Nghi thức lễ cưới truyền thống của người Khmer


Đối với người Khmer, lễ cưới là một sự kiện quan trọng nhất của đời người. Những chàng trai, cô gái dân tộc Khmer đến tuổi trưởng thành đều được tự do tìm hiểu nhau, nhưng để đi đến hôn nhân thì họ phải trải qua nhiều nghi lễ, tập tục truyền thống. Trong đó, nghi thức lễ cưới thể hiện nhiều nét đẹp văn hóa của đồng bào Khmer.

Quang cảnh cô dâu và họ nhà gái cùng ông Mà ha rước chú rể vào nhà
 

Trong cộng đồng người Khmer, các vị Achar là những người có uy tín trong họ tộc, có gia đình hạnh phúc và am hiểu phong tục, tập quán của dân tộc mình. Mở đầu lễ cưới, hai vị Achar đại diện cho hai gia đình sẽ thay nhau đối đáp. Cuộc đối đáp diễn ra trong không khí trang nghiêm với sự chứng kiến của đại diện người thân, họ hàng hai bên. Đây cũng là nghi lễ đầu tiên của đám cưới. Trong lễ này, ngày tháng tổ chức lễ cưới được hai họ thống nhất với nhau. Đối với người Khmer, hôn lễ phải trải qua 3 bước: bà mối chạm ngõ, lễ dạm ngõ (những lễ này nhà trai phải mang sang nhà gái), sau đó lễ cưới được tổ chức bên nhà gái – nhà gái chịu mọi phí tổn cho lễ cưới. Lễ cưới diễn ra có vai trò của các nhà sư. Trong lễ cưới, người Khmer thường làm các loại bánh như: bánh gừng (num khanhây); bánh nặn hình cánh quạt (num neang nok som bok chop), bánh ổ chim… được xếp đặt lên khay, đặt trước bàn thờ Phật trong nhà. Chú rể, cô dâu trong trang phục truyền thống lộng lẫy, quỳ bên gối vuông, khom lưng chắp tay vái nhà sư  cùng các vị Achar đang tụng kinh cầu phúc cho họ.

Theo phong tục của người Khmer Nam Bộ nói chung, lễ cưới truyền thống luôn mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, bao gồm nhiều nghi thức. Trong đó, cô dâu và chú rể sử dụng khá nhiều trang phục, trang sức rất độc đáo như: sà rông, khăn, áo, vòng vàng, vòng bạc, mâm, hoa cau, kéo cắt tóc, dù, cây ba chỉa, lộng, gươm… Buổi sáng, khi chú rể sang nhà cô dâu, người ta tổ chức một đám rước và hát “Bài Khon”, chú rể trong trang phục chẳng khác gì nhà vua, cô dâu phục sức như một hoàng hậu. Trong đoàn nhà trai đem lễ vật sang bên nhà gái (rất đông), có dàn nhạc đi theo. Theo quy định, nhà gái hôm ấy rào kín cổng, ý nói lên rằng bên nhà gái có cô dâu còn trinh tiết. Khi đoàn nhà trai vừa tới cổng, hai vị Pàle, Mà ha (chủ lễ), hai nhân vật đại diện cho nhà trai và nhà gái sẽ diễn cảnh xin được phép mở cửa rào. Nhà trai bắt đầu hát mở lời xa gần, nào là chuyện xin đất làm nhà, nào là chuyện xin múc nước giếng, dựng cột kèo, mở rộng vách nhà… để tìm cớ vào nhà. Nhà gái vẫn khăng khăng từ chối. Gặp cảnh này, nhà trai bèn nhờ ông Mà ha rút dao ra múa điệu “múa mở rào” trông rất đẹp mắt. Nhà gái thấy phục tài mới mở cửa rào cho nhà trai nhập gia. Lễ cưới bắt đầu nhộn nhịp, dàn nhạc trỗi lên, mọi người cùng hát “Bài Khon chon đăy”, lời hát vui giục giã mẹ cô dâu cùng cô con gái ra cửa đón nhà trai, mời nhà trai vào. Khi tất cả đã ổn định, chú rể được người nhà của cô dâu đưa đi vái nhà ông Tà, xin ông Tà nhận chú rể là thành viên mới của phum sóc. Sau đó, diễn ra lễ “Cắt tóc” – lễ này cũng diễn ra trong không gian, nhạc lễ đầy ắp vui tươi, đầm ấm, tha thiết.

Vào đêm đám cưới, gia đình có mời ông lục tụng kinh, chúc phúc cho đôi trai gái, sau khi ông lục tụng kinh xong, nghi thức tiếp theo là trò “quét chiếu”. Hai chiếc chiếu một úp, một ngửa: nhà gái mang trầu cau ra mời mọi người, nhà trai múa hát và giũ vàng bạc bọc trong chiếc khăn đỏ ra chiếu, tỏ ý mong muốn đôi vợ chồng sau này ăn nên làm ra. Những lời ca tụng và bài hát cứ trỗi lên, với màn hát đối đáp, hai bên nhà trai và nhà gái ngồi trên chiếc chiếu trải ở giữa. Thời khắc dàn nhạc tấu bài “Cuộc rước lớn” thì nghi thức “cắt hoa cau” cũng bắt đầu. Mọi người vây quanh cô dâu, chú rể tiến hành lễ buộc tay bằng những sợi chỉ hồng tẩm hương thơm; sau nghi thức, chú rể cầm đuôi áo cô dâu đi vào phòng hoa chúc. Đến rạng sáng, cô dâu mới được đưa ra lạy mặt trời để đón nhận sức mạnh của vầng dương – điều này thể hiện niềm tin vào hạnh phúc, sự sinh sôi nảy nở của tình yêu và cuộc sống của đôi vợ chồng trẻ. Đám cưới mở ra bằng “lễ cột tay”, với hình ảnh chỉ hồng cột tay cô dâu, chú rể. Buổi lễ được điểm xuyết bằng những âm thanh, tiết tấu và giai điệu du dương của bài hát lễ cột tay. Nhiều người đến chúc phúc, bài hát lại càng tha thiết với những lời hát cứ được lặp đi, lặp lại. Sau lễ cột tay, người ta cho đôi vợ chồng vào buồng tân hôn. Vợ đi trước, chồng đi sau nắm vạt áo của vợ, y như hoàng tử Thông nắm vạt áo công chúa Rắn đi xuống thủy cung trong truyền thuyết của người Khmer.

Ông Mà ha chúc phúc cho cô dâu, chú rể
 

Họ nhà trai chuẩn bị sang nhà gái
 

Xong thủ tục trên, đôi trai gái thay y phục ra ngoài chào đón khách. Tiếp đó, là lễ “Cuốn chiếu” – lễ này do ông Mà ha thực hiện. Đôi chiếu được người nhà trai mang đi tới đi lui, nhiều lượt rồi mới trải ra. Ông Mà ha múa, miệng luôn hát: “Ai mua chiếu không”? Không có tiếng trả lời, buổi lễ lắng lại, ông Mà ha lại nói: Ai chuộc chiếu này sẽ có uy thế lớn và sẽ giàu có, đông con. Nghe tới câu ấy, cặp mắt chú rể sáng lên, vội chạy đến ông Mà ha xin chuộc chiếu. Thấy cảnh đó, mọi người bèn đến vây quanh, hoan hô chú rể, họ không tiếc lời chúc tụng, vì chú rể đã có suy nghĩ và việc làm đúng. Khi chú rể chuộc được chiếu, người sinh thành cô dâu mời hai người phụ nữ đức hạnh, gia đình khá giả, hạnh phúc vào trải chiếu cưới. Góp vui trong lễ cuốn chiếu, bà con lối xóm và họ hàng vừa nhập tiệc vui vẻ, vừa tham gia văn nghệ qua những bài hát đối đáp (Ayay) nam – nữ. Suốt lễ cưới, không khí lúc nào cũng sôi nổi, rộn ràng, song cũng không kém phần thân thiết, ấm áp. Những bài ca dân gian nói về tình yêu chân thật, thiết tha làm lòng người không khỏi bâng khuâng, xao xuyến. Thời khắc cuộc vui sắp tàn, người ta hát bài “Tiễn khách ra về”. Sau cùng là lễ “Chung giường”, diễn ra vào buổi tối. Đôi tân hôn chia nhau các thức ăn đã cúng tổ tiên, đút chuối, chia nước dừa cho nhau, vợ vào trước, chồng theo sau. Sau khi dặn dò cách nằm ngủ, thể hiện sự tôn trọng nhau, người lớn bước ra ngoài. Lễ cưới đã xong, lời ca điệu múa cũng khép lại.

Ngày nay, nghi thức lễ cưới của người Khmer vẫn mang nét truyền thống của dân tộc, song cũng có nhiều đổi mới do quá trình cộng cư và giao lưu văn hóa với các dân tộc khác trong vùng. Những chi tiết rườm rà đã được bỏ đi. Thay vì tổ chức ba ngày như trước kia, người Khmer chỉ tổ chức trong vòng có một ngày và các lễ tiết không cần thiết cũng được lược bỏ, chỉ giữ lại những nghi lễ chính nhưng vẫn giữ được nét đặc trưng văn hóa của người Khmer Nam Bộ. Điều đáng nói là một số gia đình theo truyền thống vẫn giữ được nếp xưa. Trong lễ cưới, âm điệu thiết tha của những bài hát cưới vẫn vang lên đầm ấm, thiết tha, ngọt ngào. 

 

SÓC CA

Nguồn: Tạp chí VHNT số 477, tháng 10-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *