Nghĩ về hai bài hát Mẹ tôi


Không khó để tìm kiếm thông tin về những ca khúc nhạc Việt sống cùng thời gian có cùng chung một tên gọi. Trong bài viết này chúng tôi đề cập tới hai ca khúc có trùng tên gọi Mẹ tôi. Một của Nhạc sĩ Trần Tiến, một do Nhạc sĩ Phú Quang phổ thơ Hồng Thanh Quang. Cả hai đều rất nổi tiếng, viết về hình ảnh mẹ nói riêng, rộng hơn nữa là hình ảnh người phụ nữ Việt Nam.

Mẹ ơi con đã già rồi

Mẹ tôi của nhạc sĩ Trần Tiến chinh phục người nghe ngay từ câu hát đầu tiên: “Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con”. Và rồi những hình ảnh ngôi nhà thân thương gắn với tuổi thơ bỗng hiện ra: “Mẹ ơi con đã già rồi con ngồi ngơ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa/ Ngày xưa cha ngồi uống rượu, mẹ ngồi đan áo/ Ngoài kia, mùa đông cây bàng lá đổ”.

Ca khúc Mẹ tôi của nhạc sĩ Trần Tiến chinh phục người nghe ngay từ câu hát đầu tiên

Cuộc đời vốn là thế, cho dẫu trên đường đời ta có trở thành điều gì to tát lắm, một nhà chính khách, một ông giám đốc, một người thành công được xã hội trọng vọng, kính nể thì có một điều không thể thay thế, đó là mẹ mãi là mẹ. Và với mẹ, ta vẫn mãi là một người con. Điều đó sẽ thật thấm thía khi người con cũng đã bước tới lứa tuổi tóc hoa râm, đủ để ngấm và đúc kết được rằng: “Mẹ ơi! Thế giới mênh mông, mênh mông không bằng nhà mình” và rằng: “Dù cho phú quý vinh quang, vinh quang không bằng có mẹ”. Để rồi bàng hoàng: “Ngàn năm mây trắng bay theo, mẹ ơi mẹ về đâu?” Và rồi những điều thiêng liêng không còn hiện hữu trước mắt nhưng vẫn còn hiện hữu trong tâm hồn với: “Tuổi thơ như chiếc gối êm” để “cho tuổi già úp mặt”.

Cái khiến ta cảm nhận được mỗi nhớ mẹ đến da diết đó chính là hai từ “mẹ ơi” được xuất hiện ngay từ câu mở đầu. Ở đây, nó tựa như tiếng gọi mẹ được bật trào trong tiếng lòng của người con vút vào thinh không. Hai từ “mẹ ơi” này như chất liệu chính xuất hiện liên tục cho đến cuối bài nó như sợi chỉ, như một chất gắn kết làm nổi bật lên nội dung duy nhất: mẹ, quê hương trong sự hoài niệm khiến cho nỗi nhớ càng trở nên khắc khoải.

Thầm gọi mẹ ơi!

Không đưa người nghe vào thế giới của tuổi thơ với cả một khung trời ngập tràn kỷ niệm bên gia đình nhỏ yên ấm có mẹ, có cha, có chị có em, nghèo nhưng mà ấm áp như trong ca khúc của Trần Tiến, dù cũng là một lời tự sự của người con dành cho mẹ nhưng ca khúc cùng tên Mẹ tôi của nhạc Phú Quang được phổ nhạc dựa trên bài thơ của nhà thơ Hồng Thanh Quang lại là một không gian khác.

“Mẹ là người đầu tiên/ là người đàn bà mãi mãi/ không bao giờ phản bội, ngay cả khi con ngu dại một đời”, ngay từ những câu hát đầu tiên giai điệu đã bay vút lên cao và tiết tấu dường như chạy thật nhanh vừa tạo sự hối thúc, giục giã vừa như lời khẳng định ở ngay vế sau của ca khúc. Ở ca khúc Mẹ tôi này, có cảm nhận lời tự sự của người con được bắt đầu khi đã đi cả một hành trình dài của cuộc đời, đã trải qua những va vấp, đã có những hạnh phúc, cũng đã có những đắng cay, đã có những người phụ nữ đi qua cuộc đời, người con trai của mẹ khi đã trở thành người đàn ông trưởng thành mới nhìn thấy một chân lý bất biến đó.

Và rồi cũng như người con của Trần Tiến, và như tất cả những người con trên thế giới này, khi nghĩ về mẹ là ký ức ngày xưa lại trở về. Với Phú Quang và Hồng Thanh Quang là “còn mãi với con lời ru ngày xưa ấy” và “còn mãi với con vòng tay mẹ âu yếm”. Sự xuất hiện liên tục gần nhau của hai cụm từ “còn mãi với con” là có chủ ý. Nó như một thủ pháp góp phần nhấn mạnh, khẳng định thêm điều tác giả muốn khẳng định.

Cũng là hành trình trưởng thành của những người con, mải miết đi tìm chính mình trên đường đời và rồi, tới thời điểm mọi thứ đã đạt được, nhìn lại hóa ra tất cả đều không quan trọng bằng một điều, đó là mẹ. Để rồi những lời ca được thổ lộ: “Bây giờ mỏi cánh phiêu du, con tìm về chốn cũ”, nhưng rồi chính người con cũng phải chấp nhận một sự thật không gì bù đắp được đó là: “Bây giờ mẹ đã khuất xa, chỉ còn gặp trong giấc mơ”. Thật là một sự xót xa đan xen lẫn sự hối tiếc về quãng thời gian đã xa cùng một tình yêu vô bờ bến đối với mẹ. Việc tác giả sử dụng hai nét nhạc có hướng đi tương đối giống nhau cùng với sử dụng sự lặp lại ca từ “bây giờ” ở hai đầu nét nhạc càng tôn thêm sự khắc khoải mong nhớ.

Và để rồi, cho tới nét nhạc cuối cùng của bài hát giai điệu lại được vút lên cao với hình thái tương đối giống với nét giai điệu mở đầu bài tạo được sự bật trào cảm xúc: “Để từng chiều lại nghe, lòng cồn cào thương nhớ, con thầm gọi: mẹ ơi, mẹ ơi!”.

Tương đồng và khác biệt

Thực ra giữa hai ca khúc cùng tên Mẹ tôi có những điểm tương đồng và lại có những điểm khác biệt. Nếu như cả hai cùng là lời tự sự của người con đã trưởng thành dành cho mẹ với một tình yêu vô bờ bến pha chút hối tiếc thì sự khác biệt ở không gian âm nhạc. Với Mẹ tôi của nhạc sĩ Trần Tiến mở ra một không gian như bức tranh tả lại ngôi nhà và cuộc sống xưa của gia đình người con thì Mẹ tôi của nhạc sĩ Phú Quang và nhà thơ Hồng Thanh Quang có không gian khép kín hơn, nó đơn tuần là cả một thế giới hoài niệm của người con dành cho người mẹ thân yêu của mình.

Cả hai ca khúc đều sử dụng thủ pháp nhắc lại lời ca nhằm nhấn mạnh nội dung ca khúc cần truyền tải. Cùng với đó là giai điệu của từng câu nhạc, tiết nhạc hay được nhắc lại tạo tính ổn định cho ca khúc. Tuy nhiên mỗi ca khúc lại có cách khai thác khác nhau. Chẳng hạn trong ca khúc của Trần Tiến, từ Mẹ tôi được lặp đi lặp lại nhiều lần xuyên suốt tác phẩm thì trong ca khúc của Phú Quang – Hồng Thanh Quang thủ pháp lặp từ được diễn ra ở quy mô nhỏ hơn, với hai lần điệp từ, trong đó mỗi lần chỉ nhắc lại phần lời ca một lần duy nhất. Hai từ “mẹ ơi” đều có vị trí quan trọng trong cả hai ca khúc nhưng được khai thác khác nhau. Với ca khúc của Trần Tiến nó xuất hiện ở ngay mở đầu bài thì trong ca khúc còn lại phải tới cuối bài mới xuất hiện, nhưng lại xuất hiện liên tiếp hai lần.

Về bố cục ca khúc cũng có những thú vị ở hai ca khúc này. Cùng truyền tải tinh thần, nội dung về mẹ và cùng mang tính chất trữ tình, nhưng Mẹ tôi của Trần Tiến có phần triển khai giai điệu tương đối thuận chiều, thường thấy trong nhiều ca khúc Việt Nam, đó là giai điệu có xu hướng cao dần lên và được sáng tác trong bố cục hai đoạn nhạc. Đoạn đầu mang tính trình bày, giai điệu chủ yếu bắt đầu ở âm khu trung và thấp, sang đến đoạn hai là cao trào của tác phẩm giai điệu khai thác ở âm khu cao tạo sự bùng nổ cảm xúc.

Với ca khúc Mẹ tôi của Phú Quang – Hồng Thanh Quang cả bố cục và giai điệu đều hết sức đặc biệt, nhất là giai điệu có vẻ đi ngược lại so với hầu hết những ca khúc Việt Nam khác. Nếu chia ca khúc thành 3 giai đoạn thì Mẹ tôi được mở đầu bằng giai điệu ở âm vực cao, sang giai đoạn thứ hai được triển khai ở âm khu thấp, rồi nét giai điệu đầu tiên ở âm khu cao được xuất hiện trở lại ở giai đoạn 3. Như vậy thay vì từ thấp đến cao như thông thường thì ở đây là cao, thấp rồi lại cao. Trong khi đó, cấu trúc của ca khúc cũng khá đặc biệt, nó chỉ dừng lại ở cấu trúc một đoạn gồm 3 câu nhạc, mỗi câu tương ứng với một giai đoạn mà chúng tôi vừa nhắc tới ở trên.

Sống mãi với thời gian

Tất nhiên, chẳng phải giới thiệu dài dòng, chỉ cần nhắc đến cái tên Mẹ tôi thôi, hầu hết trong số chúng ta ai cũng biết tới hai ca khúc rất nổi tiếng, một của nhạc sĩ Trần Tiến và một của nhạc sĩ Phú Quang. Không chỉ thế, hầu hết chúng ta đều có thể cất lên những lời ca trong cả hai ca khúc Mẹ tôi này. Cả hai ca khúc đều ngập tràn tình cảm của người con đã trưởng thành dành cho mẹ của mình. Cả hai đều mang tính chất trữ tình tự sự. Khi những giai điệu vang lên, cả hai ca khúc đều không khó để có thể lấy được nước mắt của những người con.

Ca sĩ Tùng Dương và Trần Thu Hà thể hiện ấn tượng ca khúc Mẹ tôi của nhạc sĩ Trần Tiến

Tại sao lại như vậy? Đơn giản thôi, bởi vì ai trong số chúng ta chẳng có mẹ. Ai trong số chúng ta chẳng trải qua tuổi thơ chứng kiến sự vất vả lam lũ, sự hy sinh của mẹ dành cho con. Ai trong số chúng ta rồi cũng phải lớn, phải bươn trải với cuộc đời mà đôi khi vô tình thành vô tâm không để ý đến những nếp nhăn trên trán mẹ ngày càng nhiều, lưng mẹ ngày càng gù đi và đôi chân dần chậm chạp. Ai trong số chúng ta chẳng không như mất đi thứ quý giá, thiêng liêng nhất cuộc đời nếu một ngày kia mẹ chợt rời xa chúng ta mãi mãi.

Song, điều cơ bản nhất, tất cả chúng ta đều nhìn thấy được hình ảnh đó, thông qua hai ca khúc cùng có tên gọi Mẹ tôi. Hay nói cách khác, ca khúc như nói lên chính tâm hồn của người con (ở đây là người nghe) dành cho mẹ thân yêu của mình. Dẫu có nhiều điểm chung nhưng hai ca khúc lại khai thác những khía cạnh hoàn toàn khác biệt, không thể trộn lẫn.

Với những giá trị cả về nội dung ca từ cũng như chất liệu âm nhạc chứa đựng trong ca khúc, cả Mẹ tôi của nhạc sĩ Trần Tiến và Mẹ tôi của nhạc sĩ Phú Quang, Hồng Thanh Quang sẽ còn sống mãi với thời gian.

NGUYỄN QUANG LONG

Nguồn: Tạp chí VHNT số 475, tháng 9-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *