Ngôn ngữ teen trong giao tiếp của giới trẻ hiện nay

Một trong những vấn đề được bàn luận khá sôi nổi trên các diễn đàn mạng và truyền thông đại chúng hiện nay là việc sử dụng ngôn ngữ trong văn hóa giao tiếp thường ngày của giới trẻ (nhắn tin trên điện thoại, chat trên mạng, hội thoại ngoài đời sống…). Giới trẻ đã sáng tạo ra cho mình một kiểu loại ngôn ngữ riêng không theo quy chuẩn của tiếng Việt, thường được gọi là “ngôn ngữ teen” hay “ngôn ngữ chat”, “ngôn ngữ @”. Đó là dạng thức ngôn ngữ được tạo ra bằng cách thay đổi từng chi tiết của các chữ cái tiếng Việt, kết hợp nhiều loại ký hiệu khác nhau và với ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt. Ngôn ngữ này thường được sử dụng trên mạng internet, cụ thể là trên các diễn đàn, mạng xã hội, các công cụ trò chuyện trực tuyến khác, đặc biệt là trong tin nhắn điện thoại. Không ít người phê phán cho rằng ngôn ngữ của giới trẻ hiện nay là “xa lạ với tiếng phổ thông” và “cần có giải pháp khắc phục. Song, bên cạnh đó, cũng có những bình luận tích cực, coi đó như là nhu cầu phát triển ngôn ngữ tất yếu của giới trẻ trong xã hội hiện đại. Còn bản thân các bạn trẻ nghĩ gì về vấn đề đó, và những suy nghĩ của họ nói lên điều gì?

Từ góc độ văn hóa, chúng tôi cho rằng, ngôn ngữ hàm chứa ý thức xã hội và việc sử dụng ngôn ngữ không theo hệ quy chuẩn tiếng Việt của giới trẻ là một hiện tượng văn hóa mang ý nghĩa thể hiện phong cách đặc trưng của giới trẻ, sự va chạm giữa các giá trị, và là hình thức biểu đạt văn hóa của một nhóm xã hội được giới trẻ thể hiện thông qua dạng thức sử dụng ngôn ngữ “chung”.

Từ điển tiếng Việt (Hoàng Phê, 2011) định nghĩa: “Giao tiếp là trao đổi, tiếp xúc với nhau; ngôn ngữ là công cụ của giao tiếp”. Giao tiếp chính là sự xác lập mối quan hệ giữa các cá nhân và giữa cá nhân với cộng đồng, là quá trình kết nối con người với nhau, tạo nên giá trị một cộng đồng cũng như văn hóa của cộng đồng đó. Giao tiếp thể hiện qua quá trình chia sẻ thông tin, trao đổi quan điểm nhằm tăng cường sự hiểu biết lẫn nhau. Giao tiếp tốt là giao tiếp có văn hóa, trong đó mức độ đánh giá được nhìn nhận qua thái độ, nguyên tắc ứng xử, nghi thức lời nói… Ngôn ngữ là một trong những phương tiện hữu hiệu để đáp ứng được mục đích giao tiếp. Nhờ ngôn ngữ mà con người có thể diễn đạt và làm cho người khác hiểu được tư tưởng, tình cảm, trạng thái và nguyện vọng của mình.

Khái niệm về giới trẻ hiện nay thường được hiểu tương đối như là ngôn từ chung chỉ nhóm đối tượng những người đang ở độ tuổi trưởng thành. Kidd đã đưa ra định nghĩa về văn hóa giới trẻ. Theo đó, văn hóa giới trẻ là văn hóa của một nhóm những người trẻ tuổi, tồn tại trong lòng một tầng văn hóa rộng hơn- tầng văn hóa làm chuẩn mực cho toàn xã hội, tuy nhiên nó cũng có những giá trị chuẩn mực của riêng mình; và thanh niên thông qua văn hóa giới trẻ để khẳng định vai trò, vị trí của mình trong hệ thống chung của xã hội nhằm tìm tòi, khám phá, định hình lối sống, bản sắc cho riêng mình (1). Trong bài viết này, chúng tôi quan niệm cụm từ giới trẻ cũng mang hàm ý để chỉ tầng lớp thanh niên, thế hệ được cho là năng động, nhạy bén, sáng tạo, luôn hướng tới cái mới, cái khác biệt. Nhóm xã hội – dân cư “thanh niên” là một nhóm lớn với nhiều nhóm nhỏ thuộc các độ tuổi khác nhau, song cơ bản gồm 3 nhóm chính là học sinh trung học phổ thông, sinh viên và thanh niên đã đi làm.

Ở góc độ lý thuyết, xu hướng hướng tới sự đa dạng văn hóa trong xã hội dẫn đến việc hình thành khái niệm “tiểu văn hóa” của các nhóm tộc người, các tầng lớp xã hội, của người nghèo, kẻ phạm pháp, đồng tính, thanh thiếu niên,… Nhiều nghiên cứu về văn hóa thanh niên cũng đã sử dụng cách tiếp cận tiểu văn hóa, hay nói cách khác, văn hóa thanh niên được coi như là một loại “tiểu văn hóa”. Cách tiếp cận này được chỉ ra lần đầu trong nghiên cứu Subculture in the Meaning of style (Tiểu văn hóa trong ý nghĩa của phong cách) của nhà xã hội học người Anh Dick Hebdige. Ông cho rằng văn hóa thanh niên là một tiểu văn hóa được nhận biết bởi tính đặc trưng của phong cách, ứng xử và các sở thích nhằm báo hiệu, bộc lộ tư cách thành viên của mỗi cá nhân thông qua những lựa chọn vật thể có tính biểu tượng và điển hình về phong cách ăn mặc, đầu tóc, giày dép… Bên cạnh đó các yếu tố phi vật thể như sở thích chung, phương ngữ, tiếng lóng, loại hình âm nhạc và cả những không gian tụ tập ưa thích cũng đều là những yếu tố nhận biết quan trọng (2). Xu hướng vận dụng lý thuyết tiểu văn hóa trong nghiên cứu về thanh niên đã được nhiều nghiên cứu sau đó hưởng ứng, tạo một cơ sở học thuật và công cụ phân tích hữu hiệu, đặc biệt ở những trào lưu mới lạ của giới trẻ phương Tây như hippies, punk, pop, rock… Song bên cạnh đó, lý thuyết tiểu văn hóa cũng gặp những sự phê phán khi cho rằng cách tiếp cận tiểu văn hóa không chỉ ra được bản chất chung của văn hóa thanh niên mà chỉ quan tâm tới yếu tố bề mặt như: cách phục trang, ngôn ngữ, loại hình vui chơi và một số phong cách sống điển hình. Nghiên cứu của Shane Blackman cho rằng: cách tiếp cận tiểu văn hóa không thể chỉ ra những biến đổi có tính cấu trúc của thanh niên và văn hóa thanh niên, vì mỗi thanh niên không chỉ mang trong mình tư cách là một thanh niên mà đồng thời còn đại diện cho gia đình, cộng đồng, tôn giáo, sắc tộc và giai cấp của mình (3). Như vậy, văn hóa thanh niên cần được nhìn nhận trong tổng thể văn hóa dân tộc và là một bộ phận hữu cơ của văn hóa dân tộc. Tuy nhiên, văn hóa thanh niên cũng mang những hệ giá trị đặc trưng của một cộng đồng những người trẻ, năng động, sáng tạo, ưa thích sự trải nghiệm những điều mới lạ… Do đó, việc sử dụng lý thuyết tiểu văn hóa để nghiên cứu các hiện tượng, trào lưu mới lạ xuất hiện trong thanh niên, ở một số những trường hợp cụ thể, được coi là một công cụ phân tích sắc bén với những ưu thế riêng. Vận dụng lý thuyết tiểu văn hóa, chúng tôi nhằm làm rõ những hệ thống biểu đạt ý nghĩa, mô thức bộc lộ bản sắc cá nhân và cách tạo dựng phong cách riêng của giới trẻ qua việc sử dụng ngôn ngữ giao tiếp không theo hệ cấu trúc ngôn ngữ chuẩn đã được định hình từ môi trường xã hội rộng lớn hơn.


 Giới trẻ yêu âm nhạc. Ảnh Internet 

Việc sử dụng “ngôn ngữ teen” trong giao tiếp của giới trẻ hiện nay

Trên các diễn đàn (forum), các trang nhật ký cá nhân (blog), nói chuyện tán gẫu (chat), hay mạng xã hội Facebook, chúng ta sẽ thấy tiếng Việt được các bạn trẻ thay đổi từ cách viết đến cấu trúc câu, thậm chí cố tình viết chệch âm, sai lỗi chính tả để tạo sự vui vẻ, tinh nghịch trong lời nói.

Dạng thức sử dụng ngôn ngữ giao tiếp trong trường học, nơi công cộng của giới trẻ, do đặc tính riêng của phong cách khẩu ngữ khi người nói trực tiếp tương tác với người nghe, nên thường theo kiểu lối nói vần và theo kiểu mã hóa ngôn từ ở những bối cảnh phù hợp. Ngôn ngữ đời thường mà giới trẻ hay nói chuyện với nhau nhiều khi làm tăng tính biểu cảm, sinh động. Ví dụ: tiền thành xiền, tình yêu thành tình iu, ghét như con bọ chét, nhỏ như con thỏ, tin vịt, chạy mất dép, bó tay. com, bốc hơi (biến mất), đít chai (kính)… Để ca ngợi cái đẹp thì giới trẻ nói “đẹp dã man”, còn “vụ này có vẻ lục tốn đấy nhỉ” là để nói về một vụ chi tiêu tiền bạc, để khen một người nhiều tiền thì “thầu giầu nhỉ”. Đó là một vài trong khá nhiều ví dụ về sử dụng ngôn ngữ hiện nay mà đại đa số nằm trong giới trẻ Hà Nội. Việc sử dụng tiếng lóng trong giao tiếp hàng ngày trở nên phổ biến, nhất là trong giới học sinh.

Từ khía cạnh tâm lý học, tuổi teen là độ tuổi có đặc trưng tâm lý thích cái mới, ưa sự khám phá, thường hành động theo trào lưu. Vì vậy như một “làn sóng” dây chuyền, chỉ trong vài năm, cách nói, viết trên ngày càng lan rộng trong giới trẻ. Nhiều teen xem đó như là một “phát minh”, một thứ ngôn ngữ riêng giúp giới trẻ có thể trao đổi, bày tỏ mọi thứ.

Qua khảo sát, hầu hết các bạn trẻ thường sử dụng “ngôn ngữ teen” trên mạng và tin nhắn điện thoại. Điều này cho thấy mức độ gắn liền của ngôn ngữ chat đối với các công cụ truyền thông hiện đại. Các bạn trẻ thường lựa chọn mạng xã hội làm không gian giao tiếp, chia sẻ với bạn bè. Nếu như không bàn tới các khía cạnh hạn chế của lạm dụng internet thì việc sáng tạo, sử dụng những ngôn ngữ “lệch chuẩn” đôi khi cũng là giải pháp giúp giới trẻ giải phóng năng lượng, giải thoát bức xúc cá nhân, thể hiện bản thân một cách dễ dàng hơn. Và có thể nói, ở khía cạnh nào đó, việc sử dụng dạng thức ngôn ngữ này đã tạo nên sự cộng cảm trong cộng đồng giới trẻ hiện nay. Bản thân những người sử dụng loại ngôn ngữ này tự hình thành cho mình một thói quen đọc và hiểu được những biến đổi ngôn ngữ khi thực hiện hành vi “chat” hay nhắn tin một cách linh hoạt. Hay nói cách khác, họ tự tạo ra sự tiện lợi cho quá trình giao tiếp, trao đổi với những thông điệp ngôn ngữ chuyển tải riêng. Điều này tạo nên một mô thức biểu đạt cảm xúc “nhóm” của thanh niên thời hiện đại.

Giao tiếp bằng ngôn ngữ không chỉ là cách truyền đạt thông tin giữa người với người mà còn là một phương diện để thể hiện văn hóa, đạo đức. Việc sử dụng ngôn ngữ teen trong nhiều trường hợp hình thành một thái độ giao tiếp, một hình thức ứng xử tạo sự thoải mái, vui vẻ, hài hước, làm tăng thêm tính hiệu quả của mục đích giao tiếp. Từ góc độ giáo dục, việc lạm dụng các ngôn từ thiếu thẩm mỹ của giới trẻ trong giao tiếp cũng là những vấn đề mà xã hội, các bậc cha mẹ và nhà trường cần quan tâm. Song, ở khía cạnh văn hóa, “giá trị gây sốc” của những ngôn từ “lệch chuẩn” cũng mang những nét đặc trưng thể hiện phong cách riêng của văn hóa giới trẻ hiện nay.

Tạo lập phong cách qua sự “chệch chuẩn”

Freud cho rằng các mô thức ứng xử phù hợp sẽ giúp cho hành vi trao đổi có mẫu số chung được chấp nhận bởi cộng đồng và trở thành những hình thái đạo đức hoặc luân lý chung trong xã hội, hướng mọi người tới những thực hành phù hợp với bối cảnh đạo đức xã hội (4). Triết gia Pháp Michel Foucault khi nghiên cứu về vấn đề kỷ cương, xã hội kỷ cương và hình phạt đã chỉ ra rằng các kỹ năng quyền lực thực chất là đưa ra các chế tài giám sát và kiến thức chuyên môn nhằm hình thành các chuẩn mực mà con người phải theo như những hệ giá trị cơ bản không thể khác, được chấp nhận bởi số đông trong cộng đồng và được định danh là tiêu chí để xác nhận tính bình thường và khả năng hòa nhập vào đa số của xã hội (5). Như vậy, mỗi xã hội đều có những quy ước chung mang tính cộng đồng và là thước đo đánh giá hành vi mỗi cá nhân. Hay nói cách khác, con người là một hạt nhân của xã hội và cần tuân thủ theo định chế chung, mọi hành vi khác biệt đều có thể được xem như là sự “chệch chuẩn”. Mô thức chệch chuẩn này được một số các nghiên cứu tiểu văn hóa thanh niên ở phương Tây chỉ ra khi đề cập đến những nhóm thanh niên với lối sống khác biệt. Ví dụ như nhóm Biker những năm 70 TK XX ở Anh với phong cách hung tợn, trang phục khuy rời bằng da, quần bò vải bông chéo, ủng da nặng, giày khủng bố, tóc dài vuốt ngược về phía sau với rất nhiều hình xăm trên cánh tay, ngực; nhóm Ravers với trang phục nam nữ cùng một kiểu: áo sơ mi quá cỡ rộng thùng thình, áo vest xẻ rãnh và quần bò lùng thùng, nhảy điệu nghệ theo tiếng nhạc ầm ĩ; nhóm Punk với quần áo cũ kỹ, tóc kiểu mào gà, sừng bò, hình xăm kỳ quái trên tay chân, xiên kim loại vào da thịt, đeo vòng sắt trên mũi, lông mày, môi, má… Những nhóm này được cho là một dạng phản ứng xã hội, với xu hướng thoát ly thực tế, rời bỏ các chuẩn mực của cuộc sống thường ngày và thường được gán cho là những “kẻ lầm đường lạc lối”, phạm pháp, trở thành một vấn đề nhức nhối của xã hội trong bối cảnh đương thời. Sự “chệch chuẩn”, theo nghiên cứu của nhà xã hội học người Anh Dick Hebdige, đã tạo nên phong cách riêng của giới trẻ. Ông cho rằng chính những phong cách “phản kháng” đặc thù, với những giá trị niềm tin và biểu tượng được chia sẻ cùng nhau trong hoạt động của các thành viên của nhóm đã hình thành nên một dạng thức tiểu văn hóa thanh niên.

Nhìn vào những biến chuyển của xã hội Việt Nam đương đại, có thể thấy thanh niên Việt Nam đã có những định hình về phong cách riêng mang hơi thở của thời đại, khác biệt với những dạng thức văn hóa khác. Bên cạnh những đặc trưng thể hiện sự nhanh nhạy, sáng tạo, đổi mới trong quá trình hội nhập kinh tế xã hội thì ở một phương diện nào đó, văn hóa thanh niên cũng được cho là có nhiều hiện tượng “gây sốc”. Nghiên cứu của Lê Thu Hường và Lê Duy Thế đã chỉ ra đặc trưng lối sống của giới trẻ Việt Nam qua ba hiện tượng cơ bản: nhạc trẻ, thời trang, lối sống và quan niệm về cuộc sống. Điểm chung của những hiện tượng này là đều được cho là đi ngược lại với những giá trị văn hóa truyền thống (6). Từ hiện tượng như vậy, tác giả cho rằng bên cạnh không ít thanh niên còn có hiểu biết hạn chế, thậm chí lệch lạc về thời trang với tâm lý hiếu kỳ, thích chơi nổi, chưa phù hợp với môi trường và hoàn cảnh xã hội thì ở một khía cạnh nào đó, những thử nghiệm sự khác biệt trong thời trang cũng là một phần của tính hiện đại và bản sắc (7).

Từ những hiện tượng về thời trang, âm nhạc, lối suy nghĩ… có thể thấy, sự “chệch chuẩn” với phong cách riêng là một hiện tượng khá phổ biến trong giới trẻ. Và có thể nhìn nhận xu hướng phá vỡ những quy chuẩn chính thống trong ngôn ngữ giao tiếp hiện nay là phần nào thể hiện phong cách đặc trưng của giới trẻ từ góc độ này. Sự “chệch chuẩn” trong ngôn ngữ giao tiếp của giới trẻ được thể hiện rõ qua những bàn luận trái chiều trên các phương tiện truyền thông trong xã hội hiện nay. Nhiều ý kiến cho rằng: một bộ phận giới trẻ hiện nay đã lạm dụng hiện tượng này để tạo ra sự “mới lạ”, “phá cách”, “sáng tạo”, “phi chuẩn mực”, dí dỏm, hài hước mà người ta gọi là “chệch chuẩn riêng”. Điều này sẽ có ảnh hưởng lớn đến “công cuộc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt” và nếu không có sự điều chỉnh sớm sẽ có tác hại đến chuẩn mực ngôn ngữ dân tộc” (8). Những ngôn từ “biến hóa” của giới trẻ đã và đang được sử dụng rộng rãi từ bàn phím điện thoại, máy tính đến giao tiếp hàng ngày, tuy chỉ mang tính cá nhân, nhưng lại ảnh hưởng đến đối tượng giao tiếp, thuần phong mỹ tục, văn hóa truyền thống và sự giàu đẹp trong ngôn ngữ của cha ông. Vì vậy, trước sự “biến hóa” ngôn ngữ Việt của giới trẻ hiện nay, chúng ta cần có định hướng, giúp giới trẻ hiểu được giá trị chuẩn mực của ngôn ngữ (9).

Bên cạnh những phản ứng của phương tiện truyền thông xã hội về hiện tượng ngôn ngữ này thì ngôn ngữ chat trong giao tiếp của giới trẻ có ý nghĩa đối với mỗi cá nhân như thế nào? Kết quả khảo sát một số học sinh trung học và sinh viên ở Hà Nội (từ 18-21 tuổi) cho thấy: có 28/50 bạn khi được hỏi về nguyên nhân sử dụng ngôn ngữ chat đã trả lời là do để tiết kiệm thời gian cũng như tiền bạc; để thể hiện cảm xúc chân thật và dễ dàng hơn (26/50); theo trào lưu tuổi teen, nghe mãi thành quen (45/50); thích thú khi tạo sự khác biệt (5/50). Rõ ràng, ngôn ngữ tuổi teen đã mang lại những hiệu quả sử dụng nhất định. Những quan niệm của giới trẻ về việc sử dụng dạng ngôn ngữ này là sự thể hiện đặc tính cơ bản của giới trẻ: hồn nhiên, vui tươi, phá bỏ khuôn mẫu bộc lộ cảm xúc nhằm thu hẹp khoảng cách giao tiếp giữa các cá nhân, giảm bớt cảm xúc khô khan của ngôn ngữ giao tiếp thông thường ở những cảnh huống nhất định. Vì vậy, mặc dù có những quan niệm cho rằng việc sử dụng ngôn ngữ chat là “đua đòi”, là những ngôn ngữ “lạ, pha tạp” hay là sự “thích thể hiện mình trước mọi người” thì cũng không thể phủ nhận hình thức ngôn ngữ này đã tạo lập một phong cách riêng của giới trẻ. Đó là phong cách “chệch chuẩn” mang tính hiện đại với hình thức bộc lộ cảm xúc mang tính sáng tạo đặc trưng trong giao tiếp của giới trẻ hiện nay.

Ngôn ngữ giao tiếp của giới trẻ và sự nhận dạng bản sắc cá nhân

Tiểu văn hóa không phải là một nhóm xã hội được diễn tả dưới dạng thức vô luật lệ mà nó ngược lại có cơ cấu nội bộ khá gắn kết, trong đó mỗi cá thể là một bộ phận hữu cơ liên quan đến người khác, tạo nên một hệ thống giá trị mang tinh thần nhóm. Văn hóa nhóm được kết cấu trong một hệ thống được tạo nên bởi toàn bộ phong cách của mỗi cá nhân. Văn hóa thanh niên được cho là một dạng tiểu văn hóa, trong đó sự chia sẻ “giá trị biểu tượng” được thể hiện qua trang phục, ngoại hình, ngôn ngữ, âm nhạc, phong cách tương tác… tạo thành một thể thống nhất qua sự định dạng bản sắc cá nhân, bản sắc văn hóa nhóm.

Trong một cuộc nói chuyện cởi mở giữa người viết và một số bạn sinh viên, hầu hết đều nhận thức rằng ngôn ngữ chat chỉ sử dụng để nói chuyện với bạn bè còn không nên sử dụng trong giao tiếp thông thường với những người lớn tuổi để tỏ lòng tôn trọng. Vì vậy, ngôn ngữ teen có thể coi là dạng ngôn ngữ nhóm, mang tính quy ước ngầm, trong đó mỗi thành viên trong cộng đồng đều bình đẳng, cảm nhận sự thuộc về của mỗi cá nhân trong một nhóm xã hội. Ở góc độ xã hội học, theo quan điểm của Firth, “thanh niên không đơn giản là một nhóm tuổi mà là một tổ chức xã hội của một nhóm tuổi. Thanh niên sẽ thuộc về một tiểu văn hóa vào một thời gian nhất định…” (10). Và nếu như gõ google với từ khóa “ngôn ngữ teen”, chúng ta có thể thấy vô số đường link dẫn tới các bài viết về phong cách ngôn ngữ đặc trưng của giới trẻ. Điều này cho thấy việc sử dụng ngôn ngữ teen đã trở thành một trào lưu với khá nhiều bạn trẻ tham gia. Cùng với sự chia sẻ những giá trị chung (sự khác biệt, mới lạ, khẳng định bản thân, sáng tạo, vui vẻ, hài hước, sành điệu…), việc sử dụng dạng thức ngôn ngữ chat trong giao tiếp trên mạng và những lời nói, lóng, vần vè trong đời thường của giới trẻ đã tạo nên một bản sắc tập thể, bản sắc nhóm mà từ đó mỗi cá nhân trong đó có thể nhận dạng bản thân qua những trải nghiệm tập thể.

 Ở một góc nhìn khác, Fine và Kleinman, Robert T.Wood khi khai thác tiểu văn hóa ở góc độ những cá thể riêng biệt cho rằng tiểu văn hóa được định nghĩa bởi nội bộ không đồng nhất, vì thực tế nó được tạo nên bởi con người với thế giới quan xã hội và những trải nghiệm theo cách chủ quan khác nhau. Mọi sự chia sẻ quan niệm của một thành viên của tiểu văn hóa sẽ khác nhau ở mức độ cần thiết. Vì vậy, thậm chí trong một nhóm đồng nhất hành động thì vẫn sẽ yêu cầu một sự đàm phán về ý nghĩa, kết quả trong những quá trình liên tục của xã hội thực tại. Nói cách khác, mặc dù tiểu văn hóa ở mức độ nào đó có thể gắn với một khung được chấp nhận chung thì quan niệm của mỗi thành viên và sự hiểu biết khung tham chiếu sẽ vẫn có ít nhất một phần khác nhau (11). Chứng minh cho điều này, Robert T.Wood trong nghiên cứu về nhóm thanh niên straightedge xuất hiện đầu những năm 80 TK XX ở Anh, đã kể lại những trải nghiệm của quá trình nhận dạng bản sắc cá nhân của bản thân mình khi ở độ tuổi thanh niên, là muốn học theo các đặc trưng của nhóm straightedge. Để biến mình thành một người straightedge, ông đã nghe loại nhạc nhanh mạnh hàng ngày, không thường xuyên hút thuốc lá và uống rượu, cố gắng thực hiện thói quen ăn chay… Mặc dù vậy, Wood trong suy nghĩ không bao giờ chính thức là người thuộc về nhóm straightedge (12). Giống như các nghiên cứu khác về tiểu văn hóa, trường hợp straightedge đã đưa ra những gợi ý rằng tiểu văn hóa nhìn chung được nhìn nhận trong khuôn khổ của những vấn đề liên quan, hay là một tập hợp của các đặc tính văn hóa phổ biến mà hầu hết các thành viên sử dụng nó như là những mẫu hình cho sự hình thành và duy trì bản sắc nhóm. Tuy nhiên, mỗi cá nhân straightedge lại cũng có những cách thể hiện và quan niệm khác nhau về tiêu chí và giá trị nhóm. Họ có thể có những cách thức khác nhau trong việc nội hóa những chuẩn mực và giá trị để hình thành những bản sắc tương tự. Nhìn vào bối cảnh xã hội Việt Nam đương đại, nét đặc trưng chung của văn hóa giới trẻ là sự cộng hưởng của nhiều yếu tố như thời trang, âm nhạc, lối sống, sở thích… Trong đó, có thể coi hiện tượng sử dụng ngôn ngữ không theo chuẩn tiếng Việt trong giao tiếp trên mạng và đời thường là một trong những điểm nhận diện bản sắc của giới trẻ. Có thể nói, mặc dù mỗi cá nhân đặc biệt trong thế giới mạng “thể hiện sự trải nghiệm của họ trong các vai trò khác nhau”, ở “mỗi vai trò người đó lại thể hiện những nét bản sắc khác nhau” qua những trải nghiệm của bản thân (13), song cảm nhận của sự thuộc về là vô cùng quan trọng trong việc xác định bản sắc xác thực của mỗi cá nhân.

Sự xung đột giữa các giá trị

Trong Giáo dục không trừng phạt, Thomas Gordon cho rằng những xung đột về niềm tin và sở thích cá nhân như cách ăn mặc, triết lý sống, sự lựa chọn bạn bè… giữa cha mẹ và con cái là dạng xung đột xoay quanh các giá trị. Giới trẻ có quyền lựa chọn các giá trị, niềm tin và những ưu tiên của mình, đồng thời sẵn sàng bảo vệ quyền lựa chọn này. Sự xung đột sẽ xảy ra khi người lớn có ý định đưa chúng vào khuôn khổ theo những tiêu chuẩn của họ (14). Một cách khái quát, sự xung đột đó được nhìn nhận như là những va chạm giữa truyền thống và hiện đại, giữa những quy chuẩn văn hóa chính thống và văn hóa “ngoài lề”. Mỗi cá thể trong xã hội dường như phải trang bị cho mình một diện mạo phù hợp với văn hóa của cộng đồng xã hội. Văn hóa chung đó mang quyền lực chính thống, sẵn sàng lên tiếng với những gì khác biệt hay đi ngược lại nó. Văn hóa thanh niên mang đặc tính mới mẻ, sáng tạo, khác biệt, một phần bắt nguồn từ ý thức về sự tự khẳng định mình. Để khẳng định bản thân, giới trẻ luôn xác định cho mình những giá trị riêng và cho đó là sự lựa chọn mang tính cá nhân… Và chính sự phá bỏ khuôn phép mà không phải ai cũng chấp nhận được đó đã tạo cho văn hóa thanh niên một diện mạo khác biệt, đó là sự thách thức mọi giới hạn với những giá trị đặc trưng.

Hiện tượng sử dụng ngôn ngữ chat của giới trẻ trong giao tiếp hiện nay quả thực gây hoang mang lo lắng cho các bậc cha mẹ và thày cô trong nhà trường. Họ luôn tìm đủ mọi cách để hiểu và định hướng con em mình theo những quy chuẩn truyền thống. Điều này là không thể phủ nhận ở góc độ giáo dục, khi mà có những hiện tượng các em học sinh theo thói quen đã sử dụng cả chữ viết tắt hay ngôn ngữ chat trong bài viết ở trường học. Tuy nhiên, chính cách nhìn trong xã hội và trên các phương tiện truyền thông cho rằng việc giới trẻ sử dụng dạng thức ngôn ngữ này là do muốn giảm bớt sự theo dõi gắt gao của cha mẹ lại đã thể hiện định kiến áp đặt của người lớn đối với giới trẻ. Bởi lẽ qua khảo sát thì số các bạn sử dụng ngôn ngữ chat với lý do này là không nhiều (chỉ có 4/50 bạn). Nói cách khác, đó là sự xung đột giữa các giá trị niềm tin. Giới trẻ luôn muốn khẳng định mình đã thực sự trưởng thành qua hành động bản thân và luôn muốn chứng tỏ họ có quyền lựa chọn các giá trị, niềm tin và những ưu tiên của mình. Còn người lớn thì luôn nghĩ rằng con em mình vẫn còn chưa đủ chín chắn, cần phải được dạy dỗ. Sự xung đột các giá trị này dẫn đến việc giới trẻ nổi loạn, phản kháng lại ý định người lớn muốn buộc họ vào khuôn khổ hành động theo tiêu chuẩn, theo những giá trị chuẩn mực định hình tiềm ẩn qua nhiều thế hệ trong ý thức hệ xã hội.

Những chuẩn mực văn hóa đạo đức được xây dựng mang tính phổ quát, trở thành thước đo giá trị được áp dụng đối với các quan niệm, tư tưởng, hành vi của con người sống trong môi trường văn hóa đó. Điều này cũng tạo nên những xung đột về giá trị nội tại trong bản thân mỗi cá nhân. Khi được hỏi “bạn có đồng ý với việc sử dụng ngôn ngữ teen hàng ngày hay không?” thì hầu hết các bạn trẻ, mặc dù đều sử dụng dạng thức ngôn ngữ này hàng ngày để nói chuyện với bạn bè, nhưng đều trả lời là “không đồng ý” (48/50 bạn). Rõ ràng, những quy chuẩn về hành vi giao tiếp thể hiện qua cách sử dụng ngôn ngữ cũng đã ăn sâu vào nhận thức của giới trẻ trong xã hội. Ngôn ngữ chat tuy giữ vai trò không thể thiếu trong việc diễn đạt cảm xúc của giới trẻ, vừa tiết kiệm thời gian và tiền bạc, đồng thời còn tạo sự hài hước vui vẻ trong giao tiếp… và được coi là hình thức đặc trưng của ngôn ngữ mạng trong thời đại internet, song nó vẫn luôn nằm trong phạm vi kiểm soát bởi lăng kính đã được định hình của mỗi cá nhân và sự quy ước truyền thống của cộng đồng. Thậm chí, nó còn bị coi là “làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt”, là thứ ngôn ngữ “kỳ quái” không thể chấp nhận được, “cần phải loại bỏ nếu không sẽ làm hỏng cả một thế hệ trẻ”. Thực tế chứng minh rằng bất cứ một sự vật hiện tượng nào cũng có những giá trị riêng của nó, giúp nó tồn tại và đóng vai trò nhất định đối với mỗi cá thế trong xã hội. Chính những dấu ấn văn hóa được đóng chặt của bộ phận ngôn ngữ chính thống khiến cho con người luôn dùng đến định kiến văn hóa của mình để mặc định giá trị trong sự giới hạn của những phán đoán mang tính chủ quan bởi những ràng buộc do chính con người xã hội tạo nên. Những chuẩn mực trong văn hóa giao tiếp của cơ tầng văn hóa Phương Đông nói chung và văn hóa Việt Nam nói riêng với các diễn ngôn đạo đức như “kính trên nhường dưới”, “tôn sư trọng đạo”… đã quy định giá trị và tạo nên tính cảnh huống trong việc sử dụng ngôn ngữ chat của giới trẻ. Điều này khiến cho việc sử dụng ngôn ngữ chat nếu như không tương ứng với không gian, thời gian và chủ thể văn hóa sẽ thực sự trở thành một biểu hiện không tốt của đạo đức, vi phạm quy chuẩn lễ nghi trong văn hóa giao tiếp của xã hội truyền thống Việt Nam.

Ngôn ngữ chat xuất hiện như một hiện tượng văn hóa nhóm trong xã hội đương đại và là dạng ngôn ngữ đặc trưng trong giao tiếp của giới trẻ hiện nay. Việc sử dụng dạng ngôn ngữ này trong giao tiếp trên mạng và trong cuộc sống đời thường đã hình thành nên sự liên kết nhóm do tính thân thiện, cởi mở, vui vẻ với phong cách sáng tạo “chệch chuẩn” của tuổi trẻ. Sự xuất hiện ngôn ngữ của cư dân mạng là quy luật tất yếu trong thời đại phát triển của thế giới truyền thông mà internet đóng vai trò chủ đạo, mở ra một dạng thức văn hóa mới trong đó ngôn ngữ mang những giá trị cốt lõi chuyển tải mọi sắc thái của hành vi giao tiếp trong không gian đa chiều, đa phong cách của thế giới mạng.

_______________

1. Kidd, W., Culture and identity, Basingstoke: Palgrave, 2002.

2. Dick Hebdige, Subculture the meaning of style, First published in 1979 by Methuen and Co. Ltd. London and New York, 1979.

3. Phạm Hồng Tung, Văn hóa và lối sống của thanh niên Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế – Một số vấn đề lý thuyết và cách tiếp cận, Tạp chí Khoa học ĐHQGHN, Khoa học Xã hội và Nhân văn, số 24, Hà Nội, 2008.

4. Sigmund Freud, Phân tâm học, Nxb Thế giới, Hà Nội, 2000.

5. Michel Foucault, Psychiatric Power, Palgrave, New York, 2006.

6, 7. Lê Thu Hường, Lê Duy Thế, Một số vấn đề về văn hóa của giới trẻ, đăng lần đầu trên Tập san Khoa học xã hội và nhân văn, số 31, tháng 9-2005, đăng lại trong Những vấn đề khoa học xã hội và nhân văn, Trường ĐHQG TPHCM – Trường ĐH KHXH và Nhân văn, 2013.

8. Kiu Nga, Hiện tượng chệch chuẩn trong một số câu ca dao, tục ngữ “chế” hiện nay, vanhoanghean.vn, 2012.

9. Ngô Thị Minh, Khi giới trẻ biến hóa tiếng Việt, baokhanhhoa.com.vn, 2012.

10. Văn hóa thanh niên, Chuyên đề tốt nghiệp.

11, 12. Robert T.Wood, Straightedge Youth: Complexity and Contradictions of a Subculture, Copyright by Syracuse University press, Syracuse New York 13203- 5160, 2006.

13. Nguyễn Thị Phương Châm, Internet: mạng lưới xã hội và sự thể hiện bản sắc, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội, 2013.

14. Thomas Gordon, Giáo dục không trừng phạt, Nxb Tri thức, Hà Nội, 2013.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 376, tháng 10-2015

Tác giả : ĐẶNG THỊ DIỆU TRANG

5/5 - (3 bình chọn)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *