Nhìn lại phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2000 – 2020


Tỉnh Đắk Nông được thành lập năm 2004, diện tích tự nhiên 650.927 ha; dân số trên 600.000 người gồm 40 thành phần dân tộc cùng sinh sống; địa giới hành chính gồm 7 huyện, 1 thành phố, 71 xã, phường, thị trấn và 713 thôn, bon, bản, tổ dân phố.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Tôn Thị Ngọc Hạnh trao Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện phong trào

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là một trong bốn giải pháp của Nghị quyết Hội nghị lần thứ 5 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc” và trong gần 20 năm qua (2004-2020), phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông đã được sự quan tâm, tập trung chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, sự phối hợp của các tổ chức chính trị xã hội, đoàn thể… trở thành một phong trào thi đua sâu rộng, toàn diện, tạo ra sức lan tỏa lớn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế và hưởng thụ văn hóa ngày càng cao của nhân dân, với 9 phong trào được phát động và triển khai đồng bộ, gồm: phong trào xây dựng gương “Người tốt, việc tốt”; phong trào xây dựng Gia đình văn hóa; phong trào xây dựng thôn, bon, buôn, bản, tổ dân phố văn hóa; toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; phong trào xây dựng xã đạt chuẩn văn hóa nông thôn mới, phường thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị; phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt chuẩn văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội; xây dựng thiết chế văn hóa, thể thao và phong trào “Toàn dân rèn luyện thân thể theo gương Bác Hồ vĩ đại”.

Sau gần 20 năm triển khai thực hiện phong trào“Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, đời sống văn hóa nhân dân ngày càng khởi sắc, cảnh quan môi trường xanh sạch đẹp, tình làng nghĩa xóm được phát huy, các hoạt động văn hóa, văn nghệ và thể dục thể thao được quan tâm đã tác động sâu sắc đến tư tưởng, tâm lý, thói quen trong mọi tầng lớp nhân dân, khắc phục những biểu hiện tiêu cực, lạc hậu, góp phần hình thành nếp sống văn hóa, văn minh và thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị – kinh tế – văn hóa – xã hội chung của tỉnh và của từng huyện, xã. Đặc biệt, đã xây dựng ý thức sống và lao động theo đường lối chính sách của Đảng và Nhà nước trong mỗi người, đã tạo sức lan tan tỏa, được mọi tầng lớp nhân dân hưởng ứng tích cực trong các phong trào thi đua “Dạy tốt, học tốt”; “Lao động giỏi, lao động sáng tạo”; “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; phong trào hiến đất làm đường, xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao và trường học; phong trào đền ơn đáp nghĩa, tương thân tương ái; phong trào giúp nhau làm kinh tế xóa đói giảm nghèo…

Tính đến năm 2020, toàn tỉnh có 274 câu lạc bộ Gia đình văn hóa, chất lượng và số lượng Gia đình văn hóa không ngừng tăng từ 26.626 Gia đình văn hóa (2004) tăng lên 125.001/147.592 gia đình hộ Gia đình văn hóa, đạt tỷ lệ 84,69%, tăng 98.375 hộ so với năm 2004.

Phong trào xây dựng thôn, bon, buôn, bản, tổ dân phố văn hóa là một phong trào lớn, nhằm xây dựng bộ mặt kinh tế – xã hội một cách toàn diện của địa phương. Thời gian qua, phong trào này đã có những bước phát triển tích cực. Năm 2019, toàn tỉnh có 713/713 thôn, bon, buôn, bản, khu dân cư xây dựng được hương ước, quy ước, đảm bảo yêu cầu cụ thể của từng địa phương, có tác dụng điều chỉnh các mối quan hệ mang tính tự giác, nâng cao chuẩn mực đạo đức, truyền thống, thuần phong mỹ tục và bình đẳng giới trong cộng đồng dân cư. Nếu như năm 2004, tỉnh chỉ mới công nhận 80 thôn, bon, buôn, bản, tổ dân phố văn hóa thì đến năm 2020, tỉnh đã công nhận 672/713 thôn, bon, buôn, tổ dân phố đạt tiêu chuẩn văn hóa (đạt tỷ lệ 85,17%), tăng 592 thôn, bon, buôn, bản, tổ dân phố so với năm 2004.

Trong những năm qua, phong trào xây dựng cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa đã trở thành một phong trào thi đua sâu rộng trong cán bộ công nhân viên chức lao động trong toàn tỉnh. Các cơ quan, đơn vị văn hóa ngày càng xanh – sạch – đẹp, môi trường làm việc văn minh. Chất lượng xây dựng phong trào cơ quan, đơn vị văn hóa không ngừng được nâng lên. Phong trào thi đua yêu nước, hoạt động văn hóa, thể thao đã làm phong phú đời sống văn hóa, tinh thần cho cán bộ công nhân viên chức, người lao động, nâng cao ý thức xây dựng gia đình văn hóa, cơ quan văn hóa, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hoá dân tộc. Đến năm 2020, toàn tỉnh có 839/932 cơ quan, đơn vị đạt danh hiệu văn hóa, đạt tỷ lệ 92,60%.

Công tác tuyên truyền, vận động xây dựng nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội bước đầu đã thực hiện theo đúng tinh thần Chỉ thị số 27-CT/TW, ngày 12/01/1998. Thời gian qua, trên địa bàn tỉnh có hơn 35.331 đám cưới; trong đó có hơn 17.379 đám cưới theo nếp sống văn hóa mới và 11.756 đám cưới theo mô hình mới hiệu quả, tiết kiệm. Việc tang hiện nay, hầu hết được nhân dân vận dụng đưa vào Quy ước xây dựng thôn, bon, tổ dân phố văn hóa để các khu dân cư, các gia đình cùng thực hiện.

Công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống được các cấp ủy đảng, chính quyền quan tâm qua:  Đề án “Bảo tồn phát huy Lễ hội – Hoa văn – Cồng chiêng và nhạc cụ dân gian của các dân tộc tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2005 – 2009 và giai đoạn 2010 – 2015”. Đến nay, tỉnh đã tổ chức và khôi phục được nhiều lễ hội dân gian của dân tộc M’nông, Mạ, Êđê – tiêu biểu như: lễ hội mừng mùa, lễ mừng lúa mới, lễ kết nghĩa, lễ ăn cơm mới, lễ cưới của người M’nông, lễ hội cúng mừng sức khỏe, lễ Sum họp cộng đồng (Rnglăp bon), lễ hội sum họp, lễ mừng công, lễ vào nhà mới, ngày hội văn hoá các dân tộc… Việc tổ chức các trò chơi dân gian, hoạt động văn hóa, văn nghệ – thể thao trong lễ hội có nội dung bổ ích, lành mạnh, phù hợp với bản sắc văn hóa của đồng bào… được quán triệt và có sự kiểm tra, giám sát, uốn nắn kịp thời của các cấp, ngành chức năng, loại bỏ hoàn toàn việc lợi dụng lễ hội để hành nghề mê tín dị đoan, thương mại hóa lễ hội. Đến nay, tỉnh Đắk Nông đã mở được 63 lễ hội, trong đó có 60 lễ hội dân gian, 2 lễ hội cách mạng và lễ kỷ niệm ngày giải phóng thành phố Gia Nghĩa (23/3 hằng năm). Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công Lễ hội văn hóa thổ cẩm Việt Nam lần thứ I năm 2018, lần thứ II năm 2020… qua đó góp phần nâng cao ý thức bảo vệ giá trị văn hóa dân tộc của người dân.

Ở thời điểm hiện tại, toàn tỉnh đã xây dựng được 3 Nhà văn hóa cấp tỉnh; 5/8 huyện đã xây dựng được Nhà văn hóa cấp huyện; 42/71 xã có Trung tâm văn hóa – Khu thể thao xã, phường, thị trấn, Trung tâm sinh hoạt cộng đồng. 644/713 thôn, bon, buôn đã có nhà sinh hoạt (đạt tỷ lệ 89,1%); về cơ sở vật chất thể thao, hiện có 1 Nhà tập luyện và Thi đấu thể dục thể thao; 1 Sân vận động. Đối với cấp huyện, toàn tỉnh có 235 sân bóng chuyền; 65 sân cầu lông, hầu hết thuộc các cơ quan nhà nước và trường học; 94 sân bóng đá mini cỏ nhân tạo 38 sân quần vợt; 2 sân vận động cấp huyện; 5 sân bóng rổ; 10 bể bơi.

Tặng Bằng khen của Chủ tich UBND tỉnh cho các thôn, bon đạt danh hiệu văn hóa tiêu biểu

Tuy nhiên, quá trình xây dựng và phát triển văn hóa ở tỉnh Đắk Nông thời gian qua vẫn còn những hạn chế, như: nhận thức về vị trí, vai trò, mục tiêu, nhiệm vụ về xây dựng đời sống văn hóa của một bộ phận cán bộ, đảng viên và nhân dân còn hạn chế; các thiết chế văn hóa – thể thao ở cơ sở còn thiếu, chưa đồng bộ và chưa có sự quan tâm đầu tư hỗ trợ chưa đúng mức; phong trào chủ yếu phát triển về bề rộng chưa đi đôi với chiều sâu, chất lượng chưa tương xứng với số lượng, nhất là Phong trào xây dựng gia đình văn hóa; tình trạng ly hôn, ly thân, sống thử, không đăng ký kết hôn, các tệ nạn xã hội xâm nhập vào gia đình… xuất hiện ngày càng nhiều, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em diễn biến phức tạp, tình trạng tảo hôn một số địa phương vẫn tồn tại, tình trạng bạo lực gia đình có xu hướng gia tăng; đội ngũ cán bộ chuyên môn Phòng Văn hóa và Thông tin huyện, thành phố còn chưa ổn định, không đủ nguồn lực về con người để đảm bảo các công việc với khối lượng lớn. Chế độ hội họp định kỳ, kiểm tra của Ban Chỉ đạo các cấp chưa được thường xuyên. Công tác thông tin báo cáo chưa được nề nếp, công tác thi đua khen thưởng chưa được chú trọng đúng mức.

Từ thực tiễn phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2000 – 2020, có thể rút ra một số bài học kinh nghiệm sau:

Một là, phát huy vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, công tác tham mưu của ngành văn hóa. Tăng cường sự phối hợp giữa các ngành đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở để tổ chức thực hiện phong trào đồng nhất. Từ thực tiễn cho thấy, ở địa phương nào các cấp ủy Đảng, chính quyền nhận thức đầy đủ mục đích, ý nghĩa của nội dung phong trào, coi đó là động lực chính để phát huy sức mạnh đại đoàn kết, phát huy nội lực cộng đồng dân cư để phát triển kinh tế – văn hóa – xã hội thì phong trào được nhân dân hưởng ứng tham gia và đạt kết quả cao.

Hai là, tạo cơ chế, động lực để mọi tầng lớp nhân dân và doanh nghiệp tham thực hiện xã hội hóa hoạt động văn hóa, thể thao, du lịch nhằm đáp ứng nhu cầu đời sống văn hóa tinh thần ngày càng phong phú của nhân dân. Đồng thời, Nhà nước cần quan tâm đầu tư xây dựng thiết chế văn hóa – xã hội, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Ba là, đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động quần chúng, giới thiệu rộng rãi cho các tầng lớp nhân dân hiểu sâu hơn về mục đích, ý nghĩa của nội dung phong trào và tầm quan trọng của cuộc vận động với xây dựng khu dân cư văn hóa và gia đình văn hóa.

Bốn là, phải gắn chặt nhiệm vụ phong trào: ”Toàn dân đoàn kết xây dựng xây dưng đời sống văn hóa” với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị mỗi địa phương, đơn vị cơ sở. Đặc biệt, cần hướng các hoạt động văn hóa vào xây dựng con người phát triển toàn diện về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống và nhân cách văn hoá với tinh thần, khát vọng vươn lên thoát khỏi nghèo nàn lạc hậu, có lối sống lành mạnh, nếp sống văn minh, cần kiệm trung thực, nhân nghĩa, tuân thủ pháp luật, không ngừng nâng cao trí thức, học tập suốt đời, biết suy nghĩ độc lập và tự chịu trách nhiệm, rèn luyện nâng cao thể trạng, tu dưỡng, bồi bổ các kiến thức, kỷ năng nghề nghiệp và đạo làm người.

Năm là, chú trọng công tác kiểm tra đôn đốc, bám sát để đánh giá đúng tình hình cơ sở. Thường xuyên tổ chức sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong công tác chỉ đạo, tổ chức thực hiện phong trào, phát hiện những nhân tố mới, những kinh nghiệm và mô hình tốt để phổ biến rộng rãi. Động viên khen thưởng kịp thời những đơn vị, tập thể, cá nhân tiêu biểu trong phong trào, cổ vũ, khích lệ mọi người hăng hái tham gia phong trào.

Sáu là, tổ chức để nhân dân thực hiện cam kết đăng ký xây dựng gia đình văn hóa, thôn, bon văn hóa, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh qua đó phát huy tính dân chủ, tinh thần tự quản, tham gia quản lý trật tự xã hội địa phương và dần dần xóa bỏ các hủ tục lạc hậu.

Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” là chủ trương lớp của Đảng và Nhà nước ta và thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo của Đảng và các cấp chính quyền, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có sự chuyển biến tích cực, đã làm cho đời sống văn hóa tinh thần của công đồng các dân tộc tỉnh được nâng lên, góp phần bảo tồn, phát huy các gia trị văn hóa truyền thống, tạo điều kiện cho thực hiện các mục tiêu xây dựng phát triển văn hóa, con người Việt Nam mới trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, đồng thời xóa bỏ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, những luồng văn hóa độc hại.

 

Tác giả: Cao Bá Hoàng

Nguồn: Tạp chí VHNT số 453, tháng 2-2021

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *