Ngôi nhà mới của nghệ thuật đương đại hàn quốc


Hàn Quốc đã có một bảo tàng nghệ thuật đương đại (MOCA), tọa lạc khá xa thủ đô Seoul, trên một diện tích 66.916m2, thuộc tỉnh Gyeonggi Do. Để đến được nơi này, hầu hết cư dân Seoul hoặc du khách quốc tế đều phải lên một kế hoạch đặc biệt về thời gian. Dư luận cho rằng vị trí hẻo lánh đó của MOCA phù hợp với các cơ quan nghiên cứu hơn còn bảo tàng cần phải ở những nơi trung tâm, thuận tiện cho khách tham quan. Các nghệ sĩ đương đại Hàn Quốc và giới tổ chức nghệ thuật ở đây đã nỗ lực cho một kế hoạch thay đổi tình hình trên và họ mới đạt được thành công khi có quyết định ủng hộ của chính phủ, biến một trụ sở cơ quan quân sự thành nơi đến mới của nghệ thuật đương đại Hàn Quốc.

Đó là Trụ sở Bộ tư lệnh Quốc phòng (HDSC) ở ngay trung tâm Seoul. Nhiều nghệ sĩ và những nhân vật nổi bật trong cộng đồng nghệ thuật Seoul từ lâu đã xem tòa nhà này như vị trí đắc địa cho việc phát triển thêm một bảo tàng liên minh với MOCA tại trung tâm Seoul. Họ nhấn mạnh rằng việc xuất hiện một bảo tàng nghệ thuật đương đại mới ở khu vực gần cạnh trung tâm của các gallery và bảo tàng khác (thuộc quận Samcheongdong) sẽ là một sự bổ sung lý tưởng cho nơi này đồng thời tạo nên một tâm điểm nghệ thuật mới cho bối cảnh nghệ thuật của Seoul.

Năm 2009, chính phủ Hàn Quốc đã chính thức thông báo kế hoạch xây dựng một bảo tàng quốc gia mới tại vị trí của HDSC, và hoạt động này được coi như kiến tạo nên một liên kết bảo tàng mới với MOCA, nhằm kỷ niệm 40 năm ngày thành lập MOCA. Để chào mừng sự kiện này, MOCA đã đứng ra thực hiện một triển lãm nghệ thuật đương đại mang tên Khởi đầu một kỷ nguyên mới, kéo dài từ ngày 22-10 đến 6-12-2009. Triển làm được xem như là hoạt động mở màn cho giai đoạn xây dựng để biến một địa chỉ quân sự thành nơi chốn mới của nghệ thuật.

HDSC trước đây là trung tâm điều hành các chiến dịch quân sự và hoạt động phản gián của Hàn Quốc. Trong suốt thời kỳ đen tối của chế độ độc tài Park Chung Hee, nhân sự của HDSC đều có liên đới đến những cuộc điều tra và thẩm vấn vụng trộm bất kỳ ai bị nghi vấn có hành vi đe dọa chính thể. Vì vậy, khu vực này hết sức quan trọng đối với lịch sử hiện đại của Hàn Quốc và là sự gợi nhắc sống động về một chính thể độc tài quân sự từng án ngự thời gian dài trên đất nước này. Ngay sau khi bị ám sát (ngày 26-10-1979), Park Chung Hee nhanh chóng được đưa đến bệnh viện quân sự nằm ngay bên trong HDSC… Vì có một quá vãng lịch sử hết sức đặc biệt, toàn bộ khu vực HDSC đã nhanh chóng thu hút sự chú ý của công chúng khi nó được quyết định trở thành một nơi chốn công cộng, dành cho đại chúng. Sự chú ý này không đơn thuần dành cho triển lãm nghệ thuật quy mô bậc nhất Seoul mà hơn hết, là dành cho một quá vãng lịch sử vẫn còn hằn in trong tâm trí nhiều thế hệ người Hàn Quốc, từng khép kín, là khu vực cấm bởi nó liên đới đến những ký ức đớn đau nhưng nay lại được biến thành một không gian mở dành hoàn toàn cho lợi ích công cộng.

Trong số những khách tham quan triển lãm, hẳn không ít người có những cảm giác nao nao, bối rối trong lòng như thể phần nào, quá vãng đang hiện hữu. Một số nghệ sĩ trong quá trình chuẩn bị triển lãm cũng rơi vào tâm trạng tương tự. Không gian nơi này hoàn toàn đối lập với một đại sảnh triển lãm thông thường có tường trắng, trần nhà cao và ánh sáng được thiết kế phù hợp cho một không khí cởi mở. Toàn bộ tòa nhà còn lưu giấu nhiều dấu vết của những người lính cùng một chính quyền độc tài quân sự. Không chỉ có những cảm thức mờ tỏ về các đồ đạc quân sự và vũ khí mà còn có những ký ức sống động về cách sử dụng chúng của những cá nhân có quyền lực. Những căn phòng trống rỗng gợi cảm giác tuyệt vọng trong khi toàn bộ tòa nhà dường như tỏa ra dư vị của sự độc ác, tàn nhẫn…

Triển lãm Khởi đầu của một kỷ nguyên mới có ba phần: Phần thứ nhất là Dự án bảo tàng: dành cho một bảo tàng nghệ thuật mới, giới thiệu tác phẩm của những nghệ sĩ tham dự vào sưu tập của MOCA; phần thứ hai là Dự án không gian: Sự khởi đầu mới của nghệ thuật tập trung làm nhấn mạnh tính chất đặc biệt về không gian, vật chất, lịch sử và xã hội của tòa nhà thông qua việc làm nổi bật lên các yếu tố của tòa nhà HDSC; và cuối cùng là Dự án tài liệu, tìm kiếm và tài liệu hóa những dẫn chứng liên quan đến việc chuyển đổi lãnh địa độc quyền của giới quân sự thành một không gian hoàn toàn thuộc về công cộng. Một đặc điểm đáng chú ý của việc bố trí triển lãm này là dành những căn phòng hiện có để giới thiệu tác phẩm của từng nghệ sĩ riêng lẻ. Khuôn khổ triển lãm đã tạo nên một ấn tượng hoàn toàn khác biệt với mô hình triển lãm thông thường là bày các tác phẩm trong một khu vực chung rộng lớn hoặc một vài phạm vi nhỏ hơn ghép chung lại thành không gian mở rộng. Để xem các tác phẩm nghệ thuật, khách tham quan cần phải bước vào từng căn phòng riêng biệt, có sự chỉ dẫn thông qua những hàng mũi tên vẽ dưới sàn. Ta có thể dễ dàng tưởng tượng ra tiếng bước chân từng vang lên trong căn phòng này kia trong quá vãng và thông qua rất nhiều tác phẩm khuấy động tâm can người xem về lịch sử chưa xa của Hàn Quốc, các nghệ sĩ đã thực sự kết nối con người hôm nay, những người đang thưởng lãm nghệ thuật, với một phần lịch sử đất nước. Và cách bố trí triển lãm đã hỗ trợ tích cực cho sự kết nối ấy.

Triển lãm được khai mạc bằng một tác phẩm nghệ thuật trình diễn của nghệ sĩ đa phương tiện Lee Yong baek, có tên Người lính thiên thần, tại hội trường của tòa nhà. 100 người, cả nam và nữ, vận đồng phục theo phong cách quân phục và có trang trí hình bông hoa, xuất hiện cùng lúc trên sân khấu có treo hàng ngàn dây kết hoa giả trang trí. Trên đồng phục có tên của một số nghệ sĩ nghệ thuật đương đại nổi tiếng như Nam June Park – nghệ sĩ video art nổi danh của Hàn Quốc, John Cage – nhạc sĩ của âm nhạc ngẫu biến. Sống và chết, hòa bình và chiến tranh chảy tràn trên đồng phục của những người lính thiên thần, những người mà sự ngụy trang của họ tạo nên một vườn hoa rộng lớn. Cái tên Những người lính thiên thần cũng cho thấy sự hóm hỉnh mà chua cay của nghệ sĩ trong việc chỉ trích bạo lực đã và đang lan tràn trong cuộc sống của nhân loại hôm nay.

Tác phẩm Tưởng tượng không gian ba chiều của Jheon Soo cheon, thuộc thể loại nghệ thuật sắp đặt trải rộng qua 7 căn phòng, hệt như việc giới thiệu một tác phẩm sử thi vậy. Bằng việc tái tạo cách sắp xếp văn phòng làm việc của một viên chỉ huy, chính xác là có khả năng giống như vậy, tác phẩm này có thể đưa người xem trở về quá khứ. Trong khu vực để vòi sen, khóa nước được mở, như thể viên chỉ huy quân sự vô danh nào đó có thể xuất hiện bất cứ lúc nào, trong khi phòng tắm được đặt chếch 45 độ lại gợi ý về một sự tra tấn chỉ có trong ác mộng. Những phối cảnh khác bao gồm một cái giường đặt trong căn phòng trống phản ánh một sự sắp xếp gợi dục song vô cảm cùng với những cuộc hội thoại bị trích dẫn xuyên tạc nhờ các thiết bị nghe trộm điện thoại. Giữa những câu chuyện thực mà không ai dám nói đến cùng một quá khứ dường chỉ tồn tại trong tưởng tượng, sắp đặt này đã thể hiện một sự đào sâu tìm hiểu của nghệ sĩ về những sự thật từng bị kìm hãm được công khai trong lịch sử.

Trong khi đó, Lim Ok sang lại sử dụng tòa nhà của các lái xe quân sự như một nền tảng cho tác phẩm quy mô lớn của mình. Kết hợp với các kiến trúc sư, anh treo những tấm chắn bảo vệ của cảnh sát, phủ màu hồng, lên phía ngoài tòa nhà. Tiêu đề Riot Felice (tạm dịch là Hạnh phúc bạo loạn), chơi chữ từ Riot Police (Cảnh sát chống bạo loạn), thật khiêu khích và kỳ quái. Bằng việc giới thiệu khía cạnh tiêu khiển để bày tỏ thái độ phản đối, lãnh địa của nam giới này lại chưa đựng một tính cách nữ giới. Bên trong tòa nhà, gợi nhắc hình ảnh một nhà thổ, khuyến nghị người xem suy ngẫm về sự thăng trầm của cuộc đời có thể bất chợt chuyển đổi ta đi theo những hướng sống khác nhau.

Sự tưởng tượng không có giới hạn của các nghệ sĩ trẻ cùng những tác phẩm sâu sắc của họ hoàn toàn có khả năng xoay ngược thế giới này. Ví dụ, Kim Kira đã thử thách công chúng một cách có hiệu quả, bằng tác phẩm Coca – kẻ giết người. Với mối lưu tâm đến những nhóm người thiểu số cũng những bộ phận đang bị cách ly khỏi xã hội, cô đã đứng lên vì những người phải chịu thua thiệt ấy. Trong tác phẩm của mình, nữ nghệ sĩ này đã vặn xoắn cái chiến dịch tiếp thị của Coca Cola – biểu tượng của xã hội tư bản tiêu dùng hiện nay. Tác phẩm của cô dường thử thách người xem cùng suy nghĩ về việc có nên tiếp tục uống cocacola, thứ nước giải khát mà cô miêu tả là thứ đồ uống gây nghiện nặng khiến nhân loại toàn cầu phải đối diện với nhiều rủi ro sức khỏe.

Thông điệp cơ bản mà 63 nghệ sĩ, gồm từ những cựu binh trên mặt trận nghệ thuật đương đại Hàn Quốc cho đến những gương mặt mới, hy vọng thể hiện được ở trong triển lãm này là gì? Một ví dụ điển hình là tác phẩm nghệ thuật sắp đặt của Park Yong seok, tiêu đề Hẹn gặp lại bạn trong một diện mạo mới hơn, đưa ra cái nhìn trào phúng về những khát vọng nghệ thuật của công chúng. Những ngọn đèn chiếu sáng hình hoa vốn có trong tòa nhà HDSC được tập trung lại dưới tầng hầm để rồi cùng được bật sáng lên, kèm thanh âm của bản nhạc Đèn kết hoa (Choi Tae hyun). Những ngọn đèn từng chiếu sáng các căn phòng, đại sảnh của HDSC, giờ đây lại cùng làm một việc, song theo cách khác, chiếu sáng một không gian trống rỗng mà số phận sắp đặt cho nó là sẽ trở thành cơ sở vật chất cho một bảo tàng. Những ngọn đèn này sẽ chiếu sáng lên một tương lai như thế nào? Nghệ sĩ đã sử dụng công cụ chiếu sáng như một phép ẩn dụ để nói về sự chuyển đổi không gian này thành một điểm đến giải trí của công cộng.

Khu vực không gian triển lãm đã được lấp đầy bằng các tác phẩm nghệ thuật và để đi hết một vòng triển lãm, khách tham quan phải mất chừng 2 giờ đồng hồ. Toàn bộ triển lãm có lắp đặt hệ thống loa hướng dẫn tham quan và tìm hiểu về tác phẩm. Triển lãm Khởi đầu một kỷ nguyên mới bao gồm đa dạng các hình thức nghệ thuật hiện đại, từ dạng thức nghệ thuật phi chính thống thuộc thập niên 70, TK XX đến thể loại video art kênh đơn của những năm 2000. Với những người thích nghỉ ngơi hoặc kiếm tìm cảm giác giải trí, họ có thể lên đến tầng thượng của tòa nhà. Trên đó, với không khí trong lành và quang cảnh thành phố từ trên cao, họ còn có thể thưởng thức một tác phẩm nghệ thuật của Choi Jeong Hwa, người đã kiếm tìm cảm hứng nghệ thuật từ các khu chợ. Lờ đi những khái niệm về đẳng cấp của chất liệu trong nghệ thuật, nghệ sĩ đã sử dụng những cái rỗ nhựa có nhan nhản trong các khu chợ bình dân để làm chất liệu sáng tạo. Khẩu hiệu của anh là: “Nghệ thuật là gì? Tất cả những gì tôi làm đều là nghệ thuật!”. Bởi vậy, anh còn cho rằng nghệ thuật liên hệ trực tiếp tới cuộc sống. Súng, mầm bệnh và thép, tên tác phẩm của anh, gồm hàng trăm cái rổ nhựa xếp chồng lên nhau, góp phần khiến khách thăm quan khi đứng trước nó và nhìn ra xung quanh, sẽ phần nào thấy quang cảnh thay đổi hẳn.

Việc biến tòa nhà HDSC thành một bảo tàng nghệ thuật quả là một kỳ công bởi đây không chỉ đơn thuần là một công cuộc thay đổi về vật chất, mà còn về tinh thần, cảm xúc, ký ức của bao thế hệ người dân Hàn Quốc về hình ảnh của một tòa nhà tiêu biểu cho một thời kỳ nhạy cảm nhất trong lịch sử hiện đại Hàn Quốc. Đây quả là sự hiện thực hóa của những ước mơ mãnh liệt của tất cả những cá nhân tràn đầy quyết tâm và chấp nhận hi sinh nhiều lẽ riêng của mình để giúp cho nền dân chủ được hiện tồn ở Hàn Quốc. Bảo tàng nghệ thuật quốc gia mới ở Seoul này sẽ như một sự bày tỏ niềm tôn kính trường cửu của người Hàn Quốc hôm nay tới những vị anh hùng thực sự của đất nước, thất bất ngờ song không thể quên. Bảo tàng được dự kiến hoàn thành trong năm 2013 trên tổng diện tích đất là 27.412m2.


(dịch và bổ sung thông tin từ nguồn www.moca.go.kr và www.koreana.or.kr)


Nguồn : Tạp chí VHNT số 314, tháng 8-2010

Tác giả : Chung Jae Suk (Hoa Đỗ dịch)

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *