Nhân cách con người và nghệ thuật sân khấu việt nam hiện nay

Nhân cách là cái tôi, bản ngã, chủ thể của mỗi con người trong đời sống xã hội. Nhân cách và văn học nghệ thuật tuy không đồng nhất với nhau, nhưng nhân cách bao giờ cũng là hồn cốt của văn học nghệ thuật. Nghệ thuật sân khấu Việt Nam suốt mấy chục năm qua luôn thiếu tài năng, thiếu tác phẩm có tư tưởng, nghệ thuật cao và thiếu khán giả trầm trọng. Chính cơ chế quản lý nhà nước, nhận thức hiện thực thời đại và vốn sống của văn nghệ sĩ trong sáng tạo là ba nhân tố quyết định đến sự phát triển của nghệ thuật sân khấu Việt Nam hiện nay.

1.Nhân cách con người

Nói tới nhân cách con người là đề cập tới nhân cách văn hóa của con người. Vì nhân cách văn hóa là cái tôi chân chính, hài hòa giữa lợi ích chung và quyền lợi riêng, giữa cộng đồng và cá nhân, giữa trách nhiệm và hưởng thụ, giữa lý tưởng và hiện thực. Nó là một hệ thống dạng thức ứng xử đối với thế giới bên ngoài, với chính bản thân của từng con người, qua đó, biểu hiện các phẩm chất, năng lực, quan niệm về thang bậc giá trị đạo đức. Những quan niệm này được đại đa số thành viên trong cộng đồng tán thành, thừa nhận, ngưỡng mộ.

Giá trị cao nhất của mọi giá trị văn hóa là con người và sự hoàn thiện nhân cách con người. Do đó, Hồ Chí Minh đã khẳng định: “một dân tộc mạnh là dân tộc có nhân tố con người mạnh, muốn con người mạnh thì mỗi cá nhân phải là một nhân cách văn hóa đẹp” (1). Các văn kiện đại hội của Đảng luôn đề cao, coi trọng con người, coi con người là trung tâm, mục tiêu của sự phát triển, đồng thời cần chăm lo để mỗi người được phát triển toàn diện, xứng đáng là chủ thể của mọi hoạt động.

Nhân cách văn hóa là một giá trị thuộc phạm trù lịch sử. Ở mỗi nước, mỗi thời kỳ, do đặc điểm lịch sử, địa lý, chính trị, kinh tế, văn hóa… khác nhau nên giá trị nhân cách văn hóa có những hệ chuẩn không giống nhau. Theo quan điểm của Hồ Chí Minh, nhân cách văn hóa của một con người cách mạng là đức và tài, trong đó đức là cái gốc. Đức bao gồm: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư… “Tuy năng lực và công việc mỗi người khác nhau, người làm việc to, người làm việc nhỏ, nhưng ai giữ được đạo đức đều là người cao thượng”, “có tài mà không có đức chỉ là vô dụng”. Bởi “có đạo đức cách mạng thì gặp khó khăn thất bại cũng không sợ, rụt rè, lùi bước… khi gặp thuận lợi và thành công cũng vẫn giữ vững tinh thần chất phác, khiêm tốn lo hoàn thành nhiệm vụ cho tốt, chứ không kèn cựa về mặt hưởng thụ, không công thần, không quan liêu, không kiêu ngạo, không hủ hóa” (2). Do đó, xây dựng con người trước hết phải quan tâm đến phẩm chất xã hội của con người, để lợi ích cá nhân không tách rời lợi ích cộng đồng, để mỗi con người thành người làm người.

Từ quan niệm như vậy, Đảng đã định hướng nhân cách con người Việt Nam trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hội nhập quốc tế là: con người có lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, có đạo đức trong sáng, giữ gìn, phát huy các giá trị văn hóa nhân loại. Con người ấy phải có ý chí kiên cường, hoài bão lớn lao, phát huy tiềm năng của dân tộc, tính tích cực của cá nhân, có tư duy sáng tạo và óc thực nghiệm, kỹ năng thực hành giỏi, tay nghề cao, tác phong công nghiệp, có tính tổ chức và kỷ luật, tinh thần trách nhiệm cao, có lòng nhân ái, tôn trọng và hợp tác được với người khác. Đồng thời phải có có sức khỏe, khả năng tự hoàn thiện không ngừng, năng động, thích ứng, tinh thần pháp luật và ý thức công dân, ý thức bảo vệ môi sinh, biết yêu cái đẹp, vừa biết giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa của dân tộc, vừa có năng lực tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại…

2. Nhân cách và văn học nghệ thuật

Nhân cách và văn học nghệ thuật tuy không đồng nhất với nhau, nhưng nhân cách bao giờ cũng là hồn cốt của văn học nghệ thuật. Vì bản chất và chức năng của văn học nghệ thuật là giáo dục con người hướng thiện, xây dựng nhân cách con người cao đẹp. Do đó, vua Tự Đức đã từng nói: đức là gốc rễ của văn, văn là cành lá của đạo. Chernyshevsky cũng từng khẳng định: nếu tác phẩm văn học nghệ thuật chỉ nói về cá nhân nhỏ nhoi của nghệ sĩ, thiếu những giá trị, chuẩn mực nhân cách con người thì tác phẩm đó không hơn một tấm giẻ rách. Xuất phát từ đó, nhiều nhà nghiên cứu đã nhận định rằng nhìn vào sự hưng thịnh của nền văn học nghệ thuật, có thể đoán định được sự hưng thịnh của một dân tộc. Văn chương đáng thờ là loại văn chương chuyên chú ở con người, văn chương mà không vì con người thì là loại văn chương vứt đi. Vì vậy, văn học là nhân học và văn dĩ tải đạo. Đạo, theo các nhà nho xưa, vừa là vũ trụ quan, vừa là nhân sinh quan. Vũ trụ quan là đại vũ trụ bao trùm lên mọi tiểu vũ trụ, chính là con người. Nhân sinh quan là những quan niệm, những hành xử, những thiết chế mang tính người trong mọi quan hệ giữa người với người, với cộng đồng, xã hội.

Bàn về nhân cách con người, Hồ Chí Minh đã từng nói: người ta ai cũng có tính tốt và tính xấu. Mỗi con người đều có thiện và ác trong lòng. Tuy nhiên, thiện và ác không phải tự nhiên mà phần lớn do giáo dục tạo nên. Vì vậy, văn hóa nghệ thuật phải biết làm cho phần tốt trong mỗi con người này nở như hoa mùa xuân và làm phần xấu mất dần đi. Như vậy, bất kể cổ kim, đông tây thì đạo đức, nhân cách bao giờ cũng làm nên mọi giá trị chân chính của văn chương. Sứ mệnh cao cả, thiêng liêng của văn chương là xây dựng vun trồng nhân tâm, thế đạo.

Xuất phát từ nhận thức này, soi chiếu vào lịch sử văn hóa nghệ thuật Việt Nam, có thể thấy trước hết, nền văn học nghệ thuật dân gian từ thần thoại, sử thi, truyền thuyết, cổ tích, ngụ ngôn, thành ngữ, tục ngữ, ca dao, dân ca… đều thấm đẫm tính giáo huấn, giáo dưỡng nhân cách con người. Bước vào thời kỳ phong kiến, các triều đại có khi thịnh, khi suy, nhưng những áng văn chương điển hình đều đề cao, xây dựng nhân cách con người với những phẩm chất: yêu nước, thương người, tôn trọng dòng họ, huyết thống, gia đình, đoàn kết cộng đồng, nhân ái, bao dung, cần cù, bất khuất theo các mẫu hình vua sáng, tôi hiền, liệt nữ anh hùng, trí thức kiên trung…

Đặc biệt, qua hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ, văn học nghệ thuật Việt Nam đã phát triển toàn diện với những cấu trúc, hệ hình, tầm cao mới khiến tinh thần yêu nước trở thành chủ nghĩa yêu nước; tính cách anh hùng thành chủ nghĩa anh hùng; tư tưởng trung quân, ái quốc trở thành trung với Đảng, hiếu với dân; tính dân tộc trở thành chủ nghĩa quốc tế vô sản… Mô hình, phẩm chất, nhân cách mới của con người Việt Nam là: yêu nước, thương dân, tính cộng đồng sâu sắc, ý thức tổ chức kỷ luật cao, lạc quan yêu đời, giàu lòng nhân nghĩa, mình vì mọi người…

Thông qua lịch sử văn học nghệ thuật Việt Nam, có thể nhận thấy văn học nghệ thuật không thể đứng ngoài con người, không thể tách rời nhân cách, đạo đức của con người. Văn học nghệ thuật vừa là nơi đúc kết những đặc trưng cốt lõi của con người, vừa là phương thức để giáo dục, giáo dưỡng con người theo quy luật chân, thiện, mỹ. Văn học nghệ thuật có sức mạnh to lớn trong giáo dục, rèn giũa, trau dồi tư tưởng, tình cảm đạo đức con người, giúp con người tự hoàn thiện nhân cách cao đẹp trong ứng xử tinh tế, bác ái giữa con người với con người, giữa gia đình, xóm làng, dân tộc với bè bạn quốc tế và tạo ra hệ giá trị giúp con người tự đề kháng chống lại cái xấu, cái ác… Aristotle đã khẳng định: văn học nghệ thuật làm thức tỉnh tình thương và nỗi sợ hãi để thanh lọc cảm xúc con người!

3. Nghệ thuật sân khấu Việt Nam hiện nay

Giá trị của tác phẩm văn học nghệ thuật là giá trị của chiều sâu lý tưởng thẩm mỹ, chất lượng hình tượng sáng tạo, ngôn ngữ biểu đạt và tác động hiệu quả sâu rộng tới công chúng tiếp nhận theo quy luật của cái đẹp. Rất tiếc, khi xã hội Việt Nam bước vào cơ chế thị trường thì văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật sân khấu nói riêng, “so với những thành tựu trên lĩnh vực chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, thành tựu trong lĩnh vực văn hóa chưa tương xứng; chưa đủ để tác động có hiệu quả xây dựng con người và môi trường văn hóa lành mạnh”, “còn ít những tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại”. Đặc biệt, trong nghệ thuật sân khấu, “có xu thế chạy theo hình thức câu khách, nhiều yếu tố thiếu sự lành mạnh như kịch kinh dị, sex, sân khấu ma… mà chưa chú trọng đến những giá trị nghệ thuật” (3).

Giá trị của tác phẩm văn học nghệ thuật không tự sinh ra mà bắt nguồn từ người nghệ sĩ. Mỗi nghệ sĩ đích thực phải là hiện thân của một giá trị sống, giá trị nhân cách. Đó chính là đức và tài, là phẩm chất đức, trí, thể, mỹ. Do đó, mỗi nghệ sĩ phải là một nhà tư tưởng, một nhà đạo đức. Nếu nghệ sĩ không có tư tưởng lớn, đạo đức lớn thì không thể sản sinh ra tác phẩm lớn để dẫn dắt tư tưởng, đạo đức xã hội hướng tới những điều tốt đẹp của nhân loại.

Nghệ thuật sân khấu Việt Nam, sau Nguyễn Đình Thi, Tào Mạt, Đào Hồng Cẩm, Lưu Quang Vũ… đã vắng bóng nhân tài biên kịch, làm cho nghệ thuật sân khấu bị khủng hoảng trầm trọng, thừa kịch bản yếu, thiếu kịch bản hay. “Các yếu tố về con người không sâu sắc, chưa đủ những tính cách, càng ít số phận. Tư duy theo lối cũ, chưa cao về văn học kịch…” (4).

Rõ ràng, văn học, nghệ thuật đồng nghĩa với tài năng. Không có tài năng thì không thể làm được công việc sáng tạo văn học, nghệ thuật. Nghệ thuật sân khấu Việt Nam suốt mấy chục năm qua, dù bao biện thế nào, thì sự thật vẫn là một nền sân khấu thiếu tài năng, thiếu tác phẩm có tư tưởng và nghệ thuật cao, thiếu khán giả trầm trọng. Có 3 nguyên nhân đã khiến cho thực trạng sân khấu Việt Nam u buồn như vậy.

Trước hết do cơ chế quản lý, nghệ thuật sân khấu Việt Nam hôm nay đang có hai dòng sáng tạo: nhà nước (công lập) và tư nhân (xã hội hóa). Dòng sáng tạo công lập vẫn được nhà nước đầu tư bao cấp về tài chính, tiền lương, phương tiện để sáng tạo nghệ thuật nhằm phục vụ chính trị, nên thường được dàn dựng các tiết mục hoành tráng theo định hướng, theo các cuộc vận động. Những định hướng, những cuộc vận động sáng tạo là cần thiết, mang ý nghĩa nâng cao đạo đức, nhân cách con người Việt Nam trong thời đại mới. Từ thực tế của dòng sáng tạo nghệ thuật sân khấu công lập đã cho thấy dù tác phẩm thông tin, tuyên truyền, cổ động có đầy ắp những nội dung đạo đức, nhân cách làm người của các lãnh tụ, anh hùng chiến tranh cách mạng nhưng nếu nghệ thuật khắc họa, diễn xuất yếu kém sẽ tạo ra những hình tượng nghệ thuật kém sâu sắc, ít có giá trị giáo dục đạo đức, nhân cách cho khán giả. Nhiều khi còn đem đến sự phản cảm cho người xem về những điều thiêng liêng trong tâm khảm của họ, về tình yêu lãnh tụ, anh hùng cách mạng bấy lâu. Vì vậy, đánh giá một tác phẩm văn học, nghệ thuật chỉ căn cứ vào đề tài thôi là chưa đủ, dù vai trò của đề tài rất quan trọng đối với sáng tạo văn học, nghệ thuật.

Còn dòng sáng tạo tư nhân, do tự bỏ vốn đầu tư để làm nghệ thuật và phải thu hồi vốn nhanh, có lãi để trang trải mọi chi phí cùng lương nghệ sĩ, nên các tiết mục phần lớn chụp giật, chắp vá, chiều thị hiếu giải trí tầm thường của khán giả, thiếu tính giáo dục và tính thẩm mỹ. Dòng sáng tạo này nặng về thương mại, không có xu hướng phục vụ chính trị, chưa chú ý phấn đấu để có tác phẩm đạt đỉnh cao về tư tưởng, nghệ thuật… Hai dòng sáng tạo với hai mục đích khác nhau trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế hôm nay chưa tạo nhiều thuận lợi để sản sinh ra những nghệ sĩ tài năng, tác phẩm lớn với những giá trị giáo dục đạo đức, nhân cách làm người văn hóa cao được.

Chủ nghĩa Mác – Lênin đã chứng minh rằng phản ánh là một thuộc tính vốn có của vật chất và phản ánh không bao giờ đồng nhất với sáng tạo nghệ thuật. Vì phản ánh không phải là sáng tạo, chưa tạo ra được hình tượng mang giá trị thẩm mỹ. Hình tượng nghệ thuật bắt nguồn từ hiện thực cuộc sống, nhưng không phải bất kỳ sự vật, hiện tượng nào của cuộc sống cũng trở thành hình tượng nghệ thuật. Bởi hình tượng nghệ thuật, theo Leonard de Vinci, là sự sáng tạo của nghệ sĩ biết suy nghĩ. Nghệ sĩ biết suy nghĩ là nghệ sĩ biết lựa chọn những cái quan trọng nhất, bản chất nhất của cuộc sống để nói về chân lý của cuộc sống, cho cuộc sống. Nghệ sĩ vừa có khả năng nhận thức được những gì nhìn thấy và phải biết khám phá, khái quát những gì nghĩ thấy theo quy luật của chân, thiện, mỹ bằng hình tượng.

Xuất phát từ quan niệm này, có thể thấy văn nghệ sĩ Việt Nam đang có một khoảng trống lớn về nhận thức thời đại: khá nhiều nghệ sĩ còn chưa hiểu sâu sắc về sự chuyển hóa lớn của dân tộc Việt Nam từ chiến tranh sang hòa bình, từ cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân sang dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, từ cơ chế quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế… Sự chuyển hóa lớn này vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với đạo đức, nhân cách con người Việt Nam.

Bên cạnh đó, không ít các nghệ sĩ sân khấu Việt Nam còn chưa thấm nhuần sâu sắc, toàn diện về đường lối đổi mới của Đảng; chưa hiểu rõ mô hình nhân cách văn hóa con người Việt Nam hiện nay với thước giá trị chuẩn nào trong cơ chế thị trường, hội nhập quốc tế và những mối quan hệ giữa phục vụ chính trị với thương mại, tuyên truyền, giáo dục và giải trí, truyền thống với hiện đại, nhân cách người cách mạng với nhân cách văn hóa của con người mới trong sáng tạo nghệ thuật. Đứng trước hiện thực vừa mới, vừa lạ ấy, một số nghệ sĩ sân khấu Việt Nam chưa kịp đổi mới một cách toàn diện, thì làm sao sáng tạo ra những hình tượng của thời đại với nhân cách văn hóa thời đại?

Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng trao đổi với văn nghệ sĩ rằng: phải có vốn sống. Vốn sống cần như cơm bữa, không có vốn sống thì không sáng tác được gì. Từ lời trao đổi đó soi chiếu vào văn nghệ sĩ Việt Nam thì thấy: “trong số gần 1000 nhà văn của hội thì có hơn 98% nhà văn sống ở thành phố và các trung tâm hành chính. Cả nước chỉ còn 2% nhà văn đang sống ở nông thôn” (5). Ở trung tâm công nghiệp, các trọng điểm kinh tế, các tuyến đường, các cửa khẩu, các làng bản xa xôi… đang vắng bóng nhà văn. Có thể nói, cũng đang vắng bóng các tác giả sân khấu.

Như vậy, văn nghệ sĩ sân khấu đang thiếu vốn sống đương thời. Do đó, phần lớn các tác phẩm chỉ chạy theo đề tài quá khứ, các cuộc vận động với những hình tượng thiếu tính đương thời, thiếu nhân cách văn hóa của con người đương thời nên đã thiếu sức thuyết phục trong lý giải cái tốt, cái thiện, cái ác. Vì vậy, tác phẩm khó gây được cảm xúc, nâng đỡ, an ủi, khích lệ khán giả trong cuộc sống, giúp khán giả trả lời những câu hỏi về cuộc sống, lối sống, nhằm xây dựng, hoàn thiện nhân cách của mình, làm tăng sức đề kháng, chống lại mọi cái xấu, cái ác ở đời…

Trong văn học, nghệ thuật luôn có sự thống nhất biện chứng giữa nhân cách văn hóa con người với nhân cách văn hóa nhân vật và nhân cách văn hóa của nghệ sĩ sáng tạo. Ba mối quan hệ này đang vừa yếu, vừa thiếu ở nghệ thuật sân khấu Việt Nam bởi các nguyên nhân như: cơ chế quản lý nhà nước, nhận thức hiện thực thời đại và vốn sống của văn nghệ sĩ trong sáng tạo. Không giải quyết được ba nguyên nhân trên, dù có đầu tư bao nhiêu sức người, sức của thì nghệ thuật sân khấu Việt Nam vẫn không có nhân tài, vẫn khủng hoảng, vắng khán giả trầm trọng, đồng thời không thể thôi thúc khán giả hướng tới việc tự hoàn thiện nhân cách văn hóa ngang tầm với văn hóa thời đại. Vì vậy, để xây dựng, bồi dưỡng, hình thành nhân cách văn hóa cho cộng đồng, buộc nghệ thuật sân khấu Việt Nam phải không ngừng đổi mới theo định hướng của Đảng ta trong giai đoạn hiện nay.

______________

1. Hồ Chí Minh, Hồ Chí Minh toàn tập, tập 7, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 252-253, 568.

2. Hoàng Tuấn Anh, Nguyễn Chí Bền, Từ Thị Loan, Xây dựng nhân cách văn hóa – những bài học kinh nghiệm trong lịch sử, Nxb Văn hóa Thông tin, Hà Nội, 2012, tr.41.

3. Lê Tiến Thọ, Nghệ thuật sân khấu và sự tiếp nhận của công chúng, Tạp chí Sân khấu, tháng 5, 2015, tr.31.

4. Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Báo cáo của Ban chấp hành Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Tạp chí Sân khấu, tháng 4, 2007, tr.9.

5. Hội đồng Lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật Trung ương, Phấn đấu sáng tạo nhiều tác phẩm văn học nghệ thuật có giá trị, Nxb Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 2014, tr.48.

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 377, tháng 11-2015

Tác giả : TRẦN TRÍ TRẮC

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *