Gia đình là một nhóm xã hội, mà ở đó các thành viên liên kết với nhau bằng các mối quan hệ: hôn nhân giữa vợ và chồng, huyết thống giữa ông bà và các cháu, giữa cha mẹ và con cái, giữa các anh chị em, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Gia đình là tế bào của xã hội, nói cách khác gia đình là một thiết chế xã hội thiết yếu, cơ bản của cuộc sống loài người. Tùy theo điều kiện cư trú, làm ăn, xu hướng tư tưởng, tôn giáo, truyền thống văn hóa… mà mỗi dân tộc dành cho gia đình những vị trí khác nhau. Gia đình truyền thống đề cao những chức năng quan trọng như: sinh sản, kinh tế, giáo dục, tâm lý tình cảm, bảo vệ, chăm sóc sức khỏe…
Gia đình trong ý thức của người Việt Nam là bộ phận nền tảng cơ bản nhất của xã hội, là một trong các tổ chức cơ sở để thực hiện các chủ trương chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước về tất cả các mặt kinh tế, chính trị, giáo dục, văn hóa, dân số, môi trường… Là nhân tố tích cực thúc đẩy sự phát triển của xã hội thông qua việc tái sản xuất con người và sức lao động; nuôi dưỡng và chăm sóc các thành viên trong gia đình; giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa quý báu của dân tộc. Đối với mỗi thành viên, gia đình là nơi thân yêu, giáo dục và nâng đỡ họ suốt đời, để thế hệ trẻ rèn luyện đạo đức lối sống, thế hệ già tĩnh dưỡng tinh thần, đem kinh nghiệm sống truyền lại cho con cháu. Gia đình còn là một chủ thể văn hóa, là nền tảng để hình thành phát triển nhân cách con người. Nhân cách tốt hay xấu, phát triển đến mức độ nào phụ thuộc rất nhiều vào quan hệ ứng xử giữa các thành viên trong gia đình, trên cơ sở đề cao những mối quan hệ cơ bản là quan hệ hôn nhân và huyết thống. Những ứng xử trong gia đình sẽ in dấu vết lên đứa trẻ ngay từ khi chúng còn non dại, chưa ý thức rõ về những tác động đó và sẽ quyết định phương thức ứng xử, tình cảm của họ sau này trong mối liên hệ với các cá nhân khác. Chính vì vậy, gia đình là môi trường gần gũi nhất, có vai trò quyết định trực tiếp đến sự phát triển nhân cách của mỗi con người. Văn hóa gia đình đóng vai trò quan trọng trong việc tạo nên cốt cách riêng của người Việt Nam, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc.
Gia đình truyền thống Việt Nam có nhiều đặc điểm rất tiêu biểu. Đó là một thiết chế gia trưởng, người đàn ông giữ trọng trách là trụ cột chính trong gia đình, nắm toàn quyền kiểm soát gia đình (nhất là con trưởng) với mối quan hệ trên dưới rõ ràng, được điều chỉnh bằng tam cương, ngũ thường. Chức năng chính của gia đình là duy trì nòi giống và phát triển kinh tế nên việc hôn nhân không nhất thiết phải dựa trên cơ sở tình yêu, đồng thời xã hội cũng chỉ cho phép và chấp nhận công dân mới chào đời từ gia đình hợp pháp. Đại gia đình gồm nhiều thế hệ cùng sinh sống trên mảnh đất của tổ tiên nên có mối gắn kết chặt chẽ và gần gũi dựa trên cơ sở đề cao tình nghĩa, trách nhiệm của các thành viên đối với nhau. Các thành viên trong gia đình nhiều thế hệ được giám sát qua lại, được động viên chia sẻ nên xúc cảm của mỗi người được kìm nén, các hành vi có tính chất bạo lực gia đình phần nào được hạn chế, mâu thuẫn kịp thời được giải quyết. Người Việt Nam rất coi trọng mối quan hệ với dòng họ và quan tâm đến hàng xóm, láng giềng. Những giá trị văn hóa mang tính truyền thống của người Việt được gia đình giữ gìn và trân trọng như: sự hòa thuận, chung thủy, tình nghĩa, lòng yêu thương, hy sinh cho con cái, tôn trọng, hiếu đễ với cha mẹ, ông bà, biết giữ gìn khuôn phép, nếp nhà, biết bảo vệ kỷ cương, gia phong họ tộc, không sống buông thả, tùy tiện. Sự ứng xử của từng cá nhân trong gia đình, theo tác giả Lê Thị Bích Hồng trong Văn hóa ứng xử trong gia đình truyền thống và hiện đại, “bị ràng buộc và kiểm soát bằng luân lý, phong tục, lễ nghi và pháp luật”. Đặc biệt gia đình Việt Nam từ bao đời nay luôn lấy học vấn làm trọng. Ông bà, bố mẹ coi việc nuôi nấng, giáo dục con cái là nghĩa vụ thiêng liêng, con cái phải học để làm người biết hiếu nghĩa…
Việt Nam đang theo xu hướng toàn cầu hóa, sự giao lưu, hội nhập đã tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế của đất nước. Con người cũng có những cơ hội được tiếp cận với các luồng văn hóa, tư tưởng, lối sống hiện đại… Xã hội Việt Nam nói chung, gia đình đô thị nói riêng đang chuyển mình trở thành một xã hội hiện đại, gia đình hiện đại, nhất là ở các thành phố lớn. Chính từ đó dẫn đến sự thay đổi lớn trong quan hệ gia đình. Mô hình gia đình tam, tứ đại đồng đường đang dần chuyển sang kiểu gia đình hạt nhân (gồm 2 thế hệ: cha mẹ, con cái). Theo số liệu thống kê, hiện nay ở Việt Nam có khoảng 70% gia đình thuộc mô hình này. Ở các thành phố lớn, con cái trưởng thành khi xây dựng gia đình thường tách biệt khỏi nơi cư trú với cha mẹ, cộng với áp lực công việc thời kỳ mở cửa hội nhập, thời gian eo hẹp lại được sự phát triển và hỗ trợ tối ưu của phương tiện truyền thông hiện đại… đã làm cho sự liên hệ, chia sẻ, cảm thông trực tiếp giữa họ ngày một ít đi. Xu hướng phát triển của gia đình Việt Nam ở các đô thị lớn nhìn chung vẫn là phát triển theo mô hình gia đình hạt nhân nhưng chọn sống gần cha mẹ già để tiện thăm hỏi, giúp đỡ lẫn nhau. Tuy nhiên quan hệ họ hàng sẽ có ít mối liên hệ và sự ràng buộc như trước đây. Trong gia đình hạt nhân, tình trạng ly hôn, bạo lực gia đình dường như có xu hướng gia tăng. Lý giải vấn đề này có nhiều ý kiến cho rằng, ở gia đình hạt nhân, khi xảy ra mâu thuẫn các cặp vợ chồng tự giải quyết và khi mâu thuẫn lên đến đỉnh điểm thì họ chọn con đường ly thân rồi đến ly hôn rất nhanh. Hơn nữa khi giải quyết các mâu thuẫn nảy sinh trong cuộc sống, các bên không quan trọng trách nhiệm, nghĩa vụ mà thường đề cao cái tôi, sự độc lập, tự do của cá nhân.
Cơ chế thị trường và quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa với sự phát triển nhanh chóng về mọi mặt đã tác động đến mọi đối tượng trong xã hội, mà trước hết là phụ nữ và thế hệ trẻ. Hiện nay, các thành viên gia đình tham gia hoạt động xã hội nhiều hơn, họ có cái nhìn và lối sống thực tế hơn. Người phụ nữ đã có cơ hội và nỗ lực trong việc học tập nâng cao trình độ học vấn, tham gia lao động để không chỉ có thu nhập mà còn có thu nhập cao, không chỉ thành công trong sự nghiệp mà còn có thể có những vị trí cao trong xã hội. Con cái ngày càng tự lập và chủ động hơn trong cuộc sống. Gia đình trẻ ở thành phố hiện nay được cải thiện nhiều về vật chất, văn hóa và tinh thần, mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình trở nên dân chủ, bình đẳng hơn, quyền lợi mỗi người được tôn trọng, bảo vệ, vị trí và vai trò của người phụ nữ được đề cao. Những yếu tố này đã làm nảy sinh nhiều vấn đề xã hội liên quan đến phụ nữ như: quan hệ tình dục trước hôn nhân trở nên thoải mái hơn và việc nạo phá thai trong giới trẻ gia tăng, nhiều người chọn sống chung như vợ chồng không đăng ký kết hôn, kết hôn muộn, tình trạng ly thân, ly hôn gia tăng, nhiều phụ nữ chọn làm mẹ đơn thân khi không có điều kiện hôn nhân hoặc có điều kiện nhưng không chọn hôn nhân làm chỗ dựa tương lai, xuất hiện hôn nhân với người nước ngoài, việc sống chung của các cặp đồng tính… Cách nhìn, cách đánh giá của xã hội trước những vấn đề nay đã ít hoặc không còn bị lên án, phê phán thái quá như trước đây mà có phần cởi mở, chia sẻ và cảm thông nhiều hơn. Chính vì vậy đã và đang xuất hiện nhiều kiểu mô hình gia đình hạt nhân mới trong xã hội Việt Nam: gia đình đơn thân (chỉ có mẹ hoặc cha) với con cái, có gia đình 2 người mẹ (hoặc 2 người cha) với con cái, có gia đình chỉ có vợ chồng không có con cái, có gia đình độc thân…
Trong quá trình hội nhập ngày càng mạnh mẽ, con người cũng có những cơ hội được tiếp cận với các luồng văn hóa, tư tưởng, lối sống hiện đại… Điều đó đã làm thay đổi hệ giá trị ở mọi lĩnh vực, trong mọi thế hệ. Xét về bản chất, trong lĩnh vực gia đình đã có sự thay đổi từ hệ giá trị truyền thống sang hệ giá trị mới. Cụ thể như hiện nay, mọi người và đặc biệt là giới trẻ đang rất đề cao sự tự do cá nhân, có tâm lý chuộng hình thức, tính thực dụng, coi trọng yếu tố kinh tế; giá trị của người phụ nữ không chỉ là ở khả năng tề gia nội trợ mà còn cả ở việc thành công trong các hoạt động xã hội, vì vậy phụ nữ ở mọi lứa tuổi đang tách dần ra khỏi gia đình, luôn phấn đấu để tự khẳng định mình và họ được xã hội thừa nhận… Có một vấn đề đặt ra cho xã hội, giữa các thế hệ trong gia đình đó là việc xác định cái gì là chuẩn, là giá trị để giáo dục cho các thành viên. Ví dụ trước đây cái chung trên hết, thì bây giờ phải là sự kết hợp hài hòa giữa cái chung và cái riêng (một số người còn cho rằng cái riêng trên hết); trước đây cho rằng người chỉ biết quan tâm đến tiền là kẻ tầm thường, nhưng bây giờ cũng có nhiều người cho là có tiền là có tất cả; trong hoạt động xã hội thực hiện nam nữ bình quyền nhưng trong khuôn mẫu nhận thức truyền thống của mọi người về trách nhiệm gia đình của phụ nữ chưa có gì thay đổi nhiều… Những giá trị văn hóa ứng xử gia đình cũng đang có nhiều thay đổi đáng kể: cha mẹ mải lo việc ra ngoài kiếm tiền không làm tròn trách nhiệm bổn phận của mình với con cái, khoán trắng việc nuôi dạy, chăm sóc con cái cho người giúp việc, cho nhà trường; con cái thiếu nền tảng giáo dục đạo đức từ gia đình có thể làm những việc bất chấp luân thường đạo lý không nghĩ đến tình cha mẹ, không tôn trọng sự khuyên bảo của người lớn, không quan tâm, không xác định trách nhiệm, thậm chí ngược đãi người cao tuổi; người già trở nên cô độc, tách rời khỏi con cháu… Nếu những sự chuyển đổi này diễn ra xô bồ chụp giật sẽ khiến cho quan hệ gia đình và xã hội đảo lộn.
Kinh tế thị trường và mở cửa ở Việt Nam hơn 30 năm qua đã làm sống động nền kinh tế và các hoạt động xã hội, giao lưu hàng hóa, hội nhập với các nước phát triển. Những tiến bộ về kinh tế đã làm tăng mức sống của các gia đình đô thị nói riêng, của cả nước nói chung. Con người có điều kiện được mở rộng kiến thức và hiểu biết, có khả năng phát triển toàn diện hơn… Đi đôi với nó cũng là sự phân hóa giàu nghèo của các gia đình trong xã hội ngày càng tăng, sự cách biệt về mức sống, sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa, giáo dục, chăm sóc sức khỏe, việc làm và thu nhập… đã tạo ra những bất ổn nhất định cho xã hội, đồng thời con người cũng đang phải chịu nhiều tác động từ mặt trái của kinh tế thị trường. Đó là những hiện tượng suy thoái về đạo đức gia tăng, sự đam mê nhu cầu vật chất, lối sống tiêu dùng, chủ nghĩa cá nhân, thực dụng, đề cao sức mạnh đồng tiền, những dục vọng tầm thường, bất chấp đạo lý… có chiều hướng phát triển. Thực tế cho thấy, nhiều gia đình lấy mục tiêu nâng cao chất lượng sống của gia đình bằng tăng của cải và phương tiện sống với bất cứ giá nào kể cả hy sinh phẩm giá con người. Nhưng việc tăng mức sống đôi khi làm rối loạn cuộc sống con người và môi trường. Nhiều gia đình giàu có nhưng không hề có hạnh phúc khi con cái vướng tệ nạn xã hội, không học hành đến nơi đến chốn, mối quan hệ giữa các thành viên không thuận hòa… Nhiều cha mẹ Việt Nam khi xưa đã khốn khổ, bây giờ có cơ hội kiếm được nhiều tiền, họ muốn bù đắp cho con cái bằng các điều kiện vật chất, bù đắp cả thời gian lo kiếm tiền không được ở bên con cái bằng cách cho tiền tiêu xài thoải mái. Nhưng cuộc sống đầy đủ đó dường như thiếu vắng tình thương, tình cảm gia đình đã đẩy con người vào sự cô đơn buồn tẻ. Những thành viên trong các gia đình đó có tiền trong tay dễ lao vào con đường ăn chơi không kiểm soát… Cuộc sống ở các nước phát triển đã chứng minh: một con người được người khác kính trọng không chỉ do giàu mà còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố khác về tính cách, tâm hồn, lối ứng xử… Nói vậy không có nghĩa là bài xích sự làm giàu, cổ súy cho đói nghèo. Cái nghèo của gia đình, cũng như của quốc gia đưa đến những hậu quả vô cùng tệ hại. Vì nghèo nên chất lượng cuộc sống kém, dễ sinh ra bệnh tật, thất học, không có công ăn việc làm, trở thành miếng mồi ngon cho các băng đảng lôi kéo vào các tệ nạn xã hội. Khi quá nghèo, những nhu cầu vật chất cơ bản không được đáp ứng thì những gì gọi là nâng cao tinh thần (kể cả tình yêu, danh dự, sự hiếu thuận…) cũng sẽ trở thành sự phù phiếm. Một quốc gia khi không giải quyết dứt điểm xóa đói giảm nghèo thì luôn ẩn chứa nguy cơ phát triển không bền vững dẫn đến những hậu quả bất ổn định kinh tế xã hội. Vấn đề là để có một cuộc sống tốt đẹp cần biết làm giàu đi cùng với việc xây đắp, bồi dưỡng cho mỗi thành viên gia đình có một trình độ văn hóa tương đương.
Trong bối cảnh hiện nay, gia đình đô thị ở Việt Nam đã và đang có sự chuyển mình và biến đổi ngày càng sâu sắc với nhiều chiều hướng khác nhau. Để xây dựng gia đình hòa thuận, bình đẳng, hạnh phúc, mỗi người phải tự trau dồi nâng cao hơn nữa nhận thức về vị trí vai trò của gia đình đối với sự phát triển của từng cá nhân cũng như của toàn xã hội. Người chủ gia đình phải biết cách tổ chức cuộc sống gia đình và bản thân, có trách nhiệm và nghĩa vụ vừa phải làm việc có thu nhập vừa phải nuôi dạy con cái, xây dựng hạnh phúc gia đình. Mỗi cá nhân, từng gia đình và toàn xã hội cần quan tâm, vun đắp và kế thừa những giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình truyền thống như lòng chung thủy, hiếu đễ với cha mẹ, ông bà, tôn kính, biết ơn người lớn tuổi, sự đùm bọc lẫn nhau…; đồng thời tiếp thu kịp thời những giá trị tư tưởng mới của các nước tiên tiến như: coi trọng quyền tự do dân chủ, tôn trọng lợi ích cá nhân, sự bình đẳng nam, nữ…, nhanh chóng xây dựng được những chuẩn giá trị mới phù hợp với sự phát triển của gia đình Việt Nam hiện nay.
Nguồn : Tạp chí VHNT số 395, tháng 5-2017
Tác giả : ĐỖ NGỌC ANH
Bài viết cùng chủ đề:
Đời sống văn hóa gia đình của người lao động di cư từ nông thôn ra đô thị và khu công nghiệp
Đám cưới của người tày ở xã tô hiệu, bình gia, lạng sơn
Tập quán và nghi lễ sinh đẻ của người việt tổ dân phố nhân mỹ, phường mỹ đình 1, nam từ liêm, hà nội