Những con người thầm lặng


70 năm hình thành và phát triển, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã xây dựng hàng ngàn chương trình biểu diễn lớn, nhỏ trong và ngoài nước, phục vụ nhiệm vụ chính trị được Đảng, Nhà nước giao một cách xuất sắc, được tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương và các danh hiệu cao quý…Để có được những thành công đó, ngoài tài năng vượt trội của các nghệ sĩ, diễn viên xuất sắc của Nhà hát còn có sự đóng góp của đội quân thầm lặng luôn đi trước về sau. Đó là đội ngũ cán bộ, nhân viên hành chính hậu cần, kỹ thuật viên âm thanh, ánh sáng, phục trang, hậu đài, lái xe, tổ chức biểu diễn…

Ban lãnh đạo và Khối Hành chính Nhà hát CMNVN

Trước yêu cầu chính trị của cuộc kháng chiến chống Pháp, tại chiến khu Việt Bắc, ngày 14 tháng 11 năm 1951, Đoàn Văn công Nhân dân Trung ương đã được thành lập. “Trụ sở” đầu tiên của Đoàn được đặt trên quả đồi tại ấp Canh Nông, bên tả ngạn sông Lô (nay là tổ 13, phường Nông Tiến, thành phố Tuyên Quang). Những ngày đầu thành lập, Đoàn gặp rất nhiều khó khăn về tài chính, tổ chức. Để “an cư”, Ban lãnh đạo cùng các nghệ sĩ, nghệ nhân đã phân công nhau vào rừng đốn gỗ, chặt tre nứa, cắt cỏ gianh tự tay dựng 4 ngôi nhà rộng rãi, ổn định chỗ ăn ở, làm việc. Nhằm cải thiện đời sống, anh chị em còn tăng gia sản xuất, chăn nuôi. Dòng suối dưới chân đồi được Đoàn cải tạo thành bến tắm phục vụ sinh hoạt. Dấu ấn nơi có Đoàn văn công đầu tiên của Nhà nước được nhân dân địa phương yêu mến đặt tên là “Đồi Âm nhạc”, “Bến Âm nhạc” và sau này, nơi đây được UBND tỉnh Tuyên Quang công nhận là Di tích lịch sử văn hóa.  

Đoàn do nhạc sĩ Nguyễn Xuân Khoát làm trưởng đoàn, được phân chia thành nhiều tổ, đội như: Đội Chèo, Đội Kịch, Đội Nhạc Múa. Do lực lượng còn mỏng nên ban đầu mọi người thường phải kiêm nhiệm, vừa diễn, vừa làm hậu đài. Các tổ, đội tỏa đi các nơi biểu diễn phục vụ nhân dân, cán bộ, chiến sĩ, dân công trên các mặt trận cũng như phục vụ công cuộc cải cách ruộng đất. Mỗi khi đi phục vụ, phương tiện vận chuyển chủ yếu của đoàn là 2 chiếc xe đạp do anh chị em hậu cần dùng để thồ gạo, nồi niêu xoong chảo và vài bộ phông màn sân khấu, đạo cụ… Diễn viên phải tự mang nhạc cụ, phục trang… đi bộ là chủ yếu, có ngày phải đi 20 đến 30 cây số đường dốc đèo cao, đến nơi là triển khai sân khấu để biểu diễn ngay.  Những cuộc hành quân như thế luôn có sự đồng hành của những người hậu cần lo sân khấu, phông màn, cơm dẻo canh ngọt cho toàn đoàn, mỗi người đều làm hết mình để đem lại thành công của mỗi đêm diễn.

Trụ sở Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam và Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ

Ngày 10/10/1954, Đoàn Văn công nhân dân Trung ương từ Việt Bắc trở về trong đoàn quân tiếp quản Thủ đô và ngay tối hôm đó Đoàn đã vinh dự được biểu diễn phục vụ Lễ ra mắt Ủy ban Quân chính Hà Nội tại Nhà hát lớn. Đoàn được bố trí đóng tại Đồn Thủy (nay là Bệnh viện 108) rồi sang khu Lò Lợn (Lương Yên ngày nay) tiếp đó là Yết Kiêu (nay là Trường Đại học Mỹ thuật) tới số nhà 66 Quán Sứ trước khi về Khu Văn công Cầu Giấy. Ngày 17/2/1979, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam được chính thức mang tên cho tới ngày nay (trên cơ sở sáp nhập Đoàn Ca múa Trung ương và Đoàn Ca nhạc dân tộc Trung ương). Giám đốc đầu tiên của Nhà hát là nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương (ông còn kiêm nhiệm Hiệu trưởng Trường Âm nhạc Việt Nam, nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia VN). Thời gian này Nhà hát có 2 địa chỉ để ở và làm việc là Khu Văn công Cầu Giấy và Khu Văn công Mai Dịch, do đó công việc của khối hành chính hậu cần khá vất vả. Khu Văn công Cầu Giấy vốn là khu tập thể cũ, hầu hết là nhà lá, vừa lo hỏa hoạn, vừa lo mùa mưa bão nhà tốc mái, dột nát… Cơ sở mới tại Mai Dịch khá hơn, bởi có nhà xây kiên cố, khu tập thể của nghệ sĩ và phòng làm việc ở xen kẽ, nhưng mỗi khi mưa to thì nước vẫn ngập hết cả tầng 1. Một nhà tập với khung nhà bằng thép lợp mái tôn, mùa đông thì hứng chịu những đợt rét tê tái nhưng vẫn dễ chịu hơn mùa hè dưới cái nắng hầm hập. Cơ sở vật chất, phương tiện vô cùng nghèo nàn. Phòng Hành chính – Tổng hợp chỉ có 1 cái máy tính quay tay cho bộ phận Tài vụ và 1 máy đánh chữ cho bộ phận Hành chính. Phòng Tổ chức biểu diễn có vài chiếc ô tô tải, xe ca cũ kỹ của Nga sản xuất, xe tải dùng chở đồ và kéo máy nổ (để phát điện biểu diễn), thiết bị âm thanh là vài cái Ampli điện tử của Trung Quốc, Nga… Thiết bị ánh sáng là những chiếc đèn nặng cả chục ký kèm theo cái kính lúp dày cộp sử dụng bóng điện dây tóc công suất tới hàng nghìn Watts, mỗi khi làm sân khấu vô cùng vất vả… Đời sống của anh chị em trong Nhà hát rất khó khăn, hàng hóa theo tiêu chuẩn phân phối, dăm người chung nhau một chiếc lốp xe đạp, mọi vật dụng từ cái xô, cái chậu, thậm chí một tuýp thuốc đánh răng cũng phải mang ra bình bầu, bốc thăm… nhưng tất cả đều cố gắng hoàn thành tốt công việc được giao.

Trong những năm kháng chiến chống Mỹ, Nhà hát đã 17 lần đi phục vụ vùng tuyến lửa Vĩnh Linh, Quảng Bình. Mỗi lần đi phục vụ, anh chị em hậu cần luôn cùng các nghệ sĩ vận chuyển thiết bị âm thanh, ánh sáng, nhạc cụ… xông pha lửa đạn biểu diễn bên mâm pháo, trận địa tên lửa hoặc trong các quân y viện, phục vụ thương binh, thanh niên xung phong. Sau chiến thắng 30/4/1975, đội quân của Nhà hát đã có mặt kịp thời cùng lực lượng bộ đội tiếp quản biểu diễn phục vụ quân dân ở các thành phố lớn mới giải phóng như Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn…  

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Tạ Quang Đông và Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn Lê Minh Tuấn chúc mừng Nhà hát CMNVN đã thực hiện thành công chương trình Vang mãi lời hịch non sông (15/12/2021)

Ngày 14/4/1986, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam tách ra làm 2 đơn vị (Đoàn ca nhạc nhẹ Trung ương – nay là Nhà hát Nghệ thuật đương đại, Đoàn Ca nhạc dân tộc –  nay là Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam), NSND Chu Thúy Quỳnh được bổ nhiệm làm Giám đốc. Đây cũng là giai đoạn chuyển từ cơ chế bao cấp sang thời kỳ đổi mới, Nhà hát gặp vô vàn khó khăn khi nghệ thuật ca múa nhạc dân tộc cũng như các hình thức nghệ thuật truyền thống bị làn sóng ca nhạc nhẹ lấn át. “Cái khó ló cái khôn”, để có thể tổ chức các suất diễn, các cán bộ phòng Tổ chức biểu diễn đã đi gõ cửa các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp liên hệ biểu diễn… Vào cuối những năm 80 của thế kỷ XX, công cuộc đổi mới tiến hành sâu rộng, đời sống nhân dân cũng như nghệ sĩ được cải thiện, nơi làm việc luyện tập của Nhà hát được nâng cấp. Phòng Hành chính có được 1 máy vi tính. Bộ phận kỹ thuật được bổ sung trang thiết bị âm thanh, ánh sáng khá hiện đại, có dàn Mixer được nhập từ CHLB Đức với 15 đường tín hiệu. Do được tiếp cận sớm với công nghệ hiện đại, năm 1995 tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc tại Cần Thơ, bộ phận kỹ thuật Nhà hát được Ban Tổ chức giao chịu trách nhiệm về kỹ thuật âm thanh, ánh sáng sân khấu của toàn bộ hội diễn. Kết thúc hội diễn, Nhà hát đoạt giải cao nhất về chương trình cùng các cá nhân đoạt Huy chương Vàng, Bạc nhiều nhất. Quan trọng hơn đợt hội diễn đó đã giúp Nhà hát có thêm nhiều kinh nghiệm tổ chức thực hiện các chương trình, sự kiện sau này.

Cuối năm 1999 Nhà hát được chuyển ra trụ sở mới số 8 Huỳnh Thúc Kháng (địa chỉ hiện nay). NSND Đỗ Tiến Định được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc phụ trách rồi Giám đốc Nhà hát. Niềm mơ ước của nhiều thế hệ đi trước nay đã thành hiện thực với một trụ sở mới khang trang, có sàn tập múa tiêu chuẩn và đầy đủ các phòng luyện tập cho các đoàn Ca, đoàn Múa, đoàn Nhạc và phòng làm việc của các phòng ban. Năm 2010, Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ được đưa vào sử dụng với khán phòng 800 chỗ ngồi cùng hệ thống âm thanh, ánh sáng đồng bộ, những thiết bị hiện đại bậc nhất của thế giới. Thêm nữa là một sân khấu lưu động kèm theo hệ thống âm thanh, ánh sáng, phương tiện chuyên chở được trang bị đầy đủ để biểu diễn ngoài trời. Khối Hành chính – Hậu cần lại được tiếp cận với hàng loạt công nghệ mới, cung cách quản lý mới, đòi hỏi cán bộ công nhân viên phải học tập nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu. Năm 2014, Nhà hát chính thức tự chủ tài chính 100%, chấm dứt hơn 60 năm thực hiện chế độ bao cấp. Giám đốc NSND Nguyễn Quang Vinh chèo lái “con thuyền tự chủ” cùng các cán bộ phòng, ban tìm ra hướng đi mới trong cơ chế thị trường. Bộ phận Tài chính được giao tính toán chi tiêu, lên kế hoạch tài chính, thanh quyết toán chi trả bồi dưỡng, thù lao cho diễn viên, đảm bảo lương, các khoản chi thường xuyên và nguồn tái sản xuất, cố gắng sao cho mỗi cán bộ nghệ sĩ, diễn viên và người lao động đều có thu nhập tăng thêm. Phòng Hành chính – Tổ chức xây dựng Đề án sắp xếp vị trí việc làm, tinh giản biên chế cho phù hợp, giải quyết chế độ chính sách. Đây là bài toán khó để thực hiện tự chủ tài chính, vì từ đây Nhà nước không còn cấp lương, việc phải giải quyết thế nào cho một số lao động đã gắn bó với Nhà hát nhiều năm qua thật không đơn giản. Họ là những diễn viên có đủ tuổi nghề nhưng chưa đủ tuổi để nghỉ chế độ, mặt khác họ cũng không còn phù hợp biểu diễn trên sân khấu, phải nghiên cứu vận dụng chính sách đặc thù để giải quyết cho hợp lý hợp tình. Các công tác như thi đua khen thưởng, hồ sơ xét tặng danh hiệu, thủ tục đoàn ra, đối ngoại đều được coi trọng. Dự án đào tạo nguồn nhân lực được triển khai và đã thu được kết quả tốt đẹp, lực lượng diễn viên trẻ được bổ sung. Cơ sở vật chất của Nhà hát ngày càng phát triển, tài sản lên tới cả trăm tỉ đồng (gồm nhà, đất, thiết bị âm thanh, ánh sáng, phục trang, phương tiện…) đã được phòng Hành chính quản lý, vận hành chặt chẽ. Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ trở thành nơi luyện tập, biểu diễn của Nhà hát và cũng là nơi tổ chức các chương trình sự kiện, hội thảo trong nước và quốc tế. Qua hơn 10 năm đi vào hoạt động, Trung tâm nghệ thuật Âu Cơ đã trở thành “địa chỉ văn hóa” đáng tin cậy của nhân dân Thủ đô. Bộ phận kỹ thuật mỗi khi có chương trình phải lắp đặt chính xác hàng chục tấn thiết bị âm thanh ánh sáng, khung sàn sân khấu. Bộ phận phục trang có những chương trình phải sắp xếp, là lượt hàng ngàn bộ trang phục, họ luôn là những người đi trước về sau. Anh em lái xe đã bảo quản tốt xe, máy, đưa hàng ngàn lượt cán bộ nghệ sĩ diễn viên đi biểu diễn, công tác cùng thiết bị phục vụ biểu diễn trên hàng trăm ngàn cây số từ miền núi tới biên giới, hải đảo an toàn tuyệt đối. Hai năm gần đây, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 các hoạt động văn hóa gặp nhiều khó khăn hơn, nhưng Nhà hát vẫn “đỏ đèn” bằng cách chuyển sang biểu diễn online để thích ứng với tình hình mới.  

Các thế hệ nghệ sĩ Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam gặp gỡ đầu xuân

Trên chặng đường 70 năm hình thành và phát triển, Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam đã xây dựng nhiều chương trình với quy mô lớn, huy động hàng ngàn diễn viên và lực lượng phục vụ, anh chị em khối hậu cần phải lo ăn, nghỉ vận chuyển lắp đặt thiết bị sân khấu, trang phục, đạo cụ, là đầu mối chi trả thù lao cho toàn bộ các đơn vị và diễn viên tham gia. Thành tích chung của Nhà hát là rất lớn nhưng đằng sau những tấm huân, huy chương cao quý của đơn vị là những giọt mồ hôi, sự tính toán, lo toan của đội ngũ anh chị em hành chính, hậu cần. Họ cũng là tài sản quý giá đáng trân trọng, xứng đáng được tôn vinh trên hành trình 70 năm xây dựng và phát triển của Nhà hát Ca Múa Nhạc Việt Nam.

TRƯƠNG NGỌC XUYÊN – Nguyên Phó Giám đốc Nhà hát CMNVN

Ảnh: LÊ GIÁP

Nguồn: Tạp chí VHNT số 484, tháng 12-2021

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *