Đạo diễn là công việc sáng tạo, đóng vai trò then chốt trong một tác phẩm. Xét về góc độ nghệ thuật, đạo diễn là người quyết định thành, bại của một bộ phim. Vậy họ là ai và vai trò của họ như thế nào trong bối cảnh điện ảnh Việt đang trên đà xã hội hóa như hiện nay?
Trong bối cảnh điện ảnh Việt Nam có sự cạnh tranh khá lớn từ các nhà sản xuất trong việc lựa chọn đạo diễn để đảm bảo doanh thu phòng vé; đồng thời với số lượng phim phát hành mỗi năm như hiện nay thì nhu cầu về đạo diễn đang ngày càng nhiều. Mặc dù có một số lượng khá lớn các đạo diễn đang trong tuổi công tác, sinh viên chuyên ngành đạo diễn tốt nghiệp từ những cơ sở đào tạo trong nước, nhưng thực tế họ không có cơ hội làm phim… Vậy những đạo diễn trên phim trường hiện nay là ai.
Đầu tiên, phải kể đến một số lượng đạo diễn đang ăn lương và thuộc biên chế các hãng phim nhà nước. Nhưng dường như tuổi đời, cách tư duy về nghề và cách kể chuyện khá cũ, nên ngoài việc làm phim do nhà nước đặt hàng theo chỉ tiêu hàng năm, họ không thể đồng hành với các hãng phim tư nhân. Một số khác được đào tạo bài bản ở trong nước và cũng có một vài tác phẩm hay như: Nguyễn Quang Dũng, Vũ Ngọc Đãng, Ngô Quang Hải… nhóm đạo diễn này vài năm gần đây làm phim khá đều đặn. Một số đạo diễn còn lại đang loay hoay tìm cách đổi mới trong phong cách kể chuyện, hướng đi mới, hoặc ấp ủ những dự án mới…
Thứ hai, tạm gọi là nhóm đạo diễn Việt kiều được đào tạo trong môi trường chuyên nghiệp ở nước ngoài và đã gặt hái nhiều thành công ở trong nước như Victor Vũ, Charlie Nguyễn, Hàm Trần, Dustin Nguyễn, Cường Ngô… Sau những thành công của: Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, Trúng số, Tèo em, Bao giờ có yêu nhau, Hương ga, Đoạt hồn… họ vẫn tiếp tục sáng tác và luôn có sự thay đổi về phong cách kể chuyện. Những đạo diễn này là sự lựa chọn an toàn của các nhà sản xuất để đảm bảo doanh thu, nhưng cũng chỉ đáp ứng một phần rất nhỏ nhu cầu của thị trường phim Việt. Số lượng hơn 40 phim phát hành/năm dường như là con số quá lớn khi mà đạo diễn nào mát tay lắm cũng chỉ lập được kỷ lục 2 phim/năm. Ngoài ra, có những đạo diễn Việt kiều khác không thành danh như mong đợi ở nước ngoài cũng trở về quê hương tìm kiếm cơ hội làm phim như: Derek Nguyễn (Cô hầu gái), Bảo Nguyễn (Ám ảnh), Lê Văn Kiệt (Ngôi nhà trong hẻm, Nữ đại gia)… Mặc dù còn nhiều ý kiến khen chê, nhưng những câu chuyện bằng hình ảnh mà họ kể trong phim góp phần tạo nên tính đa dạng cho thị trường điện ảnh Việt.
Trong 3 năm gần đây điện ảnh Việt Nam xuất hiện khá nhiều gương mặt là đạo diễn ở các lĩnh vực khác như sân khấu, truyền hình và thậm chí cả đạo diễn MV ca nhạc cũng tham gia thử sức trên màn ảnh rộng. Những cái tên như Đức Thịnh (Ma dai, Taxi em tên gì, Sứ mệnh trái tim), Võ Thanh Hòa (Bệnh viện ma), Trần Ka My (Tik tak anh yêu em), Đồng Đăng Giao (Nắng), Cao Tấn Lộc (Thần tiên cũng nổi điên), Trần Ngọc Giàu (Nàng tiên có 5 nhà, Tía tôi là cao thủ), Nguyễn Tuấn Anh (Găng tay đỏ), Lý Hải (Lật mặt, Lật mặt phim trường 2), Quang Huy (Thần tượng, Chàng trai năm ấy)… Có thể nói lực lượng này đang ngày một đông đảo, chứng tỏ sự hấp dẫn của điện ảnh đối với những ai muốn trải nghiệm về nghề kể chuyện bằng hình ảnh.
Thứ ba, nhóm các đạo diễn xuất thân từ diễn viên hoặc các công việc liên quan đến điện ảnh. Sau những tháng năm miệt mài cùng các đoàn làm phim, từ kinh nghiệm thực tế cùng với tinh thần học hỏi, họ quyết định thử sức ở vai trò đạo diễn như: Ngô Thanh Vân (Tấm Cám – chuyện chưa kể), Khương Ngọc (Yêu là phải xài chiêu), Việt Anh (Vệ sĩ, tiểu thư và thằng khờ), Huỳnh Đông (Oán), Hoàng Phúc (Lục Vân Tiên: Tuyệt đỉnh kungfu), Văn Anh (Đời cho ta bao lần đôi mươi)…
Điểm qua những cái tên trên có thể thấy số lượng đạo diễn tham gia làm phim gấp 2 – 3 lần số lượng phim phát hành nhưng dường như chưa đủ, thị trường vẫn luôn cần những gương mặt mới, cách kể chuyện mới và vô hình chung chính nhu cầu đó lại có thêm nhiều nhân tố mới tham gia vào lực lượng này.
Điều lớn nhất mà các đạo diễn mang đến cho điện ảnh Việt Nam là thị trường sôi động, với phong cách làm phim mới, cách kể chuyện đa dạng và phong phú. Nếu trước đây phim Việt chỉ chiếu trong dịp tết, đến nay phim có thể ra rạp bất cứ lúc nào, thậm chí có thời điểm phim Việt còn vượt cả phim nước ngoài về doanh thu và lượt người xem. Trong 5 năm gần đây, điện ảnh Việt Nam có sự tăng trưởng vượt bậc cả về số lượng và chất lượng phim. Đến năm 2016, cả nước có 145 rạp/cụm rạp với số lượng đạt 520 phòng chiếu, số lượng ghế 83.500, vượt 35% so với chỉ tiêu đề ra trong Chiến lược phát triển điện ảnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
Với những kinh nghiệm và kiến thức học hỏi từ nước ngoài, các đạo diễn thuộc nhóm đạo diễn Việt kiều đã mang đến những công nghệ, cách làm phim mới trong việc tổ chức sản xuất. Điều này tạo điều kiện cho những người tham gia hoạt động điện ảnh có cơ hội tiếp cận, cọ sát với cách tổ chức sản xuất phim chuyên nghiệp.
Việc nhiều đạo diễn không chuyên tham gia vào thị trường điện ảnh vô hình chung tạo nên những cách kể chuyện hoàn toàn mới phá vỡ nguyên tắc làm phim truyền thống. Chưa bàn đến chuyện đúng hay sai, thành công hay thất bại nhưng ít ra họ không bị lệ thuộc vào những khuôn mẫu, công thức cũ. Chính những điều này đã mang lại sự phong phú trong cách kể chuyện.
Bên cạnh những mặt tích cực, những bộ phim của điện ảnh Việt vẫn còn nhiều hạn chế. Đó là sự duy mỹ trong sáng tác, một điều cũng dễ hiểu vì điện ảnh là ngôn ngữ của hình ảnh, hình ảnh tác động trực tiếp đến khán giả. Vì vậy, không ít đạo diễn cho rằng đã là hình ảnh thì phải đẹp, chau chuốt cho dù ở bất kỳ thể loại nào.
Bộ phim Cô hầu gái cho thấy sắc thái của phim kinh dị duy mỹ. Cái đẹp luôn xuất hiện đằng sau sự rùng rợn, trải dài xuyên suốt bộ phim với góc quay mỹ miều nhưng đầy ma mị. Chưa bao giờ dòng phim kinh dị Việt Nam lại xuất hiện một bộ phim đẹp đến thế. Máu me, bạo lực, tiếng thét thất thanh, đều đặt chung trong bối cảnh được trau chuốt tỉ mỉ. Ngôi biệt thự Tây Âu cổ điển, sang trọng, mang dáng vẻ lạnh lẽo u uất vừa đem đến cảm giác rùng rợn vừa tạo sự ngạc nhiên trầm trồ trước cái đẹp và nét hoa mỹ qua cách bài trí. Câu chuyện về nhân vật Madame Camille trong phim được xây dựng với hy vọng tạo ra đoạn kết ám ảnh. Nhưng cách kể chuyện khiến nhân vật trở nên có phần thừa thãi, thậm chí là hành động thiếu lôgic, gây cảm giác chơi vơi giữa bi kịch của linh hồn người phụ nữ và mối tình oan trái giữa nhân vật Linh với ngài đại úy.
Ra mắt khán giả năm 2015, 49 ngày 1 do Trường Giang và Nhã Phương thủ vai chính đã tạo ra làn sóng cảm xúc cuốn hút. Sang đầu năm 2017, 49 ngày 2 với sự thay đổi tuyến nhân vật, biến bộ đôi câu cá nhí nhố đâm bang trong phần 1 là Ngô Kiến Huy và Hari Won thành nhân vật chính, đem đến một bộ phim hài lãng mạn pha chút yếu tố kinh dị nhưng vẫn dễ thương. Hình ảnh và các cảnh quay được đầu tư chăm chút kỹ lưỡng, cảnh bắt lửa cháy nổ, cảnh té xe của Huy cũng rất thật. Quang cảnh nơi Huy và Phương ngồi dưới gốc cây nhìn bát ngát một màu xanh rất thơ mộng, theo môtip ban ngày đẹp bao nhiêu thì ban đêm mang vẻ liêu trai bấy nhiêu. Nhưng cũng chính sự chăm chút kỹ lưỡng về mặt hình ảnh vô tình tạo nên sự phi lý trong phim. Những cái đẹp, cái ngoại lai, cái duy mỹ trong phim chỉ khiến nó lộ ra sự cẩu thả trong kịch bản cũng như tư duy điện ảnh yếu kém.
Ngay cả Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh, bộ phim được đánh giá thành công cả về nghệ thuật và doanh thu, cũng vẫn có ý kiến cho rằng cái nghèo trong phim quá đẹp, đến mức khán giả mất đi sự cảm thông. Cái đẹp không phải lúc nào cũng mang lại hiệu quả trong điện ảnh, thậm chí là phản tác dụng.
Bên cạnh việc quá duy mỹ và chú trọng đến hình ảnh, các phim Việt còn mắc một vài lỗi cơ bản về nội dung khi đánh mất bản sắc văn hóa Việt… mà chính những yếu tố này mới mang lại nét riêng cho tác phẩm điện ảnh và có sức sống trong lòng công chúng.
Những đạo diễn Việt kiều sau những tháng năm tìm kiếm thành công trên con đường lập nghiệp ở nhiều quốc gia khác nhau, số người có được một chỗ đứng trong thị trường phim nước ngoài không nhiều, vì vậy họ trở về quê hương bắt tay với các hãng phim tư nhân để tung ra thị trường hàng loạt tác phẩm điện ảnh mang tính giải trí cao. Những kinh nghiệm thực tế và kiến thức thu được từ nước ngoài mà họ mang đến cho điện ảnh Việt là điều không phải bàn cãi, nhưng cũng chính việc không lớn lên tại quê hương đã khiến họ xa lạ với văn hóa, con người Việt. Đã có nhiều ý kiến cho rằng phim hành động Việt được sao chép công thức làm phim của Hollywood, còn phim tình cảm đậm mùi Hàn Quốc. Điển hình nhất là phim Vệ sĩ Sài Gòn của đạo diễn người Nhật Bản Ken Ochiai với một profile khá dữ dội khiến bất kỳ êkíp làm phim nào cũng phải dè chừng.
Về nội dung, có thể nói bộ phim có cốt truyện gốc khá hấp dẫn và giữ được nhịp độ khá tốt. Tuy nhiên, ý tưởng kịch bản tốt sẽ không thể gánh hết sự vụng về trong phim: trong cảnh khi Viên và Trịnh đột nhập vào nhà nhân vật nọ, dù đã được đạo diễn trang bị cho đạo cụ thú vị và quen thuộc với phim Nhật là những chiếc bít tất trùm lên mặt, nhưng cách xử lý phi logic ở phân đoạn này gây tiếc nuối ít nhiều. Hay như cách vạch mặt tên trùm cuối. Biên kịch đã cố gắng kéo dài sự nguy hiểm của nhân vật bằng kiểu lý lẽ khiến những người khác cứng họng nhưng rốt cuộc cách giải quyết bá đạo như trong phim Nhật lại không đủ thỏa mãn, thậm chí còn khiến cả bộ phim kệch cỡm ở những giây phút cuối cùng. Thực sự đáng tiếc khi cả biên kịch lẫn đạo diễn đã cố gắng dụng công vào kịch bản, đưa bộ phim thoát ra khỏi cái khung sườn cũ của Việt Nam bằng những chi tiết và tình huống thường thấy trong các manga Nhật, hay nhiều đoạn nhân vật tả xung hữu đột trên đường khá sáng tạo… nhưng vì một số tình huống được xử lý ngô nghê mà tổng thể phim bị chênh khá nhiều. Sự thiếu hiểu biết về tâm lý, tính cách và văn hóa Việt đã khiến câu chuyện phim trở nên xa lạ với chính những con người đang sống trên mảnh đất đó.
Việc đa dạng hóa trong phong cách kể chuyện để có những tác phẩm điện ảnh hay là điều mà các nhà sản xuất luôn đòi hỏi ở đạo diễn. Các đạo diễn luôn phải làm mới trong từng tác phẩm, nếu không muốn bị cạnh tranh bởi những gương mặt mới. Và cho dù họ là ai, sở trường là gì, khi tham gia vào cuộc chơi trên màn ảnh rộng vẫn cần có những kiến thức, yếu tố cần và đủ để kể một câu chuyện theo cách thông thường, rồi tùy thuộc vào trình độ và tài năng của đạo diễn câu chuyện ấy sẽ đạt đến mức độ nào.
Từ năm 2016 đã bắt đầu có những cụm từ thất bại, thua lỗ, ngã ngựa khi nhắc đến một số bộ phim Việt Nam. Thị trường phim Việt có dấu hiệu chững lại và đương nhiên khi khán giả đã bắt đầu chắt lọc tác phẩm điện ảnh hay để bỏ tiền mua vé vào xem, thì một lần nữa các nhà sản xuất cũng bắt đầu có những tiêu chí mới để lựa chọn đạo diễn nhằm đảm bảo sự thành công cho phim.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 397, tháng 7 – 2017
Tác giả : BÙI THỊ HỒNG GẤM
Bài viết cùng chủ đề:
Sự giao thoa phim truyện và phim tài liệu qua cha cõng con
Tấm cám: chuyện chưa kể – từ truyện kể đến điện ảnh
Chính sách phát triển điện ảnh của việt nam hiện nay