảng; Nhạc sĩ, NGƯT Hoàng Kiều; NSND Song Kim; Nhạc sĩ, NSƯT Bùi Đức Hạnh… họ đều như trẻ hẳn lại mỗi lần trò chuyện về cái thuở ban đầu ấy của nghệ thuật chèo Cách mạng.

Sau Chiến dịch Biên giới 1951, cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ gian khổ của nhân dân ta đã bước qua giai đoạn cầm cự chuyển sang thế phản công. Không khí kháng chiến lúc này vô cùng sôi nổi, hứa hẹn những triển vọng đầy lạc quan. Để phát huy tối đa khả năng phục vụ kháng chiến của lời ca, tiếng hát, đồng thời phát động trong giới văn học nghệ thuật việc trở về với di sản của nghệ thuật dân tộc, Trung ương Đảng ra chỉ thị thành lập Đoàn Văn công nhân dân Trung ương (VCNDTƯ) bao gồm đủ các loại hình kịch, chèo, ca múa. Cơ sở ban đầu của đoàn là Đoàn nhạc Trung Bộ.

Ở một khoảng đất rộng tại khu rừng già Nông lâm, trên một sườn núi đổ dốc xuống sông Lô, cách ghềnh Quýt chừng 4 km… anh em văn nghệ sĩ tự chặt cây làm lán, tự xây dựng nên trụ sở của mình. Hòa mình với khí thế của cuộc kháng chiến, ngay từ buổi đầu thành lập, đoàn đã nhanh chóng tập hợp được khá đông nghệ sĩ già và trẻ giầu lòng yêu nước, có tài năng, say mê nghệ thuật. Nhưng tuổi đời già nhất cũng chỉ mới trên dưới 50, trẻ nhất độ 12, 13 tuổi và tuổi nghề thì đại bộ phận còn mới mẻ, song cũng có một số nòng cốt đã từng qua hàng chục năm hoạt động sân khấu trước cách mạng, như về ca múa có các nghệ sĩ Nguyễn Xuân Khoát, Đặng Đình Hưng, Mai Khanh, Thương Huyền…, về kịch nói có Thế Lữ, Song Kim, Trần Hoạt, chèo có các nghệ nhân Năm Ngũ, Dịu Hương, Trần Thị Hảo, Trịnh Thị Lan (Cả Tam), Nguyễn Phú Quang, Mai Văn Đá… Ban lãnh đạo là những nghệ sĩ đầu đàn của cả nước: Nguyễn Xuân Khoát (trưởng đoàn), Thế Lữ – đạo diễn kiêm chỉ đạo nghệ thuật (phó đoàn), Học Phi làm công tác hành chính tổ chức…

Những thành viên ban đầu của đoàn VCNDTƯ: Thế Lữ, Song Kim, Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Trần Bảng… ở tổ kịch; Vợ chồng ông Năm Ngũ, Dịu Hương, Phú Quang, Quang Hàm, Lưu Quang Thuận, Lê Yên ở tổ chèo… đều hồ hở thực hiện chỉ thị của Trung ương Đảng về vấn đề khai thác các di sản nghệ thuật dân tộc.

Lần đầu tiên những nghệ sĩ cách mạng được xem chèo cổ là lần tiếp xúc với vai diễn Súy Vân của NSND Dịu Hương. GS, NSND Trần Bảng kể lại rằng: Dưới ánh sáng những ngọn đèn dầu lạc mung lung, làn tóc dài cài hoa dại, khi buông xõa than vãn tuyệt vọng, khi hất ngược lên dữ dằn. Những nét hoa tay, những đường chân xiến trong những khúc múa hồi ức hái dâu chăn tằm rộn lên vui tươi theo tiết tấu nhộn nhịp của nhạc gõ. Đặc biệt là chuỗi cười đau xé ruột của Súy Vân cất lên và được vách núi xa vang vọng lại kỳ ảo. Một sức sống bị xiềng xích đang vẫy vùng đòi được giải thoát. Cái ý thơ ấy được Dịu Hương diễn đạt bằng nghệ thuật hát múa điêu luyện tài tình… Thật là diệu kỳ, không, trên cả diệu kỳ. Có cái gì thiêng liêng trong diễn xuất xuất thần của người nghệ sĩ. Những điệu múa, câu hát hòa đồng cùng với đêm thiên nhiên hoang dã, có tiếng vang của núi, tiếng hổ đi kiếm mồi tạo nên một không gian huyền thoại, kỳ ảo… Tất cả nghệ sĩ đều có chung một cảm giác xúc động đến bàng hoàng trước vẻ đẹp của nghệ thuật chèo cổ…

Cái buổi sơ khai mới bước chân vào nghề tổ ấy thực thú vị. Các nghệ sĩ vừa phải lo học tập nghiên cứu sáng tác, vừa phải lo đóng vai, chạy cảnh. Có khi đã thoa phấn chuẩn bị lên sàn rồi mà còn phải sửa một đoạn văn nào đó trong vở sắp diễn vì đạo diễn vừa chợt nảy ra một sáng tạo mới, cần phải áp dụng ngay cho tối diễn thêm rôm rả. Chủ trương toàn đoàn VCNDTƯ học hát chèo được phát động. Sáng nào tại lán lớn từ các anh trong ban phụ trách như Nguyễn Xuân Khoát, Lưu Hữu Phước, Thế Lữ đến lớp trẻ như Thái Ly, Song Kim, Hàn Thế Du, Trần Bảng… đều có mặt rất nghiêm chỉnh, có sổ tay ghi chép hẳn hoi, không khí lớp học thật rộn ràng. Đến giờ, các nghệ nhân xếp bằng trên sạp nứa. Ông Năm Ngũ cầm trống, bà Năm Ngũ, bà Dịu Hương gõ nhịp hát làm mẫu để các nghệ sĩ hát theo.

Giữa năm 1952, Đoàn có một chuyến đi thực tế “phát động văn nghệ nông thôn” cũng đồng thời đi lấy những nguyên liệu để sáng tác phục vụ nông dân tại chỗ và qua đó tìm kiếm diễn viên ở những phong trào văn nghệ quần chúng về cho đoàn. Một số anh em nghệ sĩ được cử về Úc Sơn, một xã thuộc huyện Phú Bình gần cuối Thái Nguyên sát vùng ngụy. Được gần dân, đoàn nghệ sĩ vui sướng y như cá gặp nước. Tuy nhiên các nghệ sĩ cũng luôn đề cao cảnh giác bằng cách ai trong đoàn cũng đổi tên: Nguyễn Xuân Khoát là Vĩnh, Thế Lữ là Quán, Trần Hoạt là Chỉnh, Song Kim là Tơ và Trần Bảng là Bằng. Đoàn chia nhau ở các nhà dân. Dân ở đây nghèo nhưng đôn hậu, yêu nước, yêu cán bộ sẵn sàng nhường nhà cho ở. Đoàn đi cũng chỉ vẻn vẹn có một vở Tin chiến thắng Nghĩa Lộ (kịch bản Thế Lữ) nhưng được bà con rất thích. Đoàn cũng rất chú ý đến phong trào văn nghệ địa phương. Xem 7 vở kịch ngắn của các em thanh thiếu niên biểu diễn, các nghệ sĩ chọn ra được vài ba em và xin phép gia đình để đưa các em về đoàn. Số các em ấy sau cũng chỉ còn lại một cậu thiếu niên Dương Viết Bát (sau này là NSƯT, đạo diễn, PGĐ Nhà hát Kịch Việt Nam).

Sang năm 1952, Đoàn VCNDTƯ rất vui mừng được đón các nghệ sĩ: Hoàng Châu (học múa), Trần Văn Nghĩa, Lê Thanh (học kịch), Hoàng Kiều (âm nhạc), Hoan Trang (họa), Hồng Lực, Đào Vũ (học văn) được đào tạo hai năm từ Trung Quốc trở về. Và tuyển thêm một số diễn viên trẻ về đoàn: Phùng Thi Nhạn, Bích Dần, Thương Huyền, Bùi Đức Hạnh và Hàn Thế Du từ Đài Tiếng nói Việt Nam cũng về đoàn… Khi số diễn viên khá đông, các tổ được phân chia như sau: Phùng Thị Nhạn, Mai Khanh, Thái Ly, Bùi Đức Hạnh, Thương Huyền ở vào tổ ca nhạc múa; Dương Viết Bát, Song Kim, Thế Lữ, Trần Phương, Xuân Phương ở tổ kịch; tổ chèo có Chu Văn Thức, Nguyễn Thị Lan, Trần Hoạt, Hàn Thế Du, Trần Bảng và các bác nghệ nhân kể trên… Ấy là phân chia ra như vậy thôi chứ không khí lao động nghệ thuật lúc bấy giờ vô cùng sôi nổi, anh chị em sẵn sàng tham gia đóng bất kỳ vai gì được giao,chẳng kể đó là kịch, chèo hay ca múa.

Để chuẩn bị tiết mục phục vụ cho cải cách ruộng đất của ủy ban Liên Việt, tổ kịch dựng vở Dân cày vùng lên của Nguyễn Huy Tưởng do Ban tuyên huấn gửi kịch bản về, tổ chèo dựng vở Chị Trầm do Trần Bảng viết đề cương dựa trên cơ sở một câu chuyện có thật, rồi Mai Khanh chấp bút; Trần Bảng đạo diễn với sự giúp đỡ của cụ Năm Ngũ. Câu chuyện giản dị về một người phụ nữ nông dân (chị Trầm) bị địa chủ hành hạ, chà đạp được cách mạng giải thoát đã lao vào cuộc đời mới, cũng tham gia bình dân học vụ, mít tinh, hội họp và cũng nhờ cách mạng mà chị Trầm có được mối tình đẹp đẽ với anh Lực là một cán bộ cách mạng.

GS Trần Bảng còn nhớ như in đêm mồng 1 Tết năm 1953, đêm ra mắt đầu tiên vở Chị Trầm cũng là đêm biểu diễn phục vụ Bác Hồ. Sau một vài tiết mục ca múa nhạc trong đó có giọng hát Thương Huyền với bài Lúa tháng 5 và tiết mục múa lụa rất lạ mắt do Hoàng Châu học tập ở Trung Quốc dàn dựng, là vở chèo Chị Trầm. Buổi biểu diễn thật trang nghiêm, các diễn viên: Dịu Hương (vai chị Trầm), Mai Khanh vai cán bộ Lực, Năm Ngũ vai bà mẹ nông dân, bà Năm Ngũ vai bà địa chủ, Hoàng Kiều vai quản lý của nhà địa chủ, Song Kim vai cô nông dân, Dương Viết Bát vai chú bé nông dân nghèo… đã diễn một cách xuất sắc.

Khi màn cuối của vở chèo hạ, rất nhanh nhẹn, Bác Hồ đứng dậy nói: “A, cái phường chèo này hát hay đấy”, Bác bảo “kéo màn ra để bác lên bác thướng”, rồi Bác lên sân khấu chia quà, Bác nói: “Các cô thì được kẹo, các chú mỗi người một điếu thuốc lá”. Vì đóng vai chú bé Tám nghèo nên Dương Viết Bát lúc bấy giờ mặc quần đùi, không dám ra cứ nấp sau cánh gà lấy vải quấn vào người. Bác gọi ra bằng được xoa đầu, bảo “đây là phần của cháu”. Nghệ sĩ Song Kim cũng đứng tụt phía sau, Bác gọi “cô nông, cô nông” (nông dân) và đưa tận tay một chiếc kẹo… Bác chú ý dùng toàn những từ dân dã khiến các nghệ sĩ không khỏi bàng hoàng bởi tình cảm gần gũi thân thiết của Người.

Sáng hôm sau, ông Trường Chinh nói với cả Đoàn về vở diễn tối hôm trước, đại ý là ông rất khen ngợi, động viên anh em và báo rằng Bác mời người phụ trách đoàn Trần Bảng đến ăn cơm trưa với Bác. Người đạo diễn trẻ mừng đến độ không tin vào tai mình nữa…

Bữa cơm trưa hôm đó chỉ có 4 người: Bác, anh hùng Nguyễn Thị Chiên, ông bác sĩ Tước mới ở Pháp về và Trần Bảng. Bác nói về việc chữa bệnh bằng y học cổ truyền của dân tộc, cụ thể là tác dụng của cái lá lốt, chị Chiên, quê ở Thái Bình, đã tham gia câu chuyện lá lốt của Bác rất sôi nổi. Bác quay sang hỏi Trần Bảng: “Chú có biết hát chèo không” rồi Bác lại nói ngay: “Các cháu là cán bộ nghệ thuật trẻ phải biết quý trọng các nghệ nhân và ra sức học lấy nghề ở họ”… Sự ân cần,quan tâm đến nghệ thuật dân tộc của Bác lúc đó như tiếp thêm sức mạnh không chỉ cho riêng đạo diễn Trần Bảng mà còn cho tất cả nghệ sĩ trong đoàn đi theo nghề chèo.

Vở chèo Chị Trầm đi biểu diễn ở đâu cũng được hoan nghênh nhiệt liệt. Chị Trầm mang nỗi khổ điển hình của dân tộc ta trước Cách mạng tháng Tám, bố mẹ chết, Trầm đi ở nhà địa chủ… Tên này âm mưu hiến Trầm cho bọn Nhật, chị không chịu. Người yêu của chị là anh Lực – tá điền của tên địa chủ ấy – đánh nó, rồi bỏ đi bộ đội. Cách mạng thành công, Trầm được giải phóng. Câu chuyện giản đơn nhưng toát lên được một không khí thắng lợi của cuộc kháng chiến phơi phới; tả được cả phong trào bình dân học vụ thời đó, dùng những điệu làn thảm để diễn tả nỗi khổ của người nông dân, gây được thương cảm, đi vào lòng người xem.

Bà Dịu Hương tập vai Trầm với tất cả tình yêu thương sâu sắc. Bà tập ngày tập đêm, anh chị em trong đoàn sợ bà ốm bảo nghỉ, bà vẫn tập, vẫn ôn, vẫn học ngay cả trên đường đi công tác ngót hai trăm cây số. Bà vừa diễn vừa khóc, khóc vì nhân vật và khóc vì xúc động bởi cái khổ của nhân vật. Nhạc sĩ Hoàng Kiều đến bây giờ vẫn còn giữ nguyên cảm giác “hú vía” vì hồi đó ông sắm vai tên địa chủ hống hách đạt đến mức mà diễn xong là phải chạy trốn ngay, không thì nhiều khán giả cứ tìm mọi cách ném đá vào “tên địa chủ” ấy.

Có thể nói lúc bấy giờ rất nhiều khán giả lần đầu tiên được xem và nghe hát chèo thành vở, thành tích truyện, đi đâu người ta cũng nói đến chị Trầm, bà con nông dân gọi đoàn là đoàn chị Trầm.

Tháng 3-1954, Đoàn trở lại Tuyên Quang phục vụ Hội nghị Tuyên huấn Trung ương mở tại trường Mỹ thuật (Tân Trào) nghe nói có cả đồng chí Lê Duẩn – một người nổi tiếng là sắc sảo mới ở miền Nam ra chỉ đạo tuyên huấn cũng trực tiếp xem khiến cho anh em nghệ sĩ hồi hộp lắm. Tiếp theo đêm diễn của đội kịch vở Dân cày vùng lên là vở chèo Chị Trầm. Sau đêm diễn, nhà thơ Tố Hữu (lúc bấy giờ nghệ sĩ quen gọi một cách thân tình là anh Lành) đã nói chuyện với cả đoàn VCNDTƯ về 2 vở diễn, ông phân tích khá kỹ cái đượcchưa được của 2 vở, ông rất khen vở Chị Trầm, đã đưa ra một bài học về chủ đề (mà cho đến mãi sau này những người làm nghệ thuật cũng luôn luôn thấy đúng). Ông bảo: Điều quan trọng đặc biệt của một vở diễn là cái chủ đề tư tưởng. Chủ đề tư tưởng của một vở là cái vở nó toát ra cái gì, nói lên cái gì. Câu chuyện của Chị Trầm đơn giản nhưng lại toát lên được cái không khí thắng lợi của cuộc kháng chiến… Và vì thế nó đi vào lòng người xem.

Tháng 4-1953, Trần Bảng được cấp trên trực tiếp lúc bấy giờ là nhà phê bình Hoài Thanh gọi lên giao công việc mới. Ông Hoài Thanh cho biết bên ban Tuyên huấn tiền phương mặt trận Điện Biên Phủ đang cần một đội văn công phục vụ chiến dịch. Trần Bảng, Mai Khanh, Thái Ly được cử đi làm nhiệm vụ đó. Thế là ba nghệ sĩ lấy giấy giới thiệu sang làm việc với bên Tổng đội thanh niên xung phong. Hai tháng bôn ba khắp các đội TNXP để tuyển quân. Ba tháng tập huấn xây dựng chương trình biểu diễn. Và bảy, tám tháng lăn lộn trên dọc đường chiến dịch, ăn suối ngủ rừng, xông pha bom đạn phục vụ các đối tượng bộ đội, dân công xe thồ, lái xe… cho đến ngày toàn thắng.

Trong khi đó, ở Đoàn VCNDTƯ, cả ban lãnh đạo bàn nhau viết truyện Tấm Cám (câu chuyện cổ tích ai cũng biết) ra chèo… đưa cái hay cái đẹp của truyện cổ tích vào một vở Chèo, làn điệu đã có ông bà Năm Ngũ và bà Dịu Hương biên soạn. Ba người được phân công viết là Hàn Thế Du, Song Kim và Lưu Quang Thuận. Thế Lữ chủ biên và đạo diễn với sự cộng tác đắc lực của cụ Năm Ngũ. Đặng Đình Hưng trực tiếp chỉ đạo làm vở Chị Tấm anh Điền. Mục đích là xử lý câu chuyện Tấm Cám chuyển hóa để phục vụ cải cách ruộng đất. Thực ra những việc làm như thế cũng là chuyện bình thường ở các nước.

Chị Tấm anh Điền (hay còn gọi là vở Tấm Điền) cũng là câu chuyện của Tấm ba chìm bảy nổi. Để ngợi ca đời sống tinh thần của người nông dân các tác giả đã sáng tạo thêm nhân vật Điền. Mối tình Tấm – Điền đẹp như trong mơ. Những màn hội làng tưng bừng với trống, quan họ ra mời trầu, chuyện chị em đi cấy với những làn điệu chèo được thăng hoa… Vở diễn diễn tả được những tình cảm chân thật của người nông dân và tinh thần lạc quan yêu đời vốn có của họ.

Lúc này cụ Cả Tam (tức Nguyễn Thị Lan) cũng ra ở với Đoàn, mặc dầu đã hơn 70, nhưng cụ còn rất khỏe, giọng hát rất hay. Cụ dìu dắt Song Kim vào vai Già Đa, hàng ngày cụ gõ nhịp cho Song Kim ôn lại bài hát, làm mẫu từng động tác nét mặt của Già Đa cho Song Kim tập, dạy Song Kim câu nói sử trước lúc thị rụng. Vai Già Đa của cụ Cả Tam và của Song Kim sau trở thành một vai diễn mẫu mực.

Khi Tấm Điền lần đầu tiên ra mắt trên sàn nứa hội trường Hội Văn nghệ ở Yên Dã Đại Từ đã được các đồng chí lãnh đạo Trung ương Đảng, các cán bộ cùng đông đảo văn nghệ sĩ kháng chiến rất đỗi vui mừng, nhiệt liệt hoan nghênh. Người xem hồi đó ai cũng bồi hồi nhớ quá đi thôi những kịch sĩ Thế Lữ sắm vai Hoàng tử, Trần Phương vai Điền, những danh ca Thương Huyền vai Tấm, Mai Khanh vai bạn Điền, Nguyễn Xuân Khoát vai Bụt và những cán bộ Lý Thương, Hoàng Châu, Trần Bảng, Hàn Thế Du thì thủ các vai bô lão, dân làng…, Năm Ngũ vai bác Tiều, Phùng Thị Nhạn vai Cám. Vở diễn ra đời như một tiếng vang lớn, như một điểm sáng chói của sân khấu kháng chiến.

Sức hấp dẫn của vở diễn là do sự kết hợp khá ăn ý giữa một tri thức sân khấu hiện đại với truyền thống chèo. Vở diễn đã được tổ chức thành từng lớp lang rất khoa học. Đây cũng là một vở được họa sĩ Nguyễn Đình Hàm trang trí ước lệ mang đậm màu sắc dân tộc.

Nếu như vở Chị Trầm còn dáng dấp của chèo dân gian, giản dị về cốt truyện, khẳng định khả năng của chèo vào đề tài hiện đại một cách thuyết phục thì vở Tấm Điền tiếp thu từ kinh nghiệm của Chị Trầm đã tạo nên được một không khí đầu tiên của Chèo hiện đại – vừa rất chèo nhưng có dáng vẻ rất mới lạ (khác hẳn chèo dân gian, khác hẳn chèo Nguyễn Đình Nghị), tiếp thu được các yếu tố của sân khấu mới mà vẫn giữ được truyền thống và mang một vẻ đẹp rất mới.

Các tiết mục chèo đi biểu diễn ở đâu cũng được đón chào nồng nhiệt, bà con săn sóc tận tình và giúp đỡ hết lòng. Khi biểu diễn cho bộ đội, nhiều đêm bộ đội tình nguyện nằm dưới đất dành giường cho chúng tôi ngủ. Cơm của đồng bào và bộ đội chỉ có măng rừng rau rừng nhưng cơm dành cho các diễn viên chèo ít nhất cũng có một hai món mặn như cá khô, muối vừng, muối lạc, là những của hiếm hoi của thời chiến. Những lần bưng bát cơm lên, các nghệ sĩ đều nghẹn ngào cảm động vì những tấm lòng vàng của bà con. Có lẽ chính vì vậy mà nghệ sĩ càng hăng say hơn trong lao động sáng tạo nghệ thuật. Họ rất nhạy bén với đời sống chính trị và nhạy cảm với cuộc sống mới, nên ngay từ lúc này, nghệ thuật chèo đã đặc biệt chú ý đến cuộc sống hiện đại, phục vụ đắc lực cho công cuộc đấu tranh của dân tộc.

Chỉ trong một khoảng thời gian ngắn (1951-1954) cùng với một số nghệ nhân chèo kể trên, những nghệ sĩ ưu tú nhất của nhiều ngành nghệ thuật đã cùng chung sức đặt những viên gạch nền móng đầu tiên cho nghệ thuật chèo Cách mạng. Sở dĩ nền móng này được vững chắc là do có sự kết hợp giữa những tri thức văn hóa cổ, kim, đông, tây với vốn nghề chèo độc đáo của dân tộc.

        Bằng những thành tựu nghệ thuật cụ thể, những vở diễn ngắn và dài nổi tiếng, cùng với hàng trăm làn điệu chèo được khôi phục và phổ biến…, nghệ thuật chèo Cách mạng buổi ban đầu đã thu hút được sự chú ý của nhiều người, đã bước đầu phá tan mối nghi ngờ, miệt thị di sản văn hóa dân tộc của một số ít người và đã bước đầu khẳng định được giá trị đích thực của nghệ thuật chèo truyền thống, tạo thế hồi sinh vững chắc cho bộ môn nghệ thuật độc đáo này và chuẩn bị cơ sở cho một đợt khai thác phục hồi sân khấu chèo, tuồng truyền thống trong một quy mô lớn, ở vào thời điểm tiếp theo (1960-1965).


Nguồn : Tạp chí VHNT số 303, tháng 9-2009

Tác giả : Trần Minh Phượng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *