Trong điều kiện kinh tế, xã hội có nhiều
biến động, đời sống tinh thần nói chung,
nhu cầu hưởng thụ âm nhạc truyền thống
(ANTT) nói riêng của đồng bào các dân tộc
thiểu số (DTTS) ở nước ta cũng có không ít
những thay đổi. Bài viết trình bày tổng quát
thực trạng về nhu cầu sử dụng, hưởng thụ
ANTT của các DTTS ở nước ta hiện nay. Đây
là một trong những cơ sở dữ liệu giúp cho
việc tổ chức, quản lý, hoạch định chính
sách có liên quan đi đúng hướng và đạt
được những hiệu quả thiết thực.
Ngày nay, người ta nhận thấy, âm nhạc không chỉ đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức mà nó còn có nhiều tác dụng khác như: chữa bệnh, giáo dục, rèn luyện thân thể, làm tăng năng suất cây trồng, vật nuôi, làm phương tiện giao tiếp… Do vậy, hưởng thụ âm nhạc là khái niệm bao hàm phạm vi đầy đủ hơn so với giải trí, thưởng thức âm nhạc. Cũng từ nghiên cứu trên thực tế chúng tôi thấy, đối với đồng bào các DTTS, có 3 loại nhu cầu cơ bản:
Một là, nhu cầu sử dụng âm nhạc dân tộc làm phương tiện, công cụ để thực hiện các nghi thức, tế lễ nhằm giải quyết một vấn đề, một việc nào đó thuộc lĩnh vực tâm linh, tín ngưỡng, tôn giáo với hy vọng sẽ giúp cho cuộc sống có thể thoát khỏi những rủi ro, giảm bớt khó khăn, trở nên thuận lợi, trôi chảy hơn, giải tỏa đi những căng thẳng, lo âu, góp phần tạo ra niềm tin và chỗ dựa về tinh thần.
Hai là, nhu cầu nghe/ xem biểu diễn âm nhạc dân tộc để giải trí, thưởng thức.
Ba là, nhu cầu muốn được tham gia các hoạt động ANTT của dân tộc để thể hiện khả năng, năng khiếu nghệ thuật của bản thân, để được mọi người chú ý, ngưỡng mộ, để có thể đem lại một số những lợi lích vật chất và tinh thần cho bản thân, để có cơ hội đóng góp cho sự trường tồn của âm nhạc dân tộc mình.
Trên thực tế, có hai cách tiếp cận để hưởng thụ ANTT đối với các DTTS. Một là, tiếp cận trực tiếp, tức là đến nghe/ xem hoặc tham gia trình diễn (chơi nhạc cụ hoặc hát, múa) tại những nơi có biểu diễn ANTT dân tộc. Hai là, tiếp cận gián tiếp, tức là nghe/ xem các chương trình biểu diễn âm nhạc thông qua các phương tiện, trang thiết bị truyền thông sử dụng máy móc, kỹ thuật, công nghệ (vô tuyến, radio, băng đĩa, đường truyền mạng internet…). Khi internet chưa phổ biến, khuynh hướng tiếp cận chủ yếu là trực tiếp, khoảng từ sau năm 2000 đến nay, khi mà điện thoại đi động và tivi đã trở nên phổ cập rộng rãi ở nước ta thì khuynh hướng tiếp cận dần chuyển sang chủ yếu là gián tiếp. Một trong những nguyên nhân cơ bản của tình trạng này là, cơ hội để người dân tiếp cận trực tiếp không nhiều (không phải ngày nào, tuần nào, tháng nào cũng có biểu diễn ANTT ở nơi đồng bào các DTTS cư trú và người dân không thể lúc nào cũng chủ động để tiếp cận được); trái lại, cơ hội để tiếp cận thông qua các phương tiện truyền thông rất dễ dàng, phong phú, người dân được chủ động lựa chọn ở nhiều khía cạnh (thời gian, chương trình, thể loại, tiết mục…).
1. Nhu cầu hưởng thụ ANTT của các DTTS qua các hoạt động tự phát theo phong tục, tập quán
Thông qua việc tham dự vào các hoạt động tự phát, tự tổ chức thực hiện, nhu cầu hưởng thụ ANTT của đồng bào các DTTS đã được bộc lộ và cho thấy các mức độ nhu cầu được đáp ứng khác nhau, tùy theo điều kiện sống và nhận thức của người dân.
Đối với nhóm các DTTS ở vùng núi phía Bắc, do địa bàn cư trú chủ yếu là ở vùng rừng núi, nơi hẻo lánh, biên giới, kinh tế còn khó khăn, dân trí còn hạn chế… nên nhu cầu hưởng thụ ANTT nằm trong các nghi thức, tế lễ theo phong tục, tập quán chiếm tỷ lệ lớn. Theo kết quả điều tra của Viện Âm nhạc, loại âm nhạc sử dụng trong các nghi lễ tín ngưỡng, phong tục, tôn giáo được người dân ưa thích và quan tâm nhiều nhất: người Mông 59,7%, Khơ mú 51,9%, Nùng 67%, Tày 53,7%, Thái 55%, Dao 69,4%, Lô Lô 100%… (1). Có nhiều nghi thức tế lễ sử dụng âm nhạc làm phương tiện giao tiếp, chuyển tải các bài cúng bái, cầu khấn đến thần linh, tổ tiên đã trở thành không thể thiếu đối với sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng của họ. Ví dụ như, lễ then cúng vía, cầu an giải hạn của các dân tộc Tày, Nùng, Thái; lễ cấp sắc của người Dao, lễ tang của người Mông, lễ cúng tổ tiên của người Lô Lô…
Các DTTS ở vùng núi Trung bộ và Tây Nguyên, địa bàn gắn với rừng núi Trường Sơn hiểm trở và những cao nguyên hùng vĩ, tỷ lệ nhu cầu hưởng thụ âm nhạc gắn với các hoạt động sử dụng âm nhạc trong các nghi lễ phong tục, tín ngưỡng, tôn giáo cũng ở mức khá cao. Ví dụ, người Ê đê 51,1%, Xơ đăng 57,1%, Pa cô 59,6%, Bru Vân Kiều 63,6%, Tà Ôi 67,4%, Ba na 100%… (2). Những nghi lễ có sử dụng âm nhạc làm phương tiện giao tiếp với thần linh, tổ tiên hay được nói đến là: lễ bỏ mả của người Ba na, lễ bắc máng nước của người Xơ đăng, lễ tang của người Tà Ôi, người Bru Vân Kiều, lễ cúng thần Lúa của người M’Nông, lễ ăn trâu của người Mạ…
Các DTTS ở vùng đồng bằng Trung Bộ và Nam Bộ, do sinh sống ở địa bàn đồng bằng và thành thị là chính, cho nên tỷ lệ người dân ưa thích và có nhu cầu hưởng thụ âm nhạc trong các nghi lễ tín ngưỡng, tôn giáo có sử dụng âm nhạc có phần ít hơn ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên. Trong khi các nghi lễ tín ngưỡng, phong tục, tôn giáo của các DTTS ở vùng núi phía Bắc và Tây Nguyên thường chỉ cầu khấn lực lượng siêu nhiên và các vị thần linh với những danh hiệu chung chung (sơn thần, thủy thần, địa thần, Ngọc Hoàng…) với âm nhạc theo kiểu cách dân gian là chính, thì ở vùng đồng bằng Nam Trung Bộ và Nam Bộ lại thường sử dụng âm nhạc mang tính chuyên nghiệp để cầu khấn những vị thần linh có tên gọi cụ thể, những người được cho là đã có công khai phá, xây dựng vùng đất, bảo vệ người dân, dạy cho người dân cách làm ăn sinh sống… Ví dụ như: thần Pokloong, Pô Nai, Pô Rômê, Pô Nagar, Siva, Pô Nậm Thi… trong các nghi lễ của người Chăm; thần Yang Va (thần lúa) trong nghi lễ của người Chơ Ro; thần Neakta Prek (thần sông), thần Naga (thần rắn 9 đầu) trong nghi lễ của người Khmer…
Nhìn chung, nhu cầu hưởng thụ ANTT của các DTTS trong các hoạt động tự phát chiếm được sự quan tâm, ưa thích nhiều hơn so với nhu cầu ở các lĩnh vực khác. Đồng thời, nó cũng chính là nhu cầu sẽ được duy trì lâu dài, giúp cho việc bảo tồn bền vững.
2. Nhu cầu hưởng thụ ANTT của các DTTS qua các hoạt động do chính quyền, đoàn thể tổ chức
Nghiên cứu về nhu cầu hưởng thụ ANTT của các DTTS qua các hoạt động do chính quyền, đoàn thể tổ chức ta thấy, thực tế loại hoạt động này diễn ra do 2 hệ thống chỉ đạo, tổ chức: Một là, hệ thống chính quyền, đoàn thể ở địa phương cơ sở (huyện, xã, thôn, bản), chịu trách nhiệm quản lý và chăm lo đời sống cho những người dân vẫn làm ăn, sinh sống hằng ngày tại quê hương; Hai là, hệ thống chính quyền, đoàn thể ở các cơ quan, trường học, nhà máy, xí nghiệp, nơi quản lý và chăm lo đời sống cho những người DTTS đã thoát ly cuộc sống hằng ngày ở làng bản để vào học tập trong các trường, làm việc trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp. Hai hệ thống này cùng phải tuân thủ sự chỉ đạo chung từ chính quyền hành chính ở địa phương (UBND tỉnh, huyện) và các cơ quan quản lý văn hóa (Sở VHTTDL tỉnh, Phòng Văn hóa Thông tin huyện, thị xã), cùng có định hướng tổ chức các dạng hoạt động trong năm như: tổ chức hội thi, hội diễn, liên hoan văn nghệ, tổ chức các chương trình biểu diễn nhân dịp những ngày lễ lớn. Tuy nhiên, cách làm và mục tiêu của họ có phần khác nhau, do đối tượng quần chúng của họ không giống nhau về trình độ, tâm lý và sở thích.
Các hoạt động do chính quyền, đoàn thể ở các địa phương tổ chức phải dựa vào phong tục, tập quán của DTTS ở địa phương, sử dụng chính đội ngũ thực hành âm nhạc dân tộc ở địa phương để trình diễn, với nội dung giản dị, dễ hiểu, mang đậm nét dân tộc, phù hợp với thuần phong, mỹ tục truyền thống. Trong khi đó, các hoạt động do chính quyền, đoàn thể ở các cơ quan, trường học, xí nghiệp tổ chức nhằm phục vụ nhu cầu hưởng thụ văn hóa của những người DTTS có qua học hành, đào tạo, có kiến thức, nghề nghiệp, không lao động trên nương rẫy. Do vậy, cả về mặt nội dung và hình thức rất ít khi thuần chất chỉ một màu truyền thống dân tộc, trừ hội thi, hội diễn ca múa nhạc dân tộc, mà thường có pha trộn với các yếu tố mới về trang phục, bài bản, cách dàn dựng, tác phong biểu diễn… Đồng thời, để tăng thêm sự đa dạng, hấp dẫn và hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, nhiều chương trình còn phối hợp, lồng ghép biểu diễn văn nghệ với các nội dung, chủ điểm khác, như: thi trình diễn thời trang, nữ công gia chánh, phổ biến giáo dục chính sách, pháp luật… Các hoạt động biểu diễn được tổ chức ở các huyện, xã đã đáp ứng được một phần nhu cầu giải trí của người dân, khắc phục tình trạng “thiếu đói văn hóa”, tạo điều kiện cho họ được trực tiếp tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ, nâng cao nhận thức của người dân về quyền lợi và trách nhiệm tham gia công cuộc bảo tồn, phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền quý báu của dân tộc.
Đối với các hoạt động biểu diễn được tổ chức ở các cơ quan, trường học, nhà máy, xí nghiệp, bên cạnh việc đáp ứng nhu cầu giải trí, thưởng thức nghệ thuật của học sinh, cán bộ, công nhân, viên chức, góp phần vào việc bảo vệ, gìn giữ ANTT, bản sắc dân tộc, còn có hiệu quả tăng cường sự đoàn kết nội bộ, giáo dục ý thức chấp hành hiến pháp, pháp luật, hướng cho các hoạt động tập thể, cộng đồng gắn kết với nhiệm vụ hoàn thành kế hoạch sản xuất, công tác, học tập.
Kể từ khi đất nước bước vào đổi mới, hệ thống chính quyền, đoàn thể ở các tỉnh có tỷ lệ nhiều đồng bào DTTS cư trú đã có những cố gắng nhất định trong việc tổ chức các hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu hưởng thụ ANTT của đồng bào. Tuy vậy, những gì đã làm được trên thực tế là chưa đủ để đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, cần phải làm nhiều hơn, tích cực và thiết thực hơn nữa. Ý kiến của người dân các DTTS về vấn đề này đã được phản ánh rất rõ qua kết quả điều tra xã hội học của Viện Âm nhạc ở 13 tỉnh. Cụ thể, có 64,4% người dân và 61,4% nghệ nhân cùng những người trực tiếp nắm giữ, thực hành ANTT của các DTTS cho rằng, các hoạt động do chính quyền, đoàn thể đã tổ chức là chưa đủ, cần phải làm nhiều hơn nữa (3).
3. Nhu cầu hưởng thụ ANTT của các DTTS qua tiếp cận với các hoạt động âm nhạc được truyền tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng
Có thể nói, nhu cầu hưởng thụ ANTT của các DTTS qua việc tiếp cận với các hoạt động âm nhạc được truyền tải trên các phương tiện truyền thông đại chúng đa dạng và nhanh chóng. Tuy nhiên, trong bối cảnh cùng một lúc có quá nhiều loại, nhiều dạng từ nhiều nguồn khác nhau, khiến cho những người dân các DTTS vốn dĩ rất hạn chế về trình độ tin học, ngoại ngữ, thiếu khả năng thẩm định, chọn lọc… trở nên choáng ngợp, lúng túng và dẫn đến hiệu quả mang lại cho họ sự sinh động, mới mẻ, những yếu tố lệch lạc, không lành mạnh, gây ra những ảnh hưởng không có lợi cho việc bảo tồn và phát huy giá trị âm nhạc cổ truyền của các DTTS.
Trên các chương trình phát thanh của Đài Tiếng nói Việt Nam và hệ thống các đài phát thanh của các tỉnh, thành phố vùng DTTS, có 3 loại chương trình để mọi người dân có thể nghe ANTT dân tộc. Đó là, chương trình gồm các tiết mục ANTT của 1 DTTS, chương trình gồm các tiết mục ANTT của nhiều DTTS, chương trình gồm các tiết mục âm nhạc của các DTTS pha trộn với các loại âm nhạc khác (nhạc của người Kinh, nhạc mới, nhạc nước ngoài…). Do phương tiện nghe là radio, không tốn tiền, dễ kiếm, dễ sử dụng, có loại nhỏ gọn có thể mang theo người đi bất cứ đâu nên khá phù hợp với đồng bào DTTS, nhất là ở các bản làng xa xôi, hẻo lánh, kinh tế còn khó khăn. Tuy nhiên, từ khoảng 15 năm gần đây, khi mà tivi và điện thoại di động trở nên phổ cập ở khắp mọi nơi, việc nghe âm nhạc qua radio của các DTTS chủ yếu chỉ còn lại ở đối tượng người cao tuổi, người về hưu, những người dân sống ở vùng xa xôi, hẻo lánh, điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn. Chương trình ANTT dân tộc trên các đài phát thanh địa phương nhìn chung còn ít và thiếu sự đa dạng, hấp dẫn với người nghe.
Trên các chương trình truyền hình của Đài Truyền hình Việt Nam và của các đài truyền hình địa phương vùng DTTS, nhu cầu hưởng thụ ANTT của các DTTS đã được đáp ứng với nhiều mức độ, ở các khía cạnh: giải trí, thưởng thức, hiểu biết về âm nhạc của dân tộc mình và của các dân tộc khác, cảm nhận được giá trị và sự khác biệt của ANTT dân tộc mình, có dịp được chiêm ngưỡng tài năng của các nghệ nhân, nghệ sĩ giỏi…
Với các hoạt động âm nhạc có trên mạng internet, đồng bào các DTTS có thể sử dụng các ứng dụng YouTube, Facebook, Google… thông qua máy vi tính và điện thoại di động để nghe, xem, tìm hiểu, học tập, thưởng thức, tham gia ý kiến trao đổi, đánh giá, bình luận… nhiều loại dân ca, dân nhạc, dân vũ của các dân tộc.
Các sản phẩm công nghệ ghi dữ liệu âm thanh, hình ảnh (băng đĩa, ổ cứng…) cũng là một nguồn dồi dào mà người dân các DTTS có thể tiếp cận và hưởng thụ ANTT của dân tộc mình cũng như của các dân tộc khác. Trên thị trường băng đĩa nhạc ở nước ta hiện nay có rất nhiều loại, có xuất xứ và được sản xuất bởi nhiều chủ thể khác nhau, ở cả trong nước và nước ngoài. Riêng các sản phẩm có ghi dữ liệu về các chương trình, tiết mục biểu diễn ANTT của các DTTS ở nước ta cũng đã có nhiều nội dung và hình thức khác nhau.
4. Một số vấn đề về nhu cầu hưởng thụ ANTT của giới trẻ trong cộng đồng các DTTS ở nước ta hiện nay
Phần lớn khi trưởng thành, giới trẻ vùng DTTS đều muốn thoát ly khỏi làng bản và công việc trên nương rẫy để đi đến làm ăn, sinh sống ở nơi khác. Những thanh thiếu niên tiếp tục ở lại sinh sống trong các làng bản, hoặc đang còn đi học, hoặc do không được đào tạo nghề nghiệp gì nên đành an phận, chấp nhận sinh sống bằng việc làm nương rẫy giống thế hệ trước. Thông qua các kết quả điều tra, chúng tôi rút ra được một số phát hiện chính về nhu cầu hưởng thụ ANTT của giới trẻ trong cộng đồng các DTTS ở nước ta hiện nay như sau:
Mặc dù xã hội ngày nay đã có nhiều thay đổi, đời sống âm nhạc đã trở nên phong phú, sôi động hơn trước rất nhiều, nhưng thực tế cho thấy, thanh thiếu niên người DTTS vẫn có nhu cầu hưởng thụ ANTT. Tất nhiên, nhu cầu ấy có sự khác nhau giữa các dân tộc, các vùng. Kết quả phỏng vấn trực tiếp các thanh niên, học sinh do Viện Âm nhạc tiến hành ở 16 trường phổ thông dân tộc nội trú và phát biểu của các đại biểu trẻ tại 28 cuộc tọa đàm được tổ chức ở 13 tỉnh trong các năm 2017-2018 cho biết, 100% con em các DTTS đang theo học ở các trường phổ thông dân tộc nội trú có nhu cầu nghe/ xem và muốn được tham gia các hoạt động ANTT dân tộc (4). Trong các hoạt động tự phát do người dân các DTTS tự tổ chức thực hiện và các hoạt động do chính quyền, đoàn thể tổ chức, những hình thức sinh hoạt có biểu diễn ANTT dân tộc được giới trẻ các DTTS tham gia nhiều nhất là các lễ hội theo phong tục dân tộc, hoạt động văn nghệ do đoàn thể tổ chức (Đoàn Thanh niên, Hội sinh viên…) (tham khảo kết quả phỏng vấn và điều tra xã hội học với đối tượng người DTTS dưới 30 tuổi). Trong số các phương tiện truyền thông có thể tiếp cận để hưởng thụ ANTT dân tộc, phương tiện được giới trẻ các DTTS sử dụng nhiều nhất là: điện thoại di động và tivi (5). Hình thức và thể loại ANTT dân tộc được giới trẻ người DTTS nghe/ xem nhiều nhất là: hát dân ca và biểu diễn nhạc cụ dân tộc (6).
Khuynh hướng chung của giới trẻ khi thưởng thức ANTT dân tộc là nghe/ xem ANTT được trình diễn trên sân khấu (bao gồm cả sân khấu được truyền tải trên các phương tiện truyền thông) với sự đổi mới về phong cách trình diễn (có trang âm, ánh sáng, y phục đẹp, có múa phụ họa…), nội dung, đề tài sao cho phù hợp với thẩm mỹ mới (7) (kết quả phỏng vấn đối với người dân dưới 30 tuổi).
Thanh thiếu niên người DTTS ở vùng biên giới, ngoài nhu cầu muốn nghe/ xem ANTT của dân tộc mình và các dân tộc khác ở Việt Nam, còn muốn nghe/ xem ANTT của các dân tộc đồng tộc ở các nước láng giềng.
Theo điều tra, có một số đông thanh thiếu niên muốn được học đàn, hát dân tộc: 88%, trong đó 37,4% rất mong muốn được học và 50,6% mong muốn được học. Tuy nhiên, họ muốn được học miễn phí hoặc với mức thu phí rẻ và phần lớn chỉ học là để chơi chứ không có hướng chọn làm nghề nghiệp (8).
Khuynh hướng lựa chọn nghề nghiệp thuộc lĩnh vực ANTT giảm mạnh trong vòng 30 năm vừa qua, đáng lưu ý là trong đó bao gồm cả con em các nghệ nhân. Vào đầu những năm 1990, theo kết quả khảo sát, điều tra của Viện Nghiên cứu thanh niên và Ủy ban Thanh niên Việt Nam, cứ khoảng 4 thanh niên thì có 1 người nói rằng họ mong muốn được hoạt động trong nghề nghiệp thuộc lĩnh vực văn hóa nghệ thuật (chiếm 25%), với thanh niên nông thôn tỷ lệ đó là 1/3 (khoảng 33,3%) (9). Trong khi đó, khoảng 10 năm gần đây, số học sinh theo học nhạc cụ dân tộc tại các trường Văn hóa Nghệ thuật, các cơ sở đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp đã giảm đáng kể. Ví dụ, tại các cơ sở đào tạo như: Trường Năng khiếu Nghệ thuật và Thể thao tỉnh Cao Bằng, Trường Trung cấp VHNT tỉnh Thừa Thiên – Huế, Trường Trung cấp VHNT tỉnh Đồng Nai từ năm 2017 đến nay, mỗi năm không có đến 10 học sinh vào học ngành biểu diễn nhạc cụ dân tộc, nhất là nhạc cụ của các DTTS. Thậm chí có những nhạc cụ nhiều năm qua không có người thi tuyển vào học. Ví dụ, kèn bầu của người Chơ ro ở ĐồngNai, đàn xixolo của người Dao ở Cao Bằng, sáo A reng của người Bru Vân Kiều ở Thừa Thiên – Huế…
Căn cứ vào số liệu điều tra của Viện Âm nhạc, chúng tôi xin đưa ra bảng tổng hợp về nhu cầu nghe/ xem ANTT dân tộc và nhu cầu muốn được học đàn, hát dân tộc của các DTTS ở nước ta (10). Các số liệu về nhu cầu nghe/ xem chính là sự phản ánh về nhu cầu giải trí, thưởng thức của đồng bào đối với ANTT, còn các số liệu về tỷ lệ số người dân được hỏi có mong muốn được học đàn, hát dân tộc là sự phản ánh thái độ trân trọng, yêu quý và nhu cầu muốn được trực tiếp tham gia vào các hoạt động ANTT của dân tộc.
Bảng: Tổng hợp nhu cầu nghe/ xem ANTT dân tộc
và nhu cầu muốn được học đàn, hát dân tộc của đồng bào các DTTS ở Việt Nam
Như vậy, thực tế cho thấy, đời sống ANTT của các DTTS ở nước ta có nhiều vấn đề bức thiết cần phải có hướng giải quyết sớm. Bộ phận âm nhạc được đồng bào các DTTS sử dụng làm phương tiện giao tiếp với thần linh, với các lực lượng siêu nhiên trong các nghi thức, tế lễ tổ chức theo phong tục, tập quán, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tâm linh, tín ngưỡng, chính là thể loại được người dân bảo tồn, sử dụng một cách tự nguyện, tự giác, nên nó sẽ bền vững lâu dài. Bên cạnh đó, các nhạc cụ, làn điệu, thể loại, hình thức trình diễn gắn với các công việc trong lao động hoặc sinh hoạt thường nhật thì ngày càng ít được sử dụng, do không còn nhu cầu, không còn không gian trình diễn, nên mai một mất nhiều và đứng trước nguy cơ sẽ biến mất, nếu không có biện pháp gìn giữ kịp thời và phù hợp.
Ở một khía cạnh khác, hiện nay, cuộc sống của đồng bào các DTTS đã có nhiều thay đổi, hằng ngày có biết bao thể loại, kiểu cách âm nhạc để người ta có thể nghe/ xem, thưởng thức, dẫn đến thay đổi thói quen và nhu cầu thưởng thức âm nhạc. Thông qua nhiều hoạt động âm nhạc tự phát của cộng đồng các DTTS, những hoạt động âm nhạc do chính quyền, đoàn thể tổ chức và âm nhạc trên các phương tiện truyền thông đại chúng, nhu cầu hưởng thụ ANTT của đồng bào các DTTS đã được đáp ứng ở các khía cạnh và mức độ khác nhau. Tuy nhiên, ở đó vẫn còn không ít những mảng tối, những góc khuất cần được làm cho sáng sủa, đẹp đẽ, hữu ích. Để bảo tồn, phát huy di sản âm nhạc cổ truyền của các DTTS và đáp ứng nhu cầu thưởng thức của đồng bào cần có những chính sách, chương trình, kế hoạch thiết thực, khả thi mới có thể đưa âm nhạc cổ truyền các DTTS trở về đúng quỹ đạo, tiếp tục phục vụ đời sống tinh thần của đồng bào.
________________
1, 2, 3, 4, 5, 7, 10. Các bản Báo cáo kết quả khảo sát điền dã, điều tra xã hội học tại 13 tỉnh: Cao Bằng, Hà Giang, Hòa Bình, Yên Bái, Điện Biên, Thừa Thiên – Huế, Kon Tum, Lâm Đồng, Đắk Lắk, Ninh Thuận, Đồng Nai, An Giang, Sóc Trăng, do Viện Âm nhạc thực hiện từ tháng 10-2017 đến tháng 9-2018. Trong đó, mỗi tỉnh chọn 4 địa phương (huyện, thị xã hoặc thành phố) để khảo sát điền dã; tiến hành phỏng vấn chuyên sâu 25 người/ 1 tỉnh (10 người = 40% là cán bộ quản lý, 8 người = 32% là nghệ nhân, 7 người = 28% là người dân), phát 4.521 phiếu điều tra xã hội học ở 13 tỉnh, mỗi tỉnh 327 phiếu, trong đó gồm 3 đối tượng: Cán bộ quản lý (45 phiếu = 13,75%), nghệ nhân và những người thực hành di sản (170 phiếu = 52%), người dân trong cộng đồng các dân tộc thiểu số (112 phiếu = 34,25%).Tư liệu hiện lưu trữ tại Viện Âm nhạc.
6, 8. Tham khảo các báo cáo điền dã, báo cáo kết quả điều tra xã hội học (trong đó có trả lời bảng hỏi và phỏng vấn trực tiếp các đối tượng có liên quan), do Viện Âm nhạc thực hiện trong các năm 2018-2019. Tư liệu hiện lưu trữ tại Thư viện Viện Âm nhạc.
9. Nguyễn Văn Trung, Chính sách đối với thanh niên, lý luận và thực tiễn, Nxb Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1996, tr.62-63; Thái Duy Tuyên, Tìm hiểu định hướng giá trị của thanh niên Việt Nam trong điều kiện kinh tế thị trường, Nxb Hà Nội, tr.55-70, 168.
Tài liệu tham khảo
1. Phạm Minh Hương, Nguyễn Thủy Tiên, Thực trạng bảo tồn, thực hành âm nhạc cổ truyền của các DTTS ở nước ta, Đề tài nghiên cứu được nghiệm thu tháng 4-2018. Tư liệu lưu trữ tại Viện Âm nhạc.
2. PGS, TS Nguyễn Bình Định, Báo cáo tổng hợp kết quả nghiên cứu Đề tài cấp quốc gia Những giải pháp cấp bách nhằm bảo tồn và phát huy giá trị di sản âm nhạc cổ truyền của các DTTS ở Việt Nam, mã số: CTDT.29.17/16-20, tư liệu lưu trữ tạiThư viện Viện Âm nhạc và Văn phòngChương trình Khoa học và Công nghệ cấp quốc gia giai đoạn 2016-2020, thuộc Ủy ban Dân tộc Chính phủ.
Tác giả: PGS, TS Nguyễn Bình Định
Nguồn: Tạp chí VHNT số 464, tháng 6-2021
Bài viết cùng chủ đề:
Festival Huế – Nét đẹp văn hóa dân tộc Miền Trung Việt Nam
Mối quan hệ giữa chính sách văn hóa và sáng tạo trong lĩnh vực nghệ thuật ở nước ta
Ý nghĩa và giá trị thẩm mỹ của biểu tượng cá hóa rồng trong mỹ thuật triều Nguyễn