Những hình thái xung đột trong kịch nói đề tài lịch sử


Xung đột trong kịch về đề tài lịch sử tồn tại dưới dạng những cặp đối lập nhị nguyên xoay quanh mối quan hệ giữa người với người; giữa nhân vật, sự kiện lịch sử với hoàn cảnh, thời đại lịch sử. Có thể chỉ ra một số cặp xung đột nhị nguyên trong kịch về đề tài lịch sử: khát vọng cá nhân – hiện thực xã hội (Những người ở lại); thật – giả, thiện – ác, tốt – xấu, chính nghĩa – gian tà (Con nai đen); ta – địch, thuộc địa – thực dân; dân tộc – ngoại xâm (Bắc Sơn, Những người ở lại)… Bài viết tìm hiểu một số xung đột cơ bản nhất trong kịch nói về đề tài lịch sử từ sau 1945.

Xung đột giữa dân tộc – phong kiến, thực dân

Xung đột giữa dân tộc Việt Nam với vua chúa phong kiến thối nát cũng như đế quốc thực dân là một trong những xung đột cơ bản nhất. Kịch lịch sử từ sau Cách mạng tháng Tám, khai thác mâu thuẫn dân tộc và vấn đề quốc gia nằm trong khuynh hướng văn học yêu nước đương thời. Đó là những mâu thuẫn nền tảng, trở thành cảm hứng chung cho toàn bộ các sáng tác thời kỳ 1945-1975… Nội dung phản ánh của văn học kịch giai đoạn này có tính chất đặc biệt bởi văn học luôn là tấm gương phản chiếu xã hội. Nhiều nhà văn lấy cảm hứng từ những cuộc nổi dậy, khởi nghĩa chống xâm lược làm cơ sở cho những tác phẩm. Tiêu biểu nhất cho phong trào yêu nước giai đoạn này là phong trào phục cổ (1). Lấy cảm hứng phục cổ, mượn các nhân vật, sự kiện từ lịch sử, nhằm gửi gắm những thông điệp mang tính thời đại. Các nhà viết kịch đã mượn tích xưa nói chuyện đời nay, thể hiện tình cảm yêu nước thầm kín qua mỗi vở kịch.

Kịch bản Quang Trung của Trúc Đường có nhiều trường đoạn mô tả sự kiệt quệ đến thê thảm của triều đình Lê Chiêu Thống. Qua đó, khắc sâu mối xung đột tận cùng giữa giai cấp thống trị và bị trị. Qua lời của Đinh Đề Lĩnh, người đọc có thể hình dung tình trạng mọt ruỗng, thối nát của triều đại cuối cùng của nhà Lê trung hưng. “Kho tàng triều đình trống rỗng rồi, mồ hôi nước mắt trăm họ dốc cạn cho hai mươi vạn quân Thanh rồi! Nay mai lại cả một lộ quân nữa kéo đến kinh đô, cơm gạo, rượu thịt lấy đâu mà cung đốn mãi? Người Nam ta đương chết đói đầy đường, đầy chợ, tướng quân có biết không? Nhà vua lại còn định theo lệnh quân giặc bêu đầu ta là một người suốt đời cúc cung tận tụy với hoàng triều, thế nghĩa là làm sao?”(2). Những lời lẽ trên đã phơi bày mối mâu thuẫn sâu sắc ngay bên trong triều đình. Những xung đột gay gắt trên trở thành những tiền đề cơ bản, dẫn đến sự suy sụp của triều đại cuối cùng nhà Lê trung hưng.

Bên cạnh mâu thuẫn giữa giai cấp thống trị và bị trị, trong mâu thuẫn dân tộc và vận mệnh quốc gia đã tạo ra nền tảng xung đột cho tác phẩm của Nguyễn Huy Tưởng ở mảng kịch hư cấu lịch sử. Kịch Bắc Sơn lấy bối cảnh cuộc khởi nghĩa nông dân có vũ trang ở Bắc Sơn, Đình Cả năm 1940-1941. Nguyễn Huy Tưởng đã nêu bật mâu thuẫn mang tính thời đại giữa toàn thể dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp. Bắc Sơn chính là hình ảnh thu nhỏ của cả nước ta trong những năm tháng đấu tranh chống thực dân Pháp. Trước hết, là những mâu thuẫn, đối lập trong nội bộ gia đình cụ Phương. Nếu như cụ Phương và Sáng đầy hăm hở với cách mạng thì Ngọc (con rể của cụ Phương) là tay sai cho giặc. Bên cạnh những xung đột gia đình về lòng yêu nước, vở kịch Bắc Sơn còn làm sống lại không khí một cuộc khởi nghĩa lịch sử của quần chúng nhân dân Bắc Sơn trong quá trình đấu tranh chống kẻ thù xâm lược. Các nhân vật chủ yếu của kịch Bắc Sơn là những người nông dân áo vải, họ đại diện cho lực lượng cách mạng đấu tranh chống lại thực dân Pháp xâm lược. Hãy xem lời cụ Phương nói về cuộc biểu tình: “Mấy mẹ con trông ra ngoài kia mà xem! Thiên hạ người ta đi biểu tình. Trâu cũng biểu tình. Bò cũng biểu tình. Cả cái tổng Nhất thể này người ta đi biểu tình. Thế mà ba mẹ con ở nhà được! Giỏi! Gan đấy! Thế mới gan! Gan đánh Tây được đấy…” (3). Trong kịch Nguyễn Huy Tưởng, lực lượng đối lập, thù địch với nhân dân thường không được xác định danh tính (ngoại trừ Chu Vũ trong Cột đồng Mã Viện hay những tên Việt gian như Ngọc, Dương, Cù Viên) mà hình ảnh của bọn chúng thường được nhắc tới qua lời thoại của các nhân vật khác với cái tên: nó, thằng Nhật, thằng Tây.

Nhìn chung, kịch nói từ sau Cách mạng tháng Tám đã có sự nở rộ của các sáng tác kịch nói hư cấu về đề tài lịch sử. Trong bối cảnh cả dân tộc trên con đường đấu tranh chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ, kịch nói lịch sử giai đoạn này phần nhiều đều hư cấu chất liệu lịch sử để qua đó, giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng kiên cường. Đồng thời qua đó, gửi gắm những thông điệp, bài học mang đậm hơi thở thời đại. Để đạt được hiệu quả nghệ thuật này, một trong những xung đột cơ bản và quan trọng nhất của kịch nói đề tài lịch sử là xung đột giữa dân tộc Việt Nam với bè lũ phong kiến thối nát và các đế quốc, thực dân.

Xung đột giữa vận nước – số phận con người; việc chung – việc riêng

Một xung đột khác trong kịch lịch sử đó là xung đột giữa việc nước – việc cá nhân, việc chung – việc riêng. Việc nước, việc tồn vong của dân tộc luôn là hoàn cảnh thử thách đối với nhân vật lịch sử khi phải đứng trước mỗi lựa chọn. Khi nhân vật lịch sử đứng trước những quyết định hệ trọng liên quan đến vận mệnh xã tắc, họ thường phải đánh đổi, hi sinh những tình cảm cá nhân. Kịch nói về đề tài lịch sử không đi sâu vào khai thác những quyết định hệ trọng của nhân vật lịch sử mà phơi lộ những góc khuất nội tâm, những bi kịch tâm trạng vốn được xem như là hệ quả của “sự vận hành nghiệt ngã của quyền lực”.

Trong các vở kịch thuộc đề tài lịch sử, Nguyễn Đình Thi thường chọn xung đột ở những thời điểm lịch sử nhạy cảm, căng thẳng để nhân vật lịch sử buộc phải lựa chọn những nỗi đau/ niềm riêng để giữ vận nước. Rừng trúc chọn thời điểm chuyển giao giữa hai triều đại Lý – Trần, cũng là lúc bóng quân xâm lược Nguyên đã ngấp nghé biên thùy. Nguyễn Trãi ở Đông Quan lấy tình huống là thời kì quân Minh xâm lược, trước khởi nghĩa Lam Sơn. Tác phẩm đã phản ánh chân thực một thời điểm nhậy cảm của dân tộc và tư tưởng của người trí thức vào thời điểm đầy kịch tính ấy: “Đêm nay đất trời sao mà thăm thẳm – Non sông cách đường nghìn dặm. Sự nghiệp buồn đêm trống ba… Chúng ta lại một phen mất nước nữa hay sao?…”(4).

Xung đột gay gắt giữa việc nước và việc người được phát biểu qua nhân vật Trần Thủ Độ: “Phải làm thế nào cho việc nước, đó là cái lẽ của người cầm nắm việc lớn. Đã nắm việc nước, ắt phải xem bất cứ cái gì khác cũng là nhỏ, chỉ có việc nước là đáng kể thôi”. Khi việc nước được đặt trong tình huống “ngàn cân treo sợi tóc” như thế, quyết định của những người đứng đầu đất nước có một sức ảnh hưởng lớn lao đến số phận của cả dân tộc. Đặt sự lựa chọn vào những nhân vật lịch sử quan trọng, Nguyễn Đình Thi đã nói lên được những vấn đề lớn lao của bất kỳ quốc gia nào. Phan Trọng Thưởng rất đúng khi nhận xét: “Rừng trúc là một bi kịch lịch sử… Bi kịch về quyền lực chính trị của dòng họ và vương triều trước chuyển biến của lịch sử, bi kịch về thân phận con người trước sự vận hành nghiệt ngã của quyền lực” (5).

Vận nước, việc nước, việc chung còn làm xói mòn, hủy hoại số phận cá nhân, quan hệ con người. Ở Rừng trúc, xung đột giữa vận nước và số phận, tình cảm con người có khả năng làm rạn nứt, làm vỡ tung tất cả những mối quan hệ máu mủ tưởng như bền chặt không thể nào chia cắt được. Tình huynh đệ, tình chị em, tình mẫu tử, tình chú cháu trở nên biến dạng, méo mó, phủ đầy thù hận đến mức không thể thương thỏa. Với Lý Chiêu Khanh, bên cạnh nàng “nào chồng, nào mẹ, nào chị…”, biết bao nhiêu người, bao nhiêu mối quan hệ đã bị ảnh hưởng. Trần Cảnh nghe những lời tâm sự của Chiêu Thánh đã đau đớn nghẹn ngào thốt lên: “Trời ơi! Vậy mà bấy lâu nay tôi có mắt như mù. Ta chưa hiểu gì về những nỗi thầm lặng ở đời”. Trước thái độ quyết liệt của Trần Cảnh, Chiêu Thánh đã trả lời: “Vâng, việc nước là lớn nhất, nhưng việc người với người cũng không phải là nhỏ hơn”. Lời Chiêu Thánh có thể coi là tư tưởng nhân văn của mọi thời đại bởi. Suy cho cùng thì văn học bao giờ cũng đứng về phía con người, số phận cá nhân. Trên lập trường công dân, Nguyễn Đình Thi luôn đồng tình với sự lựa chọn “việc nước là việc lớn”, nhưng trên lập trường nghệ sĩ, nhà văn thấy “việc người không phải nhỏ hơn”.

Trong vở kịch Nguyễn Trãi ở Đông Quan, trước vận nước lâm nguy, những bậc trí thức lớn như Vũ Mộng Nguyên, Lê Cảnh Tuân khư khư ôm giữ chữ trung, còn Nguyễn Trãi thì bỏ nhà Trần, bỏ cả nhà Hồ (mắc vào tội bất trung) để tìm theo Lê Lợi, lo việc đánh giặc cứu nước. Rõ ràng vận nước luôn là cơ hội để thử lòng người. Trong Rừng trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Nguyễn Đình Thi chủ yếu tập trung những xung đột cơ bản về thật/ giả, thiện/ ác, tốt/ xấu, chính nghĩa/ gian tà hướng tới những vấn đề nhân bản. Nhà văn không dùng bạo động/ bạo lực để tháo gỡ xung đột mà thường dựa trên sự tự thức và quá trình chất vấn nội tâm của nhân vật. Nhờ đó, Nguyễn Đình Thi đã phơi lộ một thế giới nội tâm đầy phức tạp của những nhân vật lịch sử vốn chỉ được tiếp cận, biết đến ở phương diện chính trị. Chính cách tiếp cận này đã mang đến những lý giải, cảm nhận thú vị, biến những hóa thạch lịch sử trở nên sống động hơn.

Tái hiện hính ảnh Vua Quang Trung trong Lễ hội Gò Đống Đa

Ảnh Phạm Lự

Ở kịch bản Những người ở lại (Nguyễn Huy Tưởng), đứng trước mâu thuẫn dân tộc và vấn đề của quốc gia trong tình cảnh đầy khó khăn, thử thách, nhân vật bắt buộc phải chọn lựa, hoặc hi sinh cho Tổ quốc, hoặc giữ thái độ im lặng trước thời cuộc. Sự kiện thực dân Pháp chuẩn bị đánh chiếm lại thủ đô đã ảnh hưởng sâu sắc đến gia đình bác sĩ Thành nói riêng, nhân dân thủ đô nói chung. Nguyễn Huy Tưởng đã đặt tấn bi kịch cá nhân, gia đình trước biến cố to lớn của lịch sử, thời đại (sự kiện Hà Nội vườn không nhà trống). Những người Hà Nội đứng trước sự lựa chọn đầy cân não: ở lại trong thành hay ra hậu phương theo kháng chiến.

Với xung đột giữa vận nước – số phận con người; việc chung – việc riêng, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Huy Tưởng đã gửi gắm những suy tư, chiêm nghiệm sâu sắc về lịch sử và nỗi niềm nhân thế. Chính khía cạnh này khiến kịch nói hư cấu về đề tài lịch sử trở nên gần gũi hơn với công chúng, nhân vật lịch sử đem lại những rung động sâu sắc cho độc giả, khán giả.

Xung đột nội tâm

Sự xuất hiện khá dày những màn độc thoại đã biểu đạt sâu sắc những giằng xé quyết liệt trong khối óc, con tim, trong tình cảm, lý trí của nhân vật trước những bước ngoặt lớn trong cuộc đời. Khi ấy, số phận không chỉ là số phận của cá nhân, mà còn là của cả quốc gia, dân tộc. Nếu như các nhà viết sử khai thác các sự kiện, diễn biến lịch sử theo tinh thần khách quan nhất, cố gắng dựng nên một cách trung thực nhất sự kiện, biến cố lịch sử thì với các nhà viết văn, còn có quá nhiều những góc khuất của lịch sử chưa được phản ánh, lý giải. Với sáng tác hư cấu về đề tài lịch sử, đặc biệt ở những sáng tác đi theo chiều hướng xây dựng mô hình con người cá nhân (hoàn toàn khác biệt với mô hình con người – sử thi, vốn thường thấy trong văn học chiến tranh). Vì thế, mỗi nhân vật lịch sử qua lăng kính của văn chương không còn là những hình tượng bất biến, xơ cứng như trong sử sách nữa mà được tái trình hiện với đầy những mâu thuẫn, những giằng xé nội tâm phức tạp.

Nguyễn Đình Thi, tác giả của kịch lịch sử Rừng trúc, Nguyễn Trãi ở Đông Quan…, đã quan niệm cả cuộc đời sáng tác của ông, phương diện con người với toàn bộ đời sống nội tâm phức tạp của nó, trở thành đối tượng của nghệ thuật: “Nếu mục đích chính của người viết là kể lại các sự việc thì đó là viết lịch sử, hoặc viết kí sự. Người viết lịch sử khi trình bày một nhân vật thì trước hết nêu lên kết quả các việc làm của nhân vật ấy. Người viết tiểu thuyết khi nhằm vào một nhân vật lịch sử thì trước hết nhìn vào con người của nhân vật ấy và miêu tả con người trong toàn bộ đời sống của nó, cả trong đời công lẫn đời riêng, trong việc làm, lời nói, trong tâm tư tình cảm…” (6). Sáng tác kịch về đề tài lịch sử của Nguyễn Đình Thi thường sử dụng những trường độc thoại dài khiến nhân vật của ông hiện lên sống động với những suy nghĩ, hành động chân thực, những giằng xé, dằn vặt khó bề giải tỏa. Đây là màn độc thoại của Chiêu Thánh (Rừng trúc):

“Trong buổi hôm nay, ta sắp phải gặp tất cả đây… nào chồng, nào mẹ, nào chị,… còn ai gần gũi hơn nữa (cười)… nào ta còn ai khác là máu mủ ruột thịt trên đời này nữa!…

Chẳng còn ai khác. Ta chẳng còn ai…

Cả mấy người ở một bên… Bỏ ta một mình bên này… Chưa đến nỗi là thù… nhưng không phải là những người ở với ta cùng một đời nữa rồi… Sao lại như vậy?

Chỉ có một người ở với ta mãi thôi. Một người không bao giờ bỏ ta. Chỉ có một người thật thương ta, thương ta mọi nỗi. Cha ơi cha! (khóc)…”.

Diễn tả cuộc sống qua những hình thái mâu thuẫn, kịch nói về đề tài lịch sử thể hiện rõ một khuynh hướng khái quát và chiêm nghiệm sâu sắc. Từ bi kịch cá nhân đến bị kịch cộng đồng, các kịch gia đều muốn gửi gắm những thông điệp triết lý riêng. Vì thế, ngôn ngữ kịch nói khai thác đề tài lịch sử thường mang đậm dấu ấn văn hóa, thấm đẫm chất trí tuệ và giàu ẩn ý, triết lý. Kịch lịch sử nói riêng, hư cấu lịch sử nói chung đang ngày càng có khuynh hướng khước từ những diễn ngôn lịch sử, chính trị, những đại tự sự (meta-narratives). Thay vào đó, chúng trở về với văn hóa dân gian, gắn với diễn ngôn trần thuật của con người đời thường. Từ đó, kịch lịch sử đã thay đổi khuynh hướng không kể về cuộc đời các vĩ nhân, lịch sử triều đại, quốc gia, thay bằng các mảnh ghép, lát cắt lịch sử.

_______________

1. Phong trào phục cổ trong kịch sau năm 1945 là sự nối tiếp khuynh hướng kịch của giai đoạn 1936 – 1945. Dưới sự ra đời của Đảng Cộng Sản Việt Nam, sân khấu giai đoạn 1940 – 1945 nở rộ những vở kịch viết về đề tài lịch sử.

2. Trúc Đường, Quang Trung, Nxb Văn học, Hà Nội, 1962, tr.125.

3. Nguyễn Huy Tưởng, Kịch, Nxb Văn học, Hà Nội, 1963, tr.158.

4. Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Trãi ở Đông Quan, Nxb Sân khấu, Hà Nội, 2006, tr.106.

5. Hà Minh Đức, Trần Khánh Thành, Nguyễn Đình Thi: Về tác giả – tác phẩm, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2007, tr.361.

6. Nguyễn Đình Thi, Công việc của người viết tiểu thuyết, Nxb Văn học, Hà Nội, 1964, tr.99.

Tác giả : Trần Thị Thư

Nguồn : Tạp chí VHNT số 410, tháng 8-2018

 

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *