Nghệ thuật tạo dáng, trang trí sản phẩm mây, tre đan ở một số nước châu Á

Tác phẩm tre đan nghệ thuật ấn tượng từ Nhật Bản

Nhật Bản vốn là đất nước giàu truyền thống về nghề thủ công. Sản phẩm thủ công mỹ nghệ Nhật Bản nói chung, sản phẩm mây tre đan nói riêng, được biết đến bởi sự tinh xảo trong kỹ thuật cũng như sự tinh tế trong tạo hình trang trí.

Tạo hình sản phẩm tre đan trong triển lãm Modern Twist: Nghệ thuật tre đương đại của Nhật Bản (1), diễn ra tại bang Texas, Mỹ, lần đầu tiên năm 2017, mang đến một liều “thuốc bổ” cho khán giả yêu nghệ thuật với đầy đủ yếu tố hấp dẫn thị giác. Các sản phẩm tre đan trong triển lãm này thực sự là những tác phẩm điêu khắc uốn bằng nguyên liệu tre và hầu như không có sự kết hợp với vật liệu sắt, ngay cả khi các nghệ sĩ đã đổi mới và mở rộng các hình thức nghệ thuật truyền thống của họ. Kể cả khi tạo hình chỉ là những chiếc giỏ, bình hoa, muôi và muỗng trà…, các nghệ nhân người Nhật đã thử nghiệm các hình thức nghệ thuật trừu tượng với nghệ thuật đan tre điêu luyện trong nhiều năm, và dưới bàn tay thành thạo của họ, nghề tre đan đang được biến đổi và nâng lên một cấp độ sáng tạo nghệ thuật.

Các sản phẩm tre đan trong triển lãm được tạo hình đa dạng, các khối khi căng mẩy, khi cứng cáp khỏe khoắn. Các nan tre được uốn đều đặn tạo nên hệ thống đường nét uyển chuyển, khối khi đặc, khi rỗng, được tạo bởi mật độ dày hay thưa của nan tre. Tạo hình của các tác phẩm, có thể là những khối định hình hoặc những khối bất định hình theo phong cách trừu tượng. Tre chỉ đơn thuần là một phương tiện để các tác giả trình diễn một màn nghệ thuật thị giác. Màu sắc tuy chỉ là màu tự thân của vật liệu với những tông sáng tối khác nhau cùng độ bóng của lớp dầu phủ bóng nhưng không thể phủ nhận hiệu quả thị giác về đường nét nhờ kỹ thuật đan cài điêu luyện. Các nan tre có các kích thước khác nhau, tùy vào ý đồ của tác giả, khi mỏng khi dày, khi dẹt khi tròn, lúc thẳng lúc cong, uốn lượn theo khối hình của tác phẩm. Trong bố cục tác phẩm, khi thì các nan tre được đan cài theo trật tự, tạo nên bố cục đối xứng, có khi lại được sắp đặt lộn xộn, tạo nên sự phá cách độc đáo. Mỗi tác phẩm trong triển lãm đều đem lại cho người xem sự thỏa mãn cảm xúc thị giác. Tre được đặc trưng bởi sức mạnh, tính linh hoạt và sự mềm dẻo, không gẫy trước gió mạnh vào mùa đông khắc nghiệt. Triển lãm này khám phá nghệ thuật tre với những hình dạng sáng tạo, xuất hiện tại Nhật Bản từ giữa TK XX, với các tác phẩm điêu khắc và treo tường hiếm hoi chưa từng thấy ở Texas, vừa thu hút, vừa giáo dục khán giả về một loại hình nghệ thuật văn hóa đặc biệt sống động.

 

Mẫu mây tre đan của Nhật Bản
Ảnh: internet

Nhật Bản hiện có khoảng 100 nghệ nhân chuyên nghiệp với chất liệu tre đan (2); họ nắm vững kỹ thuật vốn đòi hỏi nhiều thập kỷ thực hành tỉ mỉ, từ cách thu hoạch, tách và đan tre. Triển lãm Modern Twist mang 16 nghệ sĩ đến với khán giả Mỹ, trưng bày các tác phẩm của các nghệ nhân nổi tiếng Katsushiro Suhu (2005) và Fujinuma Noboru (2012) và các nghệ sĩ tên tuổi khác như Matsumoto Hafu, Honma Hideaki, Ueno Masao, Uematsu Chikuyu, Nagakura Ken’ichi, Tanabe Chikuunai III, Tanioka Shigeo, Tanioka Aiko, Mimura Chikuho, Nakatomi Hajime, Sugiura Noriyoshi và Yonezawa Jiro.

 Modern Twist giới thiệu nghệ thuật đan tre Nhật như một hình thức nghệ thuật sáng tạo. Tài năng của các nghệ nhân đan và sản xuất giỏ tre đã nâng cao vị thế của họ từ các nghệ nhân ẩn danh đến các nghệ sĩ nổi tiếng. Ở triển lãm này, những nghệ sĩ đã thổi hồn cho nghề thủ công truyền thống bằng loại hình nghệ thuật hiện đại, thể nghiệm các hình thức mới, đầy bất ngờ, thể hiện sự đột phá trong sáng tạo nghệ thuật thủ công.

 Bên cạnh đó, bộ sưu tập của hai cư dân New York, Diane và Arthur Abbey, hay còn được biết với cái tên Abbey Collection (bộ sưu tập của Abbey) nằm trong số những bộ sưu tập đáng xem nhất thế giới hiện tại. Một phần của bộ sưu tập đã được ra mắt công chúng tại trưng bày tiêu đề Nghệ thuật tre Nhật Bản: Bộ sưu tập của Abbey, năm 2017- 2018 tại Mỹ (3). Phần lớn các tác phẩm trưng bày sau đó được trao tặng cho bảo tàng New York. Mới đây, Abbey Collection vừa có một chuyến trở về quê hương, được trưng bày ở các thành phố lớn của Nhật Bản, lần lượt là Oita (Kyushu), Tokyo và địa điểm cuối cùng sắp tới là Osaka. Kiểu dáng sản phẩm tre đan Nhật Bản rất phong phú và đa dạng. Nghệ nhân sử dụng các kiểu đan tự do, tạo nên những sản phẩm độc đáo bởi hiệu ứng bề mặt được biến đổi đa dạng. Tại Tokyo, người dân có thể đến chiêm ngưỡng bộ sưu tập các tác phẩm tre đương đại tại Bảo tàng nghệ thuật đương đại quốc gia. Ngoài 75 tác phẩm trong sưu tập của Abbey còn có những kiệt tác tre đương đại thuộc sưu tập của bảo tàng này lần đầu được ra mắt người dân, từ đó giúp mọi người hiểu rõ về lịch sử nghệ thuật tại Nhật Bản. Triển lãm được chia làm 3 phần: Đông Nhật, Tây Nhật và Kyushu. Triển lãm cho thấy sự kết hợp hoàn mỹ của kiến thức về tạo hình, kiến trúc và tay nghề thủ công điêu luyện. Bạn sẽ được tìm hiểu về lịch sử phát triển của ngành đan tre, vẻ đẹp nghệ thuật của chúng, và được biết về những thợ đan tre tài ba nhất của Nhật, hay còn được gọi là báu vật sống của quốc gia.

Sản phẩm trang trí nội thất tre đan sáng tạo của Đài Loan (Trung Quốc)

Được công nhận là một trong những nghề thủ công lâu đời nhất còn tồn tại trên thế giới, nghề đan có dấu vết có từ thời đồ đá mới – khoảng 12.000 năm trước. Ngay cả trước khi nghề đan thực sự được phát hiện, các kỹ thuật đan lát đã được áp dụng với nhánh tre, gỗ và cành cây để tạo nên những chiếc giỏ, hàng rào và nơi trú ẩn để bảo vệ.

Tôn vinh nghề tre đan truyền thống là mục đích của Bảo tàng Đài Trung. Triển lãm các sản phẩm tre đan được Bảo tàng tổ chức, lấy từ “Đan” làm chủ đề chung. Ý nghĩa của từ “Đan” không chỉ là phương pháp đan lát các sợi nan để tạo ra một vật thể, mà còn là sự kết nối mọi người, kết nối ý tưởng sáng tạo từ các nền văn hóa khác nhau. Do đó, hầu hết trưng bày trong triển lãm này là kết quả của sự hợp tác kéo dài giữa Pháp và Đài Loan (Trung Quốc). Đây là một chương trình quốc tế được khởi xướng vào năm 2010 với sự hỗ trợ của Viện Phát triển và Thủ công Đài Loan (NTCRI), nhằm tìm cách bảo vệ, phát triển và quảng bá di sản địa phương, cũng như mang lại lợi ích trao đổi văn hóa giữa hai bên. Một số tác phẩm đã là một phần của triển lãm tại Bảo tàng Louvre và Grand Palais, Pháp.

Các sản phẩm trong triển lãm có tính ứng dụng cao. Chủng loại có thể là bình, lọ, vốn là những sản phẩm truyền thống của Đài Loan. Nghệ thuật đan tre của Đài Loan đặc sắc ở những kỹ thuật đan cài điêu luyện tạo nên những hiệu ứng bề mặt hấp dẫn về mặt thị giác kết hợp với hình khối đơn giản, có giá trị ứng dụng cao. Với sản phẩm bình trang trí, các họa tiết lượn sóng được nghệ sĩ đan tre Chin Tuan Chiu sử dụng hệ thống các nan chập vào nhau rồi uốn, tạo nên những họa tiết như vảy rồng. Sản phẩm đèn sàn được sáng tác bởi nhà thiết kế Matti Klenell (Thụy Điển) và các nghệ nhân Đài Loan ShuFa Wu, HsingTse Liu, ChinTuan Chiu có hình khối đơn giản, từ phần thân đến phần chân đèn có sự chuyển tiếp của các khoảng rỗng đặc, nhịp điệu họa tiết chuyển động nhịp nhàng. Đặc biệt với những sản phẩm đèn đan, khi có hiệu ứng ánh sáng, sản phẩm sẽ tăng sức hấp dẫn thị giác không chỉ cho mình nó mà còn cả không gian xung quanh.

 

Mẫu mây tre đan của Đài Loan (Trung Quốc)

Ảnh: internet

Nghệ thuật đan tre Đài Loan đương đại được thể hiện rõ nét qua những sản phẩm trang trí nội thất, nổi bật là các loại chao đèn với những kiểu họa tiết phong phú và đa dạng. Tre là một vật liệu tổng hợp tự nhiên, thân thiện với môi trường, đã được sử dụng ở châu Á trong nhiều thế kỷ. Ngày nay, nó đã được phát triển một cách nghệ thuật hơn, có thể áp dụng nhiệt để uốn cong những mảnh tre thanh mảnh. Bằng cách chọn đúng loại tre, bỏ các đốt và dầu, làm khô và bảo quản, sau đó bằng cách cắt, cưa, chạm khắc, sưởi, chèn, dán, lắp ráp và đóng đinh, các sản phẩm nội thất đã được tạo nên một cách nghệ thuật (4).

Triển lãm này khẳng định những kỹ năng và sự sáng tạo tuyệt vời của nghệ nhân tre Đài Loan, bí quyết của họ được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác cùng sự cởi mở hợp tác với các nhà thiết kế quốc tế, hướng tới một thế giới sinh thái có trách nhiệm hơn. Đan cảm xúc ủng hộ tầm quan trọng của tre, nguyên liệu chính của tương lai (tự nhiên, bền vững và sinh thái), thường liên quan đến hàng thủ công truyền thống phổ biến.

Sản phẩm tre cho sinh hoạt thường nhật của Philippines

Trong khu vực Đông Nam Á, Philippines là một trong những quốc gia xuất khẩu nhiều hàng mây tre đan. Các sản phẩm đan lát của Phillipines về chủng loại khá tương đồng với các sản phẩm của Việt Nam bởi tính mộc mạc, giản dị, chủ yếu phục vụ sinh hoạt thường nhật.

Một trong những triển lãm tiêu biểu về nghệ thuật đan lát Philippines là Giỏ đan của vùng Luzon Cordillera, trưng bày tại sảnh đi quốc tế, sân bay quốc tế San Fransisco. Đây là một hoạt động của SFO – bảo tàng trực thuộc sân bay này (5).

Nằm giữa Biển Đông và Thái Bình Dương, Philippines là một quần đảo gồm khoảng 7.100 hòn đảo, trong đó, 2.000 đảo có người ở. Hai hòn đảo lớn nhất, Luzon ở phía bắc và Mindanao ở phía Nam, chiếm khoảng 65% tổng diện tích đất liền của quần đảo. Vùng núi phía Bắc của đảo Luzon được gọi là Trung tâm Cordillera. Trong nhiều thế kỷ, giỏ là một phần thiết yếu trong cuộc sống hằng ngày của người Philippines. Giỏ có nhiều hình thức và kích cỡ, từ hộp đựng đồ ăn trưa đến lọ đan, các khay đựng rượu, mang giỏ và thùng chứa có mái che cho phép mọi người thu hoạch, vận chuyển, lưu trữ thực phẩm và cây trồng. Mũ nan và áo mưa bảo vệ chống nắng và mưa. Bẫy và sàng giúp bắt cá, động vật có vỏ và côn trùng. Các loại túi đựng, giỏ và túi đựng vật dụng cá nhân, chẳng hạn như thuốc lá.

Kể từ cuối những năm 1950, giỏ đã trở nên ít phổ biến trong cuộc sống hằng ngày của người dân Cordillera. Các thùng chứa được làm từ các vật liệu như nhựa hoặc nhôm hiện đang phục vụ cho mục đích tương tự như các giỏ truyền thống. Những thay thế này có giá cả phải chăng, dễ dàng để có được, và thường được coi là vượt trội hoặc thực tế hơn. Hiện nay, nhiều hình thức giỏ truyền thống tồn tại chỉ vì sự quan tâm của khách du lịch đối với hàng thủ công của Philippines (6).

Triển lãm này trưng bày tuyển chọn các loại giỏ của Luzon Cordillera ở Philippine trong TK XX. Sau khi được tạo ra để sử dụng hằng ngày, các sản phẩm được đánh giá cao bởi vẻ đẹp tự nhiên và sự khéo léo đặc biệt của người dân bản địa.

 Sản phẩm thời trang cao cấp Thái Lan từ cây lipao

Có nguồn gốc từ tỉnh Nakhon Si Thammarat, miền Nam Thái Lan, cây yan lipao là một dạng cây leo và sợi cứng, được sử dụng để đan lát trong nhiều thế kỷ. Ban đầu, người Thái sử dụng cây này trong chế tác sản phẩm thủ công như giỏ, khay và bẫy cá. Trong thời kỳ Rattanakosin (từ 1782 đến nay) sản phẩm đan lát nhiều khi còn được kết hợp với các đồ trang sức bằng vàng hoặc bạc, sử dụng để làm các mặt hàng như túi của phụ nữ, hộp thuốc lá và bộ trầu.

Thái Lan có vô số các nghề truyền thống thủ công độc đáo, từ chạm khắc gỗ đến dệt lụa. Trong số tất cả các nghề thủ công này, hiện còn một nhóm nhỏ nghệ nhân biết các kỹ thuật vật liệu cổ xưa để tạo ra các sản phẩm xuất sắc, được Hoàng gia ưa chuộng. Một trong số này được gọi là “Yan lipao” hoặc những thứ được làm bằng dây leo của cây lipao. Loại dây leo này rất tốt và khỏe, được đan thành các sản phẩm tinh xảo, có kết cấu tinh tế, thể hiện kỹ năng tỉ mỉ, kiên nhẫn của những người phụ nữ tạo nên chúng. Kiểu đan thực hiên cho các sản phẩm “Yan Lipao” là kiểu đan xâu xiên. Không có sự chắp nối khi đan bằng sợi yan lipao. Chỉ những sợi dây leo dài là phù hợp và mỗi cây phải được lựa chọn cẩn thận hướng tới sự hoàn hảo. Lớp vỏ bên ngoài được loại bỏ, dây leo vẫn mềm và dễ uốn. Vỏ sau đó được sấy khô trong bóng râm rồi cắt thành các đoạn dài, nghệ nhân nhẹ nhàng kéo qua một lỗ nhỏ trên một tấm thiếc để tạo ra các nan dải mỏng đều nhau và tạo nên hiệu ứng mịn. Trong tiếng Thái, điều này được gọi là quá trình chak liad. Các sợi nan mỏng và mịn như sợi chỉ được đan tỉ mỉ. Sau khi đan xong, sản phẩm được phủ dầu bóng để làm nổi bật màu sắc, độ bóng và để bảo vệ sợi nan (7).

______________

1. Triển lãm được diễn ra từ ngày 28-1 đến 30-7-2017, tại Trung tâm Asia Society tại bang Texas (Asia Society Texas Center), Mỹ, asiasociety.org.

2. Dịch từ nguyên văn tiếng Anh: bamboo artist, asiasociety.org.

3. Triển lãm có tiêu đề nguyên văn: Japanese Bamboo Art: The Abbey Collection, diễn ra từ 13-6-2017 đến 4-2-2018, tại Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan (MET) New York, Mỹ, metmuseum.org.

4. anewlayertaiwan.com.

5, 6. SFO mượn trưng bày này từ bảo tàng Fowler thuộc Đại học Tổng hợp California (UCLA) danh tiếng, trưng bày từ tháng 7-2013 đến tháng 1-2014, sfomuseum.org.

7. blog.alexanderlamont.com/blog/ yan-lipao-tra- ditional-thai-basketry.

Tác giả: Lê Khánh Trang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 437, tháng 9-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *