Những hình thức diễn xướng múa của người ê đê


 

1. Phác thảo tộc người Ê đê ở Tây Nguyên

Người Ê đê là tộc người thuộc nhóm Nam đảo, nhà nghiên cứu dân tộc học Lê Sĩ Giáo (1) xác định Ê đê còn nhiều tên gọi khác: Ra đê, Đê. Theo chiều lịch sử, danh tự Ê đê có nguồn gốc từ cách đọc âm của người Chăm, bia ký Chăm pa cổ nhất tại Tháp Bà Pô Naga vào khoảng TK VIII đã ghi chép về tộc danh Orang Đê vùng sông Nha Trang, sông Dinh, sông Hinh. Từ Orang đê sau này bị biến âm thành Ra đê, Ra đêy hay Ê đê. Đến cuối TK XIII, các làn sóng người Chăm pa vùng ven biển Trung, Nam Trung Bộ liên tục chuyển cư lên vùng bình nguyên Cheo Reo hỗn dung với cộng đồng Ê đê cổ, từ đó tạo ra nhóm tộc người mới Anak Jarai. Ngoài ra, người Ê đê còn tự nhận là nhóm tộc Đê gar, Ê đê Ê ga – cao nguyên (theo cách đọc theo tiếng Phạn Ấn Độ cổ), Anak Đêgar – người trên Cao Nguyên. Hiện nay, các nhóm cư dân Ê đê nhận tự thân là Anak Aê diê, đọc chệch thành Anak Ê Đê – những người con do trời sinh ra.

Trong diễn xướng dân gian của người Ê đê như: ca hát, đánh cồng, chiêng và các loại nhạc cụ như đinh năm, đinh tuốc… thì múa là nghệ thuật hình thể đầy cảm xúc, biểu hiện cao. Người Ê đê coi múa như hình thức sinh hoạt văn hóa nhằm cố kết cộng đồng bền chặt. Mặc dù diễn xướng múa không đậm đặc như một số tộc người khác, nhưng các động tác luôn hiện hữu với biểu hiện có sức thu hút đặc biệt, tạo cho người xem liên tưởng trực giác đầy gợi cảm, giàu cá tính. Đồng thời, múa Ê đê thể hiện văn hóa tín ngưỡng sâu sắc, niềm tin giống nòi được trao truyền qua các thế hệ, không chỉ đối với thế giới tâm linh mà còn với thế giới quan xung quanh.

Múa trong phát âm của người Ê đê là k’do, được hiểu như một danh từ chung. Tùy theo cách, động tác, nghi thức múa, ngôn ngữ Ê đê luôn xác định rõ tên gọi cụ thể. Do đó k’do thường không phải tên điệu múa, do quan niệm, cách hiểu của người Ê đê cho rằng những động tác đang thực hiện (thực chất là múa) chỉ mang tính nghi thức trong cúng tế hoặc nghi lễ. Những hình thức múa gắn bó với nghi thức dân gian có cấu trúc đơn giản, động tác không phức tạp nhưng đầy tính biểu cảm. Cách thức múa trong nghi lễ chủ yếu mô phỏng các động tác của con người trong đời sống, sinh hoạt, lao động hàng ngày, vừa phong phú vừa mang nhiều nét phóng túng, ngẫu hứng. Quần áo múa là bộ trang phục mang tính biểu tượng, giàu sắc thái Ê đê khi có lễ hội, không có trang phục riêng, ngoại trừ trường hợp đối với múa grưh.

2. Những điệu múa Ê đê tiêu biểu

K’tung khăk (tùng cắc)

Đây là điệu múa phổ biến trong các nhánh tộc: Ê đê Kpăh, Adham, M’Dhur, K’rung nhưng ít gặp ở người Ê đê Bih. Múa k’tung khăk giữ vai trò chủ đạo trong các lễ hội, từ gia đình ra ngoài cộng đồng như: lễ mừng nhà mới (đi| dôk sang m’râo), lễ rước kpan vào nhà (m’đi| kpan), lễ chúc phúc, đặc biệt là lễ chúc phúc mà có ăn trâu (k’bao sa kpiê k’juh), lễ bỏ mả (lui m’sat).

Không gian múa k’tung khăk không có quy định rõ ràng, thông thường trên sàn phía trước nhà dài, ngoài ra ở phía dưới sân, hoặc ngoài bãi đất rộng.

Nhạc khí sử dụng múa k’tung khăk luôn có trống lớn h’gơr và chiêng k’nah. Tuy vậy, chiêng k’nah không dùng bộ (7 – 10 chiêng), mà chỉ sử dụng ba chiêng: m’đu, h’liang và khơk hoặc h’luê khơk.

Cách sử dụng trống h’gơr có quy định rõ ràng, mặt bịt bằng da trâu cái được đánh lên dành cho người múa chính, người thứ 2 giữ nhịp phía mặt bịt da trâu đực, người thứ 3 cầm một thanh tre đập dập gõ vào thành trống.

Ở phần đánh chiêng, ngoài phần giữ nhịp của chiêng mđu, hai chiêng hliang và khơk đánh đối đáp, đan cài nhau trên một nền tiết tấu trì tục, nhưng rất sôi nổi, tên là điệu chiêng tông ghat.

Múa k’tung khăk gồm một nam và nhóm nữ, người nam giữ vai trò múa chính với nhiều động tác khoáng đạt, phong phú, di chuyển rộng. Quan sát trực tiếp cho thấy, người múa chính không chỉ mở rộng không gian múa, mà còn tham gia trực tiếp gõ vào mặt trống, tang trống theo tiết tấu riêng đầy ngẫu hứng. Có lúc họ gõ hai dùi vào thanh tre hoặc thanh gỗ đặt trước mặt trống.

Về ngôn ngữ, tên gọi là múa k’tung khăk xuất phát từ 2 thanh âm do người múa chính tạo ra khi gõ vào mặt trống, tang trống, nghĩa tiếng Việt là tùng – cắc.

Cùng với nam múa chính, nhóm nữ múa phụ họa bằng các động tác tap m’niê. Đội hình múa tap m’niê thường tạo vòng tròn lớn xung quanh múa chính và tốp gõ trống, chiêng. Múa tap m’niê có hai lối diễn xướng khác nhau: người Ê đê M’Dhur tạo động tác tap m’niê chậm rãi, trang trọng. Khi chân dùng làm trụ nhún theo nhịp thì chân kia di chuyển theo một vòng cung, hai tay guộn nhẹ nhàng theo chiều mở cùng hướng với chân, tiếp theo đổi lại chân và hướng. Khác với người Ê đê M’Dhur, người Ê đê Kpă làm động tác tap m’niê nhanh, vui, rộn ràng hơn. Hai tay đánh chụm vào nhau về phía trước, sau đó dang tay ra hai bên về phía sau, phía trước tay ngửa, phía sau tay úp.

Múa k’tung khăk diễn ra vui vẻ, rộn ràng hay không đều do múa chính dẫn dắt. Ngoài những động tác có sắc thái riêng biệt, cách thức múa phong phú, kết hợp với di chuyển rộng. Múa chính thường xuyên gõ hai dùi trống vào nhau cùng với tạo hình bằng tư thế: phía trước, sau lưng, lúc co một chân gõ phía dưới. Đặc biệt là phần điểm trống, âm tùng – k’tung (gõ vào mặt trống), âm cắc – khăk (gõ vào tang trống) được sử dụng đầy sáng tạo. Trên nền trống, chiêng trì tục, các âm k’tung – khăk nổi lên như phần diễn tấu sô lô, tạo âm hưởng nổi trội với sắc thái riêng biệt, tính ngẫu hứng cao và là linh hồn của cả điệu múa.

Múa k’tung khăk sử dụng trong các lễ hội chúc mừng, cầu ước. Tuy vậy, tại xã Ea Hô, huyện Krông Năng, người Ê đê Adham sử dụng k’tung khăk làm điệu múa nghi thức cuối cùng trong lễ bỏ mả, chia tay hồn người chết. Họ gọi điệu múa này là m’kăm prook (prook nghĩa là con sóc). Toàn bộ điệu múa hoàn toàn giống với k’tung khăk, chỉ có một khác biệt nhỏ trong động tác của người múa chính thể hiện sự nhanh nhẹn, linh hoạt của con sóc.

Có ý kiến cho rằng vùng Krông Năng có sự cộng cư, giao thoa giữa người M’nông Kuên và Ê đê Adham. Quá trình tiếp biến văn hóa lâu dài giữa hai tộc người đã hình thành hiện tượng riêng biệt này. Một lý giải khác, người Ê đê Adham dùng điệu mkăm prook như phần biến thể của k’tung khăk để mừng ngôi nhà mồ (trong lễ bỏ mả) đã hoàn thành giai đoạn chuyển kiếp, để hồn người chết về với buôn Đung, buôn Đai, thế giới của ông bà, tổ tiên.

Ghat khil (múa khiên).

Ghat khil là điệu múa dùng trong các nghi lễ rước kpan, lễ mừng chiến thắng, lễ trưởng thành cho các chàng trai (lễ mừng nhà mới không dùng).

Tên gọi là múa khiên – ghat khil nhưng không sử dụng từ kdo mà dùng ghat, cách đọc theo âm cổ Ê đê nghĩa là nghi thức. Cùng với chiếc khiên chế tác bằng gỗ hoặc da trâu, người múa còn dùng kiếm, đao thuộc nhóm binh khí hộ thân. Tuy vậy trong nghi thức ghat khil (phần mở đầu) lễ ăn trâu và lễ cúng bến nước, người Ê đê đôi lúc dùng giáo thay cho kiếm.

Nhóm động tác ghat khil chủ yếu dùng khiên rung, lắc hoặc đánh, gạt. Trên mặt khiên gắn cặp ching kngăn (còn gọi là krieo), tức là hai chũm chọe nhỏ bằng đồng có gai và một chùm ring rieo (lục lạc, quả nhạc). Khi khiên rung, lắc, đánh, gạt tạo nên tổ hợp đa âm thanh lúc reo vui, lúc dữ dội đầy dũng mãnh. Múa khiên chủ yếu mang tính chất ngă ang/ thị uy, ra oai, do đó những động tác chiến đấu tạo không khí căng thẳng, dữ dội không xuất hiện như đâm, chém, đỡ, gạt.

Múa khiên là múa đơn, không thấy có hai người hoặc nhiều người cùng múa. Tuy vậy, ngoài người nam múa khiên chính, còn có nhóm nữ múa phụ họa tương tự như múa k’tung khăk.

Âm nhạc dùng trong múa khiên là trống h’gơr cùng ba chiêng mđu, hliang, khơk diễn tấu theo điệu chiêng Tông ghat. Sự trùng lặp trong âm hưởng và sử dụng nhạc khí dẫn đến một số trường hợp múa khiên kết hợp với múa k’tung khăk (như đã nói ở phần trên).

Các động tác múa khiên mang tính ngẫu hứng cao, rất phong phú, nhưng không theo cấu trúc được định hình nên tùy theo vùng và nơi sinh sống, người Ê đê luôn tự tạo ra các động tác múa khiên bay bổng, sáng tạo theo cảm hứng, niềm say mê.

Kdo jông (múa rìu)

Tên đầy đủ của điệu múa này là kdo jông ngă ang yang ktâo (nghĩa tiếng Việt là múa rìu thị uy với tà ma). Đây là điệu múa duy nhất của người Ê đê có sử dụng từ kdo nghĩa là múa.

Cũng như các hình thức múa nghi lễ khác, múa rìu là điệu múa nằm trong chuỗi các lễ cúng, quy ước phong tục, tín ngưỡng, tâm linh. Trước hết múa kdo jông gắn bó mật thiết với lễ thức dùng rùi chặt gỗ làm chiếc ghế kpan. Để thực hiện, người Ê đê vào rừng chọn một cây gỗ tốt, thường là gỗ cam xe, hương, cà chít, yêu cầu cây phải thẳng, cao, đường kính lớn, không bị rỗng ruột. Sau khi đã chọn, một lễ cúng lớn, có ăn trâu được tổ chức để tiến hành nghi thức xin cây. Tiếp theo, thày cúng đem một con gà, một ché rượu dẫn bảy chàng trai cầm rìu vào rừng, đến cây gỗ to đã chọn và thực hiện lễ cúng thần rừng. Lúc này các chàng trai thực hiện điệu múa rìu bằng chiếc rìu trên tay, họ múa xung quanh cây gỗ đã chọn. Múa rìu không mô phỏng các động tác lao động như chặt, bổ, đẽo, chủ yếu là những động tác di chuyển vòng quanh cây gỗ, sau đó nhóm múa rìu cử ra một người tài giỏi nhất, đứng từ xa phóng lưỡi rìu cắm phập vào thân cây, hoàn thành xong mọi người ra về.

Sáng hôm sau vào rừng, nếu lưỡi rìu còn cắm trên thân cây có nghĩa là thần rừng, thần cây đồng ý, cho phép mọi người tiến hành hạ cây và đẽo ghế kpan ngay tại rừng. Nếu cây rìu rơi xuống đất, nghĩa là thần rừng, thần cây không đồng ý, mọi người không được hạ cây được chọn, phải tìm cây khác. Chọn được rồi, lại tổ chức múa rìu và lễ xin cây từ đầu.

Múa rìu là một điệu múa độc đáo, gắn liền với tín ngưỡng, phong tục, tập quán, đồng thời in đậm sắc thái văn hóa riêng của người Ê đê. Hiện nay, rừng đang bị khai thác cạn kiệt, múa rìu không còn không gian diễn xướng nên cũng vắng bóng. Duy nhất vào năm 1984, sở Văn hóa Thông tin Đắc Lắc tổ chức phục dựng múa rìu trong quá trình làm ghế kpan cho nhà sinh họat cộng đồng tại xã Dliê Ya – Buôn Hồ. Sau đó, múa rìu đã hoàn toàn mất hẳn, do rừng đã quá xa các khu dân cư.

         Chim grưh

Trong truyền thuyết Ê đê, chim grưh được mô tả là loài chim đuôi dài, màu lông sặc sỡ, trên đầu có mào, mỏ nhọn sắc và ăn thịt sống. Chim grưh sống thành đàn, những đêm không trăng thường bay vào buôn làng. Các nhà điểu học hiện nay vẫn chưa xác định chim grưh thuộc loài nào: đại bàng, diều hâu hay kền kền. Chỉ biết rằng người Ê đê coi chim grưh là loài chim thần, nhiều tài phép, luôn xuất hiện trong chuyện kể, truyền thuyết đầy màu sắc huyền thoại, nửa thực, nửa hư.

Theo quan niệm tâm linh, người Ê đê cho rằng khi người vừa chết, chim grưh bay vụt đến cướp hồn mang đi giam cầm ở một nơi. Chỉ đến khi làm lễ bỏ mả, chim grưh bay đến lượn nhiều vòng, đưa hồn người chết về buôn atâo, buôn của thế giới ông bà do hai vị thần H’Đung và H’Đai cai quản. Do đó, múa grưh trở thành múa nghi thức không thể thiếu trong đám tang và lễ bỏ mả của người Ê đê. Khi tìm hiểu múa nghi lễ của nhiều tộc người ở Tây Nguyên, một đặc điểm không thể bỏ qua, đó là hình thức múa trong đám tang, trong lễ bỏ mả chỉ thấy ở tộc dân Ê đê.

Người Ê đê không dùng từ kdo – múa cho điệu múa này, chỉ gọi là grưh gồm hai động từ chỉ động tác phiar – bay vụt đến và wăl – lượn. Đây cũng là hai cách khác nhau trong múa grưh.

Âm nhạc cho múa grưh bao gồm các nhóm tiết điệu của bài chiêng ngă yang (cúng yàng) dùng trong nghi lễ đám tang và lễ bỏ mả.

Trước đây nhiều buôn làng có từ 5 đến 7 bộ trang phục dành cho múa grưh. Dựa trên kiểu áo, váy truyền thống nhưng cách dệt nhiều hoa văn, chọn lựa kỹ càng chất liệu sợi tạo cho trang phục đẹp hơn, đặc biệt có thêm các tua vải và dây xà tích bằng kim loại. Hiện nay khắp các buôn làng Ê đê những bộ trang phục múa grưh cổ truyền hầu như không còn. Chỉ có bảo tàng Đắc Lắc sưu tập được ba bộ trang phục này.

Pah h’gơr (vỗ trống)

Một trong những điệu múa giàu tính cộng đồng nhất của người Ê đê là múa pah h’gơr, có nghĩa là vỗ trống.

Đây là điệu múa của người Ê đê M’Dhur vùng M’Đrắk và Ea Kar. Những năm 80 TK XX, vùng M’Đrắk có hai nghệ nhân Ama Pac và Ama Her rất nổi tiếng múa pah h’gơr.

Múa pah h’gơr luôn gắn bó với diễn tấu chiêng, người múa bao giờ cũng dẫn đầu di chuyển theo chiều ngược kim đồng hồ với động tác rất phong phú. Người múa trước hết phải biết vỗ trống với rất nhiều kiểu, lối khác nhau như: kiểu hai tay cùng vỗ, tạo tiết tấu nhịp cùng hỗ trợ, đan xen vào nhau; kiểu phân tay trái giữ nhịp còn tay phải vỗ các tiết tấu lúc nhanh, lúc chậm, tạo ra âm thanh khi thì dồn dập, khi thì đuổi nhau.

Cùng với việc vỗ trống tạo các nhóm tiết tấu là những động tác diễn xướng hết sức ngẫu hứng. Các bước chân khi múa vỗ trống không bị chi phối theo quy luật, mà thực hiện các bước chân khi đưa ra phía trước, lúc lùi lại đằng sau, nhanh hoặc chậm đều xuất phát từ cách vỗ trống. Động tác nhún trong múa cũng khá lạ, người múa không nhún vào phách mạnh của nhịp mà nhún ngược nhịp bằng các động tác nhồi, nảy.

Cùng với động tác bước tới, lui, xoay ngang kết hợp nhịp nhàng với nhún trên nền tiết tấu độc đáo của vỗ trống đã tạo nên sắc thái riêng biệt, độc đáo.

Múa pah h’gơr thường được sử dụng trong các lễ cúng, các cuộc vui (ít sử dụng trong tang lễ).

Hiện tượng chỉ có tộc dân Ê đê M’Dhur múa pah h’gơr (trong khi các nhánh Ê đê khác không sử dụng) được giải thích: quá trình thâm nhập tự nguyện giữa nhóm Ê đê M’Dhur với nhóm M’Dhur diễn ra sâu sắc, trong đó hỗn dung tộc người (Ê đê M’Dhur ở Đắc Lắc là một nhánh của tộc người Ê đê, trong khi người M’Dhur ở Gia Lai lại được coi là một nhánh của tộc người Gia rai) do đó từ 2 tộc dân Ê đê M’Dhur và M’Dhur (Gia rai) đã hình thành nên nhóm Ê đê M’Dhur.

Hiện nay múa pah h’gơr rất ít gặp, người biết múa và đặc biệt là múa giỏi hầu hết đã mất hoặc quá già. Một vài vùng Ê đê M’Dhur có ý thức tái tạo lại múa pah h’gơr để tham gia liên hoan, hội thi, hội diễn, nhưng đã bị pha các yếu tố sáng tạo mới theo kiểu văn hóa quần chúng.

Pah kngăn drông yang (vỗ tay gọi yàng)

Đây là hình thức múa dùng trong các lễ cúng lớn. Trước khi tiến hành điệu múa này là nghi thức mbo ea (đổ nước). Trình tự như sau:

Trước hết dùng quả bầu lớn đổ nước vào ché cúng chính, tiếp theo trai gái dùng ống đing ea (ống nứa to, đục thông các mắt, khắc hoa văn) lấy nước từ bến nước về đổ vào các ché rượu.

Múa pah kngăn drông yang diễn xướng phía sau cột lễ và các ché rượu cần, động tác thoải mái, đơn giản, theo nhịp tiết tấu tự do. Đầu tiên người múa nghiêng người, chân nhún nhẹ cùng lúc hai tay vỗ vào nhau phía bên sườn, sau đó duỗi hai tay sang ngang, vừa rung lắc bàn tay vừa đưa tay vòng qua đầu sang phía ngược lại, tiếp theo lại nghiêng người rồi vỗ tay làm động tác như bên kia. Tổ hợp động tác lặp lại từ 3 đến 5 lần tùy thuộc vào độ cao khác nhau của động tác vòng tay: từ trên cao thấp dần xuống hoặc từ thấp lên cao. Sau đó những người múa sử dụng động tác nhún nhẹ, hai tay bật cổ tay đi vòng quanh cột lễ và các ché rượu.

Múa pah kngăn drông yang thực hiện trên nền chiêng ngay sau khi thày cúng đọc xong lời cúng. Số người múa bao giờ cũng là số lẻ: 3,5 hoặc 7 người.

Múa pah kngăn drông yang có động tác đơn giản, được đặt trong một chuỗi các nghi thức bắt buộc trong một số lễ cúng lớn nên hiện nay khá nhiều buôn làng vẫn còn giữ được.

Nghi thức múa Pah Kngăn drông yang kết hợp cùng diễn tấu chiêng và nghi thức mời rượu tạo hiệu quả cao trong tổ chức cộng đồng, thể hiện bản sắc văn hóa Ê đê trong các lễ hội lớn.

3. Kết luận

Múa dân gian Ê đê với nhiều hình thức diễn xướng khác nhau nhưng tựu chung lại vẫn toát lên một nét đẹp độc đáo mà bình dị. Bốn đặc điểm sau đây đã khiến múa dân gian Ê đê mang trong mình những giá trị văn hóa lớn: gắn liền với nghi lễ mang tính tín ngưỡng, tâm linh; tính cộng đồng cao, phân định rạch ròi giữa người diễn và người xem là không có; mang tính ngẫu hứng, sáng tạo tức thì nên rất phong phú, đa dạng và cũng kèm theo nhiều dị bản nếu không chắt lọc kỹ lưỡng; động tác mang tính biểu cảm rất cao nhưng dễ nhớ, dễ truyền thụ.

Múa Ê đê gắn bó khăng khít với không gian văn hóa cồng chiêng. Nếu ta gìn giữ, bảo tồn và phát huy những những hình thức diễn xướng múa cổ truyền của Ê đê và các dân tộc khác ở Tây Nguyên tức là góp phần bảo tồn Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là kiệt tác truyền khẩu và văn hóa phi vật thể của nhân loại.

_______________

1. Lê Sĩ Giáo (chủ biên), Dân tộc học đại cương, Nxb Giáo dục, Hà Nội, 2003.

2. Nhiều tác giả, Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh ở phía Bắc), Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1978.

3. Nhiều tác giả, (1984),Các dân tộc ít người ở Việt Nam (Các tỉnh ở phía Nam), Nxb KHXH, H.

4. Ngô Đức Thịnh (chủ biên), Văn hóa dân gian Ê đê, Sở Văn hóa Thông tin Đắc Lắc, 1995.

5. Vũ Lân, Trương Bi, Nhạc cụ dân gian Ê đê – Mơ nông, Nxb Văn hóa Dân tộc, Hà Nội, 2009.

6. Vũ Lân, Nghệ thuật diễn xướng dân gian Ê đê – Mơ Nông ở Đắc Lắc, Tư liệu nghiên cứu địa chí Đắc Lắc, 2010.

Nguồn : Tạp chí VHNT số 351, tháng 9-2013

Tác giả : Nguyễn Quỳnh Lan

Đánh giá post

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *