Nghệ thuật xây dựng xung đột về tư tưởng cầu hiền trong ngọc hân công chúa

Xung đột tư tưởng là đặc điểm thường gặp trong các kịch bản của Lưu Quang Vũ. Trước khi xung đột xảy ra, hiện thực cuộc sống đã ẩn chứa những mâu thuẫn, tác giả đã trực tiếp hoặc gián tiếp đề cập đến những mâu thuẫn này thông qua tác phẩm. Trong kịch, khi vào những tình huống cụ thể, mâu thuẫn mới được bộc lộ thành những xung đột đối lập, bộc lộ rõ bản chất. Như Heghen nói: “Tình thế giàu xung đột là đối tượng ưu tiên của nghệ thuật kịch” (1).

Vào những năm 80 TK XX, xã hội Việt Nam xuất hiện những luồng tư tưởng khác nhau về xây dựng và phát triển đất nước. Tư tưởng công thần, bao cấp sau thời kỳ chiến tranh là những vấn đề đè nặng tư tưởng của nhiều người. Có suy nghĩ cho rằng, đã làm nên chiến công hiển hách trong chiến tranh thì việc xây dựng kiến thiết đất nước là chuyện nhỏ. Ngoài ra, còn một luồng tư tưởng đối nghịch khác, đó là tư tưởng của những trí thức muốn thể hiện, cống hiến để cứu nhân dân khỏi cảnh lầm than cơ cực do di hậu của chiến tranh. Mâu thuẫn tư tưởng này đã hình thành, ẩn chứa trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ. Lưu Quang Vũ đã mượn câu chuyện lịch sử về mối tình của Ngọc Hân công chúa với vua Quang Trung để nêu bật mâu thuẫn hiện hữu này.

Vở kịch Ngọc Hân công chúa xoay quanh thời kỳ vua Lê, chúa Trịnh và phong trào Tây Sơn. Vở kịch tái hiện lại thời điểm Quang Trung lần đầu tiên đưa quân ra Bắc để phò Lê diệt Trịnh. Khi đó, sự lãnh đạo chính thống của vua Lê bị bè lũ chúa Trịnh cấu kết với nhau lấn át quyền lực, tạo ra muôn vàn nỗi thống khổ cho dân chúng. Nhiều người đức độ tài ba đã trốn tránh quan trường, đi ở ẩn. Như lời của nhân vật Nguyễn Hữu Chỉnh trong vở kịch đã nói với Nguyễn Huệ: “Hiền tài chí giải Bắc Hà còn đâu, rặt một lũ hiểm sâu đen bạc”.

Theo nguyên lý kịch, một vở kịch hay là vở kịch phản ánh được hiện thực xã hội và bộc lộ được khát vọng của nhân vật, nơi ẩn chứa những mâu thuẫn xã hội, khi tình huống kịch xảy ra nó trở thành xung đột. Xung đột luôn là nơi phá hoại sự bình yên trong kịch.

Xung đột tư tưởng trong kịch bao giờ cũng được đại diện bởi những nhân vật đại diện đủ tầm cỡ. Lưu Quang Vũ đã chọn lựa Ngọc Hân công chúa – kiệt nữ có học vấn, tài năng của đất Thăng Long, đại diện cho tư tưởng cầu hiền; Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ – một tài năng quân sự bách chiến bách thắng, người tiếp nhận tư tưởng cầu hiền; Nguyễn Nhạc – đại diện cho tư tưởng đối lập.

Ngọc Hân công chúa là con vua phải sống cuộc sống yếm thế trước nhà Trịnh chuyên quyền tàn ác. Hơn ai hết, Ngọc Hân hiểu vai trò của người hiền trong việc bảo vệ và xây dựng đất nước, nàng hiểu rằng, cần phải có một môi trường tốt cho những tài năng, cụ thể ở đây là họ phải gặp được một minh chủ, chúa hiền. Nghĩa là một người đứng đầu dân tộc phải biết tập hợp và tạo điều kiện cho những người tài quanh mình phát huy tài năng. Mong muốn của nàng không chỉ phù hợp với xã hội lúc bấy giờ, mà còn là khát vọng của dân tộc Việt Nam ở những năm 80 TK XX. Đó là cần những người có tài năng thực sự để kiến thiết xây dựng lại đất nước sau những năm dài chiến tranh.

Với sự chuyên quyền của bè lũ chúa Trịnh, những người có tài đều không được bộc lộ khả năng của mình. Khi Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ đến Thăng Long đập tan bè lũ chúa Trịnh, chỉ trong một trận đánh đã tạo ra môi trường mới cho triều đình nhà Lê và sĩ phu Bắc Hà lúc ấy. Cuộc hôn nhân giữa Ngọc Hân, Nguyễn Huệ là cuộc hôn nhân sắp đặt, có mục đích chính trị của nhà Lê và nhà Tây Sơn. Một mặt, nhà Lê cần sự ủng hộ của Nguyễn Huệ để củng cố quyền lực; một mặt, Nguyễn Huệ muốn tạo một uy tín thực sự ở Bắc Hà.

Xung đột tư tưởng của vở lần đầu tiên xảy ra với sự kiện Ngọc Hân mời Nguyễn Huệ đi thăm Văn Miếu:

“Ngọc Hân: Thiếp xin mạo muội hỏi thêm, ở Đàng Trong, Tây Sơn đã dựng nước, Thái Đức Nguyễn Nhạc đã lên ngôi vua, vậy triều đình Tây Sơn đã mở được mấy khoa thi để tuyển chọn người tài?

Nguyễn Huệ: Chưa có khoa thi nào, chưa có Quốc Tử Giám, Viện Thái học, cũng chưa có lấy một ông tiến sĩ. Chúng ta mới chỉ có bãi dạy võ. Tây Sơn bao năm qua chinh chiến liên miên, con gái con trai chỉ thạo cung kiếm, voi ngựa.

Ngọc Hân: (Nhếch mép) – Thế mà hay! Giỏi cung kiếm, voi ngựa thì mới dễ chinh phục thiên hạ, cần gì thi thư nghiên bút. Dựa sức thần công, voi trận nên đại quân Tây Sơn chiếm Thăng Long dễ như trở bàn tay. Đất văn hiến này chẳng có gì để nộp Thượng công, đành đưa đứa tiện nữ là Ngọc Hân này về làm tỳ thiếp cho người thắng trận. Học cao, đức sâu thua lực mạnh, thưa Thượng công!

Nguyễn Huệ: (Nhận ra ý mỉa mai trong câu nói của Ngọc Hân, sầm mặt nhưng cố nén, cười nhạt) – Ra nàng đưa ta đến đây, cạnh những hàng bia Văn Miếu này để nói với ta điều đó. Vậy ta xin hỏi lại nàng: Phải, Bắc Hà học cao, đức sâu, lắm tiến sĩ, vậy thì khi thằng Đặng Mậu Lân em vợ chúa Trịnh nó quay màn hiếp con gái nhà người ta ngay giữa phố, có ông tiến sĩ nào đứng ra ngăn cản không? Họ Trịnh ngạo ngược lấn vua, ép dân, mũ dép đảo lộn, có vị học cao nào dám chống lại? Năm đói kém, người ta phải đổi con cho nhau mà ăn, có vị đức độ nào lấy được thóc gạo trong kho ra cứu dân? Nàng nói cho ta biết?

Ngọc Hân: (Bối rối) – Nhưng… nhưng mà…

Nguyễn Huệ: Vậy mà quân Tây Sơn chúng ta chỉ gạt tay một cái là mấy trăm năm họ Trịnh đổ nhào. Giang sơn chia lìa, lần đầu tiên nhất thống. Việc đó đã ai làm được? Công chúa, ta biết, hôm nay nàng đưa ta tới những nơi văn vật của Long thành kiêu mạn, kinh kỳ của cô đẹp thật, nhưng bên trong chứa bao ung nhọt thối nát. Nhìn bao cung điện nguy nga, nào cung Thụy Khánh, lầu Ngũ Long, cung Ngũ Nhạc, nhưng chốn xa hoa của lũ lang sói, ta chỉ muốn cho quân phóng một mồi lửa thiêu cháy tất cả…”.

Cuộc tranh cãi mới là bước khởi đầu, báo hiệu cuộc chiến giữa hai luồng tư tưởng đối nghịch nhau. Trong cuộc tranh luận này, cho dù hàm ý của Ngọc Hân công chúa muốn khẳng định rằng việc đặt bia tiến sĩ ở Quốc Tử Giám là một trong những cách để tôn vinh những có người tài học vấn từ cổ chí kim ở xứ Đàng Ngoài, thì Nguyễn Huệ vẫn coi thường vai trò và vị trí của những nhà học giả trong xã hội. Xung đột khởi đầu này tạm dừng, phần chiến thắng nghiêng về phía Nguyễn Huệ, do vị thế của ông và thực tiễn của sức mạnh quân sự. Rõ ràng, trong sự kiện này, tư tưởng cầu hiền đã phải nhường bước cho uy lực của Nguyễn      Huệ – người có công lao cho việc diệt nhà Trịnh trong phút chốc (so với 200 năm chuyên quyền của nhà Trịnh với vua Lê).

Sự căng thẳng này đã được giải tỏa phần nào khi Nguyễn Huệ gặp thày Vũ An – một nhạc sĩ tài năng ở ẩn tại làng hoa Ngọc Hà. Nguyễn Huệ đã nhận thức: “Có nhớ chăng tiếng hát của khu vườn… Ta sẽ nhớ mãi khu vườn này, nhớ mãi buổi sáng nay… Văn hiến của Thăng Long đâu phải chỉ ở những hàng bia đá, còn ở trong những khu vườn này, trong mùi hoa thơm, tiếng đàn diệu kỳ của người con gái… Văn hiến, đó là những gì sâu kín làm nên mỗi tâm hồn…”.

Tư tưởng cầu hiền đã dành được thắng lợi quan trọng khi Nguyễn Huệ nghe Bùi Thị Xuân báo cáo công việc:

“Bùi Thị Xuân: Thưa Thượng công, ngay cả vợ chồng tôi, Bùi Thị Xuân và tướng quân Trần Quang Diệu, Thượng công giao cho chúng tôi việc cai quản phố xá, bến thuyền, kho bạc, việc đốc thúc dân các huyện khai khẩn đất hoang…Chúng tôi nhận nhưng không làm nổi… Xin Thượng công hãy cất cho chúng tôi gánh nặng quá sức đó!

Nguyễn Huệ: (Cau mày) – Bùi Thị Xuân, ngươi thoái thác việc công ư?

Bùi Thị Xuân: Chưa bao giờ Xuân này thoái thác, nhưng việc này Xuân không làm nổi. Xông pha trận mạc, điều khiển dưới tay hàng ngàn thớt voi, hàng vạn lính trận mới là việc chúng tôi quen làm, làm được.

Nguyễn Huệ: Nhưng không thể cứ trận mạc binh đao mãi, còn phải trông coi chính sự, gây dựng giang sơn, đổi thay xã tắc…

Bùi Thị Xuân: Những việc ấy, xin Thượng công giao cho người khác.

Nguyễn Huệ: Giao cho ai? Ta chỉ có ngần ấy người.

Bùi Thị Xuân: Thưa thượng công, đổi thay xã tắc, nhưng nhà Trịnh, nhà Lê để lại cho ta một cơ đồ rách nát suy sụp đến tận cùng, e ta sẽ chẳng thay đổi được gì đâu, Thượng công hãy cân nhắc kỹ. (Cúi đầu) – Xin phép Thượng công, chào công chúa! (Ra khuất).

Nguyễn Huệ: Thế đấy, đã đến lúc không phải chỉ giỏi cầm gươm mà được! tướng tài như Bùi Thị Xuân mà có những việc khó đành thoái thác. Còn nàng thì… đang muốn từ bỏ ta! Ngọc Hân ạ, có lần nàng nói với ta “Đức cao, học sâu thua lực mạnh”; nhưng nếu lực mạnh mà lại có học sâu đức cao thì sẽ càng mạnh biết bao. Chẳng lẽ nước Nam này lại quá thiếu người? Những người học tài cao của Bắc Hà mà nàng vẫn ca tụng đâu, sao ta chẳng thấy?

Ngọc Hân: Thưa lệnh công, Người muốn thấy làm gì, Người cần đến họ sao?

Nguyễn Huệ: Xã tắc cần đến họ.

Ngọc Hân: Nếu có những người hiểu biết hơn lệnh công, tài giỏi hơn lệnh công, liệu lệnh công có dám dùng?

Nguyễn Huệ: Đâu phải việc gì ta cũng thạo. Ta mong được có những người thông tuệ hơn ta.

Ngọc Hân: Kể cả những người từng là bầy tôi của nhà Trịnh, nhà Lê, từng chống lại lệnh công?

Nguyễn Huệ: Miễn họ biết cùng ta vì nghĩa lớn. Miễn có những người như vậy.

Ngọc Hân: Có chứ! Bắc Hà đâu thiếu người tài.

Nguyễn Huệ: Những ai?

Ngọc Hân: Tiến sĩ Phan Huy Ích, Hoàng giáp Bùi Dương Lịch, Chương tĩnh hầu Nguyễn Huy Lượng, rồi Ninh Tốn, Nguyễn Bá Lân… và nhất là… Hy Doãn Ngô Thì Nhậm.

Nguyễn Huệ: Hy Doãn Ngô Thì Nhậm, ta từng nghe tiếng từ lâu.

Ngọc Hân: Đó đều là những bậc thày của thiếp.

Nguyễn Huệ: Giờ các vị đó ở đâu?

Ngọc Hân: Chán thời loạn lạc, chưa có đất vẫy vùng. Phan Huy Ích hiện lui về quê ở Sơn Tây, ông Bùi Dương Lịch chạy vào tận Thanh Hóa, Ngô Thì Nhậm lánh ẩn vùng nào chưa biết…

Nguyễn Huệ: Ngọc Hân, nàng định từ bỏ ta, tùy nàng. Nhưng trước khi chia tay, nếu nàng quý trọng ta, nếu nàng thực sự muốn làm điều tốt cho xã tắc, nàng phải giúp ta việc lớn này: Nàng hãy thay ta đi tìm mời bằng được những bậc danh sĩ đó về cùng ta lo việc nước… Nếu nàng làm được, ta cho nàng tự ý hết phải làm vợ ta”.

Rõ ràng, với bản lĩnh kiên định và trí tuệ của mình, Ngọc Hân đã làm cho Nguyễn Huệ hiểu rằng tư tưởng cầu hiền là đúng đắn: “Tài trí mấy mà thời thế suy sụp thì tài trí cũng thành vô dụng, nhưng không thể ngồi chờ, phải góp sức, góp tài đổi thay thời thế. Đi với ta các ông sẽ có lực thực hiện các ý định của mình. Mỗi người một việc: Huệ có thanh gươm, Hy Doãn có ngòi bút, thày Vũ An có tiếng đàn. Làm sao cho nước sớm thanh bình, dân hết lầm than”, “Mai đây tan giặc giã, sẽ đến lúc nước ta phải mở mang bách nghệ, đổi thay tập tục để không thua kém bất cứ phương trời nào trong thiên hạ… Lúc đó phải cậy nhờ các em…”.

Đỉnh điểm của sự khẳng định chiến thắng xung đột tư tưởng này là cuộc hiện kiến của Nguyễn Huệ và Nguyễn Nhạc. Nguyễn Nhạc đã ra lệnh cho Nguyễn Huệ phải bỏ Ngọc Hân công chúa ở lại Bắc Hà, bỏ những người hiền tài để trở về Đàng Trong. Nguyễn Huệ kiên quyết chống lại Nguyễn Nhạc:

“Nguyễn Huệ: Ra Vương huynh nghĩ thế? Không đâu Vương huynh ạ, trong việc dùng người, nhìn người, xếp đặt cất nhắc người, nếu vì lợi riêng thì mới kéo vây kéo cánh, còn nếu vì nghĩa cả nước dân, thì phải cần người có đức có tài… Vương huynh là người đã có công từ buổi đầu gây dựng nên nghiệp lớn Tây Sơn, nhưng đất nước không phải của riêng một vài người. Đến lúc này đầu óc chật hẹp, hiểu biết nông cạn của người cầm cân nẩy mực có thể khiến muôn dân sa vào vực thẳm.

Nguyễn Nhạc: Chú muốn nói gì?

Nguyễn Huệ: Muốn nói là, Vương huynh đã có công dựng nghiệp Tây Sơn, nay sức đã mệt, trí đã mỏi, Vương huynh đã giao chức lớn cho Huệ, hãy để Huệ được làm theo ý mình, miễn sao lợi nước ích dân.

Nguyễn Nhạc: Chú cứ việc, nhưng sao phải kéo thêm kẻ này kẻ nọ?

Nguyễn Huệ: Đó là các bậc hiền tài. Dân là gốc rễ của xã tắc, những bậc hiền tài là vốn quý của dân, ta phải đem lòng kính yêu mà tụ hợp được họ.

Nguyễn Nhạc: Thế còn chúng ta thì sao, ta thì sao? Vứt đi à?

Nguyễn Huệ: Vương huynh cứ yên lòng hưởng công đức lớn, việc mới phải có những người tài trí đứng ra gánh vác.

Nguyễn Nhạc: Không đâu, ông đừng qua mặt ta, mọi việc vẫn phải theo ý ta, ta không cần tới bọn sĩ phu kiêu ngạo ấy. Ông ăn phải bả phản loạn của họ, hay chính cô công chúa nhà Lê xúi giục ông? Không! Ta truyền lệnh: Đêm mai rút đi, hãy lặng yên để đám sĩ phu cùng công chúa Ngọc Hân ở lại. Trò đùa vợ chồng ấy tới đây kết thúc được rồi!

Nguyễn Huệ: Không phải trò đùa! Ngọc Hân là vợ Huệ, nàng cũng là bậc hiền sĩ Bắc Hà cùng với các danh sĩ khác rồi sẽ giúp sự nghiệp Tây Sơn. Nàng và các danh sĩ sẽ về Thuận Hóa”.

Có thể nói, trong Ngọc Hân công chúa, Lưu Quang Vũ đã chỉ ra xung đột tư tưởng lớn của xã hội Việt Nam trong những năm 80 của thế kỷ trước một cách khéo léo. Với từng tình huống cụ thể và cách kết cấu kịch tài ba, Lưu Quang Vũ đã làm nổi bật cuộc đấu tranh tư tưởng lớn, đồng thời khẳng định, những xu hướng tư tưởng đúng đắn của thời đại tất yếu sẽ chiến thắng.

_______________

1. Phương Lựu chủ biên, Lý luận văn học, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2006, tr.401.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 394, tháng 4-2017

Tác giả : PHAN TRỌNG THÀNH

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *