Nghiên cứu văn hóa gia đình người dao

Dưới tác động của du lịch cùng quá trình giao lưu, tiếp biến văn hóa, sự xuất hiện của một loạt các loại hình kinh doanh dịch vụ mới đã và đang làm cho xã hội người Dao ở nhiều vùng phát triển du lịch có những biến đổi mạnh mẽ. Các yếu tố văn hóa truyền thống tốt đẹp được củng cố, bên cạnh đó cũng xuất hiện nhiều yếu tố văn hóa mới. Trong những năm gần đây, đã xuất hiện nhiều công trình nghiên cứu về người Dao. Tuy chưa nghiên cứu chuyên khảo nhưng một số công trình đã đề cập đến văn hóa gia đình người Dao từ các khía cạnh khác nhau. Gia đình và văn hóa gia đình đã được đề cập sơ lược như một thành tố văn hóa tộc người trong các công trình có tính chất khái quát về người Dao.


         1. Nghiên cứu về người Dao và gia đình người Dao ở Trung Quốc

         Người Dao cư trú ở nhiều quốc gia trên thế giới, nhưng đông nhất là tại Trung Quốc, nên những nghiên cứu về dân tộc này đã đạt nhiều thành tựu. Tính đến đầu TK XXI, các học giả Trung Quốc đã công bố 243 công trình nghiên cứu, sưu tầm về người Dao (1). Chỉ trong thập niên đầu TK XXI, tỉnh Quảng Tây và Vân Nam đã xuất bản 17 công trình tiêu biểu nghiên cứu về người Dao. Tuy nhiên, trong số đó lại có rất ít công trình nghiên cứu về gia đình và văn hóa gia đình người Dao. Các tác phẩm mang tính dân tộc chí như Dao tộc của Hoàng Ngọc và Hoàng Phương Bình, Lịch sử văn hóa dân tộc Dao của Từ Tổ Tường, Bàn về văn hóa truyền thống dân tộc Dao của Hoàng Đình Quang, Văn hóa truyền thống dân tộc Dao của Tạ Minh Học và Ngọc Thời Giai, Phong tục chí dân tộc Dao của Lưu Bào Nguyên… chỉ đề cập đến gia đình người Dao ở mức độ miêu tả, sơ lược, ít nói đến sự biến đổi của gia đình và văn hóa gia đình.

         Các chuyên khảo như Dân tộc Dao thôn Bàn của Hồ Khởi Vọng và Phạm Hồng Quý, Xã hội người Dao quần trắng của Ngọc Thời Giai, Tộc người Dao Lam Điền ở thôn Na Hồng của Hoàng Quý Quyền, Văn hóa lịch sử người Dao đỏ của Túc Vệ Hồng đã đề cập nhiều đến nguồn gốc lịch sử, dân số, kinh tế, văn hóa của các ngành Dao, nhưng cũng nêu một cách rất sơ lược về tổ chức và văn hóa gia đình. Một số nghiên cứu những năm gần đây ở Trung Quốc đã bắt đầu quan tâm đến biến đổi kinh tế, xã hội của người Dao. Tuy nhiên, các công trình nghiên cứu về biến đổi của người Dao mang tính bao quát chung ở Trung Quốc như Lịch sử văn hóa dân tộc Dao và hiện đại hóa của Mao Thù Phàm, Sự thay đổi của văn hóa dân tộc Dao của Ngọc Thời Giai… chỉ đề cập tới gia đình ở mức độ sơ lược, như một số biến đổi về cấu trúc, chức năng, một vài yếu tố trong quan hệ.

         Bên cạnh các công trình nghiên cứu chung về người Dao, đã xuất hiện nhiều chuyên khảo có đề cập đến biến đổi gia đình như: Sự thay đổi thôn Bàn của Quách Duy Lợi, Thôn xóm hài hòa ở vùng núi Đại Thạch: Sự thay đổi về kinh tế, xã hội, văn hóa người Dao Bố Nỗ ở Quảng Tây của Đàm Chủ Nguyên, Sự thay đổi của người Dao Hoa Lam của Phụng Hằng Cao, Sự chuyển dịch mưu sinh và sự thay đổi về văn hóa ở các thôn xóm người Dao của Trần Hồng Tăng… Các công trình có đề cập đến biến đổi của gia đình và văn hóa gia đình, nhưng chủ yếu là về chức năng, cấu trúc. Vấn đề quan hệ gia đình cũng được một số tác phẩm đề cập, nhưng văn hóa gia đình và biến đổi văn hóa gia đình chưa được nghiên cứu, hoặc chỉ mới ở mức độ gợi mở.

         Một vấn đề liên quan đến gia đình người Dao cũng được nhiều học giả quan tâm là hôn nhân tộc người. Tiêu biểu là chuyên khảo Phong tục yêu đương, hôn nhân người Dao Trung Quốc của Lý Triệu Long và Quá Trúc, đã nghiên cứu khá sâu sắc, toàn diện các phong tục, tập quán yêu đương, hôn nhân của các nhóm Dao ở Trung Quốc nói chung. Tiếp sau công trình này, nhiều bài nghiên cứu về tập quán và biến đổi hôn nhân của người Dao ở các địa phương khác nhau đã được công bố trên các tạp chí chuyên ngành như: Sự phát triển biến đổi hôn nhân nguyên thủy người Dao của Hoàng Phương Bình đăng Nghiên cứu dân tộc Quảng Tây, Hai bia đá liên quan đến chế độ hôn nhân dân tộc Dao của Đàm Đình Sinh đăng Nghiên cứu dân tộc Quý Châu, Từ gà không lấy vịt đến thông hôn tộc tế – phân tích nguyên nhân thay đổi tập tục nội hôn dân tộc dao Đại Dao Sơn của Lương Mậu Xuân đăng Nghiên cứu dân tộc Quảng Tây, Dân tộc Dao – tập tục hôn nhân kỳ lạ độc đáo đăng Khoa kỹ phong, Bên trong và mở rộng: ảnh hưởng của lao động ra ngoài làm việc đối với thông hôn trong vòng tròn của người Dao – lấy đồn L huyện Điền Đông Quảng Tây làm ví dụ của Vĩ Mỹ Thần đăng Học báo học viện dân tộc Quảng Tây

         Người Dao ở Trung Quốc (qua những công trình nghiên cứu của các học giả Trung Quốc) của Diệp Đình Hoa là công trình mang tính tổng hợp, hệ thống hóa lại quá trình nghiên cứu về người Dao ở Trung Quốc. Công trình đã trình bày yếu tố văn hóa vật chất, phong tục tập quán, văn hóa và cơ cấu xã hội. Tác giả đã dành ra một mục để trình bày khái quát về cấu trúc và một số phong tục tập quán liên quan đến gia đình.

         Công trình nghiên cứu điểm Tộc Dao thôn Điền của Hoàng Quý Quyền cũng dành một chương để bàn về hôn nhân và gia đình của người Dao. Trong công trình, gia đình được tác giả đặt trong mối nhân quan với nhà. Việc trình bày không gian nhà cửa đã phần nào phản ánh về quan hệ giữa gia đình với tổ tiên, với thế giới thần linh, thể hiện cái nhìn của người Dao về khái niệm gia đình.

         Nghiên cứu về gia đình mang tính chuyên khảo có Phương thức sinh hoạt gia đình của người Dao hiện nay ở vùng Nam Hồ Nam – Bắc Quảng Tây của Tôn Thu Vân hay Luận Dao tộc truyền thống văn hóa của Diêu Thuấn, Trung Quốc thiểu số dân tộc biên tả tổ của tập thể tác giả. Các công trình này nghiên cứu khá sâu về phương thức sinh hoạt gia đình truyền thống và một số thay đổi hiện nay, đề cập cụ thể đến vấn đề cấu trúc, quy mô, hôn nhân gia đình. Tuy nhiên, vấn đề văn hóa gia đình và những biến đổi của nó chưa được nghiên cứu sâu.

         Qua phân tích, có thể thấy số lượng công trình nghiên cứu về người Dao rất phong phú. Vấn đề gia đình, văn hóa gia đình đã được đề cập đến trong một số công trình nghiên cứu chung về người Dao ở Trung Quốc và công trình nghiên cứu điểm ở những chiều cạnh như cấu trúc, quan hệ, các yếu tố văn hóa, một cách sơ lược, mang tính chất gợi mở. Tuy nhiên, số lượng công trình chuyên khảo nghiên cứu về gia đình, văn hóa gia đình người Dao khá ít ỏi, chưa sâu sắc và toàn diện. Đặc biệt, vấn đề biến đổi văn hóa gia đình người Dao ở vùng du lịch chưa được đề cập tới. Đây vẫn còn là một khoảng trống trong nghiên cứu về gia đình người Dao ở Trung Quốc.

         2. Nghiên cứu về gia đình và văn hóa gia đình người Dao ở Việt Nam

         Cuối TK XIX, đầu TK XX, thực dân Pháp chiếm đóng ở vùng nào cũng đều tổ chức viết địa chí vùng đó. Trong những tài liệu về địa chí, các tác giả có đề cập vài nét về địa bàn cư trú của người Dao. Sau này, A.Bônifacy xuất bản một loạt công trình về người Dao như Mán Quần cộc, Mán Quần trắng, Mán chàm hoặc Lam Điền, Mán tiểu bản hay đeo tiền… Đây có thể coi là những công trình nghiên cứu đầu tiên của học giả phương Tây về người Dao ở Việt Nam. Các nghiên cứu của A.Bônifacy đã miêu tả sinh động về trang phục, nhà cửa, kinh tế, tổ chức xã hội, văn học, nghệ thuật, tôn giáo tín ngưỡng của người Dao. Tác giả có đề cập tới gia đình người Dao nhưng hết sức sơ lược, chủ yếu là nói về cơ cấu gia đình và tục nhận con nuôi.

            Từ những năm 50 TKXX đến nay, tổng số công trình viết về người Dao ở Việt Nam khá nhiều. Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, đã có hơn 200 công trình sách, bài báo viết về người Dao đăng trên tạp chí chuyên ngành. Gia đình và văn hóa gia đình của người Dao được đề cập đến trong nhiều tác phẩm ở các chiều cạnh khác nhau như: cấu trúc, các quan hệ ứng xử, phong tục, tập quán, nghi lễ, giá trị… nhưng còn ở mức sơ lược. Số công trình viết về gia đình người Dao chiếm tỷ lệ rất nhỏ, chưa có chuyên khảo nghiên cứu về văn hóa gia đình và biến đổi văn hóa gia đình người Dao.

         Các quan hệ và ứng xử trong gia đình người Dao được đề cập trong nhiều công trình nghiên cứu. Tuy giữa các nhóm ngành Dao khác nhau và người Dao ở các địa phương khác nhau có đặc điểm riêng, nhưng cấu trúc, quan hệ gia đình truyền thống được phản ánh trong công trình Người Dao ở Việt Nam của tập thể tác giả Bế Viết Đẳng, Nguyễn Khắc Tụng, Nông Trung, Nguyễn Nam Tiến là cơ bản, tương đối thống nhất. Đây là công trình nghiên cứu toàn diện về mọi mặt đời sống văn hóa, kinh tế của người Dao thời kỳ trước đổi mới. Vấn đề gia đình và văn hóa gia đình cũng được trình bày ở các mặt cấu trúc, quan hệ, phân công lao động và một số phong tục như nhận con nuôi, tập quán hôn nhân.

         Theo các nghiên cứu, gia đình người Dao là gia đình nhỏ, phụ hệ, gồm có một cặp vợ chồng, các con và có thể có thêm ông, bà. Chủ gia đình thường là người cha, có vai trò lớn nhất trong sản xuất, thờ cúng tổ tiên, quan hệ với người ngoài. Mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình chịu sự chi phối mạnh mẽ của tính chất phụ hệ và thứ bậc. Sự phân công lao động trong gia đình theo giới và theo lứa tuổi. Đàn ông thường làm những công việc nặng, phụ nữ và trẻ em làm công việc nhẹ. Tuy nhiên, ngoài công việc đồng áng, người phụ nữ phải gánh vác các công việc gia đình như chăm sóc con cái, thêu thùa may vá, chăn nuôi,… nên địa vị của họ trong gia đình được coi trọng. Tuy nhiên, người đàn ông vẫn đóng vai trò trụ cột trong việc sản xuất, kiến thiết nhà cửa, quan hệ xã hội. Về cơ bản, quan hệ gia đình người Dao truyền thống có nhiều điểm tương đồng với người Dao ở Trung Quốc.

         Nghiên cứu về phong tục, tập quán, nghi lễ liên quan đến gia đình là chủ đề thu hút sự quan tâm nghiên cứu của nhiều học giả, với số lượng công trình phong phú. Tín ngưỡng, phong tục thờ cúng tổ tiên của gia đình người Dao đã được đề cập khá nhiều trong các nghiên cứu dân tộc chí, văn hóa dân gian về người Dao. Có một số ít công trình đi sâu nghiên cứu chỉ riêng vấn đề này, tiêu biểu là Một số hình thức thờ cúng và tết trong gia đình người Dao Tiền ở tỉnh Bắc Kạn của Lý Hành Sơn. Tác giả đã giới thiệu một số hình thức thờ cúng và tết trong gia đình người Dao Tiền ở Ba Bể, Bắc Kạn như cúng ma bếp, cúng ma thổ công, lễ cấp sắc, lễ tết trong gia đình như tết Nguyên đán, tết thanh minh, tết tháng 5 âm lịch, tết tháng 7 âm lịch, lễ cúng cơm mới, cúng hồn lúa. Ngoài ra, tín ngưỡng gia đình cũng được chọn làm chủ đề nghiên cứu của đề tài, khóa luận, ví dụ như Tín ngưỡng dân gian của người Dao ở huyện Sìn Hồ, tỉnh Lai Châu của Tẩn Lao U. Tác giả đã tìm hiểu tổng thể các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội của người Dao, sự thể hiện tín ngưỡng dân gian qua các mặt nông nghiệp, thờ cúng tổ tiên, sinh hoạt lễ hội cộng đồng…

         Các nghi lễ, phong tục tập quán theo chu kỳ đời người của người Dao như trong sinh đẻ, nuôi con, nghi lễ trưởng thành (cấp sắc), cưới xin, tang ma cũng trở thành đề tài được nhiều tác giả nghiên cứu. Bên cạnh các công trình mang tính tổng hợp về các nghi lễ, phong tục tập quán theo chu kỳ đời người có liên quan đến gia đình, thì một số nghiên cứu lại đi sâu vào một trong những yếu tố trên.

         Nghiên cứu về tập tục sinh đẻ, chăm sóc sức khỏe và nghi lễ liên quan đến việc sinh đẻ có: Chăm sóc sức khỏe bà mẹ và trẻ em người Dao ở xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ của Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Tập quán trong sinh đẻ và nuôi dạy trẻ nhỏ của người Dao xã Tu Lý, huyện Đà Bắc tỉnh Hòa Bình của Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Tập quán sinh đẻ và nuôi dạy con cái của người Dao với việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em hiện nay ở xã Thượng Yên Công, thị xã Uông Bí, Quảng Ninh của Nguyễn Đình Hiếu. Bên cạnh những công trình nghiên cứu về tập tục sinh đẻ, nuôi dạy con cái thì vấn đề văn hóa người Dao với kế hoạch hóa gia đình cũng được đề cập trong nghiên cứu của Trần Minh Hằng, Đào Huy Khuê. Những ghi chép về tập tục sinh đẻ và nuôi dạy con cái trong các nghiên cứu này cũng thể hiện văn hóa gia đình người Dao ở các phương diện văn hóa sinh đẻ, nuôi dưỡng, giáo dục con cái.

         Nghiên cứu về phong tục cưới xin của người Dao, tiêu biểu có công trình của tác giả Trần Hữu Sơn viết về đám cưới người Dao Tuyển. Ngoài việc miêu tả các nghi lễ, tác giả đã phân tích một số thành tố nghệ thuật như âm nhạc, trang trí, thơ ca đám cưới của nhóm Dao Tuyển. Bên cạnh đó, có một số công trình nghiên cứu đã gắn vấn đề tìm hiểu hôn nhân với gia đình như: Tìm hiểu hôn nhân và gia đình của người Dao ở xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng của Vũ Thị Hồng, Đào Quang Vinh, Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Hôn nhân và gia đình của người Dao ở xã Yên Lạc, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng của Đào Quang Vinh… Một số nghiên cứu đã đề cập đến biến đổi hôn nhân và gia đình người Dao như: Hôn nhân và gia đình của người Dao Quần Chẹt – Truyền thống và biến đổi (nghiên cứu trường hợp ở xóm Mạ, xã Tu Lý, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình) của Vũ Tuyết Lan, Nghi lễ hôn nhân của người Dao di cư thôn Hợp Thành, xã Ea Mdroh, huyện C M’gar, tỉnh Đăk Lăk của Lê Thị Thỏa. Các công trình đã tìm hiểu một số đặc điểm chủ yếu trong hôn nhân, gia đình, tập tục, nghi lễ liên quan đến hôn nhân, gia đình và sự biến đổi của nó trong tình hình hiện nay. Bên cạnh các tập tục trong sinh đẻ, cưới xin thì tục cấp sắc và tang ma cũng có một số nghiên cứu mang tính chuyên sâu như Lễ cấp sắc của người Dao Lô Gang của Phan Ngọc Khuê, Nghi lễ ma chay của người Dao Đỏ ở xã Bản Qua, huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai của Hà Thị Thuận.

         Bên cạnh đó, một số tác giả lại đề cập đến văn hóa gia đình trong các nghiên cứu về phân bố không gian mặt bằng nhà ở. Tiêu biểu trong số đó là nghiên cứu của Phạm Minh Phúc, Chu Quang Cường… Các công trình đều nghiên cứu phân bố không gian mặt bằng sinh hoạt, cách thức tổ chức không gian sinh hoạt trong gia đình để tìm hiểu các mối quan hệ trong gia đình và xã hội, chỉ ra những biến đổi của các mối quan hệ gia đình được phản ánh qua cách thức tổ chức không gian mặt bằng nhà ở.

         Các giá trị gia đình cũng là một phần của văn hóa gia đình người Dao. Đó là những truyền thống, chuẩn mực văn hóa được coi là tốt đẹp, giàu tính nhân văn. Cho đến nay, chưa có chuyên khảo nghiên cứu về vấn đề này, nhưng giá trị gia đình người Dao cũng được đề cập đến trong các nghiên cứu chung và nghiên cứu điểm về văn hóa tộc người này. Ngay từ công trình chuyên khảo đầu tiên về người Dao ở Việt Nam, các giá trị gia đình truyền thống đã đề cập. Gia đình người Dao là phụ hệ nhưng không phải gia trưởng hoàn toàn mà tương đối bình đẳng. Các thành viên trong gia đình thương yêu đùm bọc lẫn nhau không phân biệt con trai, con gái hay con đẻ, con nuôi. Quan hệ vợ chồng hòa thuận, bố mẹ ít đánh mắng con cái. Gia đình người Dao có truyền thống giáo dục con cái, đề cao việc học hành. Ngay từ nhỏ, các bé trai đã được cho đi học chữ Dao, các bé gái theo mẹ học thêu thùa, may vá. Người Dao có một kho tàng sách cổ phong phú, trong đó các bài ca giáo lý răn dạy lẽ sống cho con người chiếm một số lượng lớn. Tác giả Trần Hữu Sơn đã nghiên cứu và tập hợp thành cuốn sách Những bài ca giáo lý. Trong số đó có nhiều bài răn dạy đạo làm con phải tròn chữ hiếu, vợ chồng phải hòa thuận… Đó là những chuẩn mực, giá trị đạo đức gia đình tốt đẹp còn nguyên giá trị trong gia đình người Dao đến nay.

            3. Một số vấn đề đặt ra

            Gia đình là một thiết chế văn hóa đặc thù, được coi là tế bào của xã hội. Cũng giống như nhiều thiết chế văn hóa khác, văn hóa gia đình người Dao đang chịu nhiều tác động của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Quá trình toàn cầu hóa, giao lưu, tiếp biến văn hóa đã và đang tạo nên những biến đổi đa chiều cho gia đình người Dao. Đặc biệt, trong bối cảnh du lịch đang phát triển mạnh mẽ ở các vùng người dân tộc thiểu số như hiện nay thì vấn đề nghiên cứu văn hóa gia đình và sự biến đổi của nó trong mối quan hệ tương tác với du lịch là đòi hỏi cấp thiết mà thực tiễn đặt ra. Các mối quan hệ trong gia đình đang ngày càng lỏng lẻo, sự giáo dục của cha mẹ đối với con cái bị hạn chế, nhiều nghi lễ đã bị đơn giản hóa, các giá trị chuẩn mực đang biến đổi, hiện tượng trẻ em bỏ đi lang thang với khách du lịch xuất hiện ngày càng nhiều.

         Trong những thập kỷ qua, vấn đề nghiên cứu về người Dao ở Việt Nam và trên thế giới đã đạt được nhiều thành tựu. Tuy nhiên, những nghiên cứu về gia đình và văn hóa gia đình người Dao chiếm tỷ lệ rất ít ỏi, đặc biệt là không có nghiên cứu trong bối cảnh toàn cầu hóa, trong mối tương quan với phát triển du lịch. Đây sẽ là chủ đề hấp dẫn cho các nhà nghiên cứu khai thác, bổ sung hệ thống lý luận cũng như cơ sở thực tiễn cho bức tranh toàn cảnh về văn hóa dân tộc Dao trong bối cảnh mới.

         _______________

         1. Diệp Đình Hoa, Người Dao ở Trung Quốc (qua những công trình nghiên cứu của các học giả Trung Quốc), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 2002.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 382, tháng 4-2016

Tác giả : VŨ THỊ TRANG

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *