Các giá trị văn hóa là tài sản của từng quốc gia, dân tộc đóng góp cho sự phát triển chung của nhân loại và cũng là những nhân tố nội tại để mỗi quốc gia, dân tộc chấn hưng đất nước, vùng lãnh thổ của mình. Chính hệ thống các giá trị văn hóa truyền thống đã hình thành nên dân tộc Việt Nam và góp phần tạo nên vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế như hôm nay. Văn hóa là hòa bình. Dùng văn hóa để tạo sức mạnh, sự hòa hợp và hiểu biết giữa các quốc gia, dân tộc. Đồng thời để dẫn hướng, tạo điều kiện cần thiết cho việc thực hiện mục tiêu đối ngoại, quan hệ với quốc tế thời bình là một chiến lược mang tính phổ quát của nhiều quốc gia trên thế giới, góp phần mang lại sự kết nối, sức mạnh cũng như bản sắc nền ngoại giao của mỗi nước. Nói cách khác, ngoại giao văn hóa đã và đang là một chính sách quan trọng trong quan hệ quốc tế của các quốc gia, nhằm đảm bảo nền hòa bình, nâng cao vị thế của dân tộc, đất nước.
Ngày 28-12-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, trong bài phát biểu tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương, đã đánh giá: “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín như hiện nay”. “Cơ đồ” này trước hết là nhờ vào những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được về ổn định chính trị, an ninh, phát triển kinh tế, cải thiện đời sống của nhân dân. Đây đồng thời là thành tựu của sự kết hợp hài hòa, hiệu quả giữa chính sách đối nội và đối ngoại cũng như việc thực hiện nhất quán, thành công đường lối đa dạng hóa, đa phương hóa trong quan hệ quốc tế với ba trụ cột chính sách: ngoại giao kinh tế, ngoại giao chính trị và ngoại giao văn hóa.
Thực tiễn phát triển đất nước trong thời gian qua đã khẳng định vị thế quan trọng của đường lối ngoại giao văn hóa. “Nếu như những thành tựu về duy trì tốc độ phát triển kinh tế, tăng dự trữ ngân sách, tăng thu nhập đầu người, hiện đại hóa quốc phòng… là những chỉ số “cứng” tạo nên “cơ đồ, tiềm lực” cho quốc gia thì những giá trị văn hóa, truyền thống, tư tưởng, triết lý của người Việt Nam được lan tỏa rộng rãi, được sự yêu mến của người dân thế giới… là những chỉ số “mềm” góp phần xây dựng hình ảnh, tạo nên “uy tín, vị thế” của đất nước” (1). Thấu suốt vấn đề này, Nghị quyết Đại hội XII của Đảng đã xác định: “Đẩy mạnh hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa – xã hội”, “Phối hợp chặt chẽ hoạt động đối ngoại của Đảng, ngoại giao nhà nước và đối ngoại nhân dân; giữa ngoại giao chính trị với ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa” (2), đảm bảo nước ta là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng (năm 2021), tiếp tục khẳng định quan điểm này trong quan hệ đối ngoại của Việt Nam ở giai đoạn tiếp theo: “Phát huy hơn nữa ngoại giao văn hóa, đóng góp thiết thực vào quảng bá mạnh mẽ hình ảnh quốc gia và tăng cường sức mạnh tổng hợp của đất nước”. Bà Tôn Nữ Thị Ninh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội, từng phát biểu: “Ngoại giao hiện nay không còn đơn giản, nó mang nhiều tầng lớp ý nghĩa hơn. Ngoại giao bây giờ không còn chỉ là những cuộc trao đổi về chính trị hay kinh tế đơn thuần, mà bao hàm nhiều lĩnh vực khác, như văn hóa, ngoại giao công chúng, truyền thông đối ngoại, quảng bá đất nước…” (3).
Trong một thế giới hội nhập mà hình ảnh của mỗi quốc gia đang ngày càng được định hình bởi nhận thức toàn cầu, nghĩa là, ở một mức độ nhất định, không còn là chúng ta tự nói mà sẽ là người khác nói về chúng ta, vị thế của một quốc gia sẽ phụ thuộc rất lớn vào việc phát huy những giá trị bản sắc của mình trong quan hệ quốc tế. Cũng bởi vậy, ngoại giao văn hóa đóng vai trò ngày càng quan trọng.
1. Ngoại giao văn hóa và sự cần thiết của chính sách này trong hội nhập quốc tế
Ngoại giao văn hóa
Ngoại giao văn hóa là một trong những bộ phận trọng yếu cấu thành chính sách và ý tưởng ngoại giao. Từ xa xưa, văn hóa đã đi vào lĩnh vực ngoại giao, bởi nó là một trong những nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến giao bang với các nước láng giềng (thường được nhìn nhận là sự giao lưu văn hóa). Nền ngoại giao của một quốc gia thường chịu ảnh hưởng không ít từ nền văn hóa dân tộc, văn hóa và kỹ năng ngoại giao của bản thân các nhà ngoại giao.
“Genscher, một trong những nhà ngoại giao thành công của nước Đức, cho rằng, chính trị cần văn hóa, bởi vì chính trị chỉ tìm thấy chính nó khi nó tự nhận ra chính mình là tiếng nói của văn hóa”. Quan điểm của ông lại càng rõ hơn: “văn hóa là điều kiện không thể thiếu tạo nên bản lai căn cước của chính trị” (4).
Đến đầu TK XXI, khi khái niệm “sức mạnh mềm” (soft power) được nhắc nhiều trong quan hệ quốc tế, ngoại giao văn hóa trở thành yếu tố quan trọng trong chính sách đối ngoại tổng thể của mỗi quốc gia. Đây cũng chính là những cơ sở ban đầu để hình thành các nghiên cứu lý luận về ngoại giao văn hóa.
S. Adebolu, thành viên Hiệp hội các nhà ngoại giao thương mại Anh, nhận định: “Ngoại giao văn hóa là một hình thức ngoại giao nhấn mạnh tới sự thừa nhận văn hóa và hiểu biết lẫn nhau như là một cơ sở của đối thoại” (5); “đây là lĩnh vực đặc biệt của hoạt động ngoại giao, liên quan đến sử dụng văn hóa như là đối tượng và phương tiện nhằm đạt được những mục tiêu cơ bản trong chính sách đối ngoại của quốc gia, tạo hình ảnh tốt đẹp của đất nước, quảng bá văn hóa và ngôn ngữ quốc gia trên thế giới” (6).
Có thể nói, ngoại giao văn hóa là tổng hòa về quan hệ văn hóa đối ngoại của Chính phủ một đất nước, hoặc nói cách khác, ngoại giao văn hóa là ngoại giao lấy văn hóa làm đối tượng và phương tiện để giúp đạt được những mục tiêu cơ bản cho chính sách đối ngoại của một quốc gia, tạo hình ảnh tốt đẹp, quảng bá văn hóa và ngôn ngữ của quốc gia trên thế giới (7); thông qua công cụ văn hóa để thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ đối ngoại nhằm đạt được các mục tiêu lợi ích cơ bản của quốc gia (8). Hiểu theo nghĩa rộng hơn, ngoại giao văn hóa có thể bao gồm cả việc giới thiệu các thành tựu khoa học kỹ thuật, nghệ thuật, khoa học xã hội, các chính sách phát triển… không chỉ của riêng quốc gia mà còn của các nhóm quốc gia hoặc tổ chức quốc tế. Vì vậy, tính chính trị của mục đích, tính văn hóa của biện pháp và tính chính phủ của chủ thể là điều kiện cấu thành tất yếu của ngoại giao văn hóa (9).
Từ những quan điểm trên, có thể nhận diện ngoại giao văn hóa là một lĩnh vực của hoạt động ngoại giao, một chính sách ngoại giao được thực hiện nhằm thiết lập, duy trì và phát triển quan hệ với Nhà nước và nhân dân các nước trên thế giới, phục vụ cho các mục tiêu cơ bản của mỗi quốc gia là an ninh, phát triển và nâng cao vị thế, mở rộng tầm ảnh hưởng quốc tế bằng việc áp dụng các hình thức văn hóa, bao gồm: lịch sử, tư tưởng, danh nhân, truyền thống văn hóa, nghệ thuật, thông tin…
Như vậy, cho dù còn nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm ngoại giao văn hóa nhưng nhìn từ góc độ tổng thể, đó là hoạt động đối ngoại mang tính chủ động, trong đó, các hệ giá trị và bản sắc văn hóa độc đáo của một dân tộc được quảng bá ở cấp độ song phương và đa phương. Đích đến của ngoại giao văn hóa là hỗ trợ cho việc bảo vệ lợi ích an ninh quốc gia, đồng thời xây dựng hình ảnh, thương hiệu quốc gia tốt đẹp ở nước khác thông qua sự giao lưu tư tưởng, trao đổi thông tin, nghệ thuật, hệ giá trị, truyền thống… và các phương diện khác của văn hóa, nhằm thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau, dành được sự ủng hộ của dư luận quốc tế và từ đó, thực thi nhiệm vụ “mở đường”, “bắc cầu” cho chính sách ngoại giao, tiếp xúc đối ngoại trực tiếp.
Bản chất, sự cần thiết của ngoại giao văn hóa trong hội nhập quốc tế
Coi trọng hòa bình, chính nghĩa là khát vọng của nhân loại. Chính sách, đường lối đối ngoại lấy văn hóa làm trọng thể hiện nền tảng triết lý, tính nhân văn và khát vọng về hòa bình, tinh thần kết giao, hợp tác, coi trọng lợi ích của mỗi dân tộc và các dân tộc khác, thể hiện sự đoàn kết quốc tế, hợp tác phát triển vì lợi ích chung của nhân loại, loài người. Đây luôn là lý tưởng, đích đến cao quý mà thế giới ngày nay đang cùng nhau vươn tới.
Vì thế, tư tưởng của ngoại giao văn hóa chính là để “hòa hợp”. Trong một thời đại mà sự giao lưu thế giới đã phát triển rộng khắp thì ý nghĩa, vai trò của “hòa hợp” lại càng lớn. Tự cường, tự lực, lấy mình làm chủ, tiếp thu cái hay của nhân loại để phát triển dân tộc, đó là điều cần thiết của tất cả các quốc gia, dân tộc. Ngoại giao văn hóa còn đem lại sự “hòa hợp” trong khả năng tổ chức, thực hiện, triển khai các vấn đề khi cần sự phối hợp/ liên kết/ hỗ trợ giữa các quốc gia, khiến cho mọi vấn đề, sự việc, con người khác nhau cùng tồn tại, phối hợp nhịp nhàng với nhau và cùng phát triển. Đây là thứ của cải quan trọng nhất của thời đại ngày nay. Quốc gia nào biết thông qua sự đồng hòa để tập hợp, tiếp nhận những ưu điểm, những tinh hoa của những quốc gia, dân tộc khác, quốc gia đó sẽ mạnh cường, vượt lên trước.
Ngoại giao văn hóa còn là cách thể hiện sự tự tin vào văn hóa dân tộc của mỗi quốc gia trong một thế giới hội nhập để tiếp thu rộng rãi văn hóa bên ngoài, làm phong phú hơn cho dân tộc mình; càng mở cửa, càng hội nhập thì càng dễ phô ra những nét đặc sắc riêng của mỗi dân tộc, quốc gia. Chính sách này còn có một tác dụng đặc biệt mà kinh tế, chính trị không có, là dễ đi vào lòng người, tạo sự cảm thông và nâng cao hiểu biết lẫn nhau khi muốn thiết lập các mối quan hệ hoặc giải quyết những vấn đề chung – riêng của mỗi quốc gia, dân tộc. Đặc biệt, trong thời đại toàn cầu hóa, việc sử dụng ngoại giao văn hóa còn là trợ lực giúp các nước tìm kiếm nguồn nhân lực, nguyên liệu, tài nguyên, mở rộng thị trường để sản xuất, tiêu thụ và xuất khẩu hàng hóa.
Như vậy, về bản chất, mỗi quốc gia lấy hòa hợp, thiện chí để mưu cầu thống nhất, thế giới lấy hòa hợp, hiểu biết lẫn nhau để mưu cầu hòa bình và hợp tác phát triển, cùng tạo nên hạnh phúc cho toàn nhân loại. Ngoại giao văn hóa chính là một hình thái cụ thể, một phương tiện để kết nối các quốc gia trong xu thế hội nhập, phát triển hiện nay. Hơn nữa, trong một thế giới “phẳng”, ngoại giao văn hóa được xem là một trong những phương thức hiệu quả của hoạt động quan hệ quốc tế ở bất cứ quốc gia nào, dù giàu hay nghèo, dù còn hay không còn phụ thuộc vào nước khác. Ngoại giao văn hóa góp phần khai thông hoặc tạo bước đột phá trong quan hệ giữa các nước, tạo điều kiện thuận lợi cho quan hệ kinh tế, chính trị và các mối quan hệ khác phát triển.
Dòng chảy hội nhập quốc tế ngày càng trở nên sâu sắc. Bên cạnh những động thái tham gia quốc tế tích cực hơn, một số nước không che giấu những tham vọng to lớn thông qua những chính sách đối ngoại mang tính toàn cầu dài hạn. Đó là lý do mà nhiều nước chuyển hướng từ ngoại giao chính trị sang chiến lược ngoại giao công chúng thông qua văn hóa đại chúng (một nhánh của ngoại giao văn hóa). Ngoại giao văn hóa trở nên hấp dẫn bằng cách thu hút sự chú ý của đại công chúng ở một hoặc nhiều quốc gia khác thông qua các chương trình truyền hình, trợ cấp cho xuất khẩu văn hóa, các chuyến giao lưu trao đổi nghệ thuật kết hợp một cách hài hòa, tinh tế giữa những yếu tố giá trị truyền thống với phong cách và trào lưu hiện đại.
2. Ngoại giao văn hóa Việt Nam trong quá trình hội nhập quốc tế
Năm 2009, Bộ Ngoại giao Việt Nam đã chính thức sử dụng khái niệm ngoại giao văn hóa và coi đây là một trong ba trụ cột, bên cạnh ngoại giao chính trị và ngoại giao kinh tế, tạo nên nền ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại. Trong chính sách ngoại giao văn hóa, các hình thức, giá trị văn hóa sẽ là chỗ dựa tinh thần bền vững cho hoạt động ngoại giao, làm áp lực, lối mở đến với các đối tác, giúp hiện thực hóa hiệu quả các chính sách chính trị, kinh tế và văn hóa quốc gia.
Chiến lược Ngoại giao Văn hóa đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 208/2011/QĐ-TTg, ngày 14-2-2011, xác định 5 hoạt động chính của ngoại giao văn hóa, bao gồm: Mở đường, khai thông quan hệ với các nước và khu vực có nhiều quan hệ với ta; Xúc tiến, tăng cường và làm sâu sắc hiểu biết với các quốc gia; Quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam trên trường quốc tế; Vận động để Việt Nam có nhiều di sản được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận; Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu bản sắc văn hóa dân tộc (10).
“Ngoại giao văn hóa không phải là một lĩnh vực riêng, không có tổ chức bộ máy riêng mà là hoạt động và nhiệm vụ chung của các tổ chức Đảng, cơ quan nhà nước, các doanh nghiệp, các địa phương, mọi người dân Việt Nam và kiều bào ta ở nước ngoài dưới sự quản lý thống nhất của Nhà nước” (11). Trong những năm qua, nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa đã được triển khai một cách chủ động, sáng tạo, có trọng tâm, trọng điểm; kết hợp chặt chẽ, nhịp nhàng với các hình thức ngoại giao khác. Việc lồng ghép chương trình ngoại giao văn hóa vào các hoạt động ngoại giao chính trị chính thức của quốc gia đã giúp làm cân bằng, giảm thiểu nhiều yếu tố phức tạp, căng thẳng trong quan hệ đối ngoại trực tiếp. Các hội nghị cấp cao, chương trình nghị sự, chuyến thăm chính thức của lãnh đạo cấp cao Việt Nam được đan xen với nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa, vừa quảng bá hình ảnh Việt Nam và vừa giúp Việt Nam thực hiện thành công các mục tiêu chính trị, kinh tế, hợp tác phát triển.
Hàng loạt các sự kiện văn hóa được tổ chức ở khắp các quốc gia, châu lục. Trên tinh thần đổi mới, Chính phủ Việt Nam, thông qua Bộ Ngoại giao, đã triển khai nhiều công tác hỗ trợ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài bảo tồn, tuyên truyền bản sắc văn hóa dân tộc. Chương trình Tuần/ Ngày Việt Nam ở nước ngoài được tổ chức, với các nội dung đa dạng về hội họa, ẩm thực, văn học, nghệ thuật truyền thống… nhân dịp kỷ niệm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao với một số nước (Pháp, Thụy Điển, Đức, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan…), góp phần thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa Việt Nam với các đối tác quan trọng và làm tăng sự hiểu biết của người dân nước ngoài về đất nước, văn hóa, con người Việt Nam.
Ngoài ra, hoạt động ngoại giao văn hóa còn được nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp, đặc biệt là Bộ VHTTDL, tích cực triển khai thông qua hàng loạt các chương trình, sự kiện trong và ngoài nước. Giờ đây, những người yêu mến Việt Nam đều biết đến ẩm thực Việt Nam qua những món ăn, đồ uống như phở, nem, bánh mỳ, món cuốn, nước mắm, cà phê sữa đá… các sản phẩm nông sản, thực phẩm như hoa quả, gạo, cá, tôm, mỳ tôm, ớt, hạt tiêu… Bên cạnh đó, nhiều sản phẩm thủ công mỹ nghệ, võ cổ truyền dân tộc, nhạc cụ truyền thống, các loại hình nghệ thuật biểu diễn độc đáo như nhã nhạc cung đình Huế, dân ca quan họ Bắc Ninh, nghệ thuật bài chòi Trung Bộ, múa rối nước ở đồng bằng Bắc Bộ, hát then của người Tày – Nùng – Thái ở vùng cao Đông Bắc, Tây Bắc…, nhiều di sản thiên nhiên tuyệt đẹp như vịnh Hạ Long, Tam Cốc – Bích Động, Tràng An, Phong Nha – Kẻ Bàng…, hệ thống các đảo, bãi biển tuyệt đẹp, ngập nắng, gió, hay các điểm du lịch đầy sắc thái bản địa như Đà Lạt, Cần Thơ, Sapa, Mai Châu, Đồng Văn…
Không thể không kể đến một hoạt động đầy ý nghĩa là việc triển khai các chương trình dạy tiếng Việt ở nước ngoài. Bên cạnh việc tuyên truyền gìn giữ tiếng Việt trong các gia đình kiều bào, việc tổ chức các câu lạc bộ dạy tiếng Việt, đưa chương trình dạy tiếng Việt vào các trường học địa phương có đông học sinh người Việt cũng được thực hiện một cách tích cực, bài bản. Hoạt động này không chỉ giúp cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài hướng về quê hương, đất nước mà còn khơi dậy niềm tự hào cho những người đang sinh sống, lao động, học tập ở các nước, giúp họ trở thành các sứ giả lan tỏa hình ảnh văn hóa, đất nước Việt Nam đến với người dân trên khắp thế giới.
Đặc biệt, nổi bật trong các hoạt động ngoại giao văn hóa ở bên ngoài là việc giới thiệu, quảng bá các triết lý, tư tưởng của người Việt Nam thông qua hình thức tôn vinh các danh nhân văn hóa của dân tộc, như Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Chu Văn An, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu và đặc biệt là danh nhân văn hóa Hồ Chí Minh. Việc tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh ở nước ngoài thông qua nhiều hình thức, như xây dựng công trình tượng, tượng đài, công viên, bảo tàng, nhà lưu niệm… mang tên Bác hay tổ chức các cuộc triển lãm, hội thảo quốc tế, xuất bản ấn phẩm, phim ảnh, sáng tác thơ, bài hát ca ngợi về cuộc đời, sự nghiệp của Người, được chính quyền, người dân sở tại tích cực hưởng ứng, điển hình là ở Madagascar, Nga, Cuba, Chile, Singapore, Ấn Độ…
Công tác truyền thông bên ngoài quốc gia được chú trọng. Hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, các hoạt động giao lưu, hợp tác, những thành tựu đổi mới được phát theo đợt, liên tục với thời lượng 3 lần/ ngày trên các kênh truyền hình quốc tế BBC, CNN. Hoạt động du lịch được Đảng, Nhà nước xác định là ngành kinh tế mũi nhọn, tạo mọi điều kiện cho công dân Việt Nam ra nước ngoài du lịch cũng như đón công dân các nước sang khám phá vẻ đẹp đất nước, con người Việt Nam, góp phần thúc đẩy giao lưu, sự hiểu biết văn hóa, phát triển kinh tế vùng, địa phương và đất nước.
Các hoạt động ngoại giao văn hóa trong nước hướng tới giới chính khách, các tổ chức quốc tế và cộng đồng người nước ngoài đang công tác và sinh sống tại Việt Nam cũng được đầu tư, tổ chức thường xuyên. Có thể kể đến một số hoạt động điển hình, như Lễ hội Hoa anh đào Nhật Bản – Hà Nội, Festival Việt – Nhật, Lễ hội Ẩm thực văn hóa Việt Nam - Hàn Quốc, Những ngày Mát-xcơ-va tại Hà Nội - 2019, tổ chức thường kỳ Cuộc thi Bắn pháo hoa quốc tế tại Đà Nẵng, Liên hoan Ẩm thực quốc tế Vũng Tàu, Festival hoa Đà Lạt, Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam hằng năm, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc Vesak 2014 và 2019… Tất cả đã góp phần định vị, “xuất khẩu” hình ảnh đất nước Việt Nam phồn thịnh, hòa bình, phát triển và hợp tác, đóng góp vào sự tiến bộ chung của thế giới.
Bên cạnh đó, ngoại giao văn hóa đã góp phần vận động thế giới công nhận nhiều danh hiệu cho đất nước. Tính đến nay, Việt Nam là nước đứng đầu khu vực ASEAN về số di sản đã được UNESCO ghi danh trên tất cả các lĩnh vực chính, gồm văn hóa, khoa học, giáo dục và thông tin, với 39 danh hiệu (12). Việc Việt Nam có thêm các danh hiệu quốc tế đã làm giàu kho tàng di sản văn hóa của nhân loại, đồng thời là sự vinh danh, quảng bá rộng lớn các giá trị văn hóa dân tộc, làm cho bạn bè quốc tế biết tới Việt Nam nhiều hơn, tạo ra nguồn lực trực tiếp, tài nguyên cho phát triển bền vững ở nhiều địa phương của đất nước.
Công tác ngoại giao văn hóa tại các tổ chức, diễn đàn khu vực và quốc tế cũng được chú trọng, thực hiện ngày càng bài bản, chuyên nghiệp hơn. Việt Nam đã chủ động, tích cực tham gia vào các tổ chức quốc tế để nâng vị thế và tầm ảnh hưởng; xây dựng và triển khai kế hoạch ứng cử vào 3 cơ quan quan trọng của UNESCO là Hội đồng Chấp hành UNESCO nhiệm kỳ 2021-2025, Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023-2027, Ủy ban liên Chính phủ về Bảo vệ Di sản văn hóa phi vật thể, nhiệm kỳ 2022-2026. Việt Nam cũng đảm nhiệm một số vị trí quan trọng tại các ủy ban chuyên môn, như Tổng Thư ký Liên hiệp các Hội UNESCO thế giới, nhiệm kỳ 2011-2015; Phó Chủ tịch Ủy ban Hải Dương học khu vực Tây Thái Bình Dương (IOC/ WESTPAC), nhiệm kỳ 2012-2015, Phó Chủ tịch Chương trình Ký ức thế giới khu vực châu Á – Thái Bình Dương (MOWCAP), nhiệm kỳ 2014-2018 và mới được bầu vào Hội đồng chấp hành UNESCO, nhiệm kỳ 2021-2025… Việt Nam còn tham gia tích cực, có trách nhiệm và hiệu quả tại các tổ chức, diễn đàn đa phương như Liên hợp quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Hội nghị Thượng đỉnh Á – Âu (ASEM), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC)…
Gần đây nhất, trong vai trò là Ủy viên không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Việt Nam đề xuất và Liên hợp quốc đã nhanh chóng thông qua “Ngày thế giới sẵn sàng phòng, chống dịch bệnh”. Việc Việt Nam tham gia vào các tổ chức quốc tế không chỉ thúc đẩy những lợi ích quốc gia mà còn đóng góp trách nhiệm vào các vấn đề lớn của thế giới theo tinh thần “nòng cốt, dẫn dắt, hòa giải” từ Chỉ thị 25 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Trong nỗ lực vươn ra toàn cầu, Việt Nam còn tích cực triển khai công tác đào tạo nâng cao trình độ, nhận thức của cán bộ làm công tác ngoại giao văn hóa để có thể “chung sống”, chủ động, tự tin hòa nhập với thế giới chung.
Có thể nói, ngoại giao văn hóa đã góp phần tạo dựng nhận thức sâu sắc trong cộng đồng quốc tế về một đất nước Việt Nam đổi mới, phát triển thành công. Hình ảnh một đất nước Việt Nam năng động, hùng cường, đang phát triển mạnh mẽ, bền vững và ổn định trong khu vực ngày càng được phủ rộng trên các phương tiện truyền thông quốc tế.
Chính sách, đường lối đối ngoại bao đời nay của Việt Nam đều thể hiện tính nhân văn và khát vọng về hòa bình, tinh thần vì chính nghĩa, coi trọng lợi ích của dân tộc mình đồng thời với lợi ích của các dân tộc khác, đoàn kết quốc tế, mưu cầu hòa bình và hợp tác phát triển, tạo nên hạnh phúc chung cho nhân loại. Là một quốc gia có vị trí địa chiến lược quan trọng, nằm trên các tuyến đường hàng hải nối kết Thái Bình Dương với Ấn Độ Dương; điểm nối châu Á với Đông Nam Á và là cửa ngõ giao thương với các nền kinh tế của khu vực và thế giới, Việt Nam luôn là tâm điểm chú ý của các nước lớn, ở cả hai khía cạnh tích cực và tiêu cực trên nhiều phương diện, trong đó có quốc phòng, an ninh. Điều này đặt ra cho công tác đối ngoại nói chung, việc xử lý mối quan hệ với các nước nói riêng, những yêu cầu mới rất cao. Nhiệm vụ của ngành ngoại giao trong giai đoạn này là chủ động “bảo vệ đất nước từ sớm, từ xa”.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng xác định: “Chủ động và tích cực hội nhập quốc tế, giải quyết tốt mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; thúc đẩy hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, linh hoạt, hiệu quả vì lợi ích quốc gia – dân tộc, bảo đảm độc lập dân tộc, tự chủ, chủ quyền quốc gia” (13), đảm bảo nước ta là bạn, là đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.
Nhìn lại diễn trình lịch sử của dân tộc, có thể thấy, chất văn hóa thấm đẫm trong tư tưởng ngoại giao của cha ông ta. Đó cũng là tư tưởng “thêm bạn, bớt thù” đậm chất nhân văn trong giao tiếp đối ngoại của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Kế thừa tinh thần ấy, Việt Nam sẽ phát huy nội lực, đề cao lợi ích dân tộc/ đất nước, triết lý nhân văn và chủ động, sáng tạo trong đối ngoại, sẵn sàng hợp tác, làm bạn, là đối tác tin cậy với tất cả các nước.
________________
1. Mai Phan Dũng, Ngoại giao văn hóa – con đường thành công mới của đối ngoại Việt Nam, baoquocte.vn, 3-9-2020.
2. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội, 2016, tr.156.
3. Phan Mích, Tâm thế mới của ngoại giao đa phương Việt Nam, baoquocte.vn, 14- 6-2020.
4. Thái Kim Lan, Đạo đức văn hóa – Khởi thủy của ngoại giao văn hóa, anydoc.me.
5. Nguyễn Thái Yên Hương, Ngoại giao văn hóa Việt Nam: Lý luận và thực tiễn thời kỳ hội nhập, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2011, tr.2.
6, 7. Bộ Ngoại giao, Ngoại giao văn hóa vì một bản sắc Việt Nam trên trường quốc tế, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2008, tr.123.
8. Đào Minh Hồng, Lê Hồng Hiệp, Sổ tay Thuật ngữ Quan hệ quốc tế, Khoa Quan hệ quốc tế, Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP.HCM, 2013.
9. Zhao Kejin, Public Diplomacy: Theory and Practice (Ngoại giao công chúng: Lý thuyết và thực tiễn), Nxb Từ Thư, Thượng Hải, 2007, tr.239.
10, 11. Quyết định số 208/QĐ-TTg, ngày 14-2-2011, của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược Ngoại giao văn hóa đến năm 2020.
12. Việt Nam là nước đứng đầu khu vực ASEAN về số lượng địa chỉ/ di sản được UNESCO ghi danh, gồm 28 di sản, thuộc các lĩnh vực di sản thiên nhiên, di sản văn hóa, di sản hỗn hợp, di sản văn hóa phi vật thể và di sản tư liệu; 3 công viên địa chất toàn cầu và 8 khu dự trữ sinh quyển thế giới. Tính đến nay, hầu hết 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam đều sở hữu với ít nhất một danh hiệu do UNESCO ghi danh.
13. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.164.
PGS, TS BÙI THANH THỦY
Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022
Bài viết cùng chủ đề:
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Chính sách văn hóa Việt Nam thời kỳ 1945 -1954 và những thành tựu
Khái lược về môi trường văn hóa và xây dựng môi trường văn hóa nơi công cộng