Nhận diện kịch hình thể như một thể loại sân khấu


 

Du nhập vào nước ta từ cuối TK XX, kịch hình thể là một thể loại sân khấu sử dụng ngôn ngữ chính là cơ thể, dùng toàn bộ cơ thể để chuyển tải những điều cần thiết của cốt truyện. Kịch hình thể có thể dung nạp trong đó một số đoạn lời thoại cần thiết, kết hợp với vũ đạo dân tộc, kịch câm, ba lê, múa rối, xiếc và múa đương đại… Mặc dù mỗi đạo diễn đều có những kiến giải riêng, nhưng chính bản thân họ cũng như các nhà nghiên cứu vẫn chưa khẳng định được kịch hình thể là một thể loại hay là phương pháp sân khấu. Những hình thức sân khấu đó có nhiều tên gọi khác nhau như: physical theatre (sân khấu hình thể), psycho phisiological basis (cơ sở tâm sinh lý), non verbal theatre (sân khấu không lời), theatre of image (sân khấu hình ảnh) Tuy nhiên, những tên gọi đó chưa đủ để tạo nên cơ sở lý luận cho việc xác định một thể loại sân khấu.

Trên thế giới, nhiều đạo diễn như: Peter Brook (Anh), Jerzy Grotowski (Ba Lan), Eugenio Barba (Ý), Ariane Mnouchkine (Pháp), Richard Schechner (Mỹ)… đã và đang thử nghiệm những thủ pháp khác nhau trong việc khai thác ngôn ngữ thể hiện của hình thể diễn viên. Những thử nghiệm đó được lý giải thông qua nhiều quan điểm sáng tác khác nhau. Đạo diễn P.Brook muốn lấp đầy không gian sân khấu bằng tạo hình, thông qua hình thể diễn viên. J.Grotowski lại vận dụng kỹ thuật vũ đạo kathali của Indonesia kết hợp với âm thanh do diễn viên tạo ra để tạo thành ngôn ngữ thể hiện. A.Mnouchkine chủ trương ẩn dụ hóa hành động hình thể của diễn viên…

Từ nửa đầu những năm 70 của TK XX, P.Brook đã làm giới sân khấu ngạc nhiên bởi cuộc trình diễn sân khấu mà ngôn ngữ thể hiện hoàn toàn mới: diễn bằng nét mặt, cử chỉ để biểu thị một khái niệm. Trong một vở diễn dựa vào những câu chuyện thần thoại về cư dân thờ thần đèn, thần mặt trời của người dân châu Á, P.Brook đã tự sáng tác ra một số âm thanh không phải là lời kịch mà là lời nói có ngữ điệu, kết hợp với âm nhạc và tiếng động. Ông muốn tái tạo câu chuyện huyền thoại không thông qua sự mô phỏng lại nội dung mà vẫn đánh thức được sự cảm nhận về thế giới cổ xưa bằng trí tưởng tượng. Ngôn ngữ thể hiện ở đây là cử chỉ và cảm xúc.

J.Grotowski đòi hỏi diễn viên sử dụng hình thể phải đạt tới khả năng tạo hình như một diễn viên ballet. Bản thân J.Grotwoski và những cộng sự thân thiết của ông như E.Barba (Ý) và R.Schechner (Mỹ) đã mô tả khá đầy đủ về phương pháp làm việc của ông với diễn viên tại nhà hát. Diễn viên được yêu cầu hãy tưởng tượng họ là những đứa trẻ lần đầu tiên đi vào vườn, khám phá thế giới, nhìn từng chiếc lá, từng bụi cây… Trên cơ sở những gì quan sát được, diễn viên sẽ có những sáng tạo ngẫu hứng, kéo dài trong suốt vở diễn.

Ngay từ vở Akropolis năm 1962 của Vyspjanski, J.Grotowski đã chú ý tập trung vào việc xây dựng tổng phổ âm nhạc và tiếng động cho vở diễn. Nhịp điệu được tạo ra bởi tiếng guốc mộc của các phạm nhân trong trại tập trung. Các diễn viên bị giam chân vào những chiếc xe cút kít. Những đề tài kinh thánh, lịch sử cổ đại và trung cổ được các tù nhân tập trung trình diễn. Đạo diễn đã hết sức cố gắng kích thích không chỉ những biểu hiện bên ngoài mà cả trạng thái bên trong của từng người khi đang chứng kiến sự kiện diễn ra.

Đạo diễn J.Grotowski, người sáng tạo ra những vở diễn có nguồn gốc từ nền văn hóa Ba Lan giữa những năm 60 TK XX, đã tạo nên những ảnh hưởng lớn đến sân khấu thế giới. Không phải vô cớ mà J.Grotowski lại dùng thuật ngữ thẩm thấu vào hình tượng thay cho thuật ngữ thể hiện. Thuật ngữ thẩm thấu chính xác hơn, nhằm thể hiện quá trình chiếm lĩnh, thấu hiểu kịch bản của các diễn viên trong thời gian tập luyện cũng như trong cả vở diễn. J.Grotowski quan niệm phải phá vỡ tất cả những gì có sẵn, quen thuộc nhằm đạt đến hành vi sáng tạo, ngẫu hứng tự phát, kéo dài trong suốt vở diễn. Trong kịch câm, bất cứ biểu hiện hành động nào của con người cũng đều được thông báo bằng hình thức cử chỉ rõ ràng, chúng không tồn tại ngoài tín hiệu đã được ấn định. J.Grotowski tránh mọi sự sắp đặt và ấn định trước. Ông không cho phép các diễn viên của mình lặp lại các hành động trong quá trình biểu diễn.

A.Mnouchkine quan niệm diễn viên là một người mang sức truyền cảm của những phép ẩn dụ. Họ phải tìm thấy sức truyền cảm từ những trạng thái (cảm xúc). Trong khi biểu diễn, mỗi trạng thái phải được kết nối với trạng thái tiếp theo. Mnouchkine có ấn tượng sâu sắc về nghệ thuật múa ballet và say mê với những con rối của Edward Gordon Craig – một hình thức biểu tượng hấp dẫn. Cũng giống như E.Craig, A.Mnouchkine muốn thuần hóa các quy ước hành động để cài đặt cho sự sáng tạo và những sáng tạo tại chỗ của họ. Đó là bản chất của nghệ thuật ngẫu hứng. Đạo diễn chấp nhận những cảm xúc mạnh mẽ trong việc ứng diễn theo kiểu mặt nạ. Khi A.Mnouchkine gom lại những ngẫu hứng của mình và kéo tất cả các diễn viên vào quá trình nhận biết, lựa chọn kỹ thuật thì thấy có rất nhiều tạo hình mang tính ẩn dụ.

A.Mnouchkine rất quan tâm đến những nguyên tắc của Vsevolod Meyerhold (đạo diễn người Nga) với hệ thống mã hóa hành động và cử chỉ để khán giả tự suy luận và có phản ứng cảm xúc đối với những gì diễn ra trên sân khấu. A.Mnouchkine đã thừa nhận những mặt tích cực trong lý thuyết của V.Meyerhold như tạo ra cơ sở cho học thuyết về phản xạ và nghiên cứu hình thể của diễn viên. Diễn viên phải làm chủ được cơ thể và thực hiện bất cứ nhiệm vụ nào đạo diễn yêu cầu.

Với sân khấu Việt Nam hiện nay, một số nghệ sĩ đang thử nghiệm một hình thức sân khấu với tên gọi kịch hình thể Việt Nam. Tên gọi đó là hợp lý, bởi lẽ các nghệ sĩ, đặc biệt là NSND Lan Hương, có xu hướng vận dụng chất liệu của vũ đạo sân khấu truyền thống Việt Nam để sáng tạo ngôn ngữ thể hiện hình thể của diễn viên. Đây là một xu hướng cần được khuyến khích và tiếp tục phát triển. Các đạo diễn phương Tây đều thừa nhận, họ chịu ảnh hưởng rất lớn từ sân khấu phương Đông. Đặc biệt, họ tìm thấy sự phong phú, đa dạng, đầy tính biểu tượng trong vũ đạo hình thể được sử dụng ở sân khấu tuồng, chèo (Việt Nam), kịch hát (Trung Quốc), múa (Ấn Độ), hát múa noh, kabuki (Nhật Bản), vũ đạo kathali (Indonesia), múa randai (Malaysia)…

Sự tìm tòi, khám phá bao giờ cũng cần đến một quá trình thử nghiệm, tổng kết và đánh giá dựa trên những cơ sở lý luận, khoa học. Để xem kịch hình thể là một thể loại sân khấu, cụ thể là ở sân khấu Việt Nam, thì những người làm sân khấu cần có những tìm hiểu và đúc kết lý luận về các thành phần sáng tạo trong một vở diễn sân khấu như: kịch bản, đạo diễn, diễn viên, biên đạo múa… Bên cạnh đó, cần có sự cộng tác của các nhà nghiên cứu, để phân tích, đánh giá hệ thống của hình thức sân khấu này. Đó là những cơ sở cho sự hình thành của một thể loại sân khấu mới.

Mặc dù đã có một số bài báo và một số luận văn tốt nghiệp thạc sĩ, đại học đề cập tới kịch hình thể, song những kiến giải đó mới chỉ nhận định về mặt bề nổi mà chưa đi vào cốt lõi của vấn đề như: ngôn ngữ thể hiện trong kịch hình thể là thế nào, nếu là hình thể thì có cần đến ngôn ngữ nói không, ngôn ngữ và các thủ pháp của đạo diễn kịch hình thể có gì khác với kịch nói, có cần đào tạo và huấn luyện diễn viên chuyên diễn kịch hình thể hay không, nếu đào tạo, huấn luyện thì nên theo phương pháp nào? Đây thực sự là những vấn đề cần được tiếp tục nghiên cứu và trao đổi.

Nếu trong kịch múa, ngôn ngữ đối thoại được thể hiện bởi hình thể của diễn viên thông qua những luật động, tạo hình của múa trong sự kết hợp với âm nhạc thì kịch hình thể hoàn toàn có thể sử dụng hình thể của diễn viên để đối thoại thông qua các động tác, cử chỉ và tạo hình. Những hệ thống động tác ấy sẽ thể hiện những gì cần nói và bộc lộ hành động, cảm xúc của nhân vật. Vấn đề là hành động ấy thể hiện theo dạng thức nào. Nếu chúng ta lấy tiêu chí chân thực theo chủ nghĩa tự nhiên để hướng hành động kịch thể hiện những gì nhân vật muốn làm thì sẽ không khả thi. Bởi vậy, trong kịch hình thể, người diễn không chỉ lý giải hành động kịch theo kiểu: tôi đang làm gì – uống nước hay mặc quần áo, tôi đập tay xuống bàn vì giận dữ mà thay vào đó là tôi có cảm giác gì khi thực hiện những động tác hình thể trên sân khấu. Chính vì thế, thông điệp chuyển tải đến người xem sẽ là những cảm xúc mang tính biểu tượng nhiều hơn là những giải thích cặn kẽ nhân vật đang làm gì và nói gì.

Để xem kịch hình thể là một thể loại sân khấu thì những người làm sân khấu Việt Nam cần nghiên cứu và thử nghiệm trong thực hành sáng tác nhiều hơn nữa để từ đó có thể nhận diện đối tượng một cách khoa học và có cơ sở lý luận.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 349, tháng 7-2013

Tác giả : Nguyễn Đình Thi

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *