Nhìn lại 10 năm thực hiện công tác bảo tồn và phát huy nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ


Đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam Bộ là thể loại âm nhạc dân tộc tiêu biểu ở vùng Nam Bộ nước ta. Xuất hiện từ cuối TK XIX, loại hình âm nhạc này phản ánh rõ nét đời sống, tâm tư, tình cảm, sinh hoạt của người dân Nam Bộ trong quá trình khai hoang mở cõi. Trải qua hơn một thế kỷ hình thành và phát triển, ĐCTT Nam Bộ đã khẳng định được vị thế, giá trị của mình không chỉ trong lòng khán thính giả yêu mến âm nhạc mà còn cả với các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước. Bài viết khái quát những thành tựu, hạn chế trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật ĐCTT trong 10 năm qua, kể từ khi Chiến lược Phát triển văn hóa đến năm 2020 được ban hành.

1. Thành tựu

Trong 10 năm qua, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ được quan tâm, thực hiện và đạt được nhiều thành tựu quan trọng trên các phương diện: kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu, đào tạo, truyền dạy, tuyên truyền và quảng bá.

Công tác kiểm kê, sưu tầm di sản

Ngày 3-8-2010, Bộ trưởng Bộ VHTTDL ban hành Quyết định số 2681/QĐ-BVHTTDL về việc xây dựng Hồ sơ quốc gia ĐCTT Nam Bộ đệ trình UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Theo đó, Viện Âm nhạc (Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) là đơn vị chủ trì phối hợp cùng các cơ quan, địa phương có sinh hoạt ĐCTT Nam Bộ tổ chức thực hiện hồ sơ với sự hỗ trợ kinh phí từ UBND TP.HCM. Công tác kiểm kê được thực hiện tại 21 tỉnh, thành phố phía Nam nước ta, tập trung vào bốn nội dung chính: người thực hành, các tổ chức sinh hoạt, nhạc cụ và tư liệu văn bản. Kết quả cho thấy, ĐCTT Nam Bộ đang được thực hành phổ biến ở 21 tỉnh, thành phố từ Ninh Thuận đến Cà Mau, với 2.570 câu lạc bộ, đội, nhóm và 29.276 người chơi thuộc nhiều trình độ khác nhau (9.743 người đã kê khai lý lịch); có 13.896 nhạc cụ, trong đó, sử dụng phổ biến nhất là đàn kìm, guitare phím lõm và song lang (1). Có thể nói, đây là đợt kiểm kê có quy mô và hệ thống nhất về nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ từ trước đến nay.

Bên cạnh đó, Bộ VHTTDL đã ban hành Công văn số 1098/BVHTTDL-DSVH ngày 8-4-2014 yêu cầu UBND 21 tỉnh, thành phố xây dựng Đề án bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trên địa bàn. Tính đến hết năm 2019, có 15/21 tỉnh, thành phố đã ban hành Đề án, trong đó, hoạt động kiểm kê, sưu tầm ở các địa phương là nội dung cơ bản.

Kết quả kiểm kê giúp chúng ta có cơ sở đánh giá một cách toàn diện về thực trạng trình diễn nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ ở Việt Nam; bổ sung cơ sở dữ liệu trong kho dữ diệu về âm nhạc truyền thống của dân tộc; phục vụ công tác nghiên cứu, phân tích và dự báo quá trình phát triển của môn nghệ thuật này. Đây là căn cứ để đánh giá bước đầu về các chính sách của Đảng và Nhà nước, cũng như cam kết của Việt Nam với cộng đồng quốc tế đối với vấn đề bảo tồn di sản văn hóa.

Nhờ sự quan tâm, đầu tư, hỗ trợ của Nhà nước, các địa phương, phong trào ĐCTT Nam Bộ có bước khởi sắc, lực lượng nghệ nhân – tài tử được trẻ hóa; số lượng các nghệ nhân – tài tử, câu lạc bộ ở địa phương được duy trì, một số địa phương như TP.HCM, Bình Dương, Bạc Liêu… tăng đáng kể so với thời điểm kiểm kê năm 2010.

Công tác nghiên cứu

Do nghệ thuật ĐCTT xuất hiện muộn nên các nghiên cứu chủ yếu được thực hiện từ giữa TK XX trở về sau. Trong giai đoạn 1954 – 1975, do hoàn cảnh chiến tranh, nên các nghiên cứu về nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ còn khá ít, chủ yếu được thực hiện bởi một số nhà nghiên cứu có uy tín, am hiểu và đam mê về âm nhạc truyền thống như: Võ Tấn Hưng, Lê Văn Tiếng, Trần Văn Khê, Trịnh Thiên Tư, Phạm Duy và một số nhóm nhạc sĩ ở miền Nam.

Từ 1975 đến nay, khi đất nước thống nhất, Đảng ta xác định nghệ thuật là một bộ phận trọng yếu của nền văn hóa dân tộc, thể hiện khát vọng của nhân dân về chân – thiện – mỹ. Việc sưu tầm, nghiên cứu các loại hình nghệ thuật truyền thống của dân tộc nói chung và nghiên cứu nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ nói riêng được chú trọng và mở rộng hơn. Giai đoạn này xuất hiện nhiều nhà nghiên cứu mới, họ có thể là các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc. Các nghiên cứu đề cập đến nhiều vấn đề khác nhau như tên gọi, quá trình hình thành và phát triển, đặc trưng, bản chất, giá trị, vị trí, mối quan hệ giữa ĐCTT Nam Bộ với các loại hình nghệ thuật truyền thống khác; thực trạng, giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Từ những năm đầu TK XXI, các bộ, ngành, tỉnh, thành phố đầu tư kinh phí thực hiện nhiều đề tài nghiên cứu khoa học như Nghệ nhân ĐCTT tiêu biểu của tỉnh Tiền Giang (2006), thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia (Bộ Văn hóa và Thông tin nay là Bộ VHTTDL); Bảo tồn và phát huy bền vững nghệ thuật ĐCTT ở Bình Dương (2017) của Mai Mỹ Duyên, Bảo tồn và phát huy giá trị Nghệ thuật ĐCTT (2014) do Sở VHTTDL tỉnh An Giang phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn thực hiện. Nhiều luận văn, luận án của học viên, nghiên cứu sinh về nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ được thực hiện ở các trường, viện.

Bên cạnh đó, nhiều hội thảo, tọa đàm khoa học được tổ chức. Tiêu biểu như Hội thảo khoa học quốc tế Nghệ thuật ĐCTT và những lối hòa đàn ngẫu hứng (2011) do Viện Âm nhạc tổ chức tại TP.HCM, thu hút nhiều tham luận, ý kiến đóng góp của các nhà khoa học đến từ các quốc gia như Đức, Cộng hòa Síp, Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore, Malaysia. Bên cạnh đó, hội thảo còn ghi nhận nhiều ý kiến của danh ca, danh cầm ĐCTT Nam Bộ, nhà quản lý văn hóa ở các tỉnh, thành phố. Hội thảo có “ảnh hưởng then chốt trong chiến dịch quản bá tuyên truyền, làm rõ giá trị nghệ thuật, tính sáng tạo độc đáo của ĐCTT và nhằm nâng cao hình ảnh ĐCTT, không chỉ trong phạm vi quốc gia mà còn trong cả cộng đồng quốc tế” (2). Những nghiên cứu, ý kiến đóng góp tại các hội thảo đã góp phần lý giải và khẳng định nhiều vấn đề của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ như: nguồn gốc ra đời, không gian văn hóa, môi trường diễn xướng, đặc điểm ngôn ngữ, cấu trúc âm nhạc, vấn đề âm thanh học, bài bản, phương thức truyền dạy… Các nghiên cứu cũng giúp chúng ta nhận thấy những nguy cơ, thách thức của nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ trong bối cảnh toàn cầu hóa.

Công tác đào tạo, truyền dạy

Giống nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống khác, nghệ thuật ĐCTT tồn tại và phát triển liên tục cho đến ngày hôm nay bởi nó được trao truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác thông qua nhiều hình thức.

Hiện nay, có ba hình thức đào tạo, truyền nghề cơ bản: truyền nghề, truyền ngón trong các gia đình, câu lạc bộ, đội, nhóm; tổ chức đào tạo, bồi dưỡng tại các cơ sở đào tạo văn hóa, nghệ thuật, từ bậc trung cấp đến sau đại học; tổ chức truyền dạy trên các các phương tiện truyền thông đại chúng.

Phương pháp truyền nghề, truyền ngón trong các gia đình, tại các câu lạc bộ, đội nhóm là hình thức phổ biến. Đây là phương pháp truyền khẩu, truyền ngón dựa trên nền tảng lòng bản, còn gọi là phương pháp trực truyền, một trong những phương thức truyền nghề lâu đời và có hiệu quả cao. Đối với nhiều nghệ nhân, ĐCTT không chỉ là một “nghề chơi” mà còn là một thứ tài sản quý giá, cần được lưu truyền, phát triển qua nhiều thế hệ.

Mỗi người đến với ĐCTT bằng những con đường khác nhau. Tuy nhiên, hầu hết nghệ nhân đều được học từ rất sớm, trải qua quá trình khổ luyện lâu dài. Nghệ nhân ưu tú (NNƯT) Trương Hoàng Triều chia sẻ về phương pháp dạy của nhạc sĩ Cao Văn Lầu: “Thày chép bài cho trò học thuộc. Sau khi học thuộc, thày sẽ dạy từng câu, thày đờn cho trò ca. Khi ca, thày sẽ chỉ kỹ thuật đờn, ca và uốn nắn tường tận từng chữ, từng câu; người ca, đờn phải đúng âm, đúng nhịp, và đặc biệt là ca phải có “hồn”. Khi ca đúng câu, thày mới chuyển sang câu khác. Cứ như vậy cho đến hết bài” (3). Việc truyền ngón nghề đờn ca trong gia đình chính là một cách bảo tồn và phát huy ĐCTT hay và hiệu quả. Bởi lẽ, nó xuất xuất phát từ tinh thần tự giác, niềm đam mê tự nhiên và môi trường nghệ thuật của gia đình và cộng đồng.

Bên cạnh phương thức truyền nghề, truyền ngón, từ thập niên 50 TK XX, ĐCTT chính thức được đào tạo chính quy trong các trường, viện âm nhạc của Việt Nam. Trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn (nay là Nhạc viện TP.HCM) mở khoa Đào tạo nhạc cổ truyền Việt Nam với tên gọi Ban giảng – huấn nhạc cổ truyền Việt Nam. Nhiều học trò tham gia các khóa học của Ban giảng – huấn sau này đã trở thành thày dạy nhạc tài tử trong các cơ sở đào tạo âm nhạc và nghệ thuật.

Hiện nay, nhiều trường, viện ở Việt Nam tổ chức các chuyên ngành riêng về nhạc tài tử Nam Bộ. Khoa Âm nhạc truyền thống, Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam có tổ chức giảng dạy các học phần về âm nhạc tài tử như hoà tấu nhạc tài tử cải lương, hát cải lương. Trường Đại học Sân khấu Điện ảnh TP.HCM đào tạo ngành Diễn viên Sân khấu Kịch hát (diễn viên cải lương) (bậc Cao đẳng). Trường Trung cấp Văn hóa Nghệ thuật Cần Thơ đào tạo chuyên ngành Diễn viên cải lương và Nhạc công cải lương (bậc Trung cấp).

Cùng với việc truyền nghề, đào tạo, nhiều nghệ nhân đã bỏ công biên soạn các tài liệu giảng dạy với mong muốn lưu giữ và truyền bá loại hình nghệ thuật này trong cộng đồng như: Thử tự học đờn tranh (2003 – Nguyễn Vĩnh Bảo), ĐCTT và sân khấu cải lương (2005 – Tăng Phát Vinh), Nhạc tài tử Nam Bộ (Nguyễn Tấn Nhì – Nhị Tấn) và nhiều tài liệu chép tay khác. Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, việc tổ chức truyền dạy ĐCTT được nhiều cơ quan đơn vị thực hiện một cách gián tiếp thông qua các các phương tiện truyền thông như đài phát thanh, đài truyền hình, các trang báo in, báo mạng… Để thực hiện hiệu quả Chương trình hành động quốc gia bảo vệ nghệ thuật ĐCTT (2014-2020), nhiều địa phương đã tổ chức truyền dạy ĐCTT trên sóng phát thanh, truyền hình, tiêu biểu như: Đài Phát thanh – Truyền hình Bình Dương, Đài Phát thanh – Truyền hình Bạc Liêu, Đài Truyền hình TP.HCM….

Đánh giá về phương pháp truyền nghề của ĐCTT Nam Bộ ở Việt Nam, học giả Đặng Hoành Lan cho rằng: “Nếu so sách các phương thức truyền nghề của giới ĐCTT với cách truyền nghề của nhiều hình thức âm nhạc cổ truyền khác ở Việt Nam, rõ ràng cách truyền nghề của giới chơi ĐCTT đã hoàn thiện hơn, hiệu quả hơn rất nhiều” (4).

Công tác tuyên truyền, quảng bá, vinh danh, khen thưởng các nghệ nhân, nghệ sĩ

Nếu như trước đây, mục đích của việc tổ chức liên hoan ĐCTT chủ yếu là học hỏi kinh nghiệm, trau dồi chuyên môn, nâng cao trình độ nghệ thuật; thì hiện nay, hầu hết các tỉnh, thành Nam Bộ, thậm chí ở các huyện, thị ở địa phương, đều có tổ chức liên hoan nghệ thuật ĐCTT. Đây là dịp tôn vinh tập thể, cá nhân có đóng góp trong việc bảo tồn và phát huy âm nhạc cổ truyền dân tộc; đồng thời tìm kiếm, phát hiện những nhân tố mới. Tính đến năm 2019, Liên hoan ĐCTT đã tổ chức được 25 lần tại các địa phương, như Bình Dương, TP.HCM, các tỉnh Tây Nam Bộ… Ở cấp độ quốc gia, Festival ĐCTT được tổ chức ba năm một lần, tại Bạc Liêu (2014), Bình Dương (2017) và dự kiến tại TP. Cần Thơ (2020).

Bên cạnh đó, nhiều nghệ nhân ĐCTT đã được xét tặng, truy tặng danh hiệu NNƯT, NNND trong lĩnh vực nghệ thuật trình diễn dân gian. Tính đến nay, có hơn 70 nghệ nhân ĐCTT được công nhận NNƯT, 7 nghệ nhân được công nhận NNND. Điều này cho thấy, vai trò quan trọng và sự cống hiến của các nghệ nhân ĐCTT trong đời sống văn hóa ở Nam Bộ. Đồng thời, nó cũng thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với những đóng góp của các nghệ nhân.

2. Tồn tại, yếu kém

Công tác sưu tầm, kiểm kê, nghiên cứu

Do chúng ta chưa xây dựng được hệ thống tiêu chí, tiêu chuẩn xác định nghệ nhân ĐCTT Nam Bộ nên việc kiểm kê ở các tỉnh, thành phố còn thiếu thống nhất. Tuy số lượng các câu lạc bộ ĐCTT tại các tỉnh, thành phố được hình thành khá nhiều, số lượng các nghệ nhân đông nhưng thực chất nội dung hoạt động đã bị pha tạp, không còn giữ được nguyên bản hình thức và nội dung sinh hoạt ĐCTT Nam Bộ. Hình thức sinh hoạt hiện nay đang tập trung nhiều về sinh hoạt ca cổ, cải lương, ít bài bản cổ được lưu truyền quảng bá. Một số nhóm ĐCTT diễn trong các nhà hàng, quán ăn, quán giải khát. Điều này làm ảnh hưởng đến hình ảnh trang trọng, tao nhã, nghĩa tình, sâu lắng, tri âm – tri kỉ của nghệ thuật truyền thống. Số lượng câu lạc bộ ĐCTT Nam Bộ hoạt động đúng nghĩa, lưu giữ được các giá trị nghệ thuật, giá trị nhân văn vốn có của loại hình nghệ thuật này còn hạn chế.

Công tác truyền dạy

Công tác đào tạo, truyền nghề hiện nay cũng đang gặp nhiều khó khăn do sự tác động của các phương tiện truyền thông đại chúng, sự du nhập của nhiều dòng nhạc, nhiều loại hình giải trí từ nước ngoài và đặc biệt là sự thay đổi về quan điểm, thị hiếu thẩm mỹ của thế hệ trẻ hiện nay. Chính vì vậy, nhiều nghệ nhân có tài năng, tâm huyết mong muốn truyền nghề nhưng lại không chọn được học trò. Nhiều người muốn theo học nhưng lại không có năng khiếu, nhiều người có năng khiếu thì lại bỏ nghề, không có đam mê với nghệ thuật ĐCTT. Theo ông Lý Thiện Hoàng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thông tin tỉnh Tiền Giang: “Cách đây khoảng năm năm, khi nghệ nhân Minh Tô mở các lớp ĐCTT tại Trung tâm, dù ít học viên, nhưng vì lòng đam mê nghề nên ông vẫn duy trì lớp đều đặn. Sau khi nghệ nhân Minh Tô mất, Trung tâm có phối hợp với các nghệ nhân khác mở lớp, nhưng không duy trì được do học viên ít, nghệ nhân không muốn dạy vì nguồn thu không đảm bảo”.

Trong bối cảnh hiện nay, việc trao truyền nghề theo kiểu cha truyền con nối gặp nhiều khó khăn. Thực tế khảo sát tại các tỉnh thành, nhiều gia đình có 2-3 thế hệ cha ông ĐCTT Nam Bộ nhưng đến thế hệ con cháu không theo nghề do cuộc sống mưu sinh hoặc không có đam mê. Nhiều nghệ nhân đã lớn tuổi, những người nắm rõ bài bản, đờn hay, hát giỏi còn rất ít, nhất là nghệ nhân đờn. Trong khi đó, giới trẻ đang có chiều hướng tiếp cận mạnh với các loại hình nghệ thuật hiện đại, họ chưa thực mong muốn lựa chọn và theo đuổi bộ môn nghệ thuật này. Chỉ tiêu tuyển sinh và thực tế tuyển sinh, đào tạo nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ tại các trường, viện còn rất khiêm tốn, hiệu quả đào tạo chưa cao. Nhiều sinh viên ra trường, trở về các tỉnh làm việc, phải đi hát ở các nhà hàng, quán ăn để mưu sinh, thậm chí, nhiều người phải bỏ nghề.

Công tác vinh danh, khen thưởng

Nghệ nhân là lực lượng đã, đang và sẽ truyền dạy nghệ thuật đờn – ca cho những người đam mê ĐCTT Nam Bộ. Đây là tài sản quý, là những “báu vật nhân văn” sống ở các địa phương, tri thức và tài năng của họ sẽ dần bị mai một theo tuổi tác. Tuy nhiên, số lượng nghệ nhân được xét tặng danh hiệu NNƯT, NNND còn khiêm tốn so với số lượng các nghệ nhân ĐCTT Nam Bộ hiện đang sinh sống ở các địa phương. Theo kết quả khảo sát, có 20/36 nghệ nhân từ độ tuổi 66 trở lên tại tỉnh Bình Dương (năm 2017) có ngón đàn hay, giọng ca điêu luyện. Thực trạng đó cho thấy, các cơ quan chuyên môn cần có giải pháp kịp thời để thúc đẩy tinh thần phục vụ xã hội, truyền dạy thế hệ sau.

Việc số lượng các nghệ nhân được xét phong tặng danh hiệu NNND, NNƯT còn hạn chế xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Khi được phỏng vấn, các nghệ nhân chia sẻ rằng, điều kiện bình xét các danh hiệu này còn quá khắt khe về tiêu chí thành tích, huy chương, giải thưởng, bởi, lĩnh vực của họ khó có thể tham gia các cuộc liên hoan để giành huy chương. Thiết nghĩ, Nhà nước cần có quy định thông thoáng hơn trong việc xem xét thành tích đóng góp của nghệ nhân, đây sẽ là động lực giúp họ trụ vững và tâm huyết với âm nhạc dân tộc.

Hiệu quả của các cuộc thi, liên hoan về ĐCTT còn hạn chế, những nhân tố mới trong phong trào ít được phát hiện. Chưa tạo được môi trường thuận lợi để nghệ thuật ĐCTT được bảo tồn và phát huy, đặc biệt là thông qua giáo dục thẩm mỹ, giáo dục ngoài giờ đối với học sinh các cấp học.

3. Kiến nghị và kết luận

Trong 10 năm thực hiện công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ, chúng ta đạt được nhiều thành tựu ở các phương diện khác nhau như công tác kiểm kê, sưu tầm, nghiên cứu, đào tạo, truyền dạy, tuyên truyền, quảng bá, vinh danh, khen thưởng các nghệ nhân, nghệ sĩ. Nhờ vậy, nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ không ngừng phát triển, được công chúng trong và ngoài nước đón nhận. Tuy nhiên, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản thời gian qua còn bộc lộ những hạn chế, yếu kém. Vì vậy, thời gian tới, các cơ quan quản lý nhà nước, cộng đồng cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp:

Thứ nhất, các cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật trong việc công nhận các câu lạc bộ, đội, nhóm; thực thi tốt chính sách vinh danh, khen thưởng các nghệ nhân, nghệ sĩ xuất sắc; hỗ trợ các cơ sở đào tạo, nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia đào tạo, truyền nghề ở các tỉnh, thành phố.

Thứ hai, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các trường, viện cần tổ chức biên soạn chương trình, giáo trình nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ để giảng dạy ở các cơ sở giáo dục ở Việt Nam.

Thứ ba, các tỉnh, thành phố có hoạt động ĐCTT Nam Bộ cần tăng cường đầu tư có chọn lọc cho các câu lạc bộ, đội, nhóm ĐCTT tiêu biểu; đầu tư cho các cơ sở đào tạo nghệ thuật ĐCTT Nam Bộ. Các bộ, ngành, tỉnh, thành phố cần tăng cường tổ chức giao lưu, liên hoan, hội thi, hội diễn ở nhiều cấp, nhiều độ tuổi khác nhau nhằm tạo không gian để các nghệ sĩ rèn luyện, trình diễn tài năng; đồng thời, phát hiện, bồi dưỡng, đào tạo các tài năng mới.

_______________

1. Viện Âm nhạc – Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Kiểm kê di sản nghệ thuật đờn ca tài tử 2010, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, 2011, tr.18.

2. Viện Âm nhạc – Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Nghệ thuật đờn ca tài tử và những lối hòa đàn ngẫu hứng, Kỷ yếu hội thảo khoa học quốc tế, Nxb Hồng Đức, Hà Nội, tr.19.

3. Phỏng vấn NNƯT Trương Hoàng Triều, 12-7-2018, TP. Bạc Liêu.

4. Đặng Hoành Loan, Nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ Việt Nam, vienamnhac.vn, 2014.

Tác giả: Nguyễn Chính

Nguồn: Tạp chí VHNT số 432, tháng 6-2020

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *