Những giá trị trong nội dung hát ghẹo

Suốt một chặng đường dài, trải qua nhiều biến thiên của lịch sử, người dân vùng đất tổ luôn có ý thức chăm lo, gọt dũa, bồi đắp, tạo dựng cho nội dung hát ghẹo ngày thêm nhiều giá trị mang tính hiện thực. Đáng chú ý nhất là giá trị về giáo dục nhận thức cho thế hệ trẻ tình yêu quê hương đất nước, tình yêu đôi lứa. Đặc biệt là mối tình kết nghĩa keo sơn, truyền thống giữa các làng với nhau…

         1. Giá trị về giáo dục nhận thức cuộc sống

Những truyền thuyết về hát ghẹo (1), cho dù xuất phát từ việc cùng thờ một vị thần, hay vì mục đích cùng chung nguồn nước, hoặc cùng kết hợp với nhau để chống kẻ thù chung… thì việc kết nghĩa giữa các làng vẫn là sự thật. Bởi vậy lời ca trong hát ghẹo, nghệ nhân dân gian Phú Thọ khéo gửi vào đó lời nhắn nhủ cho thế hệ sau nhận thức được việc “nghĩa ngãi đôi đường không đâu có thế”, và cần nhớ tình cảm gắn bó keo sơn của đôi dân nước nghĩa luôn bó bện gắn kết tình người: Đôi nước anh em ta/Áo vải dài gai, cổ kim chi nghĩa(2), hay: Đôi dân nước nghĩa hồ vơi lại đầy/ Tháng giêng nay ngoài em mở tiệc/Cắt đôi mớ việc vào mời trong anh/Dân anh ở xa mời anh ra trước…(3).

Trong cuộc sống bận rộn vất vả quanh năm, nhưng họ vẫn có tình cảm cao đẹp, yêu thương đối xử với nhau một cách ý nhị, trân trọng và lễ phép, cứ cất giọng nói hay tiếng hát lên là có câu: em thưa với các anh (chị) ạ.

Nhìn vào toàn bộ lời ca trong hát ghẹo, thỉnh thoảng lời ca vẫn nhắc đến “đôi dân nước nghĩa tự cổ tòng lai”, nhưng cao hơn cả vẫn là tính trữ tình trong nội dung của nó. Ngay từ lúc bắt đầu bằng những câu ví đãi/đặt trầu (4) đã thấy sự mềm mỏng trong cách giao tiếp của người xưa. Bên nữ mời trầu bên nam nước nghĩa: Em thưa với các anh em – Cơi trầu để đĩa bưng ra/ Trầu cau chẵn lẻ thật là trầu cau-Thưa chị! Tất nhiên, các quan anh không nhận vội trầu ngay, nên các chị tiếp tục giãi bày nào là trầu có vôi, có cau, têm kiểu cánh phượng, có mùi quế, mùi hồi… Thế rồi các anh cũng nhận trầu và cất lời: Em thưa với các chị em – Miếng trầu ăn nặng như chì/ Ăn thì ăn vậy lấy gì trả ơn –Thưa chị! Thấy các anh nhận trầu nhưng vẫn còn giữ ý, các chị tìm cách thể hiện nỗi lòng mình: Miếng trầu để đĩa bưng ra/ Xin anh nhận lấy để mà thở than…(5).

Một dạng tình cảm đã được nhen nhóm, các chị mạnh dạn hơn thể hiện ước vọng: Trầu phú trầu quý, trầu nên vợ nên chồng/Trầu này khấn nguyện tơ hồng/ Trầu này kết nghĩa loan phòng từ đây (6).

Nhà nghiên cứu âm nhạc Nguyễn Đăng Hòe nhận xét: ”Kể cũng lạ nếu ta cứ nghĩ đôi dân nước nghĩa đến gặp nhau là để thờ cúng nhân dịp hội làng mà các anh các chị lại hát ngay những câu ca đầy tình nghĩa!”(7). Điều này rất dễ lý giải, vì hát ghẹo không phải hát lễ nghi, địa điểm hát không phải ở không gian thiêng, do đó những người tham gia hát có cơ hội hoàn toàn thoải mái để bộc lộ những tình cảm đã từng ẩn dấu trong lòng họ. Mặt khác, ngày xưa dưới chế độ phong kiến, con người bị kìm hãm nhiều mặt, trong đó quan hệ xã hội giữa nam và nữ rất khó khăn, thì không gian hát ghẹo trở thành nơi lý tưởng cho họ gặp nhau và giãi bày tâm sự. Giãi bày tâm sự thông qua lời hát ví đặt/mời trầu, đó cũng là bài học nhãn tiền của người xưa có giá trị dành cho hậu thế về cách tiếp đón khách: lời chào cao hơn mâm cỗ.

Qua giọng ví đến giọng sổng, các chị càng mở rộng cánh cửa tâm tư để các anh mạnh dạn bước vào thế giới tình cảm ấy: Tờ giấy hồng còn chờ nghiên bút/Em với anh chờ bụt chở xe…(8). Thế là từ đây câu chuyện ngày càng trở nên mặn nồng. Các anh bắt đầu thể hiện tính chất của đấng nam nhi: Các chị có yêu em thì lấy em đi.

Toàn bộ lời ca của giọng sổng, nội dung kể về một cuộc tình rất trong sáng. Mặc dù các anh chị đều biết, trai gái nước nghĩa không được lấy nhau, nhưng đó là sự khát vọng của trai gái ngày xưa cố muốn thoát khỏi mọi ràng buộc của xã hội. Câu chuyện về một tình yêu được kể lại tuần tự theo những bài của giọng sổng, từ chỗ nể anh, anh rồi hẹn hò đến lập đám vui chơi để chòng chành hát, rồi lác đác “những lời anh hát đã nhập tâm em rồi”, làm cho con tim trở nên bối rối như những con chỉ tơ, chỉ xanh. Sau khi trái tim đã mở cửa nhận lời, bước tiếp của cuộc tình duyên ngày càng trở nên thân thiện hơn và người ta bàn đến công đoạn: hỏi, kén, ưng thuận, thách cưới, may chăn đóng giường, đón dâu về, lễ tơ hồng, rồi làm nhà, trồng cây chuối hột, trồng cây quýt ngọt, quải lưới, xẻ ván, chút ngãi đi về

Trong thách cưới, các chị tự đặt ra những điều kiện cùng nhiều lễ vật quý giá, với lệ làng thì: Một bên cối đá, một đằng tiền cheo, rồi chín con gà luộc, Xôi thì sửa chín mâm vuông cho đầy/ Rượu thì chín hũ lòng chay/ Cau khô chín thúng được ngày anh sang. Còn lễ cưới: Em xin anh chín cây hoa/ Cành bạc nụ bạc nở ra hoa vàng/Rễ nó buông xuống nghêng ngang/ Quả nó thì vàng, lá nó đồng đen…(9).

Tất nhiên đây là cách nói trào lộng cho vui, chứ tục lệ làng trai gái nước nghĩa đâu lấy được nhau. Trên phương diện phân tâm học thì có lẽ do bị trói buộc bởi một số tục lệ, nên trai gái xưa phải tìm đến đến hát ghẹo để giải phóng, giải tỏa về mặt tâm lý đã bị dồn nén bấy lâu. Đó là chuyện khác, còn xét trên bình diện về mặt giá trị thì cách nói trào lộng này trong hát ghẹo cũng là bài học vô cúng quý giá về tình yêu: biết chấp nhận thực tế đôi khi là thực tế khắc nghiệt để tồn tại và chắp cánh ước mơ. Nói cách khác, nam nữ xưa đã biết tìm ra giá trị hợp lý trong cái bất hợp lý để thỏa nguyện được ước mơ của họ, cho dù đó là chỉ là những giá trị tinh thần.

Một điều đáng quan tâm nữa là, cho dù tình yêu nam nữ có mặn nồng đến mấy, thông qua lời hát ghẹo vẫn thấy người dân ở đây muốn giáo dục thế hệ sau phải nhớ lấy truyền thống, những phong tục lề lối của ông bà, cha mẹ, những người sinh thành và nuôi dưỡng mình: Em về thưa với mẹ cha/Quét cổng cho sạch, dọn nhà cho chuyên/ Chị về làm lễ gia tiên/ Thờ cha kính mẹ hai bên họ hàng (10).

Thách cưới thì các chị nói trào lộng như vậy, còn khi đã yêu nhau thì thực chất lại chẳng đòi hỏi sự giàu sang, phú quý. Đó mới là tình yêu đích thực. Những câu ca của hát ghẹo thể hiện rất rõ giá trị cao đẹp này: Em chẳng tham giàu về ruộng/ Em chẳng chuộng tiền quan/ Ước gì có lưới đương ngàn/ Để em quây lấy anh ngoan đem về… (11). Hoặc trong cỗ cưới thật đơn giản như cuộc sống thường nhật của họ vậy, chỉ có rau dưa do tự tay làm ra để hai họ cùng ăn, nhưng lại rất đầm ấm và hạnh phúc: Anh về thưa với mẹ cha/ Cuốc soi cho rộng để mà gieo rau/ Kẻo rau lên thẹp cắt rau nén thùng/Nữa mai đôi họ ta cùng ăn chung…(12). Khi tình yêu đã đơm hoa kết trái thì cũng cần phải có những dự định cuộc sống làm ăn cho tương lai. Ngay từ thời xa xưa ông cha ta đã quan niệm cuộc sống của con người khi an cư mới lạc nghiệp, phải có nhà ở, chịu khó làm ăn và tạo dựng cho mình một nghề nghiệp thì cuộc sống mới bền lâu và vững chắc: Mua tre nghiến đốt làm nhà năm gian/Nhà năm gian nhà ngang nhà dọc/ Trên thời dạy học, dưới lại viết văn (13).

Một giá trị nữa đó là vấn đề nhận thức được bộ mặt thật của giai cấp thống trị. Với vua quan phong kiến là tầng lớp chưa bao giờ thấu hiểu và thông cảm với nỗi khổ của người dân lao động. Chúng sẵn sàng đày đọa thanh niên là con em của người nông dân đi trấn thủ lưu đồn ở những nơi rừng thiêng nước độc, để bảo vệ quyền lợi riêng cho chúng. Mặc dù sự thật đó rất phũ phàng, cho dù có buồn, nhưng trong lời ca hát ghẹo vẫn có sự châm biếm sắc sảo: Buồn rầu buồn rĩ/ Buồn chát buồn chua/ Bồ hòn có ngọt thì vua đã dùng (14).

2. Giá trị thẩm mỹ, giá trị nghệ thuật

Giá trị thẩm mỹ

Lời ca hát ghẹo, nếu nhìn tổng thể lời ca thì hầu hết là những ngôn ngữ bình dân, nhiều khi có những từ ngữ địa phương khó hiểu. Nhưng trong sự mộc mạc ấy lại toát lên một vẻ đẹp hồn nhiên, duyên dáng nhờ hình thức nghệ thuật biểu hiện một nội dung tư tưởng trong sáng. Lời ca là những tiếng nói thông thường, nhưng từ ngữ chọn lọc, chính xác, rõ ràng, mạnh và chắc: Đèn ai leo lét trên lầu/ Hay đèn sư cụ trọc đầu đi tu…(15).

Kết cấu trong hát ghẹo hoàn toàn tự do theo biểu hiện tự nhiên của tình cảm. Nhiều câu ca mộc mạc, đơn giản mà không kém phần tế nhị: Chuồn chuồn mắc phải nhện vương/Ai mà vấn vít thì thương nhện cùng…(16). Lối ví von thông thường hàng ngày cũng được thường dùng trong lời của ghẹo: Nhớ chị cơm chẳng buồn nhai/ Chống đũa chống bát thở dài chị ơi (17).

Phương pháp sử dung hình tượng khá phong phú, vừa khái quát, vừa trừu tượng: Anh về dựa bóng sao mai/ Đêm khuya em biết lấy ai bạn cùng…(18). Hình tượng trong hát ghẹo biểu hiện một tâm hồn lãng mạn, duyên dáng lại khuôn trong những câu ca dao nên nó rất nhạc mà cũng rất thơ. Phần lớn lời hát ghẹo là những câu thơ theo thể lục bát, song thất lục bát, thất ngôn hay bốn chữ… Nội dung của nó chủ yếu là trữ tình đằm thắm, thể hiện cuộc sống tình yêu của những người nông dân bình dị: Lên rừng dứt quả khế chua/ Xuống khe bắt con ếch lội em treo náng cày…(19).

Trong cuộc sống hàng ngày, trong tình yêu đôi lứa của người nông dân Phú Thọ không thể thiếu được miếng trầu. Mời nhau miếng trầu, việc dễ, nhưng không đơn giản. Làm thế nào để người ta ăn, để người ta thấy được tình cảm chân thành của người mời, hát ghẹo cho thấy được điều đó: Cau tươi em hái ngoài cây/ Trầu không em hái ngoài dây đem vào/ Cau non tiện chũm lòng đào/ Trầu têm cánh phượng để vào đĩa con (20). Hay, những lời thăm hỏi tưởng rất mộc mạc của người con gái thôn quê, nhưng trong lại hàm chứa đầy ý tứ tế nhị, ước muốn thành đôi thành lứa, nên vợ nên chồng: Lúa chín anh chẳng gặt/ Em đi qua bờ em ngắt một bông/ Biết bao giờ cho anh có vợ?/ Biết bao giờ cho em có chồng?/ Buồng không bỏ vắng luống công em chờ…(21).

Bên cạnh tính trữ tình, hát ghẹo còn có hàng loạt bài độc đáo với những đề tài về tục nước nghĩa, về chống giặc ngoại xâm bảo vệ đất nước, cầu mong cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Đó là những ước mơ chính đáng mà hàng ngàn đời nay nhân dân ta vẫn hằng mong ước. Có thể nói: lời ca hát ghẹo mang một vẻ đẹp hồn nhiên, giản dị, trong suốt như nước suối nguồn, vượt qua năm tháng, sống mãi với thời gian và rung động lòng người.

Giá trị nghệ thuật

Hát ghẹo không chỉ là bông hoa đầy sắc hương trong vườn hoa văn học dân gian, mà còn là bông hoa đẹp trong nền âm nhạc cổ truyền dân tộc. Giá trị nghệ thuật âm nhạc của hát ghẹo trước hết là sự phong phú về giọng điệu. Chỉ tính riêng ở phần sang giọng, các cụ bảo có 36 giọng. Hát hết 36 giọng mới sang giọng ví. Có giọng hát trầm ngâm tha thiết như nhắn nhủ, nỉ non tâm sự, có điệu hát trong sáng bay bổng, rộn ràng châm biếm… Nhưng sự phong phú ấy được đặt trên nền của những đặc trưng chung về kết cấu, về phong cách… khiến cho hát ghẹo có đủ độ dày và có những yếu tố để xứng đáng là một thể loại dân ca giao duyên trong kho tàng dân ca cổ truyền Việt Nam.

Nhìn nhận trên phương diện âm nhạc thì thấy ở mỗi chặng của hát ghẹo đều có những giá trị nhất định.

Ở giọng ví, tính chất âm nhạc vô cùng đơn giản. Giai điệu của ví chủ yếu được xây dựng và vận hành trên thang 3 âm: rê – la – xi (quãng 8 thứ nhất). Tuy là ví, nhưng ví trong hát ghẹo ở Phú Thọ không ngân nga, dìu dặt, du dương như ở Nghệ An và mấy tỉnh phía bắc châu thổ Bắc Bộ. Âm thanh của ví ngắn gọn phù hợp với ngữ âm, tiết tấu đều đều, không phức tạp. Điều này phần nào cho thấy, ví trong hát ghẹo ở Phú Thọ mang nhiều yếu tố cổ xưa. Dẫu đơn giản chỉ có ba âm, nhưng sự vận hành của giai điệu ở ví cũng là bài học về cách tư duy sáng tác cho các nghệ nhân dân gian và các nhạc sĩ chuyên nghiệp.

Sang giọng sổng thấy rõ một bước chuyển trong tư duy âm nhạc của nghệ nhân hát ghẹo. Giai điệu âm nhạc tuy cũng chủ yếu vận hành trên thang 3 âm, cũng đã thấy xuất hiện bài 4 âm, nhưng đã có tính ca xướng hơn (22). Điều đó nghĩa là, nghệ nhân dân gian đã quan tâm ít nhiều đến sự liên kết tiết tấu trong việc xây dựng giai điệu. Đó cũng là một bài học quý giá để cho thế hệ sau học tập, tư duy.

Phần sang giọng, tính tiết tấu và giai điệu được đề cao hơn so với ví và sổng. Câu nhạc khúc triết, linh hoạt hơn và phần nào đã thoát khỏi những niêm luật của thơ. Giai điệu được vận hành chủ yếu trên thang 5 âm, nhưng cũng có bài 6 – 7 âm, có nhiều nốt luyến láy hơn. Cách phổ thơ không xuôi chiều như trong ví và sổng mà đã có sự điệp lại cụm từ đầu hay cuối câu, hoặc thêm những hư từ cho kết cấu câu nhạc rõ ràng, mạch lạc hơn.

Nhìn vào các chặng trong hát ghẹo, có thể thấy rõ nét về một diễn trình lịch sử của nghệ thuật hát ghẹo nói riêng, từ đó suy ra các loại dân ca khác nói chung. Phát triển từ đơn giản đến phức tạp, từ thô cứng đến mềm mại, linh hoạt, từ ít tính ca xướng đến nhiều tính ca xướng … đó là một quá trình tiếp nhận, chọn lọc tinh hoa từ những yếu tố bên ngoài để xây dựng nên diện mạo riêng của hát ghẹo Phú Thọ. Rồi cách thức xây dựng giai điệu trên các điệu thức khác nhau, cách thức phổ nhạc vào thơ… là những bài học kinh nghiệm về sáng tác mà các nghệ nhân dân gian Phú Thọ đã để lại cho những người sáng tác hiện nay.

Nhìn ở phương diện khác, sự phong phú và đa dạng của hát ghẹo qua âm nhạc và lời ca, là nguồn cung cấp tư liệu, tạo điều kiện để mở ra khả năng khai thác và phát triển thể loại dân ca này trong cuộc sống hiện đại. Hát ghẹo Phú Thọ nhìn chung là đơn giản, mộc mạc về thang âm, điệu thức, về tiết tấu, cấu trúc giai điệu… song sự đơn giản, mộc mạc ấy không đồng nghĩa với sự đơn điệu, nhàm chán, mà người nghệ sĩ dân gian đã khéo léo biến chuyển, thay đổi sắc thái âm thanh, khiến cho điệu hát mang nhạc tính cao và có sức hấp dẫn. Mặt khác, sự mộc mạc chưa được trau truốt kỹ lưỡng của hát ghẹo lại trở thành cái khung sườn, chất liệu tốt cho các nhạc sĩ thời nay dựa vào đó để sáng tác những ca khúc mới vừa mang yếu tố truyền thống, vừa có hơi thở của nhịp sống đương đại. Những ca khúc mới phát triển từ hát ghẹo như: Bắt ốc, Câu hát bên sông của Đào Đăng Hoàn; Tâm tình thợ xây đất tổ, Về nơi hát ghẹo của Hùng Khanh; Để anh cao số còn hơn của Thanh Phúc, hay Ngày xuân đi hội của Phạm Khương và Văn Lợi… đã có những thành công nhất định, là những minh chứng cụ thể về sự tiếp nhận từ những giá trị nghệ thuật trong hát ghẹo…

Trên phương diện nghệ thuật, thì lời ca cũng là một thành tố để tạo nên ngôn ngữ âm nhạc. Lời ca trong hát ghẹo cũng để lại nhiều ngôn từ địa phương cho các nhạc sĩ hiện nay – những người viết ca khúc, ca kịch – học hỏi, tạo nên những tác phẩm có giá trị trong nền âm nhạc mới Việt Nam.

_______________

1, 5, 6, 7, 8, 9, 11, 13, 14, 16, 20, 21, 22. Nguyễn Đăng Hòe, Bước đầu tìm hiểu hát ghẹo Vĩnh Phú, Ty Văn hóa Thông tin Vĩnh Phú xb, 1979, tr.11, 27, 28, 22, 30, 24, 38, 34, 49, 98, 17, 38, 37.

2, 3, 10, 12, 15, 17, 18, 19. Nguyễn Khắc Xương, Nguyễn Huy Thiện, Hát xoan hát ghẹo Vĩnh Phú (Giới thiệu – sưu tầm), Hội Văn học Nghệ thuật Vĩnh Phú xb, 1979, tr.134, 146, 150, 154, 168, 176, 173, 165.

            4. Tổng tập Văn nghệ dân gian vùng Đất Tổ, tập 3, Sở Văn hóa – Thông tin – Thể thao Phú Thọ, Hội Văn nghệ dân gian Phú Thọ xb, 2002, tr.60.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 339, tháng 9-2012

Tác giả : Đào Đăng Phượng

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *