Người tâm huyết với văn hóa đọc


Cứ vào ngày 21/4 hàng năm – ngày Sách Việt Nam, ở ngôi nhà nhỏ tại một huyện vùng sâu lại có rất nhiều người đến thắp hương tưởng nhớ một con người luôn miệt mài cống hiến trí tuệ cho các em học sinh thân yêu, đặc biệt anh là người thầy giáo luôn đặc biệt quan tâm đến việc nâng tầm văn hóa đọc ở khu vực nông thôn, đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng mọi người.

Bán bánh tét, nhang thơm để có tiền mua sách

Rất dễ dàng để chúng tôi tìm được ngôi nhà của thầy Huỳnh Văn Thế bởi người dân huyện Mang Thít (tỉnh Vĩnh Long) nói chung, học sinh huyện này nói riêng đều rất ngưỡng mộ, kính trọng một nhân cách sống cao đẹp với những hành động rất nhân văn thấm đẫm tình người.

Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng, vợ thầy Thế kể trong nước mắt: “Chồng tôi rất thương học trò nghèo, luôn đau đáu với sự lãng quên văn hóa đọc hiện nay trong giới trẻ cho nên mỗi tháng anh đều trích tiền lương của một thầy giáo vùng sâu để mua thêm sách trang bị cho phòng đọc, phục vụ miễn phí độc giả, chủ yếu là các em học sinh. Ngoài ra, vợ chồng tôi còn đi bán nhang, bán bánh tét để có thêm kinh phí giúp đỡ học sinh nghèo. Vậy mà…” – chị Hằng bật khóc.

Mỗi ngày, thầy Huỳnh Văn Thế thức dậy rất sớm để đi giao bánh tét khắp nơi rồi mới trở về vị trí cao quý trên bục giảng của mình với nụ cười rạng rỡ. Nhiều đồng nghiệp với thầy Thế (công tác tại trường PTTH Mang Thít) cho biết: anh Thế thường xuyên đi tìm các nguồn hỗ trợ sách từ các địa phương để bổ sung vào CLB sách của trường, của gia đình. Rồi anh thường xuyên viết thư xin sách từ các cơ quan, đơn vị trong cả nước để những tủ sách tự nguyện ngày một nhiều thêm. Đến nay, số lượng sách mà anh vận động đã lên trên 6.000 quyển bao gồm rất nhiều thể loại như: văn học, tham khảo, KHKT, khuyến nông, sách thiếu nhi… một con số rất đáng khâm phục và thật có ý nghĩa với học sinh vùng sâu như huyện Mang Thít. Những lúc rỗi, thầy Thế và học trò còn tổ chức đi thu nhặt phế liệu bán lấy tiền mua sách phục vụ cộng đồng.

Thầy Huỳnh Văn Thế trong một lần giới thiệu sách

Tận tâm với văn hóa đọc

Nhiều giáo viên và học sinh của trường THPT huyện Mang Thít còn kể thêm: Thầy Huỳnh Văn Thế là người thành lập mô hình “CLB sách và hành động như Mang Thít” rất hiệu quả với nhiều hoạt động sôi nổi, bổ ích, thiết thực.

Em Nguyễn Trần Lan Anh, học sinh trường THPT Mang Thít kể: “Thầy Thế dạy môn Ngữ văn rất hấp dẫn, thu hút học sinh. Thầy vui tính, tận tâm với nhiệm vụ, giúp đỡ nhiều bạn có hoàn cảnh khó khăn từ đồng lương và công việc làm thêm của gia đình. Thầy luôn nhắc chúng em phải thường xuyên đọc sách, không được xao nhãng nét đẹp văn hóa đọc. Thầy còn tổ chức nhiều cuộc thi với chủ đề “Sách trong đời sống” rất hấp dẫn, chỉ tiếc rằng thầy ra đi quá sớm”. Nói đến đó, Lan Anh nghẹn ngào không thể tiếp tục câu chuyện về người thầy kính yêu của mình.

Từ năm 2017, ngôi nhà nhỏ của vợ chồng thầy Thế mang tên “ Không gian đọc Nguyễn Hiến Lê” đã trở thành thư viện miễn phí vùng nông thôn của huyện và là nơi có mặt thường xuyên của rất nhiều học sinh các cấp lẫn thầy, cô giáo và những nông dân quanh vùng với rất nhiều loại sách quý hiếm, bổ ích.

Không gian đọc “Nguyễn Hiến Lê” tại nhà thầy Thế

Tháng 9/2019, tin thầy Thế đột ngột qua đời làm nhiều người bàng hoàng, thương tiếc. Trước đó vài hôm, gặp nhau tại nhà, thầy Thế còn cho biết “Tuần này, tôi đi Sài Gòn nhận sách mới của nhiều người tặng cho phòng đọc sách. Tôi cũng sẽ đập con heo đất chứa tiền lãi từ việc bán bánh tét, bán nhang để giúp một số học sinh khó khăn. Khi nào xong việc sẽ về”. Vậy mà anh đã không về nữa.

Biết được việc làm cao đẹp ấy, nguyên Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch Nước) đã gửi lẵng hoa chia buồn sâu sắc và cử cán bộ đến tận nhà thầy Thế chia sẻ nỗi đau to lớn với gia đình.

Hiện nay, dù hoàn cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn nhưng chị Hằng vẫn góp tiền mua sách cho câu lạc bộ theo di nguyện của chồng.

Nhìn phòng đọc sách to rộng, gọn gang, ngăn nắp bên cạnh di ảnh thầy Thế với nụ cười mãn nguyện, bao dung; nhìn hình ảnh hai mẹ con chị Hằng rưng rưng nước mắt khi thắp nhang trước bàn thờ thầy Thế… chúng tôi cố kiềm nén những giọt nước mắt vì xúc động. Một con người sống đẹp vì cộng đồng đã đi mãi vào cõi vĩnh hằng nhưng những gì thầy đã cống hiến mãi mãi sống trong tâm thức của người dân, đồng nghiệp, học sinh và những người yêu sách.

Tác giả: Như Trang

Nguồn: Tạp chí VHNT số 462, tháng 5-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *