Nhân tố chính trị, tinh thần của cán bộ hậu cần quân đội trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước


Sức mạnh chiến đấu của quân đội cách mạng là sức mạnh tổng hợp của nhiều nhân tố, trong đó, nhân tố chính trị, tinh thần giữ một vị trí đặc biệt quan trọng, góp phần củng cố, nâng cao sức mạnh chiến đấu của quân đội, có ý nghĩa quyết định tiến trình và kết cục của chiến tranh. Ý nghĩa đó được thể hiện rõ ràng, sâu sắc trong luận điểm có tính kinh điển của V.I.Lênin: “Trong mọi cuộc chiến tranh, rốt cuộc thắng lợi đều tùy thuộc vào tinh thần của quần chúng đang đổ máu trên chiến trường” (1).

    Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng, Quân ủy Trung ương luôn quan tâm xây dựng, phát huy nhân tố chính trị, tinh thần của đội ngũ cán bộ quân đội, đặc biệt là đội ngũ cán bộ hậu cần. Đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội là một bộ phận cán bộ của quân đội, đảm nhiệm công tác hậu cần theo nhiệm vụ được giao, góp phần xây dựng đơn vị, xây dựng ngành hậu cần và xây dựng quân đội vững mạnh, hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ, trong mọi tình huống. Với cương vị, chức trách của mình, đội ngũ cán bộ hậu cần là một trong những lực lượng giữ vai trò then chốt quyết định đến chất lượng và hiệu quả công tác hậu cần ở các đơn vị trong toàn quân. Nhân tố chính trị, tinh thần của đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội được thể hiện tập trung ở sự nhận thức sâu sắc chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, đường lối, chủ trương của Đảng về công tác hậu cần, nhiệm vụ chính trị của quân đội, ngành hậu cần quân đội, đơn vị; sự giác ngộ sâu sắc lập trường giai cấp, niềm tin, tình cảm cách mạng, lý tưởng cộng sản; sự hiểu biết về âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; sự nhận thức đúng đắn về vai trò và trách nhiệm của người cán bộ hậu cần, bảo đảm đầy đủ, kịp thời về các mặt: ăn, mặc, ở, sinh hoạt, quân y, vận tải… cho bộ đội; thể hiện ra bằng ý chí quyết chiến, quyết thắng, sẵn sàng cống hiến, hy sinh cho sự nghiệp cách mạng…

   Sức mạnh chính trị, tinh thần to lớn của đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước được thể hiện trên các nội dung sau.

   Một là, ngay từ đầu và trong suốt cuộc kháng chiến, Đảng, Quân ủy Trung ương, Tổng cục Hậu cần luôn quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội vững mạnh về mọi mặt, nhất là về chính trị, tinh thần.

   Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói: “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc, công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”. Đặc biệt, trong xây dựng đội ngũ cán bộ, Người cũng chỉ ra: “Chính trị là linh hồn, chuyên môn là cái xác, chuyên môn mà không có chính trị thì chỉ là cái xác không hồn. Phải có chính trị trước rồi có chuyên môn” (2). Thấm nhuần tư tưởng đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đảng, Quân ủy Trung ương, Tổng cục Hậu cần luôn quan tâm, chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội vững mạnh, toàn diện, nhất là về chính trị, tinh thần – coi đây là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của công tác hậu cần.

   Do đó, ngay từ những năm đầu cuộc kháng chiến, trong xây dựng đội ngũ cán bộ quân đội, Quân ủy Trung ương nhấn mạnh: “Phải nắm vững việc xây dựng đội ngũ cán bộ là khâu then chốt trong việc xây dựng lực lượng”. Đối với đội ngũ cán bộ hậu cần, trong Nghị quyết về nhiệm vụ công tác cán bộ năm 1969, Đảng ủy Tổng cục Hậu cần nhấn mạnh: “Phải nắm vững khâu trung tâm là đào tạo và bồi dưỡng đội ngũ cán bộ có chất lượng cao và số lượng phù hợp”, xác định: “Lấy xây dựng về chính trị làm cơ sở”. Trong đó, tập trung nâng cao trình độ chính trị, tư tưởng, trình độ quán triệt đường lối của Đảng, ý thức tổ chức kỷ luật, ý thức trách nhiệm chính trị… của đội ngũ cán bộ hậu cần. Đặc biệt, bắt đầu từ năm 1967, đã thực hiện, đẩy mạnh cuộc vận động rèn luyện, bồi dưỡng cán bộ 4 tốt, đưa cuộc vận động đi vào chiều sâu, có nề nếp, góp phần cỗ vũ và phát huy tinh thần tự rèn luyện, tự bồi dưỡng của đội ngũ cán bộ hậu cần. Đồng thời, Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục Hậu cần đã làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng, phát huy nhân tố chính trị, tinh thần cho đội ngũ cán bộ hậu cần. Từ năm 1960 đến 1975, các trường – lớp hậu cần trong toàn quân ở miền Bắc đào tạo được 287.630 cán bộ, nhân viên hậu cần các loại, gồm 6.680 cán bộ chỉ huy hậu cần các cấp, 4.140 cán bộ đại học y – dược, 20.616 cán bộ, nhân viên trung cấp, 256.194 công nhân, nhân viên sơ cấp các loại (3). Nhờ vậy, đại đa số cán bộ hậu cần vững vàng về chính trị tư tưởng, tuyệt đối tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, có quyết tâm chiến đấu cao, dũng cảm, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, không quản ngại hy sinh, không sợ khó khăn, gian khổ… kịp thời chi viện cho các chiến trường.

    Hai là, tiến hành tốt công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng cho đội ngũ cán bộ hậu cần các cấp. Bởi, như V.I. Lê-nin đã chỉ ra: “Ở đâu mà công tác chính trị trong quân đội, công tác của các chính ủy làm được chu đáo nhất thì ở đấy không hề có tình trạng lỏng lẻo trong quân đội, quân đội giữ được trật tự tốt hơn và tinh thần của họ cũng cao hơn. Ở đấy thu được nhiều thắng lợi hơn” (4). Nhận thức được điều đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương mà trực tiếp là Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục Hậu cần, công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng đã được tiến hành thường xuyên, liên tục với nội dung, hình thức, biện pháp linh hoạt, sáng tạo phù hợp với điều kiện cụ thể của từng cơ quan, đơn vị, cơ sở hậu cần trong toàn quân.

    Trong đó, nội dung công tác giáo dục chính trị, lãnh đạo tư tưởng, trước hết, đã tập trung vào nâng cao trình độ giác ngộ chủ nghĩa Mác – Lênin, trình độ hiểu biết về đường lối chính trị, quân sự của Đảng, làm cho mọi cán bộ hậu cần nhận rõ được nhiệm vụ cách mạng, chức năng, nhiệm vụ của quân đội, của ngành Hậu cần quân đội. Đồng thời, giáo dục cho đội ngũ cán bộ hậu cần nhận rõ bản chất ngoan cố, âm mưu xảo quyệt của đế quốc Mỹ và tay sai; tính chất gay go, ác liệt của cuộc kháng chiến; thắng lợi tất yếu của ta và thất bại tất yếu của địch… Đặc biệt, đã tăng cường công tác quản lý, kiểm tra nắm chắc diễn biến tư tưởng của đội ngũ cán bộ hậu cần, giữ vững trận địa tư tưởng, kịp thời ngăn chặn và kiên quyết khắc phục những biểu hiện tư tưởng tiêu cực, sai trái, như: cầu an, giao động, do dự, ảo tưởng, sa sút ý chí chiến đấu…

    Ba là, tổ chức nhiều đợt học tập, sinh hoạt chính trị tập trung và đẩy mạnh các phong trào thi đua quyết thắng trong ngành hậu cần quân đội. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để xây dựng, phát huy sức mạnh chính trị, tinh thần của đội ngũ cán bộ hậu cần, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quân ủy Trung ương, Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục Hậu cần đã tổ chức nhiều đợt học tập, sinh hoạt chính trị tập trung, như: ngày 3-9-1969, Đảng ủy Tổng cục Hậu cần quyết định mở đợt sinh hoạt chính trị “Học tập và làm theo di chúc của Hồ Chủ tịch” với yêu cầu cơ bản nhất là “biến đau thương thành sức mạnh” nhằm hướng dẫn cho cán bộ, nhân viên, chiến sĩ hậu cần có ý thức, thái độ đúng, hiểu biết sâu sắc về tư tưởng, đời sống chiến đấu và hoạt động cách mạng, đạo đức tác phong của Người, dốc lòng học tập, kế tục sự nghiệp cách mạng của Người; tháng 1-1971, để thực hiện quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương trong chiến dịch phản công Đường 9 – Nam Lào, các đơn vị trong Tổng cục Hậu cần đã tiến hành đợt sinh hoạt chính trị “sẵn sàng đi bất cứ nơi nào, làm bất cứ nhiệm vụ gì, không ngại gian khổ, không chùn bước trước ác liệt hy sinh. Tất cả cho chiến dịch toàn thắng”; ngày 20-8-1972, Tổng cục Hậu cần tiến hành đợt sinh hoạt chính trị “Nâng cao quyết tâm, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong tình hình mới” nhằm làm cho toàn thể cán bộ, chiến sĩ, nhân viên hậu cần nhận thức đúng đắn tình hình, thấy rõ thời cơ, thuận lợi mới của ta phải ra sức tranh thủ để đẩy mạnh kháng chiến cho đến thắng lợi hoàn toàn… Qua các đợt học tập, sinh hoạt chính trị, nhân tố chính trị, tinh thần của đội ngũ cán bộ hậu cần ngày càng được xây dựng, củng cố vững chắc và phát huy cao độ đáp ứng với yêu cầu ngày càng cao của cuộc kháng chiến.

    Cùng với đó, lãnh đạo, chỉ huy các cấp ngành Hậu cần Quân đội đã đẩy mạnh các phong trào thi đua quyết thắng góp phần xây dựng, phát huy nhân tố chính trị, tinh thần của đội ngũ cán bộ hậu cần. Đặc biệt, cụ thể hóa phong trào thi đua “Quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” vào điều kiện cụ thể, ngành hậu cần quân đội đã tổ chức phong trào thi đua “Cắm cờ quyết thắng trên 5 đỉnh cao: khí thế mạnh, quản lý giỏi, năng suất cao, chất lượng tốt, tiết kiệm nhiều”. Đồng thời, mỗi cơ quan, đơn vị hậu cần đã tổ chức các phong trào theo tính chất, nhiệm vụ của mình, như: bộ đội lái xe đẩy mạnh phong trào “Yêu xe như con, quý xăng như máu”; chiến sĩ quân y thực hiện “Người thày thuốc giỏi đồng thời như là người mẹ hiền”; ngành Quân giới thi đua thực hiện “Hàng xuất kho không chậm một phút, đạn ra trận không thiếu một viên”… Các phong trào trên, đã tạo nên một khí thế cách mạng mới, góp phần xây dựng và phát huy nhân tố chính trị, tinh thần của đội ngũ cán bộ hậu cần, thúc đẩy họ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.

    Như vậy, nhờ thực hiện tốt các nội dung trên, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo tài tình, sáng suốt của Đảng, Quân ủy Trung ương, mà trực tiếp là Đảng ủy, chỉ huy Tổng cục Hậu cần, đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội đã được xây dựng, củng cố vững mạnh, toàn diện. Đây chính là cơ sở, nguồn gốc tạo nên sức mạnh tổng hợp to lớn cho đội ngũ cán bộ hậu cần quân đội hoàn thành tốt các mặt bảo đảm của công tác hậu cần, góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Kết quả, về bảo đảm vật chất, từ năm 1954 đến năm 1975, đã tạo nguồn vật chất và tổ chức bảo đảm cho lực lượng vũ trang 9.082.153 tấn vật chất hậu cần, trong đó, đã bảo đảm cho các chiến trường 2.815.216 tấn vật chất các loại; về bảo đảm quân y, giai đoạn 1955 – 1975, đã thu dung điều trị tại các cơ sở quân y trên miền Bắc được 1.300.599 lượt thương binh, bệnh binh (bình quân 61.933 lượt thương binh, bệnh binh/năm), giai đoạn 1965 – 1975, trên các chiến trường miền Nam, thu dung điều trị tại các cơ sở quân y được 1.411.333 lượt thương binh, bệnh binh (bình quân 126.303 thương binh, bệnh binh/năm); về bảo đảm kỹ thuật, từ năm 1955 đến năm 1975, sản xuất quân giới ở các cơ sở thuộc Tổng cục Hậu cần được 30.088 khẩu súng, 64.037 khẩu B40, cối 60 và ống phóng H12, H6…; về bảo đảm vận tải, tổng khối lượng hàng luân chuyển của vận tải chiến lược từ năm 1959-1975 là 2.157.956.000 tấn/km…, bảo đảm hành quân vào các chiến trường từ năm 1959-1975 qua tuyến giao liên hậu phương 1.619.110 lượt người, qua tuyến giao liên 559 được 1.222.127 lượt người… (5).

    Hiện nay, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nhiều yếu tố bất trắc, khó lường đã và đang đặt ra những yêu cầu mới rất nặng nề đối với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc. Mặt khác, những tác động mặt trái của kinh tế thị trường, chiến lược “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” của các thế lực thù địch tác động không nhỏ đến sức mạnh chiến đấu của quân đội, nhất là sức mạnh chính trị, tinh thần. Đặc biệt, với sự phát triển mạnh của khoa học công nghệ, nhiều loại vũ khí công nghệ cao đã được chế tạo và nguy cơ của cuộc chiến tranh bằng vũ khí công nghệ cao cũng ảnh hưởng không nhỏ tới tinh thần của cán bộ, chiến sĩ, trong đó, có đội ngũ cán bộ hậu cần. Do đó, chúng ta cần tiếp tục vận dụng, phát huy những bài học kinh nghiệm về xây dựng nhân tố chính trị, tinh thần của đội ngũ cán bộ hậu cần trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước phù hợp với đặc điểm tình hình, yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng quân đội và nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc trong thời kỳ mới.

____________

1. V.I.Lênin, Toàn tập, tập 41, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1977, tr.147.

2. Hồ Chí Minh, Toàn tập, tập 12, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2013, tr.296.

3, 5. Tổng cục Hậu cần, Tổng kết hậu cần trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954 – 1975), Nxb Quân đội nhân dân, Hà Nội, 2001, tr.518, 512.

4. V.I. Lênin, Toàn tập, tập 39, Nxb Tiến bộ, Mátxcơva, 1978, tr.66.

Tác giả: Nguyễn Hải Sinh

Nguồn: Tạp chí VHNT số 422, tháng 8-2019

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *