Nghệ thuật múa trong sân khấu Rô Băm của người Khmer Nam Bộ


Trong quá trình tồn tại và phát triển, người Khmer Nam Bộ đã sản sinh ra kho tàng nghệ thuật biểu diễn phong phú, đặc biệt là Rô Băm. Đây là loại hình sân khấu cổ xưa nhất với cốt truyện chính là vở Ream Kê một dị bản của anh hùng ca Ramayana (Ấn Độ) đã được người Khmer hóa bằng nghệ thuật múa. Bài viết tìm hiểu các khía cạnh: tên gọi, nguồn gốc, đặc điểm và giá trị nghệ thuật múa trong loại hình sân khấu này.

1. Tên gọi và nguồn gốc

Thuật ngữ “Rô Băm”, theo Từ điển tiếng Khmer nghĩa là trò chơi hát múa, sân khấu (1). Xét về từ loại, động từ “Rô Băm” = “Rom” có nghĩa là múa, hoạt động múa. Hiểu theo danh từ, Rô Băm có nghĩa là điệu múa, bài múa. Trong từ loại danh từ, theo nghĩa hẹp, Rô Băm chỉ về điệu múa riêng lẻ như: Rô Băm Chun Pô (Điệu múa chúc mừng), Rô Băm Apsara (Điệu múa Apsara), Rô Băm Muni Mêkhala (Điệu múa cầu mưa)… Theo nghĩa rộng, Rô Băm chỉ về tên gọi của loại hình sân khấu Rô Băm hay còn gọi là Yeak Rom, một loại hình sân khấu cổ điển của người Khmer tại Việt Nam.

Trên thực tế, loại hình sân khấu Rô Băm còn có các tên gọi khác như: Yeak Rom, Rom Rô Băm, Rom Ream Kê… là các tên gọi phiên âm theo ngôn ngữ Khmer. Ngoài ra, cũng có những tên gọi dân gian khác như: múa Chằn, múa Rầm, hát Rầm, múa ông Dắt (Yeak)…

Bảng 1: Thống kê các tên gọi của loại hình sân khấu Rô Băm

Các thành tố cơ bản cấu thành nên nghệ thuật sân khấu Rô Băm gồm: âm nhạc, múa, hát và nói. Trong đó, múa cổ điển là chủ đạo, các tư thế, quy cách múa có quy luật chặt chẽ, tích truyện nói đến các vua chúa. Dựa vào các yếu tố này, Sơn Ngọc Hoàng cho rằng: “Nghệ thuật sân khấu Rô Băm Khmer Nam Bộ đã được xuất phát từ cung đình” (2).

Để làm rõ được điều này, chúng tôi lập bảng phân tích một số yếu tố cấu thành nghệ thuật sân khấu Rô Băm như sau:

Bảng 2: Một số yếu tố cấu thành nghệ thuật sân khấu Rô Băm Khmer Nam Bộ

Có thể nói, sân khấu Rô Băm của người Khmer Nam Bộ sử dụng đề tài lịch sử, các cốt truyện chính của vở diễn Rô Băm là trường ca Ream Kê. Hiện nay, văn bản Ream Kê bằng tiếng Khmer tồn tại cả dưới dạng văn xuôi và văn vần, cốt truyện chủ yếu vay mượn từ Sử thi Ramayana của Ấn Độ. Điều này cho thấy, nền văn hóa Ấn Độ đã có những ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống vật chất đến đời sống tinh thần của người Khmer nơi đây, trong đó có loại hình nghệ thuật sân khấu Rô Băm. Theo Trường Lưu: “Rô Băm được hình thành do ảnh hưởng từ nền văn hóa Ấn Độ từ TK I-II SCN. Buổi đầu Rô Băm là điệu múa của tôn giáo, được sử dụng cho các nghi thức tôn giáo, tế lễ… Sau này Rô Băm được chọn làm điệu múa của hoàng cung Vương quốc Chân Lạp. Theo luồng di cư và sự giao lưu văn hóa dễ dàng của tộc người Khmer ở lưu vực sông Mê Kông, Rô Băm dần được du nhập sang cộng đồng người Khmer ở Phù Nam, sau này là Thủy Chân Lạp (Nam Bộ, Việt Nam), ở đây Rô Băm được dân gian hóa, pha trộn các yếu tố cổ điển và trở thành nét văn hóa riêng biệt của người Khmer Nam Bộ” (3).

Thạch Sết (Sang Sết) – Nhà nghiên cứu văn hóa dân tộc Khmer cho rằng: “Loại hình nghệ thuật Rô Băm có bài bản và ra đời trước khi có nghệ thuật sân khấu Dù Kê và Dì Kê. Dù chưa xác định được thời gian hình thành nhưng thực tế nó đã tồn tại và thịnh hành nhất vào những thập niên 60 của TK XX. Đây là thời điểm loại hình nghệ thuật này phát triển rực rỡ hơn cả và có mặt khắp các vùng trong các tỉnh có đông đồng bào dân tộc Khmer như: Trà Vinh, Sóc Trăng, Cần Thơ, Vĩnh Long… Riêng vùng đất Trà Vinh, ở mỗi huyện đều có một vài đội múa Yeak Rom phục vụ cho bà con Khmer trong vùng”.

Trong công trình nghiên cứu khoa học, các nhà nghiên cứu văn hóa Khmer Nam Bộ đã dẫn ra một số liệu cho thấy: “Hiện nay, tại đất nước Campuchia đang tồn tại và phát triển một vài loại hình sân khấu kịch múa cổ điển vốn đã được hình thành từ TK X, có liên quan đến nguồn gốc và sự ra đời của nghệ thuật sân khấu Rô Băm Khmer Nam Bộ” (4).

Như vậy, sân khấu Rô Băm xuất hiện từ rất lâu trong cộng đồng người Khmer tại Nam Bộ, tích truyện ảnh hưởng từ văn hóa Ấn Độ thông qua Sử thi Ramayana; nghệ thuật múa cổ điển xuất phát điểm từ cung đình Campuchia; sự sáng tạo nghệ thuật dựa vào tri thức bản địa của tộc người Khmer Nam Bộ tạo nên đặc điểm độc đáo cho loại hình nghệ thuật sân khấu Rô Băm Khmer Nam Bộ không trộn lẫn với bất cứ loại hình sân khấu các tộc người khác.

2. Đặc điểm và giá trị văn hóa của nghệ thuật múa trong sân khấu Rô Băm

Đặc điểm nghệ thuật múa trong sân khấu Rô Băm

Trong nghệ thuật sân khấu Rô Băm có 6 nhóm múa, cụ thể như sau:

Bảng 3: Bảng tổng hợp các nhóm múa trong nghệ thuật sân khấu Rô Băm

Qua quá trình thực địa ở các đoàn, đội Rô Băm tại các tỉnh Nam Bộ: Đoàn nghệ thuật Khmer Ánh Bình Minh, Đội Yeak Rom Giồng Lức (Trà Vinh), Đoàn Nghệ thuật Khmer tỉnh Sóc Trăng từ năm 2016-2021, tác giả hệ thống vũ điệu các nhân vật trong sân khấu Rô Băm cho thấy: các nhân vật trong sân khấu Rô Băm có hệ thống vũ điệu riêng, động tác được quy định rõ ràng cho các vai thiện – ác, nam – nữ. Mặc dù nhân vật vai nam (trong sân khấu Rô Băm vai nam được đóng giả bởi người nữ) và vai nữ có hệ thống vũ điệu chung, nhưng cách diễn đạt lại khác nhau, vai nam động tác mở rộng về hình thể, thể hiện sự mạnh mẽ, cương quyết, tính cương trực… vai nữ thể hiện sự e thẹn, khép nép, tính dịu dàng, nhẹ nhàng, cười mỉm.

Múa chằn trong Rô Băm đòi hỏi ở sức khỏe và sự dẻo dai. Trên thực tế, nghệ thuật này đã đạt đến trình độ cao trong việc truyền tải thông tin bằng vũ đạo. “Nếu như nhân vật trên sân khấu Noh của Nhật Bản hay tuồng cổ Ấn Độ không đối lập một cách đầy kịch tính thì trong Rô Băm, Chằn là một loại nhân vật hoàn toàn khác biệt không chỉ về mặt tính cách. Ở đây, Chằn luôn đeo mặt nạ và diện mạo hết sức cách điệu mang tính chất dữ tợn khủng khiếp. Mỗi khi xuất hiện chúng luôn làm biến đổi không khí trên sân khấu đẩy nhanh tiết tấu và hành động kịch” (5). Phong cách đặc trưng của Chằn gồm những động tác chậm, nhanh và mạnh đan xen nhau – hành động mang tính chất “thất thường” (nhấc chân lên trong tư thế chậm chạp, cảm giác nặng nề, nhưng khi co rút, đá chân ra thì động tác lại rất nhanh, mạnh và dứt khoát). Ngoài ra, các thế tay luôn chỉ trỏ, eo mềm, mông lắc theo nhịp nhạc sôi động, dồn dập… tất cả đều biểu thị rõ tính chất hách dịch ở nhân vật này.

Có thể thấy, động tác múa trong Rô Băm biểu hiện sự phát triển tính cách nhân vật, nên tầng lớp khán giả không phải ai cũng có thể thưởng thức được giá trị nghệ thuật trọn vẹn. Vì vậy, bên cạnh múa cũng phải dùng lời thoại giữa các nhân vật nhằm diễn giải tình tiết, sự việc, nhất là tuồng tích cổ điển để người xem dễ hiểu. Ngoài ra, Rô Băm còn sử dụng nhiều hình thức biểu cảm của các vai diễn kết hợp giữa kể chuyện hay hát từ bên trong hội trường. Đây là loại hình nghệ thuật dân gian vận dụng tổng hợp múa, hát, âm nhạc, mỹ thuật hòa quyện đan xen, làm cho vở diễn hấp dẫn, cuốn hút người xem.

Giá trị văn hóa của nghệ thuật múa trong sân khấu Rô Băm

Trên thực tế, khi nói “bản sắc” thường là nói tới cái riêng của một sự vật để phân biệt nó với các sự vật khác trong thế giới khách quan. Với người Khmer Nam Bộ, họ có được nét riêng thể hiện ở nghệ thuật múa trong sân khấu Rô Băm: “Trừ người Việt, có lẽ người Khmer là số ít dân tộc thiểu số nước ta có sân khấu ca kịch dân tộc cổ truyền” (6). Chúng tôi tổng hợp và phân tích một số đặc điểm bản sắc, nét riêng trong nghệ thuật múa Rô Băm cụ thể như sau:

Lịch sử tồn tại: Mặc dù hiện nay, Rô Băm chỉ còn được biểu diễn ở một số nơi với những cách giữ gìn khác nhau của các đội, nhưng giá trị của nó thể hiện ở vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người dân tộc Khmer từ quá khứ đến hiện tại (tính lịch sử). Bản thân loại hình nghệ thuật này giúp xác định được lịch sử tồn tại của cư dân trong vùng “ở đâu có Rô Băm, ở đó có văn hóa Khmer tồn tại lâu đời”.

Nữ giả nam: Theo văn hóa của người Khmer, nữ giới được chọn làm vũ công cho những tác phẩm múa kinh điển trong múa cổ điển và sân khấu Rô Băm. Khmer gọi là “Selbăh Karani” tạm dịch là nghệ thuật nữ. Nữ đảm trách múa vai nữ gọi là Neang, nữ giả nam múa vai nam gọi là Neay Rông, chỉ những vai mang mặt nạ và vai hề do nam biểu diễn. Chọn nữ múa bởi bốn lý do sau: Thứ nhất, theo phân tích ngôn ngữ Khmer, từ “Srây” (nữ) nghĩa là “Sê rây” (vinh quang), ví dụ như câu nói: “Sê rây sua sđây” (chúc mừng vinh quang hoặc sự hạnh phúc). Thứ hai, về nhận thức giới: đối với người Khmer cho rằng phái nữ là đại diện cho sự trinh trắng. “Nữ” có nghĩa là hạnh phúc, mạnh khỏe, thịnh vượng, phước đức, duyên phận. “Nữ” đại diện cho sự phồn vinh, hạnh phúc trong cuộc đời người Khmer. Thứ ba, người Khmer tôn kính phái nữ theo chế độ mẫu hệ có từ xa xưa như: từ “Mê” nghĩa là “mẹ” hay “ông chủ”. Ví dụ: Mê phum – chủ phum, Mê sróc – chủ sóc, Mê pthas – chủ nhà. Thứ tư, nguồn gốc của Rô Băm trước kia dành để múa cầu cúng trong tín ngưỡng, tôn giáo. Theo quy định vai nữ múa phải là trinh nữ, nên thông thường mỗi cô chỉ múa được một vài lần trong đời mình. Tất nhiên họ là những cô gái trong phum sóc có đặc tính nết na, thanh khiết, thùy mị. Gái trinh múa có dấu vết của tục tế sinh bằng trinh nữ cho thần. Về sau, tính chất thiêng liêng được gắn cho vũ nữ làm trung gian giữa người và thần. Nhờ vậy, các điệu múa được lưu truyền qua nhiều thế hệ phụ nữ Khmer. Do đó, trên sân khấu kịch múa cổ điển Khmer (hay sân khấu kịch múa cung đình) có các nhân vật thần tiên và có nguồn gốc từ tôn giáo, giữ vai trò kết nối lời cầu nguyện từ trần gian lên thiên đàng và mang lời chúc tốt đẹp từ thiên đàng về trần gian… đều được diễn viên nữ biểu diễn.

Nụ cười mỉm và nét đẹp của đường cong: Nụ cười mỉm thể hiện trong nghệ múa xuất phát từ đặc điểm phong tục tập quán của người Khmer cụ thể có trong “Chbap Srây” – Những quy định nữ giới, có nội dung là: “Con gái không cho phép cười lớn tiếng vang từ nhà này sang nhà khác và không nên mở miệng cho ai đó thấy hàm răng”. Trong văn hóa múa cổ điển của người Khmer, nụ cười được vũ công biểu đạt từ trong thâm tâm, cười bằng linh hồn và sự thiền định. Do đó, nụ cười mỉm được thế hệ các vũ công múa Neang và Neay Rông giữ gìn và lưu truyền cho đến ngày nay.

Nét đẹp của múa Rô Băm Khmer là nét đẹp của đường cong: các ngón tay, ngón chân cong, cổ tay cong, đôi khi còn uốn cong cả khuỷu tay. Quan niệm về cái đẹp của đường cong: “M-ream Ngô” – ngón cong được thể hiện trong câu nói dân gian Khmer: “M-ream đôch banh-la krôch” nghĩa là ngón tay như gai bưởi – đó là tiêu chí cơ bản đánh giá nét đẹp múa Khmer. Đường cong của cơ thể: Người Khmer sử dụng từ “Ngô” để chỉ sự cong, ví dụ: “Tuk Ngô” – Ghe Ngô nghĩa là ghe có hình dạng cong. Trong múa Khmer có cụm từ “Khuôt Ngô” nghĩa là “mông cong”. Ngoài đặc điểm mông cong, ngực cũng ở tư thế ưỡn “Pơn Trun”. Theo quan niệm dân gian, đây là nét đẹp của người con gái Khmer, thể hiện tín ngưỡng phồn thực, sự sinh sôi nảy nở của cơ thể nữ giới. Do đó, tiêu chí của vẻ đẹp múa Khmer dựa vào đặc điểm “Ngô”. Tuy mềm dẻo là tiêu chí để đo vẻ đẹp của vũ nữ Khmer, nhưng theo Sang Sết, nghệ thuật múa Khmer “Ton p-lanh panh te manh ton chrey” – mềm dẻo nhưng không ẻo lả. Trong cái mềm múa Khmer có nét đẹp của sự cứng cáp.

Giáo dục đoàn kết: Người Khmer coi múa như hình thức sinh hoạt văn hóa nhằm cố kết cộng đồng bền chặt, những động tác luôn hiện hữu với biểu hiện có sức thu hút đặc biệt, tạo cho người xem liên tưởng trực giác đầy gợi cảm, giàu cá tính. Theo Đặng Văn Lung: “Hằng năm, cứ vào mùa khô, sau mùa ruộng rẫy, các phum sóc Khmer góp tiền lại, cử người lên tỉnh thuê một đoàn Rô Băm về diễn vài đêm. Nếu diễn hết vở phải từ bảy đến mười đêm. Tùy theo số tiền góp được mà hai bên thỏa thuận về những trích đoạn diễn. Một nơi có mở hội, thì các nơi đều biết. Họ hàng thân thích khắp các miền tấp nập gọi nhau Tâu mơ Rô Băm (đi coi điệu múa, tức đi xem múa, đi dự hội). Buổi biểu diễn thường rất đông. Người ở xa, không có anh em bà con ở làng mở hội thì cơm đùm, cơm nắm đến ở nhà chùa mà tầu mơ Rô Băm” (8).

Chân, thiện, mỹ: phổ biến (điểm nổi bật) trong các vở diễn Rô Băm chính là tính nhân văn cao cả, đề cao cái chân thật, lương thiện, kiên cường, trung can, bộc trực, bất khuất trước cái ác; ca ngợi con người với tấm lòng chung thủy sắc son… (nhân vật chính diện) đồng thời lên án, phê phán những cái xấu xa, ác độc, đê hèn, tham lam, xảo quyệt, ti tiện… (nhân vật phản diện). Cũng như bao truyện cổ dân gian khác, nội dung của vở diễn Rô Băm thiên về việc hướng thiện, nghĩa là ca ngợi chính nghĩa, ủng hộ những hành động, việc làm hợp với đạo lý con người. Kết cục của các vở diễn, thường có hậu, cái thiện thắng ác, đức thắng tà. Cái đẹp trong sân khấu Khmer cũng như các dân tộc Đông Nam Á khác không tách rời cái thiện. Từ những hành động múa trong từng bối cảnh của Rô Băm, những thế ứng xử thể hiện trong từng động tác múa Khmer giúp con người nhận ra được giá trị của lòng chính nghĩa, sự trung thành, giá trị của tình yêu và lòng thủy chung, nhận ra được tính thiện và ác trong mỗi cá thể. Đó là những quan niệm sống của dân gian, qua đó đồng thời cũng gửi gắm những giá trị đạo đức mà thế hệ trước mong muốn thế hệ sau gìn giữ và kế thừa. Những bài học đạo đức ấy không chỉ là quan niệm về đạo đức nhân sinh mà còn là cách đối nhân xử thế mà dân gian muốn mượn các tuyến nhân vật trong Ream Kê truyền đạt bằng chất liệu múa Khmer.

Kết luận

Dưới góc nhìn lịch sử văn hóa tộc người, có thể nhận thấy sân khấu Rô Băm của người Khmer tại Việt Nam là loại hình nghệ thuật độc đáo, qua thời gian, loại hình nghệ thuật này đã được định hình và phát triển, có sự gắn kết với đời sống tinh thần của cộng đồng cư dân. Nghiên cứu về nghệ thuật múa trong sân khấu Rô Băm càng cho chúng ta thấy rõ được những đặc trưng về nguồn gốc, tên gọi, đặc điểm và giá trị văn hóa của nghệ thuật múa trong sân khấu Rô Băm Khmer Nam Bộ. Tất cả thể hiện được nét riêng, mang bản sắc tộc người, đồng thời thể hiện rõ chiều sâu văn hóa, sự sáng tạo, tư duy nghệ thuật đạt đỉnh cao của tộc người Khmer trong thực hành và thụ hưởng văn hóa; thể hiện được sự cố kết cộng đồng, các cộng đồng khác trong khu vực cùng đón nhận và thụ hưởng như một giá trị tinh thần chung.

___________________

1. Chuôn Nath, Dictionnaire Cambodgien, Phnompenh, 1967, tr.997.

2, 4. Sơn Ngọc Hoàng, Tìm hiểu nghệ thuật sân khấu Rô Băm của dân tộc Khmer Nam Bộ trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng, Sở Khoa học Công nghệ tỉnh Sóc Trăng, 2012, tr.45, 49.

3.TrườngLưu (chủ biên), Văn hóa người Khmer vùng đồng bằng sông Cửu Long, Nxb Văn hóa dân tộc, Hà Nội, 1993.

5. Huỳnh Thị Bích Nhung, Nghệ thuật sân khấu Rô Băm với đời sống tâm linh của người Khmer Nam Bộ, Nxb Đại học Quốc gia TP. HCM, 2000, tr.459.

6. Hoàng Túc, Diễn ca Khmer Nam Bộ, Nxb Thời Đại, 2011.

7. Koe Narom, Prum Sisaphantha, Apsara Dance (Điệu múa Apsara), Published by Committee of Research on Arts and Culture, The Minstry of Culture and Fine Arts, 1994, tr.46.

8. Đặng Văn Lung, Dù Kê – Một sản phẩm giao lưu văn hóa Việt Khmer, Nxb Thời Đại và Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, 2013, tr.472.

Tài liệu tham khảo

1. Phạm Tiết Khánh, Khôi phục và truyền dạy nghệ thuật kịch múa Yeak Rom – Rôbăm Khmer Nam Bộ, tại ấp Giồng Lức, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh, Báo cáo Dự án Quỹ Ford của Trung tâm Trao đổi Giáo dục với Việt Nam, 2013.

2. Thạch Thảo, Rô Băm nghệ thuật thể hiện thần thoại bằng múa và mặt nạ, Nxb Sở Văn hóa Thông tin Sóc Trăng, Phân viện Văn hóa nghệ thuật tại TP.HCM, tr.90.

3. Tư liệu phỏng vấn của tác giả năm 2019.

4. Huỳnh Ngọc Trảng, Chằn trong sân khấu Khmer đồng bằng sông Cửu Long, Sở Văn hóa Thông tin Sóc Trăng, Phân viện Văn hóa nghệ thuật tại TP.HCM, 1998, tr.117-128.

SƠN CAO THẮNG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 476, tháng 10-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *