Quan hệ giữa kinh tế và chính trị là mối quan hệ cơ bản, cốt lõi, quyết định sự vận động và phát triển của mọi xã hội. Nhận thức và giải quyết đúng đắn mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và chính trị là một trong những nội dung quan trọng, có ý nghĩa to lớn trong quá trình lãnh đạo cách mạng của Đảng Cộng sản Việt Nam, trực tiếp tác động tới sự tồn tại và phương hướng phát triển của quốc gia dân tộc.
Kinh tế và chính trị luôn có mối quan hệ mật thiết trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội của mỗi quốc gia. Thực tiễn cho thấy, kinh tế phát triển sẽ tác động đến sự ổn định về mặt chính trị và ngược lại, khi chính trị ổn định sẽ bảo đảm cho kinh tế phát triển vững chắc. Trong những năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin vào thực tiễn nước ta, giải quyết tốt mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị. Đây là tiền đề quan trọng để đất nước đạt được nhiều thành tựu to lớn về kinh tế, ổn định về chính trị và nâng cao cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đó là tiền đề quan trọng để nước ta thực hiện thành công sự nghiệp đổi mới, xây dựng xã hội “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Luận bàn về mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, các nhà kinh điển của Chủ nghĩa Mác-Lênin đã xem xét thông qua phân tích mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, tồn tại xã hội và ý thức xã hội. Trên cơ sở đó khẳng định: Kinh tế được hiểu là tổng thể các hoạt động sản xuất của một cộng đồng người, một quốc gia, liên quan đến các quá trình sản xuất, trao đổi, phân phối và tiêu dùng các sản phẩm xã hội. Còn chính trị bao gồm hệ tư tưởng chính trị, các thiết chế chính trị cũng như những mối quan hệ giữa các giai cấp, các dân tộc. Trong đó, các ông cho rằng, cơ cấu kinh tế của xã hội sinh ra chính trị, cơ cấu kinh tế này là do toàn bộ những quan hệ sản xuất của xã hội tạo nên. Trong mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị, kinh tế luôn giữ vai trò quyết định; kinh tế thay đổi sẽ kéo theo sự thay đổi của chính trị, thậm chí một vấn đề kinh tế không lớn nhưng có thể trở thành một vấn đề chính trị phức tạp, có thể làm đảo lộn đời sống chính trị, xã hội. Lực lượng nào, giai cấp nào nắm kinh tế thì lực lượng đó, giai cấp đó nắm quyền lực, chi phối đời sống xã hội. Ngược lại, nếu một giai cấp, lực lượng làm chủ về quyền lực chính trị nếu không xây dựng và giữ được địa vị làm chủ về kinh tế thì sớm muộn cũng không thể duy trì được quyền lực chính trị ấy.
Thấm nhuần và vận dụng sáng tạo quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin trong giải quyết mối quan hệ giữa kinh tế với chính trị vào điều kiện thực tiễn cách mạng Việt Nam, Đảng ta luôn nhấn mạnh đến mối quan hệ mật thiết hữu cơ, tác động qua lại lẫn nhau giữa kinh tế và chính trị hợp thành cơ sở kinh tế – chính trị – xã hội của một quốc gia, trong đó kinh tế luôn giữ vị trí ưu tiên hàng đầu. Trong quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới đất nước, song song với việc lấy “đổi mới kinh tế làm trọng tâm”, Đảng ta luôn xác định phải “đồng thời từng bước đổi mới chính trị”. Tức là, không phải đổi mới kinh tế đi trước đổi mới chính trị, càng không phải đổi mới kinh tế tách rời đổi mới chính trị. Đại hội VI (1986), Đảng ta đề ra đường lối đổi mới toàn diện đất nước, thể hiện sự vận dụng sáng tạo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Lênin về mối quan hệ giữa kinh tế và chính trị; từ tình hình thực tiễn của đất nước; từ bài học kinh nghiệm của quá trình cải tổ, cải cách của một số nước xã hội chủ nghĩa, Đảng ta đã lãnh đạo tiến hành đổi mới trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có đổi mới kinh tế và chính trị. Đại hội xác định: Muốn đưa nền kinh tế sớm thoát khỏi tình trạng rối ren, mất cân đối, phải dứt khoát sắp xếp lại nền kinh tế quốc dân theo cơ cấu hợp lý, trong đó các ngành, vùng, thành phần kinh tế, loại hình sản xuất có quy mô và trình độ kỹ thuật khác nhau phải được bố trí cân đối, liên kết với nhau, phù hợp với điều kiện thực tế, bảo đảm cho nền kinh tế phát triển ổn định. Để thực hiện sắp xếp đó, trước hết phải bố trí lại cơ cấu sản xuất, điều chỉnh lớn cơ cấu đầu tư. Trong cơ cấu ngành, trước hết là các ngành sản xuất công nghiệp và nông nghiệp có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Cơ cấu đó phải bảo đảm cho nền kinh tế phát triển cân đối với nhịp độ tăng trưởng ổn định.
Trên lĩnh vực chính trị, Đảng ta chủ trương: chú trọng đổi mới về cơ cấu tổ chức và cơ chế vận hành của hệ thống chính trị, mà trước hết là đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng. Nâng cao hiệu quả hoạt động quản lý của nhà nước nhằm giữ vững ổn định chính trị để xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhằm phát huy đầy đủ quyền làm chủ của nhân dân trong quá trình xây dựng nhà nước pháp quyền và phát triển kinh tế – xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Trải qua 35 năm thực hiện công cuộc đổi mới toàn diện đất nước, nhận thức và giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị ở Việt Nam đã có nhiều chuyển biến theo hướng ngày càng sáng rõ hơn, hợp lý hơn. Thực tiễn quá trình này đã để lại nhiều kinh nghiệm quý báu:
Một là, luôn nhận thức sâu sắc về tầm quan trọng của mối quan hệ biện chứng giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, coi đây là mối quan hệ nền tảng, cốt lõi cần tập trung thực hiện trong suốt quá trình lãnh đạo công cuộc đổi mới. Đổi mới kinh tế cần có những đột phá, hướng vào các lĩnh vực như: phân phối, quản lý và điều hành nền sản xuất, xã hội. Đổi mới chính trị cần đổi mới cả ý thức chính trị và tư duy chính trị, đổi mới không chỉ những quan điểm chính trị, tư duy chính trị mà là đổi mới cách thức giải quyết vấn đề cụ thể của đời sống xã hội. Việc đổi mới phải đảm bảo nguyên tắc đổi mới kinh tế đi trước một bước so với đổi mới chính trị.
Hai là, trong quá trình lãnh đạo sự nghiệp đổi mới, cần coi trọng đến các vấn đề xã hội như: công bằng, bình đẳng, tiến bộ xã hội… Theo đó, mọi chủ trương, đường hướng đổi mới kinh tế và chính trị đều phải hướng vào thúc đẩy sự tiến bộ xã hội, phát triển bền vững đất nước vì mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Do vậy, việc đổi mới kinh tế cần tiến hành với tốc độ nhanh hơn để làm cơ sở cho đổi mới chính trị và ngược lại, đổi mới chính trị cần hướng mục đích bảo đảm các điều kiện cho đổi mới kinh tế tiếp tục phát triển. Trong đó, yếu tố quan trọng hàng đầu là xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
Ba là, giải quyết mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị gắn với điều kiện lịch sử cụ thể. Ở mỗi giai đoạn lịch sử nhất định, vấn đề đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị cần từng bước được điều chỉnh cho phù hợp. Đại hội X của Đảng rút ra bài học: “đổi mới toàn diện, đồng bộ, có kế thừa, có bước đi, hình thức và cách làm phù hợp” (1). Đại hội lần thứ XII của Đảng cũng chỉ rõ: “Đổi mới mạnh mẽ, toàn diện và đồng bộ, có bước đi phù hợp trên các lĩnh vực, nhất là giữa kinh tế và chính trị” (2) Đồng thời xác định: “tập trung ưu tiên xây dựng đồng bộ thể chế phát triển, bảo đảm hài hòa giữa kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị” (3). Thực hiện có hiệu quả việc đổi mới kinh tế gắn với đảm bảo thực hiện đổi mới đồng bộ trên các lĩnh vực khác của đời sống xã hội, nhất là bảo đảm quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế; coi trọng và phát huy hiệu quả vai trò động lực của con người, văn hóa, của giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ trong phát triển đất nước.
Bốn là, giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa trong phát triển kinh tế. Đây là yêu cầu cơ bản, quan trọng và rất khó khăn. Thực hiện đúng định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời cũng chính là chủ trương lớn và giải pháp hữu hiệu để giữ vững độc lập, tự chủ trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Đảng đã chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để tận dụng những ưu điểm của kinh tế thị trường nhằm khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, thúc đẩy kinh tế phát triển. Đại hội XIII của Đảng chỉ rõ: “Bảo đảm hài hòa giữa kiên định và đổi mới, kế thừa và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, văn hóa, xã hội; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, con người, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ tài nguyên, môi trường…” (4).
Năm là, đổi mới phải toàn diện, đồng bộ, nhưng cần xác định trọng tâm, khâu đột phá. Các thành tố của hệ thống chính trị cũng như kinh tế có mối quan hệ gắn bó với nhau, thúc đẩy, quy định lẫn nhau. Do vậy, nếu không có sự đồng bộ trong đổi mới tạo sự nhịp nhàng, ăn khớp trong tiến trình vận động sẽ khó mang lại kết quả mong muốn trong quá trình đổi mới; thậm chí còn ít nhiều cản trở, hạn chế đến sự phát triển của nhau. Tuy vậy, cần xác định khâu then chốt, chọn điểm đột phá để thúc đẩy đổi mới. Kiên trì và quyết liệt thực hiện đổi mới nhưng phải theo lộ trình và có bước đi phù hợp, bảo đảm sự đổi mới đồng bộ ở các khâu, các mắt xích của hệ thống. Thực hiện sự đổi mới kết hợp cả từ dưới lên và trên xuống. Trong cuộc sống thực tiễn, cái mới luôn nảy sinh và cần được tổng kết, định hướng để thúc đẩy nhằm mang lại hiệu quả cao nhất.
Có thể thấy rằng, nhìn nhận một cách tổng thể qua 35 năm kiên định con đường đổi mới đất nước, trong đó có việc giải quyết đúng đắn, khoa học mối quan hệ giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị, đã góp phần quan trọng, đảm bảo cho nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trên con đường xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc. Từng bước hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời tiếp tục được tổ chức chặt chẽ, thể hiện tính ưu việt của nền dân chủ mới, sự đoàn kết, thống nhất trong toàn xã hội dưới sự lãnh đạo của Đảng và phù hợp với từng giai đoạn lịch sử phát triển nhất định của đất nước. Khái quát về những thành tựu đạt được, Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng khẳng định: “Đất nước đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện so với những năm trước đổi mới. Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt. Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay” (5).
_____________________
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ X, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2006, tr.70.
2, 3. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, tr.70, 76.
4, 5. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập I, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, tr.28-29, 103-104.
Tài liệu tham khảo
1. Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ VI, Nxb Chính trị quốc gia, 1987.
2. Đảng cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011.
Ths TRẦN THỊ THANH BÌNH
Nguồn: Tạp chí VHNT số 485, tháng 1-2022
Bài viết cùng chủ đề:
Note ngay các trải nghiệm du lịch Huế dịp Valentine chi tiết nhất
Kinh nghiệm đi du lịch Đà Nẵng dịp tết nguyên đán 2023 chi tết A-Z
Nghệ nhân Nguyễn Đức Bằng thổi hồn vào lá bồ đề mạ vàng