Nghi lễ trong gia đình người tày ở cao bằng


1. Nghi lễ thờ cúng tổ tiên, thờ các vị thần trong gia đình

Theo quan niệm dân gian, ông, bà, cha, mẹ sau khi chết thì linh hồn vẫn tồn tại ở trên mường trời, do vậy con cháu phải lập bàn thờ để thờ cúng trong nhà, hàng năm phải cúng giỗ, mời tổ tiên về chứng giám, phù hộ. Người Tày tuân thủ tục thờ cúng tổ tiên theo hệ 9 đời (cửu tộc). 4 đời: Pò – Mè, Cung – Me, Chỏ, Chung (bố – mẹ, ông – bà, cụ, kỵ) được thờ chung trên bàn thờ, gọi là tổ tiên. Họ thờ cúng tổ tiên vào các dịp giỗ, sinh nhật, tết Nguyên đán, các lễ tết trong năm. Người Tày còn có tục làm lễ trả nợ tổ tiên một vài dịp trong đời, nhất là khi gia đình có ốm đau, chết, làm ăn không yên ổn, gặp hoạn nạn.

Bên cạnh việc thờ cúng tổ tiên, trong gia đình người Tày còn có các gian thờ. Phật bà Quan Âm, Hắc Hổ Huyền Đàn là 2 vị thần rất linh thiêng, có thể giúp gia đình trừ được ma tà, yêu ma; bà mụ (Hoa Vương Thánh Mẫu) là vị thần cai quản việc sinh nở, nuôi dạy, bảo vệ trẻ em; Táo quân (thần bếp, thần 3 hòn đá, vỏ sầu) là vị thần bảo vệ người, gia súc, quản lý hộ khẩu, trông coi các công việc lớn nhỏ trong nhà; tổ sư nghề thày cúng trong các gia đình (thày tào, bà then).

2. Nghi lễ liên quan đến sản xuất

Một trong những nghi lễ quan trọng nhất liên quan đến canh tác nông nghiệp của đồng bào Tày là hội lồng tồng (xuống đồng). Các làng bản của người Tày đều tổ chức hội lồng tồng vào tháng giêng, tuy không nhất loạt vào 1 ngày. Lễ lồng tồng thường tổ chức ở ngoài cánh đồng. Sau nghi thức cúng các thần linh, nhất là thần nông, người ta bày cỗ cúng thần rồi cùng ăn uống. Có nơi trước kia còn làm hình nộm thần nông bằng rơm đặt ở giữa ruộng, các gia đình mang lễ tới cúng, bón thức ăn cho thần. Có nơi có tục cày luống cày đầu tiên. Ngoài ra còn có các trò chơi ném còn, kéo co, chọi gà, hát giao duyên…

Hát giao duyên trong dịp mùa xuân cũng là phong tục liên quan tới quan niệm phồn thực, tức là sự giao hòa âm – dương sẽ tác động tới vũ trụ, trời đất tạo ra mưa thuận gió hòa, mùa màng, súc vật sinh sôi phát triển. Các hình thức sli, lượn rất phổ biến ở vùng của người Tày.

Lễ cơm mới cũng là một nghi lễ nằm trong hệ thống lễ nghi nông nghiệp. Nghi lễ này làm vào dịp mở đầu vụ thu hoạch lúa sớm, khoảng rằm tháng 8 âm lịch. Đó là lễ đón mừng thu hoạch, tạ ơn tổ tiên, thần linh đã phù hộ cho mùa màng bội thu.

Cũng vào dịp này, người ta còn tổ chức hội cốm, các gia đình luân phiên làm cốm để cúng, mời bà con cùng làng bản tới ăn uống vui vẻ.

3. Nghi lễ theo chu kỳ thời gian

Tết Nguyên đán: mở đầu cho một năm, mở đầu cho thời vụ gieo trồng xuân – hè. Tết chỉ tập trung mấy ngày chính bắt đầu từ 30 tháng chạp đến mồng 2, mồng 3 tháng giêng, nhưng nghi lễ này lại kéo dài trong cả tháng giêng. Do vậy mà có tục ngày mùng 1 đến mùng 3 là tết lớn, còn ngày 30 tháng giêng là tết nhỏ. Đây là nghi thức mừng mở đầu năm mới, để thờ cúng, tưởng nhớ tổ tiên. Nên việc chuẩn bị tết cơ bản là sắm sửa bàn thờ, các lễ vật thờ cúng tổ tiên. Người Tày quan niệm rằng tổ tiên trú ngụ ở thiên đình, đến ngày tết thì con cháu mời tổ tiên về trần gian cùng ăn tết. Người ta sắm sửa quần áo mới, lễ vật, các món ăn ngon, các loại bánh: bánh chưng, bánh giò, ngũ vị, chè lam, khẩu si, sa cao, thúc théc… để cúng.

Tết Thanh Minh (vào ngày 3 – 3 âm lịch): là dịp để mọi người tảo mộ tổ tiên, sắm sửa lễ vật mang đi để cúng ở ngoài mộ. Lễ vật gồm có thịt lợn quay, bánh dày lá ngải, xôi nhuộm màu tím lá cẩm, các màu đỏ, xanh bằng các thứ lá khác. Các thứ đồ lễ bày đặt lên mộ đã dọn sạch cỏ, đặc biệt còn cắm một cây tiền bằng giấy, đốt vàng mã cho tổ tiên.

Tết Đoan Ngọ (vào ngày 5 – 5 âm lịch) – diệt sâu bọ: trong quan niệm dân gian vào dịp đầu tháng 5, khí dương rất mạnh, loài sâu bọ trong người đều quay đầu trở lên và quấy quả tìm ăn, loài sâu bọ ngoài da thì sinh sôi gây ra bệnh rôm sẩy, ngứa lở. Do vậy phải diệt chúng bằng cách ăn một số thức ăn như rượu nếp, bánh gio, một số hoa quả chua, phải tắm lá ké đầu ngựa, kim ngân…, trẻ con thì phải đeo túi bột hồng hoàng, bọc ngón tay màu đỏ bằng lá cây. Đây cũng là dịp người làm nghề thuốc đi hái lá thuốc, nhất là lá ngải để làm thuốc châm cứu.

Lễ cúng thần ruộng, thần trâu (vào ngày 6  – 6 âm lịch): là dịp công việc cày bừa, cấy hái đã tạm xong. Công việc trước mắt là chăm sóc lúa, cầu trời mưa thuận gió hòa. Người ta sửa lễ xôi gà để cúng thần nông, ở ngoài ruộng cắm đầy những mảnh giấy trắng nhuốm tiết gà hay tiết chó, tức là dùng đồ uế tạp để xua đuổi ma quỷ đến phá hoại mùa màng. Đây cũng là dịp cúng thu vía trâu. Sáng sớm mồng 6 – 6 âm lịch, chủ nhà làm lễ cúng thần nông, để thần trả lại vía cho trâu, phù hộ cho trâu khoẻ mạnh, đủ sức canh tác vụ sau.

Rằm tháng 7: là tết lớn thứ 2 của người Tày ở Cao Bằng. Theo quan niệm dân gian, ngày 14 – 7 là ngày vua trên thiên đình thả tất cả linh hồn người chết xuống trần để đi chơi, kiếm ăn. Do vậy, ngày đó không làm lễ thì tổ tiên bị đói, các vong linh đói sẽ quấy phá người sống. Đây cũng là dịp con cháu làm lễ cúng báo đưa vong hồn đã đủ thời gian quy tiên từ nơi thờ riêng ở phía thấp, lên bàn thờ tổ tiên.

Tết Trung thu (rằm tháng 8): là lễ mừng trăng, có nơi cũng là tết cơm mới, vừa của trẻ con, vừa của người lớn. Người ta làm nhiều món ăn đặc biệt như bánh trung thu, xôi trám đen, thịt gà, vịt… Một số nơi còn có tục ăn cá gỏi vào dịp này. Trẻ em ăn bánh, múa hát, người già ăn uống, ngắm trăng để đoán thời tiết, vận hạn năm tới.

Tết cơm mới (tháng 9, tháng 10 âm lịch): là lúc người ta hái lúa nếp non về giã cốm. Phong tục làm cốm đã trở thành nếp sinh hoạt cộng đồng. Nhà nào cũng làm cốm mời cả làng bản tới ăn, cứ thế lần lượt hết nhà này tới nhà khác, thông qua nghi lễ thắt chặt thêm tinh thần cố kết cộng đồng. Đây cũng là dịp vui chơi giải trí của nam, nữ thanh niên. Họ vừa ăn uống vui vẻ, vừa thay nhau từng cặp trai gái ra dùng chày giã vào loóng (máng gỗ giã thóc, giã cốm) theo nhịp điệu, tạo nên không khí náo nhiệt, tươi vui. Sau khi thu hoạch xong, các gia đình làm cơm mới, bánh dày cúng tổ tiên, Phật bà Quan Âm. Cũng vào dịp này, người ta làm nhiều món ăn độc đáo vừa để dâng cúng thần linh vừa để thưởng thức sau mùa thu hoạch. Đó là phong tục nấu xôi gấc, xôi trám đen, xôi bộng ong, xôi vừng…


 Lễ cưới của người Tày Cao Bằng. Ảnh Việt Hoàn 

4. Nghi lễ sinh đẻ, chăm sóc, nuôi dạy con cái

Ở dân tộc Tày, mục đích của hôn nhân là sinh đẻ con cái, đặc biệt là sinh con trai để có người nối dõi tông đường, thờ phụng tổ tiên.

Sau khi cưới, cô dâu vẫn ở nhà bố mẹ đẻ cho đến khi có bầu thì mới đón về ở hẳn bên nhà chồng. Khi cô dâu có bầu đến tháng thứ 3, tháng thứ 8, ở hầu khắp các vùng người Tày đều tổ chức lễ cầu va (lễ cúng bà mụ) để báo tin mừng cho bà mụ, vừa để cầu mong bà ban thêm phúc lành cho cô dâu, để có đủ sức khỏe, khi đẻ mọi sự như ý.

Trong xã hội xưa kia, người Tày trong thời gian sinh nở, kiêng khách lạ đến gần, trừ bà đỡ giúp sản phụ. Bà đỡ cắt rốn bằng cật tre hoặc cật nứa, tắm rửa cho đứa trẻ bằng nước lá bưởi, lá chanh hoặc cây bjoóc klao đun sôi để nguội, quấn tã bằng quần áo cũ của bà mẹ để đứa bé chóng quen với hơi hướng của người mẹ.

Khi đứa trẻ sinh ra được 3 ngày phải làm lễ báo bà mụ, vừa để tạ ơn, vừa để cầu xin bà giúp đỡ, chăm sóc cho khoẻ mạnh, chóng lớn, hạnh phúc. Chủ nhà mời bà then làm lễ cúng. Người ta gọi lễ này là lễ siam nâư. Sáng hôm sau, bà then cúng lập bàn thờ mụ cho đứa bé. Theo thông lệ, khi sinh con gái đầu lòng thì bà ngoại mang thịt lợn, gà, gạo nếp, ống hương, hoa giấy… sang nhà con rể làm bàn thờ mụ cho cháu. Trong 1 tháng đầu thì mẹ hay bà nội của cháu bé hàng tối thắp hương, khấn cầu bà mụ 1 lần. Vào những dịp lễ tết, bao giờ người ta cũng thịt con gà để thắp hương bà mụ với mong muốn bà luôn phù hộ các con trong gia đình.

Lễ đầy tháng tuổi, tùy theo khả năng kinh tế của gia đình mà tổ chức to hay nhỏ. Chủ nhà mời đón bà then về làm lễ cầu an, giải hạn, cầu mong phù hộ đứa bé ngoan ngoãn, hay ăn chóng lớn. Cuối buổi lễ, bà then buộc một sợi chỉ ngũ sắc vào cổ tay đứa bé, với ý nghĩa là dây bùa hộ mệnh. Sản phụ được đi chơi, gọi là đi bán tháng, thường về bên ngoại. Người ta bắt đầu cắt tóc cho đứa trẻ, không quên gói số tóc cắt ra mang cất giấu kỹ, nếu không thì dễ bị người khác dùng để chài yểm, làm hại đứa bé.

Người Tày thường có 2 lần đặt tên, tên nọi được đặt vào dịp lễ đầy tháng, tên quan khi đứa trẻ đến tuổi trưởng thành, là tên dùng chính thức trong khai sinh, giấy tờ, giao tiếp với xã hội bên ngoài. Trong gia đình, làng bản thường ngày hay khi chết, khi dùng trong cúng bái tổ tiên đều sử dụng tên nọi. Không những đặt tên tránh tên trùng với người còn sống mà cả tên người đã quá cố, tức những tên của tổ tiên nói chung.

Việc chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ nhỏ của người Tày trước đây còn khá đơn giản. Ngoài nguồn sữa mẹ ra, đứa trẻ chỉ được nuôi dưỡng bằng cơm do mẹ mớm hàng ngày. Người Tày rất thương yêu con trẻ, ít khi mắng chửi hay đánh con, con cái được chiều chuộng, dạy bảo, khuyên nhủ nhẹ nhàng bằng lời đẹp ý hay, phẩm giá con người được coi trọng.

5. Nghi lễ tang ma

Khâm liệm: thày tào làm phép lấy nước rửa mặt cho người chết rồi mới liệm. Sau đó, người ta dùng vải trắng quấn quanh thi thể. Nếu là nam thì quấn 7 vòng, nếu là nữ thì quấn 9 vòng. Mỗi vòng đều có thắt nút, số nút cũng trùng với con số 7 hoặc 9.

Nhập quan: không chỉ liên quan đến người chết mà còn ảnh hưởng tới cả người sống, vì thế thày tào bao giờ cũng phải xem xét kỹ giờ nhập quan, tránh giờ kỵ, giờ khắc, giờ tam sát; phải xem lại ngày chết có phải ngày hung hay không. Nếu chết ngày lành mà sẵn có áo quan, vải liệm thì làm thủ tục nhập quan ngay. Nếu chết vào ngày hung, ngày kỵ thì phải chờ qua nửa đêm, tức là phải sang ngày mới để tiến hành. Thày tào vào làm lễ trước bàn thờ để phục hồn cho người quá cố, cầu xin các thiên quan xét cho linh hồn được mở mắt khai quan, cho biết đường về thế giới cõi âm, cấp giấy thông hành ra đi cho người chết. Vào giờ thích hợp, thày tào tay cầm kiếm, nín thở gõ 3 tiếng vào áo quan, niệm câu: nhân hồn xuất, tử hồn nhập, nghĩa là hồn người đi ra, hồn chết nhập vào.

Lễ dâng đèn hoa cho người quá cố được tiến hành vào đầu hôm ngày thứ nhất. Người nhà phải chuẩn bị 7 cái đèn hay 7 cây nến nếu là nam, 9 cái đèn hay 9 cây nến nếu là nữ. Các đèn được phân chia ra các vị trí sau: 1 đèn đặt giữa quan tài, 4 đèn 4 góc, 1 đèn chủ tang đặt trên ghế gần quan tài, 1 đèn đặt trên sàn gần gầm quan tài. Thày tào phù phép, đọc bài điệu tẻn tâng, lần lượt châm lửa vào từng chiếc đèn theo hướng đông – tây – nam – bắc. Những cây đèn này không được tắt, nhất là cây đèn tang chủ cấm kỵ tuyệt đối, sáng mãi cho đến khi đưa ma.

Thụ tang: là nghi thức trao áo xô để mặc, trao gậy để chống khi hành lễ. Lễ vật gồm một mâm lễ có thủ lợn hoặc 2-3 con gà, xôi, bánh kẹo, rượu đặt trước vong linh. Lễ này do thày tào chủ trì. Con trai áo trắng, khăn tang, đội mũ 3 dây, con gái, các con dâu mặc áo trắng, lộn trái, thả tóc, đội mũ chào mào có 2 dải thòng xuống phía sau. Đây là lúc chính thức phát tang.

Dâng cơm sớm chiều: vào những bữa trưa, bữa chiều, gia đình có một mâm cơm để cúng. Trên mâm gồm thịt gà hay thịt lợn, bát cơm, đôi đũa, chè, rượu…, đặt ở phía chân quan tài, thắp hương mời linh hồn về thượng hưởng, được thực hiện dưới sự chủ trì của thày tào. Mỗi lần dâng lễ, thày tào lại đọc bài ca kể công lao của người quá cố. Các con trai, con gái, con dâu lần lượt rót rượu mời linh hồn, bái lạy 3 lần.

Xiên đàn phá ngục: nghi lễ được tiến hành trên một bãi đất bằng phẳng ngoài bản với mục đích là giải thoát hồn ma khỏi địa ngục của diêm vương. Thày tào đứng trước bàn thờ khấn chiêu gọi các hồn tập trung tại bát gạo. Khi đã kiểm đủ số hồn vía của người chết, thày tào tay cầm gươm, chân quấn xà cạp đỏ cùng các đồ đệ nhảy múa trong tiếng vang lừng, nhộn nhịp của chiêng trống, thanh la náo bạt như 1 đoàn quân oai hùng, vượt qua những đoạn đường đầy chông gai, đi xuống địa ngục tìm kiếm linh hồn khắp 4 phương 8 hướng. Con cháu người quá cố thu lấy tấm vải vây quanh, căng rộng trên đầu làm thành chiếc cầu tượng trưng, rước hồn ma người quá cố về nhà. Tại cửa ra vào nhà, gia nhân đã chuẩn bị 1 mâm, trên đặt bình rượu, 1 vài cái chén, 1 vài bộ quần áo giấy, 1 cái gương, 1 cái lược, 1 chậu nước rửa mặt bên cạnh.

Lễ khai quang (mở mắt cho người chết): trước bài vị, thày tào cầm cành phan, viết ngoáy các chữ nhật nguyệt tinh quang vào bài vị, đồng thời đọc lời phù chú: phụng thỉnh như lai, điểm khai la thiên nhãn, địa nhãn, đạo nhãn, pháp nhãn, lục nhãn tùng quang minh.

Lễ thành phục: là lễ tổng hợp linh đình nhất trước ngày đưa đám do thày lễ chủ trì. Tang chủ bày đặt trước linh cữu 1 con lợn đã mổ, nằm sấp, xoè 4 chân, 1 mâm chay (bánh, kẹo), 1 mâm giấy vàng mã. Thày lễ đọc lại gia phả của gia đình người quá cố, đọc điếu văn của những người thân thích. Theo tục lệ con gái đã đi lấy chồng, cháu gái gần của người quá cố đều có dâng lễ vật hiến tế.

Lễ tiễn biệt đưa hồn người chết về trời: được diễn ra vào tối hôm trước ngày đưa đám. Mâm lễ là thủ lợn vẫn đặt nguyên trước bàn thờ bài vị. Các con cháu đều quỳ trước vong linh. Thày tào làm lễ khấn các thần linh trên trời, trong trần gian mở cửa, mời tiên ông, tiên bà mở cửa để đón linh hồn người chết về với tổ tiên.

Lễ tiễn thần thánh: bằng những lời cầu khẩn phù chú, thày tào đưa tiễn những thiên tướng trở về nơi ở cũ trên mường trời. Sau đó, thu hết bát hương ở bàn thờ phía trên, gấp lại các tranh thánh, chỉ còn mâm thờ với 3 bát hương của thày tào.

Lễ đưa ma: được tổ chức vào sáng sớm ngày hôm sau. Đến giờ xuất hành, thày yểm vào nắm gạo rồi hắt ra cửa, ra ngoài cửa cắt tiết một con gà trống rồi hất ra theo hướng đường đi để mở cửa ải cho vong linh, như vậy, con gà thành vật dẫn đường. Trước khi quan tài được khiêng ra khỏi cửa nhà, thày tào còn làm phép thu hết hồn người chết ra bãi tha ma để khỏi lảng vảng trong nhà, sợ quấy rầy cuộc sống của người sống. Khi quan tài được đưa ra khỏi cửa, từ cửa nhà đến cổng làng, các con trai phải 3 lần phủ phục để làm cầu cho quan tài khiêng lướt quan. Mỗi lần như vậy, những người phủ phục đều phải trở mình quay lại theo hướng về nhà. Khi ra khỏi cổng làng, các con trai lại phủ phục 3 lần nữa, nhưng các lần này quay mặt theo hướng ra phía trước, theo hướng đi ra mộ. Đi đầu đám tang là một người vác trên vai bó đuốc đã châm lửa rực cháy, gọi là chỉ dẫn đường. Tiếp theo là gánh lễ (gồm xôi, thủ lợn, hương vàng) do 1 gái làng gánh. Gánh lễ này dùng vào việc tế sơn thần giúp coi mồ mả, rồi tiếp là thày tào, con cháu, họ hàng thân thích, làng xóm láng giềng của người quá cố.

Lễ hạ huyệt: tại nghĩa địa, thày tào làm phép, làm lễ thả xuống huyệt một con gà trống để an sơn thần, rồi tự nó bay lên bờ. Người ta khiêng quan tài đặt lên miệng huyệt, rồi dòng dây từ từ hạ xuống, điều chỉnh quan tài đúng hướng, đúng phân kín. Thày tào bỏ nắm đất xuống đầu tiên, rồi con cháu các thành viên trong gia đình nắm một nắm đất bỏ qua vai cho vào huyệt. Việc chôn cất xong, tang chủ đốt nhà táng, các bọc quần áo tư trang của người quá cố. Khi ra về, thày tào bẻ 3 cành lá xanh đặt lên trên mộ với hàm ý trả lại màu xanh cho mảnh đất này, qua lời phù chú phép thuật thu lại hồn ma người chết tại mộ khỏi đi lang thang làm hại người sống. Sau khi chôn cất xong, gia đình lập một bàn thờ riêng, trên đặt một ngôi nhà nhỏ đan bằng trúc dán giấy, có bài vị hay ảnh của người quá cố, bát hương để thờ người quá cố, cúng cơm sớm tối trong năm đầu. Sau khi mãn tang mới xóa bỏ bàn thờ này, đưa linh hồn nhập vào thờ chung trên bàn thờ tổ tiên.

Lễ mở cửa mộ: sau 3 hôm, tang chủ mời thày tào tới làm lễmở cửa mộ, mục đích báo cho sơn thần biết để đón người chết nhập hộ. Người ta sửa sang mộ phần, làm nhà che chắn cho mộ, để lại mộ một đống lửa. Thày tào làm phép thu hồn cho người sống trước lúc ra về.

Để tang, lễ thức sau đám tang: theo tục lệ, con cháu phải làm 3 lần lễ chuộc hồn cho người chết vào các dịp 40 ngày, 100 ngày, lễ giỗ 1 năm, 3 năm đoạn tang. Lễ vật cúng dịp 40 ngày chỉ có mâm cúng gồm 1 con gà, đĩa xôi, bánh trái, vài bộ quần áo, mũ khăn, không mời thày tào mà gia đình tự cúng vái. Lễ cúng 100 ngày tổ chức cũng đơn giản, lễ vật thờ cúng, khách mời cũng như lễ 40 ngày. Lễ giỗ 1 năm: mâm lễ vật cúng gồm có thủ lợn, gà, bánh dày, dùng giấy màu cắt quần áo, khăn mũ, chăn màn…, khi cúng xong, đốt cho người chết. Lễ mãn tang: người nhà phải mời thày tào giúp lo liệu thờ cúng. Trước đây thì thày tào nào đã phụ trách chủ trì đám ma thì mời thày tào đó. Lễ vật gồm thủ lợn, gà, xôi, bánh dày… dâng cúng, dùng giấy màu cắt thành quần áo, hình ngựa, hình nhân, mũ nón, chăn màn… để cúng xong đốt áo cho người chết. Lễ này cúng trong cả buổi chiều đến 8 – 9 giờ đêm. Sau khi cúng xong, con cháu lạy tạ, bài vị được mang đi đốt cùng quần áo giấy. Quần áo tang của con cháu mang đi hơ lửa. Đến đây coi như đoạn tang.

Những điều cấm kỵ trong tang ma: áo quan không được đóng đinh sắt, trong áo quan không được để lẫn một mẩu kim loại nào, tro lót áo quan phải được sàng sảy kỹ lưỡng, cúc áo bạc, châm cài đầu, răng vàng, răng bạc khi liệm phải tháo bỏ… Trong khi thi hài còn để trong nhà, những người trong gia đình không được ăn bún, những bộ phận bên trong con vật, bầu, bí…

Sau khi đưa đám tang xong, cần kiêng kỵ: nằm trên sàn hay nền nhà, không được nằm trên giường trong 40 ngày; cắt tóc, cạo râu… trong 40 ngày; sinh hoạt vợ chồng khi chưa qua 100 ngày; vào nhà ai phải bỏ khăn tang ra; chưa mãn tang không được tổ chức cưới xin cho con cái; sau 3 năm mới được tảo mộ, không được cuốc xới đất quanh đó.

Phường phe: một đám tang cần nhiều người phục dịch, tiền của chi dùng, vì thế những người cùng làng bản, những bản gần nhau đã tổ chức lại thành phường phe, có nguyên tắc, mục đích sinh hoạt, có quy định về kết nạp hội viên, định rõ nghĩa vụ, quyền lợi của hội viên.

Ngày đầu lễ tang, thủ quỹ thu lễ góp của các phường phe viên theo quy định chung, giúp chủ nhà như gạo, rượu, tiền… Đến ngày đưa đám, các thành viên cùng ghé vai khiêng quan tài, nhà táng, minh tinh từ từ đưa ra phần mộ, hạ huyệt, đắp mộ chu đáo, đốt nhà táng, minh tinh, tiền vàng. Đám lễ kết thúc, trùm trưởng cử người gánh lễ vật, đưa thày tào ra về chu tất. Đây là tính nhân văn tốt đẹp của phường phe trong đời sống của người Tày ở Cao Bằng.

Các nghi lễ trong gia đình của người Tày ở Cao Bằng đáp ứng được nhu cầu tâm linh của đồng bào, dân dã mà sâu sắc, sinh động mà quy củ, đơn giản mà bền vững, là sự tưởng nhớ những người có công trong việc tạo lập cuộc sống ngày nay trong mỗi gia đình, làng bản. Đây là nét đẹp trong văn hóa của người Tày ở Cao Bằng, rất cần được bảo lưu, gìn giữ.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 384, tháng 6-2016

Tác giả : NÔNG ANH NGA

2/5 - (2 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *