5. Khổ lá đầu
Về cơ bản, khổ lá đầu là một mô hình bao gồm 6 nhịp (1/4) ứng với 6 tiếng phách. Điều đặc biệt, thanh âm của mô hình chỉ dùng duy nhất dùi kép (tay phải) – tiếng “phách”. Thế nên trong môi trường diễn xướng, lá đầu là khổ phách mà người nghe có thể nhận diện thị giác. Có nghĩa cứ thấy phân đoạn nào mà đào nương dương cao một dùi phách đánh mạnh, rõ ràng, chững chạc thì đó là khổ lá đầu.
Nhìn vào mô hình nêu trên, có thể thấy, phách khổ lá đầu có 5 tiếng “phách” gõ mạnh, dõng dạc (ký hiệu: >) và 1 tiếng “phách” gõ nhẹ (ký hiệu: pp). Trong đó, tiếng “phách” nhẹ có thể được đào nương bỏ qua. Trên thực tế, phách lá đầu là một kiểu mô hình cố định giống như các khổ sòng đàn, tiết tấu phách thưa/ mạnh là đặc trưng nổi bật nên rất dễ nhận dạng trong diễn biến bài bản.
Ở đây, nếu so sánh khổ lá đầu với khổ sòng giắt, sẽ thấy ngoài độ dài ngắn khác nhau, sự khác biệt giữa 2 mô hình biểu hiện rõ ở kết cấu nhịp điệu. Phách khổ sòng giắt thì đề cao các bước nhấn lệch điển hình, có phách “chát” dứt khổ. Trong khi phách khổ lá đầu lại làm nổi bật những bước đi chính diện trọng âm mang tính đồng độ, không có phách “chát” dứt khổ. Và, cũng giống như khổ sòng giắt, ở khổ lá đầu, tính đặc trưng của mô hình cấu kiện biểu hiện rõ ràng ở phách. Có nghĩa trên thực tế, khổ đàn lá đầu cũng chỉ là phân khúc giai điệu song hành với khổ phách lá đầu, thường là những bước nhấn lệch đan xen nhịp điệu đồng độ của phách, không có những dấu hiệu nổi bật.
Ngược dòng lịch sử, nếu so sánh mô hình phách lá đầu nêu trên với khổ lá đầu được giới thiệu trong cuốn Sách dạy đánh chầu (28) ấn hành năm 1927, chúng ta sẽ cảm nhận được phần nào sự biến đổi theo thời gian của một mô hình khổ phách ả đào. Trong sách, tác giả Vô Danh Thị cũng đưa ra đồ hình xác định phách khổ lá đầu có 6 tiếng “phách – phách – phách – phách – rục – phách”. Đáng chú ý, tất cả đều được sắp đặt chia đều trong nhịp điệu đồng độ cơ bản. Ba tiếng “phách” đầu tiên được tác giả gọi là “ba tiếng phách báo- ba tiếng ấy bỏ mạnh, nghe rất rõ”. Còn tiếng “phách” thứ tư và cuối cùng được gọi là “hai tiếng phách lá đầu”, được tác giả ký hiệu/ lưu ý gõ mạnh hơn cả. Dưới đây là mô hình được mã hóa theo ký tự nhạc thời nay.
Như thế, so với mô hình đúc kết năm 1927, khổ lá đầu thời nay đã đổi tiết tấu nhấn lệch cho 2 tiếng “phách” đồng độ đầu tiên. Tiếng “rục”- ô nhịp số 5 được thay thành tiếng “phách”; hay cũng có thể bỏ hẳn để làm nổi 2 tiếng phách lá đầu (ô nhịp số 4 và số 6).
Đọc toàn văn cuốn Sách dạy đánh chầu, có thể đoán định Vô Danh Thị hẳn là một nhân sĩ trí thức sành điệu ả đào. Những gì ông đã giới thiệu có thể coi như một phần lát cắt lịch sử âm nhạc của thể loại, được đúc kết trong cả một quá trình nhiều năm trải nghiệm/ sưu tầm công phu. Dù không có tư liệu vang chứng minh nhưng ngày nay, vẫn có thể tạm coi đó là một phần âm luật ả đào thời kỳ những năm đầu TK XX trở về trước.
Theo dòng chảy lịch sử, chúng ta tiếp tục quan sát khổ lá đầu của thế hệ đào nương nhà hát Cô đầu Khâm Thiên, đã được các hãng đĩa hát nước ngoài lựa chọn thu thanh những năm 1930 – 1940. Trong đó, căn cứ trên tư liệu vang phục chế, đã nhận diện được những khổ phách của các cô đầu Ba Thịnh (29) và Chu Thị Năm. Hai bà được xem như những đại diện tiêu biểu cho 2 thế hệ cô đầu danh tiếng một thời. Chẳng hạn trong một dị bản bài Gửi thư, bà Ba Thịnh đã sử dụng những kiểu khổ lá đầu có biến phách khác nhau như sau:
So với mô hình 6 tiếng “phách” thời nay, sẽ thấy khổ lá đầu của bà Ba Thịnh khá gần gũi, thể hiện ở chỗ 2 tiếng phách mở đầu đã được đổi thành tiết tấu nhấn lệch, không còn đồng độ thuần túy như mô hình của Vô Danh Thị. Nhưng nó khác ở tiếng “tà rục”- ô nhịp số 2 và tiếng “rục”- ô nhịp số 5. Ví dụ:
Còn dưới đây là khổ lá đầu của đào nương Chu Thị Năm:
Có thể thấy, khổ lá đầu của bà Chu Thị Năm đã hoàn toàn giống với mô hình phách lá đầu thời nay. Nói cách khác, khổ lá đầu thời nay có lẽ bắt đầu định hình/ hoàn chỉnh từ thế hệ đào nương danh tiếng này.
Sau Chu Thị Năm, những lớp đào nương tiếp nối vẫn tiếp tục duy trì tính ổn định của mô hình khổ phách lá đầu. Sự khác biệt có chăng chỉ thấy ở chỗ các tiếng “phách” được gõ mạnh đều nhau, không nhất thiết phải làm nổi trội 2 tiếng “phách” lá đầu như thời trước. Thi thoảng, cũng có đào nương tùy hứng thêm chút biến phách ở ô nhịp số 5. Ví dụ:
Hay đôi khi lẩn tiếng “phách” thứ 3:
Xin nói thêm, trong hệ thống tư liệu vang đã sưu tầm, kiểu lẩn phách nêu trên là trường hợp ít khi xảy ra. Bởi về mặt lôgic, với một mô hình cố định như phách lá đầu, nếu lẩn phách nhiều thì nét đặc trưng của nhịp điệu sẽ biến mất, khi đó lá đầu không còn là lá đầu nữa! Điều này cũng lý giải tại sao trong nhạc ả đào, lá đầu chỉ xuất hiện dưới dạng mô hình phách thưa mà không có các lối biến báo phách mau kiểu như khổ sòng giắt.
Về mặt vị trí/ chức năng, trong nhạc ả đào, nói chung khổ lá đầu là một mô hình cấu kiện xuất hiện không nhiều. Trước nhất là vị trí của nó trong khúc giáo đầu. Như đã giới thiệu, đây là đoạn nhạc không lời mở đầu các thể cách Mưỡu, Hát nói, Gửi thư, Bắc phản… Cấu trúc của một khúc giáo đầu hoàn chỉnh bao gồm: khổ sòng đầu – khổ rải – khổ giữa – khổ xiết – khổ rải – khổ lá đầu – khổ rải – khổ sòng cuối. Trong trật tự đó, có thể thấy khổ lá đầu nằm giữa 2 khổ rải ở nửa sau khúc nhạc. Ví dụ:
Các nghệ nhân nhà nghề cho biết, thời xưa theo thông lệ, đào kép thường chơi khúc giáo đầu cho đến hết khổ sòng cuối rồi mới bắt vào câu hát. Thế nhưng, một khúc giáo đầu hoàn chỉnh tối thiểu cũng kéo dài tới 61 nhịp (1/4). Bởi vậy, trải theo thời gian, các nghệ sĩ dần có xu hướng rút ngắn, cắt bớt khúc nhạc này để bắt vào câu hát sớm hơn. Trong đó, nhiều trường hợp khúc giáo đầu kéo dài hết khổ lá đầu là vào câu hát ngay. Ví dụ:
Căn cứ vào tư liệu âm thanh những năm 1930-1940, đã thấy các đào nương danh tiếng như Ba Thịnh, Đàm Mộng Hoàn, Chu Thị Năm… chỉ chơi khúc giáo đầu đến hết khổ xiết, qua khổ rải là vào hát ngay. Điều đó có nghĩa các bà đã cắt hẳn khổ lá đầu. Đây cũng là hiện tượng phổ biến, được duy trì tới thế hệ đào nương nhà nghề cuối cùng như Nguyễn Thị Chúc, Phó Thị Kim Đức. Các nghệ nhân cũng chia sẻ lý do bỏ lá đầu là vì khúc giáo đầu quá dài! Và, việc bỏ hay giữ như thế nào hoàn toàn do đào nương chủ động dẫn dắt, kép đàn cứ thế mà theo.
Khác với các khổ sòng đàn, khổ giữa, khổ xiết và khổ sòng giắt, trong nhạc ả đào, khổ lá đầu không đóng vai trò phân ngắt/ liên kết từng phần, từng phân đoạn hay những câu thơ, vế thơ. Ở đây, chức năng chính yếu của mô hình cấu kiện là giao lồng, luồn dưới giai điệu lời ca trong thể cách. Điều này lý giải tại sao trong cấu tạo, phách lá đầu không có tiếng “chát” dứt khổ. Điều đáng nói, với một nhịp điệu thong dong chỉ gồm những thanh âm dùi kép gõ mạnh, dù xuất hiện không nhiều nhưng phách lá đầu lại có tính đặc trưng cao, tương phản với lối phách mau phô diễn kỹ thuật 2 dùi trên tổng thể. Khi lồng vào câu hát, đặc biệt với những câu thơ nhiều từ, nguyên tắc nghệ thuật là đào nương cần phải sắp chữ sao cho các bước đi nhịp điệu lời ca so le với nhịp điệu phách lá đầu. Nói cách khác, khi xuất hiện lá đầu, tiết tấu giai điệu lời ca (kể cả những hư từ) cần tránh trùng lặp với tiết tấu mô hình phách. Trên thực tế, đây là một kỹ năng không dễ thực hiện. Vừa phải ngân nga câu hát, giai điệu luyến láy lên bổng xuống trầm, vừa phải dằn mạnh tay “phách” chính xác mô hình đặc trưng, người không vững nhịp sẽ rất dễ bị lẫn tiết tấu hay loạn phách. Về vấn đề này, nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc từng chia sẻ với các học trò rằng xưa trong giới những đào nương hành nghề, nhiều khi “trình độ chỉ hơn nhau cái lá đầu” là bởi vậy! Như thế, có thể xem đây là một trong những kỹ thuật thể hiện khả năng phân tâm cao của các đào nương.
Trong nhạc ả đào, với chức năng giao lồng vào giai điệu lời ca, khổ lá đầu chỉ xuất hiện trong một số thể cách nhất định. Khi đó, mô hình vẫn xếp trong trật tự: khổ xiết – khổ rải – khổ lá đầu – khổ rải và thường có xu hướng chơi chậm hơn so với nhịp độ khổ rải trước nó (30). Có thể chia làm 2 dạng:
+ Dạng cấu trúc cố định. Đây là trường hợp những thể cách mà trong cấu trúc, sự xuất hiện của khổ lá đầu ở một phân đoạn nào đó là một vị trí xác định, không đổi. Các thể cách có lá đầu dạng này bao gồm Gửi Thư, Chừ khi và Thét nhạc. Trong đó, Thét nhạc là thể cách “dùng” lá đầu ít nhất, mô hình chỉ xuất hiện 4 lần trong bài (31). Thét nhạc chia làm 2 phần, phần 1 nhịp điệu khoan thai, phần 2 dồn nhịp nhanh hoạt- gọi là phần Dựng. Và, khổ lá đầu được đặt ở đầu phần 1 (dưới câu “Tiếng nhạc thiều tâu…” và “Hơi dương đầm ấm…”); cuối phần 1 (dưới câu “Lá ngô đồng rụng…”) và ở ngay đầu phần 2 (dưới câu “Sông hồ nước biếc…”). Ví dụ:
Xin nói thêm, trên thực tế, khi diễn xướng Thét nhạc, các đào nương không nhất thiết phải hát đầy đủ cả phần Dựng. Phân đoạn này khá dài, được chia làm nhiều khổ thơ, nên đào nương có thể bỏ qua khổ mở đầu “Sông hồ nước biếc (lồng lá đầu), cửu khúc uốn quanh…”, hát luôn những khổ sau. Điều đó có nghĩa khổ lá đầu ở phần Dựng được bỏ qua.
Khác với Thét nhạc, trong 2 thể cách Gửi thư và Chừ khi, khổ lá đầu lại xuất hiện với một vị thế khác hẳn. Cả hai bài này đều có dạng thành phần cấu trúc chia làm nhiều khổ thơ cân xứng. Trong đó, câu mở đầu mỗi khổ bao giờ cũng được lồng lá đầu. Như thế, sự xuất hiện của khổ lá đầu sẽ lặp đi lặp lại, mang tính chu kỳ trên toàn bộ. Ví dụ: một khổ thơ bài Chừ khi là một cặp lục bát. Vào cấu trúc thể cách, 4 từ cuối câu lục sẽ được đưa lên trước làm câu hát láy mở đầu, kết cấu thành một đoạn nhạc hoàn chỉnh. Và, khổ lá đầu được lồng trong cụm 4 từ láy đó. Ví dụ:
Đêm vắng (khổ lá đầu) ca chơi
Chừ khi đêm vắng ca chơi
Lênh đênh ngư phủ khoan bơi chiếc thuyền
So với Chừ khi, sự xuất hiện của khổ lá đầu trong Gửi thư cũng có nét khác biệt. Mỗi khổ thơ của thể cách này bao gồm 4 câu thơ 7 từ. Và, lá đầu luồn trong câu mở đầu mỗi khổ. Như thế, trong Gửi thư, số từ lời ca giao lồng với mô hình lá đầu nhiều hơn hẳn Chừ khi. Đáng chú ý, cùng một cấu trúc thơ 7 từ, nhưng mỗi đào nương sẽ sắp chữ/ lồng lá đầu một khác, không ai giống ai. Chẳng hạn đào nương Ba Thịnh sẽ lồng 7 từ câu thơ gần như song hành với mô hình phách. Ví dụ câu thơ “Tình nhân kia đi đâu mà vội”:
Còn đào nương Nguyễn Thị Phúc lại gối 3 từ đầu câu vào khổ rải phía trước, 4 từ sau lồng vào khổ lá đầu tiếp nối. Ví dụ câu thơ “Đỉnh non Tản mây giời man mác”:
+ Dạng cấu trúc biến thể. Đây là trường hợp những thể cách mà trong cấu trúc bài bản vốn không có khổ lá đầu. Nhưng quy định một số câu thơ thành phần có thể áp dụng nghệ thuật đảo câu/ láy từ như một thủ thuật kéo dài bài bản. Và, khổ lá đầu được lồng trong những phân đoạn cấu trúc biến thể đó. Trong hệ thống bài bản Ả đào, Mưỡu và Bắc phản là hai trường hợp điển hình sử dụng lá đầu kiểu như vậy. Quy luật này đã được tác giả Vô Danh Thị sớm tổng kết từ năm 1927 trong cuốn Sách dậy đánh chầu. Ông viết: “Hễ hát mưỡu có màn đầu, thì câu thứ hai, có hai tiếng phách lá đầu lẩn vào câu hát” (32). Nói về Bắc phản, ông nhận định: “Bắc – phản bao giờ cũng sáu câu lục bát… Câu thứ nhất và câu thứ ba, hát chơn đi hay hát láy mấy chữ cuối lên trước. Có hát láy thời có lá đầu.., không láy thì không có lá đầu” (33).
Ở đây, xin được diễn giải cụ thể hơn, Mưỡu và Bắc phản là hai thể cách sử dụng thơ lục bát làm lời ca. Trong cấu trúc bình thường, câu lục mở đầu sẽ được hát xuôi chiều (1- 2- 3- 4- 5- 6) – gọi là hát trơn (34). Còn trong cấu trúc biến thể, cụm 4 từ cuối câu lục (3- 4- 5- 6) được đưa lên hát trước, ở Mưỡu gọi là màn đầu (35), ở Bắc phản gọi là hát láy. Rồi khi hát tiếp câu thơ xuôi chiều, bao giờ đào nương cũng láy cụm hai từ đầu câu theo kiểu 1 – 2/ 1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6 hoặc 2 – 1 – 2/ 1 – 2 – 3 – 4 – 5 – 6… Và, khổ lá đầu được lồng trong cụm từ láy đó (36). Ví dụ câu Mưỡu cấu trúc biến thể:
Màn đầu: Mặt nước chân mây
Bồng/ bềnh bồng/ Bềnh bồng mặt nước chân mây
Đêm đêm sương tuyết ngày ngày nắng mưa
Riêng với thể cách Bắc phản, lời ca gồm 3 cặp lục bát, cấu trúc biến thể- lối hát láy không những có thể dùng cho câu lục mở đầu mà còn có thể dùng cho câu lục thứ 3. Ví dụ:
câu 1: Sắc tuy chẳng sóng sánh dào
câu 2: Không dây mà buộc anh hào khăng khăng
Hát láy: Hồng điệp xích thằng
câu 3: Rằng/ thưa rằng/ thưa rằng hồng điệp xích thằng
câu 4: Một dây một buộc ai giằng cho ra
…………………………………..
Ngoài ra, thủ pháp nghệ thuật đảo câu/ láy từ/ lồng lá đầu cũng có khi được dùng cả trong câu mở đầu bài Gửi thư. Đây là hiện tượng khá thú vị bởi như vừa trình bày, Gửi thư là một thể cách mà khổ lá đầu vốn có sẵn trong cấu trúc cố định, luồn trong câu mở đầu mỗi khổ thơ. Ví dụ:
Đỉnh non Tản mây giời man mác
Dải sông Đà bọt nước lênh đênh
Bao nhiêu cảnh bấy nhiêu tình
Nước kia mây nọ như mình với ta
Với câu thơ “Đỉnh non Tản mây giời man mát”, đào nương Nguyễn Thị Phúc đã tách 4 từ sau (mây giời man mác) đưa lên phía trước làm câu hát mở đầu. Trong đó, bà láy cụm từ 4 – 5 theo kiểu 4 – 5/ 5 – 4 – 6 – 7 và lồng khổ lá đầu vào cụm từ láy đó.
Hát láy: Mây (khổ lá đầu) giời/ giời mây man mác
Sau câu hát láy có lá đầu là phân đoạn khổ giữa- khổ xiết. Tiếp theo, câu thơ được hát xuôi chiều hoàn chỉnh và lồng lá đầu theo cấu trúc cố định (Xin xem ví dụ phía trước). Như thế, ở trường hợp này, khổ lá đầu trong Gửi thư đã xuất hiện 2 lần với cùng một câu thơ, một lần thuộc cấu trúc biến thể và một lần thuộc cấu trúc cố định.
Ngoài Gửi thư, cấu trúc biến thể hát láy/ lồng lá đầu còn gặp ở cả phần Dồn bài Nhịp ba cung Bắc. Trong đó, cứ một cặp lục bát được tính là một khổ thơ, mỗi câu đầu khổ đều có thể hát láy. Ví dụ câu thơ:
Ngán cho nỗi vợ chồng Ngâu
Cách một nhịp cầu dạ nọ kém tươi
Nếu không muốn hát xuôi chiều ngay, đào nương sẽ đưa 4 từ cuối câu lục (nỗi vợ chồng Ngâu) lên trước để lồng lá đầu, láy từ theo kiểu 4 – 5/ 3 – 4 – 5 – 6.
Hát láy: Vợ (khổ lá đầu) chồng/ nỗi vợ chồng Ngâu.
(còn nữa)
________________
28, 32, 33. Vô Danh Thị, Sách dạy đánh chầu, Tân Dân Thư Quán xuất bản, Hà Nội, 1927, tr.12, 31, 34.
29. Đào Ba Thịnh có lẽ là cô đầu phố Khâm Thiên được thu đĩa hát sớm nhất từ năm 1930. Bà là người Việt Nam duy nhất góp mặt trong đĩa nhựa 78 vòng tựa đề Hot Women: Women Singers From The Torrid Regions Of The World. Đây là album hợp tuyển những giọng ca nữ đặc sắc các vùng nhiệt đới trên thế giới do Robert Crumb – nhà sưu tầm người Mỹ thu thanh từ 1925 – 1935.
30. Trên thực tế, nhịp độ khổ lá đầu thế nào tùy thuộc vào từng thói quen của đào nương, có người chơi bằng nhịp độ khổ rải đứng trước, có người chơi chậm hơn, nhưng không bao giờ nhanh hơn.
31. Trong hệ thống tư liệu vang mà chúng tôi sưu tầm được, chỉ có 3 bản thu âm Thét nhạc của các đào nương Quách Thị Hồ, Phó Thị Kim Đức và Nguyễn Thị Chúc. Trong đó, mỗi đào nương đều cắt bớt một phần lời ca, nên chỉ báo thông kê lá đầu ở đây xin được xem là tương đối.
34. Xin được nhắc lại, Vô Danh Thị viết là chơn, ở đây gọi là trơn cho phù hợp ngữ pháp hiện nay.
35. Vấn đề này đã được đề cập một phần trong mục 3 (Khổ xiết) của chuyên luận.
36. Trong kho tàng tư liệu vang thế kỷ 20, tất cả các dị bản Mưỡu có màn đầu đều thể hiện đúng quy luật lồng lá đầu mà Vô Danh Thị đã tổng kết. Riêng trường hợp bài Hỏi gió của đào nương Quách Thị Hồ, dù có câu hát màn đầu “Ai bốc tung trời” nhưng bà lại bỏ qua khổ lá đầu trong câu hát láy sau đó – “Đâu/ cát đâu/ Cát đâu ai bốc tung trời”. Đây là trường hợp ngoại lệ duy nhất được ghi nhận.
Tác giả: Bùi Trọng Hiền
Nguồn: Tạp chí VHNT số 414, tháng 12 – 2018
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn