Những dấu ấn kiến trúc thời mạc


Dấu tích thành nhà Mạc ở Lạng Sơn – ảnh Lương Mạnh Cường

Năm 1527, Mạc Đăng Dung soán ngôi triều Lê sơ (1428 – 1527) sau khi chiếm được sự ủng hộ của quân đội, cũng là kết quả của một thời gian dài thi hành các thủ đoạn chính trị làm tan rã triều chính nhà Lê sơ vốn đã rất rệu rã. Mô hình nhà nước trung ương tập quyền mà nhà Lê áp dụng những tư tưởng của nền Nho giáo cải lương với khuôn mẫu rập lại từ nhà Tống Trung Hoa (960-1279)chỉ đem lại một vài triều vua thịnh trị thái bình theo lý tưởng vua sáng tôi hiền. Mô hình này, sau khi duy trì được hơn một thế kỷ, đã không tránh khỏi những điểm yếu của một nền chính trị phong kiến Nho giáo điển hình: Tổ chức nhà nước cồng kềnh từ trung ương đến địa phương dẫn đến khả năng quản lý và điều tiết kém, sự trì trệ và sa đọa của chế độ cầm quyền, nạn tham nhũng của hệ thống quan lại và quan trọng hơn là một lý tưởng Nho giáo đã lạc hậu tạo ra một xã hội thiếu sinh khí. Tuy vậy, vương triều Mạc nhanh chóng chứng tỏ rằng họ cũng không hơn nhà Lê bao nhiêu, khi chỉ đưa ra một vài cải cách và chính sách tình thế và phần lớn dựa trên các quy chế trong luật Hồng Đức từ thời Lê Thánh Tông (1460-1497), giữ lại hầu hết chế độ chính trị và ngay cả phần lớn hệ thống quan lại từ Lê triều. Mạc Đăng Dung mất khoảng gần 10 năm để chiếm giữ quyền lực và ổn định chính trị. Những chính sách mới do họ Mạc đề ra phát huy một chút tác dụng từ sau năm 1529, đem lại một vài năm thái bình khi các thế lực chống đối tạm bị dẹp yên. Năm 1528, Mạc Đăng Dung cắt đất biên giới cầu hòa để tránh sự uy hiếp của nhà Minh, đến năm 1540 thì quy hàng và xin nhận một chức quan. Năm 1933, Nguyễn Kim, một quý tộc nhà Lê sơ, phò tá hoàng thân nhà Lê gây dựng phong trào chống nhà Mạc, khởi ra cuộc chiến Nam Bắc triều kéo dài đến cuối TK XVI (1592), khi vị vua cuối của nhà Mạc là Mạc Mậu Hợp chính thức thua chạy khỏi Thăng Long và bị đuổi lên tận Cao Bằng. Nhà Mạc còn duy trì một vài triều đại ở đây cho đến khi chính thức bị diệt vong vào năm 1667.

Trong một bối cảnh loạn lạc như vậy, tình hình kinh tế và văn hóa xã hội thời Mạc cũng có nhiều điểm nhấn đáng chú ý. Sự xuất hiện của hình thái làng, có nguồn gốc từ sự tan rã của các điền trang thái ấp từ thời Trần, hình thành nên một mô hình cộng đồng mới ở đồng bằng Bắc Bộ, từ đó định hình các phương thức sản xuất, hoạt động kinh tế và nền văn hóa mới. Sau năm 1533, khi xảy ra cuộc chiến Nam Bắc triều kéo dài gần 60 năm với khoảng 20 chiến dịch lớn nhỏ, nhà nước trung ương tập quyền không đủ sức quản lý cũng như điều tiết các hoạt động của địa phương, lại thi hành nhiều quy chế có tính thông thoáng và cởi mở nhằm giữ yên lòng dân, dẫn đến sự phát triển mạnh mẽ của nhiều địa phương trong kinh tế, tôn giáo và văn hóa. Từ những làng quần cư sản xuất nông nghiệp tập trung từ một vài dòng họ, dẫn đến hình thành những làng nghề chuyên biệt như mộc, chạm, sơn, thêu, gốm, vải, giấy… có chung tính chất của một cộng đồng sản xuất chất lượng cao. Hoạt động thông thương, đặc biệt là giao thương phát triển mạnh với nước ngoài qua các cửa khẩu Phố Hiến và Vân Đồn đẩy mạnh phát triển thủ công thương nghiệp của hệ thống làng xã. Phật giáo trở lại như một tôn giáo dành cho đại bộ phận dân chúng, được sự tôn sùng của ngay cả những quý tộc nhà Mạc, đã tạo nên những động lực mới cho cộng đồng làng xã. Tôn giáo này không còn là một tôn giáo cao ngưỡng như thời Lý – Trần (TK XI- XIV), cũng không phải là những triết thuyết xơ cứng của Nho giáo. Tinh thần hòa quang đồng trần lại được phát huy triệt để, trở thành một thứ Phật giáo ở làng giản dị và gần gũi với dân sinh, cũng như chấp nhận hòa tan tất cả các tín ngưỡng bản địa vào trong ngôi chùa, kể cả Nho giáo. Từ sản xuất kinh tế tập trung đến việc hình thành mô hình sinh hoạt văn hóa làng theo cộng đồng khép kín tại đình làng bắt đầu xuất hiện và phổ biến. Cũng bắt đầu xuất hiện những trí thức ở làng như Nguyễn Bỉnh Khiêm, Nguyễn Dữ,… một dạng trí thức xuất phát từ đời sống thực tiễn và xa lạ với loại mọt sách làm quan. Cũng từ đó bắt đầu xuất hiện các hình thức và hoạt động văn học nghệ thuật dân gian ở làng: ca dao, tục ngữ, truyện Nôm khuyết danh, đồng dao, trò chơi và nghệ thuật biểu diễn ở cửa đình, chùa. Những đặc điểm nổi trội từ chính trị, kinh tế, văn hóa như vậy đã góp phần tạo nên một giai đoạn nghệ thuật dù không có nhiều thành tựu lớn lao, nhưng lại hết sức bản lề, góp phần đặt nền móng và định hình cho những giai đoạn nghệ thuật hết sức rực rỡ vào các TK XVII- XVIII sau này.

Một nền chính trị bất ổn với một nhà nước phong kiến luôn phải đối đầu giữa thù trong giặc ngoài, cùng với chiến tranh loạn lạc liên miên, khó có thể xây dựng được những công trình kiến trúc có quy mô kỳ vĩ và tập trung như triều Lý (1010-1224). Nhà Mạc với một cuộc đảo chính khá êm thấm, thừa hưởng luôn kinh thành Thăng Long còn nguyên vẹn với những công trình xây dựng do nhà Lê để lại, và sau đó cũng không có nhiều điều kiện để xây dựng mở rộng hơn. Kiến trúc Thăng Long với quy hoạch và xây dựng của nhà Lê từ đầu TK XV gần như được giữ lại toàn bộ. Hệ thống cung điện với công sở phong kiến, hành cung cùng hoàng thành, tử cấm thành, xen lẫn giữa hệ thống đô thị, phường chợ và dân sinh cùng giao thông đường thủy từ hệ thống sông Hồng và sông Tô Lịch đi đến các địa phương vẫn là những điểm chủ chốt của cấu trúc quy hoạch tổng thể kinh thành. Tuy đến ngày nay, không còn thư tịch nào ghi chép cụ thể về những công trình phong kiến thời Mạc, về quy mô chi tiết hay khái quát, một phần vì triều Mạc theo chính sử vẫn bị coi là “ngụy triều”, không được phép ghi lại bằng văn bia. Chúng ta chỉ có thể đoán định quy mô và các loại hình kiến trúc của kinh thành Thăng Long thời Mạc dựa theo tính chất, công năng sử dụng, và dựa vào bản đồ kinh đô thời Lê TK XV mà hình dung. Tựu trung, có thể tạm chia kiến trúc Thăng Long thời đó thành bốn dạng như sau:

Thứ nhất, nhóm kiến trúc cung đình gồm có các cung điện và công sở phục vụ cho công việc triều đình, hệ thống hành cung cho vương tộc và các dinh, phủ của quan lại phong kiến. Nhóm kiến trúc này nằm bên trong Hoàng thành, đặc biệt các hành cung của vương tộc nằm bên trong Tử cấm thành, hoàn toàn cách biệt với thế giới bên ngoài.

Thứ hai, nhóm kiến trúc phục vụ cho triều đình nhưng không nằm trong Hoàng thành, gồm một vài loại công trình không quá thiết yếu cho việc nội vụ, hoặc phục vụ cho các mục đích tín ngưỡng, tôn giáo của Hoàng gia. Ví dụ như đàn Nam Giao, Dịch đình và Trạm quán để tiếp đãi sứ thần các nước, các phủ đệ hành cung hay dinh thự có tính vui chơi giải trí (hành cung của vua Lê Tương Dực, Lê Uy Mục xây dựng ven hồ Tây và sông Tô Lịch).

Thứ ba, nhóm kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng, gồm các công trình tôn giáo phục vụ cho triều đình và nhân dân trong kinh thành. Ví dụ: Tứ đại trấn (bốn ngôi đền trấn bốn phương kinh thành), chùa Trấn Quốc, chùa Một Cột, chùa tháp Báo Thiên…

Cuối cùng, nhóm kiến trúc dân sự, gồm kiến trúc dân sinh và phường thợ. Khu vực này không nằm bên trong Hoàng thành nhưng sát chân thành và kéo dài đến bờ mạn sông Hồng. Kiến trúc không quá phức tạp, chủ yếu là hình thức nhà ống và cửa hàng, đặc biệt các ngôi nhà xây quây quần thành các phường buôn bán và làm nghề thủ công phục vụ trực tiếp cho đời sống của tầng lớp vua chúa quan lại phong kiến trong kinh thành.

Năm 1585, để chống lại những cuộc tiến công của quân đội Nam triều của Trịnh Kiểm nhằm phục hồi nhà Lê, vua Mạc Mậu Hợp cho củng cố và xây dựng thêm các công trình cung điện và thành quách ở Thăng Long. Công việc kéo dài chừng một năm, và các tu sửa chủ yếu là gia cố cung điện và tường thành, xây đắp hào lũy để phục vụ cho chiến tranh, chắc chắn không có thêm xây dựng quy mô nào đáng kể khác. Sau năm 1592, phe chiến thắng đã tiêu hủy gần như toàn bộ kinh thành Thăng Long, không còn dấu tích nào cho chúng ta hình dung được cụ thể quy mô của các công trình kiến trúc thời Mạc nữa.

Vốn xuất thân từ vùng đất Cổ Trai huyện Nghi Dương (nay thuộc huyện Kiến Thụy, TP Hải Phòng), sau khi lên ngôi vua, Mạc Đăng Dung cho xây cất một hệ thống hành cung quy mô ở quê hương cũ, với ý nghĩa tương tự như phủ Thiên Trường đối với nhà Trần hay Lam Kinh đối với nhà Lê. Ông đặt tên là Dương Kinh, coi như là kinh đô thứ hai của mình, và sau khi truyền ngôi cho con là Mạc Đăng Doanh vào năm 1530, trở thành thái thượng hoàng thì lui về đây ở và làm việc. Nhiều cung điện, lầu các và cả chùa triền tôn giáo được xây dựng trong giai đoạn này, cũng như nhiều năm về sau dưới thời Mạc, với ý nghĩa là quê hương, chốn lui về của các quý tộc và vương gia họ Mạc. Theo sử liệu ghi chép lại tên một số công trình nổi tiếng còn biết đến nay như điện Phúc Huy, điện Hưng Quốc, hay điện Sùng Đức – công trình được xây dựng trên nền nhà cũ của trạng nguyên Mạc Đĩnh Chi thời Trần, ông tổ nhiều đời của Mạc Đăng Dung, ở xã Lũng Động, Chí Linh, thuộc tỉnh Hưng Yên ngày nay. Những công trình này đều đã bị tiêu hủy cùng với kinh thành Thăng Long sau sự thất thủ của Mạc Mậu Hợp năm 1592. Quân chiến thắng đã không cho phép sự tồn tại của bất kỳ dấu vết nào nhắc nhở đến nhà Mạc, từ văn bia ghi chép cho đến cung điện đền đài. Khoảng năm 1992, một số nhà khảo cổ của Viện Khảo cổ học khảo sát lại các khu vực thuộc xã Kiến Thụy, có tìm thấy dấu tích một vài nền móng cung điện và thành lũy, cho phép xác định chính xác tính chân thực của sự tồn tại Dương Kinh thuở xưa.

Năm 1592, nhà Mạc thua chạy lên Cao Bằng, tuy bại trận và mất tất cả quyền lực về tay nhà Lê cùng các tướng lĩnh phù trợ, nhưng vẫn tồn tại dai dẳng trên vùng biên giới phía Bắc cho đến năm 1667. Trú chân tại một vài vùng ngày nay thuộc địa phận các tỉnh Cao Bằng, Lạng Sơn, Tuyên Quang, dựa vào địa thế đồi núi hiểm trở cùng quan hệ với một số tộc người thiểu số, nhà Mạc cho xây dựng một số thành lũy để cư trú với quy mô nhỏ, chủ yếu có tính phòng ngự quân sự. Những di tích tường thành còn sót lại đến ngày nay ở trung tâm thành phố Lạng Sơn hay thị xã Tuyên Quang, cho phép hình dung một cách tương đối quy mô của thành lũy, chủ yếu là những dãy tường đá và gạch chạy dài bám vào địa hình núi non hiểm trở, tạo thành một không gian khép kín, có tính ẩn giấu và phòng ngự cao. Ngoài ra không còn dấu tích cung điện nào đáng kể, cho thấy sự kiệt quệ về lực lượng và kinh tế của họ Mạc sau khi bại trận. Khi TK XVI chấm dứt cũng là lúc đặt dấu chấm hết sự tồn tại của nhà Mạc cùng những công trình kiến trúc cung đình của họ.

Bên cạnh những kiến trúc thuộc về vương triều đã kể trên đây, còn có một vài công trình được xây dựng ở các vùng quê do những quan lại nhà Mạc xây cất tại quê hương mình, tuy không có quy mô lớn nhưng cũng có danh tiếng nhất định, đồng thời là một khởi đầu mới cho các phong trào xây dựng tư dinh, sinh từ, từ đường và lăng mộ quý tộc phong kiến sẽ bùng phát ở các TK XVII – XVIII sau này. Nổi tiếng nhất là công trình Bạch Vân Am và Quán Trung Tân của danh sĩ Nguyễn Bỉnh Khiêm tại làng Trung Am, huyện Vĩnh Lại, tỉnh Hải Dương ngày nay. Nguyễn Bỉnh Khiêm đậu trạng nguyên năm 45 tuổi, dưới thời Mạc Đăng Doanh, làm quan từ năm 1535 đến năm 1542 thì về quê. Ông xây dựng hai công trình trên để vừa làm nơi ẩn dật, vừa là trường dạy học trò, đào tạo ra nhiều danh sĩ nổi tiếng cho các thời vua sau như Nguyễn Dữ, Phùng Khắc Khoan, Lương Hữu Khánh, Giáp Hải… Rất tiếc, hai công trình này không còn tồn tại đến ngày nay, để cho chúng ta có thể biết được đôi nét về hình thức và nghệ thuật xây dựng của chúng như thế nào, chỉ chắc chắn một điều, đó là những kiến trúc khiêm nhường, gần với dạng kiến trúc đạo quán và trường học Nho giáo xây dựng hòa nhập với thiên nhiên xung quanh.

Chắc chắn không có nhiều cải tiến về kỹ thuật xây dựng và vật liệu xây dựng trong các công trình phong kiến thời Mạc, do một phần lớn được thừa hưởng lại từ các công trình của vương triều Lê đã được xây dựng trong suốt 100 năm. Vật liệu đá chỉ còn dùng trong các công trình quân sự và thành quách, hoặc làm nền móng cho các công trình lớn. Kiến trúc gỗ, gạch chiếm vai trò chủ đạo trong xây dựng cung điện phong kiến cho đến các phủ đệ, dinh thự, công sở và trở nên phổ quát trong cả các kiến trúc dân sự ở thành thị cũng như làng xã. Cấu trúc vì kèo gỗ trở thành một thức chính của các công trình bởi khả năng thi công nhanh, nguyên vật liệu sẵn có và khả năng mở rộng, kéo dài đa hướng, di chuyển linh hoạt và cơ động. Gạch được vận dụng nhiều trong xây dựng tường bao, cổng và mái ngói, song hành với gỗ đem lại cho các công trình vẻ ấm áp gần gũi với nhân sinh hơn sự lạnh lẽo của đá. Khả năng đục chạm và trang trí phủ men của đất nung cũng là một yếu tố làm cho vật liệu gạch lên ngôi, với vai trò ngoài việc là tường cốt, còn đóng vai trò trang trí mặt ngoài. Bản thân một vòm cổng hay một bức tường gạch xây thô cũng mang lại vẻ đẹp thẩm mỹ nhất định sau một thời gian sử dụng. Khả năng thi công cũng dễ dàng hơn, khi gạch cho phép xây dựng thêm nhiều dạng kiến trúc cong, lồi, tròn, là thứ vốn không thể làm với vật liệu đá trước đây. Từ cung đình, các vật liệu và kỹ thuật thi công trên trở nên phổ biến ở nhiều địa phương, đi vào các cộng đồng làng xã và đóng vai trò quan trọng cho việc phát triển mạnh mẽ của các hình thức kiến trúc làng sau này.

Trong gần 80 năm tồn tại ngắn ngủi của nhà Mạc, mặc dù không hoàn toàn xuất phát từ những chủ trương chính của triều đình, vì bản thân triều đình cũng không đề ra một chủ trương văn hóa lớn nào, nhưng do được bắt rễ từ những quy chế, quan niệm thông thoáng về quản lý nhà nước, bên cạnh sự tự phát của nhu cầu xã hội, những động lực và sức sống mới trong đời sống xã hội đã giúp tạo nên một hình thái làng xã và trở thành tiền đề, nền tảng cho nhiều thành tựu rực rỡ của văn hóa nghệ thuật làng. Riêng về kiến trúc, sự yếu kém của nhà nước trung ương tập quyền dẫn đến một nền kiến trúc cung đình phong kiến nhạt nhòa và không ghi nhận được thành tựu gì nổi bật, một phần bởi những công trình này bị phá hủy hoàn toàn sau khi nhà Mạc bị phế truất vào cuối TK XVI. Tuy vậy, với sự phổ quát của các vật liệu gỗ, gạch, thức vì kèo, kiến trúc Mạc cũng đặt được nền móng cho sự phát triển rực rỡ của các giai đoạn nghệ thuật TK XVII- XVIII sau đó. Yếu tố lịch sử – chính trị khách quan song hành với thành tựu nghệ thuật, tuy không lớn lao nhưng tạo cho nghệ thuật Mạc nói chung hay kiến trúc Mạc nói riêng một vai trò bản lề độc đáo và quan trọng, mở ra những vận hội và thành tựu mới cho nền nghệ thuật Bắc Bộ ở giai đoạn nghệ thuật phong kiến hậu kỳ sau này.

 

 

Nguồn : Tạp chí VHNT số 310, tháng 4-2010

Tác giả : Lương Mạnh Cường

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *