Những điểm tựa cho thiết kế mỹ thuật phim lịch sử cổ trang


 

1. Đặc điểm và thực trạng của thiết kế mỹ thuật phim lịch sử Việt Nam

Nhìn vào toàn cảnh diễn trình hơn 100 năm của lịch sử điện ảnh thế giới, có thể nói phim lịch sử ra đời rất sớm và là một bộ phận quan trọng trong sự phát triển của một nền điện ảnh “Ngay từ buổi bình minh của nghệ thuật điện ảnh, phim lịch sử đã được triển khai như một dòng phim trụ cột, mà trước hết dòng phim này đã khai thác nguyên liệu từ các cuốn tiểu thuyết từ đề tài, các vở kịch về nhân vật lịch sử…”(1). Các bộ phim lịch sử không những tạo nên những kiệt tác của một nền điện ảnh mà còn tôn vinh nhiều tên tuổi của những đạo diễn bậc thày, kèm theo đó là những họa sĩ thiết kế lừng danh trợ thủ cho họ. Sự qua lại đồng sáng tác tuyệt vời này đã tạo ra rất nhiều cặp bài trùng có ảnh hưởng sâu đậm đến tiến trình phát triển của nền điện ảnh thế giới như họa sĩ thiết kế Ken Adam bên cạnh đạo diễn Dtanley Kubrick, Dean Tavoularis và Francis Ford Coppola, Dante Fereti với Federico Fellini, Ben Van Os và Peter Greenaway, John Beard và Terry Gilliam, Cao Jiuping với Zhang Yimou…và còn nhiều cặp đôi khác nữa. Sự kết hợp của họ, trong một giới hạn nào đó, đã góp phần sáng tạo và làm giàu thêm cho ngôn ngữ điện ảnh nói riêng và văn hóa thế giới nói chung.

Trên thực tế, có thể nhận thấy tính hấp dẫn của phim lịch sử. Về mặt tâm lý, con người luôn luôn hoài niệm về quá khứ, và cái quá khứ ấy luôn là những câu hỏi và thắc mắc có nhu cầu được trả lời, được trải nghiệm. Ngược dòng lịch sử chiếu bóng, lần đầu tiên khán giả được thưởng thức đại cảnh những trận đánh hoành tráng trong quá khứ mà trước đây chỉ được đọc và tưởng tượng trên những trang viết, được chiêm ngưỡng những không gian cuộc sống của những con người thuở xa xưa, bị hấp dẫn bởi những trang phục lạ mắt, cổ kính của quá khứ… đã được những nhà thiết kế mỹ thuật phục dựng lại, cái cảm giác được “ngồi trên ghế nệm của rạp chiếu bóng để tiến hành một cuộc du lịch vào quá khứ…” (2). Ngoài yếu tố giải trí, công chúng thường quan tâm đến phim lịch sử bởi nhu cầu tìm hiểu về những sự kiện đã xảy ra trong quá khứ còn nhiều điều cần lời giải đáp, cũng như số phận uẩn khúc cần tìm hiểu của những nhân vật gắn liền với lịch sử… Với bất cứ con người nước nào cũng vậy, đó là một nhu cầu tự thân. Chính vì vậy từ khi ra đời cho đến nay, phim lịch sử vẫn là một nhu cầu cần thiết của khán giả điện ảnh nhiều thế hệ.

Việt Nam có bề dày lịch sử 4000 năm dựng nước và giữ nước, nhưng do điều kiện phát triển mang tính đặc thù của điện ảnh nên dòng phim lịch sử phát triển muộn, không thể so sánh với những nền điện ảnh lớn trên thế giới. Ngay đem so với các nước trong khu vực như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản… thì phim truyện lịch sử Việt Nam cũng còn một khoảng cách quá lớn. Vấn đề này không phải không có những nguyên do. Sự ra đời của điện ảnh cách mạng Việt Nam có những đặc điểm tương đối dị biệt. Nền điện ảnh của chúng ta sinh ra trong bối cảnh chiến tranh nên nó mang nặng yếu tố phục vụ theo nhu cầu và tâm lý của thời chiến. Vì thế, ngay từ khi ra đời, dòng phim chiến tranh cách mạng đã trở thành một ưu tiên hàng đầu. Các phim xuất sắc nhất của điện ảnh phim truyện Việt Nam đều tiếp cận bối cảnh lịch sử cận đại và hiện đại: Chung một dòng sông, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Hà Nội mùa đông năm 46… hoặc nguyên mẫu nhân vật từ lịch sử chiến tranh giữ nước: Chị Tư Hậu, Người chiến sĩ trẻ, và gần đây là Đừng đốt Chúng ta có mục đích rõ ràng trong công tác sản xuất phim: tuyên truyền thông tin và định hướng thẩm mỹ công chúng, nên giá trị giải trí trong một thời gian dài luôn đặt xuống hàng thứ yếu. Đây là một hướng đi đúng trong một giai đoạn lịch sử nhất định và hoàn toàn cần thiết trong hoàn cảnh đó. Ấy là, chưa nói đến vấn đề chi phí, đặc biệt là chi phí cho một bộ phim lịch sử cổ trang (chính sử và dã sử) rất tốn kém không phù hợp cho một giai đoạn kinh tế trong chiến tranh cũng như còn khó khăn khi hòa bình mới lập lại. Số lượng phim ít ỏi về đề tài lịch sử cổ trang mang hơi hướng sân khấu như: Ngọn lửa Nghệ Tĩnh, Thanh gươm cô đô đốcđã minh chứng rõ nét cho điều này.

Trong suốt 35 năm từ khi điện ảnh cách mạng ra đời (1953- 1988), những tác phẩm điện ảnh Việt Nam thành công, đặt được dấu ấn về thể loại phim lịch sử thì luôn đóng khung ở dạng phim chiến tranh, điều này được thể hiện rất rõ trong một loạt bộ phim có chất lượng của giai đoạn 1953 – 1965 và một số phim đặc sắc sau này. Dòng phim lịch sử và dã sử phát triển chậm, và thu được những kết quả không cao. Nguyên nhân chính là chúng ta ngay từ khi bắt đầu đã không tập trung cho dòng phim này, cũng đồng nghĩa với việc không xây dựng nền tảng cho nó. Ở đây, chúng tôi chỉ xin tập trung đi vào mảng phim lịch sử phim cổ trang, đặc biệt là công tác thiết kế mỹ thuật, một khoảng trống còn bỏ ngỏ rất lớn của điện ảnh phim truyện Việt Nam.

       2. Những quan niệm về làm phim và thiết kế mỹ thuật phim lịch sử cổ trang

Tôn vinh lịch sử và nhân vật lịch sử là loại hình phim dựa trên những sự kiện và nhân vật có thật trong lịch sử để tôn vinh lịch sử và nhân vật lịch sử. Những phim này lấy đề tài từ các sự kiện trọng đại của dân tộc phản ánh cuộc sống xã hội cũng như đấu tranh chính trị, quân sự, thông qua những câu chuyện quá khứ để tuyên truyền giáo dục thế hệ đương đại về lòng yêu nước, lịch sử vẻ vang dân tộc, góp phần tạo nên sợi dây liền mạch giữa quá khứ và hiện tại, giữ gìn bản sắc và truyền thống của dân tộc. Quan niệm trên hình thành một khuynh hướng sáng tác: điện ảnh hóa lịch sử (dùng điện ảnh để minh họa lịch sử). Vì vậy, tạo hình cho nó cần phải nghiên cứu lịch sử hết sức chặt chẽ (dựa trên tư liệu cổ, bảo tàng, tư liệu khảo cổ học…), nhằm tìm kiếm thông tin chính xác cho sự kiện và nhân vật, về cơ bản phải trung thành với diện mạo lịch sử. Theo nhà biên kịch Trung Quốc Lâm Tây Bình (3) thì: “Loại phim chính sử nghiêm túc nói về người thật, việc thật lấy bối cảnh thật và nhân vật thật của lịch sử trong đó 70% là thật và 30% là hư cấu nghệ thuật”. Do vậy khi thực hiện, những người làm công tác thiết kế mỹ thuật phải có cơ sở vững chắc về mỗi nhân vật, sự kiện và hết sức nghiêm cẩn trong việc tham khảo những tư liệu lịch sử thì mới có thể tạo dựng được không gian, thời gian cho các sự kiện và nhân vật. Loại phim này không những đòi hỏi tính nghệ thuật mà còn phải đạt những chuẩn mực, thông qua những sự kiện lịch sử đã qua để giải đáp những quan tâm của thời hiện đại, nhằm tìm hiểu và phát hiện những giá trị về nhận thức lịch sử.

Lịch sử hóa điện ảnh: ở dạng này, lịch sử không chỉ được tái hiện trên bề mặt của các sự kiện mà còn được soi rọi ở nhiều góc nhìn khác nhau. Những sự thật bị các sử quan hữu ý hay vô tình che khuất, ở khu vực vùng tối của lịch sử, được đặc biệt quan tâm. Những bí ẩn và xung đột của lịch sử được phân tích, để rồi lịch sử được ngưng tụ ở chiều sâu sự kiện và số phận con người. Với dạng này thì không gian sáng tạo của các nhà làm phim đã được mở ra hơn rất nhiều. Khi đó, lịch sử đã bị điện ảnh hóa, “cổ trang hư cấu nửa thật nửa giả trên nền lịch sử nhất định, hoặc nhân vật thật, người thật nhưng sự kiện hư cấu, hoặc sự việc có thật nhưng nhân vật hư cấu, với tỷ lệ 30% thật, 70% hư cấu. Các phim này thường hướng đến việc đáp ứng thị hiếu thẩm mỹ cao, kết hợp khéo léo giữa nghệ thuật và yếu tố thương mại…” (4).

Lịch sử là điểm tựa: là loại hình chỉ mượn đề tài lịch sử để truyền tải một thông điệp, tư tưởng, quan điểm thẩm mỹ. Qua đó, những nhà làm phim sáng tạo ra một thế giới riêng lấy chất liệu từ lịch sử nhưng các điểm mốc và khoảng cách đã bị xóa nhòa, thay vào đó là sự thăng hoa, tự do sáng tạo của các nhà làm phim. Do vậy, thể loại này thường có bối cảnh lịch sử mơ hồ, tất cả các nhân vật, sự kiện đều được hư cấu với khoảng 90% hư cấu và 10% hoặc rất ít là sự kiện lịch sử có thật. Đây cũng là một điều kiện tạo đất sáng tạo cho các nhà thiết kế mỹ thuật, vì họ được thả sức tưởng tượng về không gian, kiến trúc, phục trang, đạo cụ của nhân vật…; những chi tiết và đồ vật mà trước đến nay chỉ có trong trí tưởng tượng đều có thể biến thành hiện thực sống động cùng với nhân vật.

3. Những nguyên nhân biến đổi trong cách nhìn thiết kế mỹ thuật phim truyện lịch sử

Những tác động từ thị trường điện ảnh: Cuối thập niên 80 TK XX, khi Việt Nam bước sang giai đoạn đổi mới thì điện ảnh rơi vào thời kỳ khủng hoảng, sự cắt giảm ngân sách của nhà nước làm cho điện ảnh không đủ chi phí cho việc sản xuất phim như trước. Trong khi điện ảnh rơi vào bi kịch thì thể loại phim truyện được quay bằng chất liệu mới (video) ra đời và nhanh chóng thu hút được sự tò mò của khán giả đến rạp bằng hướng đi thương mại, được những nhà chuyên môn gọi là dòng phim “mì ăn liền”. Những kết quả của dạng phim này đã dấy lên phong trào “nhà nhà làm phim, người người làm phim. Phong trào này dẫn đến hậu quả nghiệp dư hóa sáng tác điện ảnh” (5). Nhưng dù tiêu cực hay tích cực thì nó cũng góp phần hướng các nhà làm phim đến thị trường giải trí đầy cạnh tranh, trong đó đã hướng đến nhiều thể loại phim rất ít hoặc chưa hề có trong lĩnh vực sản xuất phim Việt Nam trước đây như lịch sử cổ trang, dã sử cổ trang hay võ thuật… Hàng loạt bộ phim dã sử võ hiệp đã ra đời như Thăng Long đệ nhất kiếm, Lửa cháy thành Đai La, Tráng sĩ Bồ Đềkhông chỉ ở thể loại video mà cả những phim nhựa. Ngay cả hãng phim nhà trước trong cơn khủng hoảng vẫn xuất thần cho ra được Đêm hội Long Trì mà đến nay vẫn là một trong những phim có dấu ấn của dòng phim này.

Ngược dòng về quá khứ, ta có thể khẳng định, “đặc điểm cơ bản của tạo hình mỹ thuật phim truyện nước ta từ 1959 đến nay là nền tạo hình mỹ thuật hiện thực – theo nghĩa là sáng tác trên cơ sở chân thực, giống thực và có tài liệu lịch sử” (6). Chính vì vậy, thể loại lịch sử cổ trang luôn luôn là một thách thức đối với phim truyện Việt Nam. Sự khởi đầu của chúng ta không thực tế cho việc phát triển dòng phim này. Nhu cầu cấp thiết phục vụ sự nghiệp đấu tranh cách mạng đã cho ra đời Chung một dòng sông, Vợ chồng A Phủ, Chị Tư Hậu, Chim vành khuyên để phục vụ quần chúng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất, trên cơ sở thực trạng đang có. Trên hết, điểm xuất phát dựa trên tính chất hiện thực luôn là nét chủ đạo, đồng thời cũng tạo nên nền tảng kinh nghiệm cho tạo hình mỹ thuật phim truyện cho hệ thống phim sau này. Điểm nữa, do điều kiện lịch sử, cũng như sự đầu tư chưa đích đáng, chưa có một nghiên cứu nào thực sự quy mô và hệ thống cho phim lịch sử cổ trang. Vì vậy, chúng ta không có cơ sở mang tính hiện thực nào dành cho nó, chưa nói đến sự đầu tư vô cùng tốn kém của dòng phim này, nhất là trong lĩnh vực thiết kế mỹ thuật. Điều này được minh chứng một cách cụ thể trong giai đoạn từ 1959 đến 1975 chúng ta chỉ có những phim lịch sử cổ trang mang tính sân khấu như Trần Quốc Toản ra quân (1971), Thanh gươm cô đô đốc (1977)… Những bộ phim này đều được dàn dựng thiết kế mang tính ước lệ về cảnh trí: cung điện, nhà cửa, với cảnh cứng bằng bục bệ gỗ dán và cảnh mềm là phông hậu vẽ nền…, không thể là đại diện cho một phim lịch sử cổ trang đúng nghĩa. Sang đến thời kỳ mở cửa, việc thiếu nghiên cứu về bối cảnh, phục trang, xuất thân nhân vật… càng bộc lộ rõ trong những phim tư nhân như Thăng Long đệ nhất kiếm…, gây phản cảm rất lớn về mặt thị giác, lịch sử được xây dựng méo mó và thiếu cuốn hút đối với người xem, dẫn đến sự xa lánh của của công chúng đối với phim lịch sử cổ tranh Việt vốn dĩ đã quá ít ỏi.

         Ngoài việc thiếu nghiên cứu, còn một lý do nữa là chúng ta thiếu nền tảng cơ sở vật chất cho dòng phim này, đặc biệt là trường quay. Không thể làm một phim lịch sử cổ trang đúng nghĩa nếu không có điều kiện cơ bản này, điều kiện mà không có nền điện ảnh lớn nào trên thế giới bỏ qua. Tham khảo ngay nền điện ảnh láng giềng Trung Quốc thôi, từ Bắc Kinh, Ngân Xuyên, Thượng Hải, Hoàng Điếm, Giang Tô…, không một hãng phim nào dù nhà nước hay tư nhân thiếu trường quay dành cho phim lịch sử. Rất nhiều trường quay nội ngoại nay đã trở nên nổi tiếng và còn là một địa điểm du lịch lý thú cho công chúng thưởng ngoạn. Không những thế, trường quay còn trở thành khu bảo tàng, lưu giữ các hiện vật về di sản, văn hóa một cách trực quan và sinh động. Có thể nhận thấy trường quay của họ không chỉ bề thế về kích thước mà còn chú ý đến từng chi tiết nhỏ của bối cảnh, đạo cụ, nhằm tái hiện một cách thuyết phục không gian, thời gian và hoàn cảnh lịch sử. Việc xây dựng phim trường đòi hỏi sự đầu tư tốn kém trong chi phí ban đầu cũng là một chướng ngại lớn cho điện ảnh Việt Nam.

4. Kết luận:

Qua số lượng phim lịch sử cổ trang và tài liệu tham khảo về ngành thiết kế mỹ thuật, có thể thấy rằng giữa họa sĩ quốc tế và họa sĩ Việt Nam trong cách nhìn chung về công tác thiết kế mỹ thuật điện ảnh không nhiều sự khác biệt, nhưng tùy vào sự phát triển của từng nền điện ảnh sẽ có hình thức hoạt động phù hợp. Trong một tương quan nhất định, có thể nhận ra một số nhược điểm rất căn bản của các họa sĩ thiết kế mỹ thuật phim truyện Việt Nam thường gặp.

Thứ nhất, sự bắt đầu của ngành thiết kế mỹ thuật của Việt Nam không bài bản. Thực tế luôn là bài học lớn cho các họa sĩ phim truyện nhưng nó cũng là một sự ngăn trở trên con đường hoàn thiện kiến thức và tư duy sáng tạo bởi thói quen và những hình thức lặp đi lặp lại. Điều này phản ánh rất chân thực cho những kết quả thiết kế phim đạt được: đó là chỉ thành công ở dạng phim chiến tranh và một số phim thể hiện hiện thực cuộc sống. Bởi, cách tư duy và hình thức thể hiện của các họa sĩ chúng ta đang chỉ dừng lại ở việc minh họa tốt, nhưng đó vẫn chưa phải là cái đích của sáng tạo.

Thứ hai, người họa sĩ phim thực thụ phải nắm vững định chuẩn của việc thiết kế và phát triển nó trong các hình thức sáng tạo. Trước một kịch bản, người họa sĩ phải có quan điểm thiết kế, từ đó có thể phát triển thành phong cách cho một cá nhân họa sĩ, một hãng phim hay một dòng phim, điều mà các họa sĩ quốc tế đã từng có thành tựu song các họa sĩ Việt Nam chưa ai làm được.

Chúng ta chưa thực sự có một trường quay mang tính chuyên nghiệp cho điện ảnh. Tất cả những sự tạo dựng bối cảnh đều trên diện nhỏ và rất manh mún. Hướng đến một nền điện ảnh chuyên nghiệp, không thể trên nền tảng thiết kế mượn nhà mà họa sĩ và các đoàn phim chúng ta đã và đang làm. Nếu điện ảnh Việt Nam không có những bước điều chỉnh, cải cách hợp lý và những hoạch định mang tính chiến lược thì chức danh của người họa sĩ thiết kế trong phim chỉ là hữu danh vô thực, vị trí của họa sĩ thiết kế luôn dừng lại ở vị trí người dựng cảnh. Và tầm quan trọng của chuyên ngành thiết kế phim mãi sẽ ở vị trí giúp việc, bởi khả năng quyết định và giao diện trong việc sáng tác một tác phẩm điện ảnh của người họa sĩ là quá nhỏ.

Qua những vấn đề nêu trên, có thể thấy rõ, dù thiết kế mỹ thuật phim truyện Việt Nam cũng đã có một số những thành công nhất định nhưng nhìn chung còn rất nhiều hạn chế. Những hạn chế này không chỉ của riêng lĩnh vực thiết kế mỹ thuật mà nằm trong tổng thể của một nền điện ảnh đang dậm chân tại chỗ và thiếu những đầu tư trọng điểm. Để một nền điện ảnh thực sự lớn mạnh, để khắc phục thực trạng và những điểm yếu của thiết kế mỹ thuật, chúng ta cần phải làm rất nhiều việc, có việc phải làm từ đầu. Chỉ khi nhận thức đúng đắn được vai trò này thì những đầu tư hay dự định đầu tư vào phim điện ảnh nói chung và phim lịch sử cổ trang nói riêng mới đúng hướng và có giá trị. Có như vậy điện ảnh Việt Nam mới có hy vọng thoát khỏi thực trạng đang dấp dính hiện nay để bật lên ở một tầm cao mới.

_______________

1, 2. Gegorge Sadoud, Lịch sử điện ảnh thế giới, tập 1, Nxb Ngoại văn, Hà Nội, 1987, tr.195.

3, 4. Đỗ Lệnh Hùng Tú, Làm phim truyện lịch sử – cổ trang, dễ hay khó?, Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 326, tháng 8-2011.

5. Lịch sử điện ảnh Việt Nam, tập 2, Cục Điện ảnh xb, 2006, tr.270.

6. Hành trình nghiên cứu điện ảnh Việt Nam, Nxb Văn hóa Thông tin – Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, Hà Nội, 2009, tr.609.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 357, tháng 3-2014

Tác giả : Trần Quang Minh

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *