Ngôn ngữ nghệ thuật trong truyện ngắn của cao duy sơn


 

Cao Duy Sơn là nhà văn dân tộc Tày sinh ra trên mảnh đất Cao Bằng quê mẹ. Ông thành công trong truyện ngắn và tiểu thuyết viết về đề tài miền núi với hai giải A của Hội Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam, Tặng thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam và giải thưởng văn học ASEAN của Hoàng gia Thái Lan năm 2009 cho những tập truyện ngắn xuất sắc. Truyện ngắn của Cao Duy Sơn đã mang một thương hiệu riêng, in đậm dấu ấn văn hóa Tày và soi bóng tâm hồn con người miền núi đặc sắc, sinh động. Một trong những nhân tố quan trọng góp phần vào sự thành công của tác giả chính là ngôn ngữ nghệ thuật.

Ngôn ngữ nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng bởi nó là yếu tố vật chất duy nhất trong tác phẩm văn học. Qua ngôn ngữ, người đọc khám phá được bao điều trong thế giới hình tượng, tư tưởng, quan niệm…mà nhà văn gửi gắm ở tác phẩm của mình. Ngôn ngữ nghệ thuật không chỉ là phương thức tồn tại và biểu hiện của nội dung, mà nó còn thể hiện trực tiếp, rõ nét phong cách và tài năng của mỗi nhà văn. Trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn, ngôn ngữ nghệ thuật được thể hiện khá độc đáo, mang màu sắc riêng và đậm chất Tày, thể hiện qua việc sử dụng lối ví von, so sánh liên tưởng gần gũi với cách tư duy của người dân miền núi, nhiều thành ngữ, tục ngữ, lối nói phuối pác, phuối rọi của văn học dân gian Tày.

Trước hết, trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn, thủ pháp ví von, so sánh, liên tưởng được sử dụng khá phổ biến nhằm diễn tả những suy nghĩ, tâm trạng và hành động của nhân vật, qua đó thể hiện được cách tư duy của người dân tộc thiểu số. Để diễn tả điều không hay sắp xảy ra, tác giả thường sử dụng những từ ngữ so sánh như: Nói cái điều quả núi to sắp đổ, nói lời lửa, lời gió đổ cây (Dưới chân núi Nục Vèn); chuyện núi lở đá lăn (Hoa bay cuối trời). Nói đến sự giận dữ, xuất hiện những hình ảnh: nổi lửa lên mặt (Song sinh), như có trăm nghìn tiếng ông sấm bà sét đuổi đánh nhau, như cái chớp trời đợi cái sấm to (Dưới chân núi Nục Vèn)… Nói đến nỗi đau đớn, xót xa, tác giả tả: xót như dao xát muối cứa thịt (Hoa bay cuối trời), ngậm cái lá đắng bao nhiêu mùa lá rụng, lá mọc (Dưới chân núi Nục Vèn), như con hổ bị nhốt cũi (Mưa phố)…

Đặc biệt, người con gái đẹp thường được ví với hoa: Ếm đẹp như hoa (Chợ tình), Mặt nàng đẹp như bông đào trong nắng. Nụ cười bẽn lẽn, mắt chớp như cánh vẫy của loài bướm (Hoa bay cuối trời), Cô gái có đôi mắt đẹp như con chim lửa, cổ trắng như ruột cây chuối rừng, môi đỏ như cánh hoa gạo (Dưới chân núi Nục Vèn), hoặc những sự vật đẹp đẽ, tươi sáng: Cạ có cái miệng cười như vành trăng, đôi mắt như ngôi sao rơi xuống sông Quy (Dưới chân núi Nục Vèn). Sử dụng cách so sánh này, Cao Duy Sơn không chỉ khẳng định vẻ đẹp đầy nữ tính của người phụ nữ Tày mà còn muốn thể hiện thế giới tâm hồn của những con người thủy chung, nhân ái, bao dung và đại diện cho cái thiện. Ngược lại, những nhân vật phản diện thường được tác giả sử dùng thủ pháp so sánh tương phản theo lối vật hóa nhằm hạ thấp đối tượng. Chẳng hạn, điệu bộ của Hử khi xô ngã chồng rồi bỏ đi lúc lắc theo nhịp đi như đuôi con rắn chết (Những đám mây hình người). Hình dáng của lão Lử khi đánh nhau với Khuề: “Như con gấu say máu, lão Lử chồm lên địch thủ” (Âm vang vong hồn). Lão lý trưởng xuất hiện với bộ mặt “khoặm lại trông dữ như mặt diều hâu”. Nhân vật Khàng được miêu tả “nghịch như con khỉ độc trên rừng, dữ như con hổ đói”. Hắn có “đôi mắt con rắn độc”, khi nhìn thấy cô gái đẹp, hắn “đứng như con gấu, mắt vằn đỏ như mắt con hổ đói hau háu nhìn cắm vào cái gáy nõn chuối rừng”. Tính nết thì “ác như con rắn độc”, “ý nghĩ độc ác như con thú”. “Lão như con rắn bò ra cửa vào nhà nào là nhà ấy có chuyện rối như chui vào bụi gai kim anh” ” (Dưới chân núi Nục Vèn). Nhân vật xấu xí từ ngoại hình đến tâm tính và đều được so sánh với những con vật gớm ghiếc, như: rắn độc, khỉ độc, diều hâu, hổ đói…. Với thủ pháp vật hóa, các nhân vật phản diện trở thành những con vật tầm thường, thậm chí bẩn thỉu, hèn hạ và độc ác. Rõ ràng, thủ pháp so sánh tỏ ra có ưu thế, khá quen thuộc và đôi khi trở thành sở trường để miêu tả nhân vật của nhà văn. Qua đây, chúng ta có thể nhận thấy, phần lớn những nhân vật chính diện được Cao Duy Sơn miêu tả thánh thiện, nhân ái như tiên, bụt, chân thực tới tận đáy lòng. Ngược lại, nhân vật phản diện lại được tác giả miêu tả xấu xa, ti tiện, độc ác và tàn nhẫn đến cùng cực. Nhân vật chính diện luôn có vẻ đẹp hoàn mỹ từ hình thức bề ngoài đến phẩm chất, nhân cách. Họ thường là những con người chân thực, giàu lòng nhân ái, giàu khát vọng về tình yêu tự do, có sức sống bền bỉ, mãnh liệt. Điều này cũng tạo ra những hạn chế nhất định khi nhân vật được lý tưởng hóa. Tuy nhiên, tính nhân văn và lòng trắc ẩn luôn là khát vọng muôn đời mà các nhà văn người dân tộc gửi gắm, kỳ vọng ở những nhân vật đại diện cho vẻ đẹp của dân tộc mình, cộng đồng mình. Ngay cả khi nhà văn viết về cái xấu, cái ác thì cũng là để bảo vệ cái tốt, cái thiện, đấu tranh, cảnh tỉnh con người biết cảnh giác và tránh xa những gì phi đạo đức, phản nhân văn. Chính điều này làm cho cảm hứng ngợi ca, khẳng định trở thành nét chủ đạo trong tác phẩm của các nhà văn dân tộc thiểu số nói chung, Cao Duy Sơn nói riêng (1).

Những so sánh liên tưởng trong truyện ngắn của Cao Duy Sơn nhiều khi mang tính trực giác, gắn bó với sự vật hiện tượng quen thuộc. Chẳng hạn, miêu tả sức trai trẻ của chàng thanh niên đôi mươi, tác giả đã dùng hình ảnh rất quen thuộc với lối cảm nghĩ của người nông dân miền núi: Khơ khỏe như con trâu tơ đực chưa vực cày. Hoặc tâm trạng của một chàng trai lần đầu rung động trước một cô gái đẹp: Cảm giác bâng khuâng khiến trái tim Khơ bỗng như ngựa non cuống vó muốn lồng khỏi ngực (Hoa bay cuối trời). Hoặc những so sánh khác rất gần gũi, quen thuộc với sinh hoạt của người dân miền núi: Tuổi con gái đi nhanh như trăng qua núi chẳng mấy mà héo (Song sinh); đầu óc trở nên trơ đặc như lõi nghiến; em thanh sạch như nước Bó Slao; Con dúi làm hang trong đất còn bị moi lên làm chả nướng, huống chi con người kềnh càng đi lại ở cái phố huyện nhỏ như cái nón mo (Những đám mây hình người)…

Nhìn chung, ví von, so sánh liên tưởng đã được Cao Duy Sơn sử dụng với mật độ khá dày đặc, tuy nhiên nó không phải là thủ pháp độc tôn. Bên cạnh đó, nhà văn cũng thường sử dụng các thành ngữ, tục ngữ của dân tộc mình. Phần lớn thành ngữ được sử dụng trong truyện ngắn của nhà văn dân tộc Tày này không phải là nguyên gốc mà đã có sự biến đổi để tạo nên những biến thể giàu hình ảnh, đa dạng. Ví dụ: núi lở đá lăn, lời lửa lời gió đổ cây, con dao chém đứt cổ trâu, tìm cái lời gió nhẹ chui vào tai, nói cái điều quả núi to sắp đổ (Dưới chân núi Nục Vèn); cái gió thổi mãi hòn đá cũng phải mòn; cái lời mềm như gió nhẹ; tính cục như gấu; né voi cho êm mọi sự (Âm vang vong hồn); liềm cùn cứa ruột, áo rách còn biết, bụng đói chẳng nhìn thấy đâu; độc như lá han (Âm vang vong hồn); Ngang như cành mác púp, dữ như con hổ đói... (Dưới chân núi Nục Vèn)…

Điều này thể hiện rõ sự ảnh hưởng của văn hóa dân gian Tày trong cách viết của tác giả, đồng thời tạo cho tác phẩm một mã ngôn ngữ đa dạng, giàu hình ảnh, phù hợp với cách phô diễn của người dân tộc thiểu số. Vấn đề đặt ra là, liệu ảnh hưởng dân gian quá sâu đậm có tạo nên hiệu ứng ngược chiều như lo ngại của một số nhà nghiên cứu: “Các tác giả thường dùng lối nói ví von, so sánh nên chất văn xuôi chưa được nổi rõ, các nhân vật thường được xây dựng theo kiểu nhân vật chức năng hoặc loại hình như trong các truyện cổ tích, thần thoại hoặc nhân vật cổ mà thiếu chiều sâu phân tích, lý giải để nhân vật có được tính cách riêng”(2). Rõ ràng, sự lo ngại này là có cơ sở, đây đó vẫn có không ít những tác phẩm của các nhà văn dân tộc thiểu số mang đặc điểm này và Cao Duy Sơn cũng không phải là một ngoại lệ. Tuy nhiên, nếu nhìn từ góc độ tiếp nhận và chú ý đến tầm tiếp nhận của độc giả thì chúng ta lại thấy, sự tiếp thu và kế thừa các yếu tố văn hóa, văn học dân gian là một trong những con đường để tác phẩm của các nhà văn dân tộc thiểu số đi vào công chúng miền núi một cách hiệu quả. Bởi nó gần gũi lời ăn tiếng nói, cách tư duy mộc mạc nhưng giàu hình ảnh của người dân tộc thiểu số. Nên chăng có thể coi đây là một thế mạnh của các nhà văn miền núi ?

Ngoài lối ví von, so sánh, sử dụng thành ngữ biến thể, truyện ngắn Cao Duy Sơn còn thể hiện một ngôn ngữ lãng mạn, giàu chất thơ. Trong lời tỏ tình của những người yêu nhau, mỗi lời nói của nhân vật như có nhịp, có vần, mang đậm chất thơ mềm mại, mượt mà: Dình ơi! Em không ngại nhà anh phải đi qua sông lửa, không sợ leo đèo Khau Liêu làm nhạt muối mồ hôi, anh muốn được ngỏ lời yêu” (Hoa bay cuối trời). Khơ ơi! kể từ nay một ngày không nhìn thấy anh là một ngày thế gian này không có nắng, không có gió, rừng không có hoa nở và không cả tiếng chim hót… (Hoa bay cuối trời).

Cũng có khi, ngôn ngữ giàu chất thơ này lại thể hiện một quyết tâm gắn bó đến cùng với người con gái mình yêu: Nhà dù trên trời anh cũng tìm ra đấy. Anh sẽ đợi cho đến khi nào em hé môi hoa nhận lời anh ngỏ. Dù phải trồng cây đá trước cửa nhà em cho đến khi nó nảy mầm để đợi lời hoa anh cũng sẽ đợi (Hoa bay cuối trời). Nếu em chưa có người anh sẽ đem ngựa đón em về giữa ban ngày, bước qua đống lửa vào nhập ma nhà anh. Nếu em có người rồi thì anh sẽ đem dây đến cướp em về giữa lúc đêm, bước qua lối sau vào nhập ma nhà anh (Hấp hối).

Đó cũng có thể là tâm trạng đau đớn, nuối tiếc hay thương nhớ đầy xót xa của những mối tình không có tuổi khi họ không đến được với nhau: Ngày xưa ông không dám cướp lấy tôi, như trái cây chín mọng mà không ăn, như cái trăng lúc còn tròn mà không ngắm, giờ quả chỉ còn xơ, trăng giờ đã héo, ăn không được, nhìn chỉ buồn (Âm vang vong hồn). Giày này tay em khâu, anh chỉ đi cho một mình em nhìn thấy, giờ không có em, anh đi cho ai ngắm đây? (Chợ tình)(3).

Đây không phải là ngôn ngữ lãng mạn kiểu tiểu tư sản chúng ta đã từng thấy trong trào lưu văn học lãng mạn Việt Nam những năm đầu TK XX, mà đó là lối nói có vần, có điệu do ảnh hưởng lời phuối rọi, phuối pác của văn học dân gian Tày. “Phuối pác (nói miệng bằng câu có vần) hoặc phuối rọi (câu nói gồm cả một chuỗi vần như hát) có thể coi là kiểu nói – hát ứng tác xuất khẩu thành chương của trai non gái nụ, nam thanh nữ tú bày tỏ nỗi niềm, trao tình gửi nghĩa. Môi trường để người ta phuối rọi với nhau thường là trong một cuộc gặp nhau không hẹn trước trên đường lên nương, về bản. Nội dung phuối pác có thể là những lời gợi khêu kỷ niệm một thời, có thể thăm hỏi nhau về công ăn việc làm, có thể dùng ý tứ nhún nhường hoặc khích bác một cách tế nhị để thăm dò, thử thách”(4).

Cao Duy Sơn là nhà văn dân tộc Tày, rất am hiểu văn hóa, văn học dân gian, con người, cuộc sống của dân tộc mình nên đã sử dụng thành công chất liệu của ngôn ngữ dân gian để tạo nên chất thơ cho lời văn.

Có thể nói, ngôn ngữ nghệ thuật được hoàn thiện nhờ tài năng lao động của mỗi nhà văn. Khác với ngôn ngữ văn hóa, ngôn ngữ nghệ thuật mang dấu ấn, màu sắc riêng của từng tác giả, phản ánh nét độc đáo không lặp lại của mỗi nhà văn. Khi các nhà văn sử dụng ngôn ngữ nghệ thuật, mỗi người lại có khả năng thể hiện một giọng điệu riêng, cách xử lý riêng tạo nên cá tính sáng tạo, phong cách đặc thù.

Cũng giống như nhiều nhà văn dân tộc thiểu số khác, Cao Duy Sơn không chỉ thông qua con đường được đào tạo chính thức, mà còn tự học thêm rất nhiều. Đặc biệt vốn tri thức của nhà văn ngày càng dày dặn chính là do tác giả biết khai thác vốn văn hóa dân tộc được cộng đồng, họ tộc và môi trường sống lưu giữ và truyền nhập. Vốn hiểu biết văn hóa, văn học dân gian phong phú đã chắp cánh cho sáng tác của các nhà văn dân tộc thiểu số thêm bay bổng, lãng mạn. Chính vì vậy, ngôn ngữ trong truyện ngắn của nhà văn Tày Cao Duy Sơn nằm trong một hệ thống văn hóa, ngôn ngữ thấm đẫm kiểu tư duy dân gian truyền thống của người Tày.

Mỗi tác giả đại diện cho mỗi dân tộc khác nhau lại có những cách vận dụng kho tàng folklore của mình theo cách riêng tùy thuộc vào vốn văn hóa mà họ thụ hưởng. Nếu như truyện ngắn của Hlinh Niê mang màu sắc sử thi Tây Nguyên với chất huyền thoại khi đậm đặc lúc mờ nhạt đan cài nhuần nhuyễn trong hình tượng nhân vật, cốt truyện hay các chi tiết sự kiện thực mà như ảo thì truyện ngắn của Cao Duy Sơn lại mang dấu ấn văn hóa Tày. Cao Duy Sơn là người con của dân tộc Tày, ông đã vận dụng rất thành công vốn văn hóa văn học dân gian Tày, đặc biệt là thành ngữ, tục ngữ, phuối pác, phuối rọi trong ngôn ngữ trần thuật, ngôn ngữ của nhân vật để tạo ra cách nói ngọt tiếng, ngọt lời nên tạo hiệu ứng ngọt tim. Có thể nói, trong sáng tác của Cao Duy Sơn, chính ngôn ngữ ảnh hưởng dân gian đã đem lại sắc thái dân dã, mộc mạc nhưng lại rất tươi mới và độc đáo biểu hiện môi trường sinh hoạt còn đậm nét dân gian của con người miền núi.

_______________

1. Trần Thị Việt Trung – Cao Thị Hảo (đồng chủ biên), Văn học dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hiện đại – một số đặc điểm, Nxb Đại học Thái Nguyên, 2011.

2. Lâm Tiến, Thế kỷ XX – chặng đường đầu của văn học viết các dân tộc thiểu số Việt Nam, trong Văn học và miền núi, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2002, tr.146.

3. Các trích đoạn dẫn từ ba tập truyện ngắn của Cao Duy Sơn: Những đám mây hình người, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2002; Những chuyện ở lũng Cô Sầu, Nxb Quân đội Nhân dân, Hà Nội, 2003; Ngôi nhà xưa bên suối, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2008.

4. Hoàng Ngọc La (chủ biên), Văn hóa dân gian Tày, Sở Văn hóa Thông tin Thái Nguyên xb, 2002, tr.223.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 361, tháng 7-2014

Tác giả : Cao Thị Hảo

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *